Thứ Năm, 2 tháng 2, 2012

Khải huyền 3:7-13: "Hội Thánh Đấng Christ Ưa Thích"


Hội Thánh
Đấng Christ Ưa Thích

Khải huyền 3:7-13
Chúa Jêsus ưa thích loại Hội thánh nào vậy?
Báptít?
Giám lý?
Luther?
Công giáo?
Trưởng lão?
Anh em?
Tân giáo?
Có lẽ chúng ta nên hỏi theo cách khác. Có phải Ngài thích . . .
Hội thánh vùng sâu?
Hội thánh hiện đại?
Hội thánh tư gia?
Hội thánh thành phố?
Hội thánh có phong cảnh đẹp?
Hội thánh mới mở?
Hội thánh độc lập?
Hội thánh mới?
Hội thánh cũ?
Có thể Chúa Jêsus thích . . .
Nhà thờ lớn,
Mặt tiền,
Kiểu chung cư,
Lụp xụp,
Đại giáo đường.
Rất may, chúng ta không bị bỏ lại để tự hỏi về câu trả lời. Khải huyền 2-3 cho chúng ta biết về loại hội thánh mà Chúa Jêsus ưa thích. Khi chúng ta nghiên cứu bảy Hội thánh nầy, chúng ta khám phá ra không một điều nào trong những thứ mà tôi liệt kê trên đây được nhắc tới. Khi Chúa Jêsus nhìn vào một Hội thánh, Ngài không nhìn vào những thứ bề ngoài. Ngài nhìn vào những dấu hiệu sâu sắc hơn chỉ ra đức tin trưởng thành, tình yêu nhiệt thành và sự trông cậy ổn định. Ngài muốn các Hội thánh của Ngài phải được thúc đẩy bởi tình yêu thương, lập nền trên lẽ thật, mạnh mẽ dưới áp lực, và không xấu hổ về danh của Ngài.
Trong bảy Hội thánh, chỉ có Simiệcnơ và Philađenphi là không bị chỉ trích gì hết. Và không phải là tình cờ mà cả hai Hội thánh đều đối diện với sự chống đối mạnh mẽ vì cớ sự làm chứng dạn dĩ của họ. Thời thế khó khăn tạo nên những hội thánh mạnh mẽ, đặc biệt khi thời thế khó khăn xảy đến thì Hội thánh từ chối không đem Tin Lành ra mà thỏa hiệp.
Khải huyền 3:7-13 ghi lại thư tín viết cho Hội thánh tại thành Philađenphi, một thành phố cách Sạt-đi khoảng 35 dặm về phía Đông Nam. Do thành nầy nằm gần đường nứt, các trận động đất là mối đe dọa thường xuyên. Thành phố “Tình Huynh Đệ” nầy được xem là loại “thành phố truyền giáo”, nó giới thiệu văn hóa Hylạp cho khu vực bao quanh. Được xây dựng trên con đường hẹp giữa hai rặng núi, Philađenphi đứng như cửa ngõ cho phần còn lại của Tiểu Á. Hội thánh trong thành phố nầy là Hội thánh non trẻ và nhỏ nhất trong bảy Hội thánh của Khải huyền 2-3. Mặc dù có tầm cỡ nhỏ, Chúa chúng ta đã mở ra cánh cửa thật lớn cho hội chúng trung tín nầy.
Đây là Hội thánh mà Đấng Christ hết lòng tán thưởng. Khi chúng ta nghiên cứu thư tín nầy, chúng ta hãy suy nghĩ về Hội thánh của chính mình và hãy xét xem họ được đánh giá như thế nào!?!
Xem xét cơ hội của chúng ta
“Nầy là lời phán của Đấng thánh, chân thật, là Đấng có chìa khóa của Đa-vít, mở thì không ai đóng được, đóng thì không ai mở được: Ta biết công việc ngươi; nầy, ta đã mở trước mặt ngươi một cái cửa không ai đóng được; vì ngươi có ít năng lực, mà đã giữ đạo ta, và chẳng chối danh ta” (các câu 7-8).
A. Chính Đấng Christ mở cửa.
Khi Đức Chúa Trời mở cửa, thì chẳng một ai có thể đóng được. Và khi Ngài đóng, chẳng ai có thể mở được. Có người đến hỏi tôi: “Làm sao tôi biết lúc nào Đức Chúa Trời mở cửa chứ?” Có nhiều cách trả lời câu hỏi đó, nhưng câu trả lời đơn giản nhất là: “Bạn không biết cho tới chừng nào bạn đi ngang qua cánh cửa ấy”. Đấy là kinh nghiệm của tôi, đôi khi cánh cửa rất rõ nét và chúng ta chỉ đi ngang qua thôi. Có khi chúng ta phải chạy nữa kìa. Và đôi lúc chúng ta cần một ít xô đẩy.
Tối Chúa nhật vừa rồi, chúng tôi đã đưa ra phần trình bày về dự án KBM ở Trung Hoa ở phòng ăn tối ở Hội thánh Calvary Memorial ở Oak Park, IL. Tất nhiên là chúng tôi đã có một khoảng thời gian thật tuyệt vời, và đã thưởng thức việc gặp gỡ nhiều bạn bè xưa, song đấy là kinh nghiệm nghĩ tới một tình huống đã xảy có trước đây, vì trải qua bao năm tháng tôi đã sử dụng hàng trăm giờ trong phòng nầy để dạy dỗ lớp Mục sư vào mỗi tối thứ Tư. Tôi lưu ý với hội chúng rằng lần sau cùng tôi có mặt trong phòng nầy để dự buổi lễ chia tay của chúng tôi vào tháng 9 năm 2005. Không có nhiều điều rõ nét với chúng tôi vào buổi tối ấy. Chúng tôi đã đi tới trong sự vâng theo tiếng gọi của Đức Chúa Trời, không biết rõ điều chi sẽ xảy đến kế đó. Trải qua mấy tháng trời kế tiếp, một số “cánh cửa” đã mở ra cho chúng tôi, nhưng chẳng có cánh cửa nào dường như là rõ nét hoàn toàn. Từng chút một việc rõ ràng cho chúng tôi đến nỗi chúng tôi sẽ khởi động Hội truyền giáo Keep Believing. Ở buổi tiệc chia tay, chúng tôi chẳng có một ý tưởng nào hết – đúng như thế – về việc khởi động một hội truyền giáo cho Trung Hoa, có ít nhiều cộng tác chiến lược với Đài Phát Thanh Trans World.
Quả là một việc tốt lành khi chúng tôi không biết rõ tương lai vì chúng tôi không thể nắm được nó. Tương lai với mọi thăng trầm, mọi biến thái, với đủ thứ việc bất ngờ mà chúng tôi không thấy trước được, mọi sự áp đảo đến nỗi nếu chúng tôi biết rõ điều chi sắp xảy đến, có lẽ chúng tôi sẽ chạy theo một hướng khác. Cuộc sống được sống tốt đẹp hơn vào một thời điểm ở ngày kia.
Mở ra những cánh cửa thì giống như thế đấy. Đức Chúa Trời hiếm khi tỏ ra cho chúng ta thấy cả bức tranh ở trước mặt. Cánh “cửa mở” thường là một cánh cửa được đẩy mở ra thật nhẹ nhàng. Chúng ta vẫn phải tập trung hết sự can đảm để đi ngang qua cánh cửa rồi mới nhìn thấy điều chi có ở mé bên kia.
Chính mình Chúa Jêsus, Ngài là Đấng thánh khiết và chơn thật, Đấng có mọi uy quyền, mở ra những cánh cửa cho dân sự Ngài. Mở cửa là công việc của Ngài. Ngài rất tốt lành trong việc đó, và Ngài không cần sự trợ giúp của chúng ta. Công việc của chúng ta là đi ngang qua những cánh cửa mà Ngài đang mở ra, mỗi lúc một bước thôi, chân nầy trước chân kia, bước tới chỗ nào mà Ngài sẽ hướng dẫn chúng ta. Một cánh cửa có thể mở ra, và rồi nó có thể đóng lại. Điều đó cũng tốt thôi. Cánh cửa khác có thể mở ra. Cũng tốt thôi. Chúng ta phải ngồi yên đợi một lúc để cho cánh cửa mở ra. Điều đó cũng tốt thôi.
Chúa Jêsus đang tể trị trên mọi cánh cửa của cuộc sống.
Chúng ta có thể tin cậy Ngài.
Tôi có nhận được email từ một người bạn với đề tựa: “Tôi phù hợp với chỗ nào đây?” Và câu nầy: “Tôi không thể hiểu nổi điều Đức Chúa Trời đang làm”. Dường như là người bạn của tôi phải lo liệu một việc gì đó đến từ những người bạn thân khác. Chẳng có điều chi xấu xa hay bất chính cả. Không một điều gì dối trá. Chỉ một quyết định thôi khiến cho bạn của tôi phải bối rối và thất vọng.
Đấy cũng là một phần trong cuộc sống đức tin.
Đôi khi các cánh cửa đóng lại.
Vì vậy, chúng ta hãy sấp mình xuống trước mặt Chúa là Đấng mở mà không ai đóng được, và Ngài đóng thì chẳng một người nào mở được.
B. Đấng Christ tôn cao đức tin, chớ không tôn cao năng lực.
Chúa Jêsus phán với Hội thánh ở thành Philađenphi: “Ta biết…ngươi có ít năng lực” (câu 8).
Ít năng lực và cơ hội lớn thường song hành với nhau. Đôi khi các hội thánh nhỏ nghĩ có ít việc họ có thể làm cho Chúa. Song đấy là vấn đề của nhận thức. Hội thánh tại thành Philađenphi có ít năng lực. Chúng ta có thể giả định rằng họ không có nhiều tiền bạc hay nhiều người có uy thế.
Nhưng họ có đức tin lớn.
Đây là một bài học dành cho hết thảy chúng ta. Có thể tôi không được khôn khéo hay tương xứng với ai đó, và có thể tôi không có tiền bạc hay ảnh hưởng của người lân cận mình. Có thể tôi không học hành tới nơi tới chốn hay. Nhưng tôi có thể tin cậy Chúa cũng chắc chắn như bao người khác.
Đức Chúa Trời tôn vinh điều gì chứ? Đức tin!
Ngài tìm kiếm điều gì chứ? Đức tin!
Ngài ban thưởng cho điều gì chứ? Đức tin!
Và Ngài đòi hỏi tầm cỡ của đức tin như thế nào? Không nhiều lắm đâu. Đức tin giống như một hột cải. Chỉ cần một chút xíu đức tin thôi. Không phải niềm tin của nhiều năm trời và tri thức sâu sắc đâu. Ngài tôn cao đức tin của một đứa trẻ.
Đức tin đơn sơ.
Hãy lưu ý hai điều tuyệt vời mà Chúa Jêsus phán về Hội thánh nầy:
“Các ngươi giữ đạo Ta”.
"Các ngươi chẳng chối danh Ta”.
Điều thứ nhứt liên quan tới việc nắm chặt lấy Đạo của Chúa Jêsus. Điều thứ hai có ý nói bạn không lấy làm xấu hổ bởi điều thứ nhứt. Có người cảm thấy xấu hổ về đức tin của họ. Họ bước theo Chúa Jêsus song giữ lấy việc ấy cho bản thân mình. Đừng rung chiếc thuyền, đừng tạo ra nhiều nan đề, đừng làm cho rối lên. Đáng buồn làm sao!
Khi Phaolô và Sila đến tại thành I Têsalônica trong Công Vụ các Sứ Đồ 17, các đối thủ của họ đã tìm cách bắt lấy họ. Tôi thích bản dịch Kinh thánh New King James, ở đây ghi lại bản án kẻ thù của họ gán nghịch lại họ: “Kìa những tên nầy đã gây thiên hạ nên loạn lạc, nay có đây” (Công Vụ các Sứ Đồ 17:6).
Câu nói ấy đúng là sỉ nhục làm sao ấy, có phải không? Mấy người nầy đã “gây loạn lạc".
Có ai nói như thế về chúng ta chưa?
Họ nói ra câu ấy giống như một lời vu cáo, song thực ra đấy là một lời khen ngợi. Đúng là một việc lớn lao đã nói về bạn, rằng bạn đang tính gây cho thế gian phải loạn lạc. Tôi không thể nghĩ được một lời khen ngợi nào lớn hơn dành cho một Cơ đốc nhân.
Hãy xem xét sự chống đối của chúng ta
Satan vốn thù ghét việc rao giảng Tin Lành, và hắn thù ghét những người lo truyền giảng Tin Lành.
Mục sư Bob Jones Sr. thường nói: “Cánh cửa cơ hội đang đu đưa trên cái bản lề chống đối”. Có khi chúng ta nghe người ta nói tới “những chỗ dễ dàng” để giảng đạo, song không chắc như thế đâu.
Chẳng có một “chỗ dễ dàng” nào hết.
Hãy nhìn xem một người quyết định đứng cho Chúa Jêsus, hãy xem người ấy thuyết trình cho cả cộng đồng về toàn bộ mưu luận của Đức Chúa Trời, hãy xem người ấy khẳng định và vui vẻ công bố Tin Lành cứu rỗi của Chúa Jêsus, và chẳng chóng thì chày người ấy sẽ có đủ kẻ thù. Và không phải hết thảy họ đều sống ở ngoài nhà thờ. Một số người chỉ trích kịch liệt nhất sẽ được tìm thấy ở giữa vòng những ai đang lắng nghe người ấy rao giảng mỗi ngày Chúa nhật. Chúng ta sống trong thời buổi khi người ta, ngay cả hạng người nhơn đức đi nhà thờ, sẽ thích xoay cánh buồm của họ sao cho đừng để mích lòng cộng đồng. Họ muốn người ta nhìn biết họ là hạng người nhơn đức, hạng láng giềng tốt, hạng người tử tế và thân mật, và là nơi trú ẩn an toàn cho kẻ bị tổn thương. Ai lại đi chống cự với hạng người thể ấy chứ? Chắc chắn không phải là tôi rồi. Nhưng có một ranh giới rõ ràng giữa việc muốn tiếp cận với cộng đồng mà không nói cho họ biết về toàn bộ lẽ thật của Đức Chúa Trời. Tin Lành là những tin tức tốt lành, nhưng trước khi nó là những tin tức tốt lành, nó là những thứ tin xấu, và trừ phi chúng ta nói ra các tin tức xấu, những tin tức tốt lành dường như chẳng phải là tốt lành chi hết.
Trong quyển sách do ông viết, Francis Schaeffer lưu ý rằng nếu ông đang ngồi trên chiếc xe lửa và chỉ có một giờ đồng hồ để chia sẻ Tin Lành với một người khách cùng đi kia, ông sẽ sử dụng 45 phút để xác chứng về tội lỗi, sự công bình, và sự phán xét, và kế đó ông sẽ dùng 15 phút còn lại để trình bày sứ điệp Tin Lành.
Tôi nghĩ các tín hữu tại thành Philađenphi sẽ nhất trí với lối tiếp cận ấy. Họ dám chắn về sự thực họ đã tạo ra một số kẻ thù đầy quyền lực trong cộng đồng. Đấy là một dấu hiệu nói tới sự trung tín của họ đối với Đấng Christ.
A. Chúng ta sẽ được minh oan.
“Nầy, ta ban cho ngươi mấy kẻ trong những kẻ thuộc về hội quỉ Sa-tan, chúng nó xưng mình là người Giu-đa, mà kỳ thực không phải, nhưng chúng nó nói dối; nầy, ta sẽ khiến chúng nó đến sấp mình xuống dưới chân ngươi, và sẽ cho chúng nó biết rằng ta đã yêu ngươi” (câu 9).
“Hội quỉ Satan” đề cập tới những người Do thái kia trong thành phố Philađenphi, họ đã bắt bớ các tín hữu đầu tiên. Khi nhìn thấy Chúa Jêsus là một mối đe dọa cho con đường sống của họ, họ đã thù ghét Ngài và những ai chịu bước theo Ngài. Nhưng, Chúa Jêsus phán, họ là những kẻ nói dối. Và bất nhiêu chưa phải là đủ.
Ngày hầu đến, khi những kẻ thù nghịch nầy sấp mình xuống và xưng rằng Đức Chúa Jêsus Christ là Chúa. Một số nhà giải kinh xem đây là một lời hứa trong phúc âm khi Hội thánh rao giảng cho các nhóm bộ tộc mà Tin Lành chưa đến với họ trong thế gian. Chúng ta không bị đe dọa bởi những kẻ ngày hôm nay chẳng ưa thích Cơ đốc giáo. Không những họ sai lầm trong suy tính hiện tại của họ về Chúa Jêsus, mà đấy sẽ chẳng phải là câu trả lời cuối cùng của họ. Philíp 2:9-11 phác họa ra một ngày khi mọi đầu gối sẽ quì xuống và mọi lưỡi xưng rằng Đức Chúa Jêsus Christ là Chúa. Có người bằng lòng làm như thế hôm nay. Trong Ngày Phán Xét, người nào chẳng ưa thích Đấng Christ hay Cơ đốc nhân sẽ thấy họ sai lầm là dường nào.
Vị huấn luyện viên bóng đá nói với các cầu thủ của họ: “Hãy chịu khó chơi khi các anh có thể, và khi trận đấu qua đi rồi, hãy nhìn lên bảng tỉ số thì sẽ thấy ai đang đứng đầu”. Giăng đang nói một việc như thế với các Cơ đốc nhân nầy. Ông còn nói thêm một điểm chính nữa: “Hãy chịu khó chơi dầu khi các anh tưởng mình đang ở đàng sau vì khi trận đấu qua rồi, các anh sẽ thấy mình đang ở trong đội thắng cuộc".
B. Chúng ta sẽ được bảo hộ.
“ngươi đã giữ lời nhịn nhục ta, ta cũng sẽ giữ ngươi khỏi giờ thử thách, là giờ sẽ đến trong khắp thế gian, đặng thử những người ở trên đất” (câu 10).
Có khi việc tốt nhứt bạn có thể làm là chỉ “chịu đựng cách nhịn nhục" mà thôi. Cuộc chiến thuộc linh không phải chỉ là hoa hồng và những chiếc cầu vồng đâu.
Có khi không phải là chịu thua khi bạn cảm thấy như bạn bị ngã xuội. Chúa chúng ta đưa ra lời hứa quí báu cho hạng thánh đồ thường xuyên chịu khổ nầy. Ngài nhìn trước tới “thời điểm thử thách” sẽ nhận chìm cả thế gian trước khi Đấng Christ đến để thiết lập Vương quốc trên đất của Ngài. Trong Những Ngày Sau Rốt, quả thật mọi việc sẽ rất khó khăn. Kinh thánh thường nói tới thời điểm rối rắm sẽ lay động cả đất và sửa soạn thế gian cho sự đến của Chúa. Vì họ sống trung tín, Chúa Jêsus sẽ giữ dân sự Ngài khỏi giờ thử thách ấy.
Hãy xem xét nghĩa vụ của chúng ta
“Ta đến mau kíp; hãy giữ lấy điều ngươi có, hầu cho không ai cất lấy mão triều thiên của ngươi” (câu 11).
Bạn có thể đọc phân đoạn nầy mà chẳng có ý thức như các tín hữu đầu tiên, họ trông mong Đấng Christ đến bất kỳ giờ phút nào. Thậm chí Ngài đã phán: “Ta đến mau chóng”. Tôi tự hỏi có bao nhiêu người trong chúng ta chịu tin như thế? Phân đoạn nầy kêu gọi chúng ta phải làm hai việc đang khi chúng ta trông mong sự đến của Đấng Christ.
A. Chờ đợi sự tái lâm của Ngài.
Cách đây mấy tháng, tôi ngồi trong một phòng khách tại Đại liên, Trung hoa và tôi nghe một vị Mục sư cùng vợ ông ấy nói về những sự hy sinh của họ khi đem Tin Lành đến cho bộ tộc người Mông cổ. Thậm chí họ đã sống xa nhau trong mấy năm trời khi người vợ, cùng với mấy phụ nữ trẻ từ nhà thờ của họ, đã khởi động căn bếp mì gói khi họ trao đổi với người Mông cổ. Người vợ trông không khỏe lắm, song bà ấy khăng khăng rằng bà sẽ làm công việc nầy. Khi tôi hỏi lý do tại sao, bà ấy đưa ra cho tôi một câu trả lời thẳng thừng:
“Chúa Jêsus sẽ đến mau chóng, và chúng ta phải nói cho người Mông cổ biết về Ngài. Họ cần phải nhìn biết Chúa Jêsus. Tôi biết sức khỏe của tôi không tốt lắm, và tôi chỉ có một hay hai năm còn lại, chúng ta phải lo điều nầy ngay”.
Chúng ta cần phải sống giống như thể Chúa Jêsus sẽ đến bất kỳ giây phút nào và hãy làm việc giống như thì giờ của chúng ta còn rất ngắn vậy.
B. Đắc thắng nhờ đức tin
“Kẻ nào thắng, ta sẽ cho làm trụ trong đền Đức Chúa Trời ta, và người sẽ không ra khỏi đó nữa; ta lại sẽ lấy danh Đức Chúa Trời ta, danh của thành Đức Chúa Trời ta, là Giê-ru-sa-lem mới từ trên trời, bởi Đức Chúa Trời ta mà xuống, cùng danh mới ta, mà viết trên người. Ai có tai, hãy nghe lời Đức Thánh Linh phán cùng các Hội thánh!” (các câu 12-13).
Thách thức phải đắc thắng là việc mà chúng ta đối diện với từng ngày một. Cách đây không lâu, tôi đã dự cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh, trong đó họ yêu cầu khán thính giả nêu đích danh thời điểm họ đã đối diện với một cuộc thử thách và đã đáp ứng bằng đức tin. Phần lớn những người được gọi đều nêu ra các biến cố lớn như đối diện với cuộc giải phẩu hay mất việc làm hoặc xử lý với một cuộc hôn nhân tan vỡ. Tôi không nghi ngờ các biến cố đó kêu gọi chúng ta phải sống bằng đức tin. Nhưng tôi tự hỏi, nếu chúng ta không bỏ qua những thách thức thực sự lớn lao:
“Tôi sẽ ra khỏi giường hôm nay”.
"Tôi sẽ đi làm dầu tôi ghét công việc ấy”.
"Tôi sẽ sống tử tế thay vì thô lỗ hôm nay”.
"Tôi sẽ tha thứ khi để mọi việc được dễ dàng hơn”.
"Tôi sẽ không khó chịu với con cái hay với vợ tôi hôm nay”.
Đây là chỗ mà những kẻ đắc thắng phải lo liệu. Thật là dễ đọc Khải huyền 2-3 và tưởng tượng “kẻ đắc thắng” như một loại Siêu Cơ đốc nhân đặc biệt, họ sống trên một phi cơ bay cao hơn phần còn lại chúng ta là những kẻ hay chết. Song không phải như vậy đâu. Hết thảy chúng ta đều được kêu gọi để trở thành hạng người “đắc thắng” từng ngày một vì hết thảy chúng ta đều có nhiều điều phải đắc thắng:
Nhiều cám dỗ.
Thất bại liền tay.
Hạng người khó chịu.
Các hoàn cảnh khó khăn.
Thất bại bất ngờ.
Những kẻ phê phán giận dữ.
Nản lòng nội bộ.
Đau mãn tính.
Những người bạn không còn thân thiện nữa.
Thất bại cá nhân chỉ có chúng ta biết.
Luôn luôn có những lý do để chịu thua, luôn luôn có những lý do để thối lui, luôn luôn có nhiều lời cáo lỗi nếu chúng ta muốn có. Nhưng đối với người nào bền đỗ, họ sẽ không chịu thua dầu khi họ cảm thấy như vậy và khi mọi sự ở trong họ nói: “Hãy ra khỏi mớ lộn xộn nầy”, còn những linh hồn dũng cảm, họ cứ đi tới, Đấng Christ đưa ra hai lời hứa khó tin.
1. Chúng ta sẽ được bảo đảm và an ninh.
Chúa Jêsus hứa với dân sự Ngài rằng họ sẽ là những cột trụ trong Đến Thờ của Đức Chúa Trời, và họ sẽ không rời khỏi sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Mấy lời nầy có ý nghĩa nhiều vì thành Philađenphi đã bị hủy diệt bởi một trận động đất kinh khiếp và các cư dân phải sơ tán khỏi thành phố. Song người nào tin cậy nơi Chúa Jêsus sẽ được an ninh cho đến đời đời.
Có một chỗ bạn gọi là quê hương là một việc lớn. Đấy là nơi là chúng ta được nhìn biết, được yêu thương và luôn được tiếp đón. Chúa Jêsus đang phán: “Có thể họ không thích ngươi nhiều ở thành Philađenphi, nhưng ngươi có một nơi ở với ta trong thiên đàng. Ta sẽ lập ngươi làm cột trụ trong đền của ta hầu cho ngươi được ở gần bên ta cho đến đời đời”.
2. Chúng ta được đặt tên và được công nhận.
Quyền đặt tên là quyền của người chủ. Người nào được Đức Chúa Trời chuộc lấy sẽ được đặt tên và được Ngài công nhận. Mọi danh xưng cũ sẽ không còn là vấn đề nữa:
Bác sĩ.
Luật sư.
Giáo sư.
Chính trị gia.
Huấn luyện viên.
Nhân viên ngân hàng.
Thầy giáo.
Vận động viên nổi tiếng.
Người giàu có.
Phụ nữ có ảnh hưởng nhiều nhất.
Nhưng còn có các danh xưng khác cũng sẽ chẳng còn là vấn đề:
Dữ tợn.
Thất bại.
Thù oán.
Bị bỏ rơi.
Bị sỉ nhục.
Xem thường.
Dối trá.
Tà dâm.
Trong ngày lớn đó, huyết của Chúa Jêsus sẽ tẩy sạch mọi “nhãn hiệu” bởi đó chúng ta nhìn biết nhau. Những cái tên “tốt” của chúng ta sẽ chẳng còn là vấn đề, và những cái tên “xấu” sẽ được ghi nhớ. Hết thảy chúng ta sẽ đứng trên cùng một cái nền, được cứu, được chuộc, được đổi mới, và được đặt tên lại bởi Chúa chúng ta.
Chúng ta sẽ được ban cho tên của thành Jerusalem mới vì đấy là chỗ mà chúng ta sẽ qua cõi đời đời. Trong chỉ mấy ngày, Josh (con trai cả của chúng tôi) và tôi sẽ sang Ấn độ để hầu việc Chúa trong hai tuần ở đó. Cả hai chúng tôi đều có giấy thông hành xác nhận chúng tôi là công dân của quốc gia Hoa kỳ. Chúng tôi cũng có thẻ visa cho phép chúng tôi được vào xứ Ấn độ. Giấy thông hành cho biết chỗ xuất thân của chúng ta và visa cho biết nơi chúng ta đi đến. Tất cả các tín đồ của Chúa Jêsus đều có giấy thông hành đóng dấu “công dân thiên quốc” và thẻ visa bảo đảm họ được vào thường trực. Không một ai ngăn chặn chúng ta, không một ai cản trở chúng ta, không một người nào dám nói: “Ông không có quyền đến đây”. Chúng ta bước vào bởi huyết của Chúa Jêsus, và trong danh Ngài chúng ta tìm đặng một chỗ trong thiên thành.
Giờ đây, điều nầy khích lệ hết thảy chúng ta. Thế gian coi thường Cơ đốc nhân và chẳng thấy chút giá trị gì nơi chúng ta, nhưng Đức Chúa Trời tôn vinh các tôi tớ trung tín của Ngài. Có thể chúng ta chẳng có chút an ninh gì ở đây. Thật vậy, bất cứ “an ninh” nào thuộc đời nầy đều rất mong manh. Chúng ta khóa cửa nhà mình vì trộm cướp có thể đột nhập vào, và chúng ta biết thị trường chứng khoán có thể suy sụp hôm nay hay ngày mai hoặc ngày mốt.
Nếu bạn muốn sự an ninh đời đời, bạn có thể tìm gặp sự an ninh ấy nơi Đức Chúa Jêsus Christ. Một ngày kia, chúng ta sẽ có cái tên mới, và chúng ta sẽ sống trong một thành phố không thể bị lay động.
Khi Horatius Bonar viết về Hội thánh tại thành Philađenphi, ông đã đến với phần kết rất hay như sau:
Sức lực của chúng ta có thể là nhỏ nhoi trong những ngày sau rốt nầy. Làn sóng sai lầm, và tội lỗi, và tình trạng thế gian có thể phun trào rất mạnh. Có thể là không dễ dàng khi xưng nhận Đấng Christ, hay nắm chặt lấy lẽ thật của Ngài. Song ân điển của Ngài là đủ đầy cho chúng ta; và khốn cho chúng ta nếu chúng ta nhường bước cho mọi sai quấy của thời đại, hoặc tương thích với mọi sự hư không của nó, hay tìm cách làm đẹp lòng đám đông của nó, một là do sợ dư luận đông đảo, hay là sợ không trở thành “hạng người tiến bộ” hoặc co cụm lại đối với sự bắt bớ và thù oán thẳng thừng! Sự trung tín với Đấng Christ, và với lẽ thật của Ngài, là mọi sự, đặc biệt trong những ngày khi sự gian ác gia tăng, và lòng yêu mến của nhiều người sẽ nguội lần.
Đừng sợ! Phần thưởng rất là vinh hiển! Vinh quang trỗi hơi mọi vinh quang của đời nầy! Sự khinh miệt và thù nghịch chỉ có trong một ngày thôi – còn phẩm giá và phước hạnh còn đến đời đời!
Đúng là như vậy đấy. Nguyện Đức Chúa Trời vùa giúp chúng ta sống trung tín với Ngài là Đấng đã làm thật nhiều việc cho chúng ta. Amen.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét