Thứ Tư, 7 tháng 3, 2012

I Các Vua 17:17-24: "Bệnh Viện Phục Sinh"


Bệnh Viện Phục Sinh
– I Các Vua 17:17-24
Trong các phân đoạn nói tới đời sống của Êli, có lẽ đây là phần rắc rối nhất. Chẳng có một phân đoạn nào giống như thế trong Cựu Ước. Trong phân đoạn Kinh thánh nầy, Êli nằm ấp mình lên thi thể đã chết của một đứa trẻ thì đứa trẻ trở lại với sự sống. Và câu chuyện nầy không giống với câu chuyện nói tới sự phục sinh của Chúa chúng ta vào sáng Chúa nhật phục sinh, là buổi sáng có nhiều thiên sứ vây quanh và có một ý thức về sự đắc thắng vinh hiển nữa. Sự sống lại nầy không mang theo với nó chính cảm xúc mà Chúa Jêsus kêu lên: “Laxarơ, hãy ra” (Giăng 11:43).
Vì câu chuyện nầy là bất thường như thế, có người đã xem đây là một huyền thoại. Họ xem đấy là một truyện tích dân gian, gần như là một truyện cổ tích vậy. Một số học giả theo phái phê bình cho rằng đứa trẻ, một là thực sự chưa chết hẳn hay câu chuyện thực sự chưa hề xảy ra gì hết. Trước khi chúng ta xem xét phân đoạn nầy, tôi muốn bạn nhìn biết rằng tôi dám tin chính xác những gì Kinh thánh chép. Tôi nghĩ đứa con trai của bà góa đã chết rồi, Êli ấp mình ông lên thi thể của đứa trẻ rồi cầu nguyện, Đức Chúa Trời nghe lời cầu nguyện của ông, và sự sống của đứa trẻ đã trở lại với nó. Nhưng tôi cũng công nhận những trăn trở về tình cảm vì nó làm dấy lên nhiều thắc mắc mà chúng ta thường không nói đến. Nếu Đức Chúa Trời có thể làm việc nầy vào một thời điểm nào đó, tại sao Ngài không làm điều nầy mọi lúc mọi khi? Đấy là một thắc mắc quan trọng, nhưng tôi không biết bạn sẽ xử lý với câu chuyện như thế nào mà không đạt tới chỗ nắm bắt đôi điều mầu nhiệm của Đức Chúa Trời trong sự thương xót và sự tể trị của Ngài, những điều Đức Chúa Trời đang làm và những gì Đức Chúa Trời không làm. Chúng ta sẽ xem xét điều đó trong một lúc.
I. Nổi Buồn Của Một Bà Mẹ
Câu chuyện khởi sự theo cách nầy:
“Sau một ít lâu, con trai của người đàn bà, tức là chủ nhà, bị đau; bịnh rất nặng đến đỗi trong mình nó chẳng còn hơi thở. Người đàn bà bèn nói với Ê-li rằng: Hỡi người của Đức Chúa Trời, tôi với ông có việc chi chăng? Có phải ông đến nhà tôi đặng nhắc lại những tội lỗi tôi và giết con tôi chăng?” (các câu 17-18).
Hãy chú ý cho cẩn thận mệnh đề đầu tiên: “Sau một ít lâu”. Bản Hybálai nói như sau: “Sau mọi sự nầy, thì việc xảy ra”. Đấy là một câu nói rất hay về sự tể trị của Đức Chúa Trời. Bất cứ điều chi khác bạn muốn nói về phân đoạn khó quên nầy, đừng gọi đây là một sự tai nạn nhé! Đứa trẻ không phải nhuốm bịnh đâu, và không phải là do tình cờ mà nó ngã chết đâu. Căn bịnh và sự chết của nó, cả hai đều là một phần nằm trong chương trình mà Đức Chúa Trời đã định.
Có nhiều điều kín nhiệm về lý do tại sao Đức Chúa Trời làm những việc mà Ngài đang làm. Tôi chợt nhớ tới lời lẽ của Tony Evans, ông nói: “Mọi sự trong vũ trụ, một là do Đức Chúa Trời tạo ra hoặc Đức Chúa Trời cho phép, và chẳng có phạm trù thứ ba nào hết”. Đấy là một lời phát biểu tối quan trọng. Có nhiều lần chúng ta nhìn vào tấn thảm kịch nát lòng, và chúng ta muốn tạo ra phạm trù thứ ba gọi là: “Những việc xấu xa vừa xảy ra chẳng vì một cái cớ nào hết”. Nhưng chẳng có một phạm trù nào như thế cả. Khi phân đoạn Kinh thánh chép ở chỗ đưa trẻ nhuốm bịnh, đây là cách nói của tác giả chỉ ra mọi điều xảy đến cho đứa trẻ nầy chẳng phải là một sự tình cờ đâu. Không phải là một sự tình cờ. Đấy chẳng phải là số phận nữa. Đức Chúa Trời đã có mặt tại ngôi nhà ấy khi đứa trẻ ấy gục chết.
Thời điểm của mọi sự nầy bắt lấy sự chú ý của chúng ta. Đứa trẻ nhuốm bịnh sau nhiều tuần lễ và nhiều tháng có sự tiếp trợ lạ lùng của Đức Chúa Trời. Sau nhiều tháng bột và dầu không dứt đó, thình lình đứa trẻ nhuốm bịnh rồi chết đi. Tại sao sự việc lại xảy ra theo cách ấy chứ? Chúng ta bước đi với Chúa và chúng ta làm hết sức mình như chúng ta có thể, và một ngày kia điện thoại reo lên làm thay đổi cuộc sống cho đến đời đời. Hoặc chúng ta nhận được một đơn thuốc từ bác sĩ với các tin tức xấu. Hay con cái chúng ta lâm vào rắc rối trầm trọng. Hoặc cuộc hôn nhân của chúng ta sắp chia lìa. Tại sao những việc nầy xảy ra chứ?
Thật là dễ cho chúng ta trở nên tự mãn ở giữa mọi ơn phước của Đức Chúa Trời. Chúng ta khởi sự suy nghĩ kín đáo: “Mọi sự suông sẻ trong lúc bây giờ; tôi đang có mọi sự đây. Cuộc hôn nhân của tôi rất tốt đẹp và con cái của tôi rất đàng hoàng, công ăn việc làm của tôi thì trôi chảy và cuộc sống thì ngon lành và tôi rất yêu mến Hội thánh. Mọi sự trong đời sống tôi đúng là những gì tôi mong muốn”. Nếu đấy là tình trạng của bạn trong giờ phút nầy, đừng cảm thấy tồi tệ về nó. Nếu đời sống của bạn đúng y như thế, bạn nên tận hưởng nó và bạn nên biết ơn đối với Đức Chúa Trời. Nhưng có hai việc nầy chắc chắn cần phải biết:
1) Bạn không xứng đáng với các phước hạnh nầy.
2) Chúng không kéo dài cho đến đời đời được.
Chúng không kéo dài mãi được đâu. Không bao lâu nữa, các đám mây sẽ là đến rồi mưa lại bắt đầu đổ xuống. Bạn không nên sống trong sợ hãi, nhưng bạn cần phải khôn khéo đủ để biết rằng sau mặt trời mọc là mặt trời lặn, và khi trăng lên cao thì bóng tối nửa đêm cũng kéo đến. Cũng một thể ấy cho hết thảy chúng ta chẳng chóng thì chày.
Sau thời điểm ơn phước của Đức Chúa Trời, tai họa ụp đến. Chúng ta không biết lý do tại sao đứa trẻ nhuốm bịnh. Sự việc gần như là một sự mâu thuẫn vậy. Đã có thử thách, tiếp đến là phước hạnh, và rồi buồn rầu lại đến. Mọi sự dường như đảo lộn hết, y như là buồn rầu, rồi thử thách kế đến là ơn phước. Nhưng đấy chẳng phải là cách thức Đức Chúa Trời đang tác động đâu. Thường thì là như vầy đây:
Thử thách
Phước hạnh
Buồn rầu
Thật dễ bị ru ngủ vào suy tưởng sai lầm. “A, chúng ta đã trải qua thời điểm khó nhọc. Từ giờ trở đi sẽ là thuận buồm xuôi gió”. Song đấy thường chẳng phải là thiết kế của Đức Chúa Trời dành cho chúng ta.
Một Khoảng Thời Gian Trước Phần Kết Của Câu
Trong mọi nổi buồn của cuộc sống, tôi biết chẳng có nổi buồn nào lớn lao hơn cái chết của một đứa con. Nổi buồn nầy chẳng ra thể thống gì hết, dường như là chẳng chút tự nhiên. Bố mẹ chẳng hề dự tính mình sẽ lo chôn cất con cái của mình. Chôn cất bố mẹ là đặc ân và vinh dự của con cái. Không còn có một cách thế nào khác để nói về việc nầy nữa. Cái chết của đứa trẻ giống như một khoảng thời gian trước phần kết của câu. Cách đây mấy năm, tôi được mời đến bịnh viện vì có một em bé 11 ngày tuổi đã qua đời trong đêm. Khi tôi lái xe đến bịnh viện, tôi nhận thấy rằng tôi còn rất mới mẻ trong chức vụ, tôi thường đâm lo vào những khoảnh khắc như thế nầy. Chỉ mấy năm sau đó thì tôi mới hiểu ra rằng thực sự đây là những gì chức vụ nói tới. Giảng dạy có thể là phần thấy được nhiều nhất của chức vụ, song đấy chẳng phải là toàn bộ chức vụ đâu. Công việc thực sự là đi đến bịnh viện để yên ủi bậc cha mẹ đang ngã lòng kìa. Đâu đó dọc đường Chúa đã cất đi nổi lo của tôi. Trong những năm đầu, tôi luôn luôn sợ là mình sẽ nói ra một việc không đúng. Sau một thời gian, tôi học biết được điều phải nói. Khi tôi vào đến bịnh viện, họ đưa tôi đến một gian phòng nhỏ, ở đó bố mẹ đang ẳm lấy đứa bé trong vòng tay và họ đang bật khóc. Khi tôi bước vào, cả hai người đều đứng dậy. Người cha nói: “Mục sư ơi, tôi rất vui khi gặp ông”. Sau đó, ông nói với tôi: “Khi ông bước vào, thì giống như Chúa Jêsus bước vào đây vậy”. Đấy là một trong những vinh dự long trọng của việc là một vị Mục sư, để đem Chúa vào một tình huống giống như thế.
Chúng tôi ngồi xuống và tôi nhìn vào thi thể nhỏ bé của đứa trẻ đó. Chúng tôi trao đổi trong một phút, và rồi người mẹ bắt đầu thổn thức. Ở một điểm, hai hàng nước mắt chảy dài trên má của nàng rồi rơi xuống trán của đứa bé kia. Nàng cứ đung đưa đứa bé qua lại khi nàng nói với tôi: “Chúa có một lý do, phải không?” Tôi thở một hơi dài rồi đáp: “Đức Chúa Trời có một lý do, nhưng tôi không biết lý do ấy là gì!?!” Trong những này đầu sớm sủa của chức vụ, tôi sẽ đưa ra một lời giải thích thật dài. Khi ấy, tôi mới học biết rằng bạn sẽ chẳng biết mình vừa thốt ra điều gì.
Tôi không biết lý do tại sao đứa trẻ ấy chết chẳng khác gì hơn tôi biết lý do tại sao đứa con của bà góa kia chết. Mọi mơ ước của người mẹ đều tiêu tán. Bà không mong nhìn thấy điều nầy sẽ xảy đến đâu. Nếu bạn quay trở lại rồi đọc phân đoạn Kinh thánh, bà nghĩ bà và đứa con của bà sẽ cùng nhau chết vì cớ nạn đói ở trong xứ. Trong nổi khổ và trong nổi buồn của bà ta, bà đổ thừa cho Êli: “Hỡi người của Đức Chúa Trời, tôi với ông có việc chi chăng? Có phải ông đến nhà tôi đặng nhắc lại những tội lỗi tôi và giết con tôi chăng?” Có ít nhất ba nan đề trong suy nghĩ của bà ta. Thứ nhứt, dường như bà đã nghĩ rằng có vị tiên tri trong nhà thì mình sẽ miễn không còn đau khổ nữa. Ai có thể đổ lỗi cho bà ta, đặc biệt sau ngần ấy tiếp trợ lạ lùng về bột và dầu? Song bà ta đã sai rồi. Thứ hai, bà ta nghĩ rằng tội lỗi của bà ta không cứ cách nào đó đã gây ra cái chết của con mình. Nhưng đấy chẳng phải là đúng trong trường hợp nầy. Thứ ba, bà ta đổ thừa cho Êli. Chính con người hay tìm ai đó để đổ thừa khi tai họa ụp đến.
II. Đức tin của vị tiên tri
Khi tôi đọc phân đoạn Kinh thánh, một thắc mắc thoạt đến trong trí đến nỗi tôi không thể trả lời được. Khi đứa trẻ nhuốm bịnh lần đầu tiên, thì Êli đang ở đâu? Có phải ông có mặt ở đó và ông đã cầu thay cho đứa trẻ? Tôi giả định câu trả lời là “yes”, song Kinh thánh không nói cho chúng ta biết. Tôi có một thắc mắc sâu xa hơn. Khi đứa trẻ chết, tại sao Êli lại làm những việc mà ông đã làm? Đây là câu trả lời. Ông dính dáng vào là vì ông nhìn thấy Đức Chúa Trời trong mọi sự, kể cả mọi buồn lo trong cuộc sống. Tôi thấy phần đáp ứng của ông có tính cách dạy dỗ khi người mẹ vu cáo ông về việc đến nhà bà ta chỉ để giết con trai bà ta chết đi.
1/ Ông không nổi giận.
2/ Ông không tìm cách giải thích lý do tại sao con trai bà ta chết.
3/ Ông không tranh luận với bà ta.
4/ Ông chẳng đưa ra lời cáo lỗi nào hết.
Thay vì thế, ông phản ứng với sự dịu dàng khó tin. Hãy xem lời lẽ của F. B. Meyer:
Chúng ta cần nhiều về thái độ tin kính thực tế nầy. Nhiều người tự dối gạt mình. Họ sốt sắng đến với những buổi nhóm rồi xưng rằng họ đặt mọi sự lên bàn thờ. Họ nói giống như thể họ thực sự đầy dẫy Đức Thánh Linh vậy. Song khi họ trở về nhà, sự xích mích nhỏ nhất, hay ai đó xen vào các chương trình của họ, hoặc lỗi lầm nơi phần của người khác, hoặc giận dữ bộc phát làm phát sinh tánh bạo lực thình lình. Hạng người thể ấy chưa kinh nghiệm ân điển đặc biệt của Ngài. Có nhiều điều về họ cần phải tiếp thu. Người nào đầu tiên dẫn họ đến với Chúa Jêsus có khả năng biến họ ra nhu mì với sự nhu mì của Ngài, và tử tế với sự tử tế của Ngài… . Nếu Đức Thánh Linh thực sự đang dầy dẫy tấm lòng, kẻ thô lỗ nhất, người ích kỷ nhất sẽ được biến đổi rất lạ lùng. Sẽ có sự tử tế trong lời nói, sự nhẹ nhàng trong giọng nói, ý tưởng chu đáo trong mọi hành vi nhỏ nhặt nhất, một nét bình an yên định tỏ ra trên gương mặt. Sẽ có dấu ấn rõ ràng của Đức Thánh Linh, con dấu mịn màng của thiên đàng. Mọi sự ấy có hiển nhiên trên đời sống của bạn không?
Khi bà góa kia đưa ra lời vu cáo sổ sàng, Êli phản ứng rất đơn sơ. Mọi sự ông nói là: “hãy giao con nàng cho ta” (câu 19a). Khi tôi đi thăm một gia đình ở đó sự chết đã diễn ra, tôi không nói nhiều như trước kia nữa. Trong những năm đầu chức vụ của tôi, tôi thường nói năng nhiều lắm. Khi nhìn lại, tôi nghĩ mình nông nổi và khó xử, và tôi nghĩ tôi cảm thấy cần phải giải thích mọi sự. Tôi không còn nói nhiều nữa. Về một việc, tôi thấy rằng con người trong nổi buồn, họ không nhớ nhiều cho dù bạn có nói nhiều đi nữa, và luôn luôn có một mối nguy hiểm của việc nói nhiều đó.
“Người bồng nó khỏi tay mẹ nó, đem lên phòng cao, chỗ người ở, và để nó nằm trên giường mình. Đoạn, người kêu cầu cùng Đức Giê-hô-va mà rằng: Giê-hô-va Đức Chúa Trời tôi ôi! cớ sao Ngài giáng tai họa trên người đàn bà góa này, nhà nàng là nơi tôi trú ngụ, mà giết con trai người đi? Người nằm ấp trên mình con trẻ ba lần, lại kêu cầu cùng Đức Giê-hô-va nữa mà rằng: Ôi Giê-hô-va Đức Chúa Trời tôi! xin Chúa khiến linh hồn của đứa trẻ này trở lại trong mình nó!” (các câu 19a-21).
Chẳng có một phương thức nào dễ dàng để giải thích điều chi xảy ra kế đó. Êli nằm ấp lên thi thể của đứa trẻ. Bàn chân ấp lên bàn chân. Chân ấp trên chân. Ngực ấp lên ngực. Cánh tay ấp lên cánh tay. Bàn tay ấp lên bàn tay. Mặt ấp lên mặt. Ông làm thế không phải một lần, không phải hai lần, mà là ba lần. Không một ai thực sự biết chính xác ông ấp thậm chí một lần, ít nhiều lý do tại sao ông đã làm như vậy hai hay ba lần. Có lẽ Êli hiểu rõ rằng phải làm bất kỳ điều gì cho đứa trẻ nầy mà ông phải đích thân làm. Giống như một chú thích bên lề, một khi đứa trẻ đã chết rồi, giờ đây nó đã ô uế theo luật pháp của người Do thái. Đúng là sai lầm cho một vị tiên tri của Đức Chúa Trời khi chạm vào một thi thể đã chết, song trường hợp cực kỳ cần có một biện pháp cực kỳ. Và vì thế do nằm ấp lên thi thể của đứa trẻ, thì giống như thể ông đang nói: “Ôi Chúa ơi, hãy lấy đôi chút sự sống từ bên trong con rồi ban nó cho đứa trẻ nầy”. Ông đã cầu xin một phép lạ vì ông tin nơi một quyền phép lớn lao hơn cả sự chết.
A.W. Pink chỉ ra bảy đặc điểm trong lời cầu nguyện của Êli:
1) Ông đã bước vào phòng riêng, ở đó ông có thể ở riêng với Đức Chúa Trời.
2) Ông đã bền đỗ cầu nguyện
3) Ông tin cậy vào kinh nghiệm riêng của mình, đã gọi Ngài là “Đức Chúa Trời của tôi”.
4) Ông nhớ lại sự tể trị của Đức Chúa Trời trong việc khiến cho đứa trẻ nầy phải chết.
5) Ông đã sốt sắng và khăng khăng mà cầu nguyện.
6) Ông kêu gọi ơn thương xót dịu dàng của Đức Chúa Trời đối với người đàn bà góa nghèo khó nầy.
7) Ông đưa ra một đòi hỏi nhất định: – "Xin khiến linh hồn của đứa trẻ nầy trở lại trong mình nó”.
Ông đã học biết cầu nguyện như thế ở đâu vậy? Đâu là tiền lệ trong Kinh thánh để Êli cầu nguyện theo cách thức đó? Trước thời điểm nầy, chưa một ai từng đem người ta trở lại từ kẻ chết cả. Hênóc đã đồng đi với Đức Chúa Trời và được đưa thẳng về trời mà không qua sự chết. Môise đã chết và họ không hề tìm được nơi chôn cất ông. Nhưng như thế không có nghĩa là ông đã được sống lại từ kẻ chết đâu. Đây là trường hợp đầu tiên trong lịch sử Kinh thánh nói tới người nào đã chết và trở lại với cuộc sống. Ông lấy đâu ra đức tin để cầu nguyện như thế chứ? Sự thể không giống như ông đã quay lại rồi nói: “Lạy Đức Chúa Trời, như Ngài đã làm trong thời của Môise”, vì Đức Chúa Trời không làm việc ấy trong thời của Môise. Ông không thể nói: “Ôi Chúa, như Ngài đã làm cho tổ phụ tôi là Ápraham”, vì Ngài không làm một việc gì giống như vầy trong thời của Ápraham. Khi Ápraham dâng Ysác làm của lễ thiêu, ông đã xem con trai mình sống cũng như chết, nhưng đấy chẳng phải là cùng một việc như đã chết rồi. Không một việc gì từng xảy ra trước đây.
Khi Êli cầu nguyện, ông hoàn toàn đầu phục Đức Chúa Trời. Nơi chính mình ông, vị tiên tri chẳng có quyền phép nào để đem đứa trẻ trở lại với sự sống cả. Ông không đòi hỏi gì từ Chúa, ông cũng không “nói tới và đòi hỏi việc ấy”. Ông chỉ hạ mình xuống cầu xin Đức Chúa Trời “khiến cho linh hồn của đứa trẻ nầy trở lại trong mình nó”. Đấy là quá nhiều đối với sự ông cầu xin. Phần còn lại là tùy thuộc vào Đức Chúa Trời.
III. Đáp ứng của Đức Chúa Trời
Giờ đây, chúng ta thấy cách thức Đức Chúa Trời đáp ứng với lời cầu xin sôi sụt của Êli. “Đức Giê-hô-va nhậm lời của Ê-li” (câu 22). Tôi thích câu nói ấy. Phân đoạn không nói Chúa lắng nghe lời cầu xin của Êli, mặc dù ông đã cầu nguyện. Kinh thánh chép: “Đức Giêhôva nhậm lời của Êli”. Bạn có bao giờ tự hỏi không biết Kinh thánh nói gì khi nhắc tới chỗ Đức Thánh Linh cầu thay cho chúng ta với những sự than thở không thể nói ra được không (Rôma 8:26-27)? Khi tôi sống ở miền Nam California cách đây nhiều năm, tôi có nghe một vị giáo sư dạy Kinh thánh nói tới một vụ tai nạn, trong đó vợ ông đã bị thương nặng. Khi ông ra tới hiện trường tai nạn, vợ ông đã bất tỉnh và mạng sống của bà như chỉ mành đang treo trên cân. Khi ông theo xe cứu thương tới bịnh viện cùng với bà, ông trải dài hai cánh tay trên thân thể bà. “Trong khoảnh khắc ấy mọi sự tôi có thể làm và nói là: Ôi Chúa, Ôi Chúa Jêsus ơi, Ôi Đức Chúa Trời ơi, Ôi Chúa Jêsus ơi, Ôi Chúa, Ôi Chúa Jêsus ơi”. Khi ấy ông nói thêm: “Tôi cảm thấy đây là lần đầu tiên trong đời tôi mới thực sự cầu nguyện”.
Khi tôi nghe ông nói như thế, lý trí tôi quay trở lại với cái đêm đứa con thứ nhứt của tôi chào đời. Vợ tôi đã quá hạn vài tuần rồi, và đêm đó đã có nhiều biến chứng và khó khăn. Trong nhiều giờ đồng hồ chờ đợi, vị bác sĩ cảnh báo chúng tôi rằng họ phải làm cuộc giải phẩu để lấy thai ra. Có lúc trong những giờ phút ấy, vị bác sĩ đã bước vào rồi nói cho chúng tôi biết rằng đứa bé bị suy tim thai. Ông chỉ cho chúng tôi thấy trên màn hình thể nào nhịp tim đập của nó trên biểu đồ lên xuống kia. “Chúng tôi đang quan sát việc nầy, nhưng cũng chẳng ích gì”. Hai hay ba tiếng đồng hồ trôi qua, và khoảng 5 giờ 15 sáng — tôi sẽ không bao giờ quên sự việc nầy — vị bác sĩ bước vào với nét căng trên mặt ông. Ông thốt ra một câu: “Chúng tôi sẽ lấy đứa bé ra ngay bây giờ”. Đấy chẳng phải là một câu hỏi. Ông không hỏi xin phép tôi đâu. Thình lình căn phòng rộn ràng với hoạt động. Các y tá vào rồi ra, xe lăn được đẩy vào, có người ẳm lấy vợ tôi, rồi trong vòng ba mươi giây căn phòng hoàn toàn trống đi trừ ra tôi. Sự việc xảy ra quá nhanh, tôi không có cơ hội để hôn tạm biệt vợ mình nữa. Tôi không có một cơ hội để cầu nguyện với nàng. Tôi không có một cơ hội để làm một việc gì hết. Việc sau cùng tôi nhìn thấy là gương mặt sợ hãi của vợ tôi khi họ đẩy chiếc xe lăn đưa nàng vào phòng giải phẩu. Rõ ràng đây là một việc tồi tệ đang diễn ra và họ sắp sửa lấy nhanh đứa bé ra. Khi tôi ngồi một mình trong căn phòng ấy, tôi cố gắng cầu nguyện song tôi không thể. Không một lời nào được thốt ra cả. Mọi sự tôi có thể làm là nói: “Lạy Đức Chúa Trời, xin thương xót. Lạy Chúa Jêsus, xin thương xót. Lạy Chúa. Lạy Chúa”.
Sau mọi điều dường như là bảy tiếng đồng hồ, mặc dù là chỉ có khoảng 20 phút sau đó, vị bác sĩ bước vào rồi nói: “Ông Pritchard ơi, ông có một đứa con trai. Nó rất khỏe. Nó không sao cả. Vợ ông đang hồi sức kia”. Và tôi cảm thấy ngày ấy giống như lần đầu tiên tôi đã từng cầu nguyện trong cuộc đời của mình.
Những lời cầu nguyện sôi động
Giacơ 5:17 chép Êli là một người với bản chất giống như bản chất của chúng ta. Ông vốn có cùng những nổi lo sợ, cùng những nghi ngờ, cùng những trăn trở và cùng những quan tâm như chúng ta. Câu đứng trước trong bản Kinh thánh King James chép rằng lời cầu nguyện sốt sắng, bền đỗ của một người công bình sẽ có linh nghiệm nhiều. Từ ngữ sốt sắng ra từ một chữ Hylạp có ý nói tới sự sôi động. Những lời cầu nguyện sôi động của người công bình có linh nghiệm nhiều với Đức Chúa Trời. Lời cầu nguyện sôi động là lời cầu nguyện như thế nào? Cầu nguyện như thế thì chẳng có gì phải làm với việc đứng hay ngồi, quì gối hay nằm dài. Chẳng có gì phải làm với việc cất tiếng bạn lên hay nói thì thầm. Chẳng có gì phải làm với việc nói lớn tiếng hay bạn cầu nguyện bao lâu. Thực sự tôi chẳng cần phải quyết gì về mọi điều đó. Khi họ đưa con trai hay con gái tôi đi để giải phẩu, bạn sẽ khám phá ra lời cầu nguyện sôi động sẽ là thế nào ngay. Khi con cái của bạn lâm vào cảnh rối reng, bạn sẽ dâng những lời cầu nguyện sôi động lên Đức Chúa Trời. Đấy là những gì xảy ra khi bạn cầu nguyện giống như chẳng có một việc gì khác trên thế gian thực sự là vấn đề nữa.
Khi Kinh thánh chép: “Đức Giê-hô-va nhậm lời của Ê-li”, thì có ý nói lúc ông nằm ấp mình lên thi thể đã chết của đứa trẻ đó, có một việc quan trọng đã xảy ra. Đức Chúa Trời đã phán từ thiên đàng, Ngài nói: “Được rồi, hỡi người của Đức Chúa Trời, sẽ được thành vậy”. Phần ứng dụng rất đơn sơ. Hãy cầu nguyện giống như thế thì bạn sẽ thấy thiên đàng mở ra vì ích cho bạn ngay. Những lời cầu nguyện sôi động hiệu quả của người công bình thật có linh nghiệm nhiều.
Sự sống của đứa trẻ đã trở lại với nó và nó đã sống. Đứa trẻ ấy đã chết và đã trở lại với sự sống. Đây quả là một phép lạ của Đức Chúa Trời.
IV Lời làm chứng của một bà mẹ
Giờ đây chúng ta đến với phần cuối của câu chuyện lạ lùng nầy. Sau khi nhìn thấy con mình đã trở lại với cuộc sống, bà mẹ biết ơn tuyên bố với Êli: “Bây giờ tôi nhìn biết ông là một người của Đức Chúa Trời, và lời phán của Đức Giê-hô-va ở trong miệng ông là thật” (câu 24). Kinh thánh không ghi lại bà ta đã nói: “cảm ơn”, mặc dù chắc chắn là bà ta có nói. Câu nói đó không được ghi lại ở đây vì đấy chẳng phải là mục đích. Lời lẽ của bà ta giải thích phép lạ, và chúng cũng giải thích lý do tại sao không phải mỗi bà mẹ đều nhận được phép lạ nầy khi có đứa con nhuốm bịnh tới chỗ phải chết. Phép lạ xảy ra để xác quyết Êli là vị tiên tri được Đức Chúa Trời ấn định. Đức Chúa Trời đã hứa sẽ nuôi dưỡng tất cả ba người trong số họ – bà mẹ, đứa con và Êli – cho tới chừng nào mưa xuống và cơn hạn hán chấm dứt (câu 14). Trên cơ sở của lời hứa đó, Êli tin rằng Đức Chúa Trời sẽ đem đứa trẻ trở lại với sự sống. Nghe thì thật là kỳ lạ, phép lạ chỉ nhắm ít vào đứa trẻ và nhắm nhiều vào quyền phép của Đức Chúa Trời tác động qua Êli. Đây là một phép lạ của ân điển tối thượng, được ban ra chỉ một lần nầy trong đời sống của Êli và không bao giờ ban ra nữa trong suốt chức vụ của ông. Đức Chúa Trời đã trả lời cho sự cầu nguyện nầy bởi nhân vật nầy theo phương thức nầy vào thời điểm đặc biệt nầy cùng lúc. Và Ngài đã làm việc ấy vì mọi mục đích của riêng Ngài. Chẳng có phương cách nào khác để hiểu rõ câu chuyện. Đây là một bài học nói tới Đấng Tể Trị vũ trụ đang vận hành trong một phương thức lạ lùng để trả lời cho sự cầu nguyện sốt sắng của vị tiên tri.
“Bây giờ tôi nhìn biết”, người đàn bà góa nói. Hãy suy gẫm câu nói nầy nhé! Hãy suy nghĩ về mọi sự chúng muốn nói tới đi. Đây là một sứ điệp đến từ Đức Chúa Trời cho Hội thánh của Đức Chúa Jêsus Christ. Thế gian chờ đợi để nhìn thấy quyền phép của Đức Chúa Trời. Thế gian không cần công thức nào khác, và chắc chắn thế gian không cần nhiều lời hứa sáo rỗng. Thế gian cần những gì người đàn bà nầy cần – một sự bày tỏ ra quyền phép của một Đức Chúa Trời hằng sống.
Khi Giăng Báptít bị nhốt trong ngục tù, ngã lòng và bị nghi ngờ vây hãm, ông đã sai các sứ giả đến gặp Chúa Jêsus với câu hỏi: “Thầy có phải là Đấng phải đến, hay là chúng tôi còn phải đợi Đấng khác chăng?” (Mathiơ 11:2-3). Đấy là thắc mắc rất đúng đắn. Thế gian nhìn vào chúng ta rồi nói: “Ông nói nhiều về Jêsus, nhưng làm sao chúng tôi biết Ngài là Đấng mà chúng tôi đang trông mong chứ?” Hãy nhớ rằng Giăng đã gọi Chúa Jêsus là Chiên Con của Đức Chúa Trời là Đấng cất tội lỗi thế gian đi (Giăng 1:29). Nhưng giờ đây, ông nói: “Thầy có phải là Đấng phải đến, hay là chúng tôi còn phải đợi Đấng khác chăng?” Và Chúa Jêsus đã đưa ra câu trả lời như thế nào? Ngài không quở trách Giăng vì sự nhầm lẫn thuộc linh của ông ấy và Ngài không trưng dẫn lời tiên tri trong Cựu Ước (là điều Ngài có thể làm). Thay vì thế, Ngài dặn dò các sứ giả hãy quay trở về rồi nói cho Giăng biết những gì họ đã thấy và nghe. Kẻ mù thấy được. Người điếc nghe được. Người phung được sạch. Kẻ què đi được. Người chết được sống lại. Và kẻ nghèo đã nghe Tin Lành rao giảng cho họ (Mathiơ 11:4-6). Hãy để quyền phép của Đức Chúa Trời cho người ta thấy được và thế gian sẽ chú ý vào sứ điệp của chúng ta. Những kẻ vô tín không cần biết đến chúng ta vì chúng ta đã cung ứng cho họ nhiều công thức khi chúng ta cần phải bày tỏ ra quyền phép của Đức Chúa Trời hằng sống.
Bà ta nói: “Bây giờ tôi nhìn biết”. Hãy so sánh câu nói đó với câu 18, ở đó bà ta nói năng cách cay đắng với Êli. Nổi cay đắng của bà ta chuyển thành đức tin khi bà ta đạt tới chỗ hiểu biết rằng chỉ có Đức Chúa Trời mới chữa lành những thương tích mà thôi. Khi đứa trẻ được sống lại với sự sống, người đàn bà góa được khích lệ và vị tiên tri được khẳng định.
Trong chuyến hành trình của chúng ta qua đời sống của Êli, chúng ta đã đến với phần cuối thời kỳ sửa soạn của riêng ông. Ông biết rất ít là không bao lâu nữa ông sẽ đương diện với các tiên tri Baanh trong cuộc đấu công khai long trọng nhất của cuộc đời mình. Trước khi chúng ta tiếp tục, chúng ta hãy nhìn vào sự sửa soạn cho viễn cảnh của Êli. Hãy suy nghĩ việc ấy theo cách nầy:
Ông đã sống trong hang động khi ông gia nhập Đại học đường Dòng Khe Cạn Khô.
Thế rồi ông chuyển vào Trường Tốt Nghiệp Thùng Bột Trống Rỗng.
Giờ đây, ông đã hoàn tất chức vụ bác sĩ nội trú Bịnh viện Phục sinh.
Tất cả mọi điều nầy đều nằm trong một phần đào tạo cho Êli để khiến ông biết sẵn sàng cho công việc mà Đức Chúa Trời đã dành cho ông phải lo làm. Ông đã học được gì từ ba giai đoạn nầy?
Ở khe suối kia, ông đã học biết: “Đức Chúa Trời có thể chăm sóc tôi”.
Từ cái thùng bột rỗng, ông học biết: “Đức Chúa Trời có thể sử dụng tôi để làm ích cho tha nhân”.
Từ đứa trẻ đã chết kia, ông đã học biết “Đức Chúa Trời có thể vận hành qua tôi để làm việc bất khả thi”.
Ấy chẳng phải bởi tình cờ mà trong câu 1 của I Các Vua 17 ông được gọi là “Êli, người Thisêbe”, mà trong câu 24 người đàn bà gọi ông là một “người của Đức Chúa Trời”. Sự sửa soạn của Đức Chúa Trời đã hoàn tất. Giờ đây Êli đã sẵn sàng cho thách thức tối hậu. Không một ai trở thành “người của Đức Chúa Trời” do tình cờ cả, và không một ai trở thành người của Đức Chúa Trời chỉ qua một đêm thôi đâu. Đức Chúa Trời phải đưa chúng ta đến với cứu cánh của chúng ta hầu cho chúng ta học biết mọi sự về Ngài chớ không phải về chúng ta. Khi sau cùng sự thực ấy vỡ ra, chúng ta cần phải sẵn sàng để cho Đức Chúa Trời đại dụng theo một phương thức thật hoành tráng.

Lạy Cha trên trời, chúng con cảm tạ Ngài vì truyện tích nầy phán cùng chúng con với nhiều cấp độ. Chúng con cảm tạ Ngài vì sự khích lệ của nó. Lạy Chúa, chúng con xưng nhận rằng hết thảy chúng con đều có những thắc mắc mà chúng con không thể giải đáp được. Ngài làm những việc mà chúng con không hiểu nổi và đặt chúng con vào những chỗ mà dường như chẳng có ý đồ gì cả. Nhưng chúng con cảm tạ Ngài vì Ngài là một Đức Chúa Trời có ý đồ thật khôn ngoan. Cảm tạ Ngài vì ân tứ cầu nguyện. Xin ban cho chúng con đức tin giống như đức tin của Êli. Xin tha thứ cho chúng con vì đã đứng lùi lại và hồ nghi thay vì tin cậy Ngài về điều bất khả thi. Xin dạy cho chúng con biết cầu nguyện sao cho sôi động, bền đỗ và hiệu quả để thế gian có thể nhìn vào chúng con rồi họ sẽ nói: “bây giờ chúng tôi biết Đức Chúa Trời hằng sống có mặt tại chỗ nầy”. Trong danh Chúa Jêsus. Amen.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét