Thứ Ba, 18 tháng 10, 2011

Khải huyền 2:1-7: " KHI CHÚA JÊSUS ĐẾN VỚI HỘI THÁNH"

KHI CHÚA JÊSUS ĐẾN VỚI HỘI THÁNH
Khải huyền 2:1-7

Nếu Chúa Jêsus đến viếng hội thánh của bạn, Ngài sẽ nói gì về cuộc thăm viếng ấy?
Liệu Ngài có ấn tượng bởi các thứ đang gây ấn tượng cho người khác không?
Liệu Ngài có phê phán gì về ngôi nhà thờ của bạn không?
Liệu Ngài có nhắc tới tầm cỡ hội chúng của bạn không?
Liệu Ngài có chú ý bao nhiêu tiền được dâng hiến trong tuần qua không?
Liệu Ngài có cảm nhận giống như kẻ ở ngoài nhà thờ không?
Quí Mục sư luôn luôn cảm thấy lên thần kinh khi có ai đó nói: “Tôi đến viếng nhà thờ của ông Chúa nhật qua và . . ."
Chính các thứ đến sau chữ “và” đó làm cho chúng ta phải lo lắng.
Sẽ ra sao nếu chính mình Chúa Jêsus ghé qua?
Liệu vị Mục sư có muốn chịu khó làm việc hơn với bài giảng của ông không? (Câu trả lời là “có”).
Cách đây nhiều năm John Stott đã viết một quyển sách nhỏ rất hay có đề tựa là What Christ Thinks of the Church [Những Điều Đấng Christ Nghĩ Về Hội Thánh] dựa theo các thư tín gửi cho bảy Hội thánh ở Khải huyền 2-3. Bản thân quyển sách là hay rồi, song chính cái đề tựa kia cuốn lấy sự chú ý của chúng ta.
Chúa Jêsus nghĩ gì về Hội thánh?
Ngài nghĩ gì về Hội thánh mà bạn đến nhóm lại?
Cảm tạ Chúa, chúng ta không bị bỏ lại để lấy làm lạ về thắc mắc rộng lớn hơn: Với bài giảng nầy, chúng ta đang khởi sự một loạt bài gồm có bảy phần căn cứ vào các thư tín gửi cho các Hội thánh ở Khải huyền 2-3. Vì cớ các bức thư rất ngắn, chúng ta gọi loạt bài nầy là Email gửi đến từ Chúa Jêsus. Trong bảy bức thư nầy, Chúa chúng ta cung ứng một cuộc thăm viếng mục vụ với các hội thánh địa phương khác nhau vào thế kỷ thứ nhứt. Trong từng trường hợp, Ngài đưa ra một sứ điệp thích ứng với hội chúng ấy tại nơi ấy ngay thời điểm ấy trong lịch sử. Đấy là tất cả các hội thánh hiển nhiên ở Tiểu Á (phần phía Tây của Thổ nhĩ Kỳ ngày nay) họ đang vật vã với sự bắt bớ và sự cám dỗ phải thỏa hiệp về đạo đức và về mặt thuộc linh. Có hội thánh (như Simiệcnơ) đã đối diện với sự bắt bớ nhiều hơn các hội thánh khác. Có hội thánh (như Thiatirơ) đã đối diện với các vấn đề hư hỏng về mặt đạo đức ở bên trong hội thánh. Hội thánh ở trong tình trạng gây đố kỵ nhất về mặt kinh tế (Laođixê) nhận lãnh lời cảnh báo gay gắt nhất từ nơi Chúa.
Đọc Khải huyền 2-3 giống như đọc email của ai đó vậy. Đây là các hội thánh thực đầy dẫy với con người thực đang vật vã với các nan đề thực. Mặc dù 2000 năm phân cách chúng ta với họ, các nan đề của họ chẳng khác biệt nhiều với mọi nan đề của chúng ta. Khi chúng ta lần lượt đi qua bảy thư tín nầy, chúng ta sẽ nhìn thấy bản thân mình và các nhà thờ của chúng ta theo một ánh sáng mới.
Chúng ta cần loạt bài nầy vì thật là dễ suy nghĩ rằng bao lâu hội thánh còn bận rộn, mọi sự đều sẽ suông sẻ hết. Tôi có nhiều thì giờ để suy nghĩ về điều nầy vì phần lớn nhất trong chức vụ của tôi đã được sử dụng ở hội thánh địa phương. Khi tôi nhìn lại các năm tháng được sử dụng khi làm Mục sư quản nhiệm ở California, Texas, và Illinois, tôi có nhiều ký ức tốt đẹp và cũng có nhiều điều phải hối tiếc. Tôi nhớ có nhiều lần khi tôi lấy làm lạ: “Chúng ta thực sự đang sống như thế nào đây?” Thật là khó biết trả lời cho thắc mắc đó một khi bạn đang ở dưới giao thông hào. Chúng ta có khuynh hướng hình dung ra câu trả lời bằng các con số: những người đang có mặt, y như họ nói vậy. Và các việc ấy tạo thành vấn đề. Số tiền chúng ta dâng chỉ ra một việc quan trọng, và số người cho thấy cũng là việc quan trọng đấy. Người ta bỏ phiếu với túi tiền của họ và với đôi chân của họ mỗi ngày Chúa nhật. Chúng ta đánh giá các hội thánh theo cách đó.
Rõ ràng, Chúa Jêsus không đánh giá như vậy.
Đây là một cú sốc.
Vậy, Chúa Jêsus tìm điều gì khi Ngài đến với Hội thánh? Bảy bức thư nầy cung ứng một câu trả lời quan trọng.
Với mọi sự ấy làm nền, chúng ta có thể bắt đầu. Bức thư thứ nhứt gửi đến Êphêsô, một thành phố liên minh chính trong thế giới cổ. Vì cớ địa thế của nó là một thành phố cảng nằm trên bờ biển Aegean, trong nhiều phương thức thì thành nầy là siêu thị của Á châu. Đây cũng là quê hương của Đền Thờ Artemis (cũng gọi là Diana), một trong bảy kỳ quan của thế giới cổ. Ba con đường chính giao nhau tại thành Êphêsô, biến nó thành cửa ngõ đến các tỉnh thành Lamã về phía Đông. Thành phố là một trung tâm quốc tế rất rộn ràng, một nơi mà Sứ đồ Phaolô để ra hai năm cho việc thiết lập một hội thánh ở đó (Công Vụ các Sứ Đồ 19). Về sau, ông viết thư tín Êphêsô trong Tân Ước gửi cho hội chúng nầy. Trải qua nhiều năm tháng, hội thánh đã được dạy dỗ bởi Phaolô, Abôlô, Timôthê, và chắc chắn là bởi sứ đồ Giăng. Chưa có một nhà thờ nào trong thế kỷ đầu tiên được như thế.
Một Lời Khen Ngợi
Thư tín đến từ Chúa Jêsus mở ra với một sự nhắc nhớ rằng Chúa Jêsus có đầy đủ tư cách để viết vì Ngài “cầm bảy ngôi sao trong tay hữu và đi chính giữa bảy chân đèn vàng” (câu 1). Bảy ngôi sao là các thiên sứ của bảy hội thánh. Bảy chân đèn vàng là bảy hội thánh kia (Khải huyền 1:20). Đây là lời tốt lành dành cho quí Mục sư và các cấp lãnh đạo khác trong hội thánh, là những người cảm thấy giống như họ đang thường xuyên ở dưới một kính hiển vi vậy. Đừng sợ hãi. Quí vị bị chính mình Chúa nắm chặt lấy. Ngài biết rõ quí vị, Ngài đang nhìn xem quí vị, và Ngài không quên quí vị đâu.
Có nhiều điều để khen ngợi về Hội thánh tại thành Êphêsô. "Ta biết công việc ngươi” (câu 2).
Họ có lòng sốt sắng nhiều dành cho Chúa. Đây là một hội chúng bận rộn, chịu khó làm việc, phục vụ có định hướng. Họ không ngồi đấy để đấm lưng cho nhau đâu. Họ rất sốt sắng phục vụ Chúa. Họ đã có tấm lịch trong nhà thờ phủ kín hết với các sự kiện, chương trình, những buổi nhóm lại, và đầy các chương trình truyền giảng Tin Lành cho cộng đồng.
Nhưng chẳng phải là bấy nhiêu đâu. Họ còn không dung chịu được hạng giáo sư giả nữa kìa (câu 2). Chúng ta chưa từng nghe điều nầy được nói lên về một hội thánh ngày nay. Nếu một vị Mục sư nói rằng Chúa Jêsus là con đường duy nhứt dẫn tới thiên đàng, chắc chắn người sẽ bị xem là một kẻ mù quáng. Hãy để cho một giáo sư Cơ đốc nói nghịch với cuộc hôn nhân phóng đảng, và chắc chắn bà ấy sẽ rơi vào chỗ rối rắm và sẽ mất công tác của mình. Hôm nay rất thích ứng để giữ lấy nhận định tiêu cực cho chính mình bạn đấy. Rốt lại, chúng ta không muốn liều lĩnh xúc phạm chính những người mà chúng ta tìm cách làm chứng cho họ.
Hội thánh tại thành Êphêsô rõ ràng chẳng có vấn nạn ấy. Họ đã thử các “sứ đồ giả” rồi quăng họ ra khỏi hội chúng. Họ cũng cự tuyệt sự dạy của đảng Nicôla, một đảng phái kỳ lạ trong hội thánh đầu tiên, họ dạy dỗ “tự do trong Đấng Christ” có nghĩa là bạn có quyền tự do phạm tội mà không bị hình phạt. Họ muốn nhà thờ phải có tính đa nguyên về tôn giáo. Họ muốn nhập nhằng với hình thái đa thần chung quanh. Họ là những người thỏa hiệp về tình dục thuần khiết, họ nói ra những việc như “Thân thể tôi là của tôi, tôi có thể làm bất cứ điều chi tôi muốn với nó mà vẫn trụ lại trong chỗ phải lẽ với Đức Chúa Trời”. Hãy chú ý, Chúa Jêsus thực sự phán Ngài “ghét” những việc làm của đảng Nicôla (câu 6). Đấy chính là sai sót về mặt chính trị nên Chúa Jêsus mới phán dạy như thế. Họ dạy rằng Chúa Jêsus vốn yêu thương mọi người và không thù ghét bất cứ ai hay bất cứ điều gì. Nhưng Chúa Jêsus đấy chẳng phải là Chúa Jêsus của Tân Ước.
Hơn nữa, hội thánh đã chịu đựng sự bắt bớ mà chẳng hề sờn ngã. Hội thánh tại thành Êphêsô có rất nhiều kẻ thù. Không một điều gì thực sự thay đổi trong 2000 năm. Ngày nay, chúng ta đọc về các Cơ đốc nhân nói tiếng Hylạp ở Aicập đã bị cảnh sát giết chóc. Ở Iran, Mục sư Youcef Nadarkhani đang bị nhốt trong tù, bị kết án tử hình vì bội đạo do trở thành Cơ đốc nhân và rồi từ chối không chịu chối bỏ đức tin mình. Bức thư thật hùng biện của ông viết từ trong tù đã được dán lên mạng. Đây là một phần những gì ông đã viết:
Những gì chúng ta đang hứng chịu hôm nay, là một sự khó khăn song chẳng phải là hoàn cảnh không thể chịu nổi đâu, Ngài không để cho chúng ta chịu đựng quá sức đâu. Và như chúng ta đã biết từ trước, chúng ta phải tỉnh thức không được thất bại, mà phải càng tấn tới trong sự thông biết Chúa và Cứu Chúa Jêsus Christ chúng ta, và hãy xem nhà tù và những va chạm nầy là những cơ hội để làm chứng cho danh của Ngài.
Chúng ta phải gọi đấy là “đức tin của người thành Êphêsô” vì đấy chính xác là điều Chúa chúng ta đang khen ngợi trong sứ điệp của Ngài gửi cho Hội thánh nầy.
Đúng đấy là một Hội thánh lớn. Chịu khó làm việc, lấy Kinh thánh làm trung tâm, can đảm, đầy dẫy với những con người dám đương đầu và không bao giờ nhượng bộ. Ai không muốn mình là chi thể của một Hội thánh như thế chứ?
Nhưng, còn có nhiều điều trong câu chuyện nữa đấy.
Một Lời Quở Trách
Khi Đấng Christ nhìn vào một hội thánh, Ngài dò xét dưới bề mặt để nhìn thấy thực tại đang có ở đó. Trong trường hợp nầy mọi sự tốt lành mà hội thánh đã làm bị phủ lút bởi một thực tại đáng buồn.
Họ đã đánh mất tình yêu ban đầu (câu 4).
Họ không còn yêu mến Chúa Jêsus nhiều nữa.
Không cứ cách nào đó ở giữa tình trạng bận rộn tin kính của họ và mọi chỗ đứng của họ cho lẽ thật, không cứ cách nào đó, không biết ở chỗ nào đó, họ đã gạt Đấng Christ ra khỏi hội thánh của họ.
Điều đó khả thi chăng?
Điều đó phải khả thi vì đấy là những gì đã xảy ra tại thành Êphêsô. Một người lấy làm lạ không biết Phaolô có nhận ra vấn đề nầy ba mươi năm trước khi ông viết cho người thành Êphêsô và cầu nguyện để họ: "đâm rễ vững nền trong sự yêu thương, được hiệp cùng các thánh đồ mà hiểu thấu bề rộng, bề dài, bề cao, bề sâu của nó là thể nào" (Êphêsô 3:17-18). Có phải Phaolô nhìn lại thuở ban đầu rồi thấy hội thánh lớn nầy sẽ thiếu tình yêu thương chăng?
Đây là phần đáng buồn nhất.
Đấng Christ vốn biết rõ họ chẳng yêu mến Ngài.
Có lẽ khi Giăng ghi lại mấy lời nầy của Chúa Jêsus, ông đã nhớ tới một thời điểm khác, nhiều năm trời trước kia, khi Đấng Christ hỏi Phierơ không phải một lần, mà là ba lần: “Ngươi yêu ta chăng?” (Giăng 21:15-17). Phierơ, đã bối rối và thấy xấu hổ vì cớ ông phản bội ở sân thầy tế lễ, thốt ra câu nói mà bất kỳ ai trong chúng ta sẽ nói: “Lạy Chúa, Ngài biết con yêu Ngài!”
Những gì đã xảy ra cho Phierơ có thể xảy ra cho bất kỳ ai trong chúng ta. Tôi e rằng những gì đã xảy ra ở Êphêsô rất giống với những gì hiện có ở giữa vòng chúng ta. Thật dễ dàng dùng tri thức thay thế cho một tấm lòng ấm áp dành cho Chúa Jêsus dường bao. Chúng ta mau mắn xưng công bình tấm lòng chai cứng của chúng ta bằng cách chỉ vào thái độ mộ đạo với dự tính tốt dường bao.
Tôi phải trưng dẫn điều nầy từ Michael Horton có thể áp dụng tương xứng với người thành Êphêsô và với chúng ta: “Chúng ta có thể đánh mất Đấng Christ do xao lãng cũng dễ dàng như sự chối bỏ”. Tôi nghĩ đấy là những gì đã xảy ra ở thành Êphêsô. Họ đã xao lãng đối với Chúa Jêsus, và đang trên tiến trình họ đánh mất Ngài.
Nhưng Chúa Jêsus không bỏ qua đâu.
câu 5, Ngài cung ứng cho họ một phần mô tả rất là thách thức:
Hãy nhớ lại sự thể sao lại xảy ra như thế.
Hãy ăn năn – hãy đổi ý và đổi lòng của bạn.
Làm lại những công việc ban đầu.
Điều nầy áp đảo tôi giống như một mệnh lệnh nổi bật vì đấy là một lẽ thật quan trọng về mặt thuộc linh. Bạn không thể kiếm được tình yêu ban đầu của mình chỉ qua một đêm đâu. Hãy hỏi bất kỳ đôi vợ chồng nào đã nếm trải cơn khủng hoảng về hôn nhân xem. Một cuộc hôn nhân không xấu đi chỉ qua một đêm, và nó không được phục hồi chỉ qua một đêm.
Sự chữa lành cần có thời gian.
Cũng một thể ấy trong lãnh vực thuộc linh. Và hết thảy bắt đầu với một ký ức tốt đẹp. "Vậy hãy nhớ lại ngươi đã sa sút từ đâu!” (câu 5). Hãy suy nghĩ mọi điều bạn từng có, có thể là một việc tốt lành nếu nó dẫn bạn tới hành động thực tiễn. Tôi thường bảo dân sự phấn đấu về mặt thuộc linh, họ cần phải nắm lấy “những bước nhỏ hướng tới sự sáng”. Nếu bạn cứ giữ lấy việc đi đúng hướng, thì chẳng bao lâu nữa bạn sẽ ra khỏi chốn tối tăm rồi bước vào sự sáng láng của tình yêu của Đức Chúa Trời.
Hết thảy chúng ta đều ưa thích một lời cầu nguyện thật nhanh ở bàn thờ. Trong thời đại cái gì cũng có liền nầy, không một ai muốn chờ đợi cả. Chúng ta muốn tập trung thật nhanh để nhanh chóng sửa ngay lại mọi việc. Lời lẽ của Chúa Jêsus nhắc cho chúng ta nhớ đang khi sự chữa lành là khả thi, nó phải bắt đầu trong tấm lòng và trong lý trí.
Khi Chúa Jêsus gặp một người bị liệt trong 38 năm, Ngài hỏi ông ta một câu quan trọng:
“Ngươi có muốn lành chăng?” (Giăng 5:6).
Tại sao Ngài lại đưa ra một câu hỏi như thế chứ?
Tôi nghĩ Chúa Jêsus đang thăm dò cấp độ của ý chí. Ngài đang phán: “Ngươi có thực sự muốn được thay đổi không?” Nếu câu trả lời là “có”, thì phép lạ có thể xảy ra. Nếu câu trả lời là “không”, thì ngay cả Chúa Jêsus cũng không thể giúp gì được cho bạn.
Hết thảy chúng ta đều đối diện với cùng sự thách thức ấy hôm nay. Có phải chúng ta đang suông sẻ đây và chúng ta không muốn thay đổi? Nếu thực vậy, thì Chúa Jêsus chẳng còn gì để nói với chúng ta nữa. Nhưng nếu chúng ta cảm thấy sự lay động của Đức Chúa Trời ở bên trong, thế thì chúng ta sẽ làm theo những gì Đấng Christ truyền dạy ở Khải huyền 2.
Chúng ta sẽ suy gẫm các phước hạnh trong quá khứ.
Chúng ta sẽ ăn năn về lối sống lấy cái tôi làm trọng.
Chúng ta sẽ làm lại “các công việc ban đầu”.
Tôi thấy rất hay ở chỗ Chúa Jêsus không định rõ các “công việc ban đầu”. Cũng rất là cám dỗ cho nhà truyền đạo phải đưa ra bản danh sách những điều “phải làm” mà ông ưa thích tại điểm nầy, thường là các việc lành như đọc Kinh thánh, cầu nguyện, suy gẫm, thờ phượng, và còn nhiều điều nữa. Nhưng khi bị hỏi đâu là mạng lịnh lớn lao nhất (Mathiơ 22:34-40), Chúa Jêsus đã tóm tắt toàn bộ luật pháp trong hai câu nầy:
Hết lòng kính sợ Đức Chúa Trời.
Yêu mến người lân cận như mình.

Bấy nhiêu cũng sẽ là đủ cho chúng ta nữa đấy. Hãy thực hiện những hành động yêu thương và không lâu sau đó các cảm xúc yêu thương sẽ theo sau. Chúng ta thường bảo những đôi vợ chồng bất hạnh: “Hãy hành động giống như thể bạn yêu người bạn đời của mình mặc dù lúc đó bạn chẳng cảm biết gì hết”. Chúng ta nói như thế vì bản thân hành động theo lối cảm xúc mới thì dễ hơn là bản thân cảm xúc theo một hành động mới.
Lời nói cảnh cáo
Chúng ta không bỏ qua lời lẽ trang trọng của Chúa Jêsus ở câu 5b: “nếu ngươi không ăn năn thì ta sẽ cất chân đèn của ngươi khỏi chỗ nó”. Chân đèn tiêu biểu cho sự tán thưởng của Đức Chúa Trời về bản thân Hội thánh. Không một hội thánh nào có lời xưng nhận vô hạn về phước hạnh của Đức Chúa Trời. Bất kỳ hội thánh nào cũng có thể có “chân đèn” của nó sẽ bị Chúa dời đi.
Cho phép tôi hỏi một câu mà tôi chưa có câu trả lời nào hết. Làm sao một Hội thánh nhận biết lúc nào chân đèn của nó bị dời đi? Tôi đề nghị rằng bản thân hội thánh sẽ không bao giờ biết được vì theo một ý nghĩa chẳng có gì sẽ thay đổi. Đức Chúa Trời sẽ buông tay Ngài ra khỏi Hội thánh và mọi sự sẽ cứ tiếp tục như thường lệ.
Nhà truyền đạo sẽ rao giảng.
Ca đoàn sẽ hát.
Những ngọn đèn sẽ chiếu sáng.
Hệ thống âm thanh sẽ hoạt động.
Trường Chúa nhật sẽ nhóm lại.
Ban chấp sự sẽ lãnh tiền dâng.
Hướng dẫn thờ phượng sẽ cứ hướng dẫn.
Dân sự sẽ vỗ tay.
Chấp sự sẽ cầu nguyện.
Thanh thiếu niên sẽ vẫn nhóm bình thường.
Và Đức Chúa Trời sẽ không hiện diện ở đó.
Khi ấy sẽ là tôn giáo không hiện thực, giảng dạy không có năng quyền, và hội thánh không có Chúa Jêsus.
Sự thực đáng buồn, ấy là hội thánh tại thành Êphêsô chắc chắn bị đình chỉ không còn tồn tại nữa. Chắc chắn hội thánh ấy không còn tồn tại nữa. Nhưng có lẽ thà như thế thì tốt hơn: là hội thánh mà Chúa Jêsus lại vắng mặt.
Lời Mời Gọi
Thế là chúng ta đến với câu hỏi quan trọng nầy: Có phải chúng ta đang lắng nghe những gì Đức Chúa Trời đang phán dạy không? Từng thư tín trong bảy bức thư đều có cáo trạng nầy: "Ai có tai, hãy nghe lời Đức Thánh Linh phán cùng các Hội thánh” (câu 7). Chúng ta có tai để nghe không? Hay chúng ta quá mê muội với tiếng ồn của thế gian nầy? Đức tin Cơ đốc là một tôn giáo của những người có tai – để nghe Lời của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời đang phán dạy. Chúng ta có lắng nghe không?
Sứ điệp cho hội thánh tại thành Êphêsô kết thúc với lời hứa nầy cho kẻ đắc thắng: “Kẻ nào thắng, ta sẽ cho ăn trái cây sự sống ở trong Ba-ra-đi của Đức Chúa Trời” (câu 7). Cụm từ Barađi nói tới sự hiện diện cá nhân của Chúa Jêsus. Đây là điều Chúa Jêsus hứa cho tên cướp biết ăn năn: “Quả thật, ta nói cùng ngươi, hôm nay ngươi sẽ được ở với ta trong nơi Ba-ra-đi" (Luca 23:43). Nếu chúng ta trung tín trong đời nầy, chúng ta sẽ biết Chúa Jêsus mật thiết hơn trong đời sau. Không một người nào thực sự nhận biết hay có thể nói chính xác điều đó có nghĩa gì, nhưng điều đó phải rất kỳ diệu. Trong ngày ấy chúng ta sẽ không bao giờ hối tiếc một khi yêu mến Chúa trong đời nầy.
Nếu chúng ta yêu mến Ngài ở đây, chúng ta sẽ yêu mến Ngài nhiều hơn ở đó.
Nếu chúng ta vui mừng ở đây, chúng ta sẽ vui mừng nhiều hơn ở đó.
Đối với người nào sống trung tín, Đấng Christ hứa mối thông công mật thiết cứ tiếp tục ở Barađi, được nâng đỡ bên “cây sự sống” suốt cõi đời đời.
Trong thời gian bịnh tật vào năm 1856, Elizabeth Prentiss đặt ra một bài thơ mà về sau chồng bà đã cho in ấn trong một quyển sách nhỏ. Khi William Howard Doane [1832-1915] xem thấy lời lẽ ấy, ông đã phổ nhạc cho chúng trở thành bài thánh ca Tin Lành đáng yêu {“Nguyện Càng Yêu Thương Christ”, TC 244}. Câu đầu tiên thổ lộ ước ao thành khẩn nhất của bà:
Lòng nguyện càng yêu Jêsus, mến yêu Ngài thêm!
Thành tâm quì xin chăm chú, mến yêu Ngài thêm.
Mối sở ước chẳng chi hơn: yêu thương Jêsus keo sơn;
lòng nguyện ngày đêm, mến yêu càng thêm!

Câu 2 mô tả lời cầu nguyện mà Hội thánh ở thành Êphêsô cần phải dâng lên:
Mùi tục trần xưa đeo đuổi, kiếm nơi bình yên;
Nỗi khẫn thiết chẳng chi hơn: yêu thương Jêsus keo sơn;
lòng nguyện ngày đêm, mến yêu càng thêm!

Dòng thứ hai của câu 2 tóm tắt những gì chúng ta cần phải nghe hôm nay:
“Nỗi khẫn thiết chẳng chi hơn: yêu thương Jêsus keo sơn”.
Khi chúng ta kết thúc bài nghiên cứu sứ điệp đầu tiên gửi cho bảy hội thánh, nguyện sẽ được nên trong tinh thần của bài thánh ca Tin Lành xa xưa nầy:
Lòng nguyện càng yêu Jêsus, mến yêu Ngài thêm! Amen.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét