Thứ Năm, 12 tháng 1, 2012

Sáng thế ký 32-33: "Chữa Lành Những Thương Tổn Trong Quá khứ"


Chữa Lành Những Thương Tổn Trong Quá Khứ

– Sáng thế ký 32-33
Cái nào khó hơn? Tha thứ hay được tha thứ? Bạn có thể bàn bạc xem.
Nếu bạn nói tha thứ là khó hơn, bạn nói đúng đấy. Khi bạn tha thứ cho ai đó, bạn đang làm ít nhất hai việc:
1. Bạn đang chọn bỏ qua nổi đau của quá khứ.
2. Bạn đang chọn cung ứng cho kẻ vi phạm một cơ hội khác.
Vì thế, bạn đã nói đúng. Tha thứ thì khó khăn hơn nhiều lắm.
Tất nhiên, trừ phi bạn nói được tha là khó khăn hơn. Trong trường hợp đó, rõ ràng bạn nói đúng vì bất cứ khi nào bạn quyết định mình đã được tha thứ, bạn đang làm ít nhất ba việc:
1. Bạn đang nhìn nhận lỗi lầm của mình.
2. Bạn đang nhận lãnh sự tha thứ.
3. Bạn đang mặc nhiên nhất trí với một chuỗi hành động mới.
Cái nào là khó khăn hơn — tha thứ hay được tha thứ? Mọi sự ấy đều nương vào nhận định của bạn — và trong trường hợp bạn là kẻ phạm lỗi hoặc bạn là nạn nhân.
Sự thực là, về mặt con người thì cả hai đều rất khó. Hầu hết chúng ta đều thấy khó mà tha thứ lắm. Phần nhiều người trong chúng ta thậm chí đều thấy được tha thứ là khó hơn. Thực sự, đấy là sứ điệp của Sáng thế ký 32-33. Tha thứ là khó rồi, còn được tha cũng khó như thế thôi. Kỳ thực, đôi lúc thật là dễ dàng cho chúng ta tha thứ ai đó hơn là để mình được ai đó tha thứ cho.
Một điều mà chúng ta có thể đồng ý luôn: Dù bạn đang tha thứ hay đang được tha thứ, mục tiêu luôn luôn là như nhau — Chữa lành … Hòa giải … Hội hiệp lại … Phục hồi … Phá đổ các bức tường phân cách chúng ta.
20 năm suy gẫm
Vậy, làm cách nào bạn chữa lành loại tổn thương rất đau đớn trong quá khứ? Sáng thế ký 32-33 cung ứng giải đáp cho câu hỏi đó. Đây là câu chuyện nói tới sự hội hiệp lại của Giacốp với người anh xa lạ của mình là Êsau. Qua kinh nghiệm khó nhọc, Giacốp đã khám phá ra sự hòa giải là khả thi, song rất … rất khó và rất … rất đắt giá.
Hai mươi năm đã trôi qua kể từ khi Giacốp gặp Êsau lần cuối cùng. Trong suốt những năm tháng dài lâu ở tại Charan, tôi tự hỏi Giacốp đã suy nghĩ những gì. Có phải ông nhớ lại cái ngày mà ông đã gài bẫy Êsau để lấy quyền trưởng nam bằng tô canh phạn đậu không? Có phải hai gò má của ông bừng lên với nổi xấu hổ khi ông nhớ lại việc đội lốt để giống như Êsau chăng? Có phải ông cảm thấy hối tiếc vì đã nói dối với cha mình? Có phải ông hối hận vì đã hôn Ysác rồi giả vờ mình là Êsau không? Có phải ông không biết điều gì sẽ xảy ra nếu như ông biết chờ đợi nơi Đức Chúa Trời? Có phải ông hối tiếc về các xử sự bốc đồng của mình khi về lại Bêe Sêba chăng?
Nhưng giờ đây, chỉ có một thắc mắc đang bám chặt lấy lý trí ông: Êsau sẽ phản ứng thế nào đây? Trong bài học vừa qua, Giacốp đã sai các sứ giả đi gặp Êsau, hy vọng tìm được ơn của Êsau. Các sứ giả trở về với lới lẽ rằng Êsau đang đi ra đón Giacốp — có 400 người kèm theo!
400 người!
Giacốp hoảng sợ — và với lý do đúng đắn. Trong lý trí của ông, chỉ có một việc mà thôi: Êsau đang tới đến để lấy mạng ông. Ông ấy vẫn còn giận dữ sau những năm tháng dài ấy. Vì vậy Giacốp nắm lấy ba bước dè chừng như thế nầy:
A. Ông chia dân sự mình ra thành nhiều tốp (Sáng thế ký 32:7-8).
Lối lý luận của ông rất dễ hiểu: “Nếu Êsau đến rồi tấn công một tốp, thì tốp còn lại có thể trốn thoát”. Cách chia nầy rất hay về mặt quân sự, và nó cho thấy rằng dù tình huống có tuyệt vọng từ quan điểm của Giacốp. Ông đang sẵn sàng hy sinh phân nửa gia đình mình để cứu lấy phân nửa kia.
B. Ông cầu xin Đức Chúa Trời giải cứu (Sáng thế ký 32:9-12).
Lần đầu tiên lời cầu nguyện nầy được ghi lại cho Giacốp — và đấy đúng là một lời cầu nguyện rất quan trọng. Thứ nhứt, ông gợi lại lời hứa của Đức Chúa Trời đã lập với Ysác và với Ápraham (9). Thứ hai, ông xưng ra tình trạng bất xứng của mình (10). Thứ ba, ông công bố sự nhơn từ Đức Chúa Trời dành cho mà ông không đáng được (10). Thứ tư, ông cầu xin được giải cứu khỏi Êsau (11). Thứ năm, ông bày ra nổi sợ hãi của mình về mấy bà mẹ và con trẻ sẽ bị tấn công (11). Thứ sáu, ông nhắc cho Đức Chúa Trời nhớ lại lời hứa chúc phước của Ngài dành cho ông (12).
Mặc dù đây là bốn câu nói rất dài, lời cầu nguyện nầy chứa mọi yếu tố của lời cầu nguyện theo Kinh thánh. Giacốp đang thốt ra những việc đúng đắn. Lời cầu xin ấy hà ra một tâm thần hạ mình chơn thật và tin cậy sâu sắc nơi Đức Chúa Trời. Hay hơn hết, lời cầu nguyện thì ngắn ngủi và nhắm vào mục đích, chính xác là những điều tôi sẽ cầu xin nếu tôi nghĩ gia đình tôi đang bị đe dọa.
C. Ông dâng các lễ vật cho Êsau để xây cơn giận của ông ấy đi (Sáng thế ký 32:13-21).
Đây là một trường hợp làm nguôi giận rất xa xưa — nghĩa là “xua cơn giận đi bằng cách dâng một lễ vật”. Những người làm chồng làm việc ấy suốt, khi họ ngừng xe lại để mua bó hoa lúc họ từ sở làm về nhà trễ. Nhưng Giacốp đang dâng tặng còn nhiều hơn bó hoa đó. Phân đoạn Kinh thánh liệt kê ra quà tặng của ông như sau đây:
200 dê cái
20 dê đực
200 chiên cái
20 chiên đực
30 lạc đà cái (có con của chúng nữa)
40 bò cái
10 bò đực
20 lừa cái
10 lừa đực
Rõ ràng, Giacốp đang gửi đi vài sứ điệp bằng cách dâng một số lễ vật khá lớn về thú vật:
1. cho thấy rằng ông rất giàu
2. cho thấy rằng ông thực sự muốn tương giao với Êsau
3. cho thấy rằng ông công nhận tình trạng to lớn của tội lỗi mình khi nghịch lại với anh mình.
4. cho thấy rằng ông công nhận tình trạng vĩ đại của Êsau bằng cách dâng một lễ vật to lớn cho ông ấy.
Mọi yếu tố nầy đang được thể hiện. Giacốp không những chọn lọc lễ vật cho Êsau, mà ông còn cung ứng những huấn thị đặc biệt cho những người sẽ dẫn bầy gia súc ấy đến cho Êsau. Khi Êsau hỏi điều nầy có nghĩa gì, họ cần phải đáp như sau: “Chúng thuộc về Giacốp tôi tớ của ông. Chúng là lễ vật được gửi cho chúa tôi là Êsau và ông ấy đang đi ở đàng sau chúng tôi”.
Bạn không thể mua được sự tha thứ
Mọi động cơ của Giacốp rất là trong sáng. Ông hy vọng áp đảo anh ruột mình và xua cơn giận của Êsau đi. Thực vậy, câu 20 chỉ ra sự thực ấy rất cụ thể: “Mình đem lễ nầy dâng trước cho Ê-sau nguôi giận đã, rồi mình sẽ giáp mặt sau; có lẽ người tiếp rước mình một cách thuận hiệp đó”.
Có gì sai với sự việc nầy không? Thực sự là chẳng có gì sai trật hết. Toàn bộ ý tưởng về việc tặng một món quà để xua cơn giận đi đều là theo Kinh thánh cả. “Làm nguôi giận” là một trong những từ Hylạp được sử dụng để mô tả sự chết của Đấng Christ (Rôma 3:24-25; I Giăng 2:2). Bởi sự chết có tính cách hy sinh của Ngài trên thập tự giá, Chúa Jêsus đã “làm nguôi cơn giận” của Đức Chúa Trời đi. Theo một cấp độ quan hệ, Châm ngôn 18:16 chép: “Của lễ của người nào dẹp đường cho người, và dẫn người đến trước mặt kẻ sang trọng”. Đây đúng là điều mà Giacốp đang trông mong.
Nhưng có một vấn đề ở đây. Giacốp vẫn còn suy nghĩ luôn về mức độ báo thù và xoa dịu trong sạch về mặt con người. Ông đang ra sức “mua” ơn tha thứ bằng lễ vật xa hoa của mình. Ông tưởng ông có thể chuộc lấy mọi tội lỗi của mình bằng cách hiến một số dê, lạc đà và bò. Sự việc không tác động theo cách nầy đâu — ở trên đất hay trên trời. Đức Chúa Trời không muốn huyết của loài thú; Ngài muốn dân sự Ngài phải đến với Ngài bằng tấm lòng đau thương thống hối kìa. Cũng thực như thế đối với Êsau. Việc sau cùng ông muốn còn hơn vài trăm con thú ấy. Ngay cả như nếu ông chấp nhận bầy thú kia, cũng không chuộc được những gì Giacốp đã làm.
Giacốp tại rạch Giabốc
Nhưng Giacốp không hình dung nổi điều đó, vì vậy ông sai bầy thú đi trước ông. Đấy đúng là việc cần làm để ông có thể qua đêm bên rạch Giabốc. Lời lẽ nào sẽ mô tả tình trạng cảm xúc của ông?
Sợ hãi
Lo âu
Tội lỗi đang xâu xé
Bất ổn trong lòng
Đắn đo
Báo động
Đấy là lúc mà người khách lạ huyền nhiệm kia xuất hiện rồi bắt đầu vật lộn với ông. Đến sáng hôm sau, Giacốp có ba việc mới:
Một cái tên mới
Một thói tật mới (đi khập khiễng)
Một sự tin cậy mới nơi Đức Chúa Trời
Trong mấy giờ đồng hồ bên rạch Giabốc, tình trạng tự tín ngoan cố của ông đã bị tan vỡ. Đến khi mặt trời mọc lên, Giacốp đã tiếp thu được hai bài học có giá trị:
1. Khi bạn đồng đi với Đức Chúa Trời, bạn không cần phải sợ hãi.
2. Khi bạn đồng đi với Đức Chúa Trời, bạn không cần phải tham dự vào những trò chơi.
Một khi ông hoàn toàn đầu phục Đức Chúa Trời, nổi sợ hãi của ông tan biến đi và ông đã sẵn sàng gặp gỡ Êsau. Lưu ý: Ông không biết chắc Êsau sẽ đáp ứng như thế nào, nhưng sau khi vật lộn với thiên sứ của Đức Giêhôva, nổi sợ kia không còn là vấn đề nữa.
Không dám chắc, nhưng tin cậy
Đúng là một sự thực rất to lớn. Câu trả lời của Đức Chúa Trời cho nổi sợ hãi là không dám chắc, nhưng tin cậy. Sự vắng mặt của sợ hãi không xứng với tính chắc chắn của sự giải cứu. Bạn còn nhớ lời lẽ của ba bạn Hêbơrơ khi họ bị ném vào lò lửa hực chăng? (Đaniên 3). “Đức Chúa Trời mà chúng tôi hầu việc, có thể cứu chúng tôi thoát khỏi lò lửa hực, dầu chẳng vậy, hỡi vua, xin biết rằng chúng tôi không hầu việc các thần của vua, và không thờ phượng pho tượng vàng mà vua đã dựng”. Đấy là sự tin cậy chơn thật theo Kinh thánh. Có thể bạn sẽ được cứu; có thể bạn không được cứu. Nhưng nếu bạn nhìn biết Đức Chúa Trời, lò lửa hực không thành vấn đề. Ngài có thể cứu bạn ra khỏi lò lửa hực hoặc Ngài có thể cứu bạn trong lò lửa hực. Hay Ngài chẳng cứu bạn về phần xác, nhưng dù cho như thế, Đức Chúa Trời đã hứa không bao giờ lìa khỏi bạn dù hoàn cảnh của bạn có tồi tệ như thế nào đi nữa.
Vì thế, Giacốp chẳng có ý kiến về những gì ông gặp gỡ khi đối mặt với Êsau. Nhưng lần nầy, thì chẳng có gì là vấn đề nữa hết. Không còn trò chơi nữa. Không còn có lễ vật xa hoa nữa. Không còn thương lượng gì nữa hết. Chỉ có người anh đang đi ra để đón người em mà thôi. Những gì xảy ra kế đó đều qui hết về cho Đức Chúa Trời.
Giacốp gặp gỡ Êsau — Sau cùng!
Gia-cốp nhướng mắt lên và nhìn, kìa, Ê-sau dẫn bốn trăm người đi đến. Khoảnh khắc của sự thực đã đến rồi. Bất cứ lúc nào nan đề phát sinh, bạn luôn luôn có hai ý tưởng: Bạn có thể chạy trốn nó hay bạn có thể đối đầu với nó. Giacốp quyết định mặt đối mặt với Êsau. “Còn người, thì đi trước họ và sấp mình xuống đất bảy lần cho đến khi tới gần anh mình”. Đây là cách thích ứng để chào đón một vị vua Đông phương. Bạn có nhớ Giacốp đã gọi Êsau là gì khi ông gửi tặng phẩm cho Êsau không? Giacốp đã gọi Êsau là “chúa tôi” và ông tự gọi mình là “tôi tớ ông”. Đây là lời lẽ của một con người phạm tội! Bằng cách sấp mình xuống đất, ông đang nhìn nhận tội lỗi và nài xin ơn tha thứ.
Êsau phản ứng thế nào? Với chỉ một lời, ông có thể truyền cho binh sĩ của mình giết Giacốp ngay tại chỗ! Ông đã làm gì chứ? Nếu ông muốn lấy mạng Giacốp, thì đây là cơ hội lớn nhất của ông.
“Nhưng Ê-sau chạy đến trước mặt người, ôm choàng cổ mà hôn, rồi hai anh em đều khóc”. Đúng là một khoảnh khắc hiếm có. Trong khi Giacốp đang sấp mình xuống, Êsau đã chạy đến ôm lấy em mình. Giống như tình trạng thù địch trong 20 đã bị cuốn trôi đi rồi vậy.
Rêbeca đã nói đúng. Bà đã nói cho Giacốp biết khi ông rời khỏi Bêe Sêba rằng cơn giận của Êsau chắc chắn sẽ nguôi đi. Bà biết rõ hai đứa con trai của bà, có phải không? Giống như một quả núi lửa sau khi đã phun rồi, Êsau đã nguội dần đi, rồi tự lo liệu cuộc sống cho chính mình, và theo sáng kiến của riêng mình, ông đã quyết định tha thứ cho Giacốp.
Thật là trớ trêu! Trong suốt những năm tháng Giacốp sống trong nổi sợ chết chóc khi gặp gỡ anh mình. Cũng thời gian đó, Đức Chúa Trời đã làm việc trong tấm lòng của Êsau, dẫn đưa ông tới chỗ tha thứ. Trong khi Giacốp lo sợ anh mình, Êsau không thể chờ đợi để gặp gỡ Giacốp.
Ơn tha thứ được ban ra — chớ không phải kiếm được đâu
Sau khi Giacốp trình gia đình mình với Êsau (5-7), Êsau hỏi lý do tại sao Giacốp lại gửi bầy thú vật cho ông. Câu trả lời của Giacốp là chơn thật: “Ấy để nhờ ơn trước mặt chúa tôi” (8). Nhưng, Êsau nói: “Hỡi em! anh đã được đủ rồi; vậy, hãy lấy lại vật chi của em đi” (9). Câu đáp của Giacốp có tính cách thông báo: “Xin anh, không. Nếu em được ơn trước mặt anh, hãy nhận lấy lễ vật bởi tay em làm ra đi; vì em thấy được mặt anh khác nào người ta thấy được mặt Đức Chúa Trời, và anh đã đẹp lòng tiếp rước em. Xin anh hãy nhận lấy lễ vật em đã dâng cho anh, vì Đức Chúa Trời cho em đầy dẫy ân huệ, và em có đủ hết. Người nài xin Ê-sau quá đến đỗi phải chịu nhận lấy” (10-11). Phân đoạn Kinh thánh nói thêm rằng Êsau đã tiếp nhận lễ vật chỉ vì Giacốp đã khăng khăng.
Bạn có thấy sự khác biệt giữa Giacốp và Êsau không? Ở một mức độ nào đó, Giacốp vẫn ra sức tìm kiếm ơn tha thứ. Ông gửi các bầy gia súc để “được ơn” trước mắt Êsau. Nhưng giờ đây, ông nhìn biết rằng bạn không dâng một lễ vật để kiếm được ơn tha thứ, nhưng là một phần đáp ứng với ơn tha thứ rời rộng đã được ban cho bạn. Điều đó nghe giống như là trò chơi chữ, nhưng sự khác biệt rất là quan trọng. Trong một trường hợp, bạn dâng để được nhận lãnh. Nói khác đi, bạn dâng vì bạn trước tiên đã nhận lãnh.
Ơn tha thứ luôn luôn là một ơn rời rộng. Nếu ơn ấy không rời rộng, thì đấy chẳng là ơn tha thứ nữa.
Tôi dừng lại để đưa ra một lời lưu ý. Trong chương nầy, Êsau trông tốt đẹp hơn Giacốp. Đấy là cú sốc trong câu chuyện nầy. Ở từng điểm một, Êsau dường như sẵn sàng để tha thứ hơn là Giacốp sẽ được tha thứ. Giacốp trông và hành động giống như một người có tội vậy. Trong khi Giacốp sấp mình xuống đất, Êsau là người chạy đến gặp ông. Trong khi Giacốp gọi ông là: “chúa tôi”, Êsau vòng hai cánh tay mình qua cổ ông. Trong khi Giacốp đẩy các lễ vật dúi vào ông, Êsau mời mọc Giacốp đến nhà của ông ấy.
Người nào là con trai của lời hứa? Giacốp.
Ai là người được Đức Chúa Trời lựa chọn? Giacốp.
Người nào nhìn biết Đức Chúa Trời? Giacốp.
Thế mà chính Êsau — người con của thế gian — là người sẵn sàng, bằng lòng và sốt sắng tha thứ. Ông bằng lòng tha thứ cho Giacốp hơn là Giacốp muốn được tha thứ nữa. Trong trường hợp nầy, kẻ bị xúc phạm đã bằng lòng tha thứ cho tội nhân hơn là tội nhân muốn được tha thứ nữa.
Một lời nói dối sau cùng
Suốt cả đêm, Êsau đáng phải sôi giận lên. Nhưng ông không giận như thế. Còn Giacốp đã có một thời gian khó xử với sự việc thể ấy. Khi bạn đến với phần cuối của câu chuyện (33:12-17), Êsau nài xin Giacốp đến với ông tại nhà riêng ở Sê-i-rơ. Giacốp ngần ngại đồng ý và hứa đi theo Êsau đến đó. Nhưng khi thời điểm đến, Giacốp đi về hướng Tây đến Sucốt trong khi Êsau đi về phía Nam đến Sê-i-rơ.
Điều chi đang diễn tiến ở đây vậy? Bản chất cũ của Giacốp lại xuất hiện ra ngoài mặt và khiến ông phải nói dối Êsau thêm một lần nữa. Hãy suy nghĩ về việc ấy. Ngay sau khi được tha thứ … và sau khi hoà giải rồi … sau khi lễ vật được nhậm … rồi những cái ôm hôn và những giọt nước mắt … ngay sau khi mọi chuyện đều được xếp lại … sau hết mọi sự ấy, và với động lực tốt nhứt trong mọi động lực, Giacốp vẫn không thể tin rằng mọi sự đều suông sẻ giữa ông và anh mình. Vì vậy, ông thốt ra lời nói dối sau cùng, rồi đi đường riêng mình.
Hòa giải rất là khó
Có phải điều nầy làm giảm sút sự hòa giải ở giữa họ không? Không dám đâu. Đơn thuần thì hiển nhiên sự hòa giải vốn khó khăn là dường nào trong cái thế giới thực nầy. 20 năm phân cách đã tước đi nhiều điều nơi họ, và đã tạo ra những dị biệt về văn hóa cùng khoảng cách tình cảm không thể một sớm một chiều mà vượt qua được. Có lẽ Giacốp sợ rằng khi đi đến nhà của Êsau, ông sẽ rơi vào chỗ phục hồi lại sự đối đầu của họ. Có lẽ ông sẽ bị thổi bay đi bởi sự rời rộng của Êsau và chắc là không biết phải xử lý thế nào với việc ấy. Thực ra, có một số người chúng ta có thể làm bạn với tốt hơn nếu chúng ta không thường xuyên gặp gỡ họ. Và có một số thành viên trong gia đình chúng ta sẽ yêu thương nhiều hơn nếu chúng ta không gặp họ cả năm một lần.
Nói như thế không phải là biện minh cho việc nói dối, nhưng nó đặt mọi hành động của Giacốp vào viễn cảnh thích ứng. Hòa giải là có thật, tha thứ đã được ban ra và đã được nhận lãnh, quan hệ được phục hồi, nhưng trong bản chất của những sự việc, Giacốp và Êsau không thể cho đồng hồ chạy ngược giống như thể chẳng có việc gì đã xảy ra được.
Minh chứng sau cùng nói tới sự thành thực của Giacốp là cái bàn thờ mà ông dựng lên khi ông đến tại Sucốt (33:18-20). Ở đó ông thờ lạy Đức Chúa Trời, ngợi khen Ngài vì sự nhơn từ Ngài khi đưa ông về lại quê nhà vào lúc sau cùng và phục hồi lại mối quan hệ của ông với Êsau.
Bốn bài học sau cùng về ơn tha thứ
Chúng ta hãy tóm tắt bốn trong những bài học chính về ơn tha thứ trong Sáng thế ký 32-33:
1. Đôi khi được tha thứ còn khó hơn là tha thứ.
2. Nhận lãnh ơn tha thứ đòi hỏi sự hạ mình sâu sắc và lòng dạn dĩ to lớn.
3. Bao lâu chúng ta còn sống trong sợ hãi, chúng ta không thể tha thứ hay đáng được tha thứ.
4. Chữa lành bắt đầu khi chúng ta xưng ra tội lỗi mình và nhận lãnh ơn tha thứ của Đức Chúa Trời.
Sự chữa lành có khả thi không? Có đấy.
Có khó không? Có đấy.
Liệu nó sẽ làm thay đổi quá khứ? Không.
Sự tha thứ sẽ làm gì? Nó buông tha chúng ta ra khỏi quá khứ để chúng ta có thể chuyển hướng vào tương lai.
Đâu là phần khó nhất liên quan đến việc được tha thứ? Tin chắc rằng sự tha thứ là khả thi.
“Cột tấm vải trắng vào thân cây sồi”
Có lẽ bạn đã nghe kể về chàng thanh niên kia đã phạm tội trọng, và giống như Người Con Trai Hoang Đàng, đã rời khỏi nhà mà đi xa xứ. Trong nhiều tháng trời, chàng thanh niên ấy đã chạy theo con đường tội lỗi bất cứ đâu nó dẫn anh ta đi tới. Không một việc tà ác nào mà anh ta chẳng phạm. Anh ta đã phạm từng tội lỗi ghi trong sách và đã phá vỡ 10 Điều Răn. Anh ta chưa hề viết một lá thư nào về cho bố mẹ mình. Họ không biết là anh ta còn sống hay đã chết nữa.
Ngày đến, khi anh ta nhận ra mình là kẻ dại dột. Với ao ước muốn được tha thứ, anh ta đã viết một lá thư gửi cho cha mình, rằng: “Cha ơi, nếu cha muốn con quay về, con sẵn sàng về đến nhà nhưng con sợ cha không tiếp đón con. Con sẽ ngồi trên xe lửa ngày thứ Ba tới đây. Nếu cha bằng lòng tha thứ con, khi xe lửa chạy ngang qua nhà mình, hãy cột mảnh vải màu trắng trên cây sồi ở trước sân. Khi con nhìn thấy mảnh vải trắng, con sẽ biết cha bằng lòng muốn con trở về. Nếu con không nhìn thấy nó, con sẽ ngồi luôn trên xe lửa rồi cứ đi tới mãi”. Người cha hồi báo: “Kìa con, hãy trở về đi Ta sẽ chờ đợi con”. Nhưng người con không tin cha mình.
Khi thứ Ba đến, anh ta lên xe lửa, đầy dẫy với nổi sợ, tự hỏi rằng cha mình sẽ làm gì chứ? Khi xe lửa đến gần, anh ta nói với người ngồi kế bên: “Tôi không thể với nhìn ra cửa sổ được. Khi chúng ta đến gần ngôi nhà màu trắng cạnh khúc cua kia, hãy nói cho tôi biết ông có nhìn thấy mảnh vải trắng treo trên cây sồi đó không nhé!” Người con cúi đầu xuống rồi chờ đợi. Khi xe lửa đi ngang qua ngôi nhà, người con ngẩn đầu lên và nói: “Ông ơi, ông có thấy gì không? Có mảnh vải trắng treo trên cây không?” Người kia đáp: “Tôi không nhìn thấy cây nào hết. Nó hoàn toàn bị phủ lấy với tấm vải màu trắng kìa”.
Thường thì người khác bằng lòng tha thứ hơn là chúng ta cần được tha thứ. Nhiều người sống nhiều năm trời trong các mối quan hệ tan vỡ vì họ không thể tin rằng tha thứ là khả thi. Việc khó nhất bạn từng phải làm là đến với ai đó rồi nói: “Tôi đã sai rồi. Ông có tha thứ cho tôi không?” Không có gì phải lo sợ cả, vì — giống như Giacốp — chúng ta lo sợ những gì người khác sẽ nói hay làm. Chúng ta sợ rằng nếu chúng ta đi ra khập khiễng, những người chúng ta gây tổn thương sẽ không tha thứ cho chúng ta. Bức tường tẻ tách chúng ta — thường xuyên là vậy — là thái độ chúng ta không bằng lòng được tha thứ.
Nhu cần lớn lao nhất của bạn
Tôi kết thúc với một lời của Tin Lành. Nhu cần lớn lao nhất của bạn là sự tha thứ của Đức Chúa Trời. Tôi vui sướng nói cho bạn biết rằng cây cối trên thiên đàng được khoác lấy bằng tấm vải trắng kia kìa. Đức Chúa Trời phán: “Nếu ngươi sẵn sàng, ngươi có thể về quê nhà. Nếu ngươi thấm mệt vì cớ tội lỗi, ngươi có thể để tha. Nếu ngươi thấm mệt vì ăn thức ăn thừa của ma quỉ, có một chỗ cho ngươi nơi bàn ăn tối của ta kìa”.
Có rất nhiều người bị xiềng xích với quá khứ, và tên của gã cai ngục là Sợ Hãi. Còn Những Tin Tức Tốt Lành! Chúa Jêsus có chiếc chìa khóa mở cửa vào trong sự tự do. Nếu bạn bằng lòng muốn được tha thứ, Chúa Jêsus có thể buông tha cho bạn được tự do.
Câu hỏi: Có phải bạn bằng lòng muốn được tha thứ không? Cho tới chừng nào câu trả lời là Muốn, bạn sẽ còn bị xiềng xích với quá khứ. Nhưng khi nào bạn bằng lòng với cả hai: tha thứ và được tha thứ, sự chữa lành mới có thể khởi sự.
Lạy Cha ở trên trời, chúng ta cần chức vụ của Thánh Linh Ngài dường bao ngay lúc bây giờ. Một số người trong chúng con mãi lo ơn tha thứ không còn nữa — quá lo mình không được tha, quá tội lỗi không đáng được tha thứ. Thay vì liều bị chối bỏ thêm một lần nữa, chúng con cứ mãi bám trụ. Thay vì thế chúng con lại phạm tội nhiều hơn là đáng được tha thứ. Nguyện Đức Chúa Trời tha thứ cho chúng con vì chọn sống xiềng xích với quá khứ. Xin ban cho chúng con lòng can đảm và sự hạ mình sâu sắc cả hai: tha thứ và muốn được tha thứ. Nguyện các bức tường phân cách chúng ta sẽ bị hạ xuống bởi quyền phép yêu thương của Chúa Jêsus. Amen.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét