Chủ Nhật, 12 tháng 2, 2012

II Các Vua 2: "Xe Ngựa Lửa"


XE NGỰA LỬA
– II Các Vua 2
Bạn sẽ làm gì một khi bạn biết mình sẽ qua đời hôm nay?
Sẽ ra sao nếu bạn biết chắc rằng hôm nay sẽ là ngày cuối cùng của bạn ở trên đất? Giả sử bạn còn sống không đầy 24 tiếng đồng hồ nữa. Bạn sẽ làm gì? Bạn sẽ đi đâu? Bạn sử dụng những giờ phút sau cùng của bạn trên hành tinh địa cầu nầy như thế nào? Nếu bạn biết mình sẽ qua đời hôm nay, bạn sẽ làm gì đây? Bạn sẽ đi đâu? Bạn sẽ ở tại nơi mà bạn đang ở trong lúc bây giờ, hay bạn sẽ lên phi cơ rồi đến gặp ai đó mà bạn yêu thương chăng? Bạn sẽ nhấc máy điện thoại lên rồi gọi đến một vài người? Nếu nhấc máy lên, thì bạn sẽ gọi cho ai chứ? Bạn sẽ nói gì?
Thật lấy làm tốt khi suy nghĩ về mấy câu hỏi đại loại như thế nầy từng hồi từng lúc. Martin Luther nói rằng chúng ta nên sống từng ngày với ngày qua đời luôn đứng trước mặt chúng ta, giống như tấm biển quảng cáo mà chúng ta nhìn thấy ở khắp mọi nơi khi đến ngã rẻ con đường. Trong quyển Bảy Bí Quyết Của Hạng Người Thành Đạt, Steven Covey nói về việc sống với nhận định về ngày cuối cùng. Đấy là nguyên tắc quan trọng trong Kinh thánh – sống hôm nay giống như thể đấy là ngày sau cùng của bạn vậy. Jim Elliott (tính đến tháng nầy thì ông đã qua đời đúng 50 năm) đã nói ông muốn sống khi đến lúc chết, sẽ chẳng có gì khác phải làm trừ ra chết mà thôi.
Chúng ta hãy xem qua câu hỏi một lần nữa đi. Giả sử bạn chỉ có 30 giây để sống. Có lẽ bạn bị thương trong một tai nạn ô tô, hay có lẽ bạn sắp qua đời trong một bịnh viện và bạn biết sự cuối cùng đã gần rồi. Gia đình của bạn đang tụ tập lại ở chung quanh bạn, họ đang chờ đợi lời lẽ sau cùng của bạn. Giả sử bạn có 30 giây, và rồi bạn sẽ qua đời. Bạn sẽ nói gì đây? Bạn sẽ tóm tắt lại mọi điều chi là quan trọng đối với bạn? Tôi suy nghĩ về việc nầy trong một lúc rồi tự hỏi mình sẽ nói gì với ba đứa con trai mình đây. Tôi chỉ phải đưa ra một câu trả lời ngay thôi. Trong 30 giây sau cùng đó, tôi sẽ nói bốn việc với các con trai tôi:
1. Hãy chăm sóc mẹ các con
2. Hãy yêu thương nhau
3. Hãy cưới một thiếu nữ Cơ đốc làm vợ
4. Hãy hầu việc Đức Chúa Jêsus Christ cho đến đời đời
Bấy nhiêu đó thôi. Hãy chăm sóc mẹ các con, hãy yêu thương nhau, hãy cưới thiếu nữ Cơ đốc làm vợ, và hãy hầu việc Đức Chúa Jêsus Christ cho đến đời đời. Nếu các con trai tôi làm theo y như thế, khi ấy tôi sẽ qua đời như một người được phước vậy. Bấy nhiêu đủ tóm tắt mọi sự mà tôi đã ra sức để sống còn.
Trong các thế hệ đi trước, Cơ đốc nhân đã nói về sự chết nhiều hơn là chúng ta nói trong lúc bây giờ. Người theo Thanh giáo, họ thực sự viết ra các quyển sách để giúp đỡ nhau học biết cách thức phải chết. Chết cũng được xem là một phẩm hạnh Cơ đốc nữa đấy.
Tôi có một người bạn đã phục vụ quân đội ở Việt nam. Ông ta bị quân Bắc Việt bắt, bị bắn nơi chân, rồi trốn thoát bằng cách bò khỏi trại tù trên hai bàn tay và hai đầu gối. Ông ta biết mọi sự về chiến tranh vì ông ta đã nhìn thấy nhiều người chết trên chiến trường. Không lâu sau đó, ông nói cho tôi biết người Mỹ rất sợ chết. Ông không nói về những người nam người nữ dũng cảm phục vụ trong các lực lượng vũ trang. Họ phó mạng sống của họ trên chiến tuyến từng ngày một, và họ làm thế mà không đòi hỏi sự cảm thông. Họ làm thế vì đấy là công việc của họ, và vì họ tin nước Mỹ đang đứng mũi chịu sào vì điều gì. Đấy không phải là điều mà bạn tôi muốn nói tới. Ông ta nói rằng những người Mỹ bình thường đều sợ chết. Ông ta nói cho tôi biết điều nầy cách đây ba năm, và ông ta nói lại sự việc nầy sau cuộc đánh bom ở Luân đôn vào mùa hè qua. Ông ta nói sự khác biệt giữa chúng ta và những tên khủng bố, ấy là chúng ta sợ chết còn chúng thì không. Chúng ta đang ngồi trên chiếc ghế ở công viên trong trung tâm một thành phố xinh đẹp vào một ngày mùa hè dễ thương. “Hãy nhìn xem mọi sự chúng ta đã có kìa”. Tôi nhìn thấy những đôi vợ chồng hạnh phúc tay trong tay với nhau và lớp người trẻ đang nằm dài trên thảm cỏ. “Chúng ta nghĩ chúng ta đang sống rồi trên thiên đàng. Chúng ta nghĩ chúng ta đã nhận lãnh mọi thứ tốt nhứt khả thi. Tại sao có người muốn rời bỏ thế giới nầy chứ?” Hãy so sánh với chỗ mà những tên khủng bố kia xuất thân xem. Không có gì phải ngạc nhiên khi họ không sợ chết. Những người Mỹ thì sợ chết giống như là một kết quả của sự thịnh vượng về mặt vật chất của chúng ta.
Đó là phần đánh giá khá chính xác của toàn xã hội chúng ta. Và trong một số cách thức thì cũng thực như thế cho Hội thánh. Ngay cả bên trong hội thánh có đôi chút câu nệ khi nói tới sự chết. Bạn không bao giờ nói với bạn bè của mình: “Nầy, tôi mới nhận được cái bánh pizza. Bạn mang theo Coke đi. Hãy qua nhà của tôi, chúng ta sẽ nói về buổi tối thứ Sáu chết chóc kia”. Bạn sẽ không nói như thế đâu, vì nếu bạn nói, chẳng một ai chịu qua nhà của bạn cả. Không một người nào muốn nói về sự chết hết.
Nhưng vào thời buổi xa xưa, khi cuộc sống khó nhọc hơn, người ta suy nghĩ nhiều về sự chết. John Wesley, nhà sáng lập phong trào Giám lý, thường nói về dân tộc của ông: “Dân tộc chúng ta đang dãy chết”.
Vì thế, bạn sẽ làm gì nếu hôm nay là ngày sau cùng của bạn trên đất? Bạn sẽ đi đâu? Bạn sẽ làm gì? Bạn sẽ nói chuyện với ai? Và bạn sẽ nói gì đây?
I. Ngày sau cùng của Êli
Và điều đó đưa chúng ta đến với chương sau cùng trong câu chuyện của Êli. Từ II Các Vua 2, chúng ta học viết cách thức người của Đức Chúa Trời lìa bỏ trần gian nầy. Êli không chết, nhưng cách thức ông sử dụng ngày sau cùng của mình là một sứ điệp cho chúng ta cả thảy.
Chúng ta đã khởi sự chuyến hành trình với Êli trên vùng đồi núi. Từ vùng đồi núi, chúng ta đến trước mặt nhà vua. Tiếp đến, chúng ta đi với Êli đến khe suối, rồi sau khe suối chúng ta đến với người đàn bà góa ở Sarépta. Tại đó, chúng ta ở lại với Êli trong khi các phép lạ liên tục diễn ra. Từ đó chúng ta trèo lên Núi Cạtmên với Êli, nơi ông đối mặt với các tiên tri thần Baanh. Và sau khi ông rời Núi Cạtmên, chúng ta đi theo ông vào trong sa mạc và rồi vào trong một hang động của Núi Hôrếp. Chúng ta quan sát khi ông kêu gọi Êlisê trong một tư thế kỳ quặc. Tiếp đến chúng ta cùng đi với Êli khi ông đứng trước mặt Vua Achaxia. Giờ đây, chúng ta đến với chỗ cua sau cùng trên con đường, phần cuối cùng trong câu chuyện sống động đáng kinh ngạc của ông.
Và vào ngày sau cùng đời sống trần gian của Êli, ông đã có nhiều chuyến đi. Ông khởi hành ở Samari rồi đi đến Ghinh ganh. Từ Ghinh ganh, ông đến tại Bêtên. Từ Bêtên, ông đi xuống thành Giêricô. Từ Giêricô, ông qua bờ Đông của sông Giôđanh. Chuyến đi sau cùng của ông đưa ông trở về lại vùng đối núi đồi và hang động thời tuổi trẻ của ông. Sơn nhân của Đức Chúa Trời trở lại với vùng đồi núi mà ông xuất thân từ đó. Giữa vùng núi đồi lỡm chỡm đá và hẽm núi sâu, vị tiên tri sửa soạn để gặp gỡ Đức Giêhôva. Nương vào các con đường mà bạn đang bắt lấy, chúng có khoảng 55 dặm. Chừng đó là cả chuyến đi trong một ngày. Vì vậy, bất cứ điều chi khác bạn muốn nói, đừng nói Êli có ngoại lệ nhé. Rõ ràng, ông đang ở trong một khuôn khổ thật tuyệt vời. Đừng nói ông sẽ bị đưa về trời vì ông đã già yếu, mệt mõi và kiệt sức nhé, vì Êli vẫn có nhiều sức sống trong ngày sau cùng của ông. Cái điều dường như rõ nét đối với tôi, ấy là Đức Chúa Trời đã nói cho ông biết hôm nay sẽ là ngày ấy.
Có phải bạn tin Đức Chúa Trời đôi khi ban cho con cái Ngài một ít thông báo cho rằng thiên đàng không xa lắm đâu, có phải không? Tôi tin. Tôi không nghĩ Ngài thông báo như thế trong từng trường hợp. Song tôi tưởng tượng, hầu hết chúng ta có thể kể một câu chuyện nói tới thánh đồ của Đức Chúa Trời là người có linh cảm rằng thiên đàng không xa xôi lắm. Chúng ta nghe nhiều câu chuyện kể về các thiên sứ ca hát, về ánh sáng rực rỡ, và việc hiện thấy sự vinh hiển của Đấng Christ. Trong khi tôi không nghĩ chúng ta đã cả tin và tin theo mọi sự người ta nói, tôi không nghĩ chúng ta sẽ làm giảm sút tất cả các câu chuyện nầy. Trước khi ông qua đời, Êtiên đã có một sự hiện thấy về thiên đàng (Công Vụ các Sứ Đồ 7:55-56). Tôi tin rằng đôi khi Đức Chúa Trời để cho chúng ta nghe được âm thanh của xe ngựa đang chạy chậm đến để đưa chúng ta về quê hương. Đức Chúa Trời trong ân điển của Ngài đôi lúc để cho con cái Ngài nhìn biết rằng ngày ấy đã đến.
Vấn đề cũng rất rõ ràng ở chỗ Êlisê, là người hầu trẻ của ông, cũng nhìn biết đây là ngày sau cùng. Và rõ ràng là Đức Chúa Trời đã nói cho đoàn đông các vị tiên tri trong các thị trấn khác nhau biết nữa. Điều nầy giải thích lý do tại sao Êli sẽ làm mọi sự trong chuyến đi vào ngày sau cùng của mình. Rõ ràng là Êli đã xử lý thời gian của mình để gây dựng cho người khác. Trong từng thị trấn ở ba địa điểm như thế nầy, Êli đã dựng lên các chủng viện nhỏ ở địa phương, ở đó các vị tiên tri có thể được đào tạo để thi hành chức vụ. Họ yêu mến Êli và xem ông là thầy, tư vấn, anh hùng và bạn hữu của họ. Tại Ghinh ganh, Bêtên rồi Giêricô, ở mọi nơi ông đi đến trong ngày cuối cùng đó, ngôi trường của các tiên tri đã bị giải tán. Các vị tiên tri trẻ được đào tạo bởi những tiên tri cao tuổi đã bước ra để gặp người của Đức Chúa Trời khi ông thực hiện chuyến đi giã biệt. Không những Đức Chúa Trời đã nói cho Êli và Êlisê biết, mà Ngài còn nói cho các vị tiên tri khác trong Israel biết nữa: “Hôm nay, người của Đức Chúa Trời sẽ về lại quê hương”.
Tôi nghĩ rằng Êli đã biết rõ hôm nay là ngày ấy. Tôi không nghĩ ông biết một cách chính xác khi nào hay ở đâu hoặc cách nào thì việc ấy xảy ra. Tôi không biết ông đã có bất kỳ ý niệm nào về việc được đem lên trời trong một cơn gió lốc hay không!?! Vì vậy, Êli giờ đây có Êlisê ở cùng ông. Khi ông đến tại Ghinh ganh, ông nói: “Hãy ở lại đây”. Còn Êlisê thì nói: “Không, tôi sẽ đi cùng ông”. Khi ông đến tại Bêtên, ông nói: “Hãy ở lại đây”. Êlisê đáp: “Không, tôi sẽ đi cùng ông”. Khi ông đến tại Giêricô, ông nói: “Hãy ở lại đây” “Không, tôi sẽ đi cùng ông”. Khi ông đến tại sông Giôđanh, ông nói: “Hãy ở lại đây” “Không, tôi sẽ đi cùng ông”. Đây là phần thử nghiệm về lòng trung thành và là thử nghiệm về tính kiên trì. Đây là cách nói của Êli với người của mình: “Ta sắp sửa lìa khỏi ngươi. Ngươi có biết không?” Còn Êlisê thì nói với thầy của mình: “Bất cứ đâu thầy đi, tôi sẽ đi. Tôi sẽ ở với thầy cho đến cuối cùng”. Đây đúng là một bức tranh thật cảm động nói tới một người già và một người trẻ tuổi hơn và phần thử nghiệm sau cùng về lòng trung thành.
Vì vậy, ông đã sử dụng ngày sau cùng của mình với Êlisê, và ông sử dụng thì giờ của mình để chào tiếp và giã biệt các vị tiên tri trẻ, họ đang ngóng về ông như một vị anh hùng và là một bậc thầy. Chẳng có một chút e sợ nào ở đây hết. Êli không sợ hãi; Êlisê không sợ hãi. Chẳng có một ý thức nào về sợ hãi hay khiếp sợ, chỉ có một ý thức về việc được trọn vẹn trong đôi bàn tay của Đức Chúa Trời.
II. Lời lẽ sau cùng của Êli
Khi họ đến tại sông Giôđanh, Êli lấy cái choàng của mình, quấn nó lại, rồi đập xuống nước. Dòng nước bèn chia ra, một lần nữa cho thấy thể nào cả Êli và Môise đều được đầy dẫy với Thần của Đức Chúa Trời. Ngay trước khi Êli lên trời, ông xây lại rồi nói với người bạn trẻ của mình: “Ta có thể làm chi cho ngươi? Trước khi ta đi, trước khi ta đi, ngươi có yêu cầu gì không?” Và Êlisê đáp: “Nguyền xin thần của thầy cảm động tôi được bội phần” (câu 9) [Trong bản Kinh thánh Anh ngữ, câu nầy ghi là: “Xin ban cho tôi một phần bằng hai thần của ông”]. Có người đã chỉ trích Êlisê về việc đưa ra lời yêu cầu như thế, song tôi nghĩ là họ đã sai lầm. Chắc chắn khi Êlisê yêu cầu một phần bằng hai thần của Êli, ông đang tỏ ra mọi tiềm năng trong đời sống của ông.
Bạn nhận ra điều chi đã đánh dấu một người vào thời điểm như thế nầy. Donald Trump bước vào rồi nói: “Ta sẽ làm gì cho ngươi đây?” Bạn đáp: “Xin cung ứng cho tôi chiếc xe cút kít chứa đầy tiền bạc của ông”. Ông ta sẽ không bỏ qua yêu cầu ấy, ông ta có rất nhiều tiền. Bạn sẽ nói với một người khác: “Hãy đưa cho tôi danh sách tiếp xúc của ông”. Bạn sẽ nói với một người khác nữa: “Xin trao cho tôi công việc làm ăn của ông” “Xin trao công ty của ông cho tôi” “Xin trao mạng lưới của ông cho tôi” “Hãy đưa cho tôi chiếc xe của ông” “Hãy trao ngôi nhà của ông cho tôi” “Hãy trao bộ quần áo của ông cho tôi” “Hãy trao thị trường chứng khoán của ông cho tôi” “Hãy trao bầy gia súc của ông cho tôi” “Hãy trao nông trại của ông cho tôi” “Hãy trao gia đình ông cho tôi” “Hãy trao những quyển sách của ông cho tôi”.
Êlisê chỉ xin một phần bằng hai thần của Êli. Trong Cựu Ước, người con trưởng sẽ nhận một phần bằng hai tài sản của cha mình. Giờ đây, cụ thể thì Êlisê không phải là con trai của Êli theo phần xác, song ông là con thuộc linh của Êli. Vì vậy, ông đang hỏi xin trong vai trò người con trưởng về mặt thuộc linh: “Ồ, cha ơi, xin ban cho con những gì thuộc về con về mặt thuộc linh. Xin ban cho con một phần bằng hai thần của cha đi”, tại sao ông lại xin như thế chứ? Thời buổi ấy rất là khó nhọc trong xứ Israel, và chẳng bao lâu nữa mọi việc sẽ đâm tồi tệ hơn. Thay vì sẽ sáng sủa hơn trong thời của Êlisê, dân sự cứ tiếp tục tẻ tách ra khỏi Đức Chúa Trời. Êlisê vốn biết rõ để cho ông hầu việc Chúa trong những ngày tháng nhọc nhằn ở trước mặt, ông cần chính sự can đảm và chính quyết tâm và chính lòng ngoan cường mà thầy mình vốn có. Ông muốn chính tâm thần mà Êli đã có trên đỉnh Núi Cạtmên. Ông muốn chính tâm thần đã khiến cho Êli đến trước mặt vua Aháp ở chỗ đầu tiên. Ông muốn chính tâm thần mà Êli đã có khi ông đối diện với vua Achaxia. Ông muốn như thế, và ông biết rõ ông vốn cần tâm thần ấy. Đức Chúa Trời chúc phước cho Êlisê về việc nhận ra nhu cần trong đời sống của ông.
Êli đáp lại Êlisê: “Ngươi cầu xin một sự khó” (câu 10). Đây là ơn mà chỉ có Đức Chúa Trời mới có thể ban cho. Khi ấy, ông thêm một điều kiện rất quan trọng: “Song nếu ngươi thấy ta lúc ta được cất lên khỏi ngươi, ắt sẽ được như lời bằng chẳng, thì không được” (câu 10).
Bây giờ, chúng ta đến với phần cuối của đời sống Êli ở trên đất: “Hai người cứ vừa đi vừa nói với nhau, kìa, có một cái xe lửa và ngựa lửa” (câu 11). Đấy là những hình ảnh có tính cách quân sự. Mấy con ngựa và chiếc xe là biểu tượng của chiến tranh. Êli là một chiến binh đánh trận cho Đức Chúa Trời. Đây là một dấu hiệu và là một biểu tượng cho thấy đã có một sự cuồng nộ chiến tranh trong tấm lòng của dân sự Israel. Nó có ý nói rằng một chiến binh sắp sửa về quê hương với Đức Chúa Trời. Đây là một dấu hiệu nói tới loại sự sống mà Êli đã nhắm tới. “Êli lên trời trong một cơn gió lốc” (câu 11). Đời sống của Êli là một sinh hoạt giống như cơn gió lốc. Ông rất hăng hái, năng động, kiên quyết, tự mình lăn xả vào cung điện của các vị vua bất kỉnh, thổi qua Israel giống như một trận cuồng phong đến từ Đức Chúa Trời. Ông rời trần gian giống như khi ông đã sống trên đó – trong một cơn gió lốc.
Chúng ta có khuynh hướng nhắm vào chuyến đi đặc biệt ấy, nhưng câu 12 cho thấy nhiều vấn đề hơn. “Êlisê nhìn thấy”. Năm mươi vị tiên tri đã đi theo ở một khoảng xa xa. Họ đã nhìn thấy Êli và Êlisê cùng đi với nhau và thình lình Êli biến mất. Tôi nghĩ điều nầy có ý nói rằng mọi sự họ nom thấy là Êli biến mất. Họ chẳng có ý kiến gì về mọi điều đã xảy ra. Chỉ có Êlisê với đôi mắt mở ra nhìn thấy những con ngựa lửa cùng chiếc xe lửa mà thôi. Chỉ có Êlisê là người nhìn thấy thầy của mình được cất lên trong một cơn gió lốc đó.
Êli đã nói: “Nếu ngươi thấy”. Có một loại nhìn thấy với đôi mắt, và có loại thấy với đôi mắt của tấm lòng. Đúng là khả thi với cái thấy 20/20 với đôi mắt bên ngoài và hoàn toàn mù lòa với đôi mắt bên trong. Bạn có thể sống tám mươi năm với cái thấy trọn vẹn và hoàn toàn bị mù với thực tại thuộc linh. Đấy là lý do tại sao Phaolô cầu nguyện trong Êphêsô 1:18 “soi sáng con mắt của lòng anh em”. Bạn có thể đến với Lớp Trường Chúa Nhật trọn cả đời mình, bạn có thể gia nhập một trường Cơ đốc hay vào Thần học viện, và con mắt lòng của bạn có thể bị đóng kín. Chỉ nếm trải các động lực thôi, điều đó không bảo đảm con mắt lòng của bạn sẽ được mở ra.
Thấy Đấng không thấy được
Hêbơrơ 11:27 chứa một cụm từ giúp chúng ta hiểu rõ nguyên tắc nầy. Khi nói tới tình trạng Môise bằng lòng lìa bỏ mọi sự giàu có của Aicập để sống trong đồng vắng với chính dân tộc của ông, tác giả nói rằng ông “đứng vững như thấy Đấng không thấy được”. Đấy là một trong những câu nói đáng nhớ và rất rõ nét trong cả Kinh thánh. Nó cho thấy đây là một điều bất khả thi. Làm thế nào bạn “thấy” một thân vị không thấy được chứ? Nếu bạn có thể thấy, bạn không thể không thấy. Nhưng Đức Chúa Trời là Đấng không thấy được, thế mà Môise đã “thấy” Ngài. Sao chứ? Ba từ thôi. “Bởi đức tin”. Môise có đức tin và đức tin của ông đã khiến cho ông thấy được. Và ông đã thấy Đức Chúa Trời là Đấng không thấy được. Đức tin thấy điều chi là thực sự có ở đó mặc dầu nhiều người khác chẳng nhìn thấy chi hết. Đức tin tin điều chi là thực mặc dầu nhiều người khác chẳng tin điều đó. Bởi đức tin, chúng ta nhìn thấy thực tại, nghĩa là chúng ta nhìn qua bên kia thế giới ở chung quanh chúng ta. Nhưng ý niệm ấy dường như chẳng có gì là kỳ lạ hết. Rốt lại, bài thánh ca đáng yêu nhất trong thế gian (“Amazing Grace”) chứa dòng nầy: “Tôi bị mất mà nay tìm lại được, trước tôi mù nay lại sáng” [theo bài thánh ca Anh ngữ].
Bởi đức tin, chúng ta nhìn thấy điều mà người khác không thấy được. Bạn có từng nhìn vào hình ảnh 3D chứa những hình ảnh kín giấu không? Khi lần đầu tiên bạn nhìn vào hình ảnh ấy, mọi sự bạn nhìn thấy những đường sóng hay dấu chấm chấm hoặc có lẽ các ngôi sao hay những mẫu trái cây. Nhưng nếu bạn nhìn gần hơn hình ảnh đó, và nếu bạn tập trung ánh mắt rồi quay nghiêng đầu một chút, thình lình nó lộ ra cái đầu của Mozart hay một thiếu nữ đang nhảy múa hoặc một con chim thật lớn. Kể từ khi thị lực của tôi không hoàn hảo lắm, tôi có rắc rối với những hình ảnh 3D kia. Thường thì việc duy nhất tôi có thể thấy là một loạt đường sọc hoặc cái gì đó trông hao hao như cái đầu bắp cải. Trước nổi kinh ngạc của tôi, Marlene luôn luôn nhìn thấy hình ảnh “ẩn” kia. Nhưng chỉ vì tôi không thể thấy thì không có nghĩa là hình ảnh không có ở đó đâu. Sự việc giống như thể cái đầu của Mozart thình lình xuất hiện từ một chỗ nào đó vậy. Mọi sự đều có ở đó. Hình ảnh “ẩn” có ở đó dù tôi có nhìn thấy hay là không. Đột nhiên thì bạn nhìn thấy hình ảnh luôn luôn có ở đó. Cũng một thể ấy với đời sống đức tin. “Thế giới ẩn” của thực tại đời đời có ở đó dù chúng ta nhìn thấy hay không nhìn thấy. Và bởi đức tin, chúng ta “thấy” thế giới ấy, mặc dù người khác trong thế gian không nhìn thấy.
Kinh nghiệm quyết định sự tin tưởng của chúng ta
Nguyên tắc nầy có nhiều ứng dụng. Cách đây không lâu lắm, tôi có nghe một diễn giả nói rằng “kinh nghiệm quyết định sự tin tưởng của chúng ta”. Khi ấy, ông ứng dụng điều đó cho những kẻ chạy theo tôn giáo khác bằng cách nói rằng ông không lấy làm giận đạo Hồi hay đạo Phật hoặc Ấn giáo hay nhiều nhà thế tục mà chúng ta gặp gỡ mỗi ngày. Tại sao phải giận họ chứ? Nếu họ thực sự tin những gì họ xưng họ tin theo, sở dĩ như thế là vì họ đã có một kinh nghiệm quyết định cho sự họ tin. Cách đây nhiều năm, tôi đã học biết rằng “kinh nghiệm của bạn luôn luôn đánh bại lý thuyết của tôi”. Tôi không thể sử dụng cách lý luận để hủy diệt kinh nghiệm của bạn, ít nhất là không thể nếu nó thực sự nói tới điều chi đó quan trọng đối với bạn. Hết thảy chúng ta đều gắng sức tranh luận với người ta về Nước của Đức Chúa Trời và sự tranh luận đó chẳng có tác động chi hết. Bạn không thể thuyết phục được ai rằng Chúa Jêsus yêu thương họ bằng cách thề hay đe dọa họ hoặc cất cao giọng của mình trong giận dữ. Thay vì giận dữ với những người có tín điều khác biệt hiển nhiên, chúng ta nên cầu nguyện với Đức Chúa Trời xin Ngài ban cho họ một kinh nghiệm về lẽ thật. Chỉ khi ấy họ sẽ bị thuyết phục để tin theo một cách đặc biệt.
Điều đó xảy ra khi tôi viết mấy lời nầy từ một căn hộ ở Bắc kinh, Trung hoa. Cách đây hai ngày, tôi giảng cho một nhóm nhỏ các cấp lãnh đạo Cơ đốc và giải đáp mọi thắc mắc của họ. Một phụ nữ muốn biết cách thức giúp cho người bạn của mình chưa nhìn biết Đấng Christ. Bà đã cố gắng và tìm cách giúp cho người bạn song dường như chẳng có kết quả chi hết. Tôi trình bày cho bà ấy ba điều. Thứ nhứt, giữ lấy người bạn của bà ấy. Bạn chẳng thể giúp được ai nếu bạn không trao đổi với họ. Thứ hai, hãy gieo ra “hột giống lẽ thật” trong cuộc trao đổi với người bạn đó. Đừng tranh luận và đừng ra sức thuyết phục người bạn ấy mà chi. Thứ ba, hãy cầu nguyện, cầu nguyện và cứ giữ lấy sự cầu nguyện vì chỉ có Đức Chúa Trời mới có thể thực sự thay đổi tấm lòng. Lời lẽ của chúng ta có thể sâu sắc lắm, song Thánh Linh của Đức Chúa Trời mới có thể làm tan chảy tấm lòng chai cứng nhất. Và tôi yêu cầu bà ấy: “Đừng lấy làm giận nơi một người mù lòa vì họ không thể nhìn thấy màu xanh lá cây?” Không, bạn đừng lấy làm giận mà chi. Nếu bạn không thể nhìn thấy màu sắc đó, bạn không thể thấy được màu sắc đó. Nổi giận chỉ làm cho mọi sự ra tệ hại thêm mà thôi, chớ không khá hơn đâu. Một khi chính Satan là kẻ làm mù tâm trí của người tín đồ (II Côrinhtô 4:4), chúng ta phải cầu nguyện xin Đức Chúa Trời mở mắt của họ ra để nhìn thấy lẽ thật. Họ sẽ chẳng bao giờ chịu tin những gì mà họ không nhìn thấy, và họ sẽ chẳng bao giờ nhìn thấy cho tới chừng nào con mắt lòng của họ được mở ra, và chỉ có Đức Chúa Trời mới có thể làm được điều đó. Nhưng Đức Chúa Trời có thể làm sự ấy, và đấy là lý do tại sao chúng ta phải cầu nguyện, cầu nguyện và cứ giữ lấy sự cầu nguyện.
Êli nói: “Ngươi có thể có quyền phép nếu ngươi thấy ta ra đi”. Không những ông nói nếu ngươi nhìn thấy ta bằng mắt thường, một khi Đức Chúa Trời ban cho ngươi cái thấy thuộc linh để hiểu, một khi Ngài mở con mắt lòng của ngươi ra.
Làm sao tôi biết Đức Chúa Trời đáp trả cho lời cầu nguyện chứ? Không phải vì Êlisê làm cho sông Giôđanh rẻ ra với cái áo choàng của Êli. Tôi biết điều đó vì cớ câu chuyện kỳ diệu nầy đã xảy ra ở II Các Vua 6:8-17 khi Êlisê và tôi tớ của ông đang ở tại Đôthan và quân đội của Vua Aram đã hoàn toàn vây quanh họ. Đây là một tình huống rất vô vọng. Mặc dù người tôi tớ thấy vọng lắm, Êlisê bảo người đừng lo vì “những người ở với chúng ta đông hơn những người ở với chúng nó” (câu 16). Khi ấy Êlisê cầu nguyện: “xin mở mắt kẻ tôi tớ tôi, để nó thấy được” (câu 17). Khi mắt hắn được mở ra, gã tôi tớ mới nhìn thấy các đạo binh của Đức Chúa Trời đã dàn trận trong các đám mây bên trên đạo quân của người Aram. Có đôi mắt được mở ra để nhìn thấy thực tại thuộc linh thì đây là điều quan trọng nhất, để hiểu rõ thế giới nầy không phải là thế giới duy nhứt. Khi con mắt lòng được mở ra, bạn hiểu ngay rằng thế giới không thấy được là thế giới thực, thế giới ấy mới là vấn đề.
III. Di sản sau cùng Êli
Thế là giờ đây một vị tiên tri được cất đi, còn một vị tiên tri bị để lại, cho chúng ta thấy rằng chiến trận còn tiếp diễn. Hội thánh vui mừng đắc thắng ở trên trời trong khi hội thánh còn chiến đấu trên đất đang tiếp tục đánh nhau.
Êlisê đã nhìn thấy thực tại thuộc linh. Ông đã nhìn thấy phần phía sau của bối cảnh. Ở cuối câu chuyện, có ba việc đang xảy ra liên tiếp nhanh chóng:
Số 1: Ông nhìn thấy Êli rời đi.
Số 2: Ông nhặt lấy cái áo choàng.
Số 3: Ông lấy cái áo choàng đập lên sông Giôđanh rồi nói: “Giêhôva Đức Chúa Trời của Êli ở đâu?”
Tại sao ông lại làm như thế chứ? Êlisê ở bên bờ phía Đông sông Giôđanh. Chức vụ của ông đặt ở bờ phía Tây. Giữa ông và sự kêu gọi thiêng liêng của ông đã tuôn tràn qua làn nước đầy bùn của sông Giôđanh. Ông phải qua sông để bước vào phần chỉ định của Đức Chúa Trời cho đời sống của ông. Chẳng có thời điểm nào tốt đẹp hơn hiện tại để nhận ra rằng Đức Chúa Trời ở cùng ông giống như Ngài đã ở cùng Êli.
Bộ bạn không nghĩ cần phải lấy can đảm để cầm chiếc áo choàng lên rồi đập xuống sông Giôđanh chăng? Ông đã nhìn thấy Êli phân rẻ dòng sông, nhưng cũng cùng một việc ấy có xảy ra với ông chăng? Êli đã đi rồi, nhưng có phải Đức Chúa Trời của Êli cũng đi luôn không?
Đấy luôn luôn là một thắc mắc rất lớn.
Giêhôva Đức Chúa Trời của Luther ở đâu?
Giêhôva Đức Chúa Trời của Calvin ở đâu?
Giêhôva Đức Chúa Trời của Jonathan Edwards ở đâu?
Giêhôva Đức Chúa Trời của Charles Haddon Spurgeon ở đâu?
Giêhôva Đức Chúa Trời của J. Hudson Taylor ở đâu?
Giêhôva Đức Chúa Trời của D. L. Moody ở đâu?
Giêhôva Đức Chúa Trời của Billy Sunday ở đâu?
Giêhôva Đức Chúa Trời của Jim Elliott ở đâu?
Cần phải lấy đức tin để nắm lấy chiếc áo choàng kia rồi đập lên mặt nước, chớ không phải muốn biết điều chi sẽ xảy ra. Cần phải có lòng can đảm để làm việc đó. Việc đó là cần thiết. Êlisê đã làm như vậy.
Ông đã làm như vậy.
Điều đó không thể xảy ra trong khi Êli vẫn còn ở trên trần gian. Êli phải ra đi để Êlisê dấy lên. Tôi nghĩ thời buổi nầy là dành cho các con trai của tôi. Khi bài nầy được viết ra, chúng được 26, 24 và 21 tuổi rồi. Chẳng có một việc nào giống như đức tin chuyền tay được. Từng thế hệ phải khám phá quyền phép của Đức Chúa Trời cho chính mình. Josh, Mark và Nick không thể sống bằng đức tin của tôi được. Chúng phải tìm kiếm đức tin cho riêng mình.
Josh phải tìm kiếm chính đức tin của nó.
Mark phải tự mình nhìn thấy.
Nick phải tiếp nhận đức tin đó cho bản thân nó.
Êli phải ra đi để Êlisê nắm lấy chức vụ của ông. Cũng một thể ấy cho từng thế hệ. Các lãnh tụ dấy lên, lãnh đạo, đánh trận cho Đức Chúa Trời, và rồi đến giờ định, họ rời khỏi bối cảnh, để được thay thế bởi những người khác mà Đức Chúa Trời đã dấy họ lên.
Đức Chúa Trời đặt tên cho những kẻ kế tục của Ngài
Giờ đây, chúng ta đến với ngã rẻ sau cùng của con đường. Êli đang ở trên trời và ông đang sống mạnh giỏi hôm nay. Hàng trăm năm sau, Đức Chúa Trời phán qua Malachi: “Nầy, ta sẽ sai đấng tiên tri Ê-li đến cùng các ngươi trước ngày lớn và đáng sợ của Đức Giê-hô-va chưa đến” (Malachi 4:5). Bốn trăm năm sau, Chúa Jêsus phán về Giăng Báptít: “ấy là Ê-li, là đấng phải đến” (Mathiơ 11:14). Ngài có ý nói rằng Giăng Báptít đã đến trong tinh thần và quyền phép của Êli (Luca 1:17). Rồi sau đó, Êli xuất hiện trên Núi Hóa Hình với Chúa Jêsus, Phierơ và Giăng (Mác 9:2-8). Như vậy thì ông hãy còn sống hôm nay.
Vì thế, nếu hôm nay là ngày sau cùng của bạn, bạn sẽ sử dụng nó ra sao? Bạn sẽ làm gì? Đối với những ai nhìn biết Chúa, sự chết chẳng có gì phải sợ hãi. Thì giờ ngắn ngủi của chúng ta trên đất mau qua, rồi chúng ta bay mất đi. Chúng ta có mặt ở đây hôm nay rồi qua đi vào ngày mai. Đây là lời nói tuyệt vời sau cùng ra từ đời sống của Êli.
Êli về trời.
Êlisê cưu mang công việc của ông.
Công việc của Đức Chúa Trời còn tiếp diễn.
Công việc tiếp diễn vì Đức Chúa Trời hằng còn mãi luôn.
Ngài đã có mặt ở đây trước khi chúng ta đến, và Ngài sẽ ở đây cho dù chúng ta đã qua đi rồi. Không một điều gì thuộc về Đức Chúa Trời bị hư mất đi khi người của Đức Chúa Trời qua đi. Khi Êli về trời, Đức Chúa Trời vẫn y như nguyên cũ. Khi Êlisê chết đi, Đức Chúa Trời vẫn y như nguyên cũ. Chúng ta sẽ nói khi người thân của chúng ta qua đời: “cái chết sẽ chẳng bao giờ y như thế đâu”. Và đấy là sự thực. Sự sống đối với chúng ta sẽ chẳng bao giờ là một với những người thân của chúng ta đã qua đời rồi. Nhưng Đức Chúa Trời của chúng ta đang ở trên trời; Ngài không thay đổi. Thế gian không quay tròn quanh bạn và tôi, và nó không nương vào sự hiện diện cá nhân của chúng ta.
Thi thiên 100:5 cho chúng ta biết rằng sự thành tín của Đức Chúa Trời “còn đến đời đời”. Sát nghĩa câu nầy có ý nói rằng “từ thế hệ nầy sang thế hệ khác”. Xuất Êdíptô ký 20:6 cho chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời bày tỏ tình yêu của Ngài ra “ngàn đời” cho những ai yêu mến Ngài. Kể từ khi một thế hệ là 40 năm, điều nầy có ý nói tình yêu của Đức Chúa Trời kéo dài ít nhất 40.000 năm. Và kể từ khi lời hứa nầy được ban cho Môise tại Núi Sinai khoảng 3.500 năm trước, chúng ta có thể kết luận chắc chắn rằng tình yêu thành tín của Đức Chúa Trời sẽ tiếp tục ít nhất 36.500 năm nữa. Như vậy phải nói là, trong 3.500 năm chúng ta chưa đi đủ 10% chiều dài con đường yêu thương của Đức Chúa Trời. Nhưng chắc chắc đấy chưa hẳn là nghĩa đen đâu. Thực vậy, chưa hẳn đâu. Nhưng đấy cũng hoàn toàn là hình bóng nữa. Đấy là cách tỏ ra cho chúng ta thấy rằng tình yêu thương và sự thành tín của Đức Chúa Trời trổi hơn bất kỳ suy tưởng nào của con người. Giả sử chúng ta sắp hàng từ ông nội, cha, con, cháu, chắt trên một hàng dài. Thi thiên 100:5 cho chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời như thế nào với ông nội, Ngài sẽ như thế ấy với người làm cha! Ngài thế nào với người cha, Ngài cũng thế ấy với người làm con. Ngài thế nào với người làm con, Ngài cũng thế ấy với người làm cháu. Ngài thế nào với người làm cháu, Ngài cũng thế ấy với người chắt. Và cứ như thế trải qua các thế kỷ. Nhiều thế hệ đến rồi đi, hết thế hệ nầy đến thế hệ khác. Chỉ có Đức Chúa Trời mới y như nguyên cũ cho đến đời đời.
Tôi rất vui sướng khi sự thành tín của Đức Chúa Trời chuyển đi cho các thế hệ. Vào thời điểm tôi 53 tuổi hướng tới … sao chứ? 55? 60? 75? Có thể là 80 hay thậm chí 90 tuổi, nếu Đức Chúa Trời chúc phước cho tôi được sống lâu. Nhưng tôi sẽ không sống cho đến đời đời được. Khi năm tháng dần qua, tôi thấy mình nhận ra thể nào sự sống của mình được gói ghém nơi ba đứa con của mình. Hôm qua, chúng ngồi ghế mẫu giáo, hôm nay hầu như chúng đã lớn khôn, và ngày mai chúng sẽ trở thành ông nội. Liệu Đức Chúa Trời sẽ chăm sóc cho chúng chăng? Còn con cháu của chúng thì sao? Và cháu chắt của chúng thì sao? Liệu Đức Chúa Trời sẽ ở đó vì chúng chăng? Câu trả lời là “yes” vì sự thành tín của Đức Chúa Trời không nương vào tôi mà nương vào bổn tánh của Đức Chúa Trời đang rải ra trên các thế hệ. Như vậy, tôi không phải sống mãi để biết chắc các con trai mình sẽ okay. Đức Chúa Trời sẽ thực hiện vấn đề đó. Sau khi tôi rời khỏi đất nầy, và thậm chí nếu mọi lời cầu xin của tôi chưa được nhậm, tôi có thể tin cậy Đức Chúa Trời quan phòng đến các con của tôi. Điều nầy đúng là một sự an ủi. Tôi có thể làm hết sức mình để giúp cho các con trai tôi khi tôi còn ở đây, và sau khi tôi lìa đời, sự thành tín của Đức Chúa Trời sẽ tiếp tục cho chúng và cho con cháu của chúng nữa, và thậm chí cho chắt chít của chúng nữa.
Êli về trời.
Êlisê nhặt lấy chiếc áo choàng rồi thi hành công việc của mình.
Đức Chúa Trời đặt tên của kẻ kế tục Ngài.
Giêhôva Đức Chúa Trời của Êli cũng là Giêhôva Đức Chúa Trời của Êlisê.
Chúng ta đến rồi đi, nhưng Đức Chúa Trời của chúng ta rải ra trên các thế hệ.
Giêhôva Đức Chúa Trời của Êli ở đâu? Tôi đã đem các tin tức tốt lành đến cho các bạn. Ngài vẫn hiện diện ở đây. Lời lẽ sau cùng ra từ miệng của Êli là: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên hằng sống” (I Các Vua 17:1). Giêhôva Đức Chúa Trời của Êli là Đức Chúa Trời của chúng ta hôm nay.
Vì vậy, tôi để lại cho bạn với thắc mắc mà tôi đã khởi sự với. Giêhôva Đức Chúa Trời của Êli ở đâu? Ngãi vẫn hiện diện ở đây. Đâu là những Êli của Giêhôva Đức Chúa Trời trong chính hội chúng của chúng ta?
Lạy Cha, chúng con cảm tạ Ngài vì niềm vui mạo hiểm với một con người cao trọng như vậy. Con cảm tạ Ngài vì anh chị em con là những người đã đọc qua mấy lời nầy. Còn cầu nguyện rằng Ngài sẽ tạo ra trong chúng con những người có đức tin như Êli trong cuộc sống của thời buổi nầy. Xin khiến cho chúng con được mạnh mẽ và dạn dĩ để rao giảng và đứng vững cho Ngài, cho Giêhôva Đức Chúa Trời của Êli vẫn hằng sống hôm nay. Chúng con cầu nguyện trong danh của Chúa Jêsus.

1 nhận xét: