Chủ Nhật, 2 tháng 10, 2011

Giôsuê 9:1-27: “SỐNG VỚI MỘT QUYẾT ĐỊNH TỒI”

“SỐNG VỚI MỘT QUYẾT ĐỊNH TỒI”
Giôsuê 9:1-27


Một kẻ lập dị giàu có qua đời và để cả triệu đôla lại cho cháu trai mình là John. Khi ý định được đọc lên tại văn phòng luật sư, vị luật sư nói với John: “Theo sự dặn dò của bác anh, việc chi trả tài sản của anh sẽ căn cứ theo những quyết định mà anh phải đưa ra”. Vị luật sư đặt hai bàn tay nắm chặt lại của ông ta trước mặt John rồi hỏi: “Anh chọn bên tay mặt hay tay trái?”
John quyết định những gì có trong tay mặt của vị luật sư. Vị luật sư mở tay trái mình ra rồi cho thấy một đồng vàng và một đồng bạc. Ông ta nói: “Nếu anh chọn tay nầy, anh đã nhận lấy cổ phần có thật trong một mỏ vàng hay một mỏ bạc ở tại Chile”. Kế đó, ông ta mở bàn tay phải ra cho thấy một quả hạch và một hạt cà phê. Vị luật sư nói: “Mấy thứ nầy tiêu biểu cho giá một triệu đôla quả hạch hay cà phê xuất từ Brazil”. “Anh chọn cái nào?” John quyết định chọn quả hạch.
Một tuần lễ trôi qua trước khi John đến Brazil để thâu lấy tài sản của mình. Trong lúc dàn xếp, lửa đã hủy diệt một nhà kho lớn, ở đó có chứa quả hạch mà John thừa hưởng và giá cà phê lên gấp đôi. Khi John chưa nhận lấy tài sản của mình, thì anh đã bị phá sản.
Anh còn đủ tiền để lên máy bay về nhà ở Nữu Ước hay Los Angeles, ở đó anh trú ngụ với một người bạn. Anh đã chọn Los Angeles.
Ngay trước khi anh ra phi đạo, chiếc phi cơ đi Nữu Ước đã đi lệch đường băng — đó là một máy bay phản lực loại mới. Về chuyến bay đi Los Angeles, phi cơ nầy là máy bay ba động cơ Ford xuất xưởng năm 1928 phải mất nửa ngày nó mới rời khỏi phi đạo. Chiếc máy bay chất đầy trẻ em kêu khóc và những con dê bị cột chặt. Trên dãy núi Andes một máy bị hỏng. Người của chúng ta bò lên buồng lái rồi hỏi: “Cho phép tôi xuống nếu các ông muốn cứu mạng sống của mấy ông. Hãy trao cho tôi cái dù”. Viên phi công đồng ý nhưng nói: “Trên máy bay nầy, bất cứ ai muốn nhảy dù xuống phải mang hai dù”.
John đã nhảy ra khỏi máy bay và anh cảm thấy phải bình tỉnh nhưng không biết phải giật sợi dây nào. Sau cùng, anh chọn sợi dây bên trái. Sợi dây bị lỗi, và lỏng lẻo. Anh kéo sợi dây kia. Chiếc dù mở ra, song nó cuộn lại, không bọc tròn đủ. Trong nổi thất vọng, gã khốn khổ kia kêu lên: “Thánh Francis ơi, cứu tôi!”
Thình lình, có một bàn tay thật to với xuống từ trời, nắm chặt lấy hông của gã đáng thương nầy rồi cứ để lơ lửng giữa không gian. Thế rồi có một giọng nói dịu dàng thốt lên: “Thánh Francis xứ Xavier hay Thánh Francis xứ Assisi?” [Bits & Pieces, May 25, 1995, pp. 6-8 as quoted in www.bible.org/illus/decisions]
Hết thảy chúng ta đều đưa ra nhiều quyết định mỗi ngày. Và hết thảy chúng ta đều đã đưa ra những quyết định mà chúng ta phải hối tiếc. Những quyết định tồi xảy ra trong mọi cuộc sống của chúng ta. Một số trong đó rất nghiêm trọng còn những cái khác thì không.
Tối nay, chúng ta muốn xem xét một quyết định đưa ra bởi Giôsuê cùng các trưởng lão khác của Israel, quyết định ấy sẽ có những hậu quả nghiêm trọng.
1. ƠN PHƯỚC VÀ CHIẾN TRANH CÓ THỂ XẢY RA CÙNG MỘT LÚC (các câu 1-6)
Tôi muốn bạn chú ý: ơn phước và chiến tranh có thể đến cùng một lúc. Ngay cả khi Israel nhóm lại đặng thờ phượng (8:30), kẻ thù của họ đã tập trung lại để hoạch định một cuộc tấn công vào Israel. (các câu 1-2). “Khi hay được việc này, hết thảy các vua ở bên này sông Giô-đanh, hoặc ở trong núi, dưới đồng bằng, hay là dọc bãi biển lớn đối ngang Li-ban, tức là các vua dân Hê-tít, dân A-mô-rít, dân Ca-na-an, dân Phê-rê-sít, dân Hê-vít, và dân Giê-bu-sít, đều rập một ý hiệp với nhau đặng giao chiến với Giô-suê và Y-sơ-ra-ên”.
Trong khi dân Israel đang thờ lạy Đức Chúa Trời và ôn lại luật pháp của Ngài, các vua xứ Canaan hiệp lại hình thành một liên minh để đối đầu với thách thức xâm lược của dân Israel. Mặc dù tất cả các vua nhóm lại đặng hình thành một liên minh quân sự, người Gabaôn quyết định thực hiện một hành động khác, câu 3: “Khi dân Ga-ba-ôn đã hay điều Giô-suê làm cho Giê-ri-cô và A-hi”.
Dân Gabaôn đã nghe thấy cùng một tường trình cho hay rằng Raháp đã hành động thích ứng, song họ không muốn sự hiểu biết ấy dẫn họ tới những hành động thích ứng. Họ đã nghe nói về sức mạnh của dân Israel và thậm chí đã nhận biết rằng quyền phép của Đức Chúa Trời nằm ở đàng sau sức mạnh ấy. Raháp đã nghe nói về Đức Chúa Trời của Israel và nàng có một tấm lòng rộng mở để học biết thêm về Ngài và thờ lạy Ngài. Dân Gabaôn đã tìm hiểu sâu xa để họ chỉ có đủ tri thức dẫn họ vào sợ hãi và làm bất cứ điều chi cần thiết để cứu lấy mạng của họ. Có nhiều người ngày nay vẫn còn sống theo triết lý của dân Gabaôn, những điều có tính cách thủ đoạn. Họ làm bất cứ điều gì có tính cách thủ đoạn, để giúp đưa họ lọt qua những khó khăn trong cuộc sống. Nếu dân Gabaôn chỉ ăn năn xây lại với Đức Chúa Trời: giống như Raháp đã làm, thế thì chẳng có một sự dối trá nào là cần thiết cả.
Nhưng thay vì ăn năn, dân Gabaôn đã quyết định lừa gạt dân Israel, các câu 4-6: “bèn tính dùng mưu kế. Chúng nó giả bộ đi sứ, lấy bao cũ chất cho lừa mình, và bầu chứa rượu cũ rách vá lại, dưới chân mang giày cũ vá, và trên mình quần áo cũ mòn; hết thảy bánh về lương bị họ đều khô và miếng vụn. Chúng nó đi đến gần Giô-suê tại trại quân Ghinh-ganh, mà nói cùng người và dân Y-sơ-ra-ên rằng: Chúng tôi ở xứ xa đến; vậy bây giờ, hãy lập giao ước cùng chúng tôi”.
Họ đã lựa quần áo cũ mòn, bánh vụn, lương khô và bầu rượu cũ, hết thảy các thứ nầy đã được làm ra để gây ấn tượng rằng họ đã đi một khoảng đường thật dài mới đến được trại quân của dân Israel. Họ muốn lừa gạt Giôsuê về nguồn gốc của họ. Chúng ta không biết trường hợp họ có biết Đức Chúa Trời đã căn dặn dân Israel đừng kết hiệp gì với dân xứ Canaan hay không hoặc chỉ rút ra một kết luận tự nhiên cho rằng mặc dù Giôsuê không thực hiện một liên minh với xứ láng giềng, ông có thể thực hiện liên minh với một xứ ở thật xa.
2. HÃY COI CHỪNG VỀ VIỆC ĐƯA RA NHỮNG QUYẾT ĐỊNH CĂN CỨ VÀO BẰNG CHỨNG NÔNG CẠN (các câu 7- 15)
“Dân Y-sơ-ra-ên đáp cùng dân Hê-vít rằng: Có lẽ các ngươi ở giữa chúng ta chăng; vậy làm thế nào lập giao ước đặng? Nhưng chúng nó nói cùng Giô-suê rằng: Chúng tôi là tôi tớ của ông. Giô-suê hỏi: Các ngươi là ai, ở đâu đến? Đáp rằng: Tôi tớ của ông ở từ xứ rất xa đến để tôn trọng danh Giê-hô-va là Đức Chúa Trời của ông; vì chúng tôi có nghe nói về Ngài, và mọi điều Ngài đã làm trong xứ Ê-díp-tô; lại cũng nghe về mọi điều Ngài đã làm cho hai vua A-mô-rít ở bên kia sông Giô-đanh, … Các trưởng lão và hết thảy dân sự ở xứ chúng tôi có nói cùng chúng tôi rằng: Hãy lấy lương thực dùng dọc đường, đi đến trước mặt dân đó, mà nói rằng: Chúng tôi là tôi tớ các ông; và bây giờ, hãy lập giao ước cùng chúng tôi”.
Hãy chú ý, họ không trả lời câu hỏi của Giôsuê ở câu 8: “Các ngươi là ai, ở đâu đến?” Thay vì họ nói: “Ồ, chúng tôi ở xa lắm, các ông chưa bao giờ nghe nói về chúng tôi đâu”.
Dân Gabaôn không những đã dối gạt về nguồn gốc của họ, mà họ còn nói dối về mọi dự tính của họ nữa. Họ nói với Giôsuê rằng họ muốn một giao ước vì họ đã nghe nói về những điều lạ lùng về Giêhôva Đức Chúa Trời. Câu 9: họ nói họ đã đến “…để tôn trọng danh GIÊHÔVA là Đức Chúa Trời của ông; vì chúng tôi có nghe nói về Ngài, và mọi điều Ngài đã làm trong xứ Êdíptô”. Họ đã đưa ra ấn tượng cho rằng họ mong mỏi tôn vinh Đức Chúa Trời lắm. Nhưng hãy chú ý họ không nhắm đến sự ăn năn; họ chỉ nhắm đến dịch vụ.
Khi ấy, họ trình ra những ủy nhiệm thư của họ – bánh mốc meo, bầu rượu cũ, và quần áo cũ mòn, các câu 12-13: “Kìa, bánh của chúng tôi; ngày chúng tôi ra khỏi nhà đặng đi đến cùng các ông, chúng tôi lấy nó đem theo làm lương thực vẫn nóng hổi, mà ngày nay đã khô và bể vụn. Những bầu rượu này chúng tôi đổ đầy rượu hãy còn mới tinh, kìa nay đã rách; còn quần áo và giày chúng tôi đã cũ mòn, bởi vì đi đường xa”.
Thật là khó tin, họ được chấp nhận khi những thứ chứng cớ lẽ ra đáng phải bị thắc mắc cao độ. Những công sứ với uy quyền kết luận một hiệp ước với quốc gia khác phải có những ủy nhiệm thư quan trọng. Tuy nhiên, các câu 14-15 cho chúng ta biết: “Người Y-sơ-ra-ên bèn nhận lương thực chúng nó, không cầu hỏi Đức Giê-hô-va. Giô-suê lập hòa cùng chúng nó, và kết ước cho chúng nó sống; rồi các trưởng lão của hội chúng bèn thề cùng chúng nó”.
Có lẽ lý do tại sao Giôsuê chễnh mãng không cầu hỏi Đức Chúa Trời, rồi kết thúc trong chỗ rút ra phần kết luật sai lầm, ấy là ông tưởng rằng bằng chứng mạnh mẽ đến nỗi không cần thiết phải cầu hỏi Đức Chúa Trời nữa. Có lẽ Giôsuê không cầu hỏi Đức Chúa Trời vì quyết định của ông dường đúng đắn, bằng chứng ấy quá rõ ràng rồi.
“Sự thể giống như xem chương trình thương mại trên truyền hình nói về một chất dẫn tới chỗ chống acid phát ra nhiều trong bao tử. Không có cách nào để chứng minh mọi lời xưng nhận của nó hết, song dường như chương trình ấy rất thuyết phục vì cớ biểu hiện của nó. Hai cốc đầy ắp với chất lỏng, tôi giả sử chất lỏng trong bao tử – vừa đủ – chất lỏng chống acid tự tỏ ra siêu đẳng hơn chất kia. Giờ đây, sự việc cho thấy đấy chẳng phải là minh chứng gì cả, song nó tỏ ra dễ tin vì cớ biểu hiện gọi là khoa học thấy được, rõ ràng. Nó mang ấn tượng bằng chứng chắc chắn” [Dale Ralph Davis. No Falling Words: Expositions of the Book of Giôsuê. (Grand Rapids: Baker, 1988) p. 76]
Alan Redpath có lời khuyên rất hay về việc xem mọi thứ như chúng hiện có: “Khi nhận thức thông thường nói rằng con đường nầy là đúng, hãy ngước đầu nhìn lên Đức Chúa Trời, vì con đường đức tin và con đường phước hạnh có thể nằm trong phương hướng đối nghịch hoàn toàn với những gì bạn gọi là nhận thức thông thường. Khi có những giọng nói bảo bạn rằng hành động ấy là khẫn cấp, một việc gì đó phải được thực hiện cấp thời, hãy trình mọi sự cho tòa án trên trời. Khi ấy, nếu bạn vẫn còn hồ nghi, hãy giữ bình tỉnh. Nếu được kêu gọi phải hành động và bạn không có thì giờ cầu nguyện, thì đừng làm chi hết. Nếu bạn được kêu gọi phải hành động theo một hướng nhất định và không thể chờ đợi cho tới chừng bạn có sự bình an với Đức Chúa Trời về việc đó, đừng hành động chi hết. Phải mạnh mẽ đủ và dũng cảm đủ để dám đứng vững và trông đợi Đức Chúa Trời, vì chẳng ai trong số họ chờ đợi nơi Ngài mà lại bị xấu hổ bao giờ. Đấy là phương thức duy nhứt áp đảo được ma quỉ” [Alan Redpath, Victorious Christian Living: Studies in the Book of Giôsuê. (Westwood, NJ: Fleming Revell Co., 1955) pp. 143-143]
Thế là Giôsuê đã lập một hiệp ước với dân Gabaôn mà trước hết không đem vấn đề đến trước mặt Đức Chúa Trời. Hiệp ước nầy không những là một lời hứa buông tha mạng sống của họ, mà còn là một lời hứa phải bảo hộ họ trong trường hợp họ bị tấn công nữa.
3. PHẢI NHẬN BIẾT SỰ LỪA GẠT ĐÓ SẼ BỊ KHÁM PHÁ (các câu 16-20)
“Nhưng ba ngày sau khi đã lập giao ước cùng chúng nó, dân Y-sơ-ra-ên hay rằng các người này vốn lân cận mình, và ở tại giữa mình”.
Tác giả Châm ngôn 12:19 chép: “Song lưỡi giả dối chỉ còn một lúc mà thôi”. Câu chuyện nói tới sự lừa gạt nầy chỉ ra sự bất lương đó, có thể tác động một cách nhất thời song nó chẳng bao giờ là một giải pháp dài hạn được. Chẳng chóng thì chầy, mưu mẹo và sự lừa gạt sẽ bị tỏ ra và sự thực sẽ hiển hiện.
Khi dân Israel kiểm tra lại câu chuyện ở câu 17, họ khám phá ra sự thực: “Dân Y-sơ-ra-ên lên đường, và ngày thứ ba đến thành chúng nó … Dân Y-sơ-ra-ên không giao chiến cùng dân đó, vì cớ các trưởng lão của hội chúng đã chỉ danh Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên mà thề cùng dân đó; nhưng cả hội chúng lằm bằm cùng các quan trưởng. Các quan trưởng bèn nói cùng cả hội chúng rằng: Chúng ta đã chỉ danh Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên mà thề cùng dân đó; vậy, từ bây giờ chúng ta không thế hại chúng nó được. Chúng ta phải đãi dân đó như vầy: Phải để cho chúng nó sống, hầu cho chớ vì cớ lời thề đã lập, mà chúng ta khiến cơn thạnh nộ của Đức Giê-hô-va giáng trên chúng ta. Vậy, các quan trưởng tỏ rằng chúng nó được sống, nhưng phải bị dùng để đốn củi xách nước cho cả hội chúng, y như các quan trưởng đã nói cùng chúng nó”.
4. HÃY CÔNG NHẬN KHI BẠN ĐƯA RA MỘT QUYẾT ĐỊNH TỒI, BẠN SẼ PHẢI SỐNG VỚI NHỮNG HẬU QUẢ (các câu 22-27)
“Giô-suê bèn gọi dân đó mà nói như vầy: Sao các ngươi đã gạt chúng ta, nói rằng: Chúng tôi ở rất xa các ông, té ra các ngươi ở giữa chúng ta? Vậy, bây giờ, các ngươi bị rủa sả, không dứt làm tôi mọi, cứ đốn củi và xách nước cho nhà của Đức Chúa Trời ta. Chúng nó bèn thưa cùng Giô-suê rằng: Ay là điều kẻ tôi tớ ông có hay rõ ràng Giê-hô-va Đức Chúa Trời của ông đã phán dặn Môi-se, tôi tớ Ngài, biểu ban toàn xứ cho các ông, và diệt hết thảy dân ở trước mặt mình: ấy vậy, chúng tôi vì cớ các ông lấy làm rất sợ hãi cho sự sống mình, nên mới làm như vậy. Bây giờ chúng tôi ở trong tay ông, hãy đãi chúng tôi tùy ý ông cho là tốt lành và công bình. Giô-suê bèn làm như người đã nói, và giải cứu chúng nó khỏi bị tay dân Y-sơ-ra-ên giết. Trong ngày đó, người cắt chúng nó làm kẻ đốn củi và xách nước cho hội chúng và cho bàn thờ của Đức Giê-hô-va tại trong nơi Ngài chọn lựa; ấy là điều dân đó hãy còn làm đến ngày nay”.
Chỉ cần có ba ngày thì dân Israel khám phá ra họ đã phạm sai lầm, song họ phải sống với nó trọn cả đời. Câu chuyện nói tới phản ứng của Giôsuê trước sự dối gạt của dân Gabaôn cho chúng ta thấy khi hoàn cảnh trăn trở thì phải biết ôm giữ lấy sự đầu phục của mình là khó dường nào. Cuộc sống mạnh giỏi của người khác sẽ nương vào việc gìn giữ đó. Đôi khi dân sự của Đức Chúa Trời được kêu gọi phải sống vâng phục giữa những sai phạm do chính họ đưa ra.
Một phần ứng dụng rõ ràng cho ngày hiện tại đây. Có khi một Cơ đốc nhân sẽ kết hôn ngoài ý chỉ của Đức Chúa Trời. Khi ấy cần phải làm gì? Thế gian có câu trả lời. Thế gian nói: “Chỉ cần ly dị. Bạn có quyền sống hạnh phúc. Hãy làm điều chi là đúng đắn cho bản thân mình”. Nhưng Lời của Đức Chúa Trời phán rằng đó là điều mà Cơ đốc nhân phải sống với nó (I Côrinhtô 7:10-11). Có người sẽ đưa ra lời khuyên: “Nhất định bạn có thể tránh được mọi hậu quả theo cách ấy”. Nhưng sự thực cho thấy bạn không thể!
Giôsuê và các cấp lãnh đạo xứ sở đã phạm sai lầm trong việc không cầu hỏi Đức Giêhôva về dân Gabaôn, tin cậy vào ấn tượng riêng và sự xét đoán của họ nhưng họ không dàn xếp bằng cách đi ngược lại giao ước mà họ đã lập.
Một số Cơ đốc nhân đang ở dưới nhận thức sai cho rằng khi chúng ta phạm tội, nếu chúng ta xưng tội và tìm kiếm sự tha thứ của Đức Chúa Trời sẽ chẳng có một hậu quả nào đối với tội ấy. Mặc dù hành động nầy đem lại sự thanh tẩy song chẳng xóa được mọi hậu quả của tội lỗi chúng ta. Đấy là nan đề trầm trọng với một thất bại không cầu hỏi Chúa trong mọi vấn đề: chúng ta phải sống với mọi hậu quả của các hành vi sai trái của chúng ta.
Israel được kêu gọi phải tôn trọng giao ước với người Gabaôn ngay sau khi giao ước được lập. Năm vua của dân Amôrít, đã giận dữ và ngăm dọa bởi sách lược của dân Gabaôn, đã quyết định tấn công các thành phố của người Gabaôn (10:3-4). Giôsuê bị buộc phải bảo vệ họ. Giao ước nầy giữa dân Israel và người Gabaôn đã được tôn trọng trong nhiều thế kỷ. Ở một dịp về sau nầy, khi Vua Saulơ, phá vỡ giao ước, Đức Chúa Trời đã về phe với người Gabaôn và đem lại sự phán xét giáng trên dân Israel (II Samuên 21:1). Trong sự biện hộ của họ, dân Gabaôn đã tỏ ra từng trung thành một khi họ đưa ra quyết định. Trong suốt những năm tháng của cuộc chiến ấy giữa dân Israel và các dân xứ Canaan chẳng có một tường trình nào thậm chí nói tới một người Gabaôn đã chạy theo phía bên kia.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét