Thứ Ba, 25 tháng 9, 2012

Galati 5:19-26: "Chúa Jêsus có sống ở Oak Park không?"



Chúa Jêsus có sống

Oak Park không?

Galati 5:19-26


            "Hãy làm cho xong những gì Ngài đã khởi sự, và xin ban cho con điều lòng con ao ước”, lời cầu nguyện của Anselm xứ Canterbury
            Tuần nầy, tôi có đọc quyển sách nặng ký do Donald L. Miller viết có đề tựa là Thành Phố Của Thế Kỷ. Tựa đề “Chicago và sự thành lập nước Mỹ” lần theo những ngày đầu sớm sủa của nó như một trạm buôn lông thú vắng khách cho tới sự nổi bật của nó là một thành phố cấp thế giới vào năm 1900. Một trong những chương cuối được gọi là “Nếu Đấng Christ Đến Với Chicago!” dựa theo một quyển sách với tựa đề đó được viết ra vào năm 1894 bởi William Stead. Đây là một ý niệm không tưởng của thế kỷ thứ 19, nhưng là một ý tưởng vẫn còn khuấy động sự tưởng tượng cho đến bây giờ.
            Sẽ ra sao nếu Chúa Jêsus đến với thành phố Chicago? Ngài sẽ làm gì chứ? Ngài sẽ nói gì đây? Chỉ đưa ra một câu hỏi thôi, nó sẽ đẻ ra hàng ngàn câu hỏi khác. Và lớp người trẻ hôm nay có đến hàng triệu người đã đưa ra câu hỏi qua những băng đeo tay với 4 chữ cái: WWJD (What would Jesus do?) [Chúa Jêsus sẽ làm gì đây?]
            Quan niệm về Chúa Jêsus đang bước đi trên đất hôm nay rất là ly kỳ và đầy sự kích thích. Tháng rồi, tôi đến thăm Đảo Word of Life ở Hồ Schroon, Nữu Ước. Khi tôi bước vào “Rock Dome” có tới hàng trăm thanh thiếu niên cổ vũ ở đó, tôi nhìn thấy một tấm biển gắn ở đó mà ai nấy đều nhìn xem nó: “Chúa Jêsus Đang Bước Đi Trên Hòn Đảo Nầy. Liệu bạn có gặp Ngài trong tuần lễ nầy chăng?” Thật đáng kinh ngạc khi nhìn thấy lời lẽ ấy gắn ở đó. Chúa Jêsus đã sống cách đây 2.000 năm và đã bước đi trên những con đường bụi bặm ở xứ Giuđê xưa. Có phải Ngài đang bước đi trên đất hôm nay?
            Có phải Chúa Jêsus đang sống ở Oak Park không? Mỗi lần tôi rao ra đề tựa bài giảng với hội chúng, ngay tức thì có một tiếng cười liền. Tôi tự hỏi, tiếng cười ấy có ý nghĩa gì chứ? Có phải chúng ta nghĩ Chúa Jêsus đến với Oak Park là điều rất khó chăng? Hay có phải chúng ta cho rằng dân sự của Oak Park sẽ không nghinh đón Ngài? Nếu chúng ta trả lời “no” ở đây, chúng ta sẽ nhớ rằng Ngài đã bị chối bỏ khi Ngài đến với trần gian cách đây 20 thế kỷ. Mặc dù xã hội đã tiến bộ rất lớn về tri thức và sự tinh tế, tấm lòng của con người đã chẳng có thay đổi chi hết.
            Phân đoạn Kinh thánh của chúng ta là cánh cửa sau cho thắc mắc mà tôi đã đưa ra. Ở Galati 5:19-26, chúng ta được mời phải xem xét hai phương thức sống khác nhau. Một phương thức được gọi là các “hành động của bản tánh tội lỗi” hoặc “công việc của xác thịt”. Phương thức ấy mô tả thể nào là cuộc sống không có Đức Chúa Trời!?! Hay nói theo cách khác, sống bởi xác thịt là điều đang xảy ra khi bạn quyết định bước theo đường lối riêng của mình trọn đời.
            Còn phương thức sống kia được gọi là “trái của Thánh Linh”. Phương thức ấy mô tả một cuộc sống đầy dẫy với quyền phép siêu nhiên và được cai quản bởi các đức tính chỉ có thể đến từ Đức Chúa Trời mà thôi.
            Chúng ta được mời ở trong phân đoạn Kinh thánh nầy phải xem xét phương thức mà chúng ta đang sinh sống. Chúng ta đang đi theo con đường nào? Xác thịt hay Thánh Linh? Sống hay chết? Quyền phép siêu nhiên hay liên tục chìu theo bản ngã? Như chúng ta sẽ thấy, sống bởi xác thịt là tự nhiên và thậm chí dễ dàng theo nhận định cho rằng chúng ta bị kéo theo chiều hướng đó. Nếu chúng ta muốn sống theo Thánh Linh, chúng ta có một số lựa chọn phải đưa ra, những sự chọn ấy chẳng dễ chịu chút nào. Và chúng ta phải đưa ra chúng mỗi ngày. Nhưng khi chúng ta chọn sống theo quyền phép của Thánh Linh, có một việc siêu nhiên đang xảy ra.
            Chúa Jêsus có sống nơi bạn đang sống không? Hãy giữ phần đọc Kinh thánh nhé. Câu trả lời nương vào bạn đấy.

I. Công Việc Của Xác Thịt (các câu 19-21).

            “Vả, các việc làm của xác thịt là rõ ràng lắm: ấy là gian dâm, ô uế, luông tuồng, thờ hình tượng, phù phép, thù oán, tranh đấu, ghen ghét, buồn giận, cãi lẫy, bất bình, bè đảng, ganh gổ, say sưa, mê ăn uống, cùng các sự khác giống như vậy. Tôi nói trước cho anh em, như tôi đã nói rồi: hễ ai phạm những việc thể ấy thì không được hưởng nước Đức Chúa Trời (Galati 5:19-21).
            Bảng danh mục nầy thật dài và gây nãn lòng  có một số ý đồ. Một sự tra xét kỹ càng cho thấy rằng những tội lỗi đa dạng dường như rơi vào bốn phạm trù. Thứ nhứt, có những tội lỗi về tình dục: gian dâm, ô uế, luông tuồng. Chữ đầu tiên đề cập đến bất kỳ hoạt động tình dục nào ở ngoài hôn nhân và kể cả tình dục tiền hôn nhân, đồng tính luyến ái, và tất cả các hình thức khiêu dâm. Ô uế nói tới tánh khao khát bên trong muốn thử các lãnh vực nầy. Đấy là những lãnh vực mà nhiều người sẽ làm nếu họ nghĩ họ không hề bị cuốn vào. Luông tuồng đôi khi được dịch là “dâm dục”. Từ nầy mô tả một thái độ trắng trợn nói rằng: “Tôi sẽ phô bày hành vi dục vọng của tôi cách công khai và tôi bất chấp ai nghĩ gì về việc đó”.
            Thứ hai, có những tội lỗi về mặt tôn giáo: thờ hình tượng và phù phép. Thờ hình tượng là một từ ngữ rộng đề cập tới bất cứ điều chi tốt đẹp trở nên quan trọng hơn Đức Chúa Trời. Nó đề cập tới thứ tình cảm quá mấu về tiền bạc hay của cải hoặc sự nghiệp hay thậm chí người nào trở nên quan trọng đối với bạn hơn Đức Chúa Trời. Phù phép dịch một từ Hylạp có liên quan tới chữ “pharmacy” [phòng bào chế] trong Anh ngữ. Từ nầy bao gồm lạm dụng ma túy, ma thuật, phù phép, gọi hồn, luân hồi, tà thuật, và nói chung những gì chúng ta gọi là Phong Trào Kỷ Nguyên Mới.
            Thứ ba, có thứ tội lỗi về mặt xã hội như thế nầy: thù oán, tranh đấu, ghen ghét, buồn giận, cãi lẫy, bất bình, bè đảng, ganh gổ. Thù oán mô tả một sự thù nghịch bóp méo mọi mối quan hệ của con người. Tranh đấu có nghĩa là bạn không đi cùng chiều được với người nào đó. Ghen ghét, ý nói bạn muốn những gì họ đang có. Buồn giận nghĩa là bạn không giữ được tánh khí của mình và rồi đưa ra lời cáo lỗi vì đã như thế. Bất bình mô tả một người muốn có nhiều hơn là mình đang có, không thấy thỏa lòng. Bè đảng nói tới người thích gây ra rắc rối. Bè đảng được dựng nên bởi những kẻ khéo gây rắc rối. Ganh gổ là một tội lỗi xấu xa, nó nói: “Tôi muốn thứ bạn có và tôi muốn bạn không có thứ ấy”. Khi các tội lỗi nầy xuất hiện, mối quan hệ của con người bị phá hỏng và tan vỡ.
            Thứ tư, có những tội lỗi quá độ: say sưa và mê ăn uống. Say sưa không những nói tới việc lạm dụng rượu chè, mà còn nói tới việc không thể kiểm soát được tính hủy diệt, thống trị của nó nơi đời sống  của một người. Mê ăn uống là một từ ngữ đôi khi được dịch bởi từ “chè chén vui chơi”. Bạn sẽ gọi từ ấy là “tiệc tùng liên miên”. Chắc chắn từ ngữ nầy áp dụng vào những thứ như bạn bè tiệc tùng, tiệc cuối tuần, tiệc tùng say sưa, tiệc tùng lúc ba mẹ không có ở nhà, tiệc tùng sau giờ làm việc, tiệc Năm Mới, và cứ thế. Đây là những buổi họp mặt có kết hợp với rượu, phô trương, làm giảm đi ức chế, và chắc chắn phi luân về tình dục nữa.
            Ở câu 21, Phaolô nói thêm cụm từ “cùng các sự khác giống như vậy”, cụm từ nầy có ý nói danh sách nầy là gợi ý, chưa đầy đủ. Có nhiều “việc làm xác thịt” khác nữa. Tuy nhiên, dầu bảng danh sách có dài đấy, các tội lỗi nầy là “hiển nhiên”. Sống bởi xác thịt luôn luôn tạo ra những kết quả xấu. Nếu bạn quyết định bỏ Đức Chúa Trời ra khỏi đời sống  của mình, bạn sẽ không thể tránh được mọi hậu quả. Điều chi có ở trong lòng tự nó sẽ tỏ ra trong đời sống của bạn (một là tốt hơn hay là tệ hại hơn) chẳng chóng thì chày. Mọi sự bị che kín một ngày kia sẽ lậu ra. Bạn không thể che giấu xác thịt ở dưới bức màn tôn giáo và đạo đức, nó sẽ chẳng bị che kín mãi được.
            Điểm quan trọng nhất cần phải lưu ý, ấy là các thứ tội lỗi nầy đánh dấu một đời sống chưa được tái sanh. Khi Phaolô nói rằng ai làm những việc thể nầy sẽ không hưởng được Nước của Đức Chúa Trời, ông đề cập tới không phải một hành động thôi đâu, mà là toàn bộ phương thức sống. Đến cuối cùng, bạn có thể có xác thịt hay bạn có thể có Nước của Đức Chúa Trời, song bạn không thể có cả hai được. Chúng là thứ loại trừ lẫn nhau. Hạng người tà dâm và giết người và thờ lạy hình tượng sẽ không được lên thiên đàng. Vì vậy, người nào có đời sống bị đánh dấu bằng thù hận và ganh ghét cũng sẽ không được lên đó. Trong khi sự thực cho thấy hết thảy chúng ta đều rơi vào các thứ tội lỗi nầy lúc nầy hay lúc khác, Cơ đốc nhân thực cảm thấy sức thuyết phục của Đức Thánh Linh và chắc chắn chúng ta một lần nữa xây lòng mình hướng về thiên đàng. Có một ý thức rất thực, trong đó việc loại trừ ra khỏi thiên đàng là trách nhiệm của con người. Họ sẽ không đến với Đức Chúa Trời vì họ yêu mến sức lôi kéo của xác thịt quá nhiều. Con người ưa thích sự tối tăm hơn sự sáng vì mọi việc làm của họ là xấu. Người nào đi địa ngục chính là những người đã chọn đi đến đó.
            Thiên đàng sẽ được hưởng bởi từng người nào có thiên đàng trong linh hồn họ. Người nào sống như địa ngục một ngày kia sẽ sống trong địa ngục.

II. Trái Thánh Linh (các câu 22-23).

            Nhưng trái của Thánh Linh, ấy là lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ: không có luật pháp nào cấm các sự đó (Galati 5:22-23).
            Nhưng còn có phương thức sống khác. Phaolô gọi phương thức ấy là “trái Thánh Linh”. Chín thứ ơn ở đây được liệt kê ra giống như một chùm nho vậy. Đây không phải là “thành quả” của Đức Thánh Linh mà đơn giản là “trái” của Thánh Linh. Khi Đức Thánh Linh được tự do tể trị trong tấm lòng của chúng ta, những thứ ơn nầy là kết quả siêu nhiên của công tác Ngài ở trong chúng ta.
            Theo truyền thống, phẩm chất chín bổn tánh nầy được chia ra thành 3 “bộ ba”. Thứ nhứt, có ba phẩm chất kết chúng ta hiệp với Đức Chúa Trời: yêu thương, vui mừng và bình an. Yêu thương nói tới loại tình cảm tỏ ra cùng người khác mà không nghĩ tới điều chi sẽ nhận lãnh trở lại. Vui mừng là lạc quan tin kính dầu đang ở trong hoàn cảnh đầy thử thách. Bình an  là sự thỏa lòng tin kính bất chấp mọi cảnh ngộ của chúng ta. Theo ý nghĩa sâu sắc nhất, các thứ ơn nầy đến từ Đức Chúa Trời và đưa chúng ta trở lại với Ngài.
            Bộ ba thứ nhì các phẩm chất chìa tay ra với những người ở chung quanh chúng ta: nhịn nhục, nhân từ và hiền lành. Nhịn nhục dược dịch rõ hơn bởi cụm từ truyền thống “nhẫn nại”. Nó nói tới sự nhịn nhục can đảm bền bĩ với thời gian trong các hoàn cảnh khó khăn. Nhân từ đề cập tới một tánh khí giàu ơn đối cùng tha nhân. Hiền lành là yêu thương trong hành động.
            Bộ ba thứ ba bao gồm ba phẩm chất mô tả bổn tánh bề trong của chúng ta: trung tín, mềm mại và tiết độ. Trung tín ý nói tới một việc như “đáng tin cậy”. Người nào với đức tính nầy luôn giữ lời nói, lời hứa, và lời thề của mình. Mềm mại thường được dịch là “nhu mì”, chữ nầy không có nghĩa là “yếu đuối” nhưng thay vì thế “sức mạnh của tôi đặt dưới quyền điều khiển của Đức Chúa Trời”. Đây là khả năng đáp ứng với sự tử tế khi bị khiêu khích, lúc bạn bị cám dỗ phải bung ra. Tiết độ là “mọi ước muốn của tôi đặt dưới sự kiểm soát của Đức Chúa Trời”. Đặc biệt nó nói tới những khoảnh khắc cám dỗ kia, khi chúng ta muốn đi đâu đó hay làm việc gì đó hoặc thử một việc hay nhìn vào một việc mà chúng ta biết là sẽ chẳng có gì tốt đẹp cho chúng ta. Tiết độ cũng nói tới thời điểm chúng ta phá vỡ một mối quan hệ mà chúng ta biết nó không dẫn chúng ta tới chỗ mà Đức Chúa Trời muốn chúng ta phải tới.
            Tôi thấy rất là nâng đỡ khi sánh mọi “việc làm” của xác thịt với “trái” của Thánh Linh. Rõ ràng, có một sự khác biệt rất lớn trong hai phạm trù — không những ở kết quả của chúng mà còn ở khởi đầu của chúng nữa. Trái ra từ sự sống và sự sống ra từ Đức Thánh Linh. “Trái” của Thánh Linh chỉ khả thi khi chúng ta cộng tác với Đức Thánh Linh, là Đấng đang ngự bên trong chúng ta. Nói theo cách khác, chúng ta tạo ra “việc làm của xác thịt” còn “trái Thánh Linh” được tạo ra trong chúng ta bởi Đức Thánh Linh khi chúng ta cộng tác từng ngày một với Ngài.
            Khi chúng ta xem xét hai phương thức sống nầy, sự xem xét ấy giúp nhớ lại rằng xác thịt tạo ra chỉ có tội lỗi; nó không thể tạo ra một đời sống được thay đổi. Nếu chúng ta muốn “trái Thánh Linh”, chúng ta có thể có trái ấy, song chúng ta phải gán cho Đức Chúa Trời về trái đó. Nghĩa là, chúng ta phải tìm kiếm nó, cầu xin để có nó, rồi đem thân thể mình phục theo Đức Chúa Trời để chúng ta có thể có nó. Khi còn lại chỉ có chính mình, chúng ta sẽ tạo ra “việc làm của xác thịt”. Chỉ khi Đức Chúa Trời mới bước vào đời sống chúng ta, chúng ta mới khám phá ra “trái của Thánh Linh”.

III. Ý muốn của Đức Chúa Trời cho cuộc sống hàng ngày (các câu 24-26).

            Phân đoạn Kinh thánh của chúng ta với ba câu đặt ở trước mặt chúng ta sự thách thức của việc chối bỏ xác thịt và sống theo quyền phép của Đức Thánh Linh. Sau khi tỏ ra cho chúng ta thấy hai phương thức sống, Phaolô giờ đây tỏ ra cho chúng ta thấy làm thế nào mỗi ngày chúng ta chọn lấy con đường đúng đắn. Lời khuyên của ông rất đơn sơ — nhưng không phải bước theo cách dễ dàng đâu. Nếu bạn muốn “trái Thánh Linh”, bạn có thể có trái ấy, nhưng trái ấy sẽ chẳng đến một cách rẻ rúng đâu.
A. Luôn đóng đinh xác thịt lên thập tự giá (câu 24).
            Vả, những kẻ thuộc về Đức Chúa Jêsus Christ đã đóng đinh xác thịt với tình dục và dâm dục mình trên thập tự giá rồi (Galati 5:24).
            Phần chú giải hay nhất mà tôi đã đọc về câu nầy là từ phần chú giải của Mục sư John Stott. Ông chỉ ra rằng câu nầy hoàn toàn khác với Galati 2:20. Trong câu ấy, Phaolô nói chúng ta đã bị đóng đinh vào thập tự giá với Đấng Christ. Nhưng ở Galati 5:24, chúng ta thực hiện việc đóng đinh lên cây thập tự. Những gì ông muốn nói là đây: Khi bạn đến với Đấng Christ, bạn nói với lòng mình: “Ta không muốn sống trong quyền lực của xác thịt nữa. Ta mệt mõi lắm về tội lỗi, thất bại, thỏa hiệp và sống cho bản thân mình. Ta sẽ không bước đi trên con đường tội lỗi nữa”. Bằng việc đến với Đấng Christ, về mặt biểu tượng bạn đã đóng đinh chính xác thịt mình lên thập tự giá của Đấng Christ. Bạn thực hiện một sự phá vỡ dứt khoát với chính các khuynh hướng tội lỗi của bạn rồi nói với xác thịt bạn: “Ngươi sẽ chẳng còn cai trị ta nữa! Từ giờ trở đi, Đấng Christ sẽ là Chủ của ta!” Đấy là những gì sự biến đổi muốn nói tới. Bạn cầm lấy cây búa rồi đóng đinh “tình dục và dâm dục” mình lên thập tự giá.
            Và phần nhiều người trong chúng ta đã nói: “Thế đấy”. Chúng ta tưởng chúng ta đã giải quyết xong với xác thịt. Song sự thể không tác động theo cách ấy đâu. Đóng đinh trên thập tự giá là một phương tiện chết chóc đã được vạch ra để cho người ta chết từ từ và đau đớn lắm. Đôi khi kẻ bị xét đoán bị treo trên cây thập tự nhiều ngày trước khi sau cùng gục chết. Cũng thực như thế với xác thịt của chúng ta. Mặc dầu chúng ta đã đóng đinh nó khi chúng ta đến với Đấng Christ, nó chưa hẳn chết đâu. Nan đề thực sự của chúng ta, ấy là khi xác thịt kêu nài với chúng ta, chúng ta muốn đi ngược về thập tự giá, nới lỏng mấy cây đinh, rồi bắt đầu đem xác thịt xuống khỏi thập tự giá.
            Chính xác đấy là những điều chúng ta không nên làm. Sau khi đã đóng đinh xác thịt lên thập tự giá, chúng ta phải đóng đinh nó vào thập tự giá chết chóc kia thật nhiều lần. Đây là một phần của những gì Chúa Jêsus muốn nói khi Ngài gọi các môn đồ Ngài phái vác lấy thập tự giá của họ để đi theo Ngài “mỗi ngày”. Chúng ta đã chết đối với tội lỗi và chúng ta phải chết đối với tội lỗi thật nhiều lần. Mục sư Martin Luther sánh xác thịt với bộ râu của một người. Điều chi xảy ra khi bạn cạo râu vào thứ Hai? Râu mọc lại vào thứ Ba. Nếu bạn cạo râu vào ngày thứ Ba, nó sẽ mọc lại vào ngày thứ Tư. Nếu bạn thôi không cạo râu nữa (trong một vài ngày), không bao lâu bạn sẽ thấy râu mọc khắp trên mặt của mình. Đóng đinh xác thịt trên thập tự giá thì giống như thực hiện việc cạo râu mỗi ngày vậy.
            Mục sư John Stott hoàn toàn thật hùng biện ở chỗ nầy. Nếu chúng ta chịu bước theo Đấng Christ, chúng ta phải tàn bạo với xác thịt của mình. Quá nhiều người trong chúng ta vuốt ve tội lỗi của mình và rồi lấy làm lạ tại sao chúng ta phải nhượng bộ. Chúng ta bào chữa cho xác thịt của chúng ta và tỏ ra kinh ngạc khi thấy xác thịt điều khiển lời nói và việc làm của chúng ta.
            Đừng nhát gừng nữa!
            Đừng bào chữa nữa!
            Đừng nuông chìu xác thịt của bạn nữa!
            Cần phải có một sự chối bỏ không thương xót  và thỏa hiệp chi hết đối với tội lỗi. Chúng ta tự mình bước đi là không dễ dàng. Đừng nắn nót móng tay nữa. Thay vì thế, từng ngày một bởi ân điển của Đức Chúa Trời, chúng ta phải cầm lấy cây búa đức tin và những mũi đinh tin quyết thực sự rồi đóng xác thịt mình lên cây thập tự chết chóc kia một lần nữa. Chúng ta đã tuyên chiến với tội lỗi; không còn có thì giờ để mà thương thuyết nữa.
B. Hãy bước đi theo Thánh Linh (câu 25).
            Nếu chúng ta nhờ Thánh Linh mà sống, thì cũng hãy bước theo Thánh Linh vậy (Galatians 5:25).
            Cụm từ “bước theo” là một thuật ngữ quân sự mô tả một người lính đang đứng trong hàng. Có nhiều người lính khác đứng trước, sau, trái, phải của anh ta. Đôi mắt của anh ta phải ngó thẳng tới trước về phía sĩ quan chỉ huy mình. Khi lịnh di chuyển được ban ra, anh ta bước tới trước cùng lúc với những người đồng đội của mình, theo lịnh lạc của chỉ huy mình. Bất cứ đâu viên chỉ huy anh ta đi, anh ta sẽ bước theo đó. Anh ta không cần phải hiểu, anh ta chỉ tuân lịnh mà thôi. Và khi viên chỉ huy hét lên: “Đàng sau, bước!” anh ta đổi hướng rồi đi theo hướng ngược lại.
            Để trở thành một người lính giỏi, bạn không nên tụt hậu ở đàng sau và bạn không phải tiến tới phía trước. Bạn “bước theo” khi bạn đi theo cấp chỉ huy mình bất cứ đâu anh ta đi. Đây là hình ảnh thật tuyệt vời nói tới đời sống Cơ đốc. Chúng ta không được kêu gọi để hiểu rõ mọi sự mà Quan Tướng Đạo Binh Cứu Rỗi sẽ lo liệu cho chúng ta. Chúng ta không cần phải biết hết từng chi tiết trong Kế Hoạch Hành Quân và chúng ta không cần phải biết rõ chúng ta sẽ đi đâu vào ngày mai. Bổn phận duy nhứt của chúng ta là nhảy ra khỏi gường, quì gối xuống, rồi thưa với Chúa của các đạo binh rằng chúng ta đang báo cáo nhiệm vụ. Khi ấy, chúng ta chỉ bước theo từng bước cả ngày bất cứ đâu Ngài dẫn dắt. Một số ngày sẽ điều quân qua đồng cỏ xanh tươi dưới bầu trời xanh lơ với nhiều lần dừng quân để uống nước và nghỉ ngơi. Nhiều ngày khác chúng ta sẽ ra quân dưới bầu trời đầy mây qua những trũng sâu mà chẳng có được một phút nghỉ ngơi. Và có khi sự kêu gọi sẽ đến để mạo hiểm vào bóng tối tăm, ở đó chúng ta phải tin cậy Chúa chúng ta đưa chúng ta an toàn ra chỗ sáng láng một lần nữa.
            Từng ngày một, từng bước một, chúng ta luôn luôn nhìn, nghe, quan sát để thấy nơi mà Chúa đang dẫn dắt chúng ta tới. Khi tôi nghiên cứu câu nầy, lời lẽ của một bài thánh ca xưa thoạt đến trong trí:
            Lạy Chúa, dịu dàng thay chúng con nghe thấy tiếng kêu gọi của Ngài: “Hãy đến mà theo Ta!”
            Chúng con nhìn thấy dấu chơn Ngài đang dẫn dắt chúng con.
            Dấu chơn của Chúa Jêsus, làm cho con đường ra sáng sủa;
            Chúng con sẽ noi theo dấu chơn dẫn dắt của Chúa Jêsus.
            Dầu chúng dẫn qua núi non giá lạnh, tối tăm, tìm kiếm bầy chiên của Ngài;
            Hay dọc theo dòng duối Silôam, giúp đỡ cho kẻ yếu đuối.
            Dấu chơn của Chúa Jêsus, làm cho con đường ra sáng sủa;
            Chúng con sẽ bước theo dấu chơn của Chúa Jêsus bất cứ đâu chúng dẫn dắt.
            Sau cùng, Ngài gặp gỡ chúng ta khi con đường dẫn lên cao,
            Chúng con sẽ yên nghỉ nơi các dấu chơn kia kết thúc ở ngôi của Ngài.
            Dấu chơn của Chúa Jêsus, làm cho con đường ra sáng sủa;
            Chúng con sẽ bước theo dấu chơn của Chúa Jêsus bất cứ đâu chúng dẫn dắt.
            Ngày kia, có người đang trò chuyện với người bạn thì có một khách lạ đi ngang qua họ. “Người ấy ở trong quân đội” anh ta nói: “Tôi biết là người lính do cách bước đi của người ấy”. Thế gian cần phải nhìn biết rằng chúng ta đang ở trong quân đội của Chúa bởi phương thức của chúng ta bước đi. Nếu người ta bị sốc khi khám phá ra lúc tang lễ bạn là một Cơ đốc nhân, khi ấy bạn đã bước theo cấp lãnh đạo không đúng rồi.
C. Giữ tấm lòng bạn sao cho ngay thẳng đối cùng tha nhân (câu 26).
            Chớ tìm kiếm danh vọng giả dối mà trêu chọc nhau và ghen ghét nhau (Galati 5:26).
            Câu cuối cùng nhắc cho chúng ta nhớ chúng ta mau mắn rơi vào trò chơi so sánh là dường nào. Nếu bạn muốn bước theo Thánh Linh, sống theo Thánh Linh và có trái Thánh Linh, hãy giữ mắt nhìn xem Chúa Jêsus, đừng nhìn vào người ta bên trái hay bên phải của bạn. Chỉ nhìn xem Cứu Chúa và mọi sự sẽ đều suông sẻ hết. Nếu bạn nhìn vào bạn hữu mình (trêu chọc, ghen ghét nhau), khi ấy bạn không còn nhìn xem Chúa Jêsus nữa. Và nếu bạn nhìn chăm chăm nơi Chúa, thế thì bạn sẽ không có thì giờ để lo lắng về ai khác. Hãy giữ mắt bạn nhìn xem Chúa Jêsus. Đấy là việc chủ yếu.
            Khi chúng ta đến với phần kết của sứ điệp, tôi quả quyết với tư tưởng rằng “trái Thánh Linh” đang sẵn có cho hết thảy chúng ta. Không một ai cần bước đi trên con đường của xác thịt. Hết thảy chúng ta đều có một sự lựa chọn phải đưa ra và chúng ta phải đưa nó ra mỗi ngày. Và phần lớn chúng ta đều phải đưa ra sự lựa chọn ấy cả trăm lần trong một ngày. Liệu chúng ta sẽ bước đi trên con đường của xác thịt, chìu theo những ham muốn của chúng ta rồi tạo ra “việc làm xấu của xác thịt” mà Phaolô nhắc tới trong phân đoạn Kinh thánh nầy không? Hay chúng ta sẽ bước theo Thánh Linh và đồng bước đi với Đức Thánh Linh, bước theo sự dẫn dắt của Ngài từng phút một, để cho Ngài tạo ra “trái” của Ngài trong chúng ta?
            Tôi bắt đầu bài giảng nầy bằng cách hỏi: Chúa Jêsus có sống ở Oak Park không? Tôi nghĩ tôi nên mở rộng câu hỏi khi hỏi: Chúa Jêsus có sống ở Chicago không? Ở Công Viên Elmwood không? Ở Cicero không? Ở Berwyn không? Ở Park Ridge không? Ở Elmhurst không? Ở Wheaton không? Ở Harvey không? Ở Orland Park không?
            Bạn là người duy nhứt từng đọc Kinh thánh.
            Bạn là người duy nhứt từng nhìn biết Chúa Jêsus.
            Có phải Chúa Jêsus sống nơi bạn đang sinh sống không? Câu trả lời thực sự là, tùy vào bạn đấy.
            Lạy Chúa Jêsus, xin tha thứ cho chúng con vì đã xem nhẹ đặc ân giới thiệu Ngài cho thế gian. Vì quá lâu rồi, chúng con đã sống với một chân trong thế gian và một chân trong Hội thánh. Xin giúp chúng con biết sống để không một ai có thể hồ nghi lòng trung thành của chúng con. Nguyện sự làm chứng của chúng con rõ ràng đến nỗi mọi người đều thấy rõ rằng chúng con đang bước theo Ngài. Nguyện những ai quan sát chúng con đều nhìn thấy Chúa Jêsus đang ở trong chúng con. Amen.


Thứ Ba, 4 tháng 9, 2012

Luca 17:11-19: "Còn Chín Người Kia Ở Đâu?"



Còn Chín Người Kia Ở Đâu?

 Luca 17:11-19

            Đúng là một cống hiến cho y khoa hiện đại khi phần lớn chúng ta đều biết rất ít về căn bịnh được gọi là bịnh phung. Hầu hết chúng ta đều chưa hề nhìn thấy một người phung. Chúng ta chỉ biết những gì chúng ta đọc trong Kinh thánh mà thôi.
            Nếu chúng ta sống trong thời buổi đó, chúng ta sẽ biết được nhiều hơn. Trong các thời kỳ Kinh thánh, đấy chính là căn bịnh gây lo sợ nhiều nhất trong thế gian. Căn bịnh ấy gây chết chóc, không thể chữa được và vô vọng. Vì vậy, nhiều người thời xưa đã e sợ nó đến nỗi bất kỳ ai bị nghi nhiễm căn bịnh nầy sẽ bị trục xuất ra khỏi xã hội ngay. Trong các tác phẩm của hàng rabi, chúng ta thấy những phương cứu chữa cho nhiều loại căn bịnh khác nhau. Song chẳng có chép gì về bịnh phung. Các rabi nói rằng chữa trị bịnh phung giống như làm cho kẻ chết sống lại vậy. 

I. Căn bịnh đáng ghê tởm

            Ngày nay, bịnh phung được gọi là Bịnh Hansen, sau khi  vị Bác sĩ người Na-uy vào năm 1873 đã khám phá ra vi khuẫn gây bệnh. Chắc chắn là có vài loại bịnh phung, và chúng ta ngày nay biết rõ Kinh thánh dịch “phung” chắc chắn bao gồm một loạt bịnh về da, đó là lý do tại sao một số bản dịch hiện đại sử dụng một cụm từ đại loại như “bịnh lồi da”.
            Loại phung tệ hại nhất có khuôn mẫu chung chung như sau:
+ Thứ nhứt, một mảng da bị đổi màu. Có thể xảy ra ở chân mày, mũi, tai, gò má hay cằm.
+ Thứ hai, mảng da nầy chuyển thành màu trắng hay màu hồng và bắt đầu lan rộng theo các hướng thật nhanh chóng.
+ Thứ ba, căn bịnh lan sang các bộ phận nội tạng khác. Chân mày có thể biến mất và nhiều khối u mềm xuất hiện trên cơ thể.
+ Thứ tư, mô bắt đầu tan rã khiến cho tay chơn trở nên biến dạng.
+ Thứ năm, các dây thần kinh của cơ thể bị tiêu hủy. Đây là chặng nguy kịch của bịnh phung vì như thế có nghĩa là bịnh nhân sẽ mất đi cảm xúc đau đớn. Vì thế, một con chuột đến nhai mất một ngón tay lúc ban đêm và người bịnh không hề hay biết. Hoặc họ sẽ chạm vào ngọn lửa mà chẳng thấy đau đớn chi cả.
            Người thời xưa e sợ căn bệnh ấy vì nó tạo ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, vì nó lan nhiễm, và vì con người không thể chữa trị được căn bịnh ấy.

Hãy coi chừng tóc trắng

            Vì mọi lý do đó, Lêvi ký 13-14 cung ứng những phần dạy dỗ đặc biệt về sự chẫn đoán và trị liệu cho bịnh phung. Về mặt cơ bản, ở đây nói rằng bất kỳ chỗ sưng tấy nào hay nhiễm trùng da phải được thầy tế lễ khán ngay lập tức. Ông phải tra xét chỗ sưng, da ở chung quanh và màu tóc trong khu vực bị nhiễm. Tóc trắng bị coi là một dấu hiệu nguy hiểm. Người bị nhiễm sẽ bị cách ly trong 7 ngày. Vào ngày cuối của 7 ngày đó, nếu không còn sự lây nhiễm nữa, người ấy sẽ được xã hội tái công nhận. Nếu không, thì người bịnh được chẫn đoán đang mắc bịnh phung, bị trục xuất ra khỏi xã hội trong thời gian người bị nhiễm. Đây là cách Lêvi ký 13:45-46 đặt ra vấn đề:
            Vả, người đã bị vít phung rồi phải xé quần áo, đầu trần, che râu lại la rằng: Ô-uế! Ô-uế! Trọn lúc nào người có vít, thì sẽ bị ô uế, phải ở một mình ngoài trại quân.
            Alfred Edersheim giải thích sự trục xuất có ý nghĩa như thế nầy đối với người phung:
            Khi người phung đi ngang qua, xé áo quần mình, đầu để trần và phần thấp nhất của khuôn mặt và môi trên phải được che lại, giống như một người sắp chết lo báo lễ tang của chính mình. Lời lẽ than khóc: “Ô uế, ô uế” mà người thốt ra, công bố rằng ô uế đối với cả chết và sống về mặt đạo đức (The Life and Times of Jesus the Messiah).
            Với mọi chi tiết đó, chúng ta đến với câu nói ở Luca 17:11-12 rằng khi Chúa Jêsus đang đến gần đường biên giới của xứ Samaria và Galilê, Ngài đã gặp một nhóm người phung. Kinh thánh chép rằng Ngài đang lên thành Jerusalem trong lần cuối cùng. Cái chết đang ở trong tâm trí của Ngài. Chúng ta không biết chính xác cuộc gặp gỡ nầy diễn ra ở đâu. Bạn không thể tìm gặp thị trấn nhỏ nầy trên tấm bản đồ. Đây là một thị trấn đâu đó ở phía Nam thành Naxarét và thành Nain và Núi Thabô và đâu đó phía bắc Sikha. Chúa Jêsus cùng các môn đồ Ngài đang đi về phía Đông sông Giôđanh và khu vực xứ Bêrê. Nếu bạn đã viếng qua Đất Thánh, bạn biết rõ ngày nay khu vực ấy không có thành thị lớn đâu. Đây là một khu vực vắng vẻ, đặc biệt là nơi bạn mong muốn gặp được cộng đồng người phung.
            Chẳng có gì phải ngạc nhiên khi Chúa Jêsus gặp những con người bất hạnh nầy giữa xứ Galilê và xứ Samari. Galilê là căn cứ địa quê nhà của Chúa Jêsus. Ngài lớn lên ở đó. Ngài có gia đình và nhiều bạn hữu thời niên thiếu ở đó. Ngài lập trụ sở tại thành Cabênaum trên bờ biển Galilê. Phần lớn các phép lạ và nhiều sự dạy dỗ của Ngài đã được làm ra ở xứ  Galilê. Đây là vùng đất mà Ngài rất được lòng người nhất.
            Nhưng thành Samari là một vấn đề khác. Những người Do thái nhơn đức đã lẫn tránh thành Samari nếu họ có thể. Câu chuyện đi ngược về mấy trăm năm đến cuộc Phu Tù cho người Asiri bắt đầu vào năm 722TC. Một số người Do thái đã kết hôn  chéo với người Asiri và đã trở thành – trong con mắt của đồng bào họ – lai giống và phản bội. Trải qua nhiều thế kỷ, người Samari đã trở thành một dân tạp với một tôn giáo bị pha trộn.
            Người Do thái ghét người Samari, và người Samari đã đáp lại y như thế.

II. Một phép lạ sâu sắc

            Và chính ở đây, ngay đường biên giới giữa xứ Galilê và xứ Samari, ở giữa tinh thần thù nghịch của người Do thái và người Samari, Chúa Jêsus gặp gỡ 10 người phung. Họ có thể đi đâu khác được nữa chứ? Người Do thái không ưa họ; người Samari cũng thế.
            Các câu 12-13 cung ứng cho chúng ta nghe như là một bằng chứng theo kiểu mắt thấy vậy:
            Nhằm khi vào làng kia, có mười người phung đến đón rước Ngài, đứng đằng xa,  lên tiếng rằng: Lạy Jêsus, lạy Thầy, xin thương xót chúng tôi cùng!
            Đây là khu vực sinh sống của người phung hợp với số phận không may thường nhật của họ. Bản sắc duy nhứt của họ khi cùng chung sống với nhau là căn bệnh trầm kha đã xua đuổi họ ra sống ngoài vòng xã hội. Từng chi tiết đều là sự thực cả. Khi Chúa Jêsus vào trong làng, những người nầy đứng xa xa kêu la xin Ngài thương xót  cùng. Làm sao họ nhận biết Ngài là ai chứ? Không nghi ngờ chi nữa, họ đã nghe nhiều tiếng đồn đại trên khắp vùng nông thôn trơ trụi ấy — "Người nầy có thể chữa lành cho người phung”. Chắc chắn là họ đã bàn bạc sự ấy và rồi dự tính cứ như thế. Ngay cả nếu Ngài có thể làm một việc như vậy, biết đâu đấy lại là những cơ hội khi Ngài đến với ngôi làng của họ?
            Nhưng giờ đây lời đồn cứ lan đi — "Ngài đang có mặt ở đây” “Ai đang ở đây chứ?” “Chúa Jêsus người Naxarét” “Tôi không tin việc đó” “Thật đấy. Ngài đang có mặt ở đây” “Ông có nghĩ là Ngài sẽ chữa lành cho chúng ta không?” “Tôi không biết. Chúng ta hãy chờ coi”.
            Họ còn đứng đó, ca đoàn rách rưới nhất trong xứ Israel, 10 người phung đang kêu gào xin Chúa Jêsus thương xót  cho. Không một âm thanh nào đáng thương hơn đã lọt vào hai lỗ tai của Chúa chúng ta. “Xin thương xót  chúng tôi cùng. Xin thương xót  chúng tôi cùng”, tiếng kêu gào ấy đã toát ra từ những môi miệng đã nhìn thấy quá ít sự thương xót và quá nhiều sự xét đoán.

Khi họ đang đi, họ được chữa lành

            Chúa Jêsus sẽ làm gì chứ? Liệu Ngài có chữa lành cho họ ngay khi ấy và ở đó chăng? Sự ấy chắc chắn nằm trong quyền phép của Ngài và nhất định đấy là điều mà mấy người phung đã trông mong. Thay vì thế, Chúa Jêsus đã phán một câu mà thoạt nghe rất ngạc nhiên đối với chúng ta.
            Khi Ngài nhìn thấy họ, Ngài phán cùng họ: Hãy đi, tỏ mình cùng thầy tế lễ (14). Ở cái nhìn đầu tiên, bạn sẽ nghĩ rằng Chúa Jêsus thiệt đang xua họ đi. Thậm chí bạn có thể kết luận rằng Ngài chẳng có dự tính chữa lành cho họ chi hết. Và nếu bạn đã đến với phần kết luận đó, bạn sẽ suy ra rằng Chúa Jêsus có ý định gây ấn tượng trên họ so với tình trạng vô vọng trong hoàn cảnh của họ. Song mọi luận suy ấy đều không chính xác. Thực ra, Chúa Jêsus đã dự tính chữa lành cho họ và (điều nầy rất quan trọng) Ngài đã dự tính làm việc ấy trong sự tuân giữ mọi đòi hỏi của luật pháp Môise. Lêvi ký 14 nói rõ rằng thầy tế lễ phải xác định bất kỳ sự “lành” nào từ bịnh phung. ("Lành” ở trong dấu ngoặc kép vì trong thực tế chẳng có ai từng được “lành” về chứng bịnh phung. Sau nhiều năm trời (15-20 năm trong phần lớn các trường hợp) sự lan nhiễm đã không còn nữa và người bệnh — đang mang dấu ấn tàn phá của căn bịnh — sẽ tái hòa nhập lại với xã hội). Nếu Chúa Jêsus không bảo mấy người phung đến khán ở thầy tế lễ, không một người nào sẽ dám tin nơi phép lạ thực sự đã xảy ra.
            Song đấy chẳng phải là toàn bộ câu chuyện. Phần sau cùng của câu 14 chép rằng Họ đang đi thì phung lành hết thảy”. Họ đã được chữa lành khi họ ra đi. Không phải trước khi đi đâu. Không phải sau khi nữa. Nói như thế có nghĩa là khi họ rời đi để đến gặp thầy tế lễ, họ vẫn còn chứng bịnh phung.
            Bạn nghĩ họ cảm nhận thế nào khi Chúa Jêsus phán: Hãy đi, tỏ mình cùng thầy tế lễ?” Đi tỏ cái gì cho thầy tế lễ chứ? Họ vẫn còn là những người phung. Họ chẳng có cái gì để tỏ ra rằng thầy tế lễ sẽ muốn nhìn thấy. Thực vậy, việc sau cùng thầy tế lễ mong muốn thấy là 10 người phung bốc mùi, te tua, biến dạng, khốn khổ. Tôi tự hỏi không biết có ai nói: “Bận tâm mà chi chứ?” Rốt lại: “Từng bị phung, luôn luôn là người phung”. Đã có nhiều vết loét khắp chỗ, hai cánh tay và mấy ngón tay biến dạng do bị sinh vật gậm nhấm. Bạn có thể ngửi thấy người bịnh cách ¼ dặm đường.
            Họ cứ đi, cứ hồ nghi, tốp người đau khổ lộn xộn nầy cứ đi đến gặp thầy tế lễ.
            Họ bước một bước … và họ vẫn còn là những người phung.
            Họ bước hai bước … và chẳng có việc gì xảy ra.
            Họ bước bước thứ ba … và bịnh phung bám chặt lấy tứ chi của họ.
            Nhưng ở bước thứ tư … có việc gì đó kỳ diệu, việc gì đó khó tin, việc gì đó mà họ từng dám mơ ước, đã xảy ra. Với bước thứ tư ấy, họ đã được chữa lành.
            Ngay lập tức. Thật lạ lùng. Hết thảy 10 người ngay tức khắc.

Sự rủa sả của tôn giáo thụ động

            Họ đã được lành khi họ chịu bước đi. Không phải trước. Không phải sau. Mà trong hành động bước đi, họ đã được chữa lành. Tại sao chứ? Vì hành động bước đi chính là hành động của đức tin. Họ cảm nhận ra sao thì không phải là vấn đề. Đức Chúa Trời đã tôn cao việc bước đi của họ bất chấp mọi hồ nghi của họ.
            Điều đó đưa chúng ta đến với một sự hiểu biết sâu sắc hơn. Đức tin của chúng ta dời núi khi đức tin cảm động chúng ta. Khi Chúa Jêsus phán: “Hãy đi tỏ mình cùng thầy tế lễ” thực sự Ngài đang phán: “Hãy hành động giống như thể các ngươi đã được chữa lành rồi vậy”. Đúng là một lời khuyên long trọng đấy. Có nhiều lần chúng ta cầu nguyện, rồi cầu nguyện mà chẳng có một việc gì dường xảy ra. Nhưng khi đức tin chúng ta – dù nó có thể lay động – sau cùng cảm động chúng ta phải hành động, Đức Chúa Trời tôn cao đức tin ấy và câu trả lời bắt đầu tới đến. Tại sao chứ? Vì đức tin là tin theo cộng với sự vô tín rồi hành động theo phần tin tưởng.
            Có nhiều người trong chúng ta bị bẫy bởi sự rủa sả của tôn giáo thụ động. Bạn biết đấy là gì rồi, có phải không? Đó là quan điểm cho rằng nói tin cậy Đức Chúa Trời có nghĩa là để cho Ngài làm hết mọi sự. Vì vậy chúng ta cầu nguyện: “Lạy Chúa, con cần tiền bạc”, nhưng chúng ta từ chối không chịu bước ra rồi tìm kiếm một việc làm. Chúng ta cầu xin: “Lạy Chúa, xin giúp con giảm cân” nhưng chúng ta từ chối không chịu tập luyện. Tôn giáo thụ động sử dụng Đức Chúa Trời như một lời cáo lỗi chẳng làm một việc gì hết.
            Hãy nghe đây, nếu tên của bạn là Nôê và Đức Chúa Trời bảo bạn trời sắp mưa, thì cầu xin cho có một chiếc tàu là đúng khi bạn cầu nguyện, song hãy đi ra rồi đốn một số gỗ gôphe đi.
            Nếu tên của bạn là David, và bạn thấy mình đang ở trong trũng đối diện với Gôliát, thì cầu nguyện xin chiến thắng là đúng, nhưng khi bạn cầu nguyện, hãy nhặt lên mấy hòn đá, tra chúng vào cái trành rồi nhắm ngay vào cái trán của Gôliát.
            Tin tưởng nơi Đức Chúa Trời không tương xứng với chỗ không làm gì hết. Hãy nhớ, mười người phung đã được chữa lành khi họ bước đi. Đức tin của chúng ta dời núi khi đức tin cảm động chúng ta bước đi.

III. Một mặc khải gây sốc

            Vậy, mười người phung đã được chữa lành. Đây là một phép lạ kỳ diệu, nhưng đấy chưa phải là phần cuối cùng của câu chuyện. Thực vậy, thậm chí đấy chưa phải là trọng tâm của câu chuyện nữa là. Phép lạ khác sắp sửa xảy ra.
            “Có một người trong bọn họ thấy mình đã được sạch, bèn trở lại, lớn tiếng khen ngợi Đức Chúa Trời; lại đến sấp mặt xuống đất, nơi chân Đức Chúa Jêsus, mà tạ ơn Ngài. Vả, người đó là người Sa-ma-ri (15-16).
            Bạn biết rõ câu chuyện rồi. Mười người đã được lành và chỉ có một người quay trở lại để dâng lên lời cảm tạ. Luca nói người nầy sấp mặt xuống đất trước mặt Chúa. Ông ta có cái điều mà các anh chị em thuộc hệ phái Ngũ Tuần gọi là “Shouting Session”. Và tại sao không chứ? Ông ta đã được chữa lành bịnh phung. Trong hai mươi năm, người là kẻ phung sinh sống trong một nơi thuộc vùng sâu vùng xa như thế nầy, bị cách ly đối với gia đình, bị bạn bè quên lãng, bị cắt đứt đối với chính dân tộc mình. Thình lình, căn bịnh biến mất và tứ chi bị vặn cong, mấy ngón tay xoắn lại, cơ bắp bị teo hết cũng biến mất theo với nó. Trong một thời gian ngắn có cần để kể lại một mẫu chuyện, chứng bịnh và mọi triệu chứng xấu xí bẩn thỉu của nó đã bị dời ra khỏi thân thể của ông ta, chẳng để lại một dấu vết nào ở đàng sau chúng. Ông ta giơ cao hai cánh tay mình lên phía trên đầu rồi nhặt lên một hòn đá xem coi ông ta sẽ ném nó đi được bao xa. Ông ta bắt đầu bước đi và rồi chạy và sau cùng nhảy tung lên trên khoảng không kia.
            Ông ta đã được lành trở lại rồi. Khỏe mạnh lại rồi. Sạch sẽ lại rồi. Không còn là kẻ bị ruồng bỏ nữa.
            Ông ta gào to lên, chẳng có gì phải kinh ngạc hết. Tôi cũng sẽ la lên nữa đấy.
            Khi Luca nói thêm: Vả, người đó là người Sa-ma-ri, cú sốc có ngay. Chúng ta có thể đọc câu ấy theo cách nầy: “Hãy suy nghĩ một chút xem. Một người Samari”.
            Hãy nhớ, Chúa Jêsus là người Do thái và người Do thái nghĩ người Samari là những kẻ phản bội, dân tạp. Để làm cho vấn đề ra tệ hại hơn, người ấy là một người phung Samari. Đối với người Do thái, không nên nhìn vào một sự kết hợp gớm ghiếc. Ông ta xuất thân từ một dòng giống sai trật, ông ta có thứ tôn giáo không đúng, và ông ta mắc phải một chứng bịnh tệ hại nhất khả thi. Trong các vấn đề tôn giáo, người Samari nầy hầu như chẳng biết gì hết và thứ ông ta biết đều là sai trật cả đấy thôi! Nhưng ông ta đã nhìn biết Chúa Jêsus chữa lành cho ông ta và ông ta vốn biết đủ để dâng lời cảm tạ Đức Chúa Trời. Câu nói ấy là lý do cho thấy tại sao câu chuyện nầy lại hiện hữu trong Kinh thánh.
            Cho phép tôi đi một bước xa hơn. Luca không nói một cách trực tiếp như thế, nhưng tôi nghĩ ông ám chỉ rằng chín người kia đều là người Do thái. Nếu đấy là thực, thế thì cái điều câu chuyện nầy thực sự muốn nói tới, ấy là những kẻ đáng phải biết ơn nhất đều không tỏ ra sự ấy. Và người duy nhứt lẽ ra không quay trở lại thì đã quay trở lại.
            Toàn bộ câu chuyện nầy phác họa cuộc sống như nó vốn có thực vậy. Thứ nhứt, đây là bức tranh nói tới ân điển dư dật của Đức Chúa Trời. Đây là một sự chữa bệnh với quy mô lớn – cả một bịnh viện được chữa lành với chỉ một lời nói. Mười người một lúc. Đây là một phép lạ lớn lao. Thứ hai, đây là hình ảnh nói tới sự vô ơn đang thịnh hành. Chín trong 10 người có lẽ sẽ quên từng phước hạnh mà họ từng nhận lãnh. Thứ ba, đây là hình ảnh nói tới ân điển không  ai ngờ. Tấm lòng biết ơn thường nhảy nhót ở chỗ mà bạn ít ngờ tới.

IV. Một thắc mắc rất thấm thía

            Giờ đây, chúng ta khám phá ra Chúa Jêsus đã nói gì về mọi sự nầy:
            “Đức Chúa Jêsus bèn cất tiếng phán rằng: Không phải mười người đều được sạch cả sao? Còn chín người kia ở đâu? Chỉ có người ngoại quốc nầy trở lại ngợi khen Đức Chúa Trời ư! Ngài lại phán rằng: Đứng dậy đi; đức tin ngươi đã cứu ngươi (17-19).
            Chúa Jêsus đưa ra ba câu hỏi.
1. Không phải mười người đều được sạch cả sao? Phải.
2. Còn chín người kia ở đâu?? Đi mất rồi.
3. Chỉ có người ngoại quốc nầy trở lại ngợi khen Đức Chúa Trời ư? Không ai hết.
            Nếu bạn nghe cho kỹ, bạn có thể nghe thấy nổi kinh ngạc, sốc và hầu hết đều là buồn rầu. Chúa Jêsus muốn biết về mấy người kia. Họ ở đâu chứ? Bộ họ không được lành sao? Tại sao họ không quay trở lại rồi nói “Cảm ơn Ngài" chứ?
            Đây là một thắc mắc rất hay. Tại sao họ không quay trở lại?
            + Có lẽ họ đang trong cơn vội vã đến gặp thầy tế lễ.
            + Có lẽ họ nghĩ Chúa Jêsus đã đi nơi khác rồi.
            + Có lẽ họ nghĩ Chúa Jêsus vốn biết họ rất biết ơn rồi.
            + Có lẽ họ quá bận rộn.
            Vậy, giờ đây họ ở đâu chứ?
            Bỏ đi với các ơn phước của họ.
            Bỏ đi để gặp thầy tế lễ.
            Bỏ đi để gặp gỡ gia đình của họ.
            Bỏ đi với chẳng một lời cảm tạ Chúa Jêsus.
            Đây là một sự thực đáng kinh ngạc. Bạn nhìn vào 10 người phung nầy và họ rất giống nhau.
            + Hết thảy đều mắc bịnh phung.
            + Hết thảy đều là hạng người bị xã hội ruồng bỏ.
            + Hết thảy đều quyết định làm một việc gì đó về sự ấy.
            + Hết thảy đều nghe nói về Chúa Jêsus và tin Ngài có thể cứu họ.
            + Hết thảy đều kêu nài nơi Ngài.
            + Hết thảy đều vâng theo Lời của Ngài.
            + Hết thảy đều được chữa lành.
            Ở bề ngoài họ giống nhau. Tuy nhiên, có một sự khác biệt.
            Một người quay trở lại. Chín người kia tiếp tục đi.
            Một người tỏ lòng biết ơn. Chín người kia thì không.
            Một người tìm được ơn tha thứ. Chín người kia thì không.
            Một người nhận được hai phép lạ. Chín người kia nhận được một phép lạ.
            Hết thảy mười người đều được chữa lành. Đấy là một phép lạ. Nhưng người Samari đã được chữa lành và được tha thứ. Đó là hai phép lạ. Và đấy là điều Chúa Jêsus muốn nói khi Ngài phán: “Đức tin ngươi đã cứu ngươi”.

Giống như con trẻ tại bàn tiệc

            Thắc mắc còn lại: Còn chín người kia ở đâu? Câu trả lời là, họ đã nhận được điều họ mong muốn và đã bỏ đi rồi. Chúa Jêsus đã làm một phép lạ cực kỳ cho họ và họ nói: “Cảm ơn Chúa, tôi có thể nhận được phép lạ ấy từ đây”. Họ sống giống như trẻ con ăn cho no bụng rồi chạy đi khỏi bàn ăn mà chẳng có một lời cảm ơn. “Chúng ta no rồi. Chúng ta hãy ra ngoài kia chơi đi”. Tôi nghĩ đây là tội lỗi đặc biệt của hạng người lớn lên trong nhà thờ. Chúng ta chẳng nhạy cảm gì nhiều đối với những gì Đức Chúa Trời đã làm cho chúng ta. Thường thì chúng ta không yêu mến Chúa nhiều hay cảm thấy biết ơn vì các ơn phước của Ngài.
            Chúng ta sẽ nói điều đó trong hai cách khác nhau:
1. Biết ơn là nghĩa vụ cao nhất và là phẩm hạnh tối thượng của người tin Chúa, là dòng suối từ đó mọi ơn phước khác tuôn tràn ra.
2. Vô ơn là căn bịnh phung của linh hồn. Sự vô ơn gậm nhấm từ bên trong, hủy diệt hạnh phúc của chúng ta, làm què quặt sự vui mừng của chúng ta, làm cho lòng thương xót của chúng ta bị teo đi, làm tê đi sự ngợi khen của chúng ta và làm cho chúng ta liệt đi trước mọi ơn phước của Đức Chúa Trời.

Tony Snow

            Nhiều người trong chúng ta đã xúc động bởi các tin tức cho biết chứng ung thư ruột kết của Tony Snow đã quay trở lại. Viết về sự kiện nầy mới đây, Cal Thomas đã bắt đầu bài viết của mình (Tôi quen với  Tony Snow) theo cách nầy:
            Chẳng có ai là không thích Tony Snow. Bởi sự hoan hô, người ta biết ông là thư ký báo chí ở Nhà Trắng là người đứng đắn, tử tế và khích lệ mà họ đã từng gặp.
            Trao đổi với nhóm nhà báo vào tháng Giêng, Snow đã nói với họ: “Trong nhiều cách thức, bị ung thư là việc tốt nhứt từng xảy ra cho tôi, còn lấy vợ thì khác hơn”. Bạn tự hỏi điều chi đã khiến cho một người nói năng như thế về một chứng bịnh có thể lấy mạng của mình. Chứng ung thư ruột kết giết hàng ngàn người mỗi năm. Làm sao chứng bịnh ấy lại trở thành một loại phước hạnh cho được chứ? Câu trả lời đại loại là như thế nầy đây. Bản thân chứng ung thư chẳng phải là ơn phước chi hết, nhưng Đức Chúa Trời thường sử dụng nó như một phương tiện để dạy dỗ chúng ta những việc mà chúng ta chưa hề biết và để đào sâu đức tin của chúng ta. Bản thân căn bịnh là một phần của cái giá mà chúng ta chi trả cho việc sống trong một thế giới sa ngã, nhưng qua chứng ung thư chúng ta có thể khám phá ra điều chi là vấn đề quan trọng nhất trong cuộc sống. Tony Snow thấy rằng những lời cầu xin của ông bắt đầu thay đổi. Ông bắt đầu học biết đem đời sống  mình phục theo Đức Chúa Trời:
            Không những nói: ‘Lạy Chúa, việc ấy nằm trong tay Ngài’ nhưng việc hiểu biết bất cứ điều chi có thể đến sau đó là đừng cố gắng thúc đẩy Đức Chúa Trời làm điều chi đó cho bạn, trừ phi bỉu môi trước một số ngăn trở phân cách bạn với Đức Chúa Trời, “vì đối với mọi người trong chúng ta, chúng ta chỉ nhận được sự hư không mà thôi”.
            Giống như bao người khác đã khám phá, chứng ung thư của ông đã trở thành con đường cho một đức tin mới tìm được và là một việc mà ông đã không trông mong – ấy là sự vui mừng.
            Sau cuộc giải phẫu ung thư lần thứ nhứt của ông, Snow nói ông phải nằm lại trên giường và ông bắt đầu đọc Kinh thánh “học biết nhiều để cầu nguyện” và cầu xin Đức Chúa Trời “làm ơn kéo tôi cho càng gần, (là điều) phát triển một sự khao khát cũng là một hình thái vui mừng”.
            Từ chứng ung thư đến cầu nguyện theo Kinh thánh, đến khát khao sự vui mừng. Đây không phải là một con đường mà Tony Snow đã chọn lựa, song ông cũng nói rằng những gì ông đã khám phá đã tạo thành một chuyến hành trình đáng giá.
            Chúng ta trải qua cuộc sống nói: “Lạy Chúa, rốt lại Ngài đã làm gì cho tôi vậy?” Và Chúa đáp: “Nếu ngươi chỉ biết thôi”. Nhiều điều trong cuộc sống giúp bạn hình dung ra bạn không có thực quyền và ai mới có thực quyền.
            Ung thư đã làm việc ấy cho Tony Snow.
            Bịnh phung đã làm việc ấy cho người Samari.
            Một người được chữa lành – và dâng sự vinh hiển cho Đức Chúa Trời.
            Một người vẫn còn đánh trận với bịnh tật mình – và dâng sự vinh hiển của Đức Chúa Trời.
            Từng việc tốt lành trong đời sống Cơ đốc nhân tuôn tràn ra từ dòng suối mạnh mẽ nầy. Khi tôi nhận ra sự nhân từ của Đức Chúa Trời — không phải là trừu tượng hay trong lý thuyết — mà thật riêng tư, đặc biệt đối với tôi … Không phải chung chung đâu, trừ ra những gì Đức Chúa Trời đã làm cho tôi!
            Thế rồi (và chỉ khi ấy) tôi được tự do bước đi, cầu nguyện, làm chứng lại.
            + Tôi không bị cưỡng chế.
            + Tôi không bị áp lực.
            + Khi sau cùng, chúng ta nhìn và thấy những gì Đức Chúa Trời đã làm …
            + Khi sau cùng, chúng ta đến mọi ơn phước của chúng ta rồi kể tên chúng từng cái một …
            + Khi sau cùng, chúng ta hiểu rõ từng sự nhân từ và sự ban cho trọn vẹn đó đến từ Cha sáng láng ở trên cao …
            + Khi sau cùng, chúng ta nhìn thấy rõ chính sự sống là một sự ban cho đến từ trên cao …
            + Khi chúng ta biết – thực sự biết rõ – mọi sự trong cuộc sống đều là một sự ban cho …
            Khi ấy, chúng ta bắt đầu ngợi khen,
            Khi ấy, chúng ta bắt đầu dâng hiến,
            Khi ấy, chúng ta bắt đầu ca hát,
            Khi ấy, chúng ta bắt đầu làm chứng,
            Khi ấy, chúng ta bắt đầu phục vụ,
            Khi ấy, chúng ta bắt đầu bước vào “sự sống  dư dật”.
            + Khi sau cùng, chúng ta học biết rằng chúng ta là những người phung khi chào đời …
            + Khi sau cùng, chúng ta nhìn thấy những gì Chúa Jêsus đã làm cho chúng ta …
            + Khi sau cùng, ân điển của Đức Chúa Trời bày tỏ ra để chúng ta có được bất cứ điều chi có giá trị…
            Chỉ khi ấy cuộc sống mới thực sự bắt đầu thay đổi!
            Ở thời điểm đó, những việc kỳ diệu bắt đầu xảy ra cho chúng ta:
            Cái gì là Nghĩa Vụ giờ đây là Đặc Ân.
            Cái gì là Luật Pháp giờ đây là Ân Điển.
            Cái gì bị Đòi Hỏi giờ đây là Tình Nguyện.
            Cái gì Bắt Buộc giờ đây là Tự Do.
            Cái gì là Cực Nhọc giờ đây là Vui Mừng.
            Cái gì bị xem là hiển nhiên giờ đây được dâng lên trong sự ngợi khen Đức Chúa Trời.
            Khi sau cùng, ân điển đầy dẫy chúng ta, khi ấy chúng ta chạy đi trong sự vui sướng!
            Mười người được chữa lành trong ngày ấy, nhưng chỉ có một người quay trở lại để dâng lên lời cảm tạ. Có phải bạn đang sống với chín người kia hay với một người nầy? Có quá nhiều người trong chúng ta xem ơn phước là hiển nhiên và than vãn về mọi nghĩa vụ. Nói như thế thì có giống như bạn chăng? Chớ để cho việc ấy xảy ra.
            Ngợi khen là một sự lựa chọn. Một tấm lòng biết ơn là một sự lựa chọn bạn đưa ra. Không một ai bị buộc vào thái độ cay đắng. Bạn chọn phương thức bạn sinh sống. Người nào quay trở lại dâng lời cảm tạ  không chọn quên những điều Chúa Jêsus đã làm cho người ấy. Bí quyết của một tấm lòng cảm tạ là một sự lựa chọn có ý thức không quên những gì Đức Chúa Trời đã làm cho bạn.