Chủ Nhật, 2 tháng 10, 2011

II Các Vua 2:1-14: “Bạn sử dụng những ngày cuối cùng trên đất như thế nào”

“Bạn sử dụng những ngày cuối cùng

trên đất như thế nào”

II Các Vua 2:1-14


Sẽ ra sao nếu bạn biết rõ chẳng chút nghi ngờ hôm nay sẽ là ngày cuối cùng của bạn ở trên đất? Giả sử bạn chỉ còn có 24 giờ đồng hồ nữa để sống. Bạn sẽ làm gì? Bạn sẽ đi đâu? Bạn sẽ sử dụng những giờ cuối của mình trên hành tinh địa cầu như thế nào? Nếu bạn biết mình sẽ qua đời hôm nay, bạn sẽ làm gì? Bạn sẽ đi đâu? Bạn sẽ ở đâu trong lúc bây giờ, hay bạn sẽ lên một chiếc phi cơ rồi đi gặp ai đó mà bạn rất yêu thương? Bạn sẽ nhấc điện thoại lên rồi gọi một vài người chăng? Nếu gọi, thì bạn sẽ gọi ai? Bạn sẽ nói gì chứ? Jim Elliott nói ông muốn sống cho đến giờ chết, chẳng có việc gì ông cần phải làm trừ ra chết mà thôi.
Rõ ràng là Chúa đã tỏ ra cho Êli biết đây sẽ là ngày sau cùng của ông trên đất. Như Charles Swindoll nói: “vị tiên tri nóng cháy không già lắm và rồi qua đời thật yên tỉnh – ông đâu có chết đâu”.
Trước biến cố kế đó và sau cùng trong cuộc đời của Êli, sự ông về trời, chúng ta thấy ông đang rời thành Samari cùng với Êlisê và đi bộ khoảng 30-35 dặm.
Thứ nhứt, những địa điểm đáng nhớ (2:1-5)
Chuyến đi của Êli cho chúng ta thấy một việc tiến triển trong đời sống Cơ đốc bình thường. Chúng ta hãy nhìn vào đỉnh cao của Êli trên chuyến hành trình của ông đến với sự vinh hiển.
Ghinh ganh – Địa điểm của những khởi đầu (câu 1)
“Khi Đức Giê-hô-va muốn đem Ê-li lên trời trong một cơn gió lốc, Ê-li và Ê-li-sê ở Ghinh ganh đi ra”
. Ghinh ganh rất quan trọng vì đây là điểm đầu tiên mà dân Israel đóng trại sau khi băng qua sông Giôđanh vào trong Đất Hứa.
Cũng chính ở đây dân Israel kỷ niệm lần đầu tiên Lễ Vượt Qua trong đất hứa. Ở đây, những người nam ra đời trong cuộc lang thang ở đồng vắng chịu phép cắt bì và giao ước được làm mới trở lại (Giôsuê 5).
Nhiều tín đồ sử dụng toàn bộ đời sống Cơ đốc của họ tại Ghinh ganh. Họ không hề lớn lên và họ không hề rời khỏi địa điểm của những khởi đầu. Có người đi xa tận Bêtên. Họ nắm bắt khải tượng công việc lớn lao của Đức Chúa Trời, những điều cần phải thực hiện. Họ nhìn thấy các nhu cầu, họ cảm thấy sức kéo, nhưng họ không hề bước qua địa điểm đáng mơ ước về những gì họ phải làm. Họ không hề giở chơn bước kế tiếp để biến các chiêm bao và hiện thấy kia thành hiện thực.
Bêtên – Địa điểm của sự nên thánh (các câu 2-3)
“Ê-li nói với Ê-li-sê rằng: Ta xin ngươi hãy ở đây; vì Đức Giê-hô-va sai ta đi đến Bê-tên. Ê-li-sê thưa với người rằng: Tôi chỉ Đức Giê-hô-va hằng sống và chỉ mạng sống thầy mà thề rằng, tôi chẳng hề lìa khỏi thầy. Như vậy, hai người đi xuống Bê-tên. Các môn đồ của những tiên tri ở tại Bê-tên đến nói với Ê-li-sê rằng: Anh có biết rằng ngày nay Đức Giê-hô-va sẽ cất thầy của anh lên khỏi anh chăng? Người đáp: Phải, ta biết; các ngươi hãy làm thinh đi!”
Ba lần Êli thử Êlisê xem coi Êlisê có ở lại với ông cho đến cuối cùng hay không!?! Sau nhiều tháng trời đào tạo kỹ lưỡng Êli muốn biết Êlisê có đạt tới mức chịu đựng sự thách thức hay không, có phải ông quyết định đi theo và ở lại với Ê-li cho đến mức cuối hay có phải ông sẽ bị áp đảo với trách nhiệm nối theo sau sự ra đi của Êli. Đây là lần thử nghiệm về lòng trung thành và là một thử nghiệm về sự bền đỗ. Đây là cách nói của Êli với người của mình: "Ta sắp sửa rời khỏi ngươi. Ngươi có thể chịu đựng nổi không?"
Phần thử nghiệm đầu tiên được thấy có ở câu 2, ở đây Êli bảo Êlisê phải ở lại đàng sau tại Ghinh ganh đang khi ông tự mình tiếp tục đi đến Bêtên. Êlisê sẽ không nghe theo, ông phải biết chắc rằng mình sẽ trung thành với Êli cho tới giây phút sau cùng của cuộc đời mình.
Chính ở tại Bêtên mà vị tộc trưởng Giacốp đã gặp gỡ Đức Chúa Trời, Sáng thế ký 28:11-22. Bêtên chỉ ra địa điểm của sự đầu phục và nương cậy hoàn toàn vào Đức Giêhôva.
Giêricô – Địa điểm của mọi đắc thắng trong quá khứ (các câu 4-5)
“Ê-li nói với Ê-li-sê rằng: Ta xin ngươi hãy ở đây, vì Đức Giê-hô-va sai ta đi đến Giê-ri-cô. Ê-li-sê lại thưa rằng: Tôi chỉ Đức Giê-hô-va hằng sống và chỉ mạng sống thầy mà thề rằng, tôi chẳng hề lìa khỏi thầy. Như vậy, hai người đi đến Giê-ri-cô. Các môn đồ của những tiên tri ở tại Giê-ri-cô đến gần Ê-li-sê, nói với người rằng: Anh có biết rằng ngày nay Đức Giê-hô-va sẽ cất thầy của anh lên khỏi anh chăng? Người đáp: Phải, ta biết; các ngươi hãy làm thinh đi!”
Giờ đây, lần thứ hai Êli thử Êlisê bằng cách yêu cầu Êlisê nên ở lại đàng sau trong khi ông đi khoảng 15 dặm về phía Đông Nam đến thành Giêricô. Thế nhưng một lần nữa Êlisê không chịu rời khỏi Êli. Hai lần Êli đã tìm cách buộc Êlisê phải ở lại, lần đầu tại Ghinh ganh và kế đó tại Bêtên trong khi ông cứ tiến tới trước trong chuyến hành trình của mình. Và hai lần Êlisê từ chối không chịu rời khỏi vị tiên tri.
Giêricô rất quan trọng vì chính ở đây dân Israel có chiến thắng quân sự lần đầu tiên của họ trong đất hứa (Giôsuê 6). Giêricô cũng là thị trấn biên giới. Đi qua địa điểm nầy là bước vào vùng lãnh thổ mới và hoang dã.
Đôi khi các tín đồ phạm lỗi một khi cứ bám trụ lấy Giêricô, với nhận định rằng họ đang sống trong vinh quang của những lần đắc thắng của quá khứ. Họ nhớ lại những gì đã xảy ra ở đó, rồi quên rằng cũng chính Đức Chúa Trời là Đấng đã chúc phước khi ấy và hiện nay Ngài cũng mong muốn ban phước nữa.
Giôđanh – Địa điểm của sự Vượt Qua (các câu 6-7)
“Ê-li nói với người rằng Ta xin ngươi hãy ở đây, vì Đức Giê-hô-va sai ta đi đến Giô-đanh. Ê-li-sê thưa rằng: Tôi chỉ Đức Giê-hô-va hằng sống và chỉ mạng sống thầy mà thề rằng, tôi chẳng hề lìa khỏi thầy. Như vậy, hai người cứ đi với nhau. Có năm mươi người trong các môn đồ của những tiên tri đi theo, đứng cách xa đối ngang Giô-đanh; còn Ê-li và Ê-li-sê đứng lại tại mé sông”.
Lần thứ ba Êli đã tìm cách thuyết phục Êlisê phải ở lại đàng sau, và lần thứ ba Êlisê từ chối không chịu thuyết phục. Quyết định của Êlisê nhắc cho chúng ta nhớ đến quyết định của Rutơ phải đi theo Naômi cho dù bà đã ngã lòng không muốn như thế: Rutơ nói: “Xin chớ nài tôi phân rẽ mẹ; vì mẹ đi đâu, tôi sẽ đi đó; mẹ ở nơi nào, tôi sẽ ở nơi đó. Dân sự của mẹ, tức là dân sự của tôi; Đức Chúa Trời của mẹ, tức là Đức Chúa Trời của tôi” (Rutơ 1:16).
Êlisê quyết định không nhìn lại sau là một tấm gương cho hết thảy những ai muốn có ơn phước đầy trọn của Chúa giáng trên chức vụ của họ. Chúa Jêsus từng cảnh cáo các môn đồ: “Ai đã tra tay cầm cày, còn ngó lại đằng sau, thì không xứng đáng với nước Đức Chúa Trời” (Luca 9:62).
Giôđanh rất quan trọng vì đây là chướng ngại mà Israel phải băng qua để vào Đất Hứa. Và vì cớ đó, sông Giôđanh là đường biên giới tiêu biểu cho việc bước vào Đất Hứa thuộc linh. Vì vậy việc băng qua sông Giôđanh tiêu biểu cho sự chết. Đây là những chướng ngại lắm gay go có ít người muốn vượt qua.
Như tôi đã nói rồi, chuyến đi của Êli cho chúng ta thấy sự tiến bộ của đời sống Cơ đốc bình thường. Thứ nhứt, hết thảy chúng ta phải có kinh nghiệm Ghinh ganh kia. Nghĩa là, ở đó phải là thời điểm của những khởi đầu, khi chúng ta gặp gỡ Chúa Jêsus với một tư thế riêng tư.
Tiếp đến, khi chúng ta tấn tới trong Chúa và học biết cầu nguyện, chúng ta đến với Bêtên nọ trọn lúc chúng ta đồng đi với Chúa Jêsus. Ở Bêtên, chúng ta học biết ăn ở trong sự nương cậy nơi Chúa. Đây là địa điểm của sự trưởng thành.
Hiển nhiên là chúng ta sẽ đối diện với chính sông Giôđanh của mình. Chúng ta sẽ đến mức cuối của chuyến hành trình giống như Êli đã đến vậy.
Thứ hai, một đòi hỏi sau cùng (các câu 8-10)
“Ê-li bèn lấy áo tơi mình, cuốn lại, đập trên nước; nước bèn rẽ ra hai bên, và hai người đều đi ngang qua trên đất khô. Khi đi qua rồi, Ê-li nói với Ê-li-sê rằng: Hãy xin điều ngươi muốn ta làm cho ngươi, trước khi ta được cất lên khỏi ngươi. Ê-li-sê thưa rằng: Nguyền xin thần của thầy cảm động tôi được bội phần. Ê-li nói với người rằng: Ngươi cầu xin một sự khó. Song nếu ngươi thấy ta lúc ta được cất lên khỏi ngươi, ắt sẽ được như lời bằng chẳng, thì không được”.
Sau khi ông thi hành phép lạ sau cùng của mình, ông xây sang Êlisê rồi đưa ra một đề nghị thật khó tin: “Hãy xin điều ngươi muốn ta làm cho ngươi, trước khi ta được cất lên khỏi ngươi” (câu 9b). Không nháy mắt, Êlisê đáp: “Nguyền xin thần của thầy cảm động tôi được bội phần [phần bằng hai, theo bảng Kinh thánh Anh ngữ]”(câu 9c).
Tôi phải nhìn nhận rằng tôi đã gặp rắc rối bởi lời cầu xin của Êlisê về “phần bằng hai” về thần của Êli (câu 9). Ít nhất là ở bề mặt, lời cầu xin của ông có một chút tham vọng đấy. Song như một nhà giải kinh nói:
“Nếu Êlisê nghĩ Êli là một người có hai phần, khi ấy trong lý trí ông có hai phần Thánh Linh mới có thể giúp ông đảm đương nổi chức vụ của mình. Tôi không thấy một người có tham vọng ở đây, tôi nhìn thấy một người khiêm nhường; ông ao ước ân điển có cần cho ông để thi hành chức vụ sao cho mỹ mãn” [Bob Deffinbaugh. “The Life and Times of Êli the Prophet – Chariots of Fire.” www. Bible.org]
Vì vậy, Êlisê trong lời cầu xin của ông về một phần bằng hai không phải là xin cho có quyền năng nhiều hơn Êli đâu, mà thay vì thế đây là sự công nhận rằng ông sẽ cần hai lần sự trợ giúp thiêng liêng nếu ông cưu mang lấy chức vụ của Êli.
Chúng ta cũng cần phải nhớ rằng trong thời Cựu Ước, người con trưởng đã nhận một phần bằng hai tài sản của cha mình (Phục truyền 21:17). Tất nhiên là Êlisê chẳng phải là con đẻ của Êli, song ông là con thuộc linh của Êli. Còn Êli thì biết rõ Êlisê sẽ là người kế tục của mình (I Các Vua 19:6) và ông đã chuẩn bị cho Êlisê hơn mấy năm rồi.
Êli đáp lại bằng cách nói: "Ngươi cầu xin một sự khó" (câu 10). Nói khác đi, những gì ông đang cầu xin thì trổi hơn năng lực chấp nhận của ông, đây là một sự ban cho mà chỉ có Đức Chúa Trời mới có thể cung ứng. Khi ấy, ông thêm một điều kiện quan trọng: “… nếu ngươi thấy ta lúc ta được cất lên khỏi ngươi, ắt sẽ được như lời bằng chẳng, thì không được” (câu 10).
Êli nói: "Ngươi có thể có quyền phép nếu ngươi thấy ta được cất đi". Không những ông có ý nói ngươi nhìn thấy ta tận mắt, mà nếu Đức Chúa Trời ban cho ngươi cái thấy thuộc linh để hiểu, nếu Ngài mở con mắt lòng của ngươi ra. Chúng ta nhìn thấy một trường hợp về cái thấy thuộc linh nầy ở II Các Vua 6.
Vì Êlisê đã từ chối không chịu rời đi hay bối rối, Êlisê đã nhận lãnh chính xác những gì ông đã cầu xin.
Thứ ba, ra đi đột ngột (các câu 11-14)
“Hai người cứ vừa đi vừa nói với nhau, kìa, có một cái xe lửa và ngựa lửa phân rẽ hai người; Ê-li lên trời trong một cơn gió lốc. Ê-li-sê nhìn thấy, bèn la lên rằng: Cha tôi ôi! cha tôi ôi! là xe và lính kỵ của Y-sơ-ra-ên! Đoạn, Ê-li-sê không còn thấy người nữa; rồi người nắm áo mình xé ra làm hai mảnh. Ê-li-sê bèn lấy cái áo tơi đã ở nơi mình Ê-li rơi xuống, trở về, đứng tại trên mé Giô-đanh. Người lấy cái áo tơi đã ở nơi mình Ê-li rơi xuống, đập nước, và nói rằng: Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Ê-li ở đâu? Khi người đã đập nước rồi, nước bèn rẽ ra hai bên, và Ê-li-sê đi ngang qua”.
Trong khi phần nhiều nếu không phải là hầu hết chúng ta đều có ý tưởng không đúng cho rằng Êli được đưa về trời trên một chiếc xe ngựa lửa, như thế không phải là trường hợp. Phân đoạn Kinh thánh không nói cho chúng ta biết Êli bước vào xe ngựa lửa rồi điều khiển xe ấy lên trời. Phân đoạn ấy cho chúng ta biết rằng xe và lính kỵ của Israel đã hiện ra, phân rẻ Êli ra khỏi Êlisê. Kinh thánh thực sự cho chúng ta biết rằng Êli đã được đưa lên trời “trong một cơn gió lốc” (câu 11). Có thể là xe ngựa lửa là những sự tỏ ra về sự hiện diện thiêng liêng của Đức Chúa Trời, thì có lợi cho Êlisê hơn là cho Êli.
Êli phải rời đi để Êlisê nắm lấy chức vụ của ông. Cũng một thể ấy trong từng thế hệ. Nhiều lãnh tụ dấy lên, lãnh đạo, đánh trận cho Đức Chúa Trời, và rồi tới giờ chỉ định, họ rời khỏi bối cảnh, có nhiều người Đức Chúa Trời dấy lên để thay thế họ. Không một ai trong chúng ta là cần thiết mãi trong Nước của Đức Chúa Trời được. Chẳng sớm thì muộn, Đức Chúa Trời sẽ di dời chúng ta hay ai đó ra khỏi chức vụ mà chúng ta đang bám trụ lấy. Bất luận chúng ta nghĩ chúng ta quan trọng đến ngần nào hay người khác có thể nghĩ chúng ta là cần thiết cho công việc, cho nhà thờ, cho gia đình, hay cho xứ sở của chúng ta, người duy nhứt thực sự có cần chính là CHÚA!
Bộ bạn không nghĩ cần phải dạn dĩ nắm lấy chiếc áo choàng kia rồi đập vào sông Giôđanh sao? Ông đã nhìn thấy Êli phân rẻ dòng nước, nhưng liệu chính việc ấy có xảy ra cho ông không? Êli đã đi rồi, nhưng có phải Đức Chúa Trời của Êli cũng đi luôn không? Đấy luôn luôn là một câu hỏi quan trọng.
Êli là độc nhất vô nhị trong một đôi phương thức. Thứ nhứt, ông độc nhất vô nhị trong chỗ Kinh thánh nói ông là một trong hai người còn sống rồi rời khỏi bối cảnh mà không qua sự chết, Hênóc là người thứ nhứt. Hênóc là người khác duy nhứt được ơn đi thẳng từ đất lên trời mà không kinh qua sự chết: “Hê-nóc đồng đi cùng Đức Chúa Trời, rồi mất biệt, bởi vì Đức Chúa Trời tiếp người đi” (Sáng thế ký 5:24).
Và thứ hai, Êli là độc nhất vô nhị trong chỗ Kinh thánh nói rằng Êli sẽ có một chức vụ liên tục. Tiên tri Malachi nói trước: “Nầy, ta sẽ sai đấng tiên tri Ê-li đến cùng các ngươi trước ngày lớn và đáng sợ của Đức Giê-hô-va chưa đến" (Malachi 4:5). Bốn trăm năm sau, Chúa Jêsus phán về Giăng Báptít: "Thì ấy là Ê-li, là đấng phải đến" (Mathiơ 11:14). Ngài muốn nói rằng Giăng Báptít đã đến trong tinh thần và quyền phép của Êli (Luca 1:17). Và sau đó Êli hiện ra trên Núi Hóa Hình với Chúa Jêsus, Phierơ và Giăng (Mác 9:2-8). Sẽ có một chức vụ sau cùng dành cho Êli, hai chứng nhân trong Khải huyền 11 sẽ giống rất nhiều với Môise and Êli,
Phần kết luận: Vì vậy, cho phép tôi hỏi bạn: “Nếu đây là ngày cuối cùng của bạn, bạn sẽ sử dụng nó như thế nào?” Bạn sẽ làm gì? Đối với những người nhìn biết Chúa, sự chết chẳng có gì phải sợ hãi. Thì giờ của chúng ta trên hành tinh địa cầu bất luận có lâu dài đến ngần nào, vèo một cái, rồi chúng ta bay mất đi. Chúng ta có mặt ở đây hôm nay rồi qua đi ở ngày mai. Đây là lời lẽ tuyệt vời sau cùng ra từ đời sống của Êli.
Êli lên trời.
Êlisê lãnh lấy công việc của ông.
Công việc của Đức Chúa Trời đang tiếp diễn.
Công việc ấy tiếp tục vì Đức Chúa Trời đang tiếp tục.
Trong phần kết thúc, chúng ta cần phải tự hỏi mình hai câu:
1. Tôi có giống như Êli, tìm cách để trở thành nguồn phước cho tha nhân cho tới chừng Chúa cất tôi về quê hương?
2. Tôi có giống như Êlisê, phục theo ơn kêu gọi trên đời sống tôi bất luận là như thế nào?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét