Thứ Ba, 17 tháng 1, 2012

Sáng thế ký 48-50: "Cách Một Người Nhơn Đức Qua Đời"


Cách Một Người Nhơn Đức Qua Đời
– Sáng thế ký 48-50
“Đừng sợ sự sống của bạn sẽ đi đến chỗ kết thúc, mà hãy sợ nó sẽ không có một khởi đầu kìa”. John Henry Newman.
Giả sử bạn có ba phút để sống và những người thân của bạn nhóm lại chung quanh bạn chờ đợi để nghe mọi lời nói sau cùng của bạn. Bạn sẽ nói gì đây?
Có lẽ bạn đang ở trong bịnh viện hấp hối vì một căn bịnh đáng sợ nào đó. Bạn biết rõ sự cuối cùng đã gần kề rồi. Khi bạn dò xét trong trí để tìm cho ra những điều phải nói, cả ngàn tư tưởng tràn ngập trong lý trí của bạn. Bạn sẽ nói gì trong khoảnh khắc hấp hối, những điều ấy sẽ tóm tắt cả cuộc đời của bạn? Làm thế nào bạn nén 60 hay 70 hoặc 80 năm sống thành một vài câu ngắn ngủi đây?
Nhưng sẽ ra sao nếu bạn không có đến ba phút đồng hồ? Sẽ ra sao nếu bạn dính dáng đến một tai nạn ghê khiếp trong khi du lịch trên các tiểu bang? Sẽ ra sao nếu bạn chỉ có 30 giây thôi? Bạn sẽ nói gì với mọi người thân của mình?
Đây là một trong những câu hỏi luôn luôn có tính cách lý thuyết … cho tới khi khoảnh khắc đến và bạn thực sự chỉ có 30 giây để sống. Trước đó, đây là một câu hỏi mà bạn xoay vòng vòng với mấy người bạn bên tách cà phê khuya.
Nếu bạn có 30 giây để sống, bạn sẽ tóm tắt mọi sự gì là quan trọng nhất đối với bạn như thế nào?
Không có nhiều bối cảnh hấp hối đâu
Một khi Kinh thánh là quyển sách nói tới sự sống, nó không làm cho chúng ta phải ngạc nhiên vì chỉ có một vài bối cảnh hấp hối đã được ghi lại. Thường thì hầu hết chúng ta được thuật cho biết rằng ông ấy đã sống như thế đó nhiều năm trời và rồi ông ấy qua đời. Nói chung, chúng ta không biết khi nào hay ở đâu hoặc làm thể nào sự chết diễn ra, vì vậy trong hầu hết các trường hợp chúng ta không biết rõ về lời lẽ sau cùng nào đã được thốt ra. Chúng ta không biết là họ có được 30 giây (hay 3 phút) tóm tắt trước cái chết của họ không nữa.
Trong Tân Ước, chúng ta thậm chí có rất ít thông tin. Kinh thánh không thuật cho chúng ta biết hầu hết các nhân vật chủ chốt — kể cả sứ đồ vĩ đại Phaolô — đã qua đời như thế nào!?! Đấy là điều dễ hiểu một khi Tin Lành là sứ điệp nói tới sự sống. Các trước giả đều không lấy làm ưa thích gì trong việc thuật lại người ta chết như thế nào!?! Chúng ta biết rõ cách Chúa Jêsus gục chết, và Giuđa, rồi Êtiên, cùng một hay hai người khác nữa, nhưng chỉ bấy nhiêu đó thôi. Tân Ước nói rất ít về sự chết và chuyên xử lý về sự sống.
Trong ánh sáng của mọi sự đó, thật là lý thú khi lưu ý có nhiều chỗ được cung ứng cho trong sách Sáng thế ký nói tới cái chết của Giacốp. Cái chết của Ápraham được mô tả trong 7 câu (25:5-11), cái chết của Ysác trong ba câu (35:27-29) và cái chết của Giôsép trong 5 câu (50:22-26). Bằng cách đối chiếu, cái chết của Giacốp bao phủ khoảng 73 câu. Câu chuyện bắt đầu ở phần cuối của chương 47, bao phủ tất cả các chương 48 và 49 và phân nửa đầu của chương 50.
Cái chết của Giacốp được ghi lại trong bốn bối cảnh: thứ nhứt, ông gặp gỡ Giôsép rồi khiến Giôsép phải hứa chôn ông trong Đất Hứa (47:28-31). Thứ nhì, Giacốp chúc phước cho hai con trai của Giôsép — Épraim và Manase (48). Thứ ba, ông chúc phước cho con cái của ông (49:1-28). Thứ tư, một lần nửa ông xin được chôn tại Đất Hứa và rồi ông qua đời (49:29-33).
Đây là một câu chuyện thật tuyệt vời, cảm động và ai đó chẳng làm sao khác hơn là suy nghĩ: “Đấy là cách thức tôi muốn chết một ngày kia — sau khi đã sống nhiều năm, vẫn còn trong lý trí tôi, đầy dẫy đức tin nơi Đức Chúa Trời, với gia đình tôi nhóm lại ở chung quanh tôi”. Mặc dù mọi hoàn cảnh có thể chỉ ra sự việc là bất khả, đây là cách thức mà tôi mong muốn khi qua đời. Nhưng chúng ta có thể có cùng đức tin khi chúng ta qua đời như Giacốp đã có.
Đức tin chết
Có một việc, ấy là đức tin chết. Tôi giả sử hết thảy chúng ta đều đang hoạch định để sống một thời gian dài, nhưng ở Chicago những ngày nầy bạn không thể dám chắc được. Đạn lạc, tài xế mất khả năng điều khiển, thành viên băng đảng phản bội, ai biết được? Bất kỳ ai trong chúng ta đều có thể bị đánh hạ bất kỳ giờ phút nào.
Giả sử bạn biết mình sẽ qua đời trong 24 giờ tới? Bạn sẽ làm gì? Bạn sẽ đi đâu? Và bạn sẽ nói gì với những người mà bạn yêu dấu?
Cách đây mấy tháng tôi đã suy nghĩ về vấn đề nầy, và tôi quyết định rằng nếu tôi chỉ còn có 30 giây để sống, tôi sẽ nhóm mấy đứa con trai tôi lại quanh tôi và nói với chúng bốn việc:
1. Hãy chăm sóc mẹ các con
2. Hãy yêu thương nhau
3. Hãy cưới một thiếu nữ Cơ đốc làm vợ
4. Hãy hầu việc Đức Chúa Jêsus Christ cho đến đời đời
Chỉ bấy nhiêu thôi. Ba mươi giây đồng hồ và tôi ra đi ngay. Bốn việc ấy tóm tắt mọi sự mà tôi rất mong muốn mấy đứa con trai tôi phải biết. Sau đó, tôi sẵn sàng ra đi.
Cảnh #1: Giacốp và Giôsép (47:28-31)
Giacốp giờ đây là một cụ già, 147 tuổi, và những năm tháng dài đã rung lên tiếng chuông báo tử của chúng trên thân thể ông. Ông đi đứng rất khó, người run rẩy luôn, chỉ nương mình vào đầu cây gậy. Ông biết rõ lắm rằng mình đang có cuộc hẹn với cái chết. Kinh thánh chép: “Theo như đã định cho loài người phải chết một lần, rồi chịu phán xét” (Hêbơrơ 9:27).
Chết là điều không thể tránh được. Đây là cuộc hẹn mà bạn phải giữ lấy. George Lawson đã viết ra mấy lời nầy:
Ngày nay chúng ta có 24 giờ gần với kỳ cuối cùng của mình hơn ngày hôm qua, và 365 ngày gần với kỳ ấy hơn chúng ta có cách đây một năm. Có nhiều lần chúng ta không thể dung thứ cho những ai được cảnh báo bởi sự suy giảm sức lực cho thấy sự chết đang đến gần, nếu họ trục xuất điều đó ra khỏi tư tưởng của họ, khi họ phải mau mau lo liệu mọi sự chuẩn bị để gặp gỡ nó với sự chắc chắn (Lectures on the History of Joseph, cited in Boice, Genesis, III, p. 242).
Giacốp vốn không sợ chết. Ông đã nhìn thấy giờ phút hầu đến và đã lo liệu mọi sự chuẩn bị cho sự chôn cất chính bản thân mình. Ông chỉ có một yêu cầu cần phải xử lý với Giôsép, là con trai của ông — "Xin đừng chôn cha ở đất Êdíptô, hãy chôn cha cùng với các tổ phụ của cha”. Nói như thế thì có ý nghĩa gì chứ? Có phải đây là một lời yêu cầu về mặt tình cảm xin được chôn cất cùng với cha và ông nội mình không?
“Cha ơi, cha muốn được chôn ở đâu?”
Tôi có thể hiểu được điều đó. Mặc dù tôi chỉ mới 40 tuổi, tôi thấy mình đang guy gẫm về cái chết của chính mình từng hồi từng lúc. Thật là tự nhiên khi bạn lớn tuổi thêm phải suy nghĩ về chỗ mà mình sẽ được chôn cất. Hầu hết chúng ta đều muốn được chôn cất gần những người thân của mình, nếu có thể được. Mùa hè vừa qua, vào ngày đầu tiên trong kỳ nghỉ của chúng tôi, chúng tôi lên đường về phía Nam đi từ Chicago, hướng đến Mississippi và rồi đến tại Florida. Ngày thứ nhứt trên đường đi, chúng tôi có thời gian rỗi rãnh, ca hát, cười đùa, kể chuyện tếu, chúng tôi dừng xe lại để ăn trưa ở phía Nam Illinois, trở lại trong xe, thêm nhiều chuyện vui, cười đùa thêm nữa, thế rồi Mark (mới có 10 tuổi), đột nhiên con tôi hỏi: “Cha ơi, khi cha qua đời, cha muốn được chôn ở đâu?”
Hãy nói về việc ngắt quãng một chút. Bạn trả lời một câu hỏi giống như thế bằng cách nào? Sau khi suy nghĩ vài phút đồng hồ, tôi đáp: “Dưới đất”. Nhưng Mark muốn nghiêm trọng hơn, vì vậy chúng tôi đã bàn bạc về câu hỏi trong một vài phút nữa. Biết rõ câu trả lời là điều quan trọng đối với nó.
Giacốp nói: “Đừng chôn cha trong xứ Êdíptô. Hãy chôn cha trong Đất Hứa với cha và ông nội của cha”. Đây là một câu nói rất tuyệt vời của đức tin mà Giacốp có nơi Đức Chúa Trời. Hai thế hệ trước, Đức Chúa Trời đã hứa ban xứ Canaan cho Ápraham và các dòng dõi của ông. Trong đức tin, Ápraham đã tin theo Đức Chúa Trời và đã đến định cư ở đó. Trong đức tin, Ysác đã tin theo Đức Chúa Trời và đến sống ở đó. Giờ đây, Giacốp đang hấp hối trong một xứ ngoại bang. Song ông tin rằng không lâu đâu, một ngày kia — dù ông sẽ không sống để nhìn thấy việc ấy — dân tộc ông, gia đình ông, các dòng dõi của ông sẽ trở về chiếm lấy Đất Hứa. Hêbơrơ 11:9 đưa ra luận điểm cho thấy rằng Ápraham, Ysác và Giacốp hết thảy đều sống trong lều trại ở Canaan, “như trên đất ngoại quốc”. Nghĩa là, Đức Chúa Trời đã hứa với họ đất đai, nhưng họ chưa hề chiếm lấy làm của riêng cho mình bao giờ. Sự việc sẽ không xảy đến trong hằng mấy trăm năm cho tới khi Giôsuê dẫn dân Israel vào trong một chiến dịch chinh phục thật đắc thắng.
Mọi lời hứa của Đức Chúa Trời cứ sống mãi
Giacốp đã sống và đã chết mà không nghe nói về Môise và Giôsuê. Ông chẳng biết gì về mọi việc làm đầy năng quyền của họ. Song trong lúc tuổi già của ông, Đức Chúa Trời đã ban cho ông đức tin để tin rằng mặc dù ông sắp qua đời trong xứ Aicập, tương lai của ông thuộc về Đất Hứa. James Montgomery Boice giải thích vấn đề theo cách nầy:
Khi Giacốp yêu cầu Giôsép lo chôn cất thi thể ông trong Đất Hứa, thì giống như ông đang nói rằng ông tiếp tục đứng trên mọi lời hứa của Đức Chúa Trời. Ông muốn thi thể của ông phải nằm trong vùng đất mà Đức Chúa Trời, một lần nữa, một ngày kia sẽ đem dân Do thái về và ở đó chắc chắn Đấng Mêsi sẽ chào đời và hoàn thành công tác cứu chuộc (Genesis, III, p. 242).
Giacốp đang nói: “Ta sắp qua đời, nhưng ta tin rằng một ngày kia Đức Chúa Trời sẽ giữ mọi lời hứa của Ngài. Ta muốn được chôn ở đó khi lời hứa ứng nghiệm, vì vậy đừng chôn ta trong xứ Aicập. Hãy chôn ta trong Đất Hứa”. Đây là cách nói: “Nơi chôn cất ta sẽ là một chứng cớ cho thấy rằng mọi lời hứa của Đức Chúa Trời vẫn là chơn thật”.
Đấy là một tư tưởng quan trọng, có phải không? Có người đã nói: “Không có điều gì thuộc về Đức Chúa Trời gục chết khi một người của Đức Chúa Trời qua đời”. Chúng ta chết, nhưng mọi lời hứa của Đức Chúa Trời cứ sống mãi. Họ chôn cất chúng ta, song họ không chôn cất mọi lời hứa của Đức Chúa Trời cùng với chúng ta. Sự chết của bạn không thể gây vô hiệu cho sự thành tín của Đức Chúa Trời.
Cảnh #2: Giacốp và con cháu của ông (48)
Giờ phút qua đời của ông giờ đây đã đến trên ông. Lấy hết sức lực, ông ngồi dậy trên giường bệnh của mình. Ở đó ông gặp gỡ Giôsép cùng hai con trai của Giôsép — Manase và Épraim. Mọi sự nối theo sau là bối cảnh rất cảm động khi Giacốp nói với Giôsép: “Trước cha tưởng chẳng còn thấy được mặt con, nhưng bây giờ Đức Chúa Trời lại làm cho cha thấy được đến dòng dõi con nữa”.
Tôi không thể đọc phân đoạn nầy mà không suy nghĩ câu nói ấy có nghĩa gì theo cách riêng. Tôi chỉ có vài kỷ niệm đối với ông bà của tôi. Những ký ức mơ hồ đầy dẫy lý trí tôi khi gặp gỡ bố của cha tôi — Papa Pritchard — trên nông trại của ông ở Mississippi. Tôi nhớ rõ ông ấy nhai thuốc lá, có mái tóc rối và mặc quần áo lao động. Thế rồi, tôi nhớ có gặp ông khi tôi còn trẻ tại bịnh viện ở Memphis. Khi ấy, ông qua đời. Bố của mẹ tôi — Ông ngoại Poduska — đã sống đến ngoài 80. Hai lần chúng tôi đi từ Alabama đến Marshalltown, Iowa, để gặp ông và bà ngoại Poduska. Ông thì thấp người và những hình ảnh gia đình xưa kia có những tấm ảnh chúng tôi đang ngồi trên hông của ông, đang cười, chơi đùa và đang xỏ chân vào chiếc giày ống của ông.
Đến năm 1974, cha tôi qua đời chỉ một vài tuần lễ sau khi chúng tôi thành hôn. Giây phút khó chịu nhất đối với tôi đã đến khi chúng tôi lái xe ngược từ Birmingham đến Dallas. Khi chúng tôi băng qua lằn ranh bang Alabama, tôi đã khởi sự khóc và chẳng thể dừng lại được. Trong nhiều năm trời, tôi đã cưu mang một nổi sâu sắc kín đáo ở trong lòng — nổi sâu sắc mà tôi không bao giờ chia sẻ với bất cứ ai. Mơ ước của tôi là một ngày kia tôi có con trai và đặt tên nó theo tên của bố tôi, tên của ông là Tyrus Raymond Pritchard. Hai hàng nước mắt lăn dài trên gương mặt khi tôi nhận ra bố tôi không bao giờ nhìn thấy cháu nội của mình. Năm năm sau, đứa con đầu tiên của chúng tôi ra đời. Chúng tôi đặt tên cho nó là Joshua Tyrus Pritchard theo tên ông nội mà nó chưa hề biết. Cho tới ngày hôm nay, có một nổi đau sâu sắc trong lòng tôi vì cha tôi không bao giờ biết cháu nội của mình và các con trai tôi không bao giờ biết ông nội của chúng.
Đứa nhỏ hơn đứa lớn — một lần nữa!
Vì vậy, tôi hiểu được những điều Giacốp nói: “Trước cha tưởng chẳng còn thấy được mặt con, nhưng bây giờ Đức Chúa Trời lại làm cho cha thấy được đến dòng dõi con nữa”. Nhưng có nhiều việc hơn là chỉ thấy mặt cháu nội. Bây giờ Giacốp đang chúc phước cho hai đứa trẻ. Theo thói tục của thời đại, sự chúc phước chủ yếu là nhắm vào đứa con lớn kìa — là Manase. Nhưng đấy chẳng phải là cách thức đã xảy ra. Khi Giôsép đẩy hai đứa trẻ ra phía trước, ông đẩy Manase đến trước tay hữu của Giacốp và Épraim đến phía trước tay tả của ông. Nhưng Giacốp đã bắt chéo tay mình, đặt hay hữu mình trên Épraim còn tay tả ông trên Manase. Thế là đứa nhỏ tiếp lấy phước hạnh chính và đứa lớn nhận lãnh phước hạnh phụ.
Ở một cấp độ, đây là sự tể trị của Đức Chúa Trời đang hành động. Ngài đã chọn Épraim hơn Manase và mặc dù Giôsép có phản kháng, Giôsép không thể làm thay đổi chương trình của Đức Chúa Trời được. Ở cấp độ khác, Giacốp đứa nhỏ hơn đang noi theo cung cách đời sống của ông. Ông, đứa nhỏ đã được chọn hơn hẳn Êsau là đứa lớn. Về sau, ông ưa thích cô em Rachên hơn cô chị Lêa. Bây giờ, ông chúc phước cho đứa nhỏ phải hơn đứa lớn.
Một số người trong chúng ta, ai là con trai, con gái nhỏ hơn có thể rút tỉa được sự khích lệ lớn từ câu chuyện nầy. Có nhiều lần những người con trưởng được ưu ái và con cái đến sau đó sẽ được chiếu cố. Nhưng Kinh thánh có đầy hy vọng cho những người con nhỏ hơn. Ysác là người con nhỏ hơn. Giacốp cũng vậy. Giôsép cũng thế. Môise cũng vậy. Ghiđêôn cũng thế. David cũng vậy.
Trong việc chúc phước cho đứa nhỏ hơn đứa lớn, Giacốp dạy chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời chẳng có thiên vị ai hết. Ngài tôn cao người nào biết tôn vinh Ngài bất chấp lai lịch sanh trước hay sau của họ. Thường thì qua hạng người “chẳng ai chú ý tới” trong thế gian, Đức Chúa Trời đang thi hành công việc lớn lao của Ngài.
Cảnh #3: Giacốp và con cháu của ông (49:1-28)
Tiếp đến Giacốp yêu cầu các con trai mình nhóm lại quanh ông để chào tạm biệt lúc sau cùng. Bắt đầu với Rubên người con trưởng, ông tuyên bố một phước hạnh hay một lời tiên tri giáng trên từng người theo cách riêng. Lời lẽ rất quyết định vì chúng mô tả không những mọi điều sẽ xảy ra cho từng người con mà còn cho các chi phái chắc chắn sẽ ra từ mỗi người con nữa. Câu 28 giải thích điều đó theo cách nầy: “Các người đó là đầu trưởng của mười hai chi phái Y-sơ-ra-ên; và đó là lời của cha họ nói đang khi chúc phước cho, chúc một lời phước riêng cho mỗi người vậy”. Cụm từ sau cùng đó bắt lấy sự chú ý của chúng ta. Sau ngần ấy tháng năm, Giacốp biết rõ các con trai mình cả trong lẫn ngoài, biết rõ tình trạng yếu đuối của họ, thói tật của họ, xu hướng của họ, và mọi tham vọng của họ nữa. Với mọi sự ấy trong trí, và nói ra dưới sự cảm thúc của Đức Thánh Linh, ông công bố ơn phước trên từng người con. Một số ơn phước nổi bật:
Rubên là người đã phạm tội sẽ mất địa vị lãnh đạo của mình.
Simêôn và Lêvi sẽ bị tan rải khắp xứ Israel
Từ Giuđa sẽ ra Đấng Mêsi.
Sêbulôn sẽ kiều ngụ cạnh bờ biển
Ase sẽ sản xuất mùa màng cho các vì vua.
Và còn nhiều nữa, mỗi người con nhận lãnh một phước hạnh hay lời tiên tri thích ứng trọn vẹn cho mình. Hằng trăm năm sau các chi phái sẽ nổi bật lên, vẫn mang lấy những dấu vít riêng tư của người sáng lập ra họ.
Phước hạnh
Ở cái nhìn đầu tiên, Sáng thế ký 49 dường như xa vời với tình huống của chúng ta ngày nay. Rốt lại, nó chẳng chứa điều gì khác hơn những phước hạnh mà Giacốp đã ban cho các con trai mình lúc trên giường hấp hối. Chúng ta có thể nghĩ mọi sự ấy chẳng có ích gì cho chúng ta, trừ phi đấy là một sự tò mò về mặt lịch sử hay một trường hợp nói tới thói tục xa xưa. Nhưng tuần lễ nầy tôi có đọc một quyển sách rất hay có đề tựa là “The Blessing” (Phước hạnh) do Gary Smalley và John Trent viết. Đề tài của quyển sách, ấy là bậc cha mẹ có một nghĩa vụ thánh phải chuyển giao một ơn phước cho con cái họ. Họ chỉ ra rằng con cái nào không nhận lãnh một ơn phước từ cha mẹ, chúng nếm trải cuộc sống đang ra sức tìm kiếm sự tán thưởng và giá trị của mình từ những chỗ khác. Một số người quay sang rượu chè và ma túy, nhiều người khác quay sang cung cách tham công tiếc việc, còn nhiều người khác nữa thì đang nếm trải một loạt quan hệ thất bại, nhưng họ luôn luôn tìm kiếm sự khẳng định mà họ không bao giờ nhận được ở tại gia đình.
Nếu bạn là người làm cha hay làm mẹ, học biết về ơn phước gia đình có thể giúp bạn cung ứng cho đứa con hay bầy con một thứ công cụ có tính cách bảo hộ. Cách biện minh tốt nhứt chống lại ao ước của đứa con về sự chấp nhận có tính cách tưởng tượng là cung ứng cho nó sự tán thưởng chơn thành. Bằng cách cung ứng cho đứa con với sự tán thưởng chân thành và khẳng định tại gia đình, bạn có thể làm giảm thiểu khả năng đứa con ấy (trai hay gái) sẽ tìm kiếm sự tán thưởng trong vòng tay của một kẻ thờ lạy hình tượng hay với ai đó trong mối quan hệ phi luân. Tán thưởng chân thành chiếu ra từ ý tưởng phước hạnh (The Blessing, p. 18).
Tự quyển sách rất dễ đọc và tôi rất vui khi giới thiệu quyển sách ấy cho bạn. Bạn nghĩ họ tiếp lấy cơ sở theo Kinh thánh về phước hạnh gia đình ở chỗ nào? Họ tiếp thu cơ sở đó từ đời sống của Giacốp — từ ơn phước mà ông nhận lãnh từ Ysác và các phước hạnh mà ông đã ban cho các con trai mình.
Theo Smalley và Trent, chúc phước cho người khác bao gồm năm yếu tố chính:
— Cái chạm có ý nghĩa
— Một sứ điệp được thốt ra
— Kèm theo “giá trị cao” cho người được chúc phước
— Phác họa ra một tương lai đặc biệt cho người người chúc phước
— Một sự cam kết năng động làm phu phỉ ơn phước
Khi bạn nghiên cứu Sáng thế ký 48-49, rõ ràng là Giacốp đang thực hiện mọi sự nầy cho các con cháu của mình. Ông đang làm tròn trách nhiệm tối hậu của mình — ông đang nhơn danh Chúa chúc phước cho gia đình mình. Giacốp đúng là một tấm gương tích cực cho hết thảy chúng ta ngày hôm nay. Chúng ta hãy đi và làm theo như thế cho những người thân của mình.
Cảnh #4: Cái chết của Giacốp (49:29-50:14)
Giờ đây câu chuyện nhanh chóng đi đến phần kết cuộc. Khi ông đã chúc phước xong cho các con trai mình, một lần nữa ông yêu cầu được chôn cất trong Đất Hứa. Rõ ràng, đây chẳng phải là vấn đề nhỏ đối với ông. Theo một ý nghĩa, chôn ông ở đâu thì chẳng nhằm nhò gì vì Giacốp thuộc về Đức Chúa Trời bất chấp thi thể ông được đặt ngơi nghỉ ở chỗ nào. Nhưng đối với ông vấn đề thì to tát hơn thế nhiều. Ông muốn nơi chôn cất ông phải là một bằng chứng cho sự thực là ông không hề thôi không tin tưởng nơi Đức Chúa Trời.
Đây là lần thứ hai Giacốp đã yêu cầu được chôn trong Đất Hứa. Khi Giôsép đã thề làm theo như thế, Sáng thế ký 47:31 thêm vào mệnh đề nầy: “Đoạn, Y-sơ-ra-ên quì lạy nơi đầu giường mình”. Nghĩa là, Giacốp đã ngợi khen Đức Chúa Trời khi ông sắp chết. Thú vị thay, đấy là những gì khiến Giacốp được khen ngợi trong sách Hêbơrơ. Khi trước giả xem xét mọi việc làm của Giacốp trải qua dòng đời dài lâu của ông, ông bật ra sự kiện nầy và nói về Giacốp như sau: “Bởi đức tin, Gia-cốp lúc gần chết, chúc phước cho hai con của Giô-sép, và nương trên gậy mình mà lạy” (Hêbơrơ 11:21).
Ngợi khen Đức Chúa Trời luôn luôn là một việc tốt lành, nhưng đặc biệt sự khen ngợi ấy có ý nghĩa khi đứng ở cuối cuộc đời lâu dài rồi nói: “Đức Chúa Trời đã nhơn lành đối với tôi”. Đấy là một bằng chứng rất quan trọng. Đây là một trong những lợi ích chủ yếu trong lúc tuổi già.
Fred Stettler
Tuần lễ nầy chúng tôi nhận được bức thư cầu nguyện về truyền giáo của Fred Stettler. Phần nhiều người trong các bạn đều biết rõ là Hội thánh nầy đã sai phái ông đi ra trong vai trò giáo sĩ vào năm 1926. Trong 66 năm, ông đã hầu việc Chúa ở châu Âu và Hội thánh Calvary đã yễm trợ cho ông suốt thời gian đó. Mới đây, ông đã qua ngày sinh nhật thứ 90 của mình, nhưng ông vẫn còn đang phục vụ Chúa.
Fred biết sự cuối cùng đang đến gần. Hãy lắng nghe lời lẽ của ông. Hãy xem đi, bức thư nầy nghe chẳng giống với cụ Giacốp sao:
Giờ đây, đã 90 năm và 5 tháng tuổi, sức khỏe tôi không còn sung mãn nữa. Lý trí tôi không còn minh mẫn nữa. Sự yếu ớt theo phần xác khiến tôi phải hủy bỏ nhiều lời mời và Chúa nhật tới sẽ là một trong những buổi thờ phượng sau cùng mà tôi sẽ tổ chức. Nhưng trong suốt 60-70 năm, tôi đã được phước bởi sự vùa giúp của Ngài. Nhơn đó tôi có nhiều điều để ngợi khen Chúa. Giờ đây, tôi có một nghĩa vụ cao cả phải hiến nhiều thì giờ cho sự cầu nguyện và cảm tạ Chúa vì mọi năm tháng được ơn của Ngài.
Khi tôi đọc những dòng chữ ấy, tôi nhũ thầm: “Fred Stettler là một con người đáng nể, và ông đang hầu việc một Đức Chúa Trời cao cả”.
Phần còn lại của câu chuyện hoàn toàn đơn sơ. Giacốp qua đời với các con trai mình nhóm lại ở quanh ông. Kinh thánh chép ông “gọi các con trai mình lại”, một tham khảo không phải chỉ để chết, mà còn hội hiệp những người thân của mình trong cuộc sống sau khi chết. Với sự cho phép của Pharaôn, Giôsép cùng các anh em mình đã dẫn dầu một đám rước tang thật lớn từ Aicập đến xứ Canaan, ở đó họ đã chôn cất Giacốp trong hang đá Mặcbêla bên cạnh Ysác cha ông và Ápraham, ông nội của ông. Thế là câu chuyện nói tới Giacốp đi đến chỗ kết cuộc.
I. Đời sống của Giacốp trong viễn cảnh
Cho phép tôi tóm tắt lại — không có một lời bình lý giải nào hết — một số quan sát chính yếu từ đời sống dài lâu của Giacốp:
A. Đời sống của ông là một câu chuyện nói tới phấn đấu và khó nhọc.
B. Hai cái tên của ông phản ảnh sự phấn đấu bên trong tấm lòng ông:
Giacốp — kẻ dối gạt
Israel — người từng đấu vật với Đức Chúa Trời
C. Giacốp ra từ một gia đình rất khác thường, tạo ra đủ thứ điều.
D. Nhưng Giacốp là một con người có đức tin, ông có một lòng khao khát không thể dập tắt được về phước hạnh của Đức Chúa Trời.
E. Phần nhiều lầm lỗi của ông phạm phải vì cớ lòng tự tín quá mấu. Đến cuối cùng, tình trạng yếu đuối quan trọng nhất của ông đã trở thành sức mạnh to tát nhất khi ông đem tham vọng của mình phục theo ý muốn của Đức Chúa Trời.
F. Ông đã chết trong đức tin, một môn đồ của Đức Chúa Trời, và một người xứng đáng thêm vào bảng danh sách quan trọng nói tới bậc anh hào đức tin trong Hêbơrơ 11.
II. Sứ điệp của Giacốp cho chúng ta
Trong cùng một cách thức — và một lần nữa chẳng có một lời bình nào hết — đây là một trong những bài học mà chúng ta có thể tiếp thu từ các chuyến hành trình của chúng ta với Giacốp.
A. Tội lỗi dù ở hình thức nầy hay hình thức khác sẽ bám sát các bước chân của chúng ta bao lâu chúng ta còn sống. Chúng ta không lấy làm ngạc nhiên vì chúng ta phấn đấu với một số tội lỗi cho tới ngày chúng ta chết.
B. Đức Chúa Trời sẽ làm bất cứ điều chi để phá vỡ lòng tin cậy của chúng ta nơi xác thịt để rồi Ngài sẽ thay thế nó với lòng tin cậy nơi một mình Đức Chúa Trời.
C. Mặc dù chúng ta có thể không tin điều đó, những thử thách trong cuộc sống không có ý định hủy diệt chúng ta, song để dạy dỗ chúng ta những bài học mà chúng ta không thể tiếp thu ở đâu khác được.
D. Khi Đức Chúa Trời xét đoán đời sống của một người, Ngài nhìn vào đức tin, chớ không nhìn vào lầm lỗi của người ấy.
Bất chấp mọi thiếu sót của mình, về mặt cơ bản Giacốp là một người có đức tin. Câu chuyện của ông sẽ khích lệ chúng ta vì có một chút Giacốp trong hết thảy chúng ta! Nếu Đức Chúa Trời có thể sử dụng Giacốp, Ngài có thể sử dụng bất cứ ai.
Hãy dạn dĩ lên. Câu chuyện nói tới Giacốp có trong Kinh thánh dành cho hạng người giống như bạn và tôi. Cách đây mấy tháng, tôi có giảng cho một hội nghị của công nhân tại Trại Nathanael ở Emmalena, bang Kentucky. Trong suốt tuần lễ ấy, tôi đã rao ra loạt bài nầy nói tới đời sống của Giacốp. Khi tuần lễ qua đi rồi, có một người chưa bao giờ gặp tôi trước đây đến đặt tay lên vai tôi rồi nói: “Tôi đã tận hưởng các sứ điệp nầy vì tôi cảm nhận giống như ông đã rao giảng từ kinh nghiệm cá nhân về đời sống của Giacốp”. Ông ấy nói đúng là dường nào. Giacốp là một người mà tôi có thể hiểu được một cách đầy đủ. Ông ấy không cao trọng cho bằng ông nội Ápraham hay thành tựu mỹ mãn giống như con trai ông là Giôsép. Ông phạm phải nhiều lầm lỗi suốt — có khi lặp lại cùng những lỗi lầm thật nhiều lần. Nhưng ở cốt lõi cuộc đời ông, Giacốp là người của Đức Chúa Trời. Ông muốn làm đẹp lòng Đức Chúa Trời và tìm kiếm ơn phước của Ngài — thậm chí nếu ông phải vặn cong mọi luật lệ để thực hiện điều đó.
Thực sự là anh hùng
Giờ đây, chúng ta đến với phần cuối của loạt bài nghiên cứu nầy về đời sống của Giacốp. Trong phần nghiên cứu thứ nhứt, tôi đã chỉ ra rằng Giacốp không phải là vị anh hùng của câu chuyện nầy. Anh hùng của câu chuyện nầy chính là Đức Chúa Trời. Ngài là Đấng không hề nhượng bộ đối với Giacốp, Ngài không hề lơi đối với mục đích nguyên thủy muốn chúc phước cho ông bất chấp mọi thất bại của ông. Giacốp luôn nhọc nhằn với sự phước ấy, còn Đức Chúa Trời thì không nhượng bộ. Ngài nhìn vào Giacốp theo cùng phương thức Ngài nhìn vào hầu hết chúng ta — như một phương án trọn đời. Ở bất kỳ điểm nào của con đường, Đức Chúa Trời có thể đã phán: “Hãy quên đi. Con người nầy hết biết rồi”. Nhưng Ngài không bao giờ nói như thế, và đến cuối cùng Giacốp nổi bật lên với đức tin đắc thắng nơi Đức Chúa Trời.
Trong các thế hệ về sau, những trước giả Kinh thánh sử dụng chính cụm từ đặc biệt khi họ muốn mô tả sự thực Đức Chúa Trời luôn luôn giữ lấy mọi lời hứa của Ngài. Họ gọi Ngài là Đức Chúa Trời của Ápraham, của Ysác và của Giacốp. Hãy suy nghĩ về cách gọi ấy. Ngài không hề được gọi là Đức Chúa Trời của Giôsép — mặc dù Giôsép đã có những thành tựu vượt bực. Ngài không hề được gọi là Đức Chúa Trời của Đaniên — mặc dù Đaniên đã có lòng dạn dĩ rất lớn. Ngài không hề được gọi là Đức Chúa Trời của Môise — mặc dù Môise là một lãnh tụ có tài.
Một trước giả đã gọi đây là “minh chứng quan trọng về ơn thương xót thiêng liêng" — Đức Chúa Trời đã hiệp danh Ngài với một con người như Giacốp. Nhưng tại sao điều đó khiến cho chúng ta phải kinh ngạc chứ? Đức Chúa Trời vốn đẹp lòng khi tự mình hội hiệp với bất kỳ ai có đức tin nơi Ngài.
— Bạn không cần phải là người trọn vẹn.
— Bạn không cần phải là người mạnh mẽ.
— Bạn không cần phải đi thẳng tắp và tỉ mỉ.
Bạn là chính bạn và Đức Chúa Trời sẽ vui sướng hội hiệp với bạn … bao lâu bạn có đức tin nơi Ngài.
Ai là Đức Chúa Trời của Giacốp?
— Ngài là Đức Chúa Trời của ân điển dư dật.
— Ngài là Đức Chúa Trời của sự khôn sáng khôn lường.
Ngài là Đức Chúa Trời Đấng luôn luôn có mặt ở đó vì chúng ta
— bất chấp tội lỗi của chúng ta
— ngay lúc chúng ta thất bại
— ở giữa mọi nổi sợ hãi của chúng ta.
Đây là lời nói sau cùng của tôi. Đức Chúa Trời của Giacốp cũng là Đức Chúa Trời của chúng ta. Chính Đức Chúa Trời ấy, Đấng đã dẫn dắt Giacốp là Đức Chúa Trời Đấng đang dẫn dắt chúng ta ngày hôm nay. Bạn có biết Đức Chúa Trời đó hay chưa vậy? Ngài đã tự tỏ chính mình Ngài ra cho bạn trong Thân vị của Đức Chúa Jêsus Christ.
Bạn sẵn sàng chết chưa?
Cho phép tôi kết thúc bằng cách đưa ra một câu hỏi rất đơn giản: Bạn sẵn sàng chết chưa?
John Henry Newman đã nói: “Đừng sợ sự sống của bạn sẽ đi đến chỗ kết thúc, mà hãy sợ nó sẽ không có một khởi đầu kìa”. Hỡi Cơ đốc nhân, có phải bạn sẵn sàng để chết chưa? Hỡi người tin theo Chúa Jêsus, bạn có sẵn sàng để chết chưa?
Có phải bạn đã sống tuần lễ nầy để rồi nếu hôm nay là ngày đó, bạn sẽ không phải nhìn lại với hối tiếc chứ?
Nhưng sẽ ra sao nếu bạn chưa nhìn biết Chúa Jêsus? Bạn chưa sẵn sàng để chết cho dù bạn nghĩ mình sắp chết. Không một ai sẵn sàng để chết cho tới chừng họ nhìn biết Đức Chúa Jêsus Christ làm Cứu Chúa và Chúa. Có người dám nói: “Cuộc sống bắt đầu ở tuổi 40”. Họ đã sai lầm là dường nào. Sự sống bắt đầu ở đồi Gôgôtha. Sự sống bắt đầu ngay giây phút bạn đặt lòng tin cậy nơi Đức Chúa Jêsus Christ. Sự sống bắt đầu tại thập tự giá khi bạn quì gối xuống mà nói: “Lạy Chúa Jêsus, cảm tạ Ngài vì đã chịu chết thay con”. Cho tới chừng nào bạn đến với Đấng Christ, sự sống của bạn chưa có một khởi đầu nào hết. Bạn hiện tồn tại đấy song bạn không có sự sống.
Sự sống bắt đầu ngay giây phút bạn nói “Vâng” với Chúa Jêsus. Tôi khuyên bạn hãy đến với Ngài để rồi vô luận bạn sống bao lâu — thêm một ngày, thêm một tuần, thêm một tháng, thêm một năm, hay thêm 50 năm nữa — sẽ sẵn sàng để chết khi giờ phút sau cùng đến.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét