Thứ Ba, 31 tháng 7, 2012

Thi thiên 103:19-22: "Nếu Đức Chúa Trời Tể Trị, Rồi Sao Nữa?"




Nếu Đức Chúa Trời tể trị, rồi sao nữa?

 Thi thiên 103:19-22

            “Đức Giê-hô-va đã lập ngôi Ngài trên các từng trời, Nước Ngài cai trị trên muôn vật. Hỡi các thiên sứ của Đức Giê-hô-va, là các đấng có sức lực làm theo mạng lịnh Ngài, hay vâng theo tiếng Ngài, khá ngợi khen Đức Giê-hô-va! Hỡi cả cơ binh của Đức Giê-hô-va, là tôi tớ Ngài làm theo ý chỉ Ngài, hãy ca tụng Đức Giê-hô-va! Hỡi các công việc của Đức Giê-hô-va, trong mọi nơi nước Ngài, khá ngợi khen Đức Giê-hô-va! Hỡi linh hồn ta, hãy ngợi khen Đức Giê-hô-va! (Thi thiên 103:19-22).
            Sứ diệp của tôi nhắm vào câu 19: Đức Giê-hô-va đã lập ngôi Ngài trên các từng trời, Nước Ngài cai trị trên muôn vật”.
            Ít nhất là có nhiều lý do để đừng tin câu nầy có ở đó để tin theo nó. Tôi nói như thế vì câu nầy dạy dỗ một lẽ đạo mà nhiều người thấy phiền hà – lẽ đạo nói tới sự tể trị của Đức Chúa Trời. Một câu nói xác định mục tiêu rõ ràng. Từ ngữ “cai trị” đề cập tới một vì vua hay một nhà cai trị. Tể trị là có quyền hành trong một lãnh vực đặc biệt. Quyền hành là luật lệ mà một vì vua thiết lập trong vương quốc của người.
            Phân đoạn Kinh thánh của chúng ta khẳng định rằng Đức Chúa Trời đang tể trị trên vũ trụ. Ngài đang trị vì trên muôn vật. Ngôi của Ngài đã được thiết lập. Ngôi ấy không thể bị lay động bởi các vụ việc của con người. Nước Ngài cai trị trên muôn vật.
            Về lý thuyết, chúng ta chẳng có một nan đề nào đối với lẽ đạo nầy. Đúng là không khó cho chúng ta để tin rằng Đức Chúa Trời truyền lịnh mở đường cho các ngôi sao trên bầu trời. Chúng ta không thể nói làm sao Ngài thực hiện được việc ấy, Ngài chỉ truyền lịnh thôi, và nếu Ngài không truyền lịnh đó, các ngôi sao sẽ thôi không còn chiếu sáng nữa. Ngài đặt dãy Ngân Hà trong chỗ của nó. Điều đó chẳng khó tin lắm đâu. Rốt lại, có ai đó đang lo liệu cho các vì sao. Đức Chúa Trời đang lo việc ấy. Chúng ta chấp nhận sự kiện đó.
            Nan đề của chúng ta khởi sự khi sự tể trị trở nên tư riêng hơn. Nói tới các vì sao là một việc. Chúng ta có thể để việc ấy lại với Đức Chúa Trời vì chúng ta biết chúng ta chẳng có việc gì phải làm với các vì sao. Song khi nói rằng Đức Chúa Trời đang nắm quyền tể trị mọi sự đang xảy ra cho tôi – tốt và xấu, vui và buồn, tích cực và tiêu cực – và Ngài đang bày ra chương trình của Ngài để rồi mọi sự đang xảy đến cho tôi – giả sử là Ngài đang bày ra mọi chi tiết của đời sống tôi rồi ban cho tôi điều chi là tốt nhứt mỗi ngày – đấy là câu chuyện khác nữa.
            Khi có rối rắm, chúng ta muốn biết ai đang điều khiển công việc. Cách đây mấy ngày, Marlene và tôi qua đêm ở một nhà nghỉ, ở đó hoàn cảnh đặc biệt của chúng tôi đòi hỏi chúng tôi phải kiểm tra lại mãi trong cùng một buổi sáng. Đấy là một chuyện hơi bất thường, nên chúng tôi cần ai đó ngồi tại bàn tiếp tân giúp đỡ. Khi tôi trao đổi với người ấy và giải thích cái điều mà tôi có cần, ông ta nói: “Tôi chẳng biết gì về việc ấy”.
            Nhưng thiết nghĩ ông ta là người điều hành công việc. Nếu người có thẩm quyền không điều hành công việc, làm ơn nói cho tôi biết là ai đây? Nếu người có thẩm quyền không điều hành công việc, có lẽ thực sự ông ta không có thẩm quyền.
            Đấy là “sự tể trị” muốn nói tới. Mọi sự ấy giải đáp cho thắc mắc: “Ai điều hành công việc?” Một vấn đề lớn hiện có trong giải đáp cho thắc mắc ấy. Đấy là lý do tại sao A. W. Pink nói rất ngắn gọn: “Khi nói Đức Chúa Trời đang tể trị là nói Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời”.

Ba đối tượng đáng suy nghĩ

            Vì vậy chúng ta trở lại với câu gốc: Đức Giê-hô-va đã lập ngôi Ngài trên các từng trời, Nước Ngài cai trị trên muôn vật”. Tôi có thể suy nghĩ đến ba lý do để nghi rằng câu nầy đúng là sự thực. Trong việc thốt ra những việc nầy, tôi không nhắm vào đối tượng. Tôi đang nói ra những việc mà hạng người trung thực sẽ nói khi họ suy nghĩ về việc ấy.

         “Khi nói Đức Chúa Trời đang tể trị là nói Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời”.  

 

1) Nan đề về thảm họa không lý giải được

            Hết thảy chúng ta đều hiểu đối tượng nầy vì nó tập trung vào những biến có kỳ lạ ấy – các tai nạn kỳ dị – thảm họa trong thiên nhiên – đôi khi được cho là “hành động của Đức Chúa Trời”. 
            Giống như ngọn núi lửa nổ ra ở Hawaii và hủy diệt hai mươi ngôi nhà.
            Giống như cơn bão tuyết ụp vào Kansas làm cho 15 người chết.
            Giống như trận bão đã tàn phá New Orleans.
            Giống như cuồng phong quét qua một công viên.
            Giống như nạn đói ở Somalia.
            Giống như động đất ở Trung Hoa.
            Giống như sóng thần lấy đi 250.000 sinh mạng.
            Giống như bùng nổ sốt rét ở Nigeria.
            Những việc nầy xảy ra thường xuyên đến nỗi chúng ta không chú ý đến chúng trừ phi là một sự kiện thực sự lớn lao – hay thực sự gần gũi với chúng ta. Khi ấy Shephard Smith kêu gọi sự chú ý của chúng ta và chúng ta lắc đầu rồi tự hỏi lý do tại sao!?!
            Tại sao? Tại sao là họ mà không phải là tôi? Tại sao là tôi mà không phải họ? Sao lại ở chỗ nầy mà không ở chỗ kia? Tại sao lại là công viên nầy mà không phải là công viên kia?
            Đầu năm nay, trong mấy tuần liên tiếp, khu vực miền Trung Nam bị một loạt lốc xoáy quét qua phía Đông Texas, tạt ngang Arkansas và Missouri, rồi chuyển qua hướng Đông vào Tennessee Kentucky. Một cơn lốc xoáy đánh vào Oxford, Mississippi, khoảng một giờ phía Tây chỗ chúng tôi sinh sống ở Tupelo. Chúng tôi phải giật mình với các tin tức cho biết lốc xoáy đã đánh vào đại học đường Union, một ngôi trường Cơ đốc ở Jackson, Tennessee, khoảng 2 giờ về phía Bắc Tupelo. Cơn lốc xoáy đã gây thiệt hại nhiều cho khu ký túc xá và nhiều sinh viên bị thương nhưng cảm tạ Chúa chẳng có ai chết cả. Qua ngày sau, đài CNN phỏng vấn một trong các sinh viên đã xem đấy là một phép lạ khi chẳng có ai chết như kết quả của cơn lốc xoáy. Khi tôi nhìn thấy cuộn phim ghi lại sự hủy diệt, dường như nó giống với một phép lạ khi chẳng có ai bị chết cả. Nhưng chính làn sóng của cơn lốc xoáy đó đã làm chết 55 người về phía Nam. Một quan sát viên đã thắc mắc: “Còn về những người đã chết thì sao? Họ chẳng dính dáng gì đến phép lạ sao?”
            Có nhiều cách để trả lời cho câu hỏi đó, nhưng trong phần phân tích sau cùng, chúng ta có thể nói như vầy: “Chúng ta không biết”.

2) Sự thịnh vượng của kẻ ác

            Một số việc đã xảy ra cho chúng ta thì dễ giải thích nhưng vẫn không đáng.
            Chúng ta không đáng để cho mối hôn nhân của chúng ta phải tan vỡ.
            Chúng ta không đáng để bị lừa gạt.
            Chúng ta không đáng bị mất việc làm.
            Chúng ta không đáng bị ngược đãi như một đứa trẻ.
            Chúng ta không đáng để con cái chúng ta phải kết thúc với ma túy.

         “Ngài là Đấng gìn giữ vũ trụ nắm lấy tôi trong lòng bàn tay của Ngài”. 

            Loại sự việc nầy làm cho hạng người nam người nữ tin kính trong Kinh thánh phải áy náy. Hãy đọc Thi thiên 73 và nhìn thấy mọi điều mà Asáp đã nói. Ông có lòng ganh tỵ với kẻ ác. Họ chuyên tâm giết chóc. Vì khi tôi thấy sự hưng thạnh của kẻ ác, thì có lòng ganh ghét kẻ kiêu ngạo (Thi thiên 73:3). Khi ông nghiên cứu về kẻ ác, dường như họ sống thật vô tư, thật sung sướng. Họ sống giống như họ chẳng có một nan đề nào trong thế gian. Họ cư ngụ trên Con Đường An Nhàn. Nếu họ muốn thề, thì họ thề. Nếu họ muốn bóc lột ai đó, họ làm ngay thôi. Họ hỉnh mũi lên với Đức Chúa Trời. Khi ấy ông nói: Kìa là những kẻ ác, chúng nó bình an vô sự luôn luôn, nên của cải chúng nó thêm lên (câu 12).
            Người nhơn đức thì chết trẻ, hay chúng ta nghe kể lại, còn kẻ ác thì sống đến 85 tuổi. Vậy thì sự công bằng ở đâu? Và Đức Chúa Trời đang ở đâu khi dân sự Ngài bị đâu lưng vào bức tường? Nói ra câu: “Nước Ngài cai trị trên muôn vật” có nghĩa gì khi chúng ta bị đá vào mặt chứ?
            Đây là một câu hỏi rất hay. Nếu bạn không vật lộn với câu nói ấy sớm hay muộn, bạn sẽ mất đi đức tin của mình. Tất nhiên mất đức tin đối với bạn có thể không phải là một việc tồi tệ. Đôi khi chúng ta phải mất nó để tìm lại được nó.

3) Nghịch lý của sự tể trị và ý chí tự do

            Hết thảy chúng ta đều suy nghĩ về vấn đề nầy lúc nầy hay lúc khác. Sự việc đề ra quá đơn giản. Nếu Đức Chúa Trời đang tể trị và điều khiển đời sống của tôi, làm sao tôi thực sự có ý chí tự do cho được chứ? Hoặc nếu tôi thực sự có ý chí tự do, thì Đức Chúa Trời tể trị thế nào đây?

         Khi chỉ có một ý, thì vũ trụ đầy dẫy với hài hòa và bình an. 

            Một lần nữa, từ nhận định của chúng ta – nhận định “chúng ta không phải là Đức Chúa Trời” là có hạn, hữu hạn, cực kỳ con người, bạn không thể có được cả hai phía ấy. Có thể tôi là một con rối hoặc có thể tôi là một đại hiểu tự do, song tôi không phải là cả hai được. Và điều đó có thể dẫn bạn đến một số thắc mắc rất thú vị, tỉ như Nếu Đức Chúa Trời đang tể trị, thì sao phải cầu nguyện? Ngài nắm hết muôn vật trong tay. Nếu Đức Chúa Trời đang tể trị, sao không đá ngược trở lại và cứ xem TV? Sao phải làm việc gì đó chứ?
            Khi đề ra các đối tượng nầy, tôi không nói, cũng không tin rằng chẳng có câu trả lời nào hết. Có nhiều câu trả lời rất hữu ích. Tôi muốn chỉ ra những vấn đề mà hạng tín đồ biết suy nghĩ, kể cả các nhà thần học và cấp lãnh đạo thuộc linh lỗi lạc nhất, đã vật vã với trong hàng ngàn năm.
            Chúng ta xây vào đâu để xin giúp đỡ cho việc tin tưởng đây? Hoặc chúng ta giữ việc tin tưởng trong một thế giới như vầy bằng cách nào?

Ba điểm cân nhắc rất quan trọng

            Ba điểm nầy sẽ giúp đỡ nhiều cho chúng ta.

1) Có hai ý cứ để cho vũ trụ được thong thả.

            Ở đây tôi đang sử dụng thuật ngữ của Donald Grey Barnhouse. Ông nói ra một việc đại loại như vầy. Lúc ban đầu chỉ có một ý – ý chỉ của Đức Chúa Trời. Khi chỉ có một ý, thì vũ trụ đầy dẫy với hài hoà và bình an. Nhưng giờ đây Satan (ý của hắn hoàn toàn ngược lại với ý của Đức Chúa Trời) đã được tự do rong chơi trong vũ trụ, đang thực thi mọi việc làm độc ác của hắn. Một khi Lucifer rơi xuống từ thiên đàng rồi trở thành Satan, đã có ý khác trong vũ trụ. Một ý muốn chống đối Đức Chúa Trời thật hoàn toàn giống như người nầy có thể đối kháng với người kia vậy.
            Đức Chúa Trời là sự sáng.
            Satan là sự tối tăm.
            Đức Chúa Trời là lẽ thật.
            Satan là kẻ nói dối.
            Đức Chúa Trời là nguồn sự sống  .
            Satan chỉ đem lại sự chết mà thôi.
            Và giờ đây, trong kỷ nguyên của hai ý muốn nầy, có sự thương tâm và đau đầu không nói được. Satan đã phạm vào tội lỗi đầu tiên. Hắn lãnh đạo cuộc loạn nghịch đầu tiên. Hắn tạo ra sự cám dỗ đầu tiên. Hắn có mặt trong Vườn Êđen. Hắn có mặt ở đó khi Giuđa phản bội Chúa Jêsus bằng một nụ hôn.

         Dù lẽ đạo có khô khan, nguội lạnh, 
sự tể trị của Đức Chúa Trời đầy dẫy tấm lòng người tin Chúa với sự yên ủi. 
           
            Hắn rong chơi trong thế gian hôm nay giống như một con sư tử rống, tìm kiếm ai nó có thể nuốt được (I Phierơ 5:8). Hắn khuấy đảo rối rắm, đưa ra những lời vu cáo giả dối, và kích thích chúng ta phạm vào từng loại việc ác. Hắn là kẻ làm đắm chìm thế gian và là kẻ tàn phá gia đình. Kẻ trộm chỉ đến để cướp giết và hủy diệt (Giăng 10:10). Hắn đến để tước đi sự thanh sạch, lòng trung thực, sự ngay thẳng, tính đoan trang, sự tử tế, lòng thương xót, tính rời rộng, và từng bổn tánh tin kính khác của bạn. Hắn dự tính hủy diệt tình bạn, nhà cửa, cơ nghiệp, các tham vọng tin kính, và chắc chắn hắn muốn hủy diệt mối hôn nhân và gia đình của bạn. Hắn cũng đưa điều ác vào trong nhà thờ của bạn nữa đấy. Hắn muốn làm dấy lên sự tranh cãi, thù hận, chia rẻ, tranh cạnh và cãi cọ để các nhà thờ chia rẻ, Cơ đốc nhân trở nên cay đắng, bạn bè chia lìa, các Mục sư thối lui và hội thánh tan tác hết. Hắn đang làm mọi sự mà hắn đang làm để công việc của Đức Chúa Trời sẽ đi đến chỗ kết thúc và hắn vẫn còn là “chúa đời nầy” (II Côrinhtô 4:4). Đừng bao giờ quên rằng cả thế gian đều phục dưới quyền ma quỉ (I Giăng 5:19).

         Hắn muốn làm dấy lên sự tranh cãi, thù hận, chia rẻ, tranh cạnh và cãi cọ để các nhà thờ chia rẻ, Cơ đốc nhân trở nên cay đắng, bạn bè chia lìa, các Mục sư thối lui và hội thánh tan tác hết. 

            Trong mấy năm gần đây, tôi đã đạt tới sự hiểu biết quyền lực của Satan trong thế gian một cách sâu sắc hơn, suy nghĩ của tôi có thay đổi đôi chút. Tôi nghe nói về mấy người bạn, họ đang ở bên bờ vực ly hôn. Vì chúng tôi dường như đã không gặp họ trong một thời gian khá lâu, chúng tôi chẳng hay biết gì về bất kỳ rối rắm nào trong cuộc sống vợ chồng của họ. Cơn khủng hoảng dường như toát ra từ chỗ chẳng ra gì hết. Dễ hiểu thôi, các thành viên trong gia đình đang vật vã với nhưng tin tức và đang ra sức trợ giúp bất cứ điều chi có thể. Ngoài ra, tôi thực sự chẳng biết bất kỳ một chi tiết nào hết. Song khi tôi được yêu cầu dâng lời cầu thay cho họ, đây là lời cầu nguyện ra từ tận đáy lòng tôi.
            Lạy Chúa, trong sự khôn ngoan của Ngài, Ngài đã ban hôn nhân như một món quà cho dòng giống con người. Ngài biết rõ chúng con cần đến nhau, rằng điều đó là tốt lành và chúng con sẽ được phước nếu chúng con hiệp cùng nhau, người nam và người nữ, trong mối hôn nhân Cơ đốc. Chúng con tin rằng hôn nhân mà Ngài ban cho người nam người nữ nầy chẳng phải là một lỗi lầm chi hết trừ ra đó là món quà đến từ trời. Và giờ đây Satan xuất hiện, Kẻ Hủy Diệt, để phá nát những gì Ngài đã thiết lập và chúc phước cho trong nhiều năm trời.
            Lạy Chúa, xin làm việc gì đó lớn lao cho. Xin làm điều chi đó thật mạnh mẽ. Hãy dấy cánh tay quyền năng của Ngài lên rồi đẩy Satan ra xa. Con cầu xin rằng tấm lòng của _________ sẽ mềm mại đi, rằng đôi mắt anh ấy sẽ mở ra, rằng anh ấy sẽ chịu khó suy nghĩ về điều mà anh ấy sắp sửa rời bỏ. Lạy Chúa, xin ưng ban cho ____________ đức tin, kiên nhẫn và sự trông cậy. Và về con cái, xin bảo hộ chúng bởi Thánh Linh của Ngài. Xin giữ chúng an toàn trong vòng tay yêu thương của Ngài. Xin để tâm đến chúng trong những ngày đáng sợ nầy.
            Lạy Chúa, làm ơn làm ra một phép lạ nào đó trong cuộc hôn nhân nầy để rồi nó sẽ được cứu. Hãy mang lại sự ăn năn, sự thay đổi sâu sắc trong tấm lòng, sự chữa lành và một khởi đầu mới. Chúng con chẳng thể làm chi được trong những việc nầy, nhưng Ngài có thể làm hết mọi sự ấy vì Ngài là Đức Chúa Trời Chí Cao và Ngài đang nắm giữ từng tấm lòng ở trong tay Ngài. Chúng con tin tưởng nơi Ngài.
            Xin thêm đức tin cho chúng con. Xin thêm tình yêu thương cho chúng con. Xin ban cho chúng con sức lực để giữ mãi lòng tin. Lạy Chúa, xin giải cứu chúng con ra khỏi điều ác và ra khỏi Kẻ Ác. Nơi nào tội lỗi gia thêm, nguyện ân điển càng dư dật hơn. Giờ đây nguyện chúng con thấy được mọi điều mà Ngài sẽ làm. Chúng con cầu nguyện với lòng tin cậy rằng vì chẳng có điều chi quá khó cho Ngài. Nhơn danh Chúa Jêsus, Amen.
            Tôi đã gạch dưới những phần nhất định của lời cầu nguyện nầy vì tôi e rằng tôi đã cầu nguyện như thế năm năm rồi. Khi chúng ta nhìn thấy hôn nhân đang ở bên bờ vực, chúng ta cần phải nhớ rằng Satan có hai bàn tay gian ác đang hành động trong hoàn cảnh đó. Chúng ta đánh trả qua sự cầu nguyện và chiến trận thuộc linh vì đấy là chiến trận – không những là cuộc chia tay trong hôn nhân mà còn là cuộc chiến thuộc linh thực sự nữa. Việc nhìn thấy vấn đề theo cách ấy làm sáng tỏ mọi việc và chuyển nó từ cuộc hôn nhân (ông nói – bà nói) đến lãnh vực thuộc linh. Satan đã tung ra một cú đấm và giờ đây chúng ta phải cầu xin Chúa giải cứu chúng ta ra khỏi quyền lực của hắn.

         Khi chúng ta nhìn thấy hôn nhân đang ở bên bờ vực, chúng ta cần phải nhớ rằng Satan có hai bàn tay gian ác đang hành động trong hoàn cảnh đó. 
           
            Có phải Đức Chúa Trời tể trị trên ma quỉ không? Chắc chắn rồi. Tại sao Ngài không hủy diệt hắn? Ngài sẽ. Cho tới chừng chúng ta sống trên bãi chiến trường của chiến trận thuộc linh rộng lớn giữa Đức Chúa Trời và Satan, giữa điều thiện và điều ác. Chúng ta phải có mặt ở bên thắng trận, nhưng như thế không có nghĩa là chúng ta không gánh chịu các thảm họa khi cuộc chiến thăng trầm.

2) Có hai cách để nhìn vào cuộc sống.

            Chúng ta có cơ hội để nhìn vào cuộc sống theo hai cách – từ dưới lên hay từ trên xuống. Từ trên xuống có nghĩa là khởi sự với Đức Chúa Trời và rồi đi thẳng vào các nan đề của cuộc sống. Từ dưới lên có nghĩa là khởi sự với mọi nan đề của mình rồi lên thẳng tới Đức Chúa Trời. Hầu hết chúng ta đều theo bản năng đi từ dưới lên nếu chúng ta có thể. Việc ấy có tạo ra sự khác biệt nào không? Duy nhứt mọi sự khác biệt trên thế gian. Có thể có sự khác biệt giữa việc giữ lấy đức tin của bạn hoặc là mất nó đi. Sự khác biệt giữa vui mừng và cay đắng, giữa việc tự thương hại và đức tin đắc thắng.
            Nếu bạn khởi sự với bạn, bạn sẽ kết thúc với bạn và chẳng thấy khá gì hơn đâu. Nếu bạn khởi sự với Đức Chúa Trời, bạn đã khởi sự ở một nơi khả thi để tìm ra bất kỳ giải đáp nào lâu dài. Đây có thể là sứ điệp trọng tâm của sách Gióp. Lúc đầu, Gióp đối mặt với sự mất mát không thể hình dung nổi, một loạt những thảm họa để ông ngồi lại gãi ghẻ trên đống tro, với người vợ cứ giục giã ông nên rủa sả Đức Chúa Trời rồi chết đi. Phần quan trọng nhất của quyển sách là cuộc đối thoại với mấy người bạn của ông về lý do tại sao những việc nầy đã xảy ra.

         Nếu bạn khởi sự với bạn, bạn sẽ kết thúc với bạn và chẳng thấy khá gì hơn đâu.

            Đây là sự thực đáng kinh ngạc nhất. Gióp không bao giờ tìm ra lý do tại sao Đức Chúa Trời đã chọn ông để chịu khổ như thế. Thắc mắc chính của ông vẫn chưa được giải đáp. Rõ ràng là ông không hề nhận ra vai trò của Satan trong toàn bộ sự việc. Vì vậy, trong giới hạn của những giải đáp thật đặc biệt, ông bị bỏ lại trong tối tăm. Nhưng đến cuối quyển sách, có một sự khác biệt rất lớn. Khi sau cùng ông sấp mình xuống trước mặt Đức Giêhôva, ông công nhận sự tể trị của Đức Chúa Trời: Tôi biết rằng Chúa có thể làm được mọi sự, chẳng có ý chỉ nào Chúa lấy làm khó lắm (Gióp 42:2). Thiết tưởng thắc mắc có thể được nói ra theo cách nầy:
            Có phải tôi bằng lòng tin rằng Đức Chúa Trời biết rõ Ngài sẽ làm gì trong đời sống  tôi khi tôi chẳng có một manh mối nào hết?

3) Có hai sự lựa chọn mà chúng ta có thể đưa ra.

            Trong quyển “If God is in Charge” [Nếu Đức Chúa Trời đang nắm quyền tể trị], Steve Brown thuật lại câu chuyện nói tới một lớp học mà vị Mục sư phụ tá của ông đã dạy, trong đó ông nói rằng Đức Chúa Trời đang nắm quyền tể trị, Đức Chúa Trời là sự yêu thương, và bất luận có nhiều việc tồi tệ đến ngần nào, Cơ đốc nhân phải ngợi khen Ngài. Ông tiếp tục nói rằng phần thử nghiệm thực của sự ngợi khen không phải khi mọi sự đều suông sẻ mà là khi chúng đi đến chỗ tồi tệ kìa. Trong thời gian hỏi đáp, có một người giơ tay lên rồi nói: “Tôi không thể tiếp thu điều ông nói về sự ngợi khen Đức Chúa Trời ở giữa điều ác và tổn thương. Tôi không tin khi ông mất mát người thân mà ông yêu thương qua sự chết, hay ông bị chứng ung thư, hoặc ông mất việc làm chẳng hạn, mà ông có thể ngợi khen Đức Chúa Trời”.

Nếu Đức Chúa Trời không tể trị, thì là ai chứ?

            Vị Mục sư phụ tá đưa ra một câu trả lời tuy đơn sơ nhưng rất quan trọng. “Ông có đề nghị sự lựa chọn nào khác không?” Câu hỏi đang nài xin câu trả lời. Nếu Đức Chúa Trời không tể trị, thì là ai chứ? Nếu Đức Chúa Trời không nắm quyền tể trị, thì ai đang điều hành công việc chứ?
            Nhưng tin tức tốt lành là đây. Đức Chúa Trời chúng ta đang nắm quyền tể trị. Đức Giê-hô-va đã lập ngôi Ngài trên các từng trời, Nước Ngài cai trị trên muôn vật”. Tôi công nhận rằng câu trả lời không luôn rõ ràng như thế đâu. Song đó lại là sự thật.
            Có hai sự lựa chọn mà chúng ta có thể đưa ra. Chúng ta có thể chối bỏ sự tể trị của Đức Chúa Trời, điều nầy nhất định dẫn tới thất vọng và thất bại, hoặc chúng ta có thể sấp mình xuống trước mặt Ngài với sự thuận phục hạ mình, điều nầy dẫn tới sự ngợi khen và tự do.
            Nếu Đức Chúa Trời tể trị, còn gì nữa không? Hãy xem phần ứng dụng ở các câu 20-22.
            Khi Đức Chúa Trời tể trị, hãy để cho các thiên sứ ngợi khen Ngài. Câu 20.
            Khi Đức Chúa Trời tể trị, hãy để cho các cơ binh trên trời ngợi khen Ngài. Câu 21.
            Khi Đức Chúa Trời tể trị, hãy để cho mọi công việc Ngài ngợi khen Ngài. Câu 22a.
            Khi Đức Chúa Trời tể trị, hãy để cho mọi người ngợi khen Ngài. Câu 22b.

 

Thành tích của Đức Chúa Trời

            Chỉ có một thắc mắc còn lại. Làm sao chúng ta biết – thực sự biết – rằng điều chi Đức Chúa Trời có trong trí dành cho chúng ta là tốt lành chứ?  Chúng ta biết điều nầy vì chúng ta đã nhìn thấy Ngài đang hành động. Ngài có một bảng thành tích và thành tích ấy là tốt lành.
            Đó là một câu chuyện xa xưa từng được thuật lại, câu chuyện nói tới một gã thiếu niên làm việc trong nhiều ngày để xây dựng một con thuyền đồ chơi. Một ngày kia, nó đem chiếc thuyền xuống con rạch để xem coi nó có nổi lên hay không!?! Khi làn gió thổi con thuyền ra khỏi tầm tay, gã thiếu niên kia chạy dọc theo bờ rạch kêu la xin cho chiếc thuyền quay trở lại. Nhưng không lâu sau đó, nó mất hút khỏi tầm nhìn.
            Nhiều ngày trôi qua, rồi nhiều tuần lễ. Một thời gian sau đó, gã thiếu niên đang di dạo trong thành phố rồi đến bên một cửa tiệm cầm đồ. Qua cánh cửa sổ, nó nhìn thấy con thuyền đồ chơi của mình. Có ai đó đã tìm gặp chiếc thuyền, lấy nó ra khỏi con rạch, rồi đem bán nó. Gã thiếu niên bước vào bên trong, tìm ông chủ, rồi nói: “Thưa ông, ông có chiếc thuyền của con trong cánh cửa sổ kìa. Con đã làm nó”. Người chủ tiệm nói: “Nếu cháu muốn lấy lại chiếc thuyền, cháu sẽ phải làm giống như mọi khách hàng làm, là mua lại nó”.

Đức Chúa Trời có một bảng thành tích
và thành tích ấy là tốt lành.

            Qua mấy ngày sau, gã thiếu niên đã nhận làm nhiều việc vặt trong vùng lân cận mình. Anh ta cắt cỏ, đổ rác, dắt chó đi dạo, rửa xe, và sơn hàng rào, tiết kiệm từng xu một. Sau cùng, khi nó có đủ tiền, nó trở ra cửa tiệm kia, hy vọng chiếc thuyền của mình vẫn còn ở đó. Sau khi trả tiền rồi, nó tái xưng nhận quyền làm chủ chiếc thuyền đó. Bước ra khỏi cửa tiệm, có người nghe gã nói: “Ta đã tạo thành ngươi. Ta mất ngươi. Ta tìm được ngươi. Ta đã mua ngươi. Giờ đây, ngươi là của ta cho đến mãi mãi”.
            Cũng một thể ấy với Đức Chúa Trời. Ngài đã dựng nên chúng ta, chúng ta lìa bỏ Ngài, Ngài tìm gặp chúng ta rồi mua lấy chúng ta với cái giá bằng huyết của Chúa Jêsus. Giờ đây, chúng ta thuộc về Ngài cho đến đời đời.
            Đấy là bảng thành tích của Đức Chúa Trời. Đã vậy thì chúng ta sẽ nói làm sao? Nếu Đức Chúa Trời vùa giúp chúng ta, thì còn ai nghịch với chúng ta? (Rôma 8:31). Dù lẽ đạo có khô khan, nguội lạnh, sự tể trị của Đức Chúa Trời đầy dẫy tấm lòng người tin Chúa với sự yên ủi. Trong thế giới nầy với nhiều thắc mắc như thế, chúng ta biết với sự chắc chắn rằng ngôi của Ngài là ở trên trời, Ngài tể trị trên muôn vật, và Ngài yêu thương chúng ta nhiều đến nỗi đã ban Con của Ngài để chúng ta có thể có sự sống đời đời. Ngài là Đấng nắm giữ vũ trụ đang nắm tôi trong lòng bàn tay của Ngài. Ngài là Đấng dẫn đường cho các vì sao cũng đang dẫn dắt tôi nữa. Ngài là Đấng biết rõ mọi sự từ sáng thế cho đến tận thế, Ngài biết rõ tôi. Và tôi giao phó sự sống tôi cho Ngài. Amen!





Thứ Hai, 9 tháng 7, 2012

Phi líp 1:6: "Thành Tín Làm Trọn Công Việc Của Ngài"



Thành Tín Làm Trọn 

Công Việc Của Ngài

 Philíp 1:6

            “Đời sống Cơ đốc nhân là một chuỗi phép lạ”. Mục sư Charles Haddon Spurgeon đã nói như thế, ông là nhà truyền đạo người Anh nổi tiếng vào thế kỷ thứ 19. Nếu ông nói đúng, tại sao chúng ta không nói tới các phép lạ đó? Khi một người bạn đến hỏi tôi câu hỏi ấy cách đây mấy năm, tôi đã yêu cầu mấy người bạn nói cho tôi biết những phép lạ mà họ kinh nghiệm cách riêng tư. Tất cả các câu chuyện đều rất hay, và một số có tính cách dạy dỗ rất lớn. Đây là câu chuyện của một người:
            Tối nay tôi đọc với sự thích thú mọi lời phê phán của bạn về các phép lạ. Tôi tin Đức Chúa Trời vẫn còn thực hiện nhiều công việc thật lạ lùng. Và mọi câu trả lời đều rất ngoạn mục. Nhưng hầu hết những câu trả lời đối với tôi dường như là chẳng thức thời.
            Chúng ta thực sự là thế hệ phải hài lòng liền tay. Tôi nghĩ chúng ta đọc Tân Ước rồi tự hỏi lý do tại sao chúng ta không nhìn thấy Đức Chúa Trời thực hiện tức thì, ngoạn mục mọi giải đáp cho sự cầu nguyện được đóng khung bằng những tràng sấm sét và nhiều tia chớp nhoáng. Tôi nghĩ Ngài đang ban ra những câu trả lời rất ngoạn mục, chỉ duy theo thì thuận tiện của Ngài. Tôi dựa theo kinh nghiệm riêng của tôi. Nếu tôi yêu cầu người bạn thân của tôi cách đây 16 năm viết ra phần mô tả về tôi và rồi yêu cầu cùng một việc ấy cho hôm nay, đây là phần kết luận bạn sẽ nhận được. Đây là hai nhân vật khác biệt với rất ít điểm chung.
            Điều gì đã xảy ra? Chẳng thiếu gì hết, duy chỉ có thiếu phép lạ mà thôi! Tôi không theo sát mọi hoàn cảnh, nhưng cách đây 16 năm, tôi đã ở phần cuối của sợi dây về mặt tình cảm và về mặt thuộc linh. Ngày kia, tôi đã phải quì gối xuống rồi thưa với Đức Chúa Trời, một là Ngài thay đổi tôi hoặc cất tôi về quê hương vì tôi không muốn sống thêm một phút nào khác nếu đời sống  tôi cứ mãi y như nguyên cũ. Đấy là khi tôi khởi sự nghe thấy tiếng của búa và cưa ở bên trong.
            Khi nhảy vào phần cuối của câu chuyện, hơn 16 năm qua Đức Chúa Trời đã dựng nên một người hoàn toàn mới bên trong con người nầy. Phần lớn những con người bình thường đều không nhận thấy được vấn đề đó. Và sự việc đó không xảy ra chỉ bằng cái nháy mắt. Song đấy là một phép lạ! Sự thể rất ngoạn mục! Và không chỉ là từng ấy thôi đâu! Những gì Đức Chúa Trời đã làm trong đời sống tôi thì nhiều lạ lùng hơn nếu Ngài làm cho một cánh tay hay cái chơn mọc dài ra thay thế cho một cái tay hay cái chơn bị cắt cụt — vì Ngài đã tạo ra một con người hoàn toàn mới. Ngài vẫn còn đang làm phép lạ! Chúng rất ngoạn mục! Chúng nằm trong thì thuận tiện của Ngài! Nguyện sự vinh hiển thuộc về Đức Chúa Trời!
Những phép lạ chung quanh
            Khi tôi đọc câu chuyện của Ngài, thì tư tưởng thoạt đến với tôi, ấy là có những phép lạ xảy ra quanh chúng ta nếu chúng ta chỉ nhướng mắt lên rồi nhìn xem chúng. Nan đề của chúng ta, ấy là chúng ta tìm kiếm những kết quả bề ngoài, ngoạn mục khi công việc của Đức Chúa Trời, giống như cái hột cải nhỏ kia, bắt đầu ở một chỗ kín đáo bên trong tấm lòng của con người. Mọi tường trình về sự chữa lành theo phần xác quả là thật kỳ diệu — và tôi cảm tạ Đức Chúa Trời vì Ngài vẫn còn chữa lành khi trả lời cho sự cầu nguyện hôm nay — phép lạ lớn lao chính là sự biến đổi một tội nhân thành một thánh đồ bởi ân điển của Đức Chúa Trời.
            Tôi thích một câu rất đặc biệt trong lời làm chứng vừa qua: “Đấy là khi tôi khởi sự nghe thấy tiếng của búa và cưa ở bên trong”. Nếu bạn là một tín đồ có bề dày thời gian, bạn biết rõ về tiếng búa và cưa ở bên trong chính đời sống  của bạn. Các nhà thần học đều có một từ rất hay về việc ấy. Họ gọi đó là “sự nên thánh”. Đấy là công việc mà Đức Chúa Trời đang làm bên trong tấm lòng của một người tin Chúa để biến người ấy thành một người hoàn toàn mới.
            Đây là 5 sự thực bạn cần phải biết về sự nên thánh:
            Đây là công việc của Đức Chúa Trời. 
            Đây là một quá trình trọn cả đời. 
            Sự ấy không bao giờ hoàn tất trong đời nầy. 
            Đức Chúa Trời sẽ không dừng lại cho tới chừng nào công việc đã được trọn. 
            Đức Chúa Trời sử dụng mọi sự xảy ra cho chúng ta — tốt và xấu — để khiến chúng ta ra giống với Chúa Jêsus.
            Với bài giảng nầy, tôi đang đến gần với phần cuối của loạt bài có đề tựa là: “Đức Chúa Trời, Đấng bạn có thể tin cậy”. Tuần tới là sứ điệp sau cùng và tôi sẽ nghỉ khoảng hai tuần, một món quà gửi đến từ các trưởng lão đánh dấu năm thứ 10 làm Mục sư quản nhiệm Hội thánh Calvary Memorial. Tôi tính giảng nhiều về tuần tới, nhưng tôi thu hẹp lại thành hai Chúa nhật sau cùng, tôi muốn giảng về một số lẽ đạo rất quan trọng đối với tôi trong hơn 10 năm qua. Nếu mọi điều tôi nói có điều chi nghe quen thuộc, sở dĩ như thế là vì lời hứa của Đức Chúa Trời phải làm trọn công việc của Ngài nơi chúng ta đã trở thành một lẽ đạo quí báu trong tấm lòng của tôi. Tôi tin nhiều về việc ấy ngày nay hơn là tôi đã tin cách đây 10 năm.
            Chúng ta hãy có một cái nhìn thật nhanh vào bốn phân đoạn để neo tư tưởng của mình vào, ở các nơi đó nói tới quyết định của Đức Chúa Trời muốn làm trọn công việc của Ngài nơi chúng ta. 

I. Ngài khởi sự công việc nơi chúng ta.

            Hãy đặt lòng tin cậy về sự Ngài là Đấng đã khởi làm việc lành nơi bạn, Ngài sẽ lo liệu sao cho việc ấy đi tới chỗ hoàn tất cho đến ngày của Đức Chúa Jêsus Christ.
            Hãy chú ý ba điều từ câu nói nổi tiếng nầy. Thứ nhứt, Đức Chúa Trời chủ động sáng tạo khi khởi sự công việc nơi bạn. Ngài là Đấng “khởi làm việc lành” nơi chúng ta. Sự cứu rỗi luôn luôn bắt đầu với Đức Chúa Trời. Ngài đi bước đầu tiên, và nếu Ngài không đi bước đầu tiên đó, chúng ta sẽ chẳng manh động gì cả thảy. Có lẽ bạn đã nghe nói về nhà truyền đạo bị kiểm tra để được sự tấn phong vào chức vụ. Khi người ta hỏi ông trở thành Cơ đốc nhân bằng cách nào, nhà truyền đạo đáp: “Tôi làm phần của tôi và Đức Chúa Trời lo phần của Ngài”. Nghe như thế thì sễ thắc mắc lắm đấy, vì vậy số anh em trong hội chúng đã yêu cầu nhà truyền đạo giải thích “phần của ông trong sự cứu rỗi”. Nhà truyền đạo đáp: “Phần của tôi là chạy tránh Đức Chúa Trời bao xa như tôi có thể chạy được”. “Phần của Đức Chúa Trời là đuổi theo tôi, bắt lấy tôi rồi đem tôi vào trong gia đình của Ngài”. Đấy là câu trả lời hoàn toàn theo Kinh thánh vì hết thảy chúng ta ra đời đều tránh né Đức Chúa Trời, và nếu như Đức Chúa Trời không bật ra sáng kiến tìm kiếm chúng ta, chúng ta vẫn sẽ còn tránh né Ngài.
            Thứ hai, Đức Chúa Trời chịu trách nhiệm phải làm trọn công việc của Ngài nơi bạn. Tôi thấy đây là một tư tưởng rất khích lệ. Đức Chúa Trời có một “việc lành” mà Ngài dự trù phải hoàn tất nơi đời sống của bạn và của tôi. Đức Chúa Trời dự trù hết thảy con cái của Ngài phải được biến đổi ra giống với Đức Chúa Jêsus Christ, và Ngài sẽ không yên nghỉ cho đến khi nào “việc lành” ấy đã được làm cho trọn vào lúc sau cùng.
            Có lẽ bạn đã nhìn thấy mấy cái nút kia có ghi: PBPGIFWMY. Những chữ viết tắt nầy đứng thay cho một lẽ thật rất quan trọng: “Please be patient. God isn’t finished with me yet” (Làm ơn hãy kiên nhẫn. Đức Chúa Trời chưa làm xong việc với tôi”). Cảm tạ Đức Chúa Trời, đó là sự thực. Có thể là tôi trông chưa giống nhiều đâu — nhưng Đức Chúa Trời chưa làm xong việc với tôi kia mà. Và khi bạn nhìn vào trong gương — và thậm chí sâu thẳm trong linh hồn bạn, có thể bạn chưa giống với những gì bạn nom thấy, nhưng không phải là vấn đề đâu. Đức Chúa Trời chưa làm xong việc với bạn kia mà.
            Có những tin tốt và tin xấu trong lẽ thật nầy. Tin tốt, ấy là khi Đức Chúa Trời chưa làm xong việc, chúng ta có hy vọng rất lớn về cuộc tương lai. Tin xấu, ấy là khi Đức Chúa Trời chưa làm xong việc, Ngài sẽ không để chúng ta lại như chúng ta hiện có đây. Ngài sẽ hành động trên chúng ta cho tới chừng chúng ta được biến đổi ra giống như ảnh tượng của Đức Chúa Jêsus Christ. Hầu hết chúng ta đều có một con đường thật dài phải đi — và một số người trong chúng ta đều có một khoảng đường xa phải bước đi. Nhưng việc ấy không thành vấn đề. Nếu bạn thấy mình đang lọt vào bãi bùn lầy thất bại, hãy can đảm lên. Hỡi con cái của Đức Chúa Trời, Ngài chưa làm xong việc với bạn kia mà. Hãy chỗi dậy rồi bước đi, hỡi quí bạn Cơ đốc của tôi ơi. Đức Chúa Trời chưa làm xong việc với bạn đâu. Nếu bạn bị chuyển ra hàng ghế ngồi vì lỗi cá nhân, hãy tiếp thu bài học mà Đức Chúa Trời sẵn sàng cho bạn và rồi hãy trở lại mà thi đấu.
            Thứ ba, Đức Chúa Trời bảo đảm kết quả công việc của Ngài nơi chúng ta. Không những Đức Chúa Trời khởi sự tiến trình, và tiếp tục tiến trình, mà Ngài còn bảo đảm phần kết quả tối hậu của tiến trình đó nữa. Ngài sẽ làm trọn hết cho đến ngày của Đức Chúa Jêsus Christ. Câu nầy có ý nói rằng Đức Chúa Trời sẽ không xây đi bởi bất kỳ loại khó khăn nào. Ngài đã quyết khiến cho bạn ra giống với Chúa Jêsus đến nỗi cho dù bạn có tái phạm, điều đó sẽ không ngăn trở việc hoàn tất mục đích của Ngài. Một ngày kia, bạn và tôi sẽ đứng trước mặt Đức Chúa Jêsus Christ như con cái đã được Đức Chúa Trời cứu chuộc — thánh khiết, không vít, và trọn vẹn trong từng chiều kích. Chúng ta hôm nay phải nắm lấy tầm nhìn đó. Nhưng một ngày tốt hơn sẽ đến cho dân sự của Đức Chúa Trời. Những gì là bất toàn sẽ được làm cho trọn vẹn. Những gì chưa làm xong sẽ phải được làm cho xong. Cái gì thiếu thốn sẽ được bổ sung đầy đủ. Cái gì là một phần sẽ được đổi thành toàn phần. Điều chi kém thiếu chưa đủ sẽ được làm cho đầy trọn. Thứ gì tan vỡ sẽ được làm cho lành trở lại. Thứ chi tổn thương sẽ được chữa lành cho. Điều chi yếu ớt sẽ được làm cho mạnh mẽ lên. Cái gì tạm thời sẽ được biến thành vĩnh viễn.
            Đức Chúa Trời đã hứa làm việc ấy và Ngài không thể nói dối. Có phải Đức Chúa Trời đã khởi làm việc lành trong đời sống  của bạn không? Có phải bạn cảm thấy bất toàn và chưa trọn vẹn chăng? Đừng sợ hãi, hỡi con cái của Đức Chúa Trời. Ngài sẽ làm trọn công việc của Ngài ở nơi bạn.

II. Ngài gìn giữ chúng ta không vấp ngã.

            Ngài là Đấng có thể gìn giữ bạn khỏi vấp phạm và khiến bạn đứng trước mặt vinh hiển mình rất vui mừng, không chỗ trách được —
            Thứ nhứt, có quyền phép của Đức Chúa Trời: “Ngài là Đấng có thể gìn giữ anh em  khỏi vấp phạm”.
            Thứ hai, có mục đích của Đức Chúa Trời: “khiến anh em đứng trước mặt vinh hiển mình”.
            Thứ ba, có lời hứa của Đức Chúa Trời: “cách rất vui mừng, không chỗ trách được ”.
            Đức Chúa Trời đã ấn định rằng người nào Ngài kêu gọi để được cứu sẽ được bảo vệ cho dù họ vấp ngã trên đường, họ sẽ không hoàn toàn nằm dài luôn đâu. Ngài canh chừng con cái Ngài bởi Thánh Linh của Ngài và với các thiên sứ thánh để biết chắc rằng không một người nào bị hư mất trong chuyến linh trình  trên đất của họ. Tôi thích cách thức J. Vernon McGee sử dụng để chỉ ra vấn đề nầy. Giống như bao người khác Đức Chúa Trời kêu gọi, một ngày kia ông sẽ được tiếp lấy trên thiên đàng. Mục sư McGee phác họa Chúa ở trên trời đang đếm bầy chiên của Ngài khi họ đến trong ràng của Ngài:
            “…94…95…96…97…98…99…McGee, McGee đâu rồi? Ta chưa thấy ông ta!” Không, Ngài sẽ không phải nói như vậy đâu. Hết thảy bầy chiên của Đức Chúa Trời sẽ đến nơi đó. Không một người nào sẽ bị mất trong tiến trình đó.
            Jack Wyrtzen ưa nói như vầy đây: “Tôi dám chắc về thiên đàng giống như thể tôi đã sống ở đó rồi trong 10.000 năm”. Cơ đốc nhân có dám nói như thế không? Vì việc ấy không đặt nơi tôi hay nơi bạn. Việc ấy đặt trên Lời của Đức Chúa Trời đời đời. Nếu Đức Chúa Trời đã phán Ngài sẽ làm việc ấy, Ngài sẽ làm đấy. Bạn có thể đưa việc ấy vào cất giữ trong nhà băng. Những gì Đức Chúa Trời phán Ngài sẽ làm, Ngài sẽ làm đấy.
            Giuđe nói rằng mục đích của Đức Chúa Trời là trình diện chúng ta trước mặt Đức Chúa Trời không chỗ trách được. Từ ngữ Hylạp nói tới “không chỗ trách được” ra từ những của lễ hy sinh ở đền thờ. Từ nầy mô tả một chiên con không lỗi không vít gì hết. Không một vết sẹo, không một cái xương nào gãy, không một dấu đốm nào cả, không một thứ bệnh tật hay bất kỳ loại nào. Đức Chúa Trời phán: “Hãy đem đến cho ta một chiên con không vít hay đừng đem con nào hết”. Ngài từ chối của lễ có vít vì là bất xứng trong sự thánh khiết của Ngài.
            Nhưng nếu đó là sự thực, làm sao bất cứ ai trong chúng ta dám đứng trước mặt Chúa cho được chứ? Hết thảy chúng ta đều có tì vít, những lỗi lầm kín nhiệm, các tội lỗi kín giấu, nhiều thái độ sai trái, nhiều thói tật xấu, và tội lỗi đang treo quanh cổ chúng ta giống như một gánh nặng vậy. Hết thảy chúng ta đều phấn đấu với gánh nặng ấy từng ngày một, và phần nhiều người trong chúng ta đang sống với một lương tâm phạm tội và ý thức rõ ràng về sự thất bại của chính chúng ta.
            Chính ở điểm nầy mà lời lẽ của Giuđe 24 trở nên quan trọng. Đức Chúa Trời dự trù trình diện chúng ta ở trước ngôi của Ngài không tì, không vít, tự do đối với mọi thứ trong đời nầy cứ trì kéo chúng ta xuống. Trong ngày lớn đó, các thiên sứ sẽ cất tiếng ca hát của họ lên khi từng người một các thánh đồ của Đức Chúa Trời được trình diện với Cha chúng ta ở trên trời. Tôi hình dung Chúa Jêsus đang phán: “Lạy Cha, đây là Stan Utigard. Ông ấy vừa mới ra khỏi cuộc phấn đấu vất vả ở trên đất. Bởi giá trị huyết của con, con trình ông ta cho Cha thật trọn vẹn, không tì vít, không chỗ trách được”. Và Đức Chúa Cha sẽ phán: “Được lắm, hỡi đấy tớ ngay lành trung tín kia, hãy vào mà hưởng sự vui mừng của Chúa”.
            Cũng một thể ấy cho hết thảy chúng ta. Nhưng còn về tội lỗi của chúng ta thì sao chứ? Chúng bị bao phủ bởi huyết của Chúa Jêsus và đã bị xét đoán tại thập tự giá. Mọi thất bại trong đời nầy sẽ bị bỏ lại ở thật xa sau lưng. Mọi công việc chưa làm xong của một cuộc đời sẽ chỉ còn là một ký ức lờ mờ — nếu chúng ta có nhớ đến nó. Trong ngày lớn ấy, chúng ta sẽ được giải phóng hoàn toàn ra khỏi tội lỗi và mọi sự tàn phá của nó.
            Đừng bỏ qua cụm từ ngắn ngủi đó: “cách rất vui mừng”. Trong tiếng Hylạp, cụm từ nấy có ý nói tới một việc như “hớn hở không kềm chế được”. Khi các thánh đồ bước vào, thì giống như một cuộc diễu hành ồn ào ở New Orleans (chỉ không có loại tồi tệ ở đó mà thôi). Chúng ta sẽ bước vào trong thiên đàng không phải với cặp mắt ngó xuống và bộ mặt ảm đạm đâu, mà với việc vui cười ca hát cùng với những tiếng hô vui mừng đời đời: “Halêlugia, bởi ân điển của Đức Chúa Trời, chúng tôi hớn hở”.
            Ngày thứ Sáu vừa qua, người bạn thân của tôi là Bob Briner đã bước qua hai cánh cổng đời đời. Mọi vất vả của ông ấy đều đã qua đi cho đến đời đời, sau cùng thì ngày vui mừng hớn hở của ông ấy đã đến. Giờ đây, ông ấy đang đứng trước mặt Đức Chúa Cha, không tì vít hay không chỗ trách được, được chữa lành và được biến nên trọn vẹn cho đến đời đời.
            Khi tội lỗi hành hại bạn tuần lễ nầy, nguyện tư tưởng nầy khích lệ bạn. Những ngày tốt hơn đang tới đến. Những ngày của sự đắc thắng. Những ngày vui mừng không còn xa lắm đâu. Thất bại trong hiện tại của bạn sẽ chẳng kéo dài cho đến đời đời được. Một ngày kia, trận chiến sẽ qua đi và bạn sẽ đứng trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời và trọn vẹn, tự do đối với những miếng giẻ rách đang trì kéo bạn xuống trong đời nầy. Bạn sẽ bước bào thiên đàng với một bài ca trên môi miệng của mình. Đức Chúa Trời đã bằng lòng làm trọn sự ấy.

III. Ngài trang bị cho chúng ta để làm theo ý muốn Ngài.

            Nguyện Đức Chúa Trời của sự bình an, là Đấng qua huyết giao ước đời đời từ kẻ chết sống lại tỏ ra bởi Chúa Jêsus của chúng ta, là Đấng chăn chiên trưởng, trang bị cho bạn với mọi sự tốt lành để làm theo ý muốn của Ngài, và nguyện Ngài hành động trong chúng ta mọi điều đẹp lòng Ngài, qua Đức Chúa Jêsus Christ, để mọi sự vinh hiển đều thuộc về Ngài cho đến đời đời. Amen
            Từ ngữ “trang bị” có ý nói tới việc phục hồi lại tình trạng làm việc thích đáng. Từ ngữ nầy được sử dụng nói tới một đội quân sẵn sàng đánh trận hay vá lại lỗ rách của lưới cá hoặc một cánh tay đã bị gãy. Bạn trang bị điều chi đó khi bạn sửa soạn nó để được sử dụng cho mục đích thích đáng của nó.
            Đức Chúa Trời bằng lòng trang bị cho chúng ta mọi sự mà Ngài muốn chúng ta phải lo làm. Cho phép tôi nói rõ hơn. Đức Chúa Trời sẽ không bao giờ kêu gọi chúng ta làm một việc gì đó mà không trang bị cho chúng ta để làm công việc đó. Không hề. Ngài sẽ không làm như thế đâu.
            Tôi biết có nhiều người ngày nay đang đối diện với những cảnh ngộ khó khăn. Có thể là bạn sẽ chẳng có tiền bạc chi hết. Có người trong các bạn thì bị thất nghiệp. Có người đang đối mặt với cuộc giải phẩu sắp tới đây. Nhiều người khác đang đối diện với tật bịnh trầm trọng. Có người cần phải đưa ra những quyết định khó nhọc trong tuần lễ nầy và bạn không biết phải làm gì đây!?!
            Hãy nhận lấy lời cổ vũ nầy. Bất cứ điều chi bạn phải làm trong tuần lễ nầy, Đức Chúa Trời sẽ trang bị cho bạn để làm công việc ấy. Cho dù con đường trước mặt có nhọc nhằn đấy, Đức Chúa Trời đã khởi sự vá lại mảng lưới của bạn và trang bị cho bạn để đánh trận. Thậm chí bạn chưa cầu hỏi Ngài; Ngài làm thế vì Ngài là loại Đức Chúa Trời như thế đó. Ngài không hề, không bao giờ, không bao giờ kêu gọi bạn đến với bất kỳ công việc nào mà không ban cho bạn những gì bạn cần để làm cho xong công việc ấy.
            Hãy chú ý cách thức Ngài làm công việc ấy. Ngài hành động trong chúng ta từ trong ra ngoài. “Nguyện Ngài hành động trong chúng ta những gì đẹp lòng Ngài”. Nếu chúng ta cần sự can đảm, Ngài hành động sự ấy trong chúng ta. Nếu chúng ta cần ơn thương xót, Ngài ban sự ấy cho chúng ta. Nếu chúng ta cần sự ngay thẳng, Ngài kiến thiết sự ấy trong chúng ta. Nếu chúng ta cần sự khôn ngoan, Ngài truyền ban sự khôn ngoan mà chúng ta có cần. Nếu chúng ta cần kiến thức phổ thông, Ngài tìm một phương thức để ban kiến thức đó cho chúng ta.
            Có nhiều người trong chúng ta đã nhìn vào hoàn cảnh khó khăn rồi nói: “Lạy Chúa, xin thay đổi hoàn cảnh của con”. Thường thì đấy không phải là ý muốn của Đức Chúa Trời. Phần nhiều hoàn cảnh khó khăn thường xảy đến như một phương tiện để khiến cho chúng ta tấn tới về mặt thuộc linh. Đức Chúa Trời thường đem nổi khó khăn vào trong đời sống chúng ta để đào sâu sự nương cậy hoàn toàn của chúng ta đặt nơi Ngài. Khi sự ấy xảy ra, chúng ta cần phải cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin thay đổi con, để con có thể đối diện với cảnh ngộ nầy”. Đó là một lời cầu nguyện mà Đức Chúa Trời đẹp lòng muốn nhậm lấy.

IV. Ngài hứa làm trọn công việc của Ngài nơi chúng ta.

            Nguyện chính mình Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Trời của sự bình an, làm cho bạn nên thánh mãi mãi. Nguyện toàn bộ tâm thần, linh hồn và thể xác của bạn, sẽ được giữ cho không chỗ trách được nơi sự đến của Đức Chúa Jêsus Christ, Chúa chúng ta. Ngài là Đấng gọi anh em là thành tín và Ngài sẽ làm như thế.
            Khi Chúa chúng ta trở lại, có hai việc quan trọng sẽ xảy ra cho người tin Chúa:
A. Bản chất của chúng ta sẽ bị tỏ ra.
B. Sự trọn lành của chúng ta sẽ được hoàn tất.
            Chúng ta chưa đạt tới chỗ nầy trong lúc bây giờ. Dường như chúng ta đang làm cho tiến trình ấy chậm lụt đi. Có phải bạn thấy thất vọng về chính đời sống của mình không? Tôi có thấy đấy. Có phải bạn từng đứng ở trước tấm gương rồi nói: “Có điều chi sai trật với ngươi vậy? Tại sao ngươi không thấy khá hơn chứ?” Đôi khi trong các trường hợp ấy, Cơ đốc nhân giống như tiến ba bước rồi lùi hai bước vậy.
            Tôi ý thức được rằng sự tấn tới về mặt thuộc linh nhiều lúc đáng thất vọng lắm. Sự thể giống như đang trèo lên đỉnh Núi Everest vậy, bạn càng tới gần đỉnh hơn, thì dường như nó còn xa hơn vậy. Nhưng Đức Chúa Trời có một lý do cho mọi sự nầy. Ngài muốn chúng ta phải nương cậy vào Ngài trong mọi sự. Ngài dựng nên sự sống để nó tác động chỉ khi Ngài nắm toàn quyền trên mọi sự kìa. Khi chúng ta tìm cách điều hành mọi sự — là điều chúng ta thường hay làm — mọi sự bắt đầu rã rời hết.
            “Đấng gọi anh em là thành tín”. Cụm từ ngắn ngủi nầy rất là quan trọng. Đây là nền tảng cho lẽ đạo nói tới sự an ninh đời đời. Chúng ta muốn nói rằng người nào được cứu thì được cứu cho đến  đời đời. Làm sao chúng ta biết điều nầy là sự thật chứ? Chúng ta biết điều đó là vì Đức Chúa Trời là thành tín hay giữ mọi lời hứa của Ngài. Toàn bộ hy vọng của chúng ta — và ở đời nầy và ở đời hầu đến — đều đặt trên sự thành tín của Đức Chúa Trời. Sự thành tín của Ngài mang lấy toàn bộ gánh nặng mọi nổ lực nhỏ bé của chúng ta.
            Điều chi khiến cho chúng ta nghĩ rằng Đức Chúa Trời sẽ làm trọn công việc? Trong con mắt của tôi, tôi hình dung Đức Chúa Trời là một nhà điêu khắc đang làm việc với phần thô đá cẩm thạch. Ngài đang làm việc với mảng cẩm thạch lớn có tên là “Ray Pritchard”. Đây là một công đoạn khó vì mảng cẩm thạch nầy bị biến dạng, đổi màu, chẳng ra hình thù chi hết, và bị nứt nẻ ở một số nơi. Đấy là mảng cẩm thạch tồi tệ nhất mà một nhà điêu khắc từng tìm gặp. Nhưng Đức Chúa Trời không nản lòng và Ngài đang kiên nhẫn làm công việc của Ngài, dủa mài đi các chỗ xấu, chạm khắc một hình ảnh nơi phần thô cứng, thỉnh thoảng dừng lại để tô bóng chỗ nầy hay chỗ kia. Một ngày kia, sau cùng ông ta hoàn tất một phần của bức tượng. Sáng hôm sau, khi ông ta trở lại gian phòng đó với mảng lộn xộn kia. Ông nói: “Tôi nghĩ mình đã làm xong việc ngày hôm qua, ai đã làm rối tung bức tượng của tôi chứ?” Với một nụ cười méo mó, tôi giơ tay mình lên. Cái giơ tay đó chỉ ra tôi là thủ phạm. Tôi là kẻ thù tồi tệ nhất của tôi. Những gì tôi tưởng là sẽ cải thiện mọi chuyện chỉ là làm cho lộn xộn chúng mà thôi. Nhưng Đức Chúa Trời là thành tín. Ngài kiên nhẫn nhặt lấy cái đục của mình rồi trở lại với công việc. Ngài không bỏ cuộc nửa chừng dự án đó.
Ngài sẽ làm cho trọn
            Hãy chú ý bốn từ cuối của câu 24 [theo bản Anh ngữ]: “sẽ làm trọn hết”. Câu nói thật đơn sơ và thẳng thắn. Không chút do dự, không mỹ miều, chẳng hồ nghi chi cả. Chỉ có bốn từ đơn sơ: Sẽ làm trọn hết. Không phải “Ngài có thể làm trọn hết” hay “Ngài phải làm trọn hết” hay “Ngài có lẽ làm trọn hết” hoặc “Ngài sẽ làm trọn công việc đó nếu Ngài muốn”. Thậm chí không phải “Ngài sẽ làm trọn hết nếu chúng ta lo làm phần của mình”. Chỉ một câu nói tuyên bố rằng Đức Chúa Trời sẽ làm trọn hết công việc ấy mà thôi. Thậm chí chẳng có tham khảo nào nhẹ nhất đối với bất kỳ việc gì nơi phần của chúng ta. Khi mọi sự được nói ra và được làm ra, cái điều là vấn đề không phải là tôi đang nắm chặt lấy Đức Chúa Trời đâu, mà Ngài đang nắm chặt lấy tôi kìa.
            Có lúc, khi tôi hỏi ai đó: Ông (bà) thế nào rồi? Câu trả lời là: “Tôi đang sống suông sẻ đây”. Đấy là câu trả lời rất tế nhị, nhưng chưa phải là chính xác đâu. Nếu sự thực được nói ra, chúng ta chưa “suông sẻ” đâu. Một số người trong chúng ta cảm thấy “suông sẻ” và hầu hết chúng ta đều cảm thấy “đúng một phần và sai một phần”. Nhưng không ai trong chúng ta hoàn toàn “suông sẻ” trong từng lãnh vực của cuộc sống. Trong khoảnh khắc, chúng ta chẳng thấy “suông sẻ” nhưng bởi ân điển của Đức Chúa Trời, chúng ta đang di động theo hướng đó và đến cuối cùng, mọi con cái của Đức Chúa Trời đều sẽ “suông sẻ” khi chúng ta đứng trong sự hiện diện của Ngài.
            Trong ngày ấy, chúng ta sẽ được nên trọn lành và trọn vẹn. Hoàn toàn, tinh sạch, được làm cho trọn vẹn. Không còn có búa, chẳng còn có cưa, chẳng có công việc nào chưa làm xong. Tại sao chứ? Vì Đức Chúa Trời làm trọn mọi điều mà Ngài đã khởi sự.
Hãy tự đặt mình vào tay của Đức Chúa Trời
            Chúng ta có thể nổi giận, nghi ngờ và thất vọng về bất kỳ quá trình nào. Chúng ta có thể giận dữ và thối lui. Nhưng Đức Chúa Trời không thay đổi. Ngài là thành tín và Ngài sẽ làm cho trọn hết.
            Có gì còn chừa lại cho chúng ta không? Chỉ hãy tự đặt mình vào trong tay của Đức Chúa Trời. Hãy cộng tác với Đấng Thiết Kế Bậc Thầy khi Ngài nắn đúc chúng ta ra giống theo ảnh tượng của Chúa Jêsus. Khi nói: “Lạy Chúa, con đây nầy. Xin khiến con ra giống theo hình thù mà Ngài mong muốn nơi con”.
            Hãy vững lòng. Đức Chúa Trời đang hành động trong đời sống của bạn. Ngài sẽ không dừng lại cho tới khi nào công việc đã được trọn.