Thứ Năm, 3 tháng 5, 2012

Luca 22:49-51: "Phép Lạ Lúc Nửa Đêm"


Phép Lạ Lúc Nửa Đêm 
– Luca 22:49-51
“Những người ở với Ngài thấy sự sắp xảy đến, bèn nói rằng: Thưa Chúa, chúng tôi nên dùng gươm đánh chăng: Một người trong các sứ đồ đánh đầy tớ của thầy cả thượng phẩm và chém đứt tai bên hữu. Nhưng Đức Chúa Jêsus cất tiếng phán rằng: Hãy để cho họ đến thế! Ngài bèn rờ tai đầy tớ ấy, làm cho nó được lành” (Luca 22:49-51).
Nửa đêm trong Vườn Ghếtsêmanê. 
Chúa Jêsus đang một mình cầu nguyện. Ở một khoảng xa xa, các môn đồ có thể nhìn thấy ánh sáng lập lòe khi một nhóm binh lính băng qua Trũng Kítrôn. Giuđa đang hướng dẫn chúng. 
Mọi sự đã xảy ra thật nhanh chóng. Một cuộc trao đổi vắn tắt, một nụ hôn nơi gò má, những tên lính bước tới trước đặng bắt Chúa Jêsus đi. Trong chỗ tranh sáng tranh tối, Phierơ biết rõ mình phải hành động, phải làm một việc gì đó để bảo vệ Thầy mình. Nắm lấy thanh gươm của mình, ông vung nó lên, chẳng nhắm thẳng vào một ai hết. Thanh gươm tìm được tiêu điểm của nó, song chẳng phải như Phierơ mong muốn. Nếu ông mong xua đuổi được mấy tên lính, việc ấy chẳng thành đâu. Nếu ông hy vọng gây cảm hứng cho các môn đồ khác, điều đó có thể được nếu Chúa Jêsus không bước ra. 
Ông đã chém đứt tai của tôi tớ thầy tế lễ thượng phẩm. Chắc chắn gã ấy đã ngã xuống đất rồi bắt đầu kêu la trong đau đớn. Máu phun ra từ lỗ tai của hắn. Mấy tên lính đã rút gươm của họ ra, sẵn sàng để giết chết Phierơ. Nhưng trước khi mọi việc rời khỏi tầm tay, Chúa Jêsus chạm đến tai của người tôi tớ, chữa lành nó ngay tức khắc. Và y như rằng, cơn khủng hoảng đã qua.
Sự việc đã tạo ra ấn tượng trên các môn đồ vì sự cố nhỏ nầy đã được ghi lại trong cả bốn sách Tin Lành. Chỉ có Giăng thuật lại cho chúng ta biết chính Phierơ đã vung gươm và Manchu là tên của gã đầy tớ đó. Chỉ có Luca thuật lại cho chúng ta biết Chúa Jêsus đã chữa lành cho tai của hắn. Khi chúng ta suy nghĩ về sự việc đã xảy ra trong đêm đó, kẻ phản bội và sự bắt bớ Chúa Jêsus lôi cuốn mọi sự chú ý, song các môn đồ không bao giờ quên sự việc đã xảy ra với Manchu. Nếu sự việc dường như là quan trọng đối với Mathiơ, Mác, Luca và Giăng, nếu Hội thánh đầu tiên không bao giờ quên được câu chuyện nầy, thì chắc chắn nó chứa nhiều bài học quan trọng cho chúng ta. Chúng ta có thể đưa ra thắc mắc theo cách nầy: Một môn đồ của Đấng Christ phản ứng ra sao khi mọi sự đều mất mát? Chúng ta làm gì khi mọi mơ ước của chúng ta dường như biến mất trong tối tăm? Câu chuyện nhỏ nầy cung ứng vài câu trả lời quan trọng.
Chúng ta phản ứng ngay thẳng khi mọi sự đi vào chỗ mất mát … 
I. Bằng cách từ chối không nhượng bộ khi giận dữ sôi sụt lên.
Chúng ta có thể hiểu được ao ước muốn đánh trả của Phierơ. Trong sự bắt bớ lúc tranh sáng tranh tối, ông nhìn thấy Thầy mình đang bị đe dọa, và ông quyết định đánh trả. Ai có thể đổ thừa cho ông chứ? Vì vậy nắm chặt lấy thanh gươm (chúng ta biết từ Luca 22:38 rằng các môn đồ đã có hai thanh gươm), ông vung nó lên rồi chém đứt tai của Manchu. Chắc chắn ông có ý chặt đầu của hắn song hướng gươm đi không đúng – và tôi dám chắc Manchu cũng không chịu đứng yên – vì vậy ông đã chém đứt tai phải của hắn. Trong nổi sợ hãi, giận dữ và thất vọng của ông, Phierơ đã nhắm vào mục tiêu gần nhứt, tôi tớ của thầy tế lễ thượng phẩm, gây thương tích cho hắn chớ không giết chết hắn.
Mọi sự về câu chuyện nầy có đầy đủ ý nghĩa. Bạn khó mà đổ thừa cho các môn đồ vì suy nghĩ: “Đã đến lúc phải chiến đấu rồi”, và tất nhiên, chúng ta sẽ chẳng trông mong gì từ Phierơ, cấp lãnh đạo đầy tình cảm, nhẹ dạ, ông là người cứ hành động trước rồi hãy suy tính sau. Toàn bộ bối cảnh nhắc cho tôi nhớ tới một chương từ quyển sách thương mại bán chạy nhất tán dương “hành động thiên vị”. Chương bắt đầu với một Phierơ nóng nảy sẽ tán thưởng - "Sẵn sàng. Nhắm. Bắn”. Việc nầy mô tả chính xác điều gì đã xảy ra.
Chính ở điểm nầy mà chúng ta nhớ lại lời lẽ của Giacơ, nhiều năm về sau ông viết: “Hỡi anh em yêu dấu, anh em biết điều đó: người nào cũng phải mau nghe mà chậm nói, chậm giận; vì cơn giận của người ta không làm nên sự công bình của Đức Chúa Trời” (Giacơ 1:19-20). Hãy chậm giận. Có bao nhiêu người trong chúng ta đạt tới mức độ đó? Hãy giơ tay lên nếu bạn biết chậm giận. Tôi dám chắc có một số ít người có thể thành thật nói: “Tôi rất chậm giận”, nhưng phần còn lại trong chúng ta, đây là một sứ điệp đến từ Chúa. Cơn giận của bạn và sự công bình của Đức Chúa Trời di động ở hai hướng ngược lại.
Cách đây nhiều năm, tôi có nghe một nhà tư vấn Cơ đốc trên đài phát thanh khi ông trình bày một vấn đề mà tôi không thể quên được. Khi bạn thấy lòng mình sôi giận, ông nói, hãy tự hỏi mình câu nầy: “Tôi sợ cái gì chứ?” Phần lớn cơn giận của chúng ta đều lộ ra từ sợ hãi, và phần lớn sợ hãi của chúng ta đều ra từ suy nghĩ rằng chúng ta mất sự tự chủ. Hãy dừng lại và suy nghĩ về sự ấy trong một phút xem. Bao lâu chúng ta ngồi trong chỗ của người lèo lái và mọi sự đều suông sẻ, chúng ta hiếm khi sôi giận lắm. Nhưng hãy để cho mọi sự đi lệch khỏi quyền điều khiển của chúng ta xem, giống như họ đã có trong đêm, khi binh lính đến bắt Chúa Jêsus, và sợ hãi chiếm lấy ưu thế. Đấy là một bước ngắn từ sợ hãi đến sôi giận, và từ giận dữ đột ngột mọi điều ác đủ tư thế sẽ đến theo. 
II. Bằng cách chọn thua thiệt thay vì thắng nhờ sức mạnh nhục dục.
Thua thiệt không phải là ý hay ngày hôm nay. Rõ ràng đấy chẳng phải là quan niệm của người Mỹ. Như George Patton lưu ý rất hay như sau: “Người Mỹ thích kẻ chiến thắng. Nước Mỹ không dung chịu người nào thua cuộc”. Hết thảy chúng ta đều muốn ở trong đội thắng, có phải không? Đấy là lý do tại sao hàng triệu người đang điền vào khung March Madness tuần lễ nầy. Chúng ta muốn được nói: “Đội của tôi thắng cả thảy”. Chọn thua thì chẳng khác gì là đi ngược lại với người Mỹ vậy.
Nhưng chính xác đó là điều mà các môn đồ của Chúa Jêsus đôi khi được kêu gọi phải bắt tay làm theo. Trong Vương Quốc của Đấng Christ, các giá trị của trần gian bị đảo ngược cả thảy.
Người nào muốn cứu sự sống mình sẽ mất nó.
Hãy vác lấy thập tự giá mà theo ta.
Có ích gì khi một người có được cả thế gian, mà mất linh hồn mình?
Người nào muốn làm đầu các ngươi sẽ là tôi tớ của mọi người.
Hễ ai yêu sự sống mình, sẽ mất nó.
Hễ ai mất sự sống mình, thì sẽ được lại.
Đôi khi bạn bước theo Chúa Jêsus, bạn phải thua để được thắng. Đấy là điều Chúa Jêsus muốn nói khi Ngài phán cùng Phierơ: “Đức Chúa Jêsus bèn phán rằng: Hãy nạp gươm vào vỏ; vì hễ ai cầm gươm thì sẽ bị chết về gươm” (Mathiơ 26:52). Sức mạnh nhục dục không làm cho Vương quốc của Đấng Christ được thăng tiến đâu. Chúng ta không thể hoàn thành công việc của Đức Chúa Trời bằng cách khủng bố, đưa người ta vào chỗ phải đầu hàng. Khi chúng ta tìm cách đạt tới mức đó, nó sẽ tạo ra những kết quả ngắn hạn, nhưng nó sẽ phát hỏa ngược lại ở chặng cuối vì sức mạnh nhục dục có nghĩa là chúng ta không thực sự tin theo Đức Chúa Trời. Nếu chúng ta làm theo, chúng ta sẽ không nắm lấy vấn đề vào tay của mình. “Ngươi tưởng ta không có thể xin Cha ta lập tức cho ta hơn mười hai đạo thiên sứ sao?” (câu 53). Mười hai đạo binh ít nhất có 72.000 thiên sứ. Bạn có nghĩ là 72.000 thiên sứ có thể đối đầu với số binh lính đang ra sức bắt Chúa Jêsus kia không? Nhưng nếu Chúa Jêsus có loại quyền bính ấy ở chỗ nầy, sao Ngài không sử dụng nó chứ? Câu 54 chép rằng Chúa Jêsus đã kềm chế không gọi các thiên sứ ấy đến vì Ngài biết rõ sự bắt bớ Ngài là cần thiết để làm ứng nghiệm chương trình của Đức Chúa Trời. Chúa Jêsus phán: “Việc nầy tất phải xảy đến”
Tôi không đổ cho Phierơ vì không hiểu trọn mọi lời lẽ nầy. Chính sau nửa đêm, và ông đã mệt mõi, quẫn trí, nhầm lẫn, giận dữ, kiệt sức, khó chịu, và trong nổi tuyệt vọng, ông muốn làm một việc gì đó, bất cứ việc gì, sẽ giải cứu Chúa Jêsus. 
Nhưng Chúa Jêsus không cần sự giúp đỡ của ông.
Ngài không muốn được giải cứu.
Chúa Jêsus có thể tự lo cho mình. Mọi sự dường như là lộn xộn lại đổi thành chương trình của Đức Chúa Trời đang mở ra hầu đem sự cứu rỗi đến cho thế gian. Khi điều ác dường như thắng thế, Đấng Christ bình tĩnh cam chịu, nhận biết rằng đến cuối cùng, ý chỉ của Đức Chúa Trời sẽ được nên. 
J. C. Ryle nói về vấn đề nầy như sau: 
Ngài không chết vì Ngài không thể lo liệu được; Ngài không chịu khổ vì Ngài không thể tránh né. Tất cả binh lính của Philát không thể bắt được Ngài, nếu Ngài không bằng lòng để cho họ bắt. Họ không thể làm tổn thương một sợi tóc trên đầu Ngài, nếu Ngài không cho phép họ. 
Một bài thánh ca xưa nhắc cho chúng ta nhớ rằng đôi khi chúng ta phải “học thua thiệt với Đức Chúa Trời”. Và trong sự mất mát quyền lực, tầm quan trọng, địa vị chúng ta ở chỗ sáng láng, tiếng tăm và vận mệnh của chúng ta và mọi sự chúng ta có, đặc biệt tiếng tăm của chúng ta trong thế gian, trong việc bỏ đi mọi sự đó, sự thua thiệt của chúng ta với Đức Chúa Trời đem lại cho chúng ta một ơn phước mà thế gian không thể địch lại và không hiểu nổi. 
III. Bằng cách nương cậy hoàn toàn vào quyền phép tối thượng của Đấng Christ thay vì vào sức riêng của mình.
Đôi khi chúng ta phải bỏ hết đi. Thật là khó cho hầu hết chúng ta. Bỏ đi không chính xác là bỏ cuộc. Bỏ đi không có nghĩa là ngồi đấy thụ động trong khi thế gian đang lấn lướt chúng ta. 
Bỏ đi có nghĩa là buông đi quyền hạn mà mình luôn nắm giữ.
Bỏ đi có nghĩa là công nhận rằng bạn không được kêu gọi để nắm quyền chỉ huy.
Bỏ đi có nghĩa là bạn chọn không điều động người khác.
Bỏ đi có nghĩa là nhìn nhận rằng bạn không đủ giải đáp.
Bỏ đi có nghĩa là đem hết tình cảm của mình phục theo Chúa.
Bỏ đi có nghĩa là từ bỏ địa vị của bạn là Chủ của vũ trụ.
Đức Chúa Trời có thể làm cho mọi việc ra khác biệt vì cớ Chúa Jêsus không? Câu trả lời là “có”. Ngài là Đức Chúa Trời. Ngài có thể sắp đặt mọi hoàn cảnh theo bất cứ cách nào Ngài lựa chọn. Nhưng Đức Chúa Trời ấn định rằng Con Ngài phải chịu chết. “Đức Giê-hô-va lấy làm vừa ý mà làm tổn thương người, và khiến gặp sự đau ốm” (Êsai 53:10). 
Chúa Jêsus phải chịu chết!
Hãy suy gẫm câu nói trong một phút và bạn sẽ nhìn biết lý do tại sao Chúa Jêsus không đánh trả. Ngài biết rõ nếu không có sự chết của Ngài, toàn bộ thế gian sẽ bị hư mất. Vì vậy, để phục vụ cho sự tốt lành lớn lao hơn của Đức Chúa Trời, Ngài đã chịu đựng sự sỉ nhục của đám đông đang gào thét kia, những lời vu cáo, sự đánh đập tàn bạo và nổi xấu hổ của cái chết trên một cây thập tự. 
Ngày Thứ Sáu Tốt Lành luôn luôn đến trước ngày Chúa nhật Phục sinh. Không có sự sống lại nếu không có sự đóng đinh trên thập tự giá, và chẳng có một ngõ tắt nào trên con đường đến với sự vinh hiển hết. Lần tấn công dại dột của Phierơ, chắc chắn bị tác động bởi tình cảm trong lúc vô vọng, nghĩa là ông vẫn không hiểu là Chúa Jêsus phải chịu chết. Và đấy là lý do tại sao ông nương cậy vào thanh gươm của mình để bảo vệ cho Con của Đức Chúa Trời. Khi Thomas Whitelaw viết về câu chuyện nầy, ông đã sử dụng 5 từ với chữ “U” để giải thích sự dại dột của Phierơ. Việc ông sử dụng sức mạnh là . . .
· Unavailing [vô ích]. “Công cụ yếu ớt của Hội thánh có thể làm đôi chút việc chống lại các đạo binh của thế gian giống như thanh gươm của Phierơ đã làm khi chống cự lại binh lính của Caesar”.
· Unnecessary [không cần thiết]. Nếu bạn có thể ra lịnh cho 72.000 thiên sứ (và toàn bộ thiên đàng), bạn không cần tới thanh gươm nhỏ bé của Phierơ để bảo vệ bạn.
· Unchristian [phi Cơ đốc]. Trong khi tấn công tên đầy tớ, Phierơ đã đi ngược lại với sự dạy của chính Chúa Jêsus phải đưa luôn má bên kia khi bạn bị tấn công (Mathiơ 5:39).
· Unreasonable [bất hợp lý]. Ngay cả nếu Phierơ đã ngăn trở được sự bắt bớ, điều đó cũng chẳng có một giá trị gì hết. Mục tiêu của chúng ta là biến đổi kẻ thù nghịch mình nhờ vào tình yêu thương, chớ không phải o ép họ nhờ vào sức mạnh.
· Unwise [không khôn ngoan]. Nổ lực hư không của Phierơ muốn bảo vệ Chúa Jêsus đã ngăn trở mục đích của Đức Chúa Cha hòng đem ơn cứu rỗi đến qua sự chết của Con Ngài.
· Unsafe [không an toàn]. Hành động đột ngột của Phierơ đã kêu gọi sự chú ý của người khác nhắm vào ông và dễ cho người ta nhận dạng ông sau đó trong sân của Caiphe. Sự giải cứu rất nổ lực của ông đã trở thành gậy ông đập lưng ông và chỉ tự gây tổn thương cho ông mà thôi. 
IV. Bằng cách mở rộng tình yêu có tính cách chữa lành của Đấng Christ cho những người làm tổn thương chúng ta.
Sau khi Chúa Jêsus quở trách Phierơ vì đã tấn công tên đầy tớ, Ngài đã làm ra một phép lạ thật bất ngờ. Ngài phục hồi lại lỗ tai cho hắn. “Ngài bèn rờ tai đầy tớ ấy, làm cho nó được lành” (Luca 22:51). Điều nầy thật bất ngờ vì Chúa Jêsus đã chữa lành cho một người hiệp với binh lính đến đặng bắt Ngài. 
Sự việc đã diễn ra thật mau chóng.
Phierơ tấn công, lỗ tai bị chém đứt, máu tung tóe khắp nơi.
Chúa Jêsus quở trách Phierơ.
Kế đó Ngài chìa tay Ngài ra, chạm đến nơi có lỗ tai đổ máu ấy, rồi thình lình lỗ tai được phục hồi.
Phierơ đã làm điều mà hết thảy chúng ta đều có khuynh hướng phải làm khi chúng ta bị tổn thương và lo lắng. Ông đã vung gươm lên trong giận dữ và bối rối, đánh và làm bị thương gã đầy tớ của thầy tế lễ thượng phẩm. Dường như đây là một việc tự nhiên phải làm vậy
Đánh trả!
Cho dù là thế nào đi nữa!
Làm cho ai đó phải trả giá!
Gây thương tổn cho họ theo cách họ gây tổn thương cho bạn!
Song ngay cả trong trường hợp nầy, chúng ta nhìn thấy sự dại dột của sự trả thù. Tại sao lại tấn công gã đầy tớ của thầy tế lễ thượng phẩm mà chi chứ! Hắn chỉ làm những việc mà người khác sai biểu thôi. Nhưng như chúng ta đã thấy, Phierơ đã giơ gươm lên trong dại dột, trong giận dữ và thất vọng, với sự mong muốn làm cho ai đó bị thương, khi muốn bảo vệ Thầy của mình. Nhưng việc chém đứt lỗ tai sẽ không ngăn trở họ thôi không bắt lấy Chúa Jêsus. Thực vậy, nếu Chúa Jêsus không chữa lành cho gã đó, thì phía nhà cầm quyền Do thái sẽ tỏ ra thạnh nộ càng hơn nữa. Trong nổ lực để làm cho mọi việc ra tốt hơn, Phierơ đã làm cho chúng ra tệ hại hơn.
Chúa Jêsus đã làm những gì mà chỉ có Con Đức Chúa Trời mới có thể làm được. Ngài đã chữa lành cho kẻ đến đặng làm tổn thương Ngài. 
Sẽ ra sao nếu Phierơ thành công trong đêm đó? Sẽ ra sao nếu ông lãnh đạo các môn đồ khác lâm vào cuộc chiến tuyệt vọng cho đến người cuối cùng để bảo vệ Chúa Jêsus? Tất nhiên là chuyện ấy sẽ không thành đâu, vì cấp lãnh đạo Do thái vốn có quyền lực của Rome ở đàng sau họ. Nhưng nếu không cứ cách nào đó Phierơ đã thành công trong việc “bảo vệ” Chúa Jêsus, Ngài sẽ không hề bước lên thập tự giá, chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời sẽ thất bại, rồi sẽ không có Tuần Lễ Thánh, không có ngày Thứ Sáu Tốt Lành và chẳng có Lễ Phục Sinh nào cả. 
Ta há chẳng uống chén sao?
Điều nầy đưa chúng ta đến với lời lẽ sau cùng của Chúa Jêsus trước khi Ngài bị bắt: “Nhưng Đức Chúa Jêsus phán cùng Phi-e-rơ rằng: Hãy nạp gươm ngươi vào vỏ; ta há chẳng uống chén mà Cha đã ban cho ta uống sao?” (Giăng 18:11). Chúa Jêsus luôn luôn nắm lấy quyền tể trị, ngay cả lúc trong vườn, trong bóng tối của ban đêm, bị vây quanh bởi những tên lính, chúng đến đặng bắt lấy Ngài. Ngài đã đến đặng uống cạn cái chén thương khó, và Ngài phải uống cạn chén ấy. 
Hỡi Đấng Christ,
gánh nặng nào làm cho đầu Ngài gục xuống!
Gánh nặng của chúng tôi đã chất trên Ngài;
Ngài đã đứng trong chỗ của tội nhân –
Ngài đã gánh lấy mọi bịnh tật vì tôi:
Một tội phạm bị dẫn đi, huyết Ngài đã đổ ra!
Giờ đây, chẳng có gánh nặng nào cho tôi cả.
Sự chết và sự rủa sả đều ở trong chén của chúng tôi –
Hỡi Đấng Christ, quá đủ cho Ngài rồi!
Nhưng Ngài đã uống cạn cho tới giọt cuối cùng:
Giờ đây chẳng còn gì hết cho tôi.
Cái chén đắng ấy, tình yêu thương đã uống cạn nó,
Giờ đây ơn phước đang tràn tuôn cho tôi.
Và Chúa Jêsus bị bắt dẫn đi trong đêm, đang khi các môn đồ bỏ trốn và Phierơ đi theo ở một khoảng xa xa. Hai tay Ngài bị trói, bị canh chừng giống như thể Ngài là một gã tội phạm, Chúa Jêsus đi gặp những kẻ vu cáo Ngài. Chưa đầy 12 giờ đồng hồ, Ngài sẽ bị treo trên thập tự giá. Nhưng khi Ngài bị dẫn đi, có một người đang xoa một bên đầu mình rồi nhớ rằng Chúa Jêsus đã chạm vào và đã chữa lành cho. 
Đây thực sự là phép lạ bị lãng quên trong dịp Lễ Phục Sinh. Và cho thấy đấy là phép lạ sau cùng chữa lành thân thể mà Chúa Jêsus đã từng làm ra. Đây là một phần nhỏ trong cuộc sống, một cuộc gặp gỡ lúc nửa đêm, một phép lạ nhỏ trên đường dẫn tới một phép lạ lớn lao hơn. Và đó là một sự khải thị tấm lòng chơn thật của Chúa Jêsus. Trong câu chuyện ngắn nầy, chúng ta nhìn thấy cách thức Chúa Jêsus  đối xử với kẻ thù của Ngài. Khi họ đến để bắt Ngài, Ngài không chống cự. Khi họ bị thương tích, Ngài chữa lành cho họ. Ngài nhận lãnh những lần tấn công của họ và rồi bị dẫn đi để chịu chết vì chính những người đã gán án tử hình cho Ngài. Ngài sẽ không sử dụng quyền phép thiêng liêng của mình để tránh né nanh vuốt của họ. Ngài chỉ sử dụng quyền phép của mình để chữa lành cho những ai bị thương tích bởi các môn đồ của Ngài. 
Tội lỗi của hết thảy chúng ta đều chất trên Ngài. Nếu chúng ta chưa được cứu, chúng ta không thể đổ thừa cho Chúa Jêsus. Lỗi là của hết thảy chúng ta. Ngài sẵn lòng tha thứ khi Ngài bị dẫn đi như một tội nhân, phải đổ máu và phải chịu chết. 
Đúng là Đấng Cứu Thế!
Đúng là Ngài mang lại ơn cứu rỗi!
Vinh hiển cho danh Ngài cho đến đời đời. Amen!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét