Thứ Năm, 9 tháng 2, 2012

I Các Vua 17:1: "Sơn Nhân Của Đức Chúa Trời"


Sơn Nhân
Của Đức Chúa Trời

– I Các Vua 17:1
Cuối tháng 12, ngay sau thảm họa sóng thần, bạn tôi là Ramesh Richard, một giáo sư tại thần học viện Dallas, đã gửi email chứa lời cầu nguyện chỉ có một câu, thật đơn giản. Ông ấy gọi đấy là “lời cầu nguyện nguy hiểm”. Ngay giờ phút tôi nhìn thấy lời cầu nguyện đó, tôi biết đấy sẽ là lời cầu nguyện của tôi dành cho năm 2005. Đại loại là như thế nầy: “Lạy Chúa, xin hãy làm những việc mà chúng con không làm được”. Vì vậy, vào cuối tháng 12, tôi đã khởi sự cầu nguyện cho bản thân và cho gia đình tôi, và tôi chổi dậy vào Chúa nhật đầu tiên của tháng Giêng, nói với hội chúng là chúng ta sẽ thực thi lời cầu nguyện của chúng tôi cho năm 2005: “Lạy Chúa, xin hãy làm những việc mà chúng con không làm được”. Lời cầu xin ấy làm cho một số người sợ bắt chết, và tôi đã khám phá ra rằng nếu bạn dâng lên lời cầu nguyện ấy, bạn nên sẵn sàng vì Đức Chúa Trời sẽ lay động bạn và lay động cả gia đình bạn. Và nhất định Ngài đã làm như thế cho gia đình của tôi.
Tôi đang ghi ra mấy lời nầy từ một cabin nhìn qua hồ. Bạn đến với cabin bằng cách đi qua cái cổng chuồng gia súc rồi lái xe đi khoảng một dặm rưỡi xuống con đường đá sỏi. Muốn vào con đường đá sỏi, bạn phải bắt con đường nối với quốc lộ dính liền với Natchez Trace. Nếu bạn đi về phía Nam 9 dặm, bạn đến thị trấn Tupelo, bang Mississippi. Bạn sẽ không đến cabin do tình cờ được. Bạn khó có thể đến được đây lắm. Sáng nay, khi tôi nhìn qua hồ, mặt nước ĩnh lặng hoàn toàn. Ngôi nhà gần nhất cách đó khoảng nửa dặm. Hồ và cabin nằm lọt lòng trong cả trăm mẫu rừng. Cách đó hai ngày, tôi có gặp một thanh niên lái chiếc xe tải nhỏ chạy trên con đường đá sỏi kia. Anh ta nói cho tôi biết rằng anh ta săn nai bằng cung tên và cánh đồng ở bờ bên kia hồ “có nhiều nai lắm” và khu rừng có rất nhiều gà tây sống hoang dã. Khi ấy tôi biết mình không còn ở tại Oak Park nữa. Một số người trong các bạn sẽ nhớ rằng chỗ nầy là Green Acres, là nơi “giã từ cuộc sống thành thị”. Cụm từ đẹp đẽ ấy mô tả tình huống hiện tại của chúng tôi.
Chúng ta có mặt ở đây vì Chúa đã kêu gọi chúng ta phải có mặt ở đây, ít nhất là trong lúc bấy giờ. Chúng ta có mặt ở đây bởi sự dẫn dắt của Đức Chúa Trời, tìm kiếm mặt Ngài hầu cho chúng ta có thể nhận biết Ngài tốt hơn và nhận ra những gì Ngài muốn chúng ta phải lo làm kế tiếp.
Chúng ta dám chắc rằng đây là phần trả lời của Đức Chúa Trời cho sự cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin làm những việc mà chúng con không làm được”. Tôi đã viết ở các địa điểm khác về Trung Hoa và về các con của chúng tôi, và về chứng ung thư của Marlene và sự hồi phục liên tục của nàng, sự hồi phục ấy diễn tiến tốt đẹp và chúng tôi dâng lời cảm tạ Đức Chúa Trời vì sự tiến triển ấy.
Tôi đã nói rằng khi bạn dâng lên lời cầu nguyện của Chúa, xin làm những việc là chúng ta không làm được, bạn nên khóa dây an toàn lại vì Đức Chúa Trời sẽ làm lay động mọi sự. Ngài không phải là một Đức Chúa Trời của Status Quo [nguyên trạng]. Trước tiên, Ngài lay động chúng ta, và kế đó Ngài sử dụng chúng ta để lay động thế giới của chúng ta. Đấy luôn luôn là phương pháp của Đức Chúa Trời. Khi Đức Chúa Trời muốn làm thay đổi thế giới, Ngài bảo Nôê phải làm một việc mà ông chưa hề làm trước đó (đóng một chiếc tàu) để sửa soạn cho một việc quan trọng mà ông chưa hề thấy trước đó (mưa). Khi Đức Chúa Trời muốn tạo ra một dân lớn, Ngài kêu gọi một thương nhân thành công, ở độ tuổi trung niên tên là Ápram và bảo ông rời khỏi Urơ xứ Canhđê. Khi Đức Chúa Trời muốn giải phóng dân sự Ngài, Ngài tìm một người hay nói lắp có tên là Môise rồi bảo ông đến trao đổi với Pharaôn. Khi Đức Chúa Trời cần ai đó để đánh bại Gôliát, Ngài đã chọn một gã chăn chiên tên là David. Khi Đấng Christ cần một số người để ở kề cận Ngài, Ngài đã chọn mấy ngư phủ và những người thu thuế, một cái miệng lớn tiếng tên là Phierơ và hai anh em được gọi là “con trai của sấm sét”, rồi bảo họ bỏ hết mọi sự mà theo Ngài. Hãy nói về việc làm mọi sự mà bạn không làm được. Tôi lặp lại. Ngài không phải là một Đức Chúa Trời của Status Quo.
Với sứ điệp nầy, chúng ta đang khởi sự nghiên cứu về một trong những nhân vật lỗi lạc nhất của Cựu Ước. Ông là một vị tiên tri và ông là một sơn nhân, không biết đến từ đâu rồi bước vào bối cảnh chính. Ông sống bên dòng suối trong một hẽm núi. Rồi kế đó trong nhà của người đàn bà góa. Ông đã đánh bại các tiên tri của Baanh trên Núi Cạtmên rồi bỏ chạy trốn trong một hang đá. Ông rất thô kệch và chẳng sành sõi lắm, tuy nhiên Đức Chúa Trời đã sử dụng ông để làm lay động cả một quốc gia. Vì ông không theo status quo, ông làm cho mọi người sống quanh ông thấy khó chịu. Và chúng ta vẫn còn nói về ông 2.700 năm sau đó. Tên của ông là Êli. Ông là Sơn Nhân của Đức Chúa Trời.
Bảy vì vua gian ác
Câu chuyện của chúng ta bắt đầu ở I Các Vua 15. Đối với hầu hết chúng ta, đây là phần có những trang giấy trắng của Kinh thánh. Phải nói như thế, đây là một tiểu đoạn Kinh thánh mà chúng ta thường không đặt mắt tới nhiều, trừ phi chúng ta đang ra sức đọc hết Kinh thánh cả năm. Đấy là một sự xấu hổ vì các chương nầy chứa lẽ thật thuộc linh quan trọng mà chúng ta cần phải học hỏi. Tác giả của sách I Các Vua đưa câu chuyện lần theo các vị vua của Israel và các vị vua xứ Giuđa, và bằng cách đặt họ đối nghịch nhau, ông lôi kéo người ta chú ý đến những người đồng đi với Đức Chúa Trời và những ai không đồng đi với Đức Chúa Trời. Về mục đích của chúng ta, chúng ta sẽ tập trung vào các vị vua xứ Israel, là tên được ban cho mười chi phái phương Bắc sau khi đất nước chia đôi vào năm 931TC. Mười chi phái phương Bắc thường được gọi là Israel; hai chi phái phía Nam thường được gọi là Giuđa. Tôi muốn bạn chú ý đến sự nối ngôi liên tục của các vì vua trong mười chi phái phương Bắc.
Vị vua đầu tiên của mười chi phái phương Bắc là một người có tên là Giêrôbôam. Chúng ta biết ông ta không phải là một nhà vua nhơn đức vì ông ta đã dựng lên các hình tượng của hai con bò con vàng, một tại Đan ở phương Bắc và một tại Bêtên ở phía Nam. Và ông ta đã nói với dân sự mình “Đây là thần của các ngươi. Các ngươi không phải đi xuống thành Jerusalem để thờ phượng. Hãy đi tới Đan về phía Bắc hay tới Bêtên về phía Nam và ở đó hãy dâng các thứ của lễ cho thần chơn thật của xứ các ngươi”. Và thế là Giêrôbôam đã giới thiệu sự thờ lạy hình tượng cho cả xứ, và ông ta đã giáng trên dân sự mình cơn thạnh nộ của Giêhôva Đức Chúa Trời.
Con trai của Giêrôbôam là Nađáp tiếp nối ngôi vị của ông. Chúng ta mở câu chuyện ra ở I Các Vua 15:25-26: “Năm thứ hai đời A-sa, vua Giu-đa, Na-đáp, con trai Giê-rô-bô-am, lên ngôi làm vua Y-sơ-ra-ên, và trị vì trên Y-sơ-ra-ên hai năm. Người làm điều ác trước mặt Đức Giê-hô-va, đi theo đường của tổ phụ mình, phạm tội mà Giê-rô-bô-am đã phạm và khiến cho Y-sơ-ra-ên can phạm nữa”. Nađáp đã trị vì chỉ có hai năm vì ông đã bị ám sát chết: “Năm thứ ba đời A-sa, vua Giu-đa, thì Ba-ê-sa, con trai A-hi-gia, lên làm vua cả Y-sơ-ra-ên; người ở tại Tiệt-sa, và cai trị hai mươi bốn năm. Người làm điều ác trước mặt Đức Giê-hô-va, đi theo đường của Giê-rô-bô-am, và tội lỗi mà Giê-rô-bô-am đã phạm làm cho Y-sơ-ra-ên cũng phạm tội” (I Các Vua 15:33-34).
Vì vậy, giờ đây chúng ta có ba vị vua trong xứ Israel, người sau còn tệ hại hơn người đi trước:
Giêrôbôam
Nađáp
Baêsa
Baêsa có con trai, tên của người nầy là Êla. “Năm thứ hai mươi sáu đời A-sa, vua Giu-đa, thì Ê-la, con trai Ba-ê-sa, lên làm vua Y-sơ-ra-ên. Người ở tại Tiệt-sa, và cai trị hai năm” (I Các Vua 16:8). Câu 12 chép: “Vì các tội lỗi mà Ba-ê-sa và Ê-la con trai người đã phạm, tức là tội đã gây cho Y-sơ-ra-ên can phạm, và vì các sự hư không của chúng nó chọc giận Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên”. Đây là vị vua thứ tư và ông ta sống tồi tệ y như ba vị vua trước đó. Sau hai năm, có một người tên là Ximri ám sát Êla. I Các Vua 16:15 chép Ximri trị vì chỉ có 7 ngày mà thôi. Bất nhiêu không đủ lâu để bắt đầu lo liệu mọi thứ cho cung điện. Bạn không có thì giờ để thải hồi trang thiết bị cũ và sắm sửa các trang thiết bị mới. Sau một tuần ở trên ngôi, ông ta bị ám sát bởi một người có tên là Ômri: “vì những tội lỗi người đã phạm, làm điều ác trước mặt Đức Giê-hô-va, bắt chước theo đường của Giê-rô-bô-am, và phạm tội Giê-rô-bô-am đã phạm, tức tội đã gây cho Y-sơ-ra-ên can phạm” (I Các Vua 16:19).
Vì vậy, đây là bảng danh sách các vị vua:
Giêrôbôam
Nađáp
Baêsa
Êla
Ximri
Ômri
Ômri là vị vua tệ hại nhất trong các vị vua đó. Hãy xem ở I Các Vua 16:25. “Ôm-ri làm điều ác trước mặt Đức Giê-hô-va, ăn ở tệ hơn các người tiên bối người” (I Các Vua 16:25).
Tuy nhiên, có một người nữa trong bảng danh sách dài nầy về các vị vua gian ác thuộc Israel, một cái tên bạn sẽ nhớ ra ngay. Chúng ta được I Các Vua 16:28 cho biết rằng: “Ôm-ri an giấc với tổ phụ mình, và được chôn tại Sa-ma-ri. A-háp, con trai người, kế vị người”. Bạn đã nghe thấy cái tên đó rồi. Những người khác chúng ta không biết đến nhiều, nhưng Aháp thì chúng ta biết nhiều đấy. Bạn đã nghe nói về ông ta, và có lẽ bạn đã nghe nói tới Giêsabên, vợ của ông ta nữa.
Sau hết, chúng ta đến với dòng tận cùng.
“A-háp, con trai Ôm-ri, làm điều ác trước mặt Đức Giê-hô-va hơn hết thảy các người tiên bối mình. Vả, người lấy sự bắt chước theo tội lỗi của Giê-rô-bô-am, con trai Nê-bát, làm nhỏ mọn, nên người đi lấy Giê-sa-bên, con gái Ết-ba-anh, vua dân Si-đôn, mà làm vợ; người cũng đi hầu việc Ba-anh và thờ lạy nó. Người lập một bàn thờ cho Ba-anh tại trong miễu của Ba-anh mà người đã cất tại Sa-ma-ri. A-háp cũng dựng lên một hình tượng Át-tạt-tê. Vậy, A-háp làm nhiều điều ác, chọc giận Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên hơn các vua Y-sơ-ra-ên trước mình” (I Các Vua 16:30-33).
Vì vậy, câu chuyện mở ra như thế nầy:
Giêrôbôam làm điều ác trước mặt Đức Giêhôva.
Nađáp con trai ông ta làm điều ác trước mặt Đức Giêhôva.
Ông ta bị ám sát bởi Baêsa là kẻ làm điều ác trước mặt Đức Giêhôva.
Êla, con trai ông ta lên nối ngôi, hắn cũng làm điều ác trước mặt Đức Giêhôva.
Ông ta bị ám sát bởi Ximri, là người làm điều ác trước mặt Đức Giêhôva.
Ông ta bị ám sát bởi Ômri, là người làm điều ác trước mặt Đức Giêhôva..
Ông ta được kế tục bởi con trai mình là Aháp, là người tệ hại nhất trong hết thảy các vua xứ Israel cho tới điểm nầy.
Từ Giêrôbôam đến Nađáp đến Baêsa đến Êla đến Ximri đến Ômri đến Aháp, chúng ta không có đi lên. Cả nước đi xuống theo hình xoắn ốc và dường như ngay khi bạn suy nghĩ mọi sự không thể tồi tệ hơn nữa, với cái đáy rỗng tuếch, và cả nước rơi thẳng vào tình trạng thờ lạy hình tượng và phi luân.
“Đức Chúa Trời đã phó họ”
Khi tôi đọc câu chuyện bẩn thỉu nầy nói tới hạng người gian ác lừa dối chính dân tộc của họ, tôi tự hỏi mình một câu. Đức Chúa Trời ở đâu chứ? Đức Chúa Trời ở đâu chứ? Kinh thánh cho chúng ta biết mọi điều mà những người nầy đã chọc giận Giêhôva Đức Chúa Trời. Nếu thực vậy, thì Đức Giêhôva đã ở đâu chứ? Tôi thưa với bạn rằng trong nhiều năm trời người ta chẳng tìm thấy Ngài ở đâu cả. Thưa quí bà, quí ông, đôi khi Đức Chúa Trời xét đoán chúng ta bằng sự can thiệp rất năng động, và có khi Đức Chúa Trời xét đoán một dân tộc và một quốc gia bằng cách rất đơn giản: để cho họ yên. Rôma 1 giải thích tiến trình nầy rất chi tiết. Nếu bạn muốn hiểu rõ dòng lịch sử và lý do các nước suy bại, nếu bạn muốn biết rõ lý do tại sao từng đế quốc của con người cuối cùng sập tiệm, hãy đọc Rôma 1. Vì con người đàn áp lẽ thật nói tới Đức Chúa Trời, họ đổi sang thờ lạy hình tượng. Vì họ quên Đức Chúa Trời, Ngài quên họ. Ba lần trong Rôma 1, Phaolô sử dụng một cụm từ mô tả đáp ứng của Đức Chúa Trời trước sự loạn nghịch của con người:
“Đức Chúa Trời đã phó họ” (câu 24).
“Đức Chúa Trời đã phó họ” (câu 26).
“Đức Chúa Trời đã phó họ” (câu 28).
Các bản dịch khác sử dụng một mệnh đề như “Đức Chúa Trời đã gán họ vào”. Mệnh đề nầy ra từ một chữ Hylạp có ý nói tới việc gán vào sự phán xét. Đấy là những gì sẽ xảy ra vào cuối phiên tòa, khi vị thẩm phán nói cùng người chấp pháp: “Hãy đưa người nầy đi”. Người ấy bị “gán cho” việc tù đày. Đấy là những gì đang xảy ra ở Rôma 1. Khi bất kỳ dân nào nói: Chúa ơi, chúng tôi không cần Ngài, Đức Chúa Trời phán: Tốt thôi; hãy đi đường ngươi. Mục sư C.S. Lewis nói rằng thực sự chỉ có hai lời cầu nguyện mà chúng ta có thể dâng lên. Từng lời cầu nguyện trong vũ trụ đều rơi vào một trong hai phạm trù:
Nguyện ý Ngài được nên, hay
Ý tôi sẽ được nên.
Nếu chúng ta thưa với Đức Chúa Trời: “Tôi không muốn làm theo ý của Ngài, nguyện ý tôi được nên”, Đức Chúa Trời phán: “Hãy đi đường ngươi, nhưng ngươi sẽ không thấy vui sướng với các kết quả đâu”. Hết thảy chúng ta đều biết ai đang là những minh họa sống động cho nguyên tắc nầy. Có thể bạn nói: “Tôi có một người chồng hay tôi có một người vợ hoặc tôi có một đứa con hay tôi có một người bạn, mà vì họ tiến trình phán xét đang diễn ra trong đời sống của tôi”. Khi họ quay đầu tẻ tách khỏi Chúa, Đức Chúa Trời không phải làm một điều gì để xét đoán họ; họ tự xét đoán mình bởi chính sự loạn nghịch của họ.
Con ếch trong cái ấm đun nước
Cách đây mấy tháng, có người đến phỏng vấn tôi, người nầy làm việc cho một tổ chức lo về vấn đề gia đình ở Wisconsin. Ông ta muốn trao đổi với tôi vì ông ta biết rõ Oak Park bị ảnh hưởng nhiều bởi cộng đồng đồng tính. Chúng tôi là cộng đồng thứ nhứt ở Illinois thông qua một pháp lệnh không phân biệt đối xử bảo hộ những đồng tính nam và đồng tính nữ. Chúng tôi là cộng đồng thứ nhứt ở miền Trung Tây bầu chọn một đồng tính nữ làm chủ tịch của ngôi làng. Chúng tôi là một trong những cộng đồng đầu tiên trong xứ với một đăng ký cho các đối tác về gia đình. Tôi nghĩ cần phải nói rằng cộng đồng đồng tính ở Oak Park rất là mạnh. Vào tháng 9 năm 2004, Hội thánh Calvary Memorial hoàn toàn công khai ở Chicago vì tôi đã giảng trong năm tuần về hôn nhân và gia đình từ quan điểm của Đức Chúa Trời. Một Chúa nhật kia, tôi đã giảng luận về Lẽ thật về hôn nhân đồng phái tính. Chúng tôi bị vây lấy bởi ba nhóm đồng tính khác nhau và giới truyền thông ở Chicago loan báo điều nầy cách rộng rãi. Tạp chí Leadership đã viết một bài về sự kiện nầy. Tôi không nói nhiều về ngày ấy (khi cốt chuyện được trực tuyến rồi), ngoại trừ phải nói rằng điều chi ma quỉ cho là ác, Đức Chúa Trời cho là thiện. Chúng tôi đã phát hiện ra, một khi bạn đã thông qua mọi sự rồi, Đức Chúa Trời sử dụng tình trạng bằng lòng của hội thánh chúng tôi chịu đứng lên mở ra các cánh cửa cho sự trao đổi. Đức Chúa Trời ban cho chúng tôi những cơ hội để trao đổi với người ta bên trong cộng đồng đồng tính rồi tỏ cho họ thấy tình yêu thương của Đức Chúa Jêsus Christ.
Vì vậy, khi người đến từ Wisconsin gặp tôi, ông ta muốn biết hội thánh chúng ta đang làm gì trong khu vực nầy. Lúc đó, ông ta nói với tôi: “Những gì Hội thánh của ông đã làm trong năm qua là rất bất thường. Hầu hết các nhà thờ Tin Lành thời buổi nầy không bằng lòng giải quyết các vấn đề như thế nầy. Sao ông lại làm thế chứ?” Có nhiều câu trả lời cho câu hỏi ấy, song nếu bạn đi phía bên dưới bề mặt, tôi nghĩ có quá nhiều Mục sư và quá nhiều trưởng lão chỉ lấy làm lo mà thôi. Tôi nghĩ chúng ta sẽ lấy làm lo cho những gì sẽ xảy ra trong cộng đồng. Tôi nghĩ chúng ta lấy làm lo phải mang tiếng xấu. Tôi nghĩ chúng ta lấy làm lo về loại sự việc đã xảy ra tại Calvary tháng 9 vừa qua. Và có khi chúng ta lấy làm lo về những gì người bên trong nhà thờ sẽ nói. Tôi phát hiện ra khi tôi rao giảng về đề tài đó, tôi không phải là người được lòng nhất trong chính hội chúng của tôi. Tôi không có 100% ủng hộ của mọi người trong chính hội chúng của tôi. Ở trong nhà thờ Tin Lành, có một sự mềm mại ngày càng tăng về vấn đề đồng tính thật rộng rãi vì có nhiều gia đình ở trong các ngôi nhà thờ của chúng ta với con trai con gái và bạn hữu và vợ cũ và chồng cũ, họ đã sa vào con đường sống đó. Song đấy chẳng phải là nan đề duy nhứt đâu. Bạn khó mà tìm thấy một bộ phim hài trên TV mà không có một nhân vật đồng tính đẹp đẽ, vui vẻ, bình thường trên đó. Chúng ta được trưởng dưỡng với một thực đơn thường xuyên ủng hộ đồng tính từ Hollywood. Và hãy nói những gì chúng ta sẽ nói, chúng ta không nói ra lẽ thật nếu chúng ta xưng rằng chúng ta không bị sự ấy chạm đến.
Billy Graham bình luận một trong những nan đề ở trong nhà thờ, ấy là ngày nay chúng ta bật cười trước những sự việc thường gây lúng túng cho chúng ta cách đây ba mươi hay bốn mươi năm. Hay tệ lậu hơn, thậm chí chúng ta không còn cười cợt nữa. Chúng ta trở nên giống như con ếch ở trong cái ấm đun nước. Chúng ta thường như thế lắm. Khi mọi sự suy thoái về mặt đạo đức và về mặt thuộc linh trong xã hội ở chung quanh chúng ta, hội thánh cũng rất tinh tế đổi thay cùng với xã hội. Tôi không nói chúng ta đã thay đổi các tín điều của chúng ta, song ít nhiều gì thì chúng ta cũng sẵn sàng rồi, tôi nghĩ, lẽ nào chúng ta đang tụt hậu. Tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta phải tìm lại cho kỳ được một số nghị lực ở trong hội thánh Tin Lành.
Các vấn đề nóng hổi
Ngày 11 tháng 7 năm 2005, tờ tạp chí Time có đăng một bài do Daniel Eisenberg viết, trong đó ông nói tới sáu vấn đề nóng hổi đang có mặt trong trận chiến với Tòa Thượng Thẩm. Bảng danh sách của ông bao gồm quyền phá thai và đồng tính, giáo hội và nhà nước, tội ác, hành động kiên quyết, quyền lực của nhà nước, và quyền được chết. Bài viết giúp nói lên rằng tạp chí Time không phải là tạp chí Christianity Today hay tạp chí World. Tôi nghĩ Ông Eisenberg tuyệt đối đúng khi ông sử dụng thuật ngữ “các vấn đề nóng hổi”. Và có thành phần đạo đức và thuộc linh cho từng vấn đề trong các vấn đề đó. Chúng ta đang sống ở giữa một chiến trận về văn hóa và về thuộc linh phải đối đầu ở nhiều mặt. Sau khi những tên khủng bố tấn công tàu điện Luân đôn, Thủ tướng Anh Tony Blair đã nói rằng người nào thổi tung các tòa nhà cao tầng và tự thổi tung họ ở tàu điện ngầm Luân đôn đang chạy theo một “tà thuyết”. Ông đã nói đúng.
Chức năng lãnh đạo còn hơn cả những nhà chính trị và việc thắng cử. Và nó còn nhiều hơn chương trình nghị sự phải đạt được. Từng quyết định đều có một thành phần đạo đức vì từng quyết định đều ra từ thế giới quan dẫn chúng ta đến Đức Chúa Trời hoặc tẻ tách ra khỏi Đức Chúa Trời. Và điều đó đưa chúng ta trở lại với các vị vua gian ác của xứ Israel. Giêrôbôam đã làm mọi điều được xem là gian ác. Nađáp đã làm mọi điều được xem là gian ác. Baêsa đã làm mọi điều được xem là gian ác. Êla đã làm mọi điều được xem là gian ác. Ximri đã làm mọi điều được xem là gian ác. Ômri còn tệ lậu hơn năm vị vua đầu tiên, và con trai ông ta là Aháp là kẻ tệ lậu nhất cả thảy.
Có phải bạn biết rõ mọi điều Aháp đã làm không? Theo I Các Vua 16, trong thời buổi của Aháp, thật là tầm thường khi dâng các thứ của lễ cho hình tượng. Dân sự của Đức Chúa Trời chẳng còn tha thiết gì nữa cả. Há đấy chẳng phải là phiên bản Rôma 1 trong Cựu Ước? Và đâu là phần cuối của Rôma 1? Khi người ta tẻ tách ra khỏi Đức Chúa Trời, Đức Chúa Trời buộc họ phải đối mặt với những hậu quả của chính những sự lựa chọn gian ác của họ. Rôma 1:24-32 chứa một bảng danh sách thật dài các thứ tội lỗi bao gồm cả tình trạng đồng tính và còn nhiều thứ, nhiều thứ nữa. Rôma 1 phác họa toàn bộ sự tan rã của xã hội một khi nó tẻ tách ra khỏi Đức Chúa Trời. Bước sau cùng, ấy là điều ác không những được dung dưỡng, mà nó còn được tổ chức linh đình nữa (câu 32).
Nước Mỹ trong năm 2005 có khác biệt hơn thế không? Hãy lắng nghe Lời của Đức Chúa Trời.
“Nước nào có Giê-hô-va làm Đức Chúa Trời mình, dân tộc nào được Ngài chọn làm cơ nghiệp mình có phước thay!” (Thi thiên 33:12).
“Sự công bình làm cho nước cao trọng; Song tội lỗi là sự hổ thẹn cho các dân tộc” (Châm ngôn 14:34).
“Kẻ bỏ luật pháp ngợi khen kẻ ác; Còn người giữ luật pháp chiến đấu cùng chúng nó” (Châm ngôn 28:4).
“Khi người công bình thắng hơn, thì có sự vinh hiển lớn; Còn lúc kẻ gian ác dấy lên, thì người ta đều đi ẩn trốn” (Châm ngôn 28:12).
“Khi kẻ ác dấy lên, người ta đều ẩn trốn; Nhưng khi chúng nó hư mất đi, người công bình bèn thêm nhiều lên” (Châm ngôn 28:28).
“Khi người công bình thêm nhiều lên, thì dân sự vui mừng; Nhưng khi kẻ ác cai trị, dân sự lại rên siết” (Châm ngôn 29:2).
“Khi kẻ ác thêm, thì tội lỗi cũng thêm; Nhưng người công bình sẽ thấy sự sa ngã chúng nó” (Châm ngôn 29:16).
Ở đây, xin thêm một câu nữa. Thực sự tôi đã bật cười khi tôi tìm gặp câu nầy. Sự khôn ngoan của Vua Solomon đã cổ vũ tôi. Châm ngôn 11:10 tuyên bố rằng: “Cả thành đều vui vẻ về sự may mắn của người công bình; Nhưng khi kẻ ác bị hư mất, bèn có tiếng reo mừng”.
Làm sao điều xấu cứ trên đà gia tăng như vậy chứ?
Từ Giêrôbôam đến Nađáp.
Từ Nađáp đến Baêsa.
Từ Baêsa đến Êla.
Từ Êla đến Ximri.
Từ Ximri đến Ômri.
Từ Ômri đến Aháp
Aháp là kẻ tệ lậu cả thảy, và Giêsabên là người vợ gian ác của ông ta.
Và … bùm!
Sau cùng thì điều nầy đưa tôi đến phần cuối của I Các Vua 16 và phần đầu của I Các Vua 17. Theo bản Kinh thánh NIV, câu 1 bắt đầu với từ ngữ “giờ đây”. Trong bản Kinh thánh Hybálai, đó là chữ “và”. Điều đó là quan trọng vì tác giả muốn chúng ta nắm bắt dòng lịch sử từ quan điểm của Đức Chúa Trời. Đó là “và”, chớ không phải chỉ là “giờ đây” đâu. Chúng ta hãy thông qua bảng danh sách ấy thêm một lần nữa. Đây là bảy vị vua gian ác của xứ Israel từ I Các Vua 15-16:
Giêrôbôam
Nađáp
Baêsa
Êla
Ximri
Ômri
Aháp.
Bây giờ, chúng ta phải trải nghiệm từng đường may một. Xứ sở đã tiến quá xa vào tình trạng phi luân và thờ lạy hình tượng. Có nhiều điều cho thấy hoàn toàn là vô vọng. Hãy chú ý chữ “và” ngắn ngủi kia. Một việc gì đó sắp xảy ra.
Đức Chúa Trời sắp sửa bước vào tình huống.
Đức Chúa Trời sắp sửa tự mình xen vào.
Đức Chúa Trời Toàn Năng sắp sửa được nghe nói tới.
Và…và…và. Khi thời thế xấu xa và hoàn cảnh là vô vọng, Đức Chúa Trời có một người. “Ê-li ở Thi-sê-be, là một người trong bọn đã sang ngụ Ga-la-át, nói với A-háp…” (I Các Vua 17:1). Tôi có một câu hỏi dành cho bạn đây. Bạn có bao giờ xem Emeril Lagasse trên mạng Food Network chưa? Nếu bạn đã nhìn thấy ông ta, bạn biết những điều ông ta đang làm khi ông ta sửa soạn một việc cho máy thu hình. Có một việc ông ta nói khi ông ta sắp sửa thêm một ít quế hay một ít muối hoặc một ít tỏi vào hỗn hợp. Ông ta đổ nó ra, và rồi ông ta hô to lên: “Bùm!”
Một ít quế. Bùm!
Một ít muối. Bùm!
Một ít tỏi. Bùm!
Đấy là những gì đang xảy ra ở đây. Và Êli đã nói với Aháp. Bùm! Vị tiên tri của Đức Chúa Trời đã xuất hiện. Không một sự chuẩn bị nào hết. Không một lời cảnh báo nào cả. Không có bảng gia phả chi hết. Bạn không biết sao, trong một số truyền thống của người Do thái, không phải Do thái giáo chính thống đâu, mà trong một số truyền thống của người Do thái, thậm chí họ nghĩ Êli là một vị thiên sứ vì giống như Mênchixêđéc, không rõ ông xuất thân từ đâu!?! Chúng ta không biết một điều gì về bố mẹ hay ông bà của ông. Người Do thái vốn ưa thích gia phả lắm, song chẳng có gì được ghi lại về lai lịch của ông.
Chúng ta hãy lược lại bảng danh sách một lần nữa:
Giêrôbôam
Nađáp
Baêsa
Êla
Ximri
Ômri
Aháp
Êli. Bùm! Giờ đây, người ta đã nghe nói tới Đức Chúa Trời. Không có gì phải ngạc nhiên hết, họ tưởng ông là một vị thiên sứ, mặc dù đấy chẳng phải là điều mà Aháp suy tưởng. Khi thời thế xấu xa và hoàn cảnh là vô hy vọng, Đức Chúa Trời có một người, tên của người là Êli. Alexander Whyte gọi ông là “Một hòn núi Sinai của một người với một tấm lòng giống như sấm sét”. F.B. Meyer gọi ông là “người khỗng lồ giữa vòng nam giới”. Alexander McClaren gọi ông là “Martin Luther của Cựu Ước”.
Trước khi chúng ta đi xa hơn, đây là một vài sự kiện về Êli:
#1: Ông là một trong các tiên tri vĩ đại trong Cựu Ước. Bạn có thể tranh luận rằng Môise là vị tiên tri vĩ đại nhất, nhưng ông cũng là lãnh tụ của dân tộc ông. Nếu bạn muốn nói về một vị tiên tri thuần túy là người chẳng dính dáng gì đến việc điều hành nhà nước, thì tranh luận nghịch lại Êli là tiên tri vĩ đại nhất là điều thật khó. Ông chiếm vị trí đầu của giai cấp.
#2: Mặc dù ông sống cách đây ba ngàn năm, ông nói với chúng ta bằng quyền phép đáng kinh ngạc đương thời ấy. Sứ điệp của ông nói tới ít nhất năm nhóm người khác nhau.
1. Ông nói tới người nào khó nhọc nhiều trong cuộc sống.
2. Ông nói tới người nào cảm thấy cô đơn trong thế gian.
3. Ông nói tới người nào cảm thấy cuộc sống đã tạo ra ít kết quả.
4. Ông nói tới người nào cảm thấy bất lực khi chống lại làn sóng tội ác.
5. Ông nói tới người nào đã thất bại, tôi giả sử là hết thảy chúng ta lúc nầy hay lúc khác.
#3: Chúng ta hầu như chẳng biết gì về lai lịch của ông. Ông là một người ở Thisêbe, có nghĩa là ông xuất thân từ Thisêbe trong xứ Galaát. Cho tới ngày hôm nay, không có ai tìm ra một ngôi làng hay một thị trấn nào có tên là Thisêbe. Nói như thế là nói có một ngôi làng nhỏ trên núi cao. Galaát, chúng ta biết, và bấy nhiêu là quan trọng. Galaát nằm ở bờ phía Đông của sông Giôđanh. Có thể là sông Giôđanh thời hiện đại nầy, từ thành Giêricô băng ngang qua sông Giôđanh. Thực vậy, nếu bạn từng đến với thành Giêricô, hãy nhìn qua phía Đông thì bạn sẽ thấy vùng núi Galaát ngay. Thực sự đấy là manh mối duy nhứt chúng ta có về nhân vật nầy.
Êli là một sơn nhân. Vì ông đến từ vùng núi non, có lẽ ông có một chút thô kệch. Vì ông đến từ vùng núi non, ông không sành sõi lắm đâu. Vì ông đến từ vùng núi non, ông sẽ chẳng có được cùng cấp độ học vấn như những kẻ lớn lên trong thành phố lớn Jerusalem. Trong thời buổi ấy, người ta từ thành thị có khuynh hướng xem khinh những người xuất thân từ vùng núi non theo cùng một cách người ta ngày hôm nay đôi khi xem thường hạng người dân giã xuất thân từ vùng đồi núi. Người sống ở vùng đồi núi. Hạng người kém văn minh. Êli đã sống giống như hạng người kém văn minh của Cựu Ước. Trước khi bạn cất tiếng cười nhạo, hãy nhớ điều nầy. Bạn không muốn làm cho những người đó ra dại dột. Bạn sẽ thua cuộc tranh luận đó. Bạn cũng sẽ thua một việc khác nữa kìa. Bạn không muốn lộn xộn với hạng người sống ở miền núi. Họ rất khó chịu đấy.
“Giêhôva là Đức Chúa Trời của tôi”
Chúng ta hãy lược trở lại một lần nữa để biết chắc chúng ta đã nắm lấy toàn bộ bức tranh:
Giêrôbôam
Nađáp
Baêsa
Êla
Ximri
Ômri
Aháp.
Họ cứ đâm sâu xuống một cái hố, một thiếu niên sống trong thành phố sẽ không được nuôi dạy để đâm đầu vào loại công việc đó. Đức Chúa Trời không muốn một người tốt nghiệp từ thần học viện. Đức Chúa Trời không muốn ai đó quá sành sõi. Đức Chúa Trời muốn ai đó ăn mặc thô kệch, ai đó không màng đến việc mặc loại vải bố, ai đó với hai bàn tay chai sần, ai đó mà danh từ và động từ của họ không luôn luôn nhất trí. Đức Chúa Trời muốn một người lớn lên trong vùng núi non, người nầy chẳng sợ hãi vị Vua Aháp gian ác, con cóc gian ác ấy đang ngồi chễm chệ trên ngai vàng của Israel. Khi Đức Chúa Trời muốn một người phải đi lên nghịch cùng nhà vua và người vợ gian ác của ông ta, Ngài phải lên núi để tìm người đó.
Khi Ngài lên núi, Ngài tìm được một người. Ngài không bắt lấy một gã thiếu niên đâu. Ngài bắt lấy một người, và Ngài sai người ấy đến gặp nhà vua. Tên của Êli cho chúng ta biết về bản chất của ông. El là Đức Chúa Trời, và Jah giống như Giêhôva [Jehovah] hay [Yahweh]. Chữ i trong Êli có nghĩa là “của tôi”. Sát nghĩa, tên của Êli có ý nói Giêhôva là Đức Chúa Trời của tôi. “Xin chào. Tên của tôi là Ray. Tên của bạn là gì vậy?” “Tên của tôi là `Giêhôva là Đức Chúa Trời của tôi”. Có thắc mắc gì không? “Xin chào, Aháp. Xin chào, Giêsabên. Tên của tôi là `Giêhôva là Đức Chúa Trời của tôi”.
Aháp không mĩm cười. Ông ta chẳng thấy vui vẻ gì về cái tên đó. Bạn có thể hình dung màu tái nhợt trên gương mặt của ông ta lúc gã thô kệch nầy từ vùng núi non xuống đứng trước ông ta với một sứ điệp đến từ Đức Chúa Trời Chí Cao. Ồ, chúng ta cần có nhiều người giống như thế hôm nay. Êli là một kẻ gây rối cho Đức Giêhôva. Ông được kêu gọi để phục vụ trong thời buổi bội đạo về mặt đạo đức.
Giacơ 5:17 thêm một sự kiện kỳ thú về Êli khi câu nầy gọi ông là một người “yếu đuối như chúng ta”. Bản Kinh thánh King James chép ông là một người “có nhiều tình cảm”. Ông sống giống như bạn và ông sống giống như tôi. Hãy đọc câu chuyện và hãy tự mình xem lấy. Êli đã có những thăng trầm. Ông rất thô thiển. Không bóng bẩy đâu. Không sành sõi lắm đâu. Bạn sẽ không có Êli ngồi xem World Series vì bạn không biết khi nào thì ông ấy sẽ ra đi. Ông là loại người như thế đấy. Khi ông tiếp nhận sứ điệp đến từ Đức Chúa Trời, ông sẽ lo thực hiện ngay. Bạn cũng không thể trao đổi với ông được về sứ điệp ấy. Như chúng ta sẽ thấy, ông không hoàn hảo lắm đâu. Ông có tánh nóng nảy, và ông có khuynh hướng ngã lòng và chán nản. Đấy là lý do tại sao Giacơ dùng ông như một tấm gương cho chúng ta noi theo. Mặc dù ông là một sơn nhân bất toàn, ông cũng là một con người của sự cầu nguyện và đức tin to lớn nơi Đức Chúa Trời. Và đấy là lý do tại sao ông có mặt trong Kinh thánh.
Bí quyết của Êli
Hãy xem xét những gì ông nói với Aháp: “Ta đứng trước mặt Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên hằng sống mà thề rằng: Mấy năm về sau đây, nếu ta chẳng nói, chắc sẽ không có sương, cũng không có mưa” (I Các Vua 17:1). Đâu là bí quyết của ông? Điều chi đánh dấu ông vậy? Câu trả lời có ngay ở đây.
Thứ nhứt, ông tin theo Đức Chúa Trời hằng sống. “Hỡi Aháp, Đức Chúa Trời của ta là Đức Chúa Trời hằng sống. Còn thần của ngươi? Ngươi thờ lạy Baanh, hắn sống trong mùa ẩm ướt rồi chết đi trong mùa khô. Ta hầu việc Đức Chúa Trời hằng sống. Ta tin nơi Đức Chúa Trời hằng sống”.
Thứ hai, ông hầu việc Đức Chúa Trời của giao ước. Ông gọi Ngài là “Đức Chúa Trời của Israel”.
Thứ ba, ông đã sống trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời. “Ta đứng trước mặt Đức Chúa Trời”. Sách Châm ngôn chép sự kính sợ Đức Giêhôva đem lại sự an ninh. Khi Êli đứng trước mặt Aháp, ông không sợ hãi vì Êli đã nói: “Ta đứng trước mặt Đức Chúa Trời Toàn Năng. Hỡi Aháp, ngươi chẳng là gì đối với ta”. Một lý do chúng ta không sống dạn dĩ hơn và can đảm hơn là vì chúng ta tôn trọng loài người hơn là chúng ta tôn trọng Đức Chúa Trời Toàn Năng. Sự sợ hãi loài người đem lại bẫy dò, song người nào tin cậy nơi Chúa sẽ được an ninh. Khi Êli nói: “Ta đứng trước mặt Đức Chúa Trời” thì chẳng phải là một việc nhỏ mọn đâu. Sâu xa như ông đã quan tâm, Aháp chẳng phải là vấn đề. Mọi sự ông đã làm là xuất hiện và phân phát sứ điệp của Đức Chúa Trời.
Thứ tư, ông vâng theo sự kêu gọi của Đức Chúa Trời. “Mấy năm về sau đây, nếu ta chẳng nói, chắc sẽ không có sương, cũng không có mưa”. Nói như thế thì có nghĩa Aháp đã thờ lạy Baanh, và Baanh là vị thần phì nhiêu. Người xứ Canaan tin thần Baanh đã hiện ra trong các đám mây và giông bão sấm sét, vì vậy họ đã dựng lên các bàn thờ trên đỉnh núi hầu cho họ có thể đến gần với thần của họ hơn. Khi dân sự đến đặng thờ lạy thần Baanh, họ gặp gỡ nhiều người nam người nữ phục vụ trong chức vụ thầy tế lễ. Đã có hai bộ phận tôn giáo của Baanh — tình dục sai trái và dâng con trẻ làm của lễ. Nếu bạn cầu xin cho có mưa, bạn sẽ dâng của lễ của mình và rồi bạn sẽ có một sự gặp gỡ về tình dục với một thầy tế lễ hay một nữ tế của thần Baanh. Họ tin rằng không cứ cách nào đó, hành động tình dục sẽ hiệp họ với thần Baanh, là vị thần phì nhiêu. Và nếu mọi việc thực sự là xấu xa, bạn sẽ đem con cái của mình và bạn sẽ dâng chúng cho thần Baanh. Đây là tôn giáo của tình dục sai trái và dâng con trẻ làm của lễ nhơn danh sự bình an và ảnh hưởng của cá nhân. Trong ba ngàn năm, chẳng có gì thực sự đã đổi thay.
Một người cấp tiến
Bạn biết rõ câu chuyện nói tới Êli rồi, có phải không? Đây là câu chuyện nói tới một người thực sự cấp tiến. Từ ngữ “cấp tiến” ra từ chữ Latinh radix, nghĩa là gốc rễ. Vì vậy, phần nhiều người trong chúng ta đang sống trên các đám mây và chúng ta lấy làm lạ tại sao chúng ta không có lòng can đảm. Êli là một người đi xuống tận gốc rễ của mọi việc. Bạn biết là một Cơ đốc nhân cấp tiến là thế nào rồi, có phải không? Một Cơ đốc nhân cấp tiến chẳng khác gì hơn một người đi xuống tận gốc rễ mọi vấn đề của cuộc sống và hình dung ra điều nào là vấn đề và điều chi không phải là vấn đề. Và Êli đã hình dung ra việc ấy.
Một lời nói sau cùng và tôi đã nói. Tôi nghĩ lớp người trẻ của chúng ta đã hình dung ra điều nầy tốt hơn lớp người thuộc lứa tuổi của chúng tôi. Tôi nghĩ thế hệ Cơ đốc nhân trẻ sắp tới thì cấp tiến về Chúa Jêsus nhiều hơn lớp người như chúng tôi. Chúng ta cần phải bắt kịp với thế hệ kế tiếp. Họ đã hình dung ra rằng thế giới nầy toàn là nhựa dẻo và thế giới nầy toàn trống rỗng, và nếu bạn chạy theo các đường lối của thế gian nầy, bạn sẽ thấy trống vắng lúc cuối cùng. Đức Chúa Trời đang chúc phước cho những Cơ đốc nhân trẻ tuổi, cấp tiến nào biết đi xuống tận gốc rễ mọi vấn đề của cuộc sống.
Khi Êlisê nhìn thấy Êli lên trời, ông đã kêu lên: “Giêhôva Đức Chúa Trời của Êli ở đâu?” Và tôi nói với bạn hôm nay: “Đâu là những Êli của Giêhôva Đức Chúa Trời?” Nguyện Đức Chúa Trời dấy lên trong thời buổi của chúng ta một thế hệ mới những Êli, những con người chịu đứng trong danh của Chúa.
Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con cảm ơn Ngài vì tấm gương của một người chẳng biết sợ hãi vì ông ấy kính sợ Ngài rất nhiều. Lạy Chúa, chúng con đang sống trong thời buổi hỗn loạn, kinh ngạc, sợ hãi, phấn khích, bất ổn. Lạy Chúa, trong thời buổi suy thoái đạo đức nầy, hãy dấy lên một đạo binh những Êli. Con cầu xin Ngài hãy khởi sự điều đó trong tuần lễ nầy. Con cầu xin Ngài làm điều đó giữa vòng những người đọc mấy lời nầy. Và con cầu xin Ngài làm điều đó trong chính tấm lòng của con. Trong danh Chúa Jêsus. Amen.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét