Thứ Ba, 11 tháng 6, 2013

BỊ BẮT & BỊ ĐÓNG ĐINH TRÊN THẬP TỰ GIÁ


ĐẤNG CỨU THẾ XUẤT HIỆN
BỊ BẮT & BỊ ĐÓNG ĐINH TRÊN THẬP TỰ GIÁ
            Chúng ta đã bước theo cuộc thám hiểm ‘EPIC’ qua mọi phân đoạn của Kinh thánh. Đỉnh cao của cuộc thám hiểm nầy là đời sống của Chúa Jêsus. Cao điểm của đời sống Chúa Jêsus là lần thăm viếng sau cùng của Ngài tại thành Jerusalem. Thực vậy, các sách Tin Lành đã dành một phần ba lời chứng của họ cho việc mô tả các biến cố đã diễn ra vào ngày Chúa nhật lễ lá đó.
            Những người Do thái công bình vốn mong đợi đến được thành Jerusalem để thờ lạy mỗi năm ba lần. Và những chuyến lữ hành “lên thành Jerusalemhàng năm như thế nầy có thể được xem là hình bóng cho cả cuộc đời của Chúa. Sự ra đời, phép báptêm, sự cám dỗ, những sự chữa lành và sự rao giảng của Chúa Jêsus, sự chú ý của kẻ thù và bạn hữu Ngài thiết lập một cuộc hành trình — một cuộc hành trình kết thúc với sự Ngài đến trong thành thánh. Một lần sau cùng Ngài đã bước vào thành Jerusalem, giờ đây với một mục đích duy nhứt — ‘Chiên Con của Đức Chúa Trời là Đấng cất tội lỗi thế gian đi’.
            Trong tuần lễ sau cùng của cuộc đời Ngài, chúng ta thấy rằng mặc dù Chúa Jêsus luôn luôn ở cùng với nhiều người khác, Ngài vẫn bị hiểu lầm và thật cô độc. Nắm lấy phần chú thích tình trạng cô độc của Chúa Jêsus có thể khích lệ chúng ta hướng đến Ngài để xin giúp đỡ khi chúng ta bị dứt bỏ trong tình trạng chẳng có ai hiểu rõ hay quan tâm đến chúng ta.
            Chúng ta bắt lấy câu chuyện vào ngày Chúa nhật trước ngày lễ Vượt Qua.
Luca 19:36-42: “Khi Đức Chúa Jêsus đang đi tới, có nhiều kẻ trải áo trên đường. Lúc đến gần dốc núi ô-li-ve, cả đám môn đồ lấy làm mừng rỡ, và cả tiếng ngợi khen Đức Chúa Trời về những phép lạ mình đã thấy, mà nói rằng: Đáng ngợi khen Vua nhân danh Chúa mà đến! Bình an ở trên trời, và vinh hiển trên các nơi rất cao! Bấy giờ, có mấy người Pha-ri-si ở trong đám dân đông nói cùng Ngài rằng: Thưa thầy, xin quở trách môn đồ thầy! Ngài đáp rằng: Ta phán cùng các ngươi, nếu họ nín lặng thì đá sẽ kêu lên. Khi Đức Chúa Jêsus gần đến thành, thấy thì khóc về thành, và phán rằng: Ước gì, ít nữa là ngày nay, mầy đã hiểu biết sự làm cho mầy được bình an! Song hiện nay những sự ấy kín giấu nơi mắt mầy”.
            Bối cảnh rất ồn ào và sinh động. Đám dân đông hô to lên lời ngợi khen. Một số người Pharisi thốt ra sự chống đối. Ở giữa các biến cố, một mình Chúa Jêsus đang tan vỡ, kêu la. Hai hàng nước mắt của Ngài không phải khóc vì chính mình Ngài đâu. Dân tộc mà Ngài yêu thương và thành Jerusalem yêu dấu với đền thờ nguy nga của nó đang ở trong chỗ hiểm nguy. Đám đông cổ vũ kia không hiểu rõ bản chất của sự cứu rỗi mà Ngài đang hiến cho (thích chẳng nhìn thấy hơn) và kẻ thù của Ngài đã quyết không những quở trách Ngài, mà còn muốn giết chết Ngài nữa. Và vì thế Chúa Jêsus khóc.
            Về sau, chúng ta thấy Chúa ở Bêthany ngay phía ngoài thành Jerusalem đang ăn tối với các môn đồ Ngài tại một ngôi nhà riêng. Một môn đồ của Ngài có tên là Mary đã xức dầu thơm đắt tiền cho Ngài — một hành động vừa khó khăn về mặt xã hội và ngông cuồng về mặt tài chính nữa. Khi nàng ta bị quở trách, Chúa Jêsus bảo hộ cho nàng ta rồi một lần  nữa kêu gọi sự chú ý đến chuyến hành trình đơn độc của chính Ngài. Sự xức dầu mà Ngài nhận lãnh là một sự chuẩn bị cho sự chôn của Ngài.
            Khi nhìn vào tương lai ở một khoảng cách ngắn, Chúa Jêsus nhìn thấy một thi hài, chịu chết bởi đóng đinh vào thập tự giá và xác quyết hành động yêu thương của Mary. Sự Ngài nhắc nhở đến cái chết tạo ra sự cô lập đối với Chúa Jêsus. Không một ai muốn nghe nói về sự hành quyết Ngài sắp xảy ra.
            Hai ngày kế đó, một lần nữa Chúa Jêsus nhóm lại với các môn đồ Ngài để dùng bữa tối — bữa ăn Lễ Vượt Qua, bữa tiệc cuối cùng của Chúa Jêsus. Mặc dù 13 người có mặt, một lần nữa chúng ta lại nhìn thấy Chúa Jêsus trong cảnh đơn độc, đang có một cuộc trao đổi riêng với Giuđa (và ma quỉ đã nhập vào hắn)“những gì ngươi đang làm, hãy làm mau đi”. Chiếc đồng hồ cát gần như là trống trơn, tuy nhiên các môn đồ khác tiếp tục bữa ăn mà chẳng ý thức gì về những gì sắp xảy đến.
            Sau bữa ăn tối, họ rời phòng cao, ở đó họ đã ăn uống rồi băng qua trũng đến với Núi Ôlive. Khi họ đã đi rồi, Chúa Jêsus bảo các môn đồ rằng hết thảy họ sẽ bỏ chạy trong sự sợ hãi (“đánh kẻ chăn thì bầy chiên sẽ tan tác”). Phierơ được nhắc nhớ về những lời xưng nhận kiêu căng kia và những lần chối bỏ lặp đi lặp lại của ông, nhưng hầu hết các môn đồ đều bỏ chạy tránh nguy hiểm và bỏ Chúa Jêsus lại để chính mình Ngài đối diện với sự hành hình. Trên Núi Ôlive là một ngôi vườn, Chúa Jêsus đã bước vào để cầu nguyện, một lần nữa cùng với các bạn hữu của Ngài, một lần nữa trong sự cô độc.
Mác 14:32-36: “Kế đó, đi đến một nơi kia, gọi là Ghết-sê-ma-nê, Đức Chúa Jêsus phán cùng môn đồ rằng: Các ngươi hãy ngồi đây, đợi ta cầu nguyện. Ngài bèn đem Phi-e-rơ, Gia-cơ và Giăng đi, thì Ngài khởi sự kinh hãi và sầu não. Ngài phán cùng ba người rằng: Linh-hồn ta buồn rầu lắm cho đến chết; các ngươi hãy ở đây, và tỉnh thức. Rồi Ngài đi một đỗi xa hơn, sấp mình xuống đất mà cầu nguyện rằng: nếu có thể được, xin giờ nầy qua khỏi mình. Ngài rằng: A-ba lạy Cha, mọi việc Cha làm được cả; xin Cha cất chén nầy khỏi con; nhưng không theo điều con muốn, mà theo điều Cha muốn”.
            Chúa Jêsus đã trở nên người gánh lấy tội lỗi và lần đầu tiên trong cuộc đời của Ngài một lời thỉnh cầu được trình ra với Cha Ngài trong sự cầu nguyện đã bị khước từ. Các môn đồ một lần nữa đã làm cho Ngài phải chùng xuống, họ sa vào giấc ngủ thay vì ở đó thức canh. Và những lời cầu nguyện của Ngài đã mở ra khoảng cách ngày càng tăng của Ngài đối với Đức Chúa Trời — giờ đây những khao khát của Ngài đã đi ngược lại với ý chỉ của Đức Chúa Cha.
            Rồi khi ban đêm trầm hẳn xuống, bóng tối tăm càng đậm nét hơn. Chúa Jêsus bị bắt và chịu bốn lần thẩm vấn bởi các nhân vật cầm quyền — Anne, Caiphe, Hêrốt, và Philát. Ngài bị quất bằng roi bởi lính canh đền thờ của người Do thái và kế đó bị mấy tên lính Lamã quất bằng roi da.
Mathiơ 27:27-31: “Lính của quan tổng đốc bèn đem Đức Chúa Jêsus vào công đường, và nhóm cả cơ binh vây lấy Ngài. Họ cổi áo Ngài ra, lấy áo điều mà khoác cho Ngài. Đoạn, họ đương một cái mão gai mà đội trên đầu, và để một cây sậy trong tay hữu Ngài; rồi quì xuống trước mặt Ngài mà nhạo báng rằng: Lạy Vua của dân Giu-đa. Họ nhổ trên Ngài, và lấy cây sậy đánh đầu Ngài. Khi đã nhạo báng Ngài rồi, thì họ cổi áo điều ra mà mặc áo của Ngài lại, rồi đem Ngài đi đóng đinh trên cây thập tự”.
            Một lần nữa, tình trạng cô độc của Đấng Cứu Thế quả là hết mức. Mặc dù Ngài cầu thay xin tha thứ cho những kẻ đánh đập Ngài, không một ai thốt ra một từ nào tỏ ra quan tâm hay yên ủi dành cho Ngài. Và bóng tối tăm vẫn đang trên đà tăm tối hơn.
Mathiơ 27:45-46: “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín, khắp cả xứ đều tối tăm mù mịt. Ước chừng giờ thứ chín, Đức Chúa Jêsus kêu tiếng lớn lên rằng: Ê-li, Ê-li, lam-ma sa-bách-ta-ni? nghĩa là: Đức Chúa Trời tôi ơi! Đức Chúa Trời tôi ơi! sao Ngài lìa bỏ tôi?”
            Chúa Jêsus đã ở trong tình trạng cô độc vào Chúa nhật lễ lá. Ngài bị cô lập khi Ngài còn ở với các bạn hữu Ngài, lời cầu xin của Ngài bị từ khước khi Ngài cầu nguyện ở trong vườn, và bị kẻ thù Ngài đánh đập. Nhưng đây là điều tệ hại nhất cả thảy: ‘Đức Chúa Trời tôi ơi, Cha yêu dấu ơi, sao Ngài lìa bỏ tôi?’ Những gì chúng ta không thể nghe thấy là sự nát lòng của Cha trên trời đang dứt bỏ Con yêu dấu của Ngài. Chúa Jêsus đã trở nên “tội lỗi vì chúng ta, hầu cho chúng ta nhờ Đấng đó mà được trở nên sự công bình của Đức Chúa Trời” (II Côrinhtô 5:21). Bị hoán đổi từ người vô tội thành kẻ gánh lấy tội lỗi, Đức Chúa Con bị phân cách đối với Đức Chúa Cha. Biến cố đơn độc nầy sẽ cất lấy hơi thở ra khỏi chúng ta, làm cho sợ hãi và khiến chúng ta phải kinh ngạc.
            Một dòng từ bài thánh ca của Charles Wesley có đề tựa là And Can It Be, thoạt đến với tâm trí: “Đây là lẽ mầu nhiệm: Đấng bất tử đang gục chết . . . Đây là ơn thương xót! Nguyện cả đất phải thờ lạy, thiên sứ thôi không còn nói nữa. . . . Tình yêu diệu kỳ! Sao lại như thế được, hỡi Đức Chúa Trời tôi, lẽ nào Ngài phải chết vì tôi?” 
            Chúng ta kết luận bài học nầy với một phân đoạn từ sách Hêbơrơ, ở đây tình trạng cô độc và sự thương khó của Chúa Jêsus được xem là nguồn phước hạnh cho chúng ta khi chúng ta đang ở trong chỗ có cần nghiêm trọng nhất.
Hêbơrơ 2:18, 4:15-16: “Vả, vì chính mình Ngài chịu khổ trong khi bị cám dỗ, nên có thể cứu những kẻ bị cám dỗ vậy … Vì chúng ta không có thầy tế lễ thượng phẩm chẳng có thể cảm thương sự yếu đuối chúng ta, bèn có một thầy tế lễ bị thử thách trong mọi việc cũng như chúng ta, song chẳng phạm tội. Vậy, chúng ta hãy vững lòng đến gần ngôi ơn phước, hầu cho được thương xót và tìm được ơn để giúp chúng ta trong thì giờ có cần dùng”
            Sự thánh khiết của Đức Chúa Trời có thể răn đe chúng ta. Tội lỗi chúng ta chẳng có một chỗ nào trong sự hiện diện của Ngài. Cái điều đáng sợ khả thi hơn hết, ấy là mối quan hệ quan trọng một thời có thể kết thúc, Đức Chúa Trời không còn nghe thấy một tiếng kêu xin cứu giúp nào nữa, rằng Ngài đã quên chúng ta.
            Vấn đề quan trọng cần phải nhớ, ấy là Chúa Jêsus đến trợ giúp chúng ta trong vai trò Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm thành tín; rằng Ngài đã từng trải mọi nổi buồn rầu và đau khổ của tội lỗi ở một khoảng cách đối với một Đức Chúa Trời thánh khiết. Ngài đã bị tàn phá bởi sự thử thách và bị hạ thấp bởi tình trạng yếu đuối của thân thể và tâm linh. Đau khổ và sự chối bỏ trong hiện tại, sợ hãi về tương lai, vật vã trong sự cầu nguyện, in lặng từ trời — mọi điều nầy Cứu Chúa chúng ta đã từng kinh nghiệm.
            Vậy, chúng ta hãy vững lòng đến gần ngôi ơn phước, hầu cho được thương xót và tìm được ơn để giúp chúng ta trong thì giờ có cần dùng.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét