Thứ Năm, 28 tháng 2, 2013

MỘT VỊ VUA ĐĂNG QUANG: VUA GIẢ



MỘT VỊ VUA ĐĂNG QUANG:
VUA GIẢ
            Trong sứ điệp nầy, chúng ta bắt đầu kỷ nguyên thứ 5 của loạt bài EPIC: Câu chuyện đáng kinh ngạc nói tới Đức Chúa Trời và thế gian
            Chúng ta kết thúc bài học vừa qua với mặc khải Naômi đang bồng ẳm Ôbết, cháu nội của bà, ở bên hông mình. Khi các quan xét cai trị, chẳng có vua trong xứ Israel và sự hỗn loạn về mặt đạo đức tể trị “ai nấy làm theo ý mình cho là phải”. Nhưng sự chào đời của Ôbết, đánh dấu một sự thay đổi. Ông sẽ trở thành ông nội của David, là vì vua sẽ lãnh đạo dân sự mình quay trở lại với mối quan hệ phải lẽ với Đức Chúa Trời.
            Chúng ta bắt đầu sứ điệp nầy, mở ra ở I Samuên, với câu chuyện nói tới sự ra đời của một con trẻ khác. Đức Chúa Trời đã làm ra một phép lạ (một việc mà chúng ta đã nhìn thấy trước đây và sẽ có nữa) để khởi sự cuộc đời của Samuên. Ông chào đời cho Anne từng son sẻ và ông phục vụ Đức Chúa Trời bằng cách sửa soạn Israel để có một vì vua.
            Samuên đã được ban cho nhiều tước hiệu khác nhau trong cuộc đời ông. Ông được gọi là Quan Xét, là tiên tri, là đấng tiên kiến, và thường được thấy trong vai trò một giáo sư. Ông là người mà hết thảy dân Israel đều nhìn về để tìm gặp một sự công bình. Đức Chúa Trời đã vùa giúp ông để tái nối kết 12 chi phái, họ đã bị cách ly với nhau trong suốt thời kỳ các quan xét.
            I Samuên 3:19-21:Sa-mu-ên trở nên khôn lớn, Đức Giê-hô-va ở cùng người: Ngài chẳng để một lời nào của người ra hư. Từ Đan cho đến Bê-e-sê-ba, cả Y-sơ-ra-ên đều biết rằng Sa-mu-ên được lập làm tiên tri của Đức Giê-hô-va. Đức Giê-hô-va cứ hiện ra tại Si-lô, vì ấy tại Si-lô mà Đức Giê-hô-va hiện ra cùng Sa-mu-ên, khiến cho người biết lời của Ngài”.
            Cả nước đều công nhận Samuên là phát ngôn viên của Đức Chúa Trời, Ngài “chẳng để một lời nào của người ra hư”. Samuên chưa hề đánh một trận nào cả. Ông chưa hề lãnh đạo một đạo quân. Tuy nhiên, ông có uy quyền lớn lao hơn và lâu dài hơn bất kỳ một quan xét ‘quân sự’ nào trước ông và Samuên đã được kêu gọi phải xức dầu cho hai vị vua đầu tiên của dân Israel.
            Thứ nhứt, một lời về chế độ quân chủ theo các giới hạn tổng quát. Tại sao là quan trọng khi Israel được ban cho một vì vua và vì vua nầy thích ứng với câu chuyện EPIC như thế nào?
            Khi nhìn lại công cuộc sáng tạo, chúng ta nhớ Đức Chúa Trời đã thiết lập hai người đầu tiên để cai trị “cá dưới biển, chim trên trời và các vật sống bò trên mặt đất”. Rồi do sự loạn nghịch của ông, Ađam đã tiêm nhiễm loài thọ tạo thanh sạch với tội lỗi và bóng tối tăm. Kể từ dạo ấy, chúng ta trông đợi một người con của Ađam đến để sắp xếp lại mọi việc. Israel là tuyển dân do Đức Chúa Trời lựa chọn là qua họ phước hạnh sẽ đến với mọi dân tộc. Nhà vua công bình mà cả thế gian trông đợi sẽ bước vào lịch sử trong vai trò vua của dân Israel.
            Quyền quản trị của Đấng Mêsi, là Ađam thứ hai, sẽ nâng cao từng con cái nhân loại lên cấp độ hoàng gia những người nam người nữ nào đang trị vì trong cuộc sống. Vì vậy, trong dòng lịch sử khi Israel được ban cho “một người vừa lòng Đức Chúa Trời” là vua của họ, bước kế tiếp (dù chưa phải là bước sau cùng) trong câu chuyện nói tới sự cứu rỗi cần phải thực hiện.
             Trở lại với phân đoạn Kinh thánh của chúng ta, chức vụ lãnh đạo của Samuên đã kêu gọi dân Israel trở lại thống nhất giữa vòng các chi phái, nhưng chưa tin cậy vào Đức Chúa Trời. Vì dân sự cứ khăng khăng theo đường lối của riêng họ, Samuên trước tiên xức dầu cho một vì vua chỉ biết có thất bại, là Saulơ, trước khi nhận ra và xức dầu cho người mà Đức Chúa Trời tuyển chọn, là David.
            I Samuên 8:4-20: Hết thảy những trưởng lão đều hiệp lại, đến tìm Sa-mu-ên tại Ra-ma, và nói rằng: Kìa, ông đã già yếu, còn các con trai ông lại chẳng noi theo gương của ông. Bây giờ, xin hãy lập trên chúng tôi một vua đặng đoán xét chúng tôi, y như các dân tộc khác đã có rồi. Các lời chúng nói rằng: Hãy ban cho chúng tôi một vua đặng đoán xét chúng tôi; chẳng đẹp ý Sa-mu-ên; Sa-mu-ên bèn cầu khẩn Đức Giê-hô-va. Đức Giê-hô-va phán cùng Sa-mu-ên rằng: Hãy nghe theo mọi lời dân sự nói cùng ngươi; ấy chẳng phải chúng nó từ chối ngươi đâu, bèn là từ chối ta đó, hầu cho ta chẳng cai trị chúng nó nữa. Chúng nó đối ở cùng ngươi y như chúng nó đã thường làm từ khi ta đem chúng nó ra khỏi xứ Ê-díp-tô cho đến ngày nay: chúng nó đã lìa bỏ ta đặng hầu việc các thần khác. Vậy bây giờ, hãy nghe theo lời chúng nó, song chớ quên báo cáo cho chúng nó cách nghiêm trang và tỏ ra cho biết vua cai trị chúng nó đó sẽ đãi chúng nó ra làm sao. Sa-mu-ên thuật lại mọi lời của Đức Giê-hô-va cho dân sự đã cầu xin Ngài một vua, mà rằng: Này là cách của vua sẽ cai trị các ngươi. Người sẽ bắt con trai các ngươi đặng đánh xe mình, hoặc đặt vào quân kỵ, để chạy trước xe của người. Người sẽ lập chúng nó làm trưởng ngàn người và và trưởng năm mươi người, hoặc bắt chúng nó cày ruộng người, gặt mùa màng người, chế tạo binh khí người, và đồ đạc của xe cộ người. Người sẽ bắt con gái các ngươi làm thợ chế dầu thơm, làm đầu bếp, và thợ bánh mì. Người sẽ thâu vật tốt nhất của ruộng, vườn nho, và cây ô-li-ve của các ngươi, đặng phát cho tôi tớ người. Người sẽ đánh thuế một phần mười về ngũ cốc và vườn nho các ngươi, mà phân phát cho những hoạn quan và tôi tớ người. Người sẽ bắt những tôi trai, tớ gái, trai tráng hạng của các ngươi, đến đỗi bắt con lừa các ngươi, mà dùng vào công việc người. Người sẽ đánh thuế một phần mười về những bầy chiên các ngươi, và các ngươi sẽ làm tôi mọi người. Bấy giờ các ngươi sẽ kêu la vì cớ vua mà các ngươi đã chọn, nhưng Đức Giê-hô-va không nghe các ngươi đâu. Dân sự chối không nghe lời của Sa-mu-ên, mà rằng: Không, phải có một vua trên chúng tôi. Chúng tôi muốn như các dân tộc khác; vua chúng tôi sẽ đoán xét chúng tôi, đi trước đầu chúng tôi, mà đánh giặc cho chúng tôi.
            Samuên, ông phải cung ứng cho chúng tôi một vì vua! Điều chi là sai với đòi hỏi nầy và lý do tại sao nó dẫn tới chỗ thất bại khi Saulơ là vì vua thứ nhứt của Israel? Thứ nhứt, các trưởng lão của Israel nói với Samuên giống như thể ông chuyên chủ trì các biến cố vậy. Họ nói giống như thể một người có thể nắn đúc lịch sử có lẽ là người lãnh đạo quân đội, có lẽ là người giàu có, có lẽ là người giống như Samuên với uy quyền ‘tôn giáo’. Trong bất kỳ trường hợp nào, đây là con người với quyền lực, không phải là Đức Chúa Trời, là người được kêu gọi làm thay đổi thế giới.
            Chắc chắn có một lời cảnh cáo ở đây đối với cấp lãnh đạo thuộc linh nào đang tận hưởng việc được đặt lên một cái bệ, được đặt vào vị trí của Đức Chúa Trời. Nhưng chẳng có một tiên tri, thầy tế lễ, mục sư hay giáo hoàng nào trong thế gian có thể tạo ra một vì vua. Chỉ một mình Đức Chúa Trời đang lèo lái dòng lịch sử. Các trưởng lão của Israel đã bất kỉnh với Chúa khi họ nói giống như thể Samuên là nhà chuyên tạo dựng người làm vua.
            Thứ hai, chúng ta để ý thấy rằng Israel muốn có một vì vua giống như các dân khác. Tại sao ý đó dường giống như một ý tốt chứ? Bởi vì, các vị vua ở chung quanh họ vốn khắc nghiệt và hỗn loạn đã minh chứng, hành động của họ có thể dự đoán được. Các bạo chúa hết thảy đều y như nhau.
            Nhưng một vì vua trong sự lựa chọn của Đức Chúa Trời sẽ kêu gọi dân tộc chọn lấy sự công bình và thái độ dũng cảm. Vị vua nầy sẽ lèo lái dân tộc vào con đường hy sinh để đạt cho kỳ được một tương lai khấm khá hơn. Các trưởng lão của Israel mong muốn một vì vua giống như các dân khác vì họ muốn Đức Chúa Trời hằng sống phải ở một khoảng xa xa.
            Trong Philíp 3:19, chúng ta đọc thấy những kẻ giả mạo, họ sống rất tôn giáo song chẳng trung tín với Chúa, họ sống giống như những kẻ thù nghịch với thập tự giá của Đấng Christ ‘lấy bụng mình làm chúa mình’. Tương tự, các nước chung quanh trong thời của Samuên đã có những bạo chúa bụng bự và các vị vua được xem là thần linh. Các trưởng lão của dân Israel mong muốn một vì vua giống như thế cho chính họ; một vì vua cung ứng sự an ninh giả tạo, lợi ích tạm thời, chẳng có một lời kêu gọi nào to tát hay đức tin lâu dài. Hạng người nầy mong muốn một nhà vua giống như các dân kia. Đúng là một đòi hỏi rất dại dột.
            Và sau cùng, họ muốn có một vì vua “đánh giặc cho chúng tôi” (I Samuên 8:20). Một vì vua công bình sẽ dạy cho dân sự mình tham dự các trận đánh quan trọng cho chính bản thân họ. Các trưởng lão nầy của Israel mong muốn sự an ninh mà chẳng cần phải trả một giá nào hết. Đức Chúa Trời hướng dẫn Samuên cảnh cáo dân sự và nếu họ chối bỏ lời cảnh cáo vừa ban cho họ về những gì họ đòi hỏi, họ phải đón nhận mọi hậu quả. Kết quả là, Saulơ trở thành vì vua thứ nhứt của dân tộc, vị anh hùnh tạm thờ của họ và là nuối tiếc lâu dài của họ.
            Tôi muốn kết thúc sứ điệp nầy với một sự xem xét về con người Saulơ. Nguyện những sự lựa chọn trong đời sống của ông cung ứng cho chúng ta một cái nhìn sâu sắc vào chính bản thân mình. 
            I Samuên 9:1-2: “Bấy giờ, có một người Bên-gia-min, tên là Kích, con trai A-bi-ên, cháu Xê-rô, chắt Bê-cô-rát, chít A-phi-ác, là con trai của một người Bên-gia-min. Kích vốn một người dõng sĩ, có một con trai, tên là Sau-lơ, còn trẻ và lịch sự. Trong dân Y-sơ-ra-ên chẳng ai lịch sự bằng người; người cao hơn cả dân sự từ vai trở lên”.
            Hãy chú ý lý do duy nhứt Saulơ rất có ấn tượng là vì ông rất cao ráo. Và không những cao ráo, mà còn lịch sự, cơ bắp tốt, ánh mắt nhanh nhẹn, v.v… Ông trông rất lịch sự và vì lý do đó, ông lôi kéo sự chú ý vào bản thân ông như hạng người điển trai thường làm. Thế rồi chúng ta nhìn thấy ông trong hành động.
            I Samuên 9:3-27 giới thiệu Saulơ với câu chuyện nói tới những con lừa đi lạc. Saulơ đi ra với tôi tớ mình đặng tìm kiếm mấy con thú đi lạc (họ không hề gặp được chúng) và trong dãy biến cố ấy được chỉ thẳng vào Samuên. Câu chuyện làm nổi bật những bất cập của Saulơ. Chúng ta khám phá ra, Saulơ không nhìn biết Samuên cả về sự hiện hữu và vai trò của ông là một tiên tri trong xứ Israel. Tôi tớ có nhiều khả năng của Saulơ đưa ra một món quà trình diện và sắp xếp một cuộc gặp gỡ giữa hai người.
            Khi cấp độ quan tâm về nhu cần của dân tộc lớn lên, một công việc mới của Đức Chúa Trời trong khi Saulơ cứ mãi lo tìm mấy con thú bị lạc mất. Dáng dấp ấn tượng của ông không xứng với cấp độ nhỏ nhen về lợi ích và khả năng của ông.
            Hãy xem xét Samuên, nhà tiên tri, nói với Saulơ, kẻ tìm kiếm con lừa: 
            I Samuên 9:20-21:  “Còn những lừa cái mà ngươi đã mất ba ngày nay, chớ lo lắng về chúng nó; vì đã kiếm được rồi. Vả lại, mọi vật quí trọng hơn hết trong Y-sơ-ra-ên đã dành cho ai? Há chẳng phải cho ngươi và cho cả nhà của cha ngươi sao? Sau-lơ đáp: Tôi chỉ là một người Bên-gia-min, là một chi phái nhỏ hơn hết trong Y-sơ-ra-ên; nhà tôi lại là hèn mọn hơn hết các nhà của chi phái Bên-gia-min. Nhân sao ông nói với tôi giọng như vậy”.
             ‘Tôi chẳng là gì cả trong một xứ chẳng ra gì hết; ông đã gặp một gã vớ vẩn rồi. Ông đang nói tới điều gì trong thế gian vậy?’ Saulơ về sau là khách mời danh dự ở một bữa tiệc, được xức dầu làm vua và phủ lút với ơn ban nói tiên tri, thế mà ông ta chẳng nắm bắt được điều chi đang xảy đến cho mình. Sau cùng, Samuên nhóm Israel lại giới thiệu họ với nhân vật sẽ trở thành vua của họ.
            I Samuên 10:21-22: Người biểu chi phái Bên-gia-min đến gần từ họ hàng, rồi họ Mát-ri được chỉ định. Đoạn, Sau-lơ, con trai của Kích được chỉ định. Người ta tìm Sau-lơ nhưng không thấy. Chúng bèn hỏi lại Đức Giê-hô-va rằng: Còn có người nào khác sẽ đến đây chăng? Đức Giê-hô-va đáp: Kìa, nó ẩn trong đồ đạc kia”.
            Ông đã ẩn náu vì ông biết mình không phải là vua mà người ta đang có cần.
            I Samuên 10:23-24: Người ta chạy tìm người tại chỗ đó. Sau-lơ ra mặt giữa dân sự, người cao hơn cả chúng từ vai trở lên. Sa-mu-ên nói cùng cả dân sự rằng: Các ngươi có thấy người mà Đức Giê-hô-va đã chọn chăng? Trong cả dân sự không có ai giống như người. Hết thảy đều tung hô mà la lên rằng: Nguyện vua vạn tuế!
            Thế là Saulơ trở thành vì vua thất bại đã được nói trước khi Israel đòi có một vị vua giống như các nước khác đã có. Ông đã cố hết sức nhưng sự phán xét của ông là khủng khiếp, chính sách của ông là dại dột, nổ lực của ông nơi quyền lãnh đạo thuộc linh là sai lầm.
            Saulơ không thể xử lý được với sự ghen tỵ và dại dột ngày càng tăng của mình. Ông không thể tự quản lấy mình được nữa; ông không thể cai trị dân tộc mình; rồi sau cùng ông ta chết nơi chính tay mình, chẳng có chút danh dự nào cả.
            Mọi thất bại của Saulơ đều rất quen thuộc. Những gì ông có ở trong lòng không bao giờ thích hiệp với những điều ông có ở bề ngoài. Ông không thể sống theo những mong đợi được dựng nên từ cái bề ngoài của ông. Và Saulơ vốn biết rõ ông là một kẻ chẳng ra hết. Ông không có những tham vọng cả về chính trị lẫn thuộc linh, một nhà nông bình thường cao lớn và đẹp trai.
            Chúng ta phải nói rõ tình trạng chẳng đặng đừng của Saulơ là lỗi của Đức Chúa Trời và tôi cho rằng đấy cũng là tình trạng của chúng ta nữa. Đức Chúa Trời có quyền đặt chúng ta vào một chỗ mà chúng ta không mong muốn. Chính đặc quyền của Ngài cung ứng cho chúng ta trách nhiệm mà chúng ta cứ lẫn tránh. Ngài có thể đặt để chúng ta trong một gia đình mà chúng ta không biết phải yêu thương như thế nào và đặt những gánh nặng trên vai chúng ta mà chúng ta ao ước chúng ta không nên có.
            Vì vậy, chúng ta sẽ làm gì khi Đức Chúa Trời ban cho chúng ta một phần việc mà chúng ta không phù hợp? Chúng ta phải công nhận nhu cần của mình rồi tìm kiếm Chúa.
            Saulơ chưa bao giờ quì gối xuống, chưa bao giờ cầu xin giúp đỡ. Ông không hề nhìn nhận mình không phải là con người mà ông đáng phải có. Các sai lầm của ông trong vai trò nhà vua không dẫn tới sự hạ mình mà dẫn tới chỗ trơ tráo ngày càng thêm. Đức Chúa Trời đã cung ứng cho Saulơ một nhà tư vấn lỗi lạc nơi Samuên và một con trai tài giỏi nơi Giônathan và một người bạn hữu đầy năng tài nơi David. Những người nầy có thể trợ giúp cho Saulơ cai trị tốt đẹp, nhưng ông đã từ chối không công nhận những bất cập của mình.
            Khi tôi còn là một Cơ đốc nhân trẻ tuổi, có người trao cho tôi một quyển sách. Đề tựa luôn luôn cuốn hút tôi: Farewell to the Fake ID [tạm biệt với ID giả mạo]. Thử bảo vệ một cái ảnh giả, có một hư cấu về mặt thuộc linh, là chết chắc. Saulơ không phải là người mà ông ta đã trở thành. Ông ta mang lại sự sụp đổ cho bản thân mình và nhiều người khác vì ông ta không thể nhìn nhận việc ấy.
            Giờ đây, chúng ta bắt đầu kỷ nguyên thứ 5 trong loạt bài EPIC. Kỷ nguyên các vua của Israel khởi sự thật là xấu xa: một dân tộc chối bỏ Đức Chúa Trời bằng mọi đòi hỏi của nó và một vì vua thái độ kiêu ngạo của người là sự suy đồi của người. Nhưng hãy đợi đấy. Nhà vua đến kế đó chẳng phải là không ra gì giống như Saulơ đâu.



Thứ Tư, 27 tháng 2, 2013

MỘT QUÊ HƯƠNG ĐƯỢC BAN CHO: Ở ĐÂU CÓ ĐỨC TIN, Ở ĐÓ CÓ HY VỌNG



MỘT QUÊ HƯƠNG ĐƯỢC BAN CHO:
Ở ĐÂU CÓ ĐỨC TIN, Ở ĐÓ CÓ HY VỌNG
            Nếu cuộc sống của bạn là cái chén hy vọng, thì nó đầy tới cỡ nào? Trống phân nửa thôi sao? Đầy phân nửa? Trống hết hay đầy ắp?
            Sách Rutơ chỉ ra một phụ nữ có tên là Naômi. Nếu đời sống của Naômi là cái chén hy vọng, bà sẽ chẳng gọi nó là trống phân nửa hay thậm chí trống hết; bà đã gọi nó là trống trơn hoàn toàn. Nếu bạn có thể sử dụng hy vọng ít nhiều gì đó trong đời sống của bạn, thì câu chuyện nầy là dành cho bạn đấy.
            Nếu chúng ta lần theo Kinh thánh và chỉ mới hoàn tất sách Các Quan Xét, là sách mô tả quốc gia Israel gần như tan rã sau khi Israel vào trong đất hứa, có lẽ chúng ta nên đọc qua kỷ nguyên kế đó. Mặt khác, Kinh thánh không nói nhanh như thế đâu. Chúng ta mở ra sách kế đó rồi đọc, có lẽ với sự chán nãn của mình, khi thấy câu mở đầu: “trong đời các quan xét”. Thực vậy, câu chuyện bắt đầu với một tư thế chẳng hứa hẹn chi hết. Mặc dù vậy, hãy dán mắt vào đó; sách ấy rất hay ở phần cuối cùng đấy.
            Sách Rutơ là một bi kịch có bốn màn, tùy theo sự phân chia thành chương rất hay trong quyển Kinh thánh của chúng ta.
Màn I
            Có cơn đói kém trong đất hứa, là điều mà chúng ta xem là một dấu sửa phạt của Đức Chúa Trời nghịch cùng Israel vì họ thờ lạy hình tượng (Lêvi ký 26, Phục truyền luật lệ ký 28:23). Phải chăng đất hứa đã trở thành đất bị rủa sả? Vì cớ nạn đói, Êlimêléc, một người xuất thân ở thành Bếtlêhem trong khu vực xứ Giuđa, rời đất hứa để đến xứ Môáp cùng với gia đình mình: vợ ông là Naômi cùng với hai người con trai. Dân Israel đã đi ngang qua xứ Môáp để đến với đất hứa, vì vậy chuyến đi của Êlimêléc tiêu biểu cho một sự đảo ngược lại cuộc chinh phục xứ dưới quyền của Giôsuê. Trong Epic, chúng ta đang gọi kỷ nguyên nầy, bao gồm các sách Giôsuê, Các Quan Xét, và Rutơ, “Một Quê Hương Được Ban Cho” — quê hương là đất hứa. Đối với Êlimêléc và gia đình ông, quê hương trở thành ngôi nhà bị bỏ trống.
            Có nhiều việc trải đi từ xấu xa đến tồi tệ trong xứ Môáp. Thứ nhứt, Êlimêléc qua đời. Kế đến là hai người con trai của ông, sau khi cưới những người nữ Môáp làm vợ, cũng qua đời, để lại Naômi cùng hai nàng dâu tự lo liệu cho mình. Trong một đất mới đó, Naômi phản ảnh lại vùng đất mà bà đã bỏ đi: sự trơ trọi và không kết quả của bà.
            Tuy nhiên, Naômi nghe thấy Đức GIÊHÔVA đã tiếp trợ thực phẩm cho dân sự Ngài trở lại, vì vậy bà quyết định trở về xứ Giuđa. Mặc dầu hai nàng dâu của bà, Ọtba và Rutơ, bắt đầu chuyến đi cùng với bà, bà khuyên cả hai người nên trở lại xứ Môáp, là nơi chắc chắn có nhiểu triễn vọng cho họ, là những người nữ bản xứ, hơn là vùng đất của Israel. Naômi nói rằng bà quá già rồi không thể lấy chồng được nữa để sanh con hầu cho khi chúng lớn lên có thể làm chồng đặng lo liệu cho Ọtba và Rutơ. Naômi, khi đưa ra lời khuyên nài với hai người nữ nầy, tự nhận mình với kẻ chết, bà thấy rằng sống thì “cay đắng” cho bà hơn là cho Ọtba và Rutơ, và đổ thừa cho Đức GIÊHÔVA về hoàn cảnh của bà, khi nhận định rằng “tay Ngài giơ ra nghịch lại” bà. Naômi thuyết phục Ọtba trở về với xứ Môáp, còn Rutơ thì ở lại bên cạnh bà. Naômi vẫn nài xin Rutơ hãy hiệp với chị em bạn dâu mình mà trở lại với các thần xứ Môáp. Otba đã làm một việc rất hợp lý.
            Rutơ không chịu làm như thế. Nàng tự buộc mình không những với Naômi, mà còn với dân sự của Naômi và, quan trọng hơn, với Đức Chúa Trời của Naômi.
            Rutơ 1:16-17: Ru-tơ thưa rằng: Xin chớ nài tôi phân rẽ mẹ; vì mẹ đi đâu, tôi sẽ đi đó; mẹ ở nơi nào, tôi sẽ ở nơi đó. Dân sự của mẹ, tức là dân sự của tôi; Đức Chúa Trời của mẹ, tức là Đức Chúa Trời của tôi; mẹ thác nơi nào, tôi muốn thác và được chôn nơi đó. Ví bằng có sự chi khác hơn sự chết phân cách tôi khỏi mẹ, nguyện Đức Giê-hô-va giáng họa cho tôi!
            Rutơ xây đi với mọi thứ xác định nàng lâu nay — gia đình, dân tộc, và các thần của mình — từ bỏ mọi triễn vọng hiển nhiên là sáng láng hơn trong xứ sở của mình để bắt lá thăm với Đức GIÊHÔVA, là Đức Chúa Trời của Israel. Trong sách Các Quan Xét, dân Israel, là dân sự của Đức Chúa Trời, thường hay ngãnh mặt đi không bước theo Chúa. Giờ đây, người Ngoại liều mạng nầy, bất chấp sự thúc giục của mẹ chồng người Do thái, sẽ chẳng xây lưng không bước theo Đức GIÊHÔVA.
            Trong việc quay trở lại Bếtlêhem xứ Giuđa, Naômi quyết định rằng cần phải đổi tên mình lại. Tên của bà có nghĩa là “dễ thương”, nhưng bà nghĩ là Mara, có nghĩa là “cay đắng”, sẽ là thích hợp hơn, vì Đấng Toàn Năng đã làm cho đời sống bà ra “rất cay đắng”. Từ nhận định của Naômi, bà rời Bếtlêhem “đầy dẫy” nhưng Đức GIÊHÔVA đã đem bà về “tay không”. Bà trở về trong tình trạng của xứ sở khi bà rời bỏ nó. Tuy nhiên, vùng đất ấy, đã được phục hồi; đất ấy đã kết quả trở lại. Nhưng Naômi chưa khám phá ra. Bà hãy còn trơ trọi và không kết quả. Mọi sự bà có là một goá phụ dân Ngoại chẳng có chỗ đứng trong xứ Israel. Một lần nữa, bà đổ thừa hoàn cảnh mình cho Đức GIÊHÔVA, theo nhận định của bà thì Ngài đã giáng hoạ cho bà.
            Có nhiều người đồng hoá với Naômi. Bạn hy vọng có được một kinh nghiệm lớn ở học đường, nó chẳng là gì hết chỉ là lớn thôi. Bạn hy vọng có một cơ nghiệp đàng hoàng, song việc chẳng ra theo cách đó. Bạn hy vọng có được một loại quan hệ sẽ làm thoả mãn các nhu cần của mình, nhưng vẫn cứ phải chờ — hoặc bạn nhận được mối quan hệ mong muốn, chỉ để thấy rằng nó tạo ra nhiều nhu cần hơn là nó làm thoả mãn. Bạn hy vọng có sức lực để lo liệu cho cuộc sống, nhưng sức khoẻ của bạn làm cho bạn phải thất vọng. Bạn hy vọng con cái của mình sẽ suông sẻ, nhưng chúng đang bắt  theo con đường lạc sai. Bạn hy vọng có được các thứ hoá tài để chu tất với cuộc sống, song tài chánh của bạn khiến cho bạn phải thất vọng. Đối với nhiều người, giống như Naômi, không những chỉ có một mất mát đâu; mà là người mất hết cái nầy tới cái khác. Có những việc không những không khấm khá hơn, mà chúng còn đi từ xấu xa đến chỗ tồi tệ hơn. Bạn không tính hết được những mất mát nầy. Và nếu bạn là một người tin theo Đức Chúa Trời của Israel, như Naômi, thật là dễ trở nên cay đắng lắm. Ngài không làm cho mọi việc ra dễ hơn, mà ra khó hơn, có phải không? Thật là dễ đổ thừa cho Đức Chúa Trời, hay mất đức tin nơi Ngài lắm. Bạn đi ra đầy dẫy; bạn trở về tay không.
            Là một thanh niên, tôi rời Bay Area đến một tiểu bang xa xôi làm việc trong vai trò phóng viên cho một tạp chí ở Redding. Tôi đi ra đầy dẫy — đầy dẫy hy vọng — nhưng một mối quan hệ gãy vỡ đẩy tôi vào một tình thế phải suy sụp. Tôi thấy khó mà làm việc được nữa. Tôi bỏ việc làm chỉ sau 6 tháng trời và trở về lại Bay Area như một người tan vỡ. Tôi đi ra đầy dẫy, nhưng tôi trở về tay không.
            Ngay cả như chúng ta không thể đồng hoá với Naômi, có lẽ chúng ta có thể cảm thông với bà và với những kẻ đã chịu khổ theo cách mà bà đã chịu. Tuy nhiên, ở điểm nầy của câu chuyện, chúng ta có thể suy gẫm về nhận định của Naômi. Há có phải tay của Chúa đã giơ ra nghịch lại bà? Há Đấng Toàn Năng có thực sự khiến cho đời sống bà phải cay đắng đến chỗ phải đổi tên, từ “Dễ Thương” ra “Cay Đắng” không? Có phải bà thực sự trở về Bếtlêhem tay không chăng? Bà cảm thấy trống vắng, và bà phải làm cho người ta phải chú ý đến cảm xúc của bà, tất nhiên, y như các tác giả Thi thiên, họ đến với Đức Chúa Trời không phải bởi chối bỏ điều họ cảm xúc mà bằng cách bày tỏ ra những cảm xúc chơn thật nhất của họ. Thực vậy, Naômi đang trở về với một người nữ dân Ngoại, nhưng hãy xem xét người nữ ấy đi. Thực vậy, Rutơ chẳng có một chỗ đứng nào trong xứ Israel, nhưng nàng có đức tin nơi Đức Chúa Trời của Israel và nàng tự trói buộc mình với Naômi.
Màn II
            Hai goá phụ nầy sẽ được tiếp đón như thế nào đây? Rutơ đề nghị nàng đi thăm các cánh đồng để mót lúa, theo luật pháp của Israel, chủ ruộng phải chừa lại một phần để tiếp trợ cho kẻ mồ côi, người goá bụa, và khách lạ (Lêvi ký 19:9-10, 23:22). Nàng đi vào cánh đồng mà Bôô làm chủ, ông là một người giàu có, có bà con với Êlimêléc, là người chồng quá cố của Naômi. Bôô, nói với Rutơ, ban ơn thật đặc biệt cho nàng vì ông đã nghe kể lại câu chuyện của nàng.
            Rutơ 2:11-12: Bô-ô đáp: Người ta có thuật cho ta nghe mọi điều nàng đã làm cho mẹ chồng nàng, từ khi chồng nàng chết, và cách nào nàng đã lìa cha mẹ, xứ sở sanh của nàng, đặng đi đến một dân tộc mà nàng không biết trước. Nguyện Đức Giê-hô-va báo đáp điều nàng đã làm; nàng đã đến núp dưới cánh Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên; cầu xin Ngài thưởng cho nàng cách trọn vẹn”.
            Lời lẽ của Bôô nói với Rutơ, một người dân Ngoại, đúng là sự khen ngợi sâu sắc, vì ông vang dội lời lẽ mà Đức GIÊHÔVA phán cùng Ápraham, là tộc trưởng của Israel:Ngươi hãy ra khỏi quê hương, vòng bà con và nhà cha ngươi, mà đi đến xứ ta sẽ chỉ cho (Sáng thế ký 12:1). Có một việc xảy ra với Rutơ tương tự với những gì đã xảy ra với Ápraham, là người đã được Chúa chúc phước cho để rồi ông, và dân tộc nối theo sau ông có thể chúc phước cho cả thế gian?
            Đúng ra, Bôô đang nói với Rutơ: “Nguyện tiền công của cô được đầy dẫy”. Naômi tự xem mình về đấy là tay không, nhưng giờ đây Rutơ, là con dâu của bà, có triễn vọng một loại đầy dẫy nào đó. Rutơ cùng ăn bữa với Bôô và các con gặt của ông, và nàng dùng bữa cho tới chừng no nê. Vì lòng tử tế của Bôô, Rutơ có quyền mót lúa dư dật, nàng đem về cho Naômi, bà cũng ăn cho tới chừng no nê.
            Khi Naômi khám phá ra ngưởi chủ ruộng kia có bà con với Êlimêléc, bà rất là phấn khởi. Như một người được gọi là “người bà con có quyền chuộc”, Bôô nhất định có các trách nhiệm phải chăm sóc cho người goá phụ của người bà con (Lêvi ký 25:25-28). Nói với Rutơ về Bôô, Naômi, sau khi đổ thừa cho Đức GIÊHÔVA và các nan đề của mình, đã xưng danh Ngài trong một tư thế đáng ngợi khen: Nguyện Đức Giê-hô-va ban phước cho người, vì Ngài không dứt làm ơn cho kẻ sống và kẻ chết! Có chỗ bà đề cập đến không rõ ràng về lòng tử tế: của Đức GIÊHÔVA hay của Bôô!?! Dù trong trường hợp nào đi nữa, thì sự việc cho thấy cả Đức GIÊHÔVA và Bôô đều đang tỏ ra lòng nhân ái dành cho Rutơ, Naômi, và Êlimêléc. Naômi giục giã Rutơ phải ở lại gần gũi bên các tôi tớ của Bôô và cứ tiếp tục mót lúa ở trong ruộng của ông.
            Khi mọi việc đi từ xấu xa đến tệ hại hơn, bạn cần điều gì chứ? Bạn cần đến đức tin. Ở đâu có đức tin, ở đó có hy vọng. Bạn cần đến đức tin, là điều cảm thúc cho hy vọng. Nhưng thật là khó tin, có phải không? Có lẽ khi mọi việc đi từ chỗ xấu xa đến chỗ tệ hại hơn, Đức Chúa Trời sẽ sai đến với bạn một người như Rutơ, một người có lòng tin, hay một người như Bôô, là người nhắc cho bạn nhớ rằng Đức Chúa Trời ban thưởng cho những ai chịu tin theo Ngài (Hêbơrơ 11:6). Hay có thể chỉ việc đọc đến Rutơ và Bôô cũng cung ứng hy vọng cho bạn rồi. Có lẽ, mặc dù bạn vẫn thấy trống không, bạn sẽ hy vọng về một loại đầy dẫy, và có thể, giống như Naômi, bạn có thể thấy hy vọng trong lòng mình muốn ngợi khen Chúa, dù là yếu ớt.
Màn III
            Naômi có chương trình lớn lao dành cho Rutơ và Bôô. Bà hy vọng rằng Bôô sẽ đảm nhiệm vai trò người anh em trực hệ của Êlimêléc rồi cưới Rutơ làm vợ. Luật pháp của Israel buộc một người phải lấy vợ của người anh quá cố của mình và, nếu khả thi, sanh sản con cái hầu cho danh của người anh kia sẽ còn tiếp tục trong Israel (Phục truyền luật lệ ký 25:5-10). Naômi khuyên Rutơ đến nằm cạnh Bôô. Nếu Rutơ làm theo lời khuyên của Naômi, nàng sẽ đề nghị theo cách biểu tượng với Bôô rằng ông đang chu toàn vai trò người em trực hệ và cưới nàng làm vợ (Êxêchiên 16:9-12). Rutơ đồng ý rồi đi đến sân đạp lúa, ở đó Bôô sẽ đi ngủ sau khi lo việc đạp lúa xong. Naômi tin cậy Đức GIÊHÔVA hành động nơi Bôô, bà nói với Rutơ:chính người sẽ nói điều gì con phải làm.
            Bôô, rất tự nhiên, ông giật mình khi thấy một người nữ đang nằm kề cận ông lúc nửa đêm và thắc mắc không biết có chuyện gì!?! Trước đó, Bôô đã ngợi khen Rutơ vì đã đến nương náu dưới bóng cánh của Đức GIÊHÔVA; giờ đây Rutơ, đáp trả vang dội lời lẽ như sau: xin đắp mền ông trên kẻ tớ gái ông, vì ông có quyền chuộc sản nghiệp tôi. Bôô, mặc dầu ngợi khen Rutơ vì không chạy theo những người trai trẻ, bảo nàng hãy ở lại ngủ đây. Phải, ông vốn hiểu rõ mình là người bà con có quyền chuộc, và phải, ông bằng lòng chu tất vai trò người em trực hệ của Êlimêléc. Tuy nhiên, ông biết có một người bà con gần hơn, và ông phải chờ người ấy đưa ra lời từ chối.
            Bôô để cho Rutơ về nhà với nhiều lúa hơn, ông lưu ý: Nàng chớ trở về cùng bà gia hai tay không. Naômi, người trở về tay không, nhận được sự đầy dẫy một lần nữa.
            Có điều chi đó đang khuấy khuất trong Naômi, và có lẽ cũng có điều chi đó đang khuấy khuất bạn nữa đấy. Bạn có thể gọi đó là đức tin. Có lẽ bạn sẽ được phước bởi đức tin của ai đó, và có lẽ bạn sẽ được trưởng dưỡng bởi đức tin của người ấy ở một cấp độ nào đó. Có lẽ cần phải nói rằng bạn đang lớn lên trong đức tin. Có thể, giống như Naômi, bạn đã sẵn sàng để nắm lấy một loại hành động nào đó rồi.
Màn IV
            Bôô tìm ra người bà con gần hơn rồi cho người ấy biết mọi việc. Thực vậy, ông đưa ra mọi sự trong một trình tự có chiến lược hẳn hoi. Có mảnh đất nầy thuộc về Êlimêléc, và giờ đây Naômi phải bán nó, vì hai người goá phụ không thể lao động trên đất đó được. Trong một trường hợp như thế, người bà con gần nhất có trách nhiệm phải mua miếng đất rồi giữ nó trong gia phả (Lêvi ký 25:23-28). Người bà con gần hơn nói cho Bôô biết sự việc cần phải thương lượng. Bôô đáp hoàn toàn “không”. Miếng đất đi kèm với một người nữ, là Rutơ, một người dân Ngoại, từ quan điểm của người bà con, là không chấp nhận được. Sau khi suy nghĩ trong một phút, người bà con nói: nếu ông cưới Rutơ làm vợ và họ có con cái, ông sẽ gặp rắc rối với việc thừa kế của con ruột mình. Ông ta nói “cảm ơn” với Bôô; “anh hãy cưới nàng đi”. Người bà con gần hơn hành động theo lợi ích của mình riêng.
            Con đường giờ đây quá rõ nét cho Bôô để có được đất và cưới Rutơ làm vợ để bảo đảm tình trạng bất tử về mặt xã hội của người chồng quá cố của Rutơ. Bôô, ngược lại với người bà con gần hơn kia, ông hành động theo lợi ích của người khác: người chồng quá cố, chưa nhắc tới Rutơ và Naômi.
            Dân sự ở thành Bếtlêhem đã chứng kiến cuộc giao dịch nói với Bôô: Nguyện Đức Giê-hô-va làm cho người nữ vào nhà ngươi giống như Ra-chên và Lê-a, là hai người đã dựng nên nhà Y-sơ-ra-ên! Rachên và Lêa, hai người vợ của Giacốp, đã dựng lên dân dộc Israel: 12 chi phái Israel là con cái của họ. Giờ đây, rất ấn tượng khi dân sự thành Bếtlêhem hy vọng rằng người nữ dân ngoại nầy sẽ tái thiết lại quốc gia qua dòng dõi được sanh ra cho nàng. Thứ nhứt, Bôô gợi ý rằng Rutơ sống giống như Ápraham, cả dân tộc đều khởi đi từ ông; giờ đây dân sự thành Bếtlêhem hy vọng rằng nàng sẽ tái thiết lại quốc gia. Thực vậy, có điều chi đó dường như sẽ xảy ra cho người nữ nầy tương tự với những gì đã xảy ra cho Ápraham.
            Bôô cưới Rutơ làm vợ, Đức GIÊHÔVA cho phép nàng thụ thai, và nàng sanh một con trai. Khi Naômi trở về thành Bếtlêhem, bà nói với những người nữ: Tôi đi ra được đầy dẫy, nhưng Đức GIÊHÔVA dắt tôi về tay không. Giờ đây, những người nữ ấy chú ý đến những gì Chúa đã làm cho Naômi kể từ dạo ấy. Bây giờ, bà có cháu nội, nó sẽ tiếp trợ cho bà trong lúc tuổi già. Thực vậy, bà mất hai người con trai, nhưng bà có Rutơ, là con dâu của bà, nàng còn quí cho bà hơn bảy con trai — số 7 là con số của sự trọn vẹn.
            Naômi ẳm đứa trẻ trong tay mình, ôm nó vào lòng và chăm sóc cho nó, trở thành con của người mẹ nuôi. Hãy nhớ, Naômi, khi tìm cách xua Rutơ đi đừng trở về đất hứa với bà, bà khinh khỉnh xua đi khả năng nàng sẽ có một con trai lúc bà cao tuổi. Bây giờ, những người nữ lưu ý: Một đứa trai đã sanh cho Na-ô-mi.
            Nếu Naômi trở về tay không, giờ đây bà được đầy dẫy, theo một phương thức trỗi hơn bất kỳ điều cho bà có thể suy tưởng. Nhưng hãy đợi đấy, còn nhiều nữa.
Phần kết
            Với một đứa con trai chào đời cho Rutơ, là sự cứu chuộc của Naômi, chuyến hành trình của bà từ tay không trở thành đầy dẫy, là trọn vẹn. Nhưng câu chuyện của sách Rutơ chưa hoàn tất đâu. Đâu là câu chuyện của Israel? Thật vậy, Naômi đã ở trong nhu cần sự phục hưng, nhưng Israel là một tổng thể cũng ở trong nhu cần sự phấn hưng trong suốt thời kỳ khi Các Quan Xét cai trị.
            Đứa con trai chào đời cho Rutơ: tên nó là gì chứ? Ôbết. Ồ, Ôbết, ông trở thành cha của Giesê, ông là cha của … David, vua của Israel. Trong thời kỳ của Naômi, Rutơ, và Bôô, trong suốt thời kỳ khi Các Quan Xét cai trị: “trong lúc đó, không có vua nơi Y-sơ-ra-ên, mọi người cứ làm theo ý mình tưởng là phải (Các Quan Xét 17:6, 21:25). Vì câu chuyện của Israel còn ở trước mặt, nàng có thể chu tất câu chuyện của mình và chúc phước cho thế gian, nàng không cần các cấp lãnh đạo chi phái như Các Quan Xét mà cần một vì vua cai trị trên hết thảy các chi phái. Trong thời Các Quan Xét, trong giờ tối tăm nhất của Israel, mọi sự chẳng phải là mất hết, nó đang bật ra, vì ba nhân vật, Naômi, Rutơ, và Bôô, mà còn, hầu như vì cớ Đức GIÊHÔVA, Ngài sắp xếp ba nhân vật nầy vào tấn bi kịch cứu chuộc và đã ban cho Israel điều chi nó có cần, không những vì cớ Israel mà còn vì cớ cả thế gian nữa: một vị vua vừa lòng Ngài.
            Sách Rutơ kết luận với tổ phụ của David, kéo dài 10 thế hệ. Bôô và David chiếm những vị thế chủ yếu: số 7 và số 10, tương ứng giống như Hênóc và Nôê trong bảng gia phổ ở Sáng thế ký 5.
            Tại đó sách Rutơ kết thúc. Nhưng hãy đợi đấy, còn nhiều việc nữa — không phải trong sách Rutơ mà ở những gì có trong sách Rutơ. Sách Rutơ kết thúc với một bảng gia phổ. Sách thứ nhứt của Tân Ước khởi sự với một bảng gia phổ:
            Áp-ra-ham sanh Y-sác; Y-sác sanh Gia-cốp; Gia-cốp sanh Giu-đa và anh em người. Giu-đa bởi Tha-ma sanh Pha-rê và Xa-ra. Pha-rê sanh Ếch-rôm; Ếch-rôm sanh A-ram; A-ram sanh A-mi-na-đáp; A-mi-na-đáp sanh Na-ách-son; Na-ách-son sanh Sanh-môn. Sanh-môn bởi Ra-háp sanh Bô-ô. Bô-ô bởi Ru-tơ sanh Ô-bết. Ô-bết sanh Gie-sê; Gie-sê sanh vua Đa-vít (Mathiơ 1:2-6).
            Hãy chú ý mấy cái tên trong sách Mathiơ cũng hiển thị trong sách Rutơ: Bôô, Rutơ, Ôbết, Giesê … David. Và sách Mathiơ giới thiệu bảng gia phổ như thế nào vậy? Với lời lẽ đầu tiên trong Tân Ước: Gia phổ Đức Chúa Jêsus Christ, con cháu Đa-vít và con cháu Áp-ra-ham. Ngài chào đời ở đâu? Bếtlêhem, là thành của Naômi.
            Giờ đây chúng ta thấy: Naômi không trở về Bếtlêhem tay không; bà trở về với Rutơ. Bà trở về với một người nữ có đức tin thật phi thường. Và ở đâu có đức tin, ở đó có hy vọng. Thực vậy, theo lời lẽ của Steve Zeisler, khi Naômi trở về với Rutơ, bà đã trở về “với tương lai của dòng giống nhân loại”, cho David và, quan trọng hơn, Con Vua David đã ra từ Rutơ. Người đàn bà tự nhận mình là tay không đóng một vai chủ yếu trong bi kịch nói tới sự cứu chuộc.
Bà Có Một Con Trai
            Cái chén hy vọng của bạn đầy dẫy như thế nào chứ? Hãy xem xét điều nầy:
            Những người nữ của thành Bếtlêhem đã lưu ý: Một đứa trai đã sanh cho Na-ô-mi”. Naômi đã có một con trai, là người trở thành ông nội của Vua David. Ở đâu có đức tin, ở đó có hy vọng. Nếu bạn có đức tin, bạn cũng có một con trai: Con Vua David. Nếu bạn tin theo Đức Chúa Jêsus Christ, bạn đang có Con của Đức Chúa Trời, và Ngài là người bà con có quyền chuộc của bạn: Ngài giải cứu bạn ra khỏi sự hư mất đời đời và tiếp trợ cho bạn không những trong lúc tuổi già mà còn trong suốt mọi thời đại nữa. Bạn đang có hy vọng. Nếu bạn có Đấng Christ, bạn không phải là tay không đâu; Đấng Christ đang ngự ở trong bạn bởi Đức Thánh Linh, và Đức Thánh Linh ban cho bạn một tiên vị về sự dựng nên mới hầu đến (Rôma 8:10, 8:23; Côlôse 1:27). Nếu bạn có đức tin nơi Đức Chúa Con, có lý do để hy vọng, vì Đức Chúa Trời ban thưởng cho kẻ chịu tin theo Ngài.
            Trong mọi lời lẽ tao nhã đã đổ ra từ ngòi bút của Frederick Buechner, một trong những nhà văn lỗi lạc nhất của chúng ta, đây là lời lẽ mà ông ưa thích, ông mong muốn được khắc trên bia mộ của ông:
            Cái điều mất mát chẳng sánh gì với cái thứ tìm được, và sự chết so với đời hầu đến, không bằng cái chén đầy.
            Tôi nghĩ Naômi chắc sẽ đồng ý thôi.
            Khi tôi trở về từ Redding đến Bay Area như một người tan vỡ, tôi nghĩ mình trở về với hai tay không. Tuy nhiên, ở đầu cùng của tiểu bang, tôi khởi kêu la với Chúa, và một việc gì đó đã xảy ra cho tôi. Tôi nhận ra một việc, hay tái khám phá ra một việc, hoặc khám phá ra một việc theo một cách mới. Phải, tôi đã khám phá ra Chúa theo một cách mới. Phải, tôi cảm thấy giống như thể mình đã trở về tay không, và, giống như Naômi, tôi ta thán, thế nhưng trong thực tế, tôi đã trở về với nhiều đức tin hơn: tin cậy nhiều nơi Chúa, ít tin tưởng vào bản thân mình. Thật vậy, tôi đã chán nãn, nhưng ở đâu có đức tin, ở đó có hy vọng. Trong mọi sự, cần đến một năm để phục hồi từ chuyến tham đi đến North State, nhưng khi tôi phục hồi rồi, tôi đã ở trong tình trạng khả quan về mặt thuộc linh hơn khi tôi đi ra đầy dẫy — đầy dẫy cái tôi của mình. Tôi trở về với Đức Chúa Con. Đây là phần kết luận: bây giờ, khoảng ba mươi năm sau, tôi thấy mình được kéo vào tấn bi kịch cứu chuộc đời đời. Đây là phần kết cho phần kết: tôi đã bị kéo vào đó ngay khi ấy; tôi chỉ không nhìn biết đấy thôi. Cái gì mất mát không so sánh được với thứ tìm được.
            Mùa hè qua, tôi chủ trì buổi lễ tưởng niệm một phụ nữ mà đời sống của bà phản ảnh đời sống của Naômi. Giống như Naômi, Janet Dowd đã mất người chồng cùng hai đứa con trai. Bà mất chồng và một đứa con trai trong một tai nạn thảm khốc, rồi mấy năm sau bà mất đứa con kia luôn. Hết thảy ba người đàn ông của bà đều đã ra đi hết, và bà vẫn còn có nhiều năm tháng để đi tới. Cách đây vài tháng, khi gia đình và bạn hữu của bà nhóm lại để than khóc sự mất mát và tưởng niệm cuộc đời của bà, tôi đã nói rằng câu chuyện của Janet không phải là câu chuyện nói tới sự mất mát. Bà có một tình yêu sâu đậm dành cho Kinh thánh, là thứ đã giúp đưa bà đến với một đức tin quan trọng. Bà mất mát nhiều đấy, nhưng bà đã kiếm được Đấng Christ. Cách đây nhiều năm, bà khởi sự chức vụ chuyên cho những ai mất người thân tại nhà thờ của chúng tôi, và khi đến lúc bà ra đi, chức vụ mà bà khởi sự ở đây là dành cho những người thân mà bà để lại sau lưng.
Bị Kéo Vào Tấn Bi Kịch
            Nếu bạn có Đức Chúa Con, câu chuyện của bạn được kết nối với câu chuyện đời đời, có nghĩa là câu chuyện của bạn đang hướng theo một chiều hướng tốt. Hơn nữa, bạn, giống như Naômi, đang có một vai để đóng trong tấn bi kịch, cho dù bạn cảm thấy tay không. Trong giờ tối tăm nhất của Israel, Naômi, dường như bà cảm thấy mình với hai tay không, đã trở về tại Israel với tương lai của dòng giống nhân loại. Bất luận thời buổi có tối tăm dường nào, chúng ta đang mang lấy tương lai của dòng giống nhân loại theo với chúng ta, vì chúng ta là nơi ngự của Con Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời kéo chúng ta vào trong tấn bi kịch nói tới sự cứu chuộc và qua chúng ta, không cứ cách nào đó, cung ứng cho thế gian những gì nó có cần: NHÀ VUA. Và chúng ta đang mang Ngài theo với chúng ta vào trong các thời đại.
            “Và sự chết so với đời hầu đến, không bằng cái chén đầy”. Mặt khác, như với cái chén hy vọng của bạn, hãy yên nghĩ chắc chắn rằng, đúng kỳ đã định, cái chén ấy sẽ đầy tràn.


Thứ Ba, 26 tháng 2, 2013

MỘT QUÊ HƯƠNG ĐƯỢC BAN CHO: NHU CẦN MỘT VÌ VUA



MỘT QUÊ HƯƠNG ĐƯỢC BAN CHO:
NHU CẦN MỘT VÌ VUA
            Mary Gordon, một nhà văn, thuật lại câu chuyện nầy:

            Trưa tháng 8, trời nắng nóng. Tôi gặp 10 người ăn tối hôm đó. Không một ai hiến cho tôi một chút giúp đỡ nào hết. Tất nhiên, tôi cảm thấy mình giống như một nạn nhân, như ai đó hứng chịu trong căn bếp hực nóng vào một ngày tháng 8. (Thật là quan trọng khi nhớ tới thói quen xưng công bình của người có tánh nóng giận thường có thói quen xem mình là nạn nhân). Tôi bị băm, bị kích động, phải khom người xuống một ngọn lửa thấp, và chỉ có một mình, một mình! Hơi nóng của lò nướng là Lò Luyện Tội của tôi, là lò thử thách của tôi.
            Mẹ tôi và các con của tôi nghĩ đây là thời điểm rất tốt cho sự bất tuân. Họ vào ngồi trong xe rồi từ chối không nhúc nhích cho tới chừng tôi đưa họ đi bơi. Giờ đây, con cái của tôi đang ở độ tuổi dễ xúc động lúc bấy giờ, một đứa bảy tuổi và một đứa bốn tuổi. Mẹ tôi thì 78 tuổi và, trừ ra cách nói năng của bà, được mô tả như là tàn tật. Họ nghiêng người lên nhấn kèn và kêu tên tôi qua cửa xe, đến nỗi mấy người hàng xóm đều nghe thấy, nhắc cho tôi nhớ tới lời hứa phải đưa họ đến hồ bơi.
            Có những thời điểm chắc chắn khi có một câu nói mà người ta hay dùng tự nó toát ra trong chỗ loạng choạng và đây là một trong số chúng. Tôi quên mất rồi. Tôi quên cả bản thân mình.

            Phần nhiều người trong chúng ta tìm cách kềm chế cơn giận dưới tấm chăn suốt thôi, nhưng ngay cả hạng người hoà nhã nhất giữa vòng chúng ta cũng quên phứt nó trong một lúc. Ở trung tâm sách Các Quan Xét, có một người không còn biết đến nó nữa. Vì ông đánh mất nó, cuộc đời của ông phải chuyển vào một ngã rẻ rất tồi tệ. Thực vậy, khi ông đánh mất nó, cả dân tộc Israel phải lâm vào ngã rẻ quyết định tồi tệ đó. Cách chúng ta đáp ứng với một thế giới từ chối không cộng tác với chúng ta có hàm ý rất lớn không những cho đời sống chúng ta mà còn cho đời sống của những người mà chúng ta ảnh hưởng nữa. Một nhận định về sách Các Quan Xét giúp chúng ta tìm kiếm một câu trả lời cho thắc mắc: “Tôi phải làm gì với cơn giận của tôi?”
Sách Các Quan Xét
            Sách Các Quan Xét sẽ không phải là mới mẻ với ai trong quí vị có mặt tại Hội thánh nầy trong suốt hai năm qua, ít nhiều gì thì tôi cũng đã giảng luận về sách ấy trong khoảng thời gian đó. Có người đã hỏi tôi lý do tại sao tôi chọn sách Các Quan Xét. Tôi chọn sách ấy chủ yếu là vì trong ánh sáng của toàn bộ câu chuyện trong Kinh thánh, sách Các Quan Xét làm nổi bật nhu cần của chúng ta về Đấng Christ, là nhà vua mà quyển sách dự kiến. Ngay cả nếu chúng ta không ở trong tình trạng cấp bách, chúng ta cần phải lo liệu nhu cần của mình về Đấng Christ. Vì lẽ đó, tôi đã gọi toàn bộ loạt bài là: “Có Một Việc Cần Mà Thôi” — Đấng Christ, tất nhiên, là việc rất cần thiết.
            Sách Các Quan Xét nhắm ngay chỗ mà sách Giôsuê chừa lại. Sách Giôsuê phác hoạ cuộc chinh phục Đất Hứa của Israel dưới quyền của Giôsuê. Dân Do thái ở vào tình trạng tốt đẹp dưới thời Giôsuê. Tuy nhiên, khi Giôsuê rời khỏi bối cảnh, có nhiều việc chừa lại chưa làm xong, và không có Giôsuê, Israel gần như không làm được gì hết. Dân Do thái thất bại không đánh đuổi cư dân của xứ rồi thờ lạy các thần của xứ thay vì Đức GIÊHÔVA. Chúa mặc lấy quyền phép cho một loạt Các Quan Xét, hay cấp lãnh đạo chi phái, để chinh phục các dân tộc còn chừa lại, nhưng mỗi lần sau khi Chúa giải cứu dân sự Ngài, họ liền trở lại với các tà thần của họ. Quyển sách đánh dấu bảy vị Quan Xét chính, nhưng ngay cả các quan xét cũng đã trở nên hủ bại. Ba vị Quan Xét chính đầu tiên rất là thành công, nhưng ba vị sau cùng chỉ đạt được phần nào đó thành công mà thôi.
            Với thất bại của cấp lãnh đạo chi phái, người ta trông mong nơi chi phái Lêvi, là lương tâm thuộc linh của dân tộc, đến để giải cứu. Nhưng phần cuối của quyển sách nhấn mạnh đến thất bại to lớn của chi phái Lêvi. Dân sự đang thất vọng. Các quan xét thất bại. Chi phái Lêvi thất bại. Đến cuối sách, khoảng bốn trăm năm sau khi Giôsuê lãnh đạo dân sự vào trong Đất Hứa, dân Do thái đã bị rơi vào vòng xoắn hỗn loạn về mặt thuộc linh, về mặt đạo đức, và về mặt xã hội.
Quan Xét chủ chốt
            Quyển sách đưa ra một cấu trúc cân đối có ba phần: Phần mở đầu có hai phần, phần thân bài, và phần kết có hai phần:
Phần mở đầu: Thất bại của các chi phái
            A  Phần mở đầu về mặt chính trị: Dân Do thái với dân Canaan; thành công có một phần (1:1-2:5)
            B  Phần mở đầu về mặt thần học: Tình trạng thờ lạy hình tượng phổ biến (2:6-3:6)
Phần thân bài: Thất bại của các Quan Xét
            C  Ốtniên: Vợ của người Israel thúc đẩy sự thành công (3:7-11)
            D  Êhút: Sứ điệp cho nhà vua, giết người Môáp nơi chỗ cạn của sông Giôđanh (3:12-31)
            E  Đêbôra: Người nữ Giaên giết Sisêra và kết thúc chiến tranh (4:1-5:31)
            F  Ghiđêôn:
a  Đứng nghịch cùng tình trạng thờ lạy hình tượng (6:1-32)
b  Ghiđêôn đánh nhau với dân xứ Canaan (6:33-7:25)
b’ Ghiđêôn với dân Do thái (8:1-21)
a’ Sa vào tình trạng thờ lạy hình tượng (8:22-32)
            E’ Abimêléc: “một người nữ” giết Abimêléc và kết thúc cuộc chiến (9:1-56)
            D’ Giépthê: Sứ điệp cho nhà vua, giết người Épraim tại chỗ cạn của sông Giôđanh (10:6-12:15)
            C’ Samsôn: Những người nữ ngoại bang thúc đẩy sự sụp đổ (13:1-16:31)
Phần kết luận: Thất bại của chi phái Lêvi
            B’ Phần kết về mặt thần học: Thờ lạy hình tượng tràn lan (17:1-18:31)
            A’ Phần kết về mặt chính trị: Dân Do thái với Dân Do thái; thất bại hoàn toàn (19:1-21:25)
            Ghiđêôn là quan xét chủ chốt. Trước ông, các Quan Xét lãnh đạo dân Do thái vào cuộc chiến chống lại dân xứ Canaan, và không ai trong các Quan Xét được ghi lại là người thờ lạy hình tượng. Ghiđêôn chiếm lấy chỗ đứng chống lại tình trạng thờ lạy hình tượng và tương tự đánh bại những kẻ thờ lạy hình tượng, nhưng rồi ông xây gươm mình nghịch lại chính dân tộc mình rồi sa vào tình trạng thờ lạy hình tượng. Israel như một tổng thể kết thúc ở chỗ Ghiđêôn đã hoàn tất: sa bại bởi tình trạng thờ lạy hình tượng và chiến tranh chống lại đồng bào Do thái. Câu chuyện nói tới Ghiđêôn, nằm ngay trọng tâm của cấu trúc, là mô hình cho cả sách. Câu chuyện của ông, trong nhận định của sách Các Quan Xét, xứng đáng được xem xét cách đặc biệt.
Câu chuyện nói tới Ghiđêôn
            Khi Chúa kêu gọi Ghiđêôn đi giải phóng dân Israel ra khỏi dân Mađian, Ghiđêôn đang trốn tránh họ. Không cần phải nói, Ghiđêôn từ từ nắm lấy phần việc. Tuy nhiên, Chúa rất kiên nhẫn và bền đỗ. Vì nan đề lớn lao của Israel không phải là dân Mađian mà là sở thích của nó đối với các thần khác, phần việc thứ nhứt của Ghiđêôn là phá đỗ bàn thờ tà giáo của cha mình rồi thay thế chúng với bàn thờ để thờ lạy Đức GIÊHÔVA.
            Sau khi thách thức những cách thờ phượng trong chính gia đình mình, Ghiđêôn tập hợp một đội quân để giao chiến với dân Mađian. Ông tập trung một đội quân lại, nhưng ông không thể tập trung được lòng can đảm của chính mình. Đức GIÊHÔVA đã hứa chiến thắng, song Ghiđêôn có một thử nghiệm dành cho Chúa. Mặc dù phương pháp của ông tự nhiên là theo kiểu cách tà giáo, trải một bộ lông chiên ra rồi kiểm tra sương vào ban sáng và không có sương cho ngày hôm sau, Chúa chiếu cố đến vị tướng lãnh có tánh chần chừ nầy rồi giải quyết xong những thử nghiệm ngớ ngẩn nầy.
            Chúa, sau khi đã trải qua thử nghiệm của Ghiđêôn, giờ đây đang thử nghiệm Ghiđêôn, dạy dỗ ông phải giảm quân số đội binh của mình chỉ còn 300 người để bảo hộ Ghiđêôn và phần còn lại của dân Do thái tránh đi sự kiêu ngạo. Vẫn còn lo sợ, Ghiđêôn, nơi sự giục giã của Chúa, lẽn vào trại quân của người Mađian và nghe được một người giải thích điềm chiêm bao của đồng đội, ý nói rằng Ghiđêôn sẽ đánh bại dân Mađian. Với việc nhìn biết đó, Ghiđêôn sấp mình xuống đặng thờ lạy, đánh dấu đỉnh cao thuộc linh của sách Các Quan Xét. Từ đó, Ghiđêôn, được Chúa mặc lấy quyền phép cho, lãnh đạo binh đội của mình đi đến chiến thắng dân Mađian và khiến cho hai vua của nó là Xêbách và Xanhmuna phải trốn chạy. Ghiđêôn thực hiện việc truy kích, và sau khi bắt dẫn tù hai vua kia, trở lại sửa phạt hai thành của người Do thái đã từ chối không trợ giúp cho ông, đánh đòn các trưởng lão của từng thành rồi giết người của thành ấy. Ghiđêôn, được kêu gọi giải cứu Israel, đang tấn công dân Do thái. Israel cần được giải phóng ra khỏi đấng cứu tinh của mình.
            Chúa đã biến Ghiđêôn thành một chiến binh mạnh sức, song Ghiđêôn đã tự biến mình thành một nhân vật gần như là bạo chúa khát máu. Điều gì tạo ra sự thể ấy? Ghiđêôn đã nhận lãnh cái gì vậy? Có một thứ mà người thuật chuyện không nói cho chúng ta biết. Ông không nói cho chúng ta biết hai vua của dân Mađian đã giết hai anh em của Ghiđêôn. Cuối cùng, sau khi tường thuật việc bắt hai vua kia và sự sửa phạt hai thành nọ, người thuật chuyện làm cho chúng ta nhìn biết rằng cuộc truy kích của Ghiđêôn để bắt hai vua đó đã bị lèo lái bởi tinh thần muốn phục thù. Toàn bộ câu chuyện trong sách Các Quan Xét, bám trụ vào cơn giận của Ghiđêôn. Trong cơn giận của ông, Ghiđêôn xây gươm mình lại nghịch cùng chính dân tộc mình, cho thấy trước cuộc nội chiến nằm ở cuối quyển sách.
            Dân Do thái muốn lập Ghiđêôn làm vua, vì ông là nhà chinh phục dân Mađian, và dù ông chần chừ, ông đang sống như một vì vua. Ông ngã chết với tiền bạc, tình dục, và quyền lực. Hơn nữa, khi ông trở về Ópra, là thị trấn quê hương ông, ông sa vào tình trạng thờ lạy hình tượng và thậm chí lãnh đạo phần còn lại của Israel vào sự thờ lạy hình tựong bằng cách chế ra cái êphót bằng vàng, là bộ trang phục của thầy tế lễ thượng phẩm, trở thành đối tượng của sự thờ phượng. Chuyến hành trình của Ghiđêôn đủ một chu kỳ nhưng ở vào tư thế rất ngoan cố. Ông khởi sự rất tốt đấy, bằng cách phá đổ các bàn thờ tà giáo tại thị trấn quê nhà, nhưng ông kết thúc bằng cách trở lại như một kẻ thờ lạy hình tượng. Vì thế, ông làm hình bóng trước, không những cuộc nội chiến ở cuối quyển sách, mà ông còn làm hình bóng trước cho tình trạng thờ lạy hình tượng ở phần cuối của quyển sách.
            Ở nhiều cách thức, cho tới phần Ghiđêôn đuổi bắt hai vua kia, câu chuyện của ông vang dội với truyện tích nói tới Môise. Dân Do thái đang tìm kiếm một Môise mới, để có một người tác động môt cuộc ra khỏi Aicập mới mẻ hơn, nhưng họ không tìm được người ấy nơi Ghiđêôn. Ao ước một cuộc xuất Aicập mới đã lên tới cao điểm của nó trong xứ Israel nơi chức vụ của tiên tri Êsai.
Cơn giận cho chúng ta biết điều gì
            Ghiđêôn sai phạm ở điểm nào? Nó không bắt đầu với tiền bạc, tình dục, và quyền lực. Nó không bắt đầu với việc trở nghịch với dân tộc mình hay xây sang sự thờ lạy hình tượng. Nó khởi sự khi hai vì vua kia giết chết anh em của ông. Thay vì thế, nó khởi sự với phản ứng của Ghiđêôn đối với việc giết anh em của ông. Nó khởi sự với cơn giận dữ của ông. Toàn bộ cuộc đời ông đổi sang cơn giận của ông. Thực vậy, toàn bộ sách Các Quan Xét chuyển sang cơn giận của ông. Câu chuyện nói tới nhiều đời sống, thực vậy, câu chuyện nói tới nhiều dân tộc, chuyển sang cơn giận. Bạn phản ứng ra sao với một việc không đi cùng đường với bạn, nó có thể đặt ra một dòng chảy cho cả cuộc đời của bạn. Billy Joel đã có đặc tính nầy trong bài hát của ông “Chàng Tuổi Trẻ Giận Dữ”:

            Luôn có một chỗ dành cho chàng trai hay giận
            Với nắm đấm trên không và cái đầu vùi trong cát
            Chàng ta không tiếp thu từ những lỗi lầm
            Người không hiểu tại sao đầu mình luôn nhức nhối
            Tiếng tăm chàng thuần khiết, lòng dạn dĩ chàng mạnh mẽ
            Chàng sống công bằng, chơn thật, cùng chán chường như địa ngục
            Rồi chàng bước vào mồ mả như một cụ già hay cáu giận.

            Chàng tuổi trẻ giận dữ đề ra con đường cho cuộc đời mình rồi bước vào mồ mả như một cụ già hay cáu giận.
            Nếu ai đó giết chết người mình thân yêu, Đức Chúa Trời nổi giận ngay. Bạn cũng có tánh hay giận nữa đấy. Nếu bạn không biết giận, bạn đang thiếu mất một việc quan trọng. Chúng ta phải thắc mắc trong những trường hợp chúng ta có nên giận hay không, nói theo Kinh thánh, nhưng nhất định giận được xưng công bình trong nhiều trường hợp, tỉ như việc giết người của hai anh em.
            Đâu là cơn giận của chúng ta, dù được xưng công bình hay không được xưng công bình, dù là công bằng hay bất công, hãy nói cho chúng tôi biết xem? Hãy nói ra cùng một việc mà sách Các Quan Xét đang nói cho chúng ta biết: nghĩa là nói cho chúng tôi biết về nhu cần của bạn. Nếu cơn giận của chúng ta được xưng công bình, chúng ta không có quyền cũng không có sự khôn ngoan để tỏ ra sự công bình mà chúng ta thèm khát. Nếu cơn giận của chúng ta không được xưng công bình, chúng ta cần giúp xử lý với cơn giận của chúng ta. Có lẽ cần phải nói rằng chúng ta không có khả năng phản ứng đúng đắn với cơn giận đóng ít nhất một vai trò nào đó trong hầu hết các cuộc xung đột, dù là cá nhân hay quốc tế.
            Tất nhiên, có nhiều thứ dễ gây nổi giận lắm. Nó có thể giúp nhận biết rằng Đức Chúa Trời cũng nổi giận nữa đấy. Như Sứ đồ Giacơ nói: vì cơn giận của người ta không làm nên sự công bình của Đức Chúa Trời (Giacơ 1:20). Tuy nhiên, cơn giận thiêng liêng, kết hợp với tình yêu thiêng liêng và sự khôn ngoan và quyền phép, là bày tỏ ra và thiết lập một thế giới “nơi sự công bình ăn ở” — nghĩa là, một thế giới công bằng trọn vẹn (II Phierơ 3:13).
Nhu cần về một vị vua
            Có nhớ Mary Gordon, là nhà văn loay hoay với căn bếp nóng hực và rồi quên mất mẹ và các con mình đang nhấn kèn xe và gọi tên mình, yêu cầu bà đưa họ đến hồ bơi? Sau đây là câu chuyện của bà:

            Tôi nhảy lên mui xe. Tôi đập lên kính chắn gió. Tôi nói cho mẹ và các con tôi biết rằng tôi sẽ không bao giờ đưa họ đi bất kỳ chỗ nào và không ai trong số họ sẽ có một người bạn trong bất kỳ ngôi nhà nào thuộc về tôi cho tới giờ chết của họ, tôi nói, tôi hy vọng là chẳng còn bao lâu nữa. Tôi không thể dừng lại việc đập trên kính chắn gió. Thế rồi một việc đáng sợ đã xảy ra. Tôi trở thành một con chim khổng lồ. Một con chim quạ hay ăn xác chết thối rửa. Hai chân tôi trở nên tê cứng; hai mắt tôi hằn lên và ác độc. Tôi phát triển một cái mỏ hay giết chết. Bộ lông đen tuyền phủ lấy hai cánh tay tôi. Tôi vỗ cánh phần phật. Tôi che ánh sáng mặt trời bằng cái vỗ cánh của mình. Mỗi lần cái mỏ của tôi dí sát vào nạn nhân (giống như nắm đấm của tôi trên cái kính chắn gió, nhưng thực sự là cái mỏ của tôi dí trên cổ của họ) tôi quay trở lại. Mùi vị của máu mê hoặc tôi. Tôi muốn mổ đi mổ lại hoài. Tôi muốn gắp lấy họ nơi cái mỏ đầy máu me của mình rồi buông họ xuống một vầng đá, ở đó tôi đã ăn no nê những cái xác cho tới chừng cái bao tử chim của tôi được đầy ắp.
            Tôi không có ý nói việc nầy theo nghĩa bóng đâu. Tôi trở thành loài chim đó. Tôi buộc phải rời khỏi chiếc xe và thôi không đập vào kính chắn gió nữa. Ấy thế mà tôi đã không trở lại với chính mình. Khi tôi trở lại, tôi lấy làm kinh hoàng. Tôi nhận ra mình đã làm cho mấy đứa con phải sợ hãi. Hầu hết vì chúng không còn nhận ra tôi nữa. Con trai tôi nói: “Con sợ lắm vì con không biết mẹ là ai”.

            Tôi đã lưu ý trước đây, một trong những lý do tôi muốn giảng sách Các Quan Xét là vì, trong ánh sáng của toàn bộ truyện tích trong Kinh thánh, nó làm nổi bật nhu cần của chúng ta về một vị vua, ấy là Chúa Jêsus. Phần nghiên cứu của tôi về quyển sách, không phải là tình cờ, tôi nghĩ, thích ứng với sự tỉnh thức ngày càng tăng về cơn giận kia. Vì vậy, tôi liên tưởng đến câu chuyện của Mary Gordon. Không, tôi không bao giờ quên được cách bà đã làm với mẹ và các con của mình, nhưng tôi có cơ hội để kêu la với Chúa về chính cơn giận của mình.
            Tôi thường nghĩ mình là một con người tốt đẹp; thế rồi tôi có con cái. Hai đứa con gái tôi rất ưa thích tôi, nhưng chúng cũng chọc giận tôi, hầu như chỉ có con cái là hay làm thế. Với mấy đứa trẻ, mọi sự mất nhiều thời gian hơn là bạn nghĩ, và tôi cần phải giữ đúng giờ giấc. Đôi khi chúng không làm theo liền những gì tôi yêu cầu chúng phải làm, khiến tôi phải lên thần kinh với chúng. Tôi không làm việc được nhiều và tôi không quan tâm vì những gián đoạn, nhưng chẳng có một đứa trẻ nào là kẻ tôn trọng đủ loại nhân cách. Tôi tìm cách giống như điên khùng không cất giọng mình lên, và thường thường, chớ không phải luôn luôn, tôi giữ cho dung nham từ bên trong không phải phun trào ra. Tôi không bùng nổ; thay vì thế, tôi suy sụp. Phần lớn thời gian, tôi cảm thấy mình kiệt quệ. Tôi cần đến Chúa Jêsus.
            Chúng ta sẽ đi bỏ phiếu vào ngày thứ ba, và, mọi người đang giận dữ. Các ứng viên, có lẽ nghe theo lời những vị cố vấn, đang nổi giận, mặc dù nhiều người ủng hộ mỗi bên sẽ ao ước rằng họ sẽ trở nên càng giận hơn nữa. Người ta ở bên phải đang giận dữ. Người ta ở bên trái đang giận dữ. Những người ở giữa đang giận dữ những kẻ đang giận dữ. Ai cứu chúng ta khỏi bản thân mình đây chứ?
Một Thế Giới Đau Thương
            Sách Các Quan Xét để lại điều gì cho chúng ta? Trong một thế giới đau thương, nhưng không phải là không có hy vọng. Phần kết chứa một điệp khúc xuất hiện hai lần đầy đủ:
A  Trong thời buổi ấy Israel chẳng có vua; ai nấy làm theo điều mà họ cho là phải (17:6)
B  Trong thời buổi ấy Israel chẳng có vua (18:1)
B’ Trong thời buổi ấy Israel chẳng có vua (19:1)
A’ Trong thời buổi ấy Israel chẳng có vua; ai nấy làm theo điều mà họ cho là phải (21:25)
            Người thuật chuyện, mở đầu và kết thúc phần kết của mình với giai điệu, lưu ý rằng Israel chẳng có vua trong thời kỳ Các Quan Xét, mặc dù Israel mong muốn lập Ghiđêôn làm vua. Hầu hết dân Do thái chẳng muốn làm điều gì với nhà vua thiêng liêng, là Đức GIÊHÔVA, điều nầy chỉ ra tánh họ ưa thích các thần khác hơn. Khi người thuật chuyện nói rằng dân Israel chẳng có vua, ông có ý nói rằng Israel đã xây khỏi Đức GIÊHÔVA, là nhà vua thiêng liêng. Tuy nhiên, Chúa cũng lường trước nhu cần của Israel về một vị vua con người theo lòng Ngài, người ấy sẽ truyền cảm hứng về sự thờ phượng và sự vâng phục. Vì lẽ đó, sách Các Quan Xét, dự kiến kỷ nguyên kế tiếp trong lịch sử Israel, đánh dấu triều đại quân chủ. (Trong Epic, chúng ta sẽ đặt tên cho kỷ nguyên ấy là Một Vì Vua Đã Đăng Quang). Rõ ràng, Ghiđêôn, ông đã ngã chết vì tiền bạc, tình dục, và quyền lực, ông đã xây gươm mình nghịch lại dân tộc mình, và đã sa vào tình trạng thờ lạy hình tượng, sẽ không phải là một nhà vua nhơn đức. Con về Saulơ, vị vua thứ nhứt thì sao? Chẳng tốt đẹp gì hơn Ghiđêôn. Còn David? Phải, tốt hơn đấy, nhưng thiếu mất (xem: Bátsêba). Rồi kế tiếp? Ai kế tiếp chứ?
            Sách II Samuên, đặc biệt II Samuên 7, lường trước sự đến của dòng dõi David, là Đấng mà Tân Ước nhận dạng là Đức Chúa Jêsus Christ, Con Vua David, là Đấng trong Thân Vị của Ngài làm thoả mãn nhu cần cho cả hai: nhà vua thiêng liêng và nhà vua con người. Không giống như Ghiđêôn, Ngài cũng là Môise mới, Ngài tác động một cuộc xuất Aicập mới mẻ và tốt đẹp hơn, không phải tránh bất kỳ kẻ áp bức tà giáo nào cả mà là tránh Satan, tội lỗi, và sự chết. Nếu câu chuyện trong sách Các Quan Xét nhắm vào phản ứng giận dữ của một người đối với việc giết chóc anh em của người ấy, thế thì câu chuyện nói tới thế gian nhắm vào phản ứng tuyệt vời của một người với những kẻ đã đóng đinh Ngài trên thập tự giá. Đối với sự giận dữ của chúng ta, chúng ta cần câu chuyện của Kinh thánh, lên tới đỉnh điểm nơi sự đến lần thứ nhứt của Đấng Christ và sau cùng nơi sự đến lần thứ nhì của Đấng Christ.
Chúa Jêsus Giúp Đỡ Ra Sao!
            Chúa Jêsus, Con Vua David, có thể giúp đỡ. Hãy tiến tới đàng trước trong câu chuyện của Kinh thánh đến với tiên tri Êsai, ông, giống như tác giả của sách Các Quan Xét, lường trước nhà vua hầu đến nhưng, không giống như tác giả sách Các Quan Xét, xác định Ngài như sau:
            Êsai 40:10-11: Nầy, Chúa Giê-hô-va sẽ lấy quyền năng mà đến; Ngài dùng cánh tay mình và cai trị. Nầy, sự ban thưởng Ngài ở nơi Ngài, sự báo trả Ngài ở trước mặt Ngài. Ngài sẽ chăn bầy mình như người chăn chiên; thâu các con chiên con vào cánh tay mình và ẵm vào lòng; từ từ dắt các chiên cái đang cho bú”.
            Một hình ảnh thông thường nói tới bậc vua chúa trong xứ Israel, ấy là hình ảnh của một người chăn chiên. Một  mặt, Chúa Jêsus là một vì vua đầy quyền năng: Ngài cai trị với cánh tay mạnh sức. Mặt khác, Ngài là nhà vua đầy tình yêu thương: Ngài thâu các con chiên con vào cánh tay mình và từ từ dắt các con chiên lớn nào bị gánh nặng vì chúng đang chăm sóc cho con nhỏ. Ngài rất chịu khó, và Ngài thật dịu dàng.
            Tôi ấp ủ từ lâu những hình ảnh mà Êsai 40:10-11 gợi lên. Tôi dạy dỗ hai câu ấy, trong một bài giảng về sách Êsai trong đợt huấn luyện hai năm một lần. Tôi biết rõ Êsai 40:10-11. Không phải mới đây đâu, tuy nhiên, tôi thực sự nhìn thấy bản thân mình trong hai câu đó. Một trong các trưởng lão mới đây đã nói với tôi, là một phần ôn tập cứ hai năm một lần kia: “Ông là một người chăn bất cứ đâu ông đi đến”. Người bạn khác đến nói với tôi: “Ông giống như những người lo cho các con chiên nhỏ trong Êsai 40:11”. Phải, tôi nghĩ mình là một người chăn bất cứ đâu tôi đi đến, tại nhà thờ và trong gia đình tôi. Trong gia đình, thực sự là tôi có “các con chiên con” — mấy đứa con còn nhỏ. Trong các năm tháng giảng dạy Êsai 40:11 và tôi nghĩ câu gốc đó là dành cho người khác kia, những người có nhiều gánh nặng kìa, chớ không phải dành cho tôi. Giờ đây, tôi nhìn biết: câu nói đó cũng dành cho tôi nữa. Tôi cũng có gánh nặng đây. Chúa Jêsus làm gì cho tôi, người chăn chiên (đôi khi) giận dữ? Ngài chăn giữ tôi. Ngài làm việc ấy như thế nào chứ? Ngài làm việc ấy thật dịu dàng. Ngài chăn giữ dịu dàng những người lo chăn  bầy. Ngài dịu dàng dẫn dắt tôi.
            Trong lời cầu nguyện của tôi, đây là những gì tôi ý thức được Chúa Jêsus muốn làm cho tôi. Tôi không biết lúc bây giờ có việc gì xảy ra cho tôi; tôi chỉ biết rằng tôi phải cầu xin, phải cởi mở với sự dịu dàng. Trong chỗ mà cơn giận của tôi dấy lên để đối diện với một thế giới không cộng tác, Chúa Jêsus muốn đối diện với tôi bằng sự dịu dàng của Ngài. Cơn giận của tôi cần sự dịu dàng của Ngài. Điều nầy phù hợp với Châm ngôn 15:1: Lời đáp êm nhẹ làm nguôi cơn giận. Chúa Jêsus đáp trả cơn giận dữ của tôi bằng sự êm nhẹ của Ngài.
            Và nếu tôi có gánh nặng, Ngài bảo tôi phải làm gì chứ? Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ. Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường; nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta; thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ. Vì ách ta dễ chịu và gánh ta nhẹ nhàng (Mathiơ 11:28-30).
            Có lẽ cơn giận của bạn cũng cần tới sự dịu dàng của người chăn. Nếu thực vậy, hãy cầu xin đi và hãy cởi mở với việc ấy. Hãy đến với Ngài. Phải, bạn cũng cần đến nhà vua, là người chăn vốn chịu khó và rất dịu dàng.