Thứ Hai, 30 tháng 1, 2012

Xuất Êdíptô ký 12; Giăng 1:29: "Chiên Con Của Đức Chúa Trời"


Chiên Con
Của Đức Chúa Trời

– Xuất Êdíptô ký 12; Giăng 1:29
Cơ đốc nhân ở khắp mọi nơi đều công nhận chiên con là một hình ảnh rất quen thuộc trong Kinh thánh. Hình ảnh ấy thường được nối kết với cả Lễ Giáng Sinh và Lễ Phục Sinh. Mặc dù chiên con đặc biệt không được nhắc tới trong câu chuyện Giáng Sinh, chúng được ám chỉ bởi sự hiện diện của mấy gã chăn chiên và cũng bởi sự thực Chúa Jêsus chào đời trong chuồng chiên máng cỏ. Thực vậy, dầu từ ngữ “chiên con” không được dùng trong sự nối kết với sự ra đời của Chúa Jêsus, chúng ta biết rõ có nhiều bầy chiên trong khu vực chung quanh thành Bếtlêhem.
Kinh thánh thực hiện sự kết nối giữa Chúa Jêsus và bầy chiên trong một vài phân đoạn. Êsai 53:7 sánh Đấng Mêsi với một chiên con sắp sửa bị đem đi làm thịt. Giăng Báptít gọi Chúa Jêsus là “Chiên Con của Đức Chúa Trời” (Giăng 1:29). Phaolô gọi Đấng Christ là “Chiên Con Lễ Vượt Qua” ở I Côrinhtô 5:7. Phierơ nói tới huyết của Đấng Christ là huyết của chiên con trong I Phierơ 1:18-19. Sau cùng, sách Khải huyền gọi Đấng Christ là “Chiên Con” tới 30 lần.
Ý nghĩa trong tình cảm của chúng ta về từ ngữ “chiên con” hoàn toàn là tích cực. Những từ như dịu dàng, bất lực, thân thiện và vô tội thoạt đến với lý trí khi đem sánh với hình ảnh con rắn làm biểu tượng cho ma quỉ. Trẻ con theo bản năng chúng yêu thương chiên con trong khi phần lớn người ta ai nấy đều sợ loài rắn. Hai con vật nầy có cấp độ tình cảm đối chiếu nhau trong con người của bạn.
I. Ngược về lại Aicập
Để hiểu rõ hình ảnh theo Kinh thánh về Chúa Jêsus là Chiên Con Lễ Vượt Qua, chúng ta cần phải rời thế giới hiện đại nầy rồi hành trình ngược thời gian cách đây 35 thế kỷ đến xứ Aicập. Ở đây, chúng ta khám phá ra rằng người Do thái bị người Aicập cầm như hạng nô lệ. Trong 400 năm, người Do thái đã sống trong những điều kiện thật nhọc nhằn và gian khổ. Trong nhiều thế hệ, công lao động của họ đã bị bóc lột thật tàn nhẫn bởi những viên đốc công.
Sau cùng, Đức Chúa Trời đã dấy lên một lãnh tụ có tên là Môise. Ông đến trước mặt Pharaôn với một sứ điệp ban ra từ Đức Chúa Trời: “Hãy để cho dân Ta đi!” Pharaôn không xem trọng sứ điệp nầy, vì vậy Môise trở lại mấy lần với cùng sứ điệp ấy đến từ Đức Chúa Trời. Song Pharaôn chẳng chú ý gì đến việc để cho số nô lệ nầy của Đức Chúa Trời ra đi tự do.
Vì thế, Đức Chúa Trời nghĩ ra một chương trình sẽ khiến cho Pharaôn nài xin dân Do thái phải rời khỏi xứ của ông. Ngài gửi đến một loạt những lần phán xét thật kinh khủng (được gọi là các trận dịch) giáng xuống Aicập. Mỗi trận dịch tiêu biểu cho một tai họa khủng khiếp trong thiên nhiên và mỗi tai họa tỏ ra quyền phép của Đức Chúa Trời hoàn toàn trên thiên nhiên và đồng thời, tỏ ra sự bất lực của các tà thần xứ Aicập.
Sau đây là chín trận dịch đầu tiên được liệt kê ra theo thứ tự:
Nước hóa thành huyết
Ếch nhái
Muỗi
Ruồi
Tại họa trên bầy súc vật
Ghẻ chốc
Mưa đá
Châu chấu
Tối tăm
Tai họa cuối cùng là cuộc tấn công trực tiếp vào Ra, thần mặt trời của xứ Aicập. Một khi được xem là đại diện của Ra, trận dịch nầy cho thấy rằng ngay cả Pharaôn cũng chẳng phải là địch thủ đối với Đấng Toàn Năng.
Mặc dù các dịch lệ nầy đã giáng sự đau khổ nghiêm ngặt trên dân chúng, Pharaôn đã cứng lòng nghịch lại Đức Chúa Trời. Thay vì nói: “Các ngươi có thể ra đi”, ông ta đã đưa ra nhiều lần thương lượng. Thứ nhứt, ông ta đề nghị dân Do thái đi một khoảng xa xa vào trong sa mạc nếu họ hứa sẽ trở lại. Tiếp đến, ông ta đề nghị để cho những người nam đi ra nếu phụ nữ và trẻ con ở lại đàng sau. Sau cùng, ông ta để nghị hết thảy họ đều đi, song phải để bầy gia súc ở lại. Rõ ràng, không một đề nghị nào trong số nầy được chấp nhận. Đức Chúa Trời chẳng thương lượng với những bậc vua chúa theo tà giáo!
Sau cùng, giờ phút đã đến cho tai họa thứ 10 và là trận dịch sau cùng. Đức Giêhôva phán cùng Môise: “Đừng lo. Khi tai họa nầy giáng xuống Aicập, Pharaôn sẽ vội vã mời các ngươi đi cho xem” (đối chiếu Xuất Êdíptô ký 11:1-2). Lúc nửa đêm, Đức Giêhôva sẽ đi ngang qua xứ Aicập và từng người con đầu lòng trong xứ Aicập sẽ ngã chết tức thì. Ngài ám chỉ rằng không một gia đình nào được miễn trừ – từ cung điện Pharaôn cho tới gia đình của một nô lệ thấp hèn nhất của Aicập. Thậm chí Đức Chúa Trời sẽ tính luôn đến con đầu lòng của bầy gia súc trong sự phán xét của Ngài.
Nhưng Đức Chúa Trời sẽ buông tha cho người Israel để tạo ra một sự phân biệt giữa dân sự của Đức Chúa Trời và dân sự của Pharaôn.
Xuất Êdíptô ký 12 tỏ ra chương trình của Đức Chúa Trời buông tha cho dân Israel không bị tàn sát lúc nửa đêm về con đầu lòng. Ngài sẽ buông tha dân sự Ngài đang sử dụng huyết của một chiên con. Khi huyết của chiên con được bôi lên mày cửa của từng nhà người Do thái, Đức Chúa Trời sẽ nhìn thấy huyết và nhất định sẽ “đi ngang qua” ngôi nhà đó. Nhưng nếu Đức Chúa Trời không nhìn thấy huyết, Ngài sẽ lấy mạng của con đầu lòng trong sự phán xét.
Đây là huyết của chiên con đã cứu mạng dân sự của Đức Chúa Trời trong đêm đó.
Mỗi năm kể từ đó, trong 3500 năm, và tiếp tục cho đến năm nay, người Do thái đã vâng giữ Lễ Vượt Qua như một sự nhắc nhớ long trọng về sự giải cứu lạ lùng của Đức Chúa Trời trong xứ Aicập.
II. Chiên Con Lễ Vượt Qua
Charles Simeon bình luận rằng ngay cả những chi tiết nhỏ nhặt nhất của Lễ Vượt Qua dường như được ấn định để chỉ ra Đức Chúa Jêsus Christ. Chúng ta sẽ chỉ ra 10 điểm tương đồng đáng chú ý nhất giữa các biến cố của Lễ Vượt Qua đầu tiên cách đây 3500 năm và sự hy sinh của Đức Chúa Jêsus Christ trên thập tự giá trong vai trò tối hậu Chiên Con Lễ Vượt Qua.
1. Phải là một chiên con
Xuất Êdíptô ký 12:3 chép rằng mỗi gia trưởng phải “bắt một con chiên con” vì cớ chính gia đình của mình. Sẽ không phải là một con bò đực hay một con chim bồ câu, đôi khi chúng được sử dụng trong các thứ của lễ khác của Cựu Ước. Đức Chúa Trời rất là đặc biệt – phải là một con chiên và duy nhất một con chiên con. Sẽ không phải làm một điều gì khác.
Khi Giăng nhìn thấy Chúa Jêsus, ông đã kêu lên: “Kìa! Chiên Con của Đức Chúa Trời là Đấng cất tội lỗi thế gian đi” (Giăng 1:29). Phaolô nói rằng: “Đấng Christ, Chiên Con Lễ Vượt Qua của chúng ta, đã hy sinh vì chúng ta”. Sách Khải huyền đề cập tới Đấng Christ trong vai trò Chiên Con trong 30 trường hợp riêng biệt.
2. Phải là con đực
Xuất Êdíptô ký 12:5 định rõ rằng “những con thú ngươi chọn phải là con đực, tuổi giáp niên”. Chúa Jêsus đã làm ứng nghiệm điều nầy trong chỗ Ngài là con trai do Mary nữ đồng trinh hạ sanh.
3. Phải là con chiên con tuổi giáp niên
Điều nầy có ý nói rằng chiên con phải đúng tuổi, không nhỏ quá cũng không già quá. Thực vậy: “Đấng Christ đã dâng mình vào tuổi trung niên, không ở độ tuổi với các con trẻ ở thành Bếtlêhem”.
4. Phải không có tì vít
Bản Hybálai dùng một cụm từ ý nói: “không có khuyết điểm”. Điều nầy muốn nói rằng người nam Do thái sẽ phải kiểm tra thật kỷ chiên con của họ để biết chắc chẳng có một tì vít chi hết, chẳng có một đốm da nào trơ trụi, không có bị lây nhiểm, chẳng có tật bịnh, không có một chỗ sưng hay nhược điểm nào, không có một thứ bịnh nào cả. Điều nầy phòng ngừa một người nam dâng chiên con hay tạo vật thấp kém làm của lễ trong khi giữ con tốt nhất cho bản thân mình.
I Phierơ 1:19 bắt lấy lẽ đạo nầy khi nói tới Đức Chúa Jêsus Christ là “chiên con không lỗi không vít”. Hêbơrơ 4:14-16 nhấn mạnh rằng dầu Đấng Christ bị cám dỗ trong mọi sự giống như loài người chúng ta, Ngài đã không phạm tội. Khi Bôntu Philát đã dò xét Ngài xong, ông ta tuyên bố: “Ta không thấy người có tội lỗi chi hết” (Giăng 19:6). Ngay cả những thầy tế lễ thượng phẩm có lòng thù nghịch cũng không thể tìm thấy lý cớ gì để kết án tử hình Ngài, vì vậy họ mới vu cáo chống nghịch Ngài.
Cái điều có ý nghĩa, ấy là Chiên Con Lễ Vượt Qua được chọn vào ngày thứ 10 trong tháng, song không dâng làm của lễ cho tới ngày thứ 14. Việc nầy dành ra 4 ngày để xem xét cẩn thận con chiên con. Nếu Đấng Christ vào thành Jerusalem vào ngày Chúa nhật rồi bị đóng đinh vào ngày thứ Sáu, thế thì 4 ngày xen giữa thích ứng với khuôn mẫu nầy. Trong những ngày trọng đại ấy, kẻ thù cay đắng của Ngài đã sử dụng từng chiến thuật khả thi để làm mất uy tín của Ngài, song mỗi nổ lực ấy đều hoàn toàn thất bại. Họ không thể tìm được dù một lỗi nhỏ nhất trong bổn tánh của Ngài. Vì thế, ngay cả những kẻ thù tệ hại nhất của Ngài đã phải nhìn nhận rằng Ngài rất thích ứng để trở thành một của lễ cho tội lỗi của cả thế gian.
5.Phải bị giết và bị nướng
Xuất Êdíptô ký 12 hoàn toàn rõ ràng về quan điểm nầy. Mọi chiên con sẽ bị giết cùng một thời điểm và huyết sẽ chảy ra từ chúng. Kế đó, thịt chúng phải đem nướng đi và người ta sẽ ăn hết thảy. Chúng sẽ không bị luộc hay ăn sống (cả hai đều là thói tục ngoại giáo). Bất cứ gì còn chừa lại sẽ bị thiêu đốt đi. Thế là, chiên con đã được tiêu thụ một cách hoàn toàn.
Cả hai việc: giết và nướng phác họa ra những sự thương khó của Đấng Christ trên thập tự giá. Không những Ngài chịu chết, mà sự chết của Ngài bản thân nó là một sự hy sinh hoàn toàn. Ngài đã chết cái chết của tội phạm bị treo trên một cây thập tự của người Lamã đáng ghét kia. Đây không phải là nhà quí tộc Socrates đang uống thuốc độc mà là cái chết sỉ nhục của một người bị chối bỏ bởi thế gian mà Ngài ngự đến để cứu chuộc.
6. Phải không có một cái xương nào bị gãy
Xuất Êdíptô ký 12:46 định rõ rằng khi các con thú được chọn làm của lễ Vượt Qua hàng năm, không một cái xương nào sẽ bị gãy hết. Đây là tục lệ của người Lamã phải đánh gãy hai chơn của kẻ bị đóng đinh trên thập tự giá để làm cho cái chết được nhanh hơn. Giăng 19:32-36 cho chúng ta biết rằng mấy tên lính Lamã không đánh gãy hai chơn của Chúa Jêsus vì Ngài đã chết rồi. Câu 36 cho thấy điều nầy đã xảy ra làm ứng nghiệm Kinh thánh chép: “Không một cái xương nào của người bị gãy”. Mặc dù câu trưng dẫn là Thi thiên 34:20, phần tham khảo tối hậu phải đi ngược lại ở Xuất Êdíptô ký 12.
7. Phải được dâng “vào lối chiều tối”
Cụm từ bất thường nầy là phần chuyển dịch sát nghĩa cụm từ Hybálai được thấy ở Xuất Êdíptô ký 12:6. Mặc dù bản Kinh thánh NIV chép rằng các thứ của lễ phải được thực hiện vào lúc chạng vạng, cụm từ sát nghĩa có ý nói “vào lúc chiều tối”, theo tư tưởng của người Do thái là vào khoảng từ 3 đến 5 giờ chiều.
Tân Ước cho chúng ta biết rằng Chúa Jêsus đã bị đóng đinh “vào giờ thứ ba”, nghĩa là 9 giờ sáng, khi người Do thái tính khoảng thời gian 24 giờ bắt đầu lúc 6 giờ sáng. Mathiơ 26:45 cho chúng ta biết đã có sự tối tăm từ giờ thứ sáu cho tới giờ thứ chín, hay là từ 12 giờ trưa cho tới 3 giờ chiều. Một thời gian ngắn sau đó, Chúa Jêsus đã thốt ra lời lẽ sau cùng của Ngài rồi gục chết. Thi thể của Ngài khi ấy đã được đem xuống khỏi thập tự giá trước khi mặt trời lặn. Như vậy, Chúa Jêsus đã chết “vào lúc chiều tối” (từ 3 đến 5 giờ chiều) vào đúng giờ chiên con Lễ Vượt Qua được dâng làm của lễ trên khắp xứ Israel.
8. Của lễ phải được mọi người dâng lên
Xuất Êdíptô ký 12 nhấn mạnh rằng chiên con phải được dâng lên bởi từng gia trưởng cho mỗi gia đình trong dân Israel. Và tất cả chiên con phải bị giết vào cùng một thời điểm. Như vậy, chiên con tiêu biểu cho sự dự phần hoàn toàn của dân tộc trong của lễ bằng huyết. Bằng chính dấu hiệu ấy, Đấng Christ đã bị người Lamã đóng đinh trên thập tự giá vì ích của người Do thái. Mọi người đều dự phần vào sự chết của Ngài. Sự chết của Ngài đã được lập như một của lễ vì cớ tội lỗi của cả thế gian. Những điều các con chiên con đã làm cho nhiều người, Chúa Jêsus Chiên Con của Đức Chúa Trời đã làm cho toàn thể nhân loại.
9. Huyết phải được rảy ra
Một lần nữa, Xuất Êdíptô ký rất đặc biệt trong việc mô tả phần nghi thức. Khi chiên con bị giết và huyết đổ ra, người gia trưởng phải lấy nhánh cây bài hương (hyssop) (một bụi cây có nhiều lá), nhúng nó vào trong huyết, rồi bôi một ít lên hai mày cửa. Huyết sẽ làm dấu để nhận rằng gia đình đã hy sinh một chiên con theo như Đức Giêhôva đã căn dặn. “Huyết bôi trên nhà các ngươi ở, sẽ dùng làm dấu hiệu; khi ta hành hại xứ Ê-díp-tô, thấy huyết đó, thì sẽ vượt qua, chẳng có tai nạn hủy diệt các ngươi” (Xuất Êdíptô ký 12: 13).
Điều nầy phác họa không những sự chết của Đấng Christ, mà còn phác họa phần áp dụng sự chết của Ngài vào lòng chúng ta bởi đức tin nữa. Đấy là lý do tại sao I Phierơ 1:2 nói tới việc rảy huyết của Đấng Christ. Một mình chiên con không thể cứu được một người Do thái. Thậm chí một chiên con chết cũng không cứu được nữa là. Ngay cả huyết trong chậu cũng không thể cứu được. Chỉ có huyết rảy ra bôi trên mày cửa mới có thể buông tha cho dân sự tránh khỏi sự phán xét kinh khiếp của Đức Chúa Trời.
Hãy suy nghĩ sự việc ấy theo cách nầy. Đức Chúa Jêsus Christ là sự trông cậy duy nhứt của chúng ta về ơn cứu rỗi. Ngài là Chiên Con của Đức Chúa Trời được dâng lên vì tội lỗi của thế gian. Tuy nhiên, huyết của Chúa Jêsus cứu rỗi khi được dùng bởi đức tin. Về phần những người nào chối bỏ huyết ấy, ngay cả Chiên Con của Đức Chúa Trời cũng không thể cứu được họ.
Dân Do thái đã làm nhiều việc rất khôn ngoan, và giúp cho bản thân họ ngăn ngừa sự hủy diệt của thiên sứ; nhưng nếu họ không rảy huyết trên mày cửa, họ sẽ bị hư mất. Con người có thể phấn đấu, họ lo làm nhiều việc để cải thiện tình trạng của họ trong vai trò tội nhân, song thập tự giá của Đấng Christ là sự bảo hộ duy nhứt thực sự của họ.
10. Thịt phải được dùng cho hết
Không những huyết đã đổ ra và thịt phải được đem nướng, nhưng cả gia đình cần phải cùng nhau ăn thịt với rau đắng và bánh không men (một sự nhắc nhớ những tháng ngày họ sống trong xứ Aicập). Họ không được phép giữ thịt để dùng sau đó. Bất kỳ phần nào không ăn hết phải bị đem thiêu đốt đi. Như vậy, dân Israel chỉ rõ sự dự phần hoàn toàn của họ vào sự chết của chiên con. Sự sống của nó đã bị tước đi, huyết nó bị đổ ra, huyết được bôi lên, thịt phải đem nướng, và thịt bị đốt đi. Qua các đánh giá nầy, người Do thái được nhắc nhớ rằng sự cứu chuộc của họ đã đến qua sự chết của một thay thế. Chiên con đã chịu chết trong chỗ của họ. Bằng cách ăn thịt của nó, họ xác định họ đồng hóa hoàn toàn với chiên con đã chịu chết thay cho họ.
Ý nghĩa rất đơn giản với chúng ta. Đấng Christ cứu chúng ta khi chúng ta “ăn thịt và uống huyết Ngài” bởi đức tin. Chúa Jêsus đã sử dụng chính các thuật ngữ nầy ở Giăng 6:53-58. Ngài phán như vầy không phải về thịt và huyết cụ thể đâu, song nói tới ý nghĩa đức tin giải cứu đấy thôi. Chúng ta cần phải nắm lấy Đấng Christ một cách hoàn toàn, toàn bộ, thật tuyệt đối, và không dè dặt chi hết. Khi chúng ta nắm lấy Ngài là Cứu Chúa theo tư thế nầy, thì sự thể sẽ giống như ăn và uống tại một bữa tiệc vậy.
Sau đó, họ được an ninh và được giải phóng!
Bạn biết rõ phần còn lại của câu chuyện. Thiên sứ sự chết đã dừng lại ở từng ngôi nhà trong xứ Aicập, nhưng từng ngôi nhà trong xứ Gôsen (nơi dân Do thái sinh sống) lại được buông tha. Từ cung điện của Pharaôn cho tới phường thấp kém nhất đều có tiếng kêu la inh ỏi. Những tiếng rên la xuyên thủng màn đêm. Hết gia đình nầy đến gia đình khác, họ bắt đầu kêu la khi họ khám phá ra con cái ngã chết lúc giữa đêm. Ở trong xứ Gôsen thì không có việc đó. Xứ ấy yên lặng đến nỗi ngay cả tiếng chó sủa trong đêm ấy cũng chẳng có (Xuất Êdíptô ký 11:7).
Không lâu sau đó, Pharaôn đã gửi lời cho biết dân Do thái được tự do rời khỏi xứ. Kỳ thực là ông đã nài xin họ phải rời đi trước khi có ai đó ngã chết nữa! Đấy là lý do tại sao Đức Chúa Trời đã bảo người Do thái phải ăn Lễ Vượt Qua trong sự vội vàng. Ngài biết rõ không bao lâu nữa thì họ sẽ chuyển đi.
Thế là Đức Chúa Trời đã đánh cả hai: các tà thần của xứ Aicập và đồng thời giải phóng tuyển dân của Ngài qua một sự giải cứu lạ lùng bởi huyết của nhiều chiên con.
Cũng một thể ấy, nhờ huyết của Đấng Christ, là Chiên Con vĩ đại của Đức Chúa Trời, chúng ta được an ninh tránh khỏi cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời và được buông tha tránh khỏi án phạt của tội lỗi. Trong Ngài, qua Ngài và bởi Ngài Đức Chúa Trời đã giải cứu dân sự nầy một lần đủ cả.
III. Những bài học nhất định cho tín hữu trong thế kỷ thứ 20
Từ câu chuyện xa xưa nầy, chúng ta có thể tiếp thu được bốn bài học chắc chắn có thể đem áp dụng cho các tín hữu ngày hôm nay.
1. Đức Chúa Jêsus Christ là Chiên Con của Đức Chúa Trời
Ngài là thân vị duy nhứt làm thỏa mãn từng chi tiết. Ngài làm ứng nghiệm từng chi tiết của bức tranh Cựu Ước. Không một ai khác trong Kinh thánh thỏa mãn hết mọi đòi hỏi.
Nhưng điều đó giải thích một phần rất thấm thía trong truyện tích Giáng Sinh. Khi cụ già Simêôn ẳm lấy con trẻ Jêsus trong vòng tay mình rồi chúc phước cho Ngài, ông nói rằng Chúa Jêsus sẽ là cớ gây vấp ngã cho nhiều người trong Israel – nói như thế thì ám chỉ rằng trong khi có người đi theo Ngài, nhiều người khác sẽ cay đắng chống nghịch Ngài. Tiếp đến, ông cụ còn thêm một lời đặc biệt dành cho Mary: “có một thanh gươm sẽ đâm thấu qua lòng ngươi” (Luca 2:35).
Đây là phần tham khảo sớm sủa nói tới sự chết mà Chúa Jêsus sẽ chết. Ngay từ ban đầu, Ngài đã được đánh dấu là Chiên Con của Đức Chúa Trời. Ngài ra đời để chịu chết! Mặc dù Mary khi ấy không thể biết được hết mọi chi tiết, từ những ngày đầu sớm sủa bà đã biết nổi khổ ấy đang có dọc theo con đường sống của Ngài.
Đấy là lý do tại sao phần nhiều họa sĩ tài ba nhất của chúng ta, khi vẽ Mary và Con Trẻ Christ, họ đã họa với nhận thức đau buồn và nét nặng nề trên gương mặt của bà. Bà thường nhìn vào xa xăm giống như thể bà có thể nhìn thấy bóng của một cây thập tự ở trên đường chân trời vậy.
Một khi chiên con phải chịu chết đổ huyết ra để cứu chuộc, Chúa Jêsus một ngày kia phải chịu chết và huyết Ngài phải bị đổ ra. Đây là số phận và là số phận được ấn định cho Chiên Con của Đức Chúa Trời, Ngài đến để cất tội lỗi của thế gian đi.
2. Nếu không có của lễ sẽ chẳng có ơn cứu rỗi
Hêbơrơ 9:22 nhắc cho chúng ta nhớ rằng “không đổ huyết thì không có sự tha thứ”. Một chiên con sống có thể rất tinh khôn và rất dễ thương, nhưng nó chẳng cứu được ai. Trừ phi chiên con chết đi, huyết của nó chẳng làm được điều chi tốt lành. Trong nền kinh tế của Đức Chúa Trời, chỉ có huyết đổ ra mới có thể tha thứ cho tội lỗi. Là Chiên Con vĩ đại của Đức Chúa Trời, Chúa Jêsus phải bước lên thập tự giá để cứu chuộc thế gian.
3. Ngay cả Chúa Jêsus không thể cứu được bạn nếu không có đức tin.
Bạn có thể nói: “Câu chuyện nầy rất lố bịch!” Nhưng tôi quyết chắc với bạn rằng câu chuyện ấy hoàn toàn là sự thực. Giả sử một người Do thái chối bỏ không hy sinh một chiên con. Con đầu lòng của người sẽ ngã chết trong đêm đó. Là một người Do thái không thể được cứu trong cái đêm định mệnh ấy. Gốc tích dân tộc chẳng phải là vấn đề đối với Đức Chúa Trời, song đức tin nơi phương thức cứu rỗi mà Đức Chúa Trời ấn định mới là vấn đề.
Cũng thực như thế cho các thuộc viên trong Hội thánh. Bạn không được cứu bởi việc đến nhóm ở Hội thánh Calvary Memorial. Việc ấy chẳng là vấn đề chi hết. Khi Đức Chúa Trời nhìn xuống từ thiên đàng, việc duy nhứt là vấn đề, ấy là Ngài nhìn thấy huyết của Chiên Con được bôi trên mày cửa lòng của bạn kìa.
4. Nếu bạn chối bỏ Chiên Con của Đức Chúa Trời, không có một chương trình cứu rỗi nào khác đâu.
Hãy xem xét hai người ở trong xứ Aicập vào buổi trưa trước cái đêm định mệnh kia. Một người Aicập sống rất đạo đức, tốt lành; còn người kia là một gã Do thái bất lương, sống phi đạo đức. Không cứ cách nào đó hai người nầy kết bạn với nhau, bất chấp mọi dị biệt về văn hóa của họ. Người Aicập tận hưởng tình bạn của người Do thái cho dù người không hiểu tôn giáo kỳ cục của người bạn nầy. Còn người Do thái kia, ông ta đã nhìn thấy nhiều lợi thế khi có sự quen biết với một người sống ở Aicập. Thế là họ trò chuyện với nhau trong ngày đó, người Do thái mô tả khá chi tiết mọi chương trình của mình muốn giết một chiên con rồi bôi huyết lên hai mày cửa nhà mình. Ông ta chỉ thấy chẳng có mục đích gì trong sự việc kỳ lạ nầy. Tại sao phải phí đi một chiên con ngon lành như thế (con tốt nhứt của ông ta) vào một nổ lực chẳng có lợi gì hết? Người Aicập nhất trí, song lấy làm lạ về mọi điều đã diễn ra về các trận dịch lệ kinh khủng đã giáng trên bản xứ của mình. Họ ra về, hứa sẽ trao đổi vào sáng hôm sau.
Nhưng cuộc trò chuyện không hề diễn ra. Cuối buổi trưa hôm ấy, người Do thái cứ khăng khăng không chịu giết chiên con tốt nhứt của mình. Vợ ông ta nài nĩ: “Anh ơi, tới giờ rồi. Đừng đợi nữa, trễ lắm rồi đấy”. Khi giờ định đến, ông ta giết chiên con song chẳng có sốt sắng gì lắm. Ông ta trì trệ cho tới phút sau cùng mới bôi huyết lên mày cửa. 10 giờ rưỡi đến rồi đi, tiếp đến 11 giờ và người vợ yêu dấu cứ sợ chồng mình sẽ trễ nãi quá lâu. Bốn đứa con của họ, kể cả đứa trai đầu lòng trông giống cha như đúc, tụ họp lại quanh bàn ăn. 11 giờ rưỡi rồi và người kia vẫn trì trệ. 11 giờ 45 và người kia vẫn chưa động phạm gì cả. Vợ ông ta bật khóc trước mặt ông ta. “Sao ông dám liều mạng của con ông như thế chứ?” Bất đắc dĩ, ông ta nắm lấy cái chùm hyssop kia rồi bôi huyết lên mày cửa. Vợ ông ta mĩm cười, giờ đây thấy thỏa lòng vì gia đình của bà đã được an ninh.
Nửa đêm đến rồi đi và chẳng có việc gì xảy ra hết. Người ta chẳng nghe thấy một âm thanh nào hết. Thậm chí cả tiếng chó sủa cũng không.
Không có huyết trên mày cửa!
Nhưng trong xứ Aicập thì kêu la inh ỏi, phụ nữ thì khóc lóc, những người làm cha thì kêu lên vang trời. Chết! Ở khắp mọi nơi, chết! Những đứa con trai con gái đầu lòng gục chết trong giấc ngủ của chúng. Gia súc đầu lòng ngã chết trong chuồng của chúng. Không một gia đình nào được chừa lại mà không bị thiên sứ sự chết đụng đến. Trong ngôi nhà của người Aicập đạo đức và tốt lành kia, thình lình có kinh hãi và rồi khóc lóc. Đứa con 15 tuổi của họ, kẻ kế tự công việc gia đình, kỳ vọng của họ về tương lai, niềm an ủi của họ trong lúc tuổi già, thình lình bị dứt hơi thở đi. Nó chết thật thình lình đến nỗi họ chẳng có thì giờ để chào vĩnh biệt.
Tại sao nó chết chứ? Vì chẳng có huyết bôi trên mày cửa!
Nhưng sẽ ra sao nếu người Aicập bôi huyết trên mày cửa nhà mình và người Do thái kia thì không? Khi ấy các vai trò sẽ bị đảo lộn trở lại.
Chính huyết của Chiên Con đang tạo ra sự khác biệt. Đối với người nào chối bỏ huyết, Đức Chúa Trời chẳng có phương giải cứu nào khác hết.
Bạn cần một Chiên Con!
Bạn cần một Chiên Con! Nó phải làm thỏa mãn mọi đòi hỏi do Đức Chúa Trời đặt ra trong Xuất Êdíptô ký 12. Chiên Con phải chịu chết. Và bạn phải bôi huyết trên mày cửa lòng của bạn. Nghĩa là, bạn phải tin cậy vào huyết để được tha tội.
Bạn tìm một Chiên Con như thế ở đâu?
Hãy nhìn xem thập tự giá! Hãy nhìn xem hình thái huyết của Con Đức Chúa Trời! Kìa, Chiên Con của Đức Chúa Trời, là Đấng cất tội lỗi thế gian đi!
Chúa Jêsus là Chiên Con mà bạn đang có cần. Ngài là Chiên Con của Đức Chúa Trời có cần cho tội lỗi của bạn đấy.
Hãy khiến dân sự của Đức Chúa Trời vui mừng vì Chiên Con của Đức Chúa Trời đã hy sinh vì họ. Chúng ta hãy vui vẻ trong năm nay vào dịp Lễ Giáng Sinh với sự nhìn biết rằng Con Trẻ nằm trong máng cỏ đã ra đời để chịu chết…
Hỡi Chiên Con của Đức Chúa Trời, hãy ngủ cho thật ngon nhé. Hãy rúc cho thật sát vào ngực của mẹ mình. Con đường từ Bếtlêhem dẫn đến thập tự giá.



Thứ Năm, 26 tháng 1, 2012

Giăng 20:24-29: "Hoan Nghênh Hạng Người Hồ Nghi"


Những khuôn mặt quanh thập tự giá
Hoan Nghênh Hạng Người Hồ Nghi
– Giăng 20:24-29
Bạn có tin phép lạ không? Bạn có tin vào những hành động chân thành, nhân từ theo cung cách xa xưa của Đức Chúa Trời không? Đấy là thắc mắc rất hay nên đưa ra vào ngày Chúa Nhật Phục Sinh.
Hầu hết chúng ta, tôi nghĩ, sẽ trả lời ngay lập tức: "Có, tôi tin phép lạ”. Và tôi sẽ trả lời y như thế. Nếu tôi hỏi: bạn đã nhìn thấy bao nhiêu phép lạ rồi, có lẽ bạn sẽ đáp: “Ồ, tôi không biết đâu. Tôi nghĩ mọi sự trong cuộc sống đều là phép lạ cả”. Hay bạn sẽ nói: “Duke đánh bại UNLV tối qua và đấy là phép lạ”.
Cả hai việc nầy đều là những trường hợp của từ Anh ngữ “miracle” (phép lạ), song đấy chẳng chính xác là điều tôi muốn nói khi tôi hỏi: “Bạn có tin phép lạ không?” Tôi không nghĩ tới các biến cố gây kinh ngạc trong đời hay những lần đắc thắng có chiều hướng lâu dài. Bởi từ “miracle” (phép lạ) tôi muốn nói tới những sự cố ngược lại với khả năng của con người vì chúng chẳng có một sự giải thích tự nhiên nào hết.
Bạn nói: “Ồ, loại phép lạ đó. Thiệt, tôi tin vào loại phép lạ ấy”. Nhưng giờ đây, bạn có một ít không chắc chắn. Theo định nghĩa, loại phép lạ đó không xảy ra mỗi ngày. Thực vậy, chúng xảy ra rất hiếm. Khi chúng xảy ra, chúng rất khó tin — một phần vì chúng không xảy ra thường xuyên và một phần vì chúng ta không thể giải thích chúng. Ngay cả trong Kinh thánh, loại phép lạ ấy không phải là chuyện xảy ra thường nhật đâu.
Những ngôi mộ trống nhỏ bằng bạc
Sự sống lại của Chúa Jêsus là loại phép lạ đó. Sự sống lại ấy hoàn toàn không thể lý giải bởi các phương tiện thiên nhiên hay của bất kỳ con người nào. Đấy là lý do tại sao chúng ta không nói nhiều về sự sống ấy. Chúng ta không dám chắc sự sống lại ấy đã xảy ra như thế nào!?! Việc Chúa bị đóng đinh trên thập tự giá chúng ta có thể hiểu được; còn sự sống lại là một việc khác. Đây là minh chứng: Có nhiều người mang lấy thập tự giá bằng bạc quanh cổ của họ. Bạn không nhìn thấy nhiều người đeo những ngôi mộ trống nhỏ bằng bạc đâu.
Vì thế, tôi đưa ra câu hỏi một lần nữa: bạn có tin phép lạ không? Đặc biệt là việc nầy, bạn có tin phép lạ lớn lao nhất trong mọi phép lạ — sự sống lại của Đức Chúa Jêsus Christ? Trong trường hợp bạn nghĩ bạn phải trả lời “có” chỉ vì bạn thường hay đi nhà thờ, để cho lý trí của bạn được thanh thản thôi. Nếu bạn trả lời “không” hay “tôi không dám chắc”, bạn đang ở trong một đội rất giỏi đấy. Có nhiều người ngày nay không dám chắc là họ có tin sự sống lại ấy hay không nữa. Và có nhiều người vào ngày Chúa Nhật Phục Sinh đầu tiên, họ không dám chắc nữa đấy. Những con người như Phierơ, Giacơ, Giăng, Mathiơ, Bathêlêmy, Simôn người Xêlốt, và một người mà tên của ông đồng nghĩa với nghi ngờ — Thôma. Thôma nghi ngờ.
Họ gọi ông ta là “sanh đôi”
Kinh thánh không nói cho chúng ta biết nhiều về Thôma. Chúng ta không biết một điều gì về nơi ông xuất thân hay ông đã làm gì để trở thành một môn đồ. Chúng ta có rất ít manh mối về gia đình của ông ta. Khi bạn đọc về Thôma, ông ta thường được giới thiệu theo cách nầy — "Thôma còn gọi là Điđim”. Giờ đây, câu nói đó chẳng nói gì cho chúng ta biết hết, song các độc giả nguyên thủy đều công nhận câu nói đó ngay lập tức. Tên “Thôma” ra từ chữ Aram nói tới “sanh đôi”. Và Điđim tiếng Hylạp là chữ nói tới “sanh đôi”. Thôma là một anh hay chị em song sinh, và “sanh đôi” là cái tên khác nữa. Trong Hội thánh đầu tiên, có nhiều suy đoán về ai sẽ là người anh em sanh đôi kia. Có người cho là Mathiơ, song chẳng có ai biết chắc hết.
“Nếu họ giết Ngài, họ sẽ cũng phải giết cả tôi nữa”
Không may là Thôma được ghi nhớ theo một thứ ánh sáng tiêu cực như thế. Có nhiều điều về nhân vật nầy hơn là chỉ có nghi ngờ. Những bước đầu tiên của ông ta dẫm lên chặng đường lịch sử của Kinh thánh nằm ở Giăng 11. Laxarơ đã chết tại thành Bêthany — một vùng ngoại ô của thành Jerusalem. Chúa Jêsus cùng các môn đồ đang có mặt ở khu vực thành Giêricô khi họ hay được tin đó. Khi Chúa Jêsus quyết định đi đến thành Bêthany, các môn đồ Ngài nhắc cho Ngài nhớ rằng lần sau cùng Ngài đi vào xứ Giuđê, các cấp lãnh đạo đã tìm cách ném đá Ngài cho đến chết. Quay lại đó chẳng khác gì hơn là tự sát. Chúa Jêsus quyết định phải đi cho dù là thế nào đi nữa. Nhưng các môn đồ chẳng thấy thuyết phục lắm. Ở điểm nầy, Thôma vùng dậy nói: “Chúng ta cũng hãy đi tới đó đặng chết với Ngài!” (Giăng 11:16).
Câu nói tóm tắt như thế nầy tỏ ra lòng can đảm lớn lắm. Thôma đồng ý rằng các cấp lãnh đạo người Do thái có lẽ sẽ giết Chúa Jêsus nếu Ngài quay trở lại thành Jerusalem. Những biến cố không bao lâu nữa sẽ minh chứng chính xác là như thế. Nhưng bạn có thể nói gì về nhân vật dám lên tiếng nói: “Nếu họ giết Ngài, họ sẽ cũng phải giết cả tôi nữa”. Phải là một người dạn dĩ lắm mới dám nói như thế. Có tình yêu thương ở đó, và lòng trung thành nữa, và thất vọng, và hy sinh, và hoàn toàn đầu phục. Có thể lắm Thôma vốn hiểu rõ hơn ai hết điều gì sắp sửa xảy ra. Và câu nói dạn dĩ kia — nếu bạn suy nghĩ về câu nói đó — có thể giải thích những điều mà ông hồ nghi sau đó.
Không một câu trả lời nào là dễ dàng cả
Thôma xuất hiện thêm một lần nữa trước khi Chúa bị đóng đinh trên thập tự giá. Vào buổi tối thứ Năm trên chiếc phòng cao. Chúa Jêsus vừa mới rửa chơn cho các môn đồ xong và ban cho họ mạng lịnh quan trọng phải yêu thương nhau. Giuđa rời khỏi phòng để lo làm công việc bẩn thỉu của hắn. Phần còn lại các môn đồ đều ở xung quanh Chúa, nhìn biết sự cuối cùng không còn xa nữa. Đối với họ — hạng người trung thành ấy đã đứng với Ngài trong giờ thử thách nầy — Chúa Jêsus đã phán:
“Lòng các ngươi chớ hề bối rối; hãy tin Đức Chúa Trời, cũng hãy tin ta nữa. Trong nhà Cha ta có nhiều chỗ ở; bằng chẳng vậy, ta đã nói cho các ngươi rồi. Ta đi sắm sẵn cho các ngươi một chỗ. Khi ta đã đi, và đã sắm sẵn cho các ngươi một chỗ rồi, ta sẽ trở lại đem các ngươi đi với ta, hầu cho ta ở đâu thì các ngươi cũng ở đó. Các ngươi biết ta đi đâu, và biết đường đi nữa” (Giăng 14:1-4).
Thôma im lặng lắng nghe, cách chăm chú, cách cẩn thận. Mọi sự nói tới việc đến rồi đi như thế nầy là quá nhiều đối với ông. Dường như sự việc có vẻ mơ hồ và bí ẩn lắm. Trong khoảnh khắc chơn thật nhất, ông thốt ra: “Lạy Chúa, chúng tôi chẳng biết Chúa đi đâu; làm sao biết đường được?” (Giăng 14:5). Đó là lời lẽ của một con người hoàn toàn chơn thật. Phần còn lại các môn đồ chỉ là lúng túng, nhưng chỉ có Thôma mới dám nói ra như thế. Hết thảy chúng ta đều biết rõ hạng người thể ấy — nếu họ không hiểu, họ chẳng chịu bỏ qua đâu. Họ cứ thắc mắc mãi cho tới chừng hiểu rõ thì mới thôi. Đấy là Thôma.
Và đó là chìa khóa thứ hai cho nhân cách của ông. Ông là một nhà tư tưởng độc lập, một con người hay suy tư, chớ không phải dễ tự phát đâu. Ông sẽ không đưa ra lời tuyên xưng đức tin trừ phi ông đã tin sâu sắc đấy phải là chân lý kìa. Hãy để cho nhiều người khác cứ liến thoắng, cứ dễ dàng tin mà không cần suy gẫm và suy nghĩ sâu sắc đi. Còn Thôma thì không. Đức tin của ông là thứ đức tin nếm trải sự khổ ải của phấn đấu cá nhân.
Vì vậy, bức tranh chúng ta có về Thôma vào đêm trước khi Chúa Jêsus bị đóng đinh trên thập tự giá là đây: Ông là một con người dũng cảm, rất mực trung thành và đầu phục sâu sắc đối với Chúa Jêsus. Nếu cần, ông sẵn sàng phó sự sống mình. Chắc chắn ông có khuynh hướng xem xét điều gì đó theo mặt tối của cuộc sống. Ông hoàn toàn chân thật về mọi hồ nghi, nhầm lẫn và lo sợ của mình. Và ông sẽ không thấy thỏa lòng với những câu trả lời hụ hợ.
Thế là bối cảnh được đặt ra cho cuộc khủng hoảng quan trọng nhất của đời sống ông.
Phép lạ không ai tin
Chúng ta có khuynh hướng quên điều gì đã diễn ra vào buổi sáng Phục Sinh đầu tiên kia. Rất xứng đáng để tự hỏi mình: Nếu chúng ta có mặt ở đó, liệu chúng ta có tin theo hay chúng ta sẽ nghi ngờ?
Hay đặt câu hỏi theo cách khác, điều chi sẽ thuyết phục bạn nếu như có ai đó bạn yêu mến đã trở lại với cuộc sống sau khi chết ba ngày rồi? Giả sử đó là người bạn thân hay một thành viên trong gia đình và bạn đã nhìn thấy họ chết rồi? Điều chi sẽ thuyết phục bạn vậy? Hay có cách gì làm cho bạn thấy thuyết phục không? Sống lại từ kẻ chết là một việc bình thường. Tốt nhứt, việc ấy đã không xảy ra trong nhiều thế kỷ.
Nếu chúng ta có mặt ở đó tại thành Jerusalem với Mathiơ, Giacơ và Giăng, liệu chúng ta có tin vào những tiếng đồn lạ lùng vào sáng Chúa nhật ấy không? Để trả lời cho câu hỏi ấy, cần phải nhớ đến cách thức những kẻ biết Chúa Jêsus rõ nhất đã phản ứng ra sao trước các tin tức nói tới sự sống lại của Ngài.
Rất đơn giản, họ không trông mong một sự sống lại đâu. Giờ đây, việc ấy xảy ra đúng theo như Chúa Jêsus đã nói trước rằng Ngài sẽ bị kết án tử hình và rồi phải sống lại. Nhưng các môn đồ Ngài đã không hiểu được điều đó. Sống lại là một việc xa vời nhất đối với lý trí của họ. Quên phứt mọi điều loan báo trước của Ngài. Quên phứt mọi sự mà con người dũng cảm kia đã nói. Họ đã chịu thua.
Ai thực sự trông mong một sự sống lại vào sáng Chúa nhật đó? Không phải là các môn đồ. Đó là các cấp lãnh đạo người Do thái, họ đã giục người Lamã niêm phong ngôi mộ. Các kẻ thù của Chúa Jêsus đã lo sợ một việc sẽ xảy ra. Bạn hữu của Ngài thì chẳng trông mong một điều gì hết.
Hư không!
Thực vậy, Mác 16 nói rằng mấy người đàn bà đã đến với ngôi mộ vào sáng Chúa nhật để xức dầu cho thi thể Ngài. Đấy là một phần của quá trình ướp xác chết. Trong lúc bối rối tìm cách đem thi hài vào trong mộ địa trước khi mặt trời lặn vào ngày thứ Sáu, các thứ hương liệu đã được đặt trên thi hài của Chúa Jêsus, song chẳng có dầu. Mấy người đàn bà đã đến để hoàn tất việc ướp xác cho thi thể của Ngài.
Họ đã thấy gì khi họ đến đó? Hòn đá đã bị lăn ra và ngôi mộ thì trống trơn. Bốn sách Tin Lành đều nhất trí về sự thực nầy. Mấy người đàn bà không có ý tưởng dù chỉ thoáng qua những gì đã xảy ra. Họ không trông mông một sự sống lại.
Mác nói rằng ngay sau khi thiên sứ giải thích chuyện gì đã xảy ra, họ đã chạy ra khỏi mộ trong run rẩy và sợ hãi (Mác 16:8). Giăng nói rằng ngay cả Mary đã tưởng có ai đó cướp lấy thi thể của Ngài rồi (Giăng 20:2). Luca thêm rằng, khi mấy người đàn bà đến rồi nói cho các sứ đồ biết mọi điều thiên sứ đã phán: “Song các sứ đồ không tin, cho lời ấy như là hư không” (Luca 24:11)
Hư không. Tất nhiên rồi. Không có ai sống lại từ kẻ chết đâu. Không có đâu, sau ba ngày. Không có đâu, sau khi bị đánh đòn nhừ tử. Không có đâu, sau khi bị treo trên thập tự giá những sáu tiếng đồng hồ. Không có đâu, sau khi bị giáo đâm vào sườn của họ. Không có đâu, sau khi bị cả trăm cân một dược bao lấy và bị quấn trong tấm vải liệm. Không có đâu, sau khi bị niêm phong trong một ngôi mộ.
Không, mọi sự đang đi ngược lại với việc suy tưởng ấy. Điều đó quả là khó đấy. Ngài là một con người tử tế. Ngài nói ra điều tốt lành. Hết thảy chúng ta đều yêu mến Ngài. Chúng ta đồng đi với Ngài khi Ngài thuật lại những truyện tích thật lạ lùng. Mà kìa, các phép lạ Ngài đã làm. Chúng ta bật cười khi Ngài nói tới người dòng Pharisi. Khi Ngài làm phép lạ với mấy con cá và mấy ổ bánh, lúc ấy ra sao nhỉ? Chúng ta tưởng việc ấy là lớn lắm.
Chắc vậy, Ngài phán Ngài sẽ sống lại. Hết thảy chúng ta đều tin việc ấy. Chính Ngài đã tin việc ấy mà. Ngài chưa hề sai trật trước đó. Tại sao không chứ? Ngài phán Ngài là Con của Đức Chúa Trời. Chúng ta dám chắc sẽ không quên Ngài. Liệu việc ấy sẽ không phải là lớn lao chăng, nếu Ngài làm việc đó? Không một ai dám tin như thế. Đúng là một bữa đại tiệc mà chúng ta đã có.
Còn Mác nói: “Nhưng các người ấy vừa nghe nói Ngài sống, và người từng thấy Ngài, thì không tin” (Mác 16:11). Ai có thể đổ lỗi cho họ nào? Nếu bạn có mặt ở đó, bạn có tin không?
Một mình trong nổi buồn riêng
Giăng tường thuật cho chúng ta biết rằng Thôma không có mặt vào chiều Chúa nhật ấy, khi Chúa Jêsus thình lình hiện ra ở giữa họ. Kinh thánh không nói lý do tại sao, song tôi nghĩ tôi biết. Có hai cách thức khác nhau về mặt cơ bản người ta đáp ứng với buồn rầu và tai họa. Có người tìm kiếm sự an ủi trong số các bạn hữu của họ. Họ muốn người ta ở chung quanh giúp đỡ họ bằng cách nói ra việc ấy. Những người khác thì thích ở riêng một mình với các suy tưởng của họ hơn. Đấy là Thôma.
Nếu đấy là sự thực, Thôma đã nhận biết nhiều hơn những người khác những gì đã diễn ra tại thành Jerusalem, thực sự khi ấy ông cũng bị thương tổn sâu sắc nhất. Ông không ở với các môn đồ vì tấm lòng ông đã bị chà nát. Mọi sự ông có, ông đã trao cho Chúa Jêsus, còn Chúa Jêsus thì đã chết rồi.
Ông hãy còn yêu mến, hãy còn quan tâm, vẫn mong muốn tin, nhưng tấm lòng ông bị tan vỡ. Ông không phải là một con người xấu cũng không phải là một gã hồ nghi tội lỗi đâu. Sâu lắng bên trong, ông muốn tin lắm chứ. Đừng đưa ông vào chỗ quá khó. Hết thảy chúng ta đều có mặt trong cùng một chỗ kia mà.
Nếu bạn muốn gọi Thôma là một gã hay nghi ngờ, làm ơn đừng biến ông thành một con người vô tín. Có người đã tìm cách đặt ông vào chung với hạng người hay phê phán. Ông không thuộc vào hạng người đó. Thôma chắc chắn không phải là kẻ hay chỉ trích, phê phán hoặc là một nhà hợp lý hóa đâu. Mọi hồ nghi của ông đều ra từ sự tin kính đối với Đấng Christ. Nhất định là có sự hồ nghi trong tấm lòng bị tan vỡ. Sự hồ nghi ấy cũng giống như hồ nghi Sự Ra Đời Bởi Nữ Đồng Trinh vậy. Mất người nào bạn yêu mến và tự hỏi không biết có Đức Chúa Trời ở trên trời hay không là một việc khác nữa.
Hai loại hồ nghi
Bạn thấy đấy, có hai loại hồ nghi trong lãnh vực chân lý thuộc linh. Có những nhà hợp lý hóa sôi động, họ nói: “Tôi không tin việc đó và chẳng có một điều gì làm cho tôi tin việc đó cả”. Hạng người thể ấy khoái trá với sự hồ nghi của họ, họ nói về việc ấy, cười nhạo việc ấy, rồi giận dữ khi họ bị bài bác. Một người như thế không tìm kiếm những giải đáp; họ tìm kiếm một sự tranh cãi. Họ tính đến mọi sự khó khăn, nắm lấy các đối tượng, rồi tìm kiếm các lối thoát. Người dòng Pharisi rơi vào phạm trù nầy. Khi họ yêu cầu Chúa Jêsus làm một dấu lạ, Ngài đã từ chối, rồi gọi họ là “dòng dõi hung ác gian dâm” (Mathiơ 16:1-4).
Nhưng còn có một loại nghi ngờ khác nữa, người nào nói: “Tôi không tin, song tôi bằng lòng tin nếu tôi có thể tự mình nhìn thấy”. Thôma thích ứng với phạm trù nầy. Ông không phải là một người phê phán vô tín đâu; thay vì thế, ông là một tín đồ bị tổn thương. Hãy nhớ, nói chung Thôma không nghi ngờ gì về phép lạ cả. Ông đã nhìn thấy nhiều phép lạ lớn lao nhất của Chúa Jêsus rồi. Song phép lạ nầy là quá lớn không thể vịn vào lời của ai khác được. Ông phải nhìn thấy thì ông mới tin. Và ai có thể đổ lỗi cho ông chứ?
Không một ai muốn tin hơn là Thôma. Nhưng ông đã nhìn thấy quá nhiều, ông vốn biết quá nhiều, mọi sự thực đều chỉ vào một hướng. Trước khi Thôma tin, ông phải nhìn thấy Chúa Jêsus theo cách riêng. Và ông phải biết chắc đấy là Chúa Jêsus — chớ không phải là chiêm bao hay mộng mị. Ông phải biết chắc đấy chính là Chúa Jêsus mà ông đã thấy chết rồi. Đó là lý do tại sao ông không thể vịn vào lời nói của các môn đồ. Không thể vịn vào đâu khác hơn việc nầy. Không phải ông không bằng lòng tin, mà không thể tin kìa.
Không phải là thứ đức tin hụ hợ
Có người thấy thỏa lòng với bằng chứng của nhiều người khác. Có người thì không. Thôma vốn chẳng thỏa lòng rồi. Có phải ông nghi ngờ tính chơn thật của mấy người kia chăng? Không đâu, ông vốn biết rõ họ đã tin vì họ đã trông thấy Chúa Jêsus. Nhưng bấy nhiêu vẫn chưa phải là đủ. Có nhiều người nghĩ họ nhìn thấy mọi việc. Thôma không thể bỏ qua nghi ngờ rằng họ đã trông thấy một con ma. Ông không thể sống với thứ đức tin hụ hợ được. Ông phải tận mắt mình nhìn thấy kia.
Khi ông nói: “Trừ phi tôi rờ đến những vết thương của Ngài, tôi sẽ không tin đâu”, có nhiều thứ còn hơn là hồ nghi. Có tình yêu thương, buồn rầu, đau khổ, và một tia hy vọng nhỏ. Thôma đứng cho mọi thời đại là một người mong muốn tin nếu ông dám chắc. Bạn có thể đổ lỗi cho ông không? Bạn có gì khác biệt ư?
Hoan nghênh người có lòng hồ nghi tại ngôi mộ trống
Sau ngần ấy tháng năm, Thôma đã nhận lãnh một tiếng tăm không được tốt. Thôma hay nghi ngờ, chúng ta gọi ông thế đấy. Chúng ta có khuynh hướng xem thường ông. Còn Chúa Jêsus thì không như vậy đâu. Tám ngày sau, Jesus đã hiện ra với các môn đồ lần thứ hai. Lần nầy Thôma có mặt cùng với họ. Chúa Jêsus phán cùng ông giống như ông là một người có đức tin yếu đuối, chớ không phải một người có tấm lòng xấu xa đâu. Ngài phán: “Hãy đặt ngón tay ngươi vào đây, và xem bàn tay ta; cũng hãy giơ bàn tay ngươi ra và đặt vào sườn ta, chớ cứng lòng, song hãy tin!” (Giăng 20:27).
Thật là xứng đáng để lưu ý rằng Chúa Jêsus vốn biết rõ mọi sự về điều hồ nghi của Thôma. Ngài biết cả đại dương đang thạnh nộ ở bên trong tấm lòng của ông. Và Ngài đã đến chỉ để cho Thôma có thể dám chắc. Chúa Jêsus không xem thường ông. Ngài phán: “Hãy nhớ đấy, mọi sự ngươi tự hỏi không biết có phải đây là sự thực hay không. Hãy tự mình xem xét đi. Chớ cứng lòng song hãy tin”. Đây là sự thực rất tuyệt vời. Những người có lòng hồ nghi đều được tiếp đón tại ngôi mộ trống.
Bạn có tin phép lạ không? Bạn có tin vào phép lạ mà chúng ta kỷ niệm vào ngày Lễ Phục Sinh không? Nếu bạn trả lời “không” hay “tôi không dám chắc” thế thì hoan nghênh đấy. Là một người hồ nghi chơn thật thì không sao. Nếu bạn đến theo cách ấy và muốn rời đi theo cách ấy, thì không sao đâu. Chúa Jêsus đã sẵn sàng, Ngài sẽ hiện diện ở đó đang chờ đợi bạn đấy.
“Chớ cứng lòng, song hãy tin”
Mọi sự mà Đức Chúa Trời yêu cầu, ấy là con người tự bản thân họ vốn khăng khăng đấy thôi. Ngài yêu cầu bạn dành cho câu chuyện nầy một sự đãi ngộ mà bạn cung ứng cho bất kỳ câu chuyện nào khác. Hãy đưa ra bằng chứng, xem xét bản tường trình rồi đi đến một kết luận.
Hồ nghi thì cũng đúng thôi, nhưng đừng để cho mọi sự mình nghi ngờ giữ chân bạn lại. Hãy đến với ngôi mộ trống và tận mắt mình xem thấy. Khi Thôma nhìn thấy Chúa Jêsus, ông đã sấp mình xuống mà xưng rằng: “Lạy Chúa tôi và Đức Chúa Trời tôi” (Giăng 20:28). Câu nói đó đứng như một bằng chứng quan trọng nhất được đưa ra bởi bất kỳ một vị sứ đồ nào. Đây là đỉnh cao của Tin Lành Giăng. Và nó đến từ nhân vật vốn có nhiều điều hồ nghi mạnh mẽ nhất.
Đây là một lẽ thật kỳ diệu mà những người hay hồ nghi nhất thường trở thành hạng tín đồ mạnh mẽ nhất. Và những điều nghi ngờ chơn thật — từng được giải quyết — trở thành nền tảng cho thứ đức tin không hề dời đổi. Cần phải nói rằng không một lẽ thật nào được tin cách mạnh mẽ một khi đó là điều mà bạn từng nghi ngờ nhiều nhất. Trong lịch sử của Hội thánh Cơ đốc, những người hồ nghi nhiều nhất thường trở thành hạng tín đồ ngoan cường nhất.
Đấy là lý do tại sao câu chuyện Thôma phải có mặt trong Kinh thánh — để những người hay nghi ngờ nhất sẽ được khích lệ đem những điều họ nghi ngờ ra ngôi mộ trống. Thôma đã, và mọi điều hồ nghi của ông bị tẩy sạch bởi thân vị của Đức Chúa Jêsus Christ — sống lại từ kẻ chết.
Có một việc khác nữa. Không một ai có thể giữ chơn trung lập mãi được. Bạn có thể đem những điều hồ nghi của mình ra ngôi một trống, nhưng bạn phải đưa ra một sự chọn lựa! Bạn không thể trụ lại bên chiếc hàng rào mãi được. Một là bạn tin hay là không tin, thế thôi.
Đây là ngày Chúa Nhật Phục Sinh. Đây là một ngày kỳ diệu để đưa ra sự chọn lựa đó. Đây là một ngày trọng thể chớ cứng lòng, song hãy khởi sự tin.
Bạn biết rõ Chúa Jêsus đã chết. Không có chút nghi ngờ nào về việc ấy. Bạn biết rõ Ngài đã chịu chết vì bạn. Bạn biết rõ Ngài đã sống lại từ kẻ chết. Câu hỏi mà Đức Chúa Trời đang đưa ra cho bạn là: “Ngươi xử thế nào với Con của Ta?”
Chúa Jêsus phán: “Chớ cứng lòng, song hãy tin”.
Lạy Cha, con cảm tạ Ngài vì vẻ đẹp của Lễ Phục Sinh. Chúng con cảm tạ Ngài vì mọi thắc mắc sâu sắc nhất về cuộc sống được trả lời với tính đơn sơ của một ngôi mộ trống. Xin dẫn chúng con vào ngôi vườn Phục Sinh, ở đó chúng con có thể gặp gỡ Chúa của chúng con.
Nguyện chúng con không bao giờ sống một lần nữa giống như thể Chúa Jêsus đã chết rồi vậy. Nguyện những ai hồ nghi … giờ đây hãy tin và tìm được sự sống qua danh của Ngài. Trong danh của Chúa Jêsus là Đấng đã chết và đã sống lại. Và Ngài hằng sống cho đến đời đời. Amen.

Thứ Bảy, 21 tháng 1, 2012

Mác 11:1-11: "Cuộc Hẹn Tại Thành Jerusalem"


Những khuôn mặt chung quanh thập tự giá
Cuộc Hẹn tại Thành Jerusalem
- Mác 11:1-11
Đây là Tuần Lễ Thánh, và khắp thế giới Cơ đốc nhân đang kỷ niệm những biến cố quan trọng đã diễn ra cách đây 2.000 năm. Mặc dù có nhiều việc phân cách chúng ta, đây là một việc mà hết thảy Cơ đốc nhân đều nhất trí về nó. Tuần Lễ Thánh nằm ở trọng tâm đức tin Cơ đốc. Trong tuần lễ đầy vinh hiển như thế nầy, mọi dị biệt về ngôn ngữ, văn hóa, chủng tộc và giáo lý đều bị quên lãng hết.
Và đúng là một tuần lễ thánh, tám ngày bắt đầu với Chúa nhật Lễ Lá rồi kết thúc với ngày Chúa Nhật Phục Sinh. Hai biến cố quan trọng bao gồm Tuần Lễ Thánh – Sự Đắc Thắng Vào Thành Jerusalem vào ngày Chúa Nhật Lễ Lá và sự sống lại của Chúa Jêsus vào ngày Chúa Nhật Phục Sinh. Không tranh cãi chi hết, đây đúng là Tuần Lễ Thánh, bởi vì nó bao gồm các biến cố thiêng liêng nhất của đức tin Cơ đốc. Tất cả những điều mà chúng ta xem là yêu dấu nhất đều được minh chứng là thực trong suốt tuần lễ quan trọng nầy tại thành Jerusalem.
Tấm Kính Màu
Năm ấy là năm 1902, một đoàn thanh niên nhộn nhịp đã sửa soạn xây một nơi thánh mới. Hội thánh First Presbyterian ở Oak Park đã thuê một trong các kiến trúc sư lỗi lạc nhất về nhà thờ của miền Trung Tây, tên là W. G. Williamson. Công việc họ giao thật là đơn giản: Xây cho chúng tôi một nơi thánh sẽ dẫn chúng tôi vào sự thờ phượng Đức Chúa Trời cao cả và vĩ đại. Ông ta đã thành công vượt quá mọi mơ ước của họ. Nhà thờ xinh đẹp theo kiểu xa xưa có mái vòm và tường thì dày, kết quả là chúng ta giờ đây đang thờ phượng trong ngôi nhà thờ đó.
Rõ ràng là Ông Williamson là một nhà thần học có tài cũng như là một kiến trúc sư bậc thầy. Ông đã thấy rõ Tuần Lễ Thánh trụ tại trung tâm của đức tin Cơ đốc. Đấy là lý do tại sao cánh cửa màu thật lớn ở sườn phía Đông của nhà thờ chứa một bức tranh nói tới một phụ nữ đang cầm nhánh chà là. Đây là một bối cảnh từ Chúa Nhật Lễ Lá đầu tiên. Cánh cửa sổ ở sườn phía Tây chỉ ra một thiên sứ đang thổi kèn vào sáng Chúa Nhật Phục Sinh. Chúng ta đã thờ phượng giữa Chúa Nhật Lễ Lá và Chúa Nhật Phục Sinh kể từ dạo ấy.
Đây là một sự lựa chọn rất hay vì chính kiến trúc của căn phòng nầy đưa chúng ta trở lại thật nhiều lần với mọi thực tại chính của đức tin chúng ta.
Ai nấy không hề khao khát lẽ thật
Sáng nay, mục tiêu của chúng ta nhắm vào Chúa Nhật Lễ Lá. Tôi dám chắc rằng hầu hết chúng ta đều biết rõ mọi vấn đề bao quát của câu chuyện. Nhưng tôi e rằng hầu hết chúng ta chưa bao giờ xem xét câu chuyện theo bất kỳ chi tiết nào. Tại sao Chúa Jêsus lại cỡi trên lưng một con lừa mà vào thành Jerusalem? Tại sao dân chúng phải vẫy chào bằng những nhánh chà là chứ? Tại sao họ hô lên “Hôsana!” khi Ngài đi ngang qua? Mọi sự có ý nghĩa gì chứ? Trong các sự kiện của Tuần Lễ Thánh, Sự Đắc Thắng Vào Thành Jerusalem hay bị bỏ qua và ít có ai hiểu rõ nhất.
Là một chỗ để bắt đầu, chúng ta hãy xem xét mất lời nầy của triết gia người Đan mạch Soren Kierkegaard:
Về mặt cơ bản, lẽ thật phải được xem xét như có mặt trong cuộc xung đột với thế giới nầy; thế giới chưa hề tốt đẹp, và sẽ không bao giờ tốt đẹp vì ai nấy đều không bao giờ khao khát lẽ thật.
Vào ngày Chúa Nhật Lễ Lá, Đấng Chơn Thật vào thành Jerusalem trên lưng một con lừa. Mặc dù đoàn dân đông cổ vũ Đấng Chơn Thật, ở dưới bề mặt ấy là một sự xung đột sắp dấy lên. Ai nấy đều không muốn Đấng Chơn Thật trong ngày đó, họ cũng không mong muốn Đấng Chơn Thật vào bất kỳ ngày nào kể từ ngày ấy.
Mặt trời mọc ở Bêthany
Ngày ấy đã khởi sự như bao ngày khác, với ánh mặt trời sớm mai và âm thanh những người buôn bán đang mở rộng cửa hiệu của họ. Bêthany không phải là một thị trấn lớn, hay thậm chí là một thị trấn nữa. Thực ra, nó giống như một ngôi làng, chỉ là một mớ nhà cửa đơn sơ thôi. Đó đây các nhà nông đã sẵn sàng đi ra đồng – mùa cấy đã đến với họ. Những bà mẹ, họ rất bận rộn lo vực bầy con dậy rồi mặc quần áo cho chúng.
Ở một ngôi nhà kia, mọi sự rất là khác biệt vì Chúa Jêsus có mặt ở đó. Đây là ngôi nhà của Mary và Mathê – hai chị em sống chung với nhau cùng với anh ruột họ là Laxarơ. Chúa Jêsus đã đến viếng họ rất nhiều lần. Ngôi nhà của họ là một nơi nương náu rất đặc biệt cho Ngài. Song lần nầy cuộc thăm viếng của Ngài lại rất khác. Lần nầy Ngài đã đến để dự một đám tang, song lại đổi đám tang ấy thành một buổi tiệc tùng. Chỉ một hay hai ngày trước, Ngài đã công khai làm cho Laxarơ sống lại từ kẻ chết. Hằng trăm người đã nhìn thấy Ngài làm việc ấy, rồi bây giờ hàng ngàn người đã nghe thấy các tin tức. Chuyện nghe khó quá … nhưng Chúa Jêsus đã làm việc ấy! Buổi tiệc kéo dài đến suốt cả đêm.
Giờ đây ban mai đã ló dạng rồi. Rõ ràng là đối với mọi người, Chúa Jêsus không ở lại lâu hơn nữa được. Ngài phải nhìn quanh mình, một người đang thi hành một sứ mệnh. Không một ai khác biết được điều gì sắp sửa xảy ra. Không một ai – thậm chí ngay cả người nào có ý thức nhất giữa vòng các môn đồ Ngài – nhận biết điều chi sắp sửa xảy ra vào buổi sáng Chúa nhật trời trong nầy.
Chương trình của Chúa
Tôi tạm dừng để chèn hai sự kiện nầy vào câu chuyện. Một, ấy là câu chuyện nói tới Sự Đắc Thắng Vào Thành Jerusalem được nhắc lại – rất chi tiết – bởi bốn trước giả Tin Lành. Sự kiện nầy rất xứng đáng vì nó cho chúng ta biết có gì đó quan trọng sắp xảy ra. Còn sự kiện kia, ấy là khi bạn đọc câu chuyện nầy, một ấn tượng đang phủ lút bạn: Chúa Jêsus đang nắm lấy quyền tể trị hoàn toàn mọi sự đang xảy ra vào ngày Chúa Nhật Lễ Lá. Không giống như các biến cố khác trong đời sống của Ngài, Ngài không phản ứng với ai hay việc gì khác. Không một ai – nhắc lại – không một ai mong Ngài phải làm những gì Ngài đang làm. Chẳng có một kẻ đau bịnh nào, chẳng có một gã Pharisi nào để đương đầu, không một cơn bão nào để quở im lặng, không một người nào chết để làm cho sống lại, không một thắc mắc gay go nào phải trả lời hết. Những gì Chúa Jêsus đang làm, Ngài đang làm theo cách của riêng Ngài.
Lời tiên tri thời xa xưa
Câu chuyện nói tới Chúa Nhật Lễ Lá thực sự bắt đầu với một con lừa. Hầu hết chúng ta đều đã nghe nói thể nào Chúa Jêsus đã sai các môn đồ Ngài vào trong một ngôi làng gần đó (có lẽ là Bêphagiê) với những lời dặn dò phải dẫn về một con lừa. Khi bạn đọc câu chuyện của Mathiơ, bạn nhận ra rằng hai môn đồ hiển nhiên đã dẫn về hai con lừa – con lừa mẹ và con lừa con chưa có ai cỡi lên nó. Chúa Jêsus cỡi con lừa con vào thành Jerusalem với con lừa mẹ đi kèm một bên.
Mathiơ cũng thuật lại cho chúng ta biết bằng cách cỡi lừa vào thành Jerusalem, Chúa Jêsus đang làm ứng nghiệm một lời tiên tri thời xa xưa từ Xachari 9:9. Mấy lời nầy – được viết ra 575 năm trước – báo trước rằng khi Đấng Mêsi ngự đến tại xứ Israel, Ngài sẽ đến bằng cách cỡi trên lưng một con lừa. “Hỡi con gái Si-ôn, hãy mừng rỡ cả thể! Hỡi con gái Giê-ru-sa-lem, hãy trổi tiếng reo vui! Nầy, Vua ngươi đến cùng ngươi, Ngài là công bình và ban sự cứu rỗi, nhu mì và cỡi lừa, tức là con của lừa cái”. Mấy lời ấy thuật lại cho chúng ta biết hai sự kiện đặc biệt về Đấng Mêsi. Thứ nhứt, Ngài sẽ đến như một vì vua nhơn từ đang cỡi trên lưng một con lừa. Thứ hai, Ngài sẽ đến như một vì vua công bình đem sự giải cứu đến với dân sự Ngài.
Chẳng có gì dường là khó cho một vị vua cỡi trên lưng con lừa ngự đến cả. Chúa Jêsus khó mà chọn cách nào khác hơn để phô mình cho cả dân tộc biết. Nếu Kinh thánh không loan báo trước, không một ai mơ nổi sự việc ấy. Điều đó giải thích lý do tại sao người Lamã đã ngồi nhàn rỗi vào ngày Chúa Nhật Lễ Lá trong khi hàng chục ngàn người kéo đến với Chúa Jêsus. Từ nhận định của họ, toàn bộ sự việc giống như một trò đùa vậy. Một vị vua cỡi trên lưng lừa ư? Bạn đang đùa à! Không một vị vua nào tự trọng sẽ bị bắt chết trên lưng một con lừa. Nếu bạn muốn tạo ra một cái chạm, bạn sẽ đến trên lưng một con chiến mã hay vây quanh là nhiều binh lính hoặc ngạo nghễ trên một chiến xa. Nhưng trên lưng một con lừa à? Vô phương rồi.
Thật, không khó hình dung ra người Lamã đang cười nhạo khi họ quan sát bối cảnh đó. Một vì vua ăn mày, đang cỡi trên lưng một con lừa mượn, cái yên của Ngài làm bằng nhiều khố áo bẩn thỉu, một đám dân nhà quê vũ khí duy nhứt của họ chỉ là những nhành chà là.
Trông Ngài chẳng giống gì với một vì vua thời ấy. Nhưng đấy là toàn bộ sự việc. Ngài là một vì vua, nhưng Ngài không giống bất cứ một vị vua nào trong đời nầy. Sự Đắc Thắng Vào Thành Jerusalem là một “thí dụ sơ khởi”, trong đó Chúa Jêsus đang gửi một sứ điệp rõ ràng cho xứ sở. “Đây đúng là Ta! Ta là Vua của các ngươi, nhưng Ta không phải là vì Vua mà các ngươi mong đợi!”
Dấu hiệu giải phóng dân tộc
Nói về tình trạng bất ngờ, khi Chúa Jêsus bắt đầu hành trình ba dặm đường từ thành Bêthany đến thành Jerusalem, dân chúng đứng dọc hai bên đường khởi sự làm một việc mà chẳng có ai dám nói trước. Khi Chúa Jêsus đi ngang qua, họ vẫy những chánh chà là. Điều nầy có ý nghĩa gì vậy? Trong Cựu Ước, người Do thái được truyền cho phải vẫy những nhánh chà là như một phần của Lễ Lều Tạm. Hai trăm năm trước Đấng Christ, trong Cuộc Nổi Loạn của anh em Maccabe, khi người Do thái tạm thời kiếm được quyền làm chủ Đền Thờ từ tay người Syri, họ đã tổ chức kỷ niệm bằng cách vẫy những nhành chà là. Ba mươi năm sau sự chết của Đấng Christ, trong cuộc nổi loạn dẫn tới cuộc tàn sát thành Jerusalem vào năm 70SC, người Do thái đúc tiền kim loại chứa hình những nhành chà là ở một mặt. Ghép mọi sự nầy lại với nhau, chúng ta dám nói rằng trong thời của Đấng Christ, những nhành chà là tiêu biểu cho sự vui mừng và kỷ niệm. Chúng cũng là biểu tượng nói tới công cuộc giải phóng xứ sở dành cho người Do thái. Vẫy những nhánh chà là trước mặt Chúa Jêsus thì tương tự với việc cung ứng cho Ngài một cuộc diễu hành đầy những thứ chào đón con người nổi tiếng. Hay chúng ta sẽ nghĩ tới những cuộc diễu hành thật lớn chào đón các binh lính trở về từ Chiến Dịch Bão Táp Sa Mạc. Khi họ diễu hành qua đường phố, họ được hoan nghênh bởi cả đại dương những lá cờ Hoa kỳ.
Khi người Do thái vẫy những nhánh chà là khi Chúa Jêsus cỡi lừa đi ngang qua, họ đang nói: “Đây là nhân vật và đây là thời thế!” Đây là sự chào đón được dành cho các vì vua và những nhà chinh phục thắng trận trở về. “Hãy cỡi lừa vào đi, hỡi Vua Jêsus, không có ai dám cản trở người đâu”.
Năm ngày trước Lễ Vượt Qua
Giờ đây, là sáng Chúa nhật, năm ngày trước Lễ Vượt Qua. Sự thực nầy rất quan trọng vì nó có ý nói rằng thành Jerusalem sẽ đầy ắp với những lữ khách, họ đã đến từ các nơi trong xứ Israel để dự kỳ lễ lớn. Josephus nói rằng trong suốt Lễ Vượt Qua, cư dân thành Jerusalem có thể lên tới 3 triệu người. Đây là địa điểm gần nhất cho kỳ hội quốc gia trong xứ Israel. Từng người một họ sẽ về tham dự Lễ Vượt Qua. Những người bạn lâu nay không nhớ sẽ gặp nhau trên đường phố, nhiều gia đình sẽ đi hàng trăm dặm để đến tại đó. Trong một bầu không khí tham dự lễ hội như vậy, những tiếng đồn mau chóng lan truyền giống như ngọn lửa hoang vậy. Khi tiếng đồn về việc làm cho Laxarơ sống lại từ kẻ chết, dân chúng bắt đầu lấy làm lạ không biết Chúa Jêsus có đến tại thành Jerusalem dự lễ Vượt Qua hay không!?! (Giăng 11:53). Ai nấy đều biết rõ tình trạng thù địch tồn tại giữa Chúa Jêsus và các cấp lãnh đạo Đền Thờ. Liệu Ngài có nắm lấy cơ hội rồi đến đó không cứ cách nào chăng? Hay Chúa Jêsus chọn con đường an toàn rồi Ngài không đến?
Thêm vào với thứ men chính trị luôn luôn tồn tại trong xứ Israel. Đã có ba đảng chính trị chính: Người Pharisi, họ kiên nhẫn chịu đựng sự cai trị của người Lamã; đảng Xê-lốt, họ không nhịn nhục chịu đựng bất cứ điều gì, đặc biệt là người Lamã đáng ghét; người Sađusê, họ điều hành khu vực Đền thờ và cộng tác với người Lamã. Sau cùng, bạn có chính người Lamã và hai kẻ chủ chốt đang nắm quyền hành, Bôntu Philát và Hêrốt Antiba. Bối cảnh giờ đây được đặt ra cho một cuộc đối đầu quan trọng. Trong tình huống bất ổn nầy Chúa Jêsus cỡi trên lưng một con lừa con tiến vào. Điều gì sẽ xảy ra kế đó?
Hai bối cảnh kỳ lạ
Hãy hình dung bối cảnh xem. Khi Chúa Jêsus rời thành Bêthany đi đến thành Bêphagiê và Núi Ôlive, hàng trăm người chạy đến hiệp với Ngài. Chẳng mấy chốc thì đám đông càng lúc càng đông thêm giống như toàn thể nhiều gia đình, họ đứng dọc theo con đường hẹp đầy bụi bặm. Nếu bạn đọc câu chuyện của Giăng, thì rõ ràng có một đám đông khác ra từ thành Jerusalem, nghe nói rằng Chúa Jêsus đang trên đường đến đó, họ rời thành phố để đón Ngài khi Ngài đến gần Núi Ôlive. Đâu đó ở bên sườn của Trũng Kít-rôn, hai nhóm nầy gặp nhau, họ reo hò, ca hát, cười đùa, nhảy múa và hô to khẩu hiệu. Đây là ngày vui vẻ không thể kềm chế được khi dân chúng hoan nghênh Chúa Jêsus đến thành Jerusalem.
Đồng thời, ở bên trong thành phố, các thầy tế lễ cả cùng mấy thầy thông giáo theo dõi tình hình với sự báo động ngày càng tăng. Một sự ủng hộ Chúa Jêsus là việc sau cùng mà họ mong muốn. Đối với họ, cả thế gian đã nghiêng về phía Chúa Jêsus rồi. Cú sốc của họ đổi thành mất tinh thần và rồi thành giận dữ khi các tường trình cứ đổ về dồn dập. Nhiều phút chuyển thành nhiều giờ vào ngày Chúa Nhật Lễ Lá trong khi hai dòng suối cảm xúc của con người hội tụ lại. Ở một mặt, có sự phấn khích dấy lên khi Chúa Jêsus đền gần Cổng phía Đông; mặt khác, có sự chống đối gia tăng khi các cấp lãnh đạo quyết định rằng Chúa Jêsus sẽ không rời thành phố mà còn sống.
Những tiếng hoan hô thánh khiết
Đang khi đám rước đang trên đường tiến về thành Jerusalem, nhiều tiếng hô của dân chúng càng lúc càng vang dội hơn. Tất cả bốn trước giả Tin Lành không những họ nhắc tới điểm dân chúng tung hô vang dội, mà còn nhắc tới điều mà họ đã tung hô nữa kìa. Đặc biệt, họ nhắc tới hai việc: Thứ nhứt, họ hô lên: “Hôsana! Hôsana! Hôsana!”, và thứ hai, họ hô vang: “Phước cho Đấng nhơn danh Chúa mà đến”. “Hôsana!” là từ Hybálai ý nói: “Xin cứu chúng tôi ngay giờ nầy”. Như một tác giả viết: “Hôsana!” là một loại “hoan hô thánh khiết”. Từng người Do thái đứng quan sát, ngay lập tức họ nhận ra câu nói thứ hai là một trưng dẫn từ Thi thiên 118. Tất cả họ đều biết rõ Thi thiên ấy, vì Thi thiên 118 là một trong những Thi thiên nói tới Đấng Mêsi. Bằng cách tung hô mấy lời nầy, dân chúng đang ở trong việc công nhận rõ ràng Chúa Jêsus là Đấng Mêsi được hứa cho. Không một ý nghĩa nào khác khả dĩ có thể thích ứng với mọi tiếng tung hô của họ trong lúc nầy. Số dân chúng nầy, họ tin rằng cuối cùng rồi, thì Đấng Mêsi đã ngự đến.
Họ đã đúng.
Có sự việc dễ bị bỏ qua, ấy là Chúa Jêsus đã vui vẻ nhận lấy lời khen ngợi của dân chúng vào Chúa Nhật Lễ Lá. Đây đúng là một sự thay đổi. Đối với phần lớn chức vụ công khai của Ngài, bất cứ lúc nào Ngài làm ra một phép lạ, Ngài bảo người ta đừng đồn việc ấy ra. Ngài muốn người ta nhìn thấy Ngài phải hơn cả người chuyên làm phép lạ kìa. Nhưng ngày nay không phải thế. Thời điểm dành cho sự im lặng đã qua lâu rồi. Nếu Ngài muốn làm cho ít người biết đến, giờ đây Ngài đang đếm sự im lặng không tưởng được. Thời điểm dành cho sự thực đã đến. Khi người Pharisi nghe thấy đoàn dân đông ngợi khen Ngài, họ đã giục Ngài phải quở trách các môn đồ. Chúa Jêsus từ chối, Ngài phán: “Nếu ta bảo họ phải im lặng, thì đá nầy sẽ vỡ ra trong sự khen ngợi Ta”.
Chúa Jêsus khóc
Bây giờ, có một việc lạ lùng đang diễn ra. Luca là trước giả duy nhứt thuật lại cho chúng ta biết điều đó. Ở đỉnh cao của kỳ lễ, Chúa Jêsus bắt đầu khóc. Sự việc xảy ra trên đường đến thành đi vòng qua phía Nam của Núi Ôlive. Khi bạn đi con đường đó, bạn đến với một đỉnh nhỏ hơn. Khi bạn lên tới đỉnh, cả thành phố Jerusalem đột nhiên xuất hiện ở trước mắt bạn. Đây là một bối cảnh rất tuyệt vời. Khi Chúa Jêsus nhìn thấy thành phố, Ngài bắt đầu bật khóc.
Sự việc dường như rất kỳ lạ. Tôi có thể hình dung một thiếu niên đang nói: “Mẹ ơi, sao ông Jêsus lại khóc chứ?” Và câu trả lời là: "Mẹ không biết, con ơi”. Câu trả lời tìm thấy không khó mấy. Chúa Jêsus đã khóc, không phải vì chính mình Ngài, mà vì thành phố sắp sửa chối bỏ Ngài. Chúa Jêsus đã nhìn qua bên kia đoàn dân đông đang cổ vũ để nhìn thấy đám đông không bao lâu nữa sẽ đóng đinh Ngài trên thập tự giá. Ngài biết rõ vào ngày Chúa Nhật Lễ Lá rằng Ngày Thứ Sáu Tốt Lành chỉ còn có 5 ngày nữa mà thôi. Và qua lớp sương mù lịch sử, Ngài đã nhìn thấu vào cuộc tương lai, đến thời điểm khi quân đội Lamã sẽ tàn sát thành Jerusalem vào năm 70SC. Đây là lời lẽ của Ngài: “Ước gì, ít nữa là ngày nay, mầy đã hiểu biết sự làm cho mầy được bình an! Song hiện nay những sự ấy kín giấu nơi mắt mầy. Vì sẽ có ngày xảy đến cho mầy, khi quân nghịch đào hố xung quanh mầy, vây mầy chặt bốn bề. Họ sẽ hủy hết thảy, mầy và con cái ở giữa mầy nữa. Không để cho mầy hòn đá nầy trên hòn đá kia, vì mầy không biết lúc mình đã được thăm viếng” (Luca 19:42-44). Ở giữa sự vui vẻ ấy, Chúa Jêsus đã nhìn thấy cuộc tương lai rất rõ nét. Ngài biết rõ ngày Thứ Sáu Tốt Lành chỉ còn có 5 ngày nữa thôi. Ngài biết rõ cả xứ không bao lâu nữa sẽ xây khỏi Ngài. Ngài cũng biết rõ qua cuộc tương lai mù mịt kia, cái ngày mà quân Lamã sẽ đến hủy diệt thành phố từng hòn đá một, giết chết nhiều người nam người nữ đến hàng ngàn người. Vì xứ sở sẽ từ chối Đấng Mêsi của nó, sự phán xét ghê khiếp như vậy không bao lâu nữa sẽ ụp đến. Tại sao chứ? Con của Đức Chúa Trời đã ngự đến và họ không công nhận Ngài. Con của Đức Chúa Trời đã ngự đến và họ đã đóng đinh Ngài trên thập tự giá.
– Ngài biết rõ đám đông sẽ thay đổi.
– Ngài biết rõ các cấp lãnh đạo đang mưu nghịch Ngài.
– Ngài biết rõ những tiếng cổ vũ sẽ đổi thành chế nhạo.
– Ngài biết rõ từ ngày thứ Sáu những gì sẽ xảy ra vào ngày Chúa nhật.
– Ngài biết rõ thập tự giá được dựng thẳng đứng trên con đường của Ngài.
Ngài biết rõ mọi sự ấy, nhưng Ngài cứ đi tới. Vua Jêsus đã cỡi lừa hướng đến thành phố vì Ngài có một cuộc hẹn tại thành Jerusalem.
Ngài làm cuộc hẹn ấy ra đơn giản hơn như thế nào?
Trong những ngày tháng hầu đến, có người sẽ nhìn lại rồi nói: “Nếu chúng ta biết”. Nhưng sau Chúa Nhật Lễ Lá, không có một người nào thực sự sử dụng câu nói đó nữa. Họ đã biết rồi! Không một người nào dám nói: “Ngài không làm cho mình ra đơn giản”. Ngài làm cho cuộc hẹn ấy ra đơn giản hơn như thế nào? Ngài tỏ mình ra rõ ràng đến nỗi chẳng có ai quên được việc ấy.
Vào ngày Chúa Nhật Lễ Lá, không một người nào chịu bất kỳ sự ép buộc nào. Cả xứ đã có một sự lựa chọn rõ ràng phải đưa ra. Cũng một thể ấy với các bậc cầm quyền. Người Lamã chẳng làm một việc gì để can thiệp cả. Các thầy tế lễ đã đứng quan sát mọi chuyện đang xảy ra. Từng người một đều phải đưa ra một sự lựa chọn trong ngày ấy; mỗi người trong thành Jerusalem phải đưa ra một sự lựa chọn. Tốt hơn hay tệ hơn, cái chết là rõ ràng. Jêsus cần có một quyết định và cả xứ phải đưa ra phán quyết.
Hỗn hợp những phản ứng
Giờ đây, Chúa Jêsus đã vào trong thành phố. Rối loạn lung tung đang thống trị. Nhà Vua đã đến. Dân chúng sẽ làm gì đây? Những câu trả lời tìm thấy chẳng khó đâu:
– Các môn đồ công khai ngợi khen Ngài.
– Trẻ con vô tư khen ngợi Ngài.
– Đám dân đông cổ vũ Ngài, nhưng họ không hiểu Ngài.
– Thành phố thì tò mò nhưng chẳng cam kết gì.
Bấy nhiêu đó còn chừa lại một nhóm – các cấp lãnh đạo tôn giáo, nhóm đông thầy thông giáo và người dòng Pharisi, “các trưởng lão của dân Israel”, các vị quan trong Toà Công Luận. Họ sẽ nói gì đây? Họ sẽ phản ứng sao đây? Dân chúng đã nói rồi, nhưng các bậc cầm quyền của họ có ưa không?
Ba từ ngữ tóm tắt phản chứng “chính” đối với Chúa Jêsus vào ngày Chúa Nhật Lễ Lá: Lo sợ … Thất vọng … Giận dữ. Lo sợ vì họ không biết Chúa Jêsus sẽ dẫn tới đâu. Thất vọng vì có quá nhiều người cổ vũ khi Ngài cỡi lừa vào thành phố. Giận dữ vì giờ đây họ xem Ngài là kẻ thù của mọi lợi ích của họ, một kẻ thù phải bị tiêu diệt.
Những đường cày ngắn
Bạn tôi là Bruce Tanner có lối nói ông sử dụng để mô tả bất cứ ai thấy họ đang lọt vào chỗ căng thẳng. “Bạn nên xuống hàng dưới kia ngay thôi”. Đây là lối nói bóng bẩy rút tỉa từ những nhà nông khi họ cày đất của họ. Khi đường cày bị xéo đi, bạn khởi sự với những đường dài rồi kết thúc với những đường ngắn hơn. Cho nên phải chỉnh sửa sao cho khéo với những đường cày ngắn hơn.
Dân Israel đang đi xuống với những đường cày ngắn trong lúc bây giờ. Những cuộc luận bàn xa xỉ giờ đây là quá khứ rồi. Thời điểm để quyết định đã đến. Không bao lâu nữa, cả nước phải đưa ra phán quyết về Đức Chúa Jêsus Christ. Bằng chứng đã có rồi, bồi thẩm đoàn đã được dặn dò, và phán quyết không bao lâu nữa phải được đưa ra.
Kierkegaard cung ứng cho chúng ta lối nói sắc sảo khác ứng dụng cho giây phút nầy trong lịch sử của nhân loại: “Đức Chúa Jêsus Christ là đối tượng của đức tin – đức tin một là tin theo Ngài hoặc thấy khó chịu bởi Ngài”. Có hai sự lựa chọn và chỉ có hai mà thôi. Một là bạn tin theo hoặc là bạn thấy khó chịu. Lẽ thật về Chúa Jêsus là một thanh gươm có hai lưỡi. Nó cắt cả hai chiều. Không một ai có thể đứng ở giữa cho đến đời đời được.
Trong câu chuyện của Mathiơ, ông đưa ra phần lưu ý khá thú vị. Khi Chúa Jêsus đến gần thành Jerusalem vào Chúa Nhật Lễ Lá, Mathiơ nói rằng cả thành phố đều bị khuấy động. Từ ngữ ấy có ý nói bị lay động đến tận cốt lõi. Dân chúng bắt đầu hỏi nhau: “Người nầy là ai vậy?” Và câu trả lời là: “Ấy là Jêsus tiên tri xuất thân từ thành Naxarét trong xứ Galilê”. Hãy suy nghĩ về câu trả lời ấy trong một phút xem. Câu trả lời ấy rất thực là dường nào. Từng chi tiết là chính xác. Thế nhưng bấy nhiêu vẫn chưa đủ đâu.
Ngài là một tiên tri, nhưng Ngài còn hơn là một tiên tri nữa. Ngài xuất thân từ Galilê nhưng đấy chẳng phải là thị trấn quê hương của Ngài. Dân cư thành Jerusalem đã đưa ra một câu hỏi rất hay và đã trình ra câu trả lời gần như là chính xác. Song trong các vụ việc thuộc linh, gần như là chính xác thì chưa phải là đủ đâu. Chúng rất gần song chưa gần đủ!
Những bài học về Chúa Nhật Lễ Lá
Mác kết thúc câu chuyện của ông về Sự Vào Thành Đắc Thắng bằng cách nói cho chúng ta biết rằng sau khi Chúa Jêsus đã vào thành Jerusalem, Ngài đi thẳng đến Đền thờ, nhưng vì khi ấy trời đã về chiều rồi, chẳng có ai ở đó hết. Vì vậy, Ngài rời thành Jerusalem cùng với các môn đồ, đi ngược trở lại Bêthany rồi qua đêm ở đó. Đây là phương thức lạ lùng kết thúc một ngày quan trọng như thế. Nhưng nó làm dấy lên một thắc mắc quan trọng không kém. Chúa Jêsus đã hoàn thành việc gì trong ngày ấy? Ngày Chúa Nhật Lễ Lá nói tới điều gì chứ? Tại sao phải Đắc Thắng Vào Thành?
Nếu bạn muốn trả lời bằng một câu nói, thì câu ấy phải là như vầy đây: Chúa Jêsus đang gửi một sứ điệp cho Israel vào ngày Chúa Nhật Lễ Lá, một sứ điệp cho thấy thời điểm quyết định đã đến. Dân chúng không còn có đặc ân để bàn bạc về ủy nhiệm thư của Ngài với một tư thế khó hiểu nữa. Trong ngày nầy, Chúa Jêsus tự giới thiệu mình cho cả dân tộc, yêu cầu phải có một quyết định ngay lập tức. Câu trả lời Ngài đã nhận được không khích lệ lắm. Mặc dù đám dân đông cổ vũ, họ không thực sự hiểu rõ Ngài. Mặc dù các cấp lãnh đạo hiểu rõ Ngài, họ không cổ vũ Ngài. Israel đã đến gần, gần đến nỗi ôm chầm lấy Ngài trong vai trò Đấng Mêsi trong ngày ấy. Nhưng gần chưa phải là đủ đâu.
Sau Chúa Nhật Lễ Lá, chỉ có một việc còn lại là đồi Gôgôtha.
Gần 20 thế kỷ đã đến rồi đi kể từ khi Chúa Jêsus thỏa mãn cuộc hẹn của Ngài tại thành Jerusalem. Ba bài học đọng lại khiến cho chúng ta phải xem xét.
1. Những cơ hội thuộc linh không kéo dài cho đến đời đời.
Nơi nào Đức Chúa Jêsus Christ dính dáng đến, không một người nào phải chờ đợi cho đến đời đời. Không một ai phải ngồi mãi bên chiếc hàng rào. Ở đó là thời điểm đưa ra quyết định quan tâm đến hoặc chống lại Con của Đức Chúa Trời. Trong các vấn đề thuộc linh, đừng quyết định để mà quyết định. Nói “không ngay bây giờ” thực sự là nói “không”.
Quan tâm đến Chúa Jêsus chưa phải là đủ đâu. Hàng triệu người biết quan tâm đến Ngài lại chẳng có một mối quan hệ sống động nào với Ngài hết. Dân chúng trong ngày Chúa Nhật Lễ Lá đầu tiên vốn rất quan tâm. Cả thành phố bị khuấy động lên tới chỗ phải bàn luận … nhưng không lên tới chỗ phải hành động. Chỉ có quan tâm thôi, điều nầy sẽ không cứu lấy bạn đâu. Tin Lành chỉ cứu người nào tin … chớ không cứu người nào nói về việc tin theo. Quan tâm là tốt đấy, nếu nó dẫn tới chỗ phải hành động; nếu không, quan tâm chắc chắn sẽ chuyển thành không quan tâm và hoàn toàn rơi vào chỗ thù ghét.
Trung lập về mặt thuộc linh là trạm nghỉ tạm thời, không phải là nơi đến vĩnh viễn. Không một ai trụ mãi ở đó cho đến đời đời được. Kierkegaard đã nói đúng: “một là tin theo Ngài hoặc thấy khó chịu về Ngài”.
Có kỳ suy nghĩ và có kỳ quyết định; có kỳ im lặng và có kỳ nói ra; có kỳ bàn luận và có kỳ định ý mình. Ngày Chúa Nhật Lễ Lá nhắc cho chúng ta nhớ rằng mỗi một người chúng ta chẳng chóng thì chày phải định ý mình về Đức Chúa Jêsus Christ.
Rollo May thốt ra một lời rất hay ở điểm nầy:
Lý do chúng ta không nhìn thấy sự thực không phải là chúng ta không đọc đủ các sách hay chưa có đủ trình độ tiếp thu, nhưng vì chúng ta không có đủ can đảm.
Ông nói đúng chính xác luôn. Nếu chỉ một mình tri thức cứu chúng ta, cả thế gian ngay bây giờ sẽ được cứu. Nhưng tri thức mà không có can đảm sẽ dẫn bạn tới chỗ đường cùng về lý trí. Cần phải nắm lấy can đảm để tin theo Chúa Jêsus. Về vấn đề nầy, cần phải có can đảm để đưa ra bất kỳ quyết định quan trọng nào trong lãnh vực thuộc linh. Hiếm khi tri thức là gốc rễ nan đề của chúng ta. Phần lớn chúng ta đều thiếu can đảm để vòng tay ôm lấy lẽ thật.
2. Thế gian đã chối bỏ Đấng Christ khi ấy vẫn còn chối bỏ Ngài hôm nay.
Dân cư của thế gian vốn ghét bỏ cảm xúc tôn giáo theo cùng một cách mà người dòng Pharisi đã ghét bỏ đám dân đông cổ vũ Chúa Jêsus khi Ngài cỡi lừa vào thành Jerusalem. Họ ghét bỏ cảm xúc tôn giáo vì họ không hiểu được cảm xúc ấy. Đối với họ, tôn giáo là một việc của lý trí không bao giờ chạm đến tấm lòng. Nhưng Chúa Jêsus thì chẳng nghĩ như vậy. Nếu một người không dâng tấm lòng cho Ngài, Chúa Jêsus chẳng có phần gì nơi người ấy. Mặc dù nghe thì thấy kỳ lạ, nếu Chúa Jêsus đến tại Chicago, Ngài sẽ bị đóng đinh trên thập tự giá nhiều lần nữa.
3. Lời mời gọi không phải là tin mà là phải dạn dĩ lên.
Đấng Christ đến thật nhiều lần với tấm lòng của con người. Mỗi lần như thế, người ta phải đưa ra một phán quyết. Hãy xem kìa! Ngài đang đi xuống đường Lake. Chúa Jêsus đã đến tại Oak Park. Vua của các bạn đã đến. Bạn sẽ làm gì đây? Liệu bạn có tham gia cùng những kẻ đã đóng đinh Ngài trên thập tự giá hay liệu bạn sẽ tham gia với những người đang hô to “Hôsana! Hôsana! Hôsana!"?
Nhu cần quan trọng nhất của chúng ta là phải dạn dĩ về mặt đạo đức để đưa ra những sự lựa chọn đúng đắn về mặt đạo đức. Khi thời điểm đến để chọn đứng bên nào với Chúa Jêsus, mọi sự bạn có cần là có can đảm đủ để đứng bên cạnh Ngài. Lời mời của ngày Chúa Nhật Lễ Lá không phải là tin mà là phải dũng cảm lên. Người có lòng dũng cảm hiệp với con cái bé mọn, họ ngợi khen Ngài cách vui vẻ trong khi kẻ nhút nhát cứ mãi nằm mơ về những gì sẽ xảy ra.

Thứ Tư, 18 tháng 1, 2012

Sáng thế ký 49:10; Luca 1:33: "Từ Giacốp Đến Chúa Jêsus"


Từ Giacốp đến Chúa Jêsus
– Sáng thế ký 49:10; Luca 1:33
Phần nghiên cứu của chúng ta về cuộc đời của Giacốp rất khác biệt đối với các phần khác. Khi chúng ta bắt đầu, ông vẫn còn ở trong lòng mẹ. Khi Sáng thế ký đưa câu chuyện của ông đến chỗ kết thúc, ông được chôn cất trong hang đá Mặcbêla, cùng với cha và ông nội của mình. Ở phần giữa, con người có đức tin nầy không hề thôi di chuyển — từ Bêe Sêba đến Bêtên đến Charan đến Galaát đến rạch Giabốc đến Sucốt đến Sichem đến Bêtên một lần nữa đến Éphata đến Tháp Êđe đến Mamrê đến Bêe Sêba một lần nữa đến Aicập rồi sau cùng trở về lại Đất Hứa, ở đó ông được chôn cất trong Hang Đá Mặcbêla — và đấy đúng là những lần di chuyển mà chúng ta biết rõ. Trong 147 năm, Giacốp chưa bao giờ để cho cỏ mọc dưới chân ông.
Nhưng giờ đây câu chuyện đã qua rồi, và ông chuyển vào trong bảng danh sách các nhân vật nổi tiếng của Kinh thánh. Đem sánh với Ápraham, đức tin của ông không phải là lớn lao cho lắm. Đem sánh với Giôsép, mọi thành tựu đời nầy của ông chẳng thấm vào đâu cả. Đem sánh với Ysác, Giacốp đã làm rất tốt cho bản thân mình. Ông không phải là nhân vật lỗi lạc nhất trong Cựu Ước, nhưng ông đứng trụ không xa đối với đỉnh cao của bảng danh sách. Nhiều người khác đã làm việc nhiều hơn, có lẽ thế, song chẳng có ai để lại dấu ấn không thể xóa nhòa được như vậy. Trong gần 4.000 năm kể từ lúc ông qua đời, mỗi lần có người nhắc lại về dân tộc Israel, họ đã nộp thuế vô danh cho Giacốp.
Mục đích của chúng ta trong phần nghiên cứu sau cùng nầy là đặt Giacốp vào phạm trù rộng lớn hơn trong khải thị của Kinh thánh. Một dòng sông lịch sử nối tiếp chảy từ Sáng thế ký cho đến sách Khải huyền, trải ra hàng ngàn năm và hàng trăm thế hệ. Người nào tin theo Kinh thánh từ lâu đã luận rằng mặc dù Kinh thánh chứa 66 sách do nhiều người khác nhau viết ra qua 1500 năm, song chỉ có một sứ điệp: chương trình của Đức Chúa Trời là đem ơn cứu rỗi đến cho thế gian qua Đức Chúa Jêsus Christ. Dầu là thế nào, mọi sự trong Kinh thánh rất thích ứng với đề tài lớn lao đó.
Cựu Ước — Dự kiến
Các sách Tin Lành — Sự hóa thân thành nhục thể
Công Vụ các Sứ Đồ — Công bố
Các thư tín — Giải thích
Khải huyền — Hoàn thành
Cựu Ước chép: “Ngài sẽ đến!” Các sách Tin Lành chép: “Ngài đang hiện diện ở đây!” Sách Công Vụ các Sứ Đồ chép: “Ngài đã đến!” Các thư tín chép: “Ngài là Chúa!” Sách Khải huyền chép: “Ngài sẽ tái lâm!”
Thế thì lịch sử [History], là câu chuyện của Ngài [His Story]. Mọi sự trong Kinh thánh, một là dẫn tới sự đến của Ngài hay giải thích ý nghĩa sự đến của Ngài hoặc những lời hứa hẹn rằng Ngài sẽ đến một lần nữa. Cách đây mấy năm, Norm Geisler đã viết một quyển sách có đề tựa là Tìm Hiểu Kinh Thánh, Tìm Kiếm Đấng Christ. Trong quyển sách nầy, ông trình bày cho thấy thể nào Đấng Christ được thấy có trong tất cả 66 sách của Kinh thánh. Trong Sáng thế ký, Ngài là Dòng Dõi Của Người Nữ, trong sách Xuất Êdíptôký Ngài là Chiên Con Lễ Vượt Qua, trong sách Lêvi ký Ngài là Đấng Chuộc Tội Bằng Huyết, Trong sách Dân số ký Ngài là Ngôi Sao của Giacốp, và cứ thế. Quan sát một cách chính xác, Kinh thánh là Christocentric — nghĩa là Kinh thánh có Đấng Christ làm trung tâm điểm của nó.
Trong phần nghiên cứu nầy, chúng ta muốn khám phá thể nào Giacốp lại phù hợp với chương trình rộng lớn hơn của Đức Chúa Trời khi đem Đức Chúa Jêsus Christ vào thế gian. Bạn tiếp thu thế nào từ Giacốp đến Chúa Jêsus? Đâu là sự kết nối giữa Kẻ Nắm Gót ChơnCon của Đức Chúa Trời? Phải chăng, có một sợi dây nối dài từ Bêtên đến Bếtlêhem?
Lời hứa đang mở ra
Câu chuyện của chúng ta khởi đi từ Vườn Êđen vào lúc thê thảm kia, sau khi Ađam và Êva đã ăn trái cấm. Địa đàng bị xúc phạm khi tội lỗi xen vào. Satan đã thắng, chương trình của Đức Chúa Trời bị lạc hướng, Tổ Phụ Đầu Tiên của chúng ta đã sa ngã không còn ở trong tình trạng vô tội nữa. Kể từ giờ phút tội lỗi lan rộng khắp cả đất, làm vấy bẩn mọi sự mà nó chạm đến.
Đức Chúa Trời sẽ làm gì đây? Ngài sẽ xử lý thế nào với hạng người được chọn lại xây khỏi Ngài? Liệu Ngài có tiêu diệt Ađam và Êva rồi khởi sự lại không? Không. Sự cứu rỗi bắt đầu với phần lưu ý rất đơn sơ, ấy là Đức Chúa Trời không bỏ cuộc đối với dòng giống con người. Đức Chúa Trời đã quyết định, Ngài phải làm một việc gì đó! Ngài sẽ không để cho Satan thắng trận để đoạt lấy hành tinh địa cầu nầy đâu.
Phần còn lại của Cựu Ước là sự mở ra theo cách tiệm tiến chương trình của Đức Chúa Trời để chống lại mọi điều đã xảy ra trong vườn Êđen. Vào thời điểm ấy, Đức Chúa Trời đã lập một lời hứa, tuy mơ hồ, nhưng lại là một tia sáng le lói đầu tiên của hy vọng sau Sự Sa Ngã. Lời hứa ấy người ta có thể lần theo qua nhiều thế kỷ khi Đức Chúa Trời từ từ làm sáng tỏ lời hứa bằng cách thu hẹp phạm trù của nó. Lời hứa trong hình thức thanh sạch nhất của nó là đây: Đức Chúa Trời sẽ làm một việc về tội lỗi bằng cách sai ai đó đến với thế gian. Thế nhưng ai, và bằng cách nào, rồi ở đâu và vào thời điểm nào?
Chúng ta hãy lần theo câu trả lời đang mở ra cho câu hỏi ấy:
1. Ngài sẽ là một thành viên của dòng giống con người.
“Ta sẽ làm cho mầy cùng người nữ, dòng dõi mầy cùng dòng dõi người nữ nghịch thù nhau. Người sẽ giày đạp đầu mầy, còn mầy sẽ cắn gót chân người” (Sáng thế ký 3:15). Câu nầy chứa một lượng thông tin đáng kinh ngạc về chương trình giải cứu dòng giống con người của Đức Chúa Trời:
1. Chương trình của Đức Chúa Trời tựu trung vào một nhân vật đặc biệt.
2. Nhân vật ấy sẽ là một con người.
3. Ngài sẽ bước vào dòng giống con người bằng cách ra đời bởi một người nữ.
4. Ngài sẽ đánh trận với Satan.
5. Satan sẽ tung cú đấm chống lại Ngài, song không đánh bại Ngài được.
6. Ngài sẽ chà nát Satan và quyền lực của hắn.
Đấng Cứu Tinh, khi Ngài đến, sẽ trở thành “dòng dõi của người nữ" — nghĩa là, Ngài không phải là một thiên sứ hay một tạo vật siêu nhiên, mà Ngài là một con người và sẽ bước vào dòng giống con người bằng cách được một người nữ sanh ra. Sáng thế ký 3:15 vì thế là manh mối đầu tiên trong chuổi xích dài dẫn chúng ta đến thành Bếtlêhem.
2. Ngài sẽ xuất thân từ giống dân Semitic.
“Đáng ngợi khen Giê-hô-va, là Đức Chúa Trời của Sem thay!” (Sáng thế ký 9:26). Sau nạn lụt thời Nôê, dòng dõi bắt đầu thu hẹp lại. Nôê có ba người con trai, nhưng Đấng Cứu Tinh phải ra từ một trong số họ. Nôê công bố rằng Đấng Cứu Tinh sẽ ra từ dòng dõi của con trai ông là Sem — ông là tổ phụ của dân Semitic trên thế giới.
3. Ngài sẽ là con của Ápraham.
“Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân lớn; ta sẽ ban phước cho ngươi, cùng làm nổi danh ngươi, và ngươi sẽ thành một nguồn phước. Ta sẽ ban phước cho người nào chúc phước ngươi, rủa sả kẻ nào rủa sả ngươi; và các chi tộc nơi thế gian sẽ nhờ ngươi mà được phước” (Sáng thế ký 12:2-3). Nhiều năm về sau Đức Chúa Trời phán với Ápraham đang khi ông trú ngụ tại Urơ, xứ Canhđê, kêu gọi ông rời khỏi thành phố ấy để đến một đất mà Đức Chúa Trời sẽ chỉ cho ông sau đó. Ápraham đã vâng theo rồi kết thúc tại Đất Hứa. Điều nầy chỉ ra một sự thu hẹp quan trọng của lời hứa — từ mọi dòng giống con người để rồi chỉ còn một con người mà thôi. Đấng Cứu Tinh phải ra từ dòng dõi của Ápraham.
4. Ngài sẽ là con của Ysác.
“…các dân thế gian đều sẽ nhờ dòng dõi ngươi mà được phước …” (Sáng thế ký 22:18). Lời hứa thu hẹp lại sâu xa hơn nữa khi Đức Chúa Trời giờ đây chỉ rõ rằng lời hứa sẽ đến qua Ysác — chớ không phải qua Íchmaên.
5. Ngài sẽ là con của Giacốp.
“…các chi họ thế gian sẽ nhờ ngươi và dòng dõi ngươi mà được phước” (Sáng thế ký 28:14). Ysác có hai người con trai — Giacốp và Êsau. Theo thông lệ, Êsau sẽ nhận được lời hứa trong vai trò người con trưởng. Song ông đã bán quyền ấy cho Giacốp để lấy tô canh “phạn đậu”. Liệu Đức Chúa Trời có tôn cao việc chuyển giao đó không? Câu trả lời là “có”, mặc dù nơi phần Giacốp có một số bất công trong đó. Trong giấc chiêm bao mầu nhiệm về cái thang bắc lên tận trời, Đức Chúa Trời nhắc lại với Giacốp lời hứa đã lập trước đây với cha và ông nội của ông. Thế là dòng dõi bị thu hẹp lại một lần nữa.
6. Ngài sẽ ra từ chi phái Giuđa.
“Cây phủ việt chẳng hề dời khỏi Giu-đa, Kẻ lập pháp không dứt khỏi giữa chân nó, cho đến chừng Đấng Si-lô hiện tới, và các dân vâng phục Đấng đó” (Sáng thế ký 49:10). Giacốp có 12 con trai. Người con nào sẽ được chọn để cưu mang lời hứa ấy? Theo quyền hạn, thì chắc sẽ là Rubên, là con trưởng nam. Nhưng ông ta đã phạm tội và bị gạt qua một bên. Cũng thực như thế với Simêôn và Lêvi. Khi Giacốp đến với Giuđa là con trai thứ tư, ông đã thốt ra một trong những lời tiên tri đáng kinh ngạc nhất trong cả Kinh thánh. Trong 2.000 năm, Sáng thế ký 49:8-12 đã được xem là một trong những lời tiên tri quan trọng về Đấng Mêsi trong Cựu Ước. Mặc dù Giacốp đã già và sắp qua đời, với hai con mắt đức tin ông đã nhìn thấu qua lớp sương mù đến cái ngày mà chi phái Giuđa sẽ nắm lấy quyền lãnh đạo trong xứ Israel. Dân sự Giuđa sẽ giống như sư tử đầy can đảm và năng lực. Chi phái của họ sẽ dẫn lối; còn 11 chi phái kia sẽ đi theo.
Cây phủ việt (dấu hiệu về uy quyền vua chúa) sẽ đặt nơi Giuđa cho tới chừng “Đấng Silô” hiện đến. “Silô” một là danh xưng thích hợp nói tới Đấng Mêsi hay đó là một từ Hêbơrơ rút gọn có ý nói “Ngài là Đấng mà (cây phủ việt) thuộc về”. Nếu đây là một danh xưng thích đáng, thế thì “Silô” có nghĩa là “Đấng đem lại hoà bình”. Chỉnh như thế thì cũng hay, một khi Êsai 9:6-7 gọi Đấng Mêsi là “Chúa Bình An” và Michê 5:5 chép về Đấng Mêsi “Ngài sẽ giải cứu chúng ta”. Nếu đây là sự rút gọn của từ ngữ Hybálai, Giacốp đang nói tiên tri rằng Đấng Mêsi sẽ là vị vua hợp pháp trên thế gian. Cả hai tư tưởng kia đều đúng, tất nhiên, và cái điều khả thi, ấy là cả hai tư tưởng đều được từ ngữ “Silô” nhắm đến.
Đây là phần tóm lược lời tiên tri của Giacốp liên quan tới Giuđa ở Sáng thế ký 49:8-12:
1. Giuđa sẽ là chi phái thống trị trong xứ Israel. (8)
2. Giuđa sẽ như sư tử đầy can đảm và năng lực. (9)
3. Đấng Mêsi sẽ ra từ chi phái Giuđa. (10)
4. Sự đến của Đấng Mêsi đem lại bình an, vui mừng và thịnh vượng. (11-12)
Mặc dù Giacốp nói trước quyền thống trị của Giuđa, lời tiên tri nầy chưa ứng nghiệm trong nhiều thế kỷ. Các cấp lãnh đạo đầu tiên của Israel đã xuất thân từ các chi phái khác:
Môise ra từ chi phái Lêvi
Giôsuê ra từ chi phái Épraim
Ghiđêôn ra từ chi phái Manase
Samsôn ra từ chi phái Đan
Samuên ra từ chi phái Épraim
Saulơ ra từ chi phái Bêngiamin
Nhưng sau khi Saulơ bị chối bỏ, Đức Chúa Trời đã chọn một người từ chi phái Giuđa lên làm vua.
7. Ngài sẽ là dòng dõi của David.
Ở I Samuên 16 có nhiều việc bắt đầu thay đổi. Sau khi từ bỏ Saulơ không cho làm vua nữa, Đức Chúa Trời chọn đứa con trai út của Giesê, một gã thiếu niên chăn chiên tên là David. Hiển nhiên ông trở thành vua của Israel. Đồng thời, ông được xem là vì vua lỗi lạc nhất của Israel, là chiến binh mẫu mực, là chính khách lỗi lạc, là thi sĩ có tài và là “ca sĩ ngọt ngào của Israel”. Trong một nhân vật như thế nầy, gói ghém mọi kỳ vọng, mơ ước của một dân tộc khao khát sự ứng nghiệm của mọi lời hứa xa xưa.
Nơi đỉnh cao cơ nghiệp của ông, Đức Chúa Trời đã lập một lời hứa đáng kinh ngạc với David. “…Đức Giê-hô-va phán hứa rằng Ngài sẽ dựng cho ngươi một cái nhà … thì ta sẽ lập dòng giống ngươi kế vị ngươi, … Như vậy, nhà ngươi và nước ngươi được bền đổ trước mặt ngươi đời đời; ngôi ngươi sẽ được vững lập đến mãi mãi” (II Samuên 7:11-12, 16). Lời hứa nầy là lời hứa đặc biệt nhất. Không những Đấng Cứu Tinh sẽ ra từ dòng dõi của David, mà Ngài còn tể trị trên vương quốc của David và sẽ trị vì trên ngôi của David. Còn hơn thế nữa, “nhà”, “vương quốc”, và “ngôi” của David sẽ kéo dài cho đến đời đời.
Những lời hứa ngọt ngào nầy trổi hơn những vì vua con người nối theo sau David — Salômôn, Asa, Êxêchia, Giôsia, chỉ kể một vài tên thôi. Mặc dù những người nầy sống công bình trước mặt Đức Chúa Trời, vì họ là con người, họ không thể trị vì từ ngôi của David cho đến đời đời được. Hạng người hay chết không thể làm cho lời hứa nầy cùng kiệt được. Lời hứa ấy đòi hỏi Một Vì Vua sẽ sống cho đến đời đời. Nhưng nhân vật nào có thể làm ứng nghiệm đòi hỏi ấy chứ? David vốn không thể hình dung nổi câu trả lời cho câu hỏi kia.
Lời hứa giờ đây quả thật đã trở nên rất đặc biệt. Chúng ta đã chuyển từ một thành viên trong dòng giống con người đến một dòng dõi của Sem đến Ápraham đến Ysác đến Giacốp đến Giuđa đến chi phái Giuđa đến David đến dòng dõi của David rồi hoàn toàn đến nhân vật có thể trị vì đời đời trên ngôi của David.
Ai có thể là Đấng Cứu Tinh và Ngài sẽ xuất thân từ đâu và làm sao nhìn nhận Ngài đây? Hai lời hứa kế đó bắt đầu trả lời cho câu hỏi nầy.
8. Ngài sẽ do một nữ đồng trinh sanh ra.
Nhiều năm trôi qua khi dân sự của Đức Chúa Trời trông đợi Đấng Cứu Tinh đến từ trời. Khi ấy, vào thời vua Acha, Đức Chúa Trời một lần nữa thu hẹp lại dòng dõi ấy. Lần nầy, Ngài chỉ ra thể nào Đấng Cứu Tinh sẽ nhập thế: “…chính Chúa sẽ ban một điềm cho các ngươi: nầy một gái đồng trinh sẽ chịu thai, sanh ra một trai, và đặt tên là Em-ma-nu-ên” (Êsai 7:14). Ra đời bởi nữ đồng trinh! Tôi tự hỏi, không biết Vua Acha nghĩ gì khi ông nghe câu nói đó? Hãy suy nghĩ xem, tôi tự hỏi không biết Êsai đã nghĩ gì chứ? Chỉ có Đức Chúa Trời mới có thể nghĩ ra một sự kiện như thế mà thôi. Quả thực, Đấng Mêsi sẽ trở thành một thành viên trong dòng giống của con người, song cách nhập thế của Ngài sẽ chỉ ra rằng Ngài không phải là một con người bình thường. Ngài bước vào thế gian một cách siêu nhiên vì Ngài là Đấng do Đức Chúa Cha sai đến. Với sự thực sanh ra bởi nữ đồng trinh, chúng ta có một gợi ý (mặc dù còn hơn thế nữa) về lai lịch thật của Đấng Mêsi — là Đức Chúa Trời trọn vẹn (sanh ra bởi nữ đồng trinh thật là lạ lùng) và là con người trọn vẹn (do một người nữ sanh ra).
9. Ngài sẽ chào đời tại thành Bếtlêhem.
Dòng dõi thu hẹp lại một lần nữa — lần nầy chỉ ra chính xác nơi mà Đấng Mêsi sẽ chào đời. Từ các thành thị và làng mạc của Israel, Ngài sẽ chào đời tại thành Bếtlêhem. “Hỡi Bết-lê-hem Ép-ra-ta, ngươi ở trong hàng ngàn Giu-đa là nhỏ lắm, song từ nơi ngươi sẽ ra cho ta một Đấng cai trị trong Y-sơ-ra-ên; gốc tích của Ngài bởi từ đời xưa, từ trước vô cùng” (Michê 5:1). Cụm từ “từ trước vô cùng” sát nghĩa có thể dịch là “từ những ngày của cõi đời đời” (bản Kinh thánh NIV). Điều nầy quay trực diện lại Sáng thế ký 49:10, ở đây nói tới một vì vua xuất thân từ chi phái Giuđa. Ở đây cũng nói thêm một sự kiện cụ thể rằng gốc gác của Đấng Mêsi là từ “những ngày của cõi đời đời”. Điều nầy giúp giải thích cách thức Đấng có thể trị vì trên ngôi của David cho đến đời đời. Một khi nguồn gốc của Ngài là từ cõi đời đời, Ngài sẽ có một sự trị vì cho đến đời đời.
Khi mọi lời tiên tri nầy được ghép lại với nhau, chúng ta có một bức chân dung đáng kinh ngạc về Đấng Mêsi:
1. Ngài sẽ là một người Do thái.
2. Ngài sẽ ra từ chi phái Giuđa.
3. Ngài sẽ là một dòng dõi của David.
4. Ngài sẽ chào đời tại thành Bếtlêhem.
5. Ngài sẽ do một nữ đồng trinh sanh ra.
Ai sẽ thích ứng với mọi tính cách nầy? Có nhiều người thích ứng với câu thứ nhứt, mấy người thích ứng với câu thứ hai, vài người thích ứng với câu thứ ba, rất ít người thích ứng với câu thứ tư, song chỉ có một người trong lịch sử đã từng thỏa mãn với tính cách thứ năm. Tên của Ngài là Đức Chúa Jêsus Christ.
Giacốp thích ứng với mọi sự nầy ở chỗ nào? Ông thích ứng với bốn điểm quan trọng:
1. Ông là mắc xích thứ năm trong sợi dây xích — con của Ysác, cha của Giuđa.
2. Ông được nhắc tới trong bảng gia phổ của Mathiơ 1 và Luca 3.
3. Ông đã nói trước rằng Đấng Mêsi sẽ ra từ chi phái Giuđa.
4. Ông đã cung ứng tên mình cho dân tộc Israel.
Điểm sau cùng cần một sự khảo sát tỉ mỉ. Giacốp có hai tên — Giacốp (do cha mẹ đặt cho) và Israel (do Đức Chúa Trời đặt cho). Sau khi ông qua đời, dân tộc chắc chắn đã gọi mình là “Israel” để tôn kính ông — xem ông là Tổ Phụ Sáng Lập. Nhưng về sau trong Cựu Ước, Đức Chúa Trời thường nói tới dân Israel là “nhà Giacốp”.
Khi thiên sứ Gápriên hiện ra cùng Mary để công bố rằng Đức Chúa Trời đã chọn nàng để Đấng Mêsi ra đời, đây là lời lẽ mô tả những gì Ngài (Đấng Mêsi) sẽ hoàn thành: “Ngài sẽ trị vì đời đời nhà Gia-cốp, nước Ngài vô cùng …” (Luca 1:33).
Chuyện là như vậy đó! Bước sau cùng trong các chuyến hành trình của chúng ta với Giacốp. Giờ đây, chúng ta có thể thêm một chỗ sau cùng trong bảng danh sách của chúng ta:
Từ Bêe Sêba
Đến Bêtên
Đến Charan
Đến Galaát
Đến rạch Giabốc
Đến Sucốt
Đến Sichem
Đến Bêtên một lần nữa
Đến Éphata
Đến Tháp Êđe
Đến Mamrê
Đến Bêe Sêba
Đến Aicập
Đến Hang Đá Mặcbêla
Đến Bếtlêhem!
Giacốp có sống ở thành Bếtlêhem không? Có đấy, ông đã sống ở đó trong thân vị của dòng dõi trực hệ theo phần xác của ông — là Đức Chúa Jêsus Christ. Ông đã sống ở đó khi Chúa Jêsus ra đời là “con trai của Giacốp” để trị vì trên “nhà Giacốp”. Và mặc dù Giacốp và Chúa Jêsus cách nhau những 1.800 năm, Giacốp đã nói tiên tri về sự đến của Ngài và đã được nhắc tới khi Ngài ra đời.
Ở một chỗ khác. Khi Sứ đồ Giăng tìm cách mô tả Đức Chúa Jêsus Christ ở Khải huyền 5:5, ông đã gọi Ngài là “Sư Tử của chi phái Giuđa”. Bức tranh nói tới Đấng Christ chỉ ngược về Sáng thế ký 49:10. Khi Chúa chúng ta đến lần thứ nhứt, Ngài đến như “Chiên Con của Đức Chúa Trời, là Đấng cất tội lỗi thế gian đi” (Giăng 1:29). Khi Ngài tái lâm trên đất, Ngài vẫn đến trong vai trò “Sư Tử của chi phái Giuđa”. Cho nên, câu chuyện nói tới sự cứu chuộc trải dài từ những trang đầu tiên của Kinh thánh cho đến các trang cuối cùng của Kinh thánh. Lịch sử [History] là câu chuyện của Ngài [His Story]!
Khi chúng ta kỷ niệm Lễ Giáng Sinh, chúng ta không chỉ kỷ niệm những gì đã xảy ra tại thành Bếtlêhem. Chúng ta kỷ niệm chương trình của Đức Chúa Trời đã khởi sự trong Vườn Êđen và cứ tiếp tục cho đến phần cuối cùng của lịch sử.
Giacốp và Êsau — Một cái nhìn sau cùng
Câu chuyện của chúng ta chưa hoàn tất đâu. Chúng ta hãy đi ngược lại rồi nhìn vào Giacốp và Êsau lần sau cùng đi. Nếu chúng ta xoay cuộn băng chạy ngược lại ở phần đầu, chúng ta khám phá ra hai cậu thiếu niên nầy khác biệt hoàn toàn ngay từ lúc họ ra đời. Êsau ra trước, còn Giacốp ra sau nắm lấy gót chơn của Êsau. Sự việc nầy đề ra một khuôn mẫu không hề thay đổi trải qua nhiều năm tháng — Êsau là lãnh đạo còn Giacốp là kẻ nắm gót chơn.
Tôi nghĩ hoàn toàn là công bằng khi nói rằng Êsau có nhiều đức tính ở bên ngoài mà chúng ta thường gắn với sự thành công. Về mặt thuộc thể, ông rất mạnh mẽ, lực lưỡng, sống ngoài trời, và thích săn bắn ở ngoài đồng. Ngược lại, Giacốp thì yên lặng, hướng nội, nhút nhát và là một người hay suy nghĩ. Với Êsau, mọi sự đều nằm ở bề mặt — cái gì thấy được đều là thứ mà mình nhận được. Khi nổi giận, bạn biết rồi đó; khi vui vẻ, bạn biết rồi đó. Êsau mau nổi giận, nhưng rồi lại mau tha thứ. Anh ta có khả năng hủy diệt rất lớn — và cũng có khả năng tỏ ra những hành động tha thứ và phục hòa thật rời rộng.
Với Giacốp, thực sự không thể biết rõ được đâu. Chàng ta tinh ranh hơn Êsau, một người lanh lợi hơn, một người biết suy nghĩ sâu sắc, một kẻ hay nằm chiêm bao và là một nhà kế hoạch — luôn luôn tìm cách nắm lấy lợi thế trong sự tranh cạnh. Nếu anh ta nổi giận, bạn không luôn luôn nhận ra điều đó vì Giacốp biết cách điều khiển mọi cảm xúc của mình.
Ai là nhà lãnh đạo giỏi hơn? Êsau.
Ai là nhà suy tưởng giỏi hơn? Giacốp.
Bạn chọn ai lãnh đạo công ty của bạn? Êsau.
Bạn chọn ai kết thúc một vấn đề lớn của mình? Giacốp.
Ai có nhiều khả năng tập họp quần chúng? Êsau.
Ai sẽ lo liệu để cứu một công ty khỏi phá sản? Giacốp.
Hai anh em song sinh — có cùng cha cùng mẹ, thế mà về mặt cơ bản, họ lại là hai con người khác nhau.
Điều gì xảy đến cho Êsau?
Một trong những quan điểm mà chúng ta cho qua trong phần nghiên cứu của chúng ta về đời sống của Giacốp là những gì đã xảy đến cho Êsau. Chúng ta biết rõ ông đã chuyển qua khu vực Núi Sêirơ rồi trở thành nhà sáng lập dân Êđôm. Sáng thế ký 36 ghi rõ phần còn lại của câu chuyện. Ở cái nhìn đầu tiên, đây là bảng gia phổ rất nhàm chán — nhưng còn hơn thế nữa. Câu 1 chép: “Đây là dòng dõi của Ê-sau”. Câu 2 thuật lại về mấy người vợ của ông, câu 10 nói tới các con trai của ông, câu 15 chỉ ra dòng dõi ông, câu 31 nói tới các vị vua về sau của xứ Êđôm. Bảng danh sách còn dài và rất ấn tượng, cho thấy rằng Êsau đã sáng lập ra một vương quốc rộng lớn phát triển rất mạnh trước khi Israel ra khỏi Aicập. Câu sau cùng của Sáng thế ký 36 chép: “Tổ phụ của dân Ê-đôm là Ê-sau”. Đâu là mục đích chứ? Sáng thế ký 36 đang thuật lại cho chúng ta biết về sự thành công vượt bực theo đời nầy của Êsau. Ông không phải là một người thất bại từ quan điểm hoàn thành việc gì đó với cuộc sống của mình. Hàng tá những cái tên trong chương nầy lý giải cho sự cao trọng của ông, cho khả năng của ông khi xây dựng một nước lớn, để tập họp cánh đàn ông cho lý tưởng của ông, để thiết lập một quốc gia kéo dài khoảng 2.000 năm sau khi ông qua đời.
Êsau nhận lấy thế gian, còn Giacốp nhận lấy Đức Giêhôva! Ông là con của Ápraham.
Mặc dù sự thể không rõ ràng lắm trong quyển Kinh thánh Anh ngữ, Sáng thế ký 37:1 là phần chuyển tiếp của Sáng thế ký 36. Nghĩa là, một câu ngắn gọn nghịch lại 43 câu rất chi tiết kia. Sáng thế ký 37:1 chép như sau: “Gia-cốp, tại xứ của cha mình đã kiều ngụ, là xứ Ca-na-an”. Sao chứ? Câu ấy muốn nói lên điều chi vậy? Môise đang đối chiếu sự thành công theo đời nầy của Êsau trong Sáng thế ký 36 với những lần vật vã của Giacốp trong Sáng thế ký 37. Trong phần lớn cuộc đời ông, Giacốp thì lắm vật vã trong khi Êsau dấy lên đến chỗ nổi bật. Tại sao lại như thế chứ? Vì Giacốp đã chọn đồng đi với Đức Chúa Trời và lo tìm kiếm ơn phước của mình, trong khi Êsau (dù có nhiều ưu điểm) đã chọn bất chấp quyền con trưởng và tìm kiếm các ơn phước của đời nầy. Đức Chúa Trời đã ban cho Êsau được thịnh vượng về đời nầy vì đấy là mọi sự mà anh ta sẽ nhận lấy!
Êsau nhận lấy thế gian!
Còn Giacốp nhận lấy Đức Giêhôva!
Alan Ross đặt phần tương phản ấy như sau:
Ngược lại với Êsau đang mở mang, đầy quyền lực, Giacốp đang kiều ngụ trong vùng đất tạm trú của cha mình … Ông chẳng có vua chúa gì hết, chưa phải là một bộ tộc trọn vẹn, chẳng có đất đai để cai quản. Ông cũng còn là một lữ khách. Delitzsch lưu ý một cách thấm thía rằng “nói chung sự cao trọng đời nầy dấy lên nhanh hơn sự cao trọng thuộc linh”. … Ơn phước thuộc linh được hứa cho đòi hỏi sự kiên nhẫn trong đức tin, và nhấn mạnh sự chờ đợi kia trong khi nhiều người khác thịnh vượng là một thử nghiệm về sự trung tín và sự bền đỗ (Creation and Blessing, p. 588).
Từ lúc ban đầu, Êsau được ơn với khả năng sống tốt trong thế gian. Mượn cách nói ngày hôm nay, ông đã nhận được toàn là “thứ tốt đẹp”. Tuy nhiên, Giacốp là người Đức Chúa Trời lựa chọn để đứng trong dòng dõi của lời hứa. Trong cả cuộc đời của ông, Giacốp dường như đứng hàng thứ nhì khi được sánh với người anh cả đầy thành công của mình. Lúc ông qua đời — và trong nhiều thế hệ sau đó — các con trai của Êsau tỏ ra sáng sủa hơn các con trai của Giacốp.
“Ngươi chẳng được qua đâu”
Nhiều thế kỷ trôi qua và các con trai của Giacốp đã trở thành một dân lớn ở Aicập. Cùng thời điểm ấy, các con trai của Êsau thịnh vượng trong xứ Êđôm. Hiển nhiên là Môise dấy lên lãnh đạo dân sự của Đức Chúa Trời ra khỏi Aicập rồi trở lại Đất Hứa. Nhưng để đến được đó một cách mau chóng, họ cần phải đi ngang qua xứ Êđôm. Dân số ký 20 ghi lại lúc họ xin phép đi ngang qua — và Êđôm đáp rằng: “Ngươi chớ khá đi ngang ranh ta; bằng cượng, ta sẽ cầm gươm ra đón ngươi” (18). Khi Israel hỏi lần thứ hai, câu đáp vẫn như cũ: “Ngươi chẳng được qua đâu” (20). Khi ấy, Êđôm đi ra nghịch cùng Israel với một đội quân đông đảo và mạnh mẽ, đe dọa chiến tranh nếu dân Israel đi ngang qua xứ của họ. “Ấy vậy, Ê-đôm không cho phép Y-sơ-ra-ên đi ngang bờ cõi mình; Y-sơ-ra-ên trở đi khỏi người” (21).
Tình trạng thù địch nầy — dẫn tới sự cạnh tranh tồn tại giữa Giacốp và Êsau — tiếp tục qua nhiều năm tháng. Khi Israel đã vào trong xứ, Êđôm đã trở thành một trong những cừu thù của Israel. Hai quốc gia đã đánh nhau rất nhiều lần — và khi họ không đánh nhau, họ nhìn nhau với sự nghi ngờ. Có sự xung đột thường xuyên, đổ máu, tranh chiến, ghét bỏ và thù nghịch. Các con trai của Giacốp và các con trai của Êsau không bao giờ đi cạnh nhau, không bao giờ tin cậy nhau, thậm chí còn không ưa thích nhau nữa.
Giờ đây, chúng ta đến với phần cuối của kỷ nguyên Cựu Ước. Êđôm chắc chắn đã bị chinh phục và quân Lamã đã thêm một vùng lãnh thổ cho mình rồi đặt tên cho toàn bộ khu vực là Yđumê. Khi ấy họ chỉ định một nhân vật lên làm vua xứ Yđumê. Dòng dõi của ông ta lên ngôi tự xem mình là người Do thái, nhưng người Do thái không bao giờ chấp nhận họ — một phần vì sự gắn bó của họ với Rome, nhưng phần lớn là vì sự gắn bó của họ với Êđôm. Đối với người Do thái, các vua người Yđumê nầy là những kẻ mạo danh nửa vời.
Câu chuyện kể lại về hai vị vua
Thế rồi một buổi tối trời kia, tại thành Jerusalem, hai vị vua gặp nhau mặt đối mặt. Một người ngồi trên ngai vàng, kế thừa một di sản to lớn, trị vì xứ, có nhiều tay sai bao quanh, các triều thần, những tên hầu cận, và binh lính của ông ta. Còn vì vua kia đứng trước mặt ông ta, mình khoác lấy áo choàng đơn sơ của một người đến từ xứ Galilê. Nhà vua ngồi trên ngai vàng đang trị vì cả đế quốc của đời nầy. Vị vua kia xưng mình trị vì trên tấm lòng của nhân loại. Vị vua nầy có thể búng tay rồi gọi cả đạo binh đến. Vị vua kia chẳng có quân lính nào hết, trừ ra một tốp người Galilê thất học — hầu hết là ngư phủ và nông dân. Ông chỉ là vua trên danh nghĩa mà thôi.
Ông chẳng có mão triều thiên, nhưng chẳng bao lâu nữa ông sẽ được cấp cho mão triều thiên.
Ông chẳng có ngai vàng, trừ ra những tiếng ngợi khen của dân sự mình.
Ông chẳng có cây phủ việt, trừ ra cây phủ việt của sự công bình mình.
Ông chẳng có áo choàng, trừ ra những tên lính luôn nhiếc móc chẳng mấy chốc sẽ nhìn thấy cái áo choàng đó.
Một người là Vua của dân Yđumê.
Còn người kia xưng mình là Vua của dân Giuđa.
Nhiều câu hỏi lắm, song chẳng có câu trả lời
Một đêm dài cuối cùng Chúa Jêsus, con trai của Giacốp đã đứng trước mặt Hêrốt, con trai của Êsau. Thời điểm duy nhứt họ gặp gỡ là buổi tối trước khi Chúa Jêsus bị đóng đinh trên cây thập tự. Rất nhiều lần trong quá khứ, con trai của Êsau dường có tay trên trong khi con trai của Giacốp dường như chẳng có chút lợi thế nào cả. Người ngồi trên ngai vàng đã mĩm cười vì ông ta đã nghe đồn về vị rabi lưu động nầy xuất thân từ thành Nazarét. Giờ đây, chính ông ta sẽ nghe vị rabi nầy nói. Ông ta hy vọng nhìn thấy người nầy làm ra một vài phép lạ.
Nhưng Chúa Jêsus chẳng làm một phép lạ nào cho Hêrốt xem. Ngài biết rõ, con trai của Êsau sẽ thấy ấn tượng bởi sự tỏ ra rực rỡ của quyền phép; Ngài cũng biết rõ tấm lòng của ông ta — giống như tấm lòng của Êsau — vốn trống không. Khi Hêrốt đưa ra nhiều thắc mắc, Chúa Jêsus chẳng đáp một lời vì Ngài biết rõ rằng Hêrốt — giống như Êsau — chẳng có ý thức gì về mọi giá trị sự sống. Ông ta tò mò lắm, song ông ta chẳng khao khát gì về lẽ thật. Giống như Êsau, Hêrốt chỉ biết khát khao về những thứ thuộc về đời nầy mà thôi.
Sau một vài phút đồng hồ, Hêrốt chịu thua rồi hiệp với binh lính mình chế giễu Chúa Jêsus. khoác lấy cho Ngài một chiếc áo choàng sang trọng, họ đưa Ngài trở lại với Philát … và Philát đưa Ngài đến chỗ phải chịu chết. Ngày ấy Hêrốt và Philát đã trở thành bạn bè — trước buổi tối nầy họ là kẻ thù của nhau. Mỉa mai làm sao. Con trai của Êsau hiệp lực với người đến từ Rome để kết án tử hình con trai nầy của Giacốp.
Qua ngày sau, Chúa Jêsus bị đóng đinh trên thập tự giá, và sự thể cho thấy Hêrốt đã đúng về Chúa Jêsus. Có lẽ các con trai của Êsau sau cùng đã đánh bại các con trai của Giacốp. Đấy là ngày thứ Sáu. Ngày Chúa nhật đến, và thế gian bị úp đổ xuống. Chúa Jêsus đã sống lại từ kẻ chết rồi thăng thiên về trời. Nhóm môn đồ khố rách áo ôm kia đã lãnh lấy sứ điệp của Ngài rồi lan truyền nó đi cho đến các đầu cùng đất.
Còn Hêrốt thì sao? Ông ta kết thúc giống như một ghi chú trong phần lịch sử, một người bị bỏ quên với tiếng tăm đáng xưng hô duy nhứt, ấy là ông ta đã dự vào phiên xử án Đức Chúa Jêsus Christ. Sau 2.000 năm, chúng ta không bao giờ nói tới Hêrốt trừ phi nhắc tới buổi tối định mệnh kia tại thành Jerusalem. Và Chúa Jêsus đã trở thành trọng tâm của lịch sử — quan trọng đến nỗi chúng ta đánh dấu những năm tháng trôi qua bằng thời điểm Ngài đến trên đất — T.C. hay S.C.
Bốn năm sau buổi tối đó, Hêrốt bị truất phế, bị hất ra khỏi ngai vàng rồi bị lưu đày. Ông ta ngã chết như một người bị quên lãng. Cho tới hôm nay, Chúa Jêsus đang trị vì trong vai trò Vua các vua và Chúa các chúa. Ngài đang chờ đợi trên thiên đàng về sự tái lâm của Ngài trên đất trong vai trò Sư Tử của Chi Phái Giuđa.
Có phải bạn là con cái của Giacốp không?
Trải suốt lịch sử, dòng giống con người bị chia ra làm hai phạm trù — con cái của Êsau và con cái của Giacốp. Con cái của Êsau là hạng người thành công của đời nầy, họ có mọi sự ở bên họ, song lại trống vắng ở bên trong. Con cái của Giacốp là những người không giàu có về đời nầy, nhưng họ đã quì gối xuống trước mặt Vua Jêsus và đã tôn Ngài làm Chúa Tể muôn vật.
Bạn đang ở trong dòng dõi nào vậy? Có phải bạn ở trong dòng của Êsau hay dòng của Giacốp?
Có thể bạn thành công lắm — song bấy nhiều chưa đủ đâu.
Có thể bạn có nhận thức về mặt thuộc linh — song bấy nhiều chưa đủ đâu.
Có thể bạn tò mò về Đức Chúa Trời — song bấy nhiều chưa đủ đâu.
Bạn hiện vẫn còn ở trong dòng dõi của Êsau cho tới chừng nào bạn sấp mình xuống trước mặt Chúa Jêsus và tôn Ngài làm Chúa của đời sống bạn. Đây là sự kỳ diệu của ơn cứu rỗi: mặc dù có thể bạn là con cái của Êsau trong giây phút nầy, bạn có thể trở thành con cái của Giacốp ngay giờ nầy đây. Mọi sự có cần, ấy là bạn hãy mở lòng ra với Đức Chúa Jêsus Christ. Hãy nói “vâng” với Chúa Jêsus. Hãy tôn Ngài làm Vua của đời sống bạn.
Lạy Cha ở trên trời, chúng con cảm tạ Ngài vì chương trình của Ngài trải ra bao thế kỷ rồi. Chúng con cảm tạ Ngài vì lịch sử [history] quả thực là Câu Chuyện Của Ngài [His Story]. Xin ban cho chúng con đức tin để tin rằng Đức Chúa Jêsus Christ đã làm đủ rồi — và mọi sự khác được chừa lại cho chúng con là chỉ tin mà thôi. Nguyện các con cái của Êsau trở thành con cái Giacốp nhơn đức tin nơi Đức Chúa Jêsus Christ. Amen.