Cơ đốc nhân nhơn đức
có khi làm công việc của ma quỉ
– Mathiơ 16:21-23
“Nhưng Ngài xây mặt lại mà phán cùng Phi-e-rơ rằng: Ớ Sa-tan, hãy lui ra đằng sau ta!” (Mathiơ 16:23)
Mọi sự về câu chuyện nầy dường như rất kỳ lạ. Trước tiên, Phierơ can gián Chúa Jêsus, và kế đó Chúa Jêsus quở trách Phierơ. Đây là cách nói gay gắt nhất mà Chúa Jêsus từng sử dụng. Mặc dù Ngài sử dụng nhiều cách nói bóng bẫy khi Ngài chỉ trích người dòng Pharisi (Mathiơ 23), ông không hề gọi họ là “Satan”. Về vấn đề đó, mặc dù Kinh thánh nói Satan đã nhập vào Giuđa (Giăng 13:27), Chúa Jêsus chưa hề gọi ông ta là “Satan”.
Phierơ là người duy nhứt Chúa Jêsus từng gọi là “Satan”.
Thời điểm làm cho toàn bộ câu chuyện nầy thậm chí còn đặc biệt hơn nữa. Trong mấy câu đi trước, Phierơ vừa thốt ra câu nói rực rỡ đức tin: “Chúa là Đấng Christ, con Đức Chúa Trời hằng sống” (câu 16). Chúa Jêsus đã đáp ứng với lời khen ngợi rất sâu sắc của chính Ngài:
– Ngươi có phước đó (câu 17).
– Ngươi không học biết sự nầy từ con người, mà từ Đức Chúa Trời (câu 17).
– Ta sẽ lập Hội thánh ta trên đá nầy (câu 18).
– Ta sẽ giao chìa khóa nước thiên đàng cho ngươi (các câu 19-20).
Từ cao điểm nầy, Chúa Jêsus bắt đầu vén bức màn tương lai lên cho họ (câu 21):
– Ngài phải đi lên thành Jerusalem.
– Ngài phải gánh chịu nhiều việc nơi tay các cấp lãnh đạo người Do thái.
– Ngài phải bị giết.
– Ngài phải sống lại vào ngày thứ ba.
Nan đề của chúng ta gần như bắt nguồn từ sự thực là mọi sự nầy đều là những tin tức cũ rích đối với chúng ta. Nếu bạn là một Cơ đốc nhân trong bất kỳ thời đại nào, bạn biết rõ câu chuyện nói tới Ngày Thứ Sáu Tốt Lành và Lễ Phục Sinh. Và thậm chí nếu bạn chưa phải là một Cơ đốc nhân, có lẽ bạn nhìn biết đề cương tổng quát rồi. Vì vậy bất luận chúng ta đọc câu chuyện nầy như thế nào, thì đấy chẳng phải là “những tin tức mới mẻ” cho chúng ta. Chúng ta đã nghe tin tức ấy nhiều lần trước đây. Và nan đề nằm trong đó. Các môn đồ đã nghe câu chuyện nầy lần đầu tiên. Và tư tưởng về Thầy của họ sẽ bị giết tại thành Jerusalem chỉ làm cho họ phải do dự mà thôi. Họ chẳng có một phạm trù nào về việc ấy cả. Không ai lại đi suy nghĩ như thế hết.
Nếu chúng ta sống theo cấp độ tình cảm, chúng ta có thể thấy bản thân mình chắc chắn đang chống đối Chúa Jêsus.
Ngài nói cho họ biết những tin xấu và họ không thể nắm bắt được tin đó.
Họ cũng chẳng có phạm trù nào cho việc ấy nữa.
Trong câu chuyện tương đương ở sách Mác (Mác 8:31-33), ông nói thêm rằng Chúa Jêsus đã phán “tỏ tường” về cuộc tương lai, nghĩa là Ngài không chút dè dặt nào hết, không bọc đường nó, không nói: “Đúng, có chút ít rắc rối tại thành Jerusalem”. Không một điều gì giống như thế cả.
Không một điều gì trong đó có ý nghĩa. Vì vậy, Phierơ đã làm những gì chúng ta làm chung chung khi chúng ta nghĩ ai đó chúng ta yêu thương đang “nói năng điên rồ”. Ông kéo Chúa Jêsus ra một bên để ông có thể sửa ngay Ngài lại.
Ông nói: “Chúa ơi, không bao giờ! Điều nầy sẽ không bao giờ xảy đến cho Ngài đâu!”
Hai lần ông nói với Chúa Jêsus “không bao giờ”.
Hết thảy chúng ta một là trèo lên thiên đàng bằng ân điển của Đức Chúa Trời hoặc sa vào địa ngục bằng chính sức riêng của mình.
Nói như thế thì y như ông nghĩ Chúa Jêsus đã mất trí mình trong một lúc. Tôi nghĩ ông có ý muốn nói: “Lạy Chúa, đừng lo về việc ấy mà chi. Có 12 người chúng tôi đây. Chúng tôi sẽ giữ cho Ngài được an toàn. Họ phải bước qua xác chúng tôi thì mới bắt được Ngài”.
Nhưng bạn không thể quanh quẫn mãi được. Ông đã “can gián” Con của Đức Chúa Trời. Đây không phải là một động thái tốt dành cho một môn đồ có nhiều tham vọng của Đấng Christ.
Tại sao ông làm như thế?
Vì vậy, chúng ta hãy dừng lại để đưa ra thắc mắc thứ nhứt của chúng ta. Tại sao ông làm như thế? Phierơ đang suy tính gì khi ông kéo Chúa Jêsus qua một bên rồi can gián Ngài?
Thứ nhứt, ông làm thế là vì ông yêu mến Chúa Jêsus và muốn miễn cho Ngài nỗi đau của việc bị đóng đinh trên thập tự giá. Chắc chắn điều nầy phải được tính đến là đáng khâm phục một khi cảm xúc sai lầm.
Thứ hai, ông không hiểu rõ chương trình của Đức Chúa Trời. Nhận định của Phierơ về Chúa Jêsus là: “Đấng Christ, Con của Đức Chúa Trời hằng sống” không bao gồm sự xấu hổ và nổi kinh hãi của việc bị đóng đinh công khai vào thập tự giá. Đây là sự nghịch lý của Phierơ tại điểm nầy. Giống như những giây trước đó ông đã đưa ra một trong những lời tuyên bố trịnh trọng nhất mà bất cứ ai từng đưa ra. Song trong lý trí ông, ông chẳng có một phạm trù nào dành cho “người tôi tớ chịu thương khó” hay “Con của Đức Chúa Trời bị đóng đinh trên thập tự giá” cả. Ông không thể nắm bắt được thể nào một người nhơn đức, thánh khiết, tinh sạch và công bình như Chúa Jêsus, Đấng Mêsi được hứa cho của Israel, lại chịu thương khó và chịu chết như một tội nhân tầm thường.
Thứ ba, ông tưởng ông biết rõ ý muốn của Đức Chúa Trời nhiều hơn Chúa Jêsus. Ở điểm nầy, ông đứng trực tiếp trong sự chống đối với chương trình của Đức Chúa Trời hòng đem sự cứu rỗi đến cho thế gian. Chúng ta không xem thường vấn đề nầy được. Phân đoạn Kinh thánh nói rằng ông đã “can” Chúa Jêsus. Điều đó chẳng có ý nghĩa gì cả đâu. Bạn đừng đi quanh đấy mà can gián Con của Đức Chúa Trời. Trong Cựu Ước, có người đã bị chết vì loại thiếu tôn kính ấy.
Thứ tư, ông muốn một vương quốc mà chẳng có thập tự giá. Và ai dám đổ thừa cho ông chứ? Chúng ta có thể hiểu qua loa bị đóng đinh trên thập tự giá có ý nghĩa như thế nào đối với người Do thái trong thế kỷ đầu tiên. Đây là một công cụ hành hình công khai. Có lẽ hành hình treo cổ sẽ là lối hành hình tương đương hiện đại nhất dành cho hạng nô lệ. Ngày nay chúng ta mang lấy những cây thập tự sáng chói, rực rỡ để tưởng nhớ cái chết của Chúa Jêsus. Không một người Do thái nào đã hiểu rõ một việc như vậy cả. Đối với họ thập tự giá có nghĩa là cái chết tàn bạo, công khai, đẩm máu, đau đớn, thống khổ, xấu hổ. Nếu chúng ta muốn có một đối tác hiện đại với thập tự giá, chúng ta nên treo một tấm hình nói tới phòng hơi ngạt của trại Auschwitz ở phía trước nơi thánh của chúng ta. Hay đặt một cái thòng lọng ở đó. Hoặc một cái ghế điện với một người gục chết trong đau khổ – gương mặt bị bao phủ, khói bốc lên từ đầu của người ấy. Chính tư tưởng ấy làm cho chúng ta phải kinh tởm. Nhưng đấy là ý nghĩa thập tự giá đối với Chúa Jêsus.
Nếu chúng ta muốn một đối tác hiện đại với thập tự giá, chúng ta nên treo một tấm hình nói tới phòng hơi ngạt ở trại Auschwitz ở phía trước nơi thánh của chúng ta.
Không có gì là lạ hết khi Phierơ can gián Ngài.
Và rồi Chúa Jêsus quở trách Phierơ nhưng với một sự khác biệt. Chúa Jêsus đã quở trách ông cách công khai. Mác nói rõ rằng Chúa Jêsus đã xây lại ngó môn đồ khi Ngài phán cùng Phierơ: “Hỡi quỉ Sa-tan, hãy lui ra đằng sau ta!”
Lần thứ nhứt, Ngài gọi ông là “đá”.
Mấy giây sau đó Ngài gọi ông là Satan.
Tại sao Chúa Jêsus gọi ông là Satan?
Điều nầy dẫn tới thắc mắc thứ hai của chúng ta. Tại sao Chúa Jêsus sử dụng lối nói mạnh mẽ như thế chứ? Tại sao Ngài gọi Phierơ là “Satan"?
Trước tiên, Phierơ phạm vào tội mật thiết giả dối và giả định dốt nát. Chúng ta đừng bỏ qua văn mạch. Sau những việc lạ lùng mà Chúa Jêsus đã phán với Phierơ, tôi hình dung nó phải xâm nhập vào cái đầu của ông. Có lẽ ông đã “cảm thấy vênh váo” đôi chút. Rốt lại, nếu ông là hòn “đá” và có “chìa khóa của vương quốc” (dù rằng các chìa khóa ấy được ban cho các vị sứ đồ, chớ không hẳn cho Phierơ đâu, và chúng hoàn toàn thuộc về cả Hội thánh), chắc chắn ông có quyền đưa Chúa Jêsus qua một bên rồi thể hiện đôi chút “sắt mài nhọn sắt”, người nầy giúp đỡ cho người kia, kiểu như thế đó. Nhưng ông hoàn toàn lạc lỏng trong những gì ông đã làm.
Thứ hai, Chúa Jêsus vốn biết rõ Satan đã đứng ở đàng sau lời lẽ có ý tốt song sai lầm của Phierơ. Chương trình của Satan dành cho Chúa Jêsus luôn luôn là tránh né thập tự giá. Trong đồng vắng, hắn đã đưa Chúa Jêsus lên ngọn núi cao, hiến cho Ngài mọi nước thế gian nếu Ngài (Chúa Jêsus) chỉ sấp mình xuống và thờ lạy hắn (Satan). Đây là một sự cám dỗ có sức quyến rũ. “Jêsus ơi, sao phải nếm trải nổi đau và sự xấu hổ của thập tự giá chứ? Hãy thờ lạy ta thì ta sẽ ban cho ngươi mọi nước thế gian”. Mặc dầu Phierơ không nhận ra mình bị Satan sử dụng, thực sự ông đang thực thi công việc cám dỗ của hắn bằng cách nổ lực giữ Chúa Jêsus không bước lên thập tự giá.
Ngay cả sự thù ghét thậm tệ của cấp lãnh đạo Do thái cũng đã làm ứng nghiệm chương trình đời đời của Đức Chúa Trời.
Thứ ba, Chúa Jêsus vốn biết rõ Ngài phải bước lên thập tự giá để cung ứng ơn cứu rỗi cho thế gian. Đó là lý do tại sao Chúa Jêsus đã sử dụng từ ngữ “phải”. Ngài “phải” đi đến thành Jerusalem, ở đó Ngài “phải” chịu thương khó và “phải” chịu chết và “phải” sống lại từ kẻ chết. Không một điều gì xảy ra do tình cờ cả. Ngay cả sự thù ghét thậm tệ của cấp lãnh đạo Do thái cũng đã làm ứng nghiệm chương trình đời đời của Đức Chúa Trời. Không một điều gì là tình cờ trong tâm trí của Đức Chúa Trời về cái chết của Con Ngài. Đấy là lý do tại sao Kinh thánh nói về Ngài là chiên con chịu giết từ lúc sáng thế (Khải huyền 13:8).
Eugene Peterson nắm lấy ý nghĩa câu trả lời của Chúa Jêsus theo cách nầy: “Nhưng Chúa Jêsus đã không đi chệch hướng. Hỡi Phierơ, hay tránh đường ta. Hỡi Satan, khá hư mất đi. Ngươi chẳng biết gì về công việc của Đức Chúa Trời”. Đấy là cách suy nghĩ tốt nhứt vì Phierơ ở điểm nầy chẳng biết gì về công việc của Đức Chúa Trời.
Đối với Phierơ, thập tự giá là bằng chứng của sự thất bại.
Đối với Chúa Jêsus, thập tự giá là mục đích mà vì đó Ngài đã đến với trần gian.
Đối với Phierơ, thập tự giá có nghĩa là Chúa Jêsus đã bị đánh bại.
Đối với Chúa Jêsus, thập tự giá là phương tiện bởi đó Satan bị đánh bại.
Đối với Phierơ, thập tự giá có nghĩa là điều ác đã thắng hơn khi ấy.
Đối với Chúa Jêsus, thập tự giá là con đường dẫn tới đắc thắng sau cùng đối với tội lỗi.
Đối với Phierơ, thập tự giá có nghĩa là Chúa Jêsus đã qua đi cho đến đời đời.
Đối với Chúa Jêsus, thập tự giá dẫn tới ngôi mộ trống.
Đối với Phierơ, thập tự giá là biểu hiện của sự xấu hổ.
Đối với Chúa Jêsus, thập tự giá mang lại ơn cứu rỗi cho cả thế gian.
Đối với Phierơ, thập tự giá có nghĩa là họ chẳng có một sứ điệp nào để rao giảng hết.
Đối với Chúa Jêsus, thập tự giá trở thành sứ điệp mà họ sẽ rao giảng cho các dân các nước.
Đối với Phierơ, thập tự giá chẳng có hiệu lực chi hết.
Đối với Chúa Jêsus, thập tự giá bày tỏ ra sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời.
Vì vậy, Phierơ và Chúa Jêsus khác biệt rất lớn ở điểm nầy nên nỗi Chúa Jêsus đã phán: “Ớ Sa-tan, hãy lui ra đằng sau ta!" Khi Ngài phán: “Ngươi trở thành hòn đá vấp chơn cho ta”, Ngài đã sử dụng một câu nói chỉ ra cái bẫy thú được gài bằng một cái móc. Khi con thú chạm vào “móc gài” đó, cái bẫy sẽ sập trên nó. Chúa Jêsus vốn biết rõ lời lẽ có ý tốt của Phierơ rất giống với “móc gài” cho chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời.
Chúng ta học được gì về vấn đề nầy?
Một thắc mắc sau cùng mà chúng ta cần phải lưu ý. Về phân đoạn nầy chúng ta tiếp thu được điều gì? Phân đoạn đó nói gì với chúng ta ngày nay? Cho phép tôi đề nghị một vài việc để chúng ta xem xét.
Thứ nhứt, hạng người nhơn đức có khi làm công việc của ma quỉ. Phierơ nhất định là một người nhơn đức. Lời lẽ dại dột của ông ở đây không thể hủy đi câu nói đức tin dũng cảm một vài giây trước đó. Phierơ đúng là một nhân vật trượng phu! Nếu ông là người đầu tiên lên tới đỉnh cao chức vụ Đấng Mêsi, ông cũng là người đầu tiên rơi xuống tận đáy sâu kia. Mặc dù Phierơ rất đúng trong những gì ông đã nói trước đó, ông cũng sai lầm không thể chối cãi được ở đây. Vì vậy, chúng ta hãy tiếp thu đôi điều về mối nguy hiểm của sự tự tín về mặt thuộc linh.
Thứ hai, những lần đắc thắng và thất bại của chúng ta thường hay quay vòng trở lại. Không phải là khó nhìn thấy sự việc sao cứ mãi như vậy. Những lần đắc thắng về mặt tự nhiên có khuynh hướng gây dựng sự tin cậy nơi chúng ta. Khi Phierơ nghe những điều lạ lùng được nói ra với ông, phải chăng điều đó đi vào đầu của ông? Tôi nghĩ có lẽ vậy. Và giống như ông đã chỗi dậy cách mau chóng, ông cũng vấp ngã mau như thế. Và chính sự chỗi dậy của ông đã dẫn tới sự vấp ngã của ông. Cũng một thể ấy cho tất cả con trai con gái của Ađam. Chúng ta sẽ giống như Êli đoạt được chiến thắng long trọng trên Núi Cạtmên chỉ để bỏ chạy trong sợ hãi trốn tránh Giêsabên qua ngày hôm sau. Và luôn luôn có một Giêsabên! Satan vốn có rất nhiều Giêsabên, nhiều bẫy dò, nhiều “móc gài” đặt trên con đường của chúng ta, và vì hắn là xảo quyệt, Satan biết rõ thời điểm tốt nhứt để gài bẫy chúng ta thường đến sau một lần đắc thắng nào đó. Trong khi chúng ta lễ lạc vui mừng, sự phòng thủ của chúng ta lỏng lẻo, mọi cảm xúc của chúng ta phôi pha, sự canh gác của chúng ta xuống thấp, và chúng ta làm những việc và nói ra những điều mà về sau chúng ta thấy là hối tiếc.
Những lần đắc thắng và thất bại của chúng ta thường hay quay vòng trở lại.
Thứ ba, bạn bè thân cận nhất của chúng ta có khi trở thành loại kẻ thù tệ hại nhất của chúng ta. Trong trường hợp nầy, lòng trung thành của Phierơ không ở trong chỗ bị thắc mắc. Những gì ông nói ra là rồ dại, sai lầm, phản ảnh lối suy nghĩ sai trái, nhưng sâu lắng trong ông, ông vốn thực sự yêu mến Chúa. Đấy là điều làm cho sự việc ra khó khăn. Chúng ta có thể nhận ra những người thân của chúng ta vô tình trở thành hạng bịp bợm của Satan, những công cụ hắn sử dụng để khiến chúng ta phải lạc lối về mặt thuộc linh. Thực vậy, tôi dám nói loại thử thách nầy hay đến từ người chồng, người vợ, bạn cùng làm việc, bạn thân, bố hay mẹ, con cái, người bà con, hay người bạn chúng ta quen biết cho đến đời đời. Trong nổ lực của họ để “bảo vệ” chúng ta tránh những gì mà họ lường là nguy hiểm, họ có thể trở thành công cụ của Satan hầu giữ chúng ta không làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời.
Bạn bè của chúng ta có thể trở thành “móc gài”
Bạn bè thân thuộc nhất của chúng ta đôi khi không hiểu được ơn kêu gọi của Đức Chúa Trời trên đời sống của chúng ta. Rồi trong mọi nổ lực của họ để ngăn cản chúng ta, có thể họ sẽ làm công việc của ma quỉ. Nói như thế không có nghĩa là chúng ta không nên nghe theo những dè chừng cùng mọi thắc mắc chân thành của người thân chúng ta. Đôi khi họ nhận ra việc gì đó mà chúng ta bỏ sót. Nhưng ở các lần khác, họ có thể là “móc gài” cho mọi nổ lực của chúng ta muốn phục vụ Chúa.
Hãy xem xét chàng trai trẻ nhận thức được ơn kêu gọi của Đức Chúa Trời vào cánh đồng truyền giáo xem. Một sự kêu gọi như thế không phải là lúc nào cũng có đâu. Có người nói: “Chúng ta có nhiều người bị hư mất ở đây trong nước Mỹ”. Hay “Bạn có thể kiếm được nhiều tiền và trợ giúp sai phái nhiều giáo sĩ hơn nếu bạn ở lại quê nhà”. Hoặc “Tôi không muốn cháu nội tôi lớn lên ở Somalia”. Hay “Bạn đang từ bỏ một nền giáo dục tốt nếu bạn ra hải ngoại”.
Hãy xem xét người chồng kia, ông ta muốn dâng hiến nhiều cho công việc Chúa trong năm nay. Nhưng chúng ta đang ở trong một cuộc khủng hoảng kinh tế cho thấy dâng hiến nhiều dường như là rồ dại và thậm chí là quá nguy hiểm nữa. Người vợ sẽ nói: “Chúng ta cần tiền bạc để chi trả cho các tờ hóa đơn”. Khi ấy người chồng sẽ làm gì chứ?
Bạn bè thân thuộc của chúng ta đôi khi không hiểu được ơn kêu gọi của Đức Chúa Trời trên đời sống của chúng ta.
Hay một người nữ ở đầu tuổi 40 có thể nhận thức được ơn kêu gọi của Đức Chúa Trời phải từ bỏ công việc làm ăn để phục vụ Chúa trong một chức vụ có khả năng chi trả một phần nhỏ mọi sự cô đang làm bây giờ. Bạn bè cô nghĩ cô là gàn dở. Có phải thế không?
Khi chúng ta chuẩn bị phục vụ Chúa, chúng ta có thể luôn suy nghĩ cả ngàn lý do tại sao chúng ta không nên phục vụ Ngài. Hoặc chúng ta phải tính toán sao cho an toàn hay sao cho dễ dàng hoặc đừng quá cực đoan. Nếu chúng ta không suy nghĩ tới những biện bạch đó, bạn bè chúng ta sẽ nghĩ như thế về chúng ta. Và vô tình bạn bè của chúng ta có thể trở thành loại công cụ của Satan. Hoặc chúng ta sẽ trở thành như thế đối với họ.
Thật là dễ xuôi chèo mát mái, bắt lấy con đường ít đề kháng nhất.
Thật là khó đi lên, bắt lấy con đường dẫn tới thập tự giá.
Không có nhiều người chịu cổ vũ chúng ta khi chúng ta bắt theo con đường đó.
Trở lại với câu chuyện, thể nào “đá” trở thành “vầng đá vấp chơn” dường như rất mau chóng. Như đã xảy ra cho Phierơ, cũng một thể ấy sự việc sẽ xảy ra cho hết thảy chúng ta. Sự mạnh và sự yếu của chúng ta nằm song hành với nhau. Thường chúng dường như đan chéo với nhau. Có khi chúng dường như gắn chặt lại với nhau.
Như đã xảy ra cho Phierơ, cũng một thể ấy sự việc sẽ cảy ra cho hết thảy chúng ta. Sự mạnh và sự yếu của chúng ta nằm song hành với nhau.
Chúng ta chỗi dậy mau chóng.
Chúng ta vấp ngã cũng mau chóng.
Khi tôi nghiên cứu phân đoạn Kinh thánh nầy, thì tôi thấy rằng trong một phương thức nào đó, đây là một tội trọng còn hơn sự chối bỏ của Phierơ nữa. Mặc dù chúng ta ghi nhớ sự chối Chúa của ông, nhưng không phải trong trường hợp nầy, đây là lần duy nhứt Chúa Jêsus gọi Phierơ là “Satan”.
Lúc chối Chúa, Phierơ tự làm tổn thương mình và ông làm tổn thương lý tưởng của Đấng Christ nói chung.
Song ở đây, Phierơ trực tiếp (dù vô tình) tấn công chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời.
Satan đã làm mọi sự hắn có thể để giữ Đấng Christ đừng đến với thập tự giá.
Hắn đang làm mọi sự hắn có thể để giữ chúng ta đứng vác lấy thập tự giá.
“Những kẻ ăn thịt người!”
Năm 1839, có hai người từ Hội Truyền Giáo London đến tại New Hebrides, một chuổi 80 hòn đảo ở Nam Thái Bình Dương. Hai vị giáo sĩ đó đã bị giết chết và bị những kẻ ăn thịt người ăn lấy vào tháng 11 năm ấy. Hiển nhiên là các giáo sĩ khác đã đến và Tin Lành bắt đầu bắt rễ ở một số hòn đảo. Mười chín năm sau, một chàng thanh niên tên là John Paton dong buồm đến New Hebrides. Khi anh tuyên bố ước muốn ra đi của mình, ông Dickson nói: “Những kẻ ăn thịt người! Họ sẽ ăn thịt anh đấy!” Còn Paton, anh đáp lại điều nầy như sau:
Thưa ông Dickson, ông già đi nhiều tuổi rồi, và viễn cảnh của chính ông không bao lâu nữa sẽ được đặt trong mồ mả, ở đó sâu bọ chúng ăn ông; tôi nói cho ông biết, rằng nếu tôi sống hay chết khi phục vụ và làm vinh hiển cho Chúa Jêsus, thì bộ tộc ăn thịt người hay sâu bọ ăn tôi thì có khác gì đâu; và trong Ngày Lớn kia, thân thể phục sinh của tôi sẽ chỗi dậy theo ảnh tượng của Đấng Cứu Chuộc phục sinh của chúng ta.
Giờ đây, đó là sự gan dạ thuộc linh cần phải có trên gương mặt của bạn. Đấy là tinh thần gây hưng phấn cho phong trào Cơ đốc khắp thế giới. Bạn có thể đọc thêm về John Paton trong quyển You Will be Eaten by Cannibals! (Bạn có thể bị bộ tộc ăn thịt người nuốt lấy).
Ở điểm nầy, chúng ta nên đưa ra một vài câu hỏi:
Có phải tôi xấu hổ về thập tự giá của Đấng Christ không?
Có phải tôi tự tránh né thập tự giá?
Có phải tôi ngăn trở người khác vác lấy thập tự giá của họ?
Có phải tôi đòi biết rõ chương trình của Đức Chúa Trời trước khi tôi bước theo chương trình ấy không?
Một câu chuyện như vầy sẽ khiến chúng ta phải dừng lại một chút rồi suy nghĩ về bản thân mình, về cách thức chúng ta mau chóng làm công việc của ma quỉ mà thậm chí chẳng nhận biết nó. Nếu chúng ta sống theo cấp độ tình cảm của mình, có thể chúng ta thấy mình đang chống đối Chúa Jêsus. Nếu chúng ta nghĩ rằng sự hiểu biết của chúng ta tương đương với ý muốn của Đức Chúa Trời, chúng ta buộc phải sa vào nhiều sai lầm trầm trọng. Và nếu chúng ta nghĩ rằng con đường thập tự không phải là dành cho chúng ta, khi ấy chúng ta nên tự hỏi mình: không biết chúng ta có thực sự tin cậy nơi Đấng Christ hay không nữa!?!
Có phải tôi đòi biết rõ chương trình của Đức Chúa Trời trước khi tôi bước theo chương trình ấy không?
Đôi khi nan đề của chúng ta sôi sụt lên sự thực chúng ta mong muốn điều chi đó mà Đức Chúa Trời không cung ứng cho:
Một cây thập tự độn bông gòn.
Một cây thập tự bóng láng.
Một cây thập tự an nhàn.
Một cây thập tự chúng ta có thể mang trong lớp quần áo của mình.
Một cây thập tự không có huyết hay đau khổ nào cả.
Nhưng thập tự giá kiểu đó chỉ tồn tại trong lý trí của chúng ta mà thôi. Không có một phương thức cứu rỗi nào tẻ tách ra khỏi thập tự giá đầy huyết của Chúa Jêsus, vì chính trên cây thập tự ấy, cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời đã được thỏa, cái giá của tội lỗi đã được chi trả, và tội lỗi chúng ta đã được dời đi. Cái lạ là, nổ lực của Phierơ hòng “giải cứu” Chúa Jêsus đã bị định để giải cứu cho chính linh hồn ông. Chúa Jêsus phải chịu chết để Phierơ được tha tội.
Luật thập tự giá là luật của Nước Trời. Người nào được bước vào thiên đàng phải bước đi bằng con đường thập tự giá của Đấng Christ. Tẻ tách ra khỏi Ngài, sẽ chẳng có hy vọng gì hết, chẳng có thiên đàng, chẳng có sự tha tội, và chẳng có sự cứu rỗi nào cả. Đối với các môn đồ của Đấng Christ thì cũng y như thế.
Luật thập tự giá là luật của Nước Trời.
Ông không hề phạm lại sai lầm nầy một lần nữa
Phierơ là một nhân vật cao trọng và trượng phu, và tôi nói thế với sự công nhận đầy đủ về mọi lầm lỗi của ông. Chúng ta nhìn thấy ân điển của Đức Chúa Trời đang tác động vì dù ông nhiều lần vấp ngã, ông tiếp thu từ lầm lỗi của mình. Giống như bao người chúng ta, ông phạm nhiều lầm lỗi, nhưng ông không hề phạm một lỗi đến hai lần đâu. Về sau khi ông đứng trong ngày Lễ Ngũ Tuần ở Công Vụ các Sứ Đồ 2, ông dạn dĩ rao giảng cho một số người đã đóng đinh Chúa chúng ta trên cây thập tự. Ông rao giảng ở đó rằng Chúa Jêsus đã bị nộp bởi “ý định trước và sự biết trước của Đức Chúa Trời” và tiếp đến bị giết đi bởi tay độc ác (câu 23). Ba ngàn người đã được cứu trong ngày ấy. Phierơ đã đạt tới chỗ nhìn thấy thập tự giá kia là cần thiết trong chương trình của Đức Chúa Trời. Vì vậy, dù ông phạm nhiều lầm lỗi, ông không bao giờ phạm lại lỗi lầm nầy.
Cho phép tôi gói ghém lại bằng cách lưu ý, thể nào thiên đàng và địa ngục đang ở gần nhau trong tấm lòng của con người như thế. Chỉ là một hành trình ngắn từ chỗ nầy qua chỗ kia mà thôi. Phierơ được gọi là có phước ở câu 17 và được gọi là Satan ở câu 23. Chúng ta có thể ngợi khen Đức Chúa Trời một phút nầy rồi phút kế đó thốt ra lời nói dại dột, không tử tế, hay phê phán, tốt hơn là đừng thốt ra. Chúng ta có thể cầu nguyện và thề thốt. Chúng ta có thể trưng dẫn Kinh thánh và ngồi lê đôi mách. Chúng ta có thể làm chứng cho Chúa Jêsus và kế đó chơi trò dại dột gần như là cùng một hơi thở. Những việc nầy không nên có, như Giacơ đã chỉ ra trong thư tín của ông, nhưng chúng có ở đó trong hết thảy chúng ta.
Hết thảy chúng ta một là trèo lên thiên đàng bằng ân điển của Đức Chúa Trời hay sa vào địa ngục bằng sức riêng của mình. Câu chuyện của Phierơ nhắc cho chúng ta nhớ rằng tạo nên một đời sống chẳng phải là do một sự tình cờ đâu, mặc dù bạn nhiều lần vấp ngã, chính việc chỗi dậy đánh dấu bạn là con cái thực của Đức Chúa Trời.
Bạn không thấy vui sướng sao khi Phierơ luôn chỗi dậy? Tôi thấy đấy!
Bạn không vui sướng sao khi Chúa Jêsus vực ông ấy lên? Tôi thấy đấy!
Phierơ là một cái gì đó rất lộn xộn, nhưng hầu hết chúng ta cũng đều giống như thế. Ông ấy là hòn đá yếu ớt, một hòn đá dễ vỡ, một môn đồ bất toàn mà Đấng Christ đã nắn đúc thành một vầng đá không bị lay động cho đến cuối cùng. Đấy cũng là kỳ vọng của chúng ta nữa đó. Mặc dù chúng ta có thể làm công việc của ma quỉ từng hồi từng lúc (và chịu khổ về điều đó), Đấng Christ Toàn Năng ngự đến để sửa chúng ta ngay thẳng lại. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét