Thứ Tư, 21 tháng 12, 2011

Sáng thế ký 25:17-34: "Câu Chuyện Kể Về Hai Anh Em"


Câu Chuyện Kể Về Hai Anh Em
– Sáng thế ký 25:17-34
Cách đây vài năm, Tiến sĩ Kevin Leman đã viết quyển “The Birth Order Book”. Bạn có thể làm quen với quyển sách ấy vì Tiến sĩ Leman là một nhà tâm lý Cơ đốc nổi tiếng và có mặt trên chương trình phát thanh của Tiến sĩ Dobson một số thời gian. Lý thuyết của quyển “The Birth Order Book” rất là đơn giản: Khi bạn đang lo liệu cho con cái, thật là quan trọng khi phải hiểu rõ nhân cách, tánh tình và triển vọng của chúng về cuộc sống được nắn đúc bởi nơi chúng xuất hiện theo trình tự ra đời.
Thí dụ, những đứa trẻ đầu lòng đều có khuynh hướng trở thành những nhà lãnh đạo. Ông chỉ ra rằng một số Tổng thống là con trai đầu lòng. Cũng thực như thế cho hầu hết các cấp lãnh đạo quan trọng trong quân đội và cho phần nhiều các cấp lãnh đạo trong ngành công nghiệp Mỹ. Họ thường có ý thức mạnh mẽ về trách nhiệm cá nhân. Những người con trưởng cũng có khuynh hướng trở nên hạng người giữ luật, họ luôn bị ám ảnh với những khái niệm như công bằng và công lý. Họ thường có một ý thức mạnh mẽ về sự đúng sai và thường là đen trắng trong suy tưởng của họ. Họ cũng thường là hạng người gìn giữ mọi truyền thống trong gia đình. Phần nhiều người trong số họ là những con người cầu toàn, đòi hỏi cao độ — cả về bản thân họ và về những người sống chung quanh họ. Thường thì người con trưởng đạt được nhiều điều trong cuộc sống vì bố mẹ họ đã đặt quá nhiều áp lực trên họ.
Ngược lại, những đứa con thứ có khuynh hướng thoải mái hơn và đứng ở đàng sau mọi việc. Chúng thường kết bạn rất dễ dàng. Vì chúng bị kẹt ở giữa mọi sự dồn dập của gia đình, những người con thứ học biết cách thức đứng ngoài mọi rối rắm, phải thỏa hiệp làm sao và phải thương lượng như thế nào. Đối với chúng, mọi sự trong cuộc sống là một sự đánh đổi mà thôi. Chúng học biết cách thức xoay sở để mà xoay sở.
Sau cùng, bạn đến với những đứa trẻ ra đời sau cùng. Những đứa trẻ nầy Tiến sĩ Leman gọi là “gấu con”. Chúng thường là những tay pha trò, chúng biết cách xoa dịu sự căng thẳng bằng cách tạo ra một trò đùa. Chúng biết cách gây vui nhộn và khiến cho người khác cảm thấy vui vẻ lên.
Điều gì đã tạo ra một sự khác biệt như thế chứ? Tiến sĩ Leman lưu ý có một yếu tố quan trọng, ấy là bậc phụ huynh đang thay đổi trải qua nhiều năm tháng. Chúng ta bắt đầu tỏ vẻ nghiêm khắc với những đứa con đầu lòng vì chúng ta không muốn mọi sự rơi vào chỗ lộn xộn. Thế rồi, chúng ta thường nới lỏng với đứa con thứ nhì và đứa con thứ ba. Rồi theo thời gian, bạn có thêm đứa thứ tư, thứ năm và thứ sáu, bố mẹ của bạn thực đã nới lỏng nhiều rồi đấy. Đấy là lý do tại sao lời than phiền của đứa con đầu lòng là rất thực: “Bố Mẹ khiến con phải làm những việc mà thậm chí con không dám mơ tới nữa”.
Bán đi các quyển thánh ca để thanh toán hóa đơn
Cách đây mấy năm, tôi đã học biết được điều nầy khi một nhà thờ tôi làm quản nhiệm trải qua một cơn khủng hoảng về tài chính. Sự việc xảy ra cùng thời điểm một trong các lớp Trường Chúa Nhựt của chúng tôi đang nghiên cứu trình tự ra đời từ một nhận định theo Kinh thánh. Một tối kia, chúng tôi có buổi nhóm bàn luận các phương thức xử lý với tình trạng thiếu hụt về tài chính. Một người chỉ ra cho tôi thấy bạn có thể nói tới trình tự ra đời bằng cách thức con người đáp ứng với cơn khủng hoảng. Những người con đầu lòng bước ra khỏi buổi nhóm rồi nói rằng: “Chúng ta phải làm một việc gì đó về việc nầy ngay bây giờ!” Những người con thứ hết thảy đều nói với mấy người con trưởng: “Chúng ta sẽ làm gì về việc nầy?” Và những người con út đang nô đùa ở trong góc phòng nói về việc bán đi mấy quyển thánh ca để có tiền thanh toán hóa đơn.
Thực sự có việc quan trọng về trình tự ra đời như thế nầy, như bất kỳ bậc phụ huynh nào sẽ nói cho chúng ta biết. Trẻ con rất khác biệt. Nếu bạn có bốn hay năm đứa con, những gì bạn thực sự có là bốn hay năm con người rất khác biệt nhau. Một đứa sẽ muốn trở thành lực sĩ điền kinh, đứa kia muốn chơi nhạc. Một đứa sẽ đọc sách, đứa khác sẽ chơi game trong nhiều giờ liền. Một đứa sẽ rất giỏi với hai bàn tay của nó, còn đứa kia thì muốn viết lách. Một đứa muốn đi ra ngoài, còn đứa kia thì tỏ ra nhút nhát. Một đứa rất dễ kết bạn, còn đứa nầy sẽ có rắc rối suốt cả đời với các mối quan hệ. Con cái thực sự rất khác biệt.
Và ngay cả trong cùng một gia đình, hai đứa sanh đôi có thể sống khác nhau. Thậm chí những cặp song sinh giống hệt nhau có thể sống khác biệt với nhau. Cách đây mấy tuần, tôi ở ngoài hành lang tiếp mọi người trước khi buổi thờ phượng bắt đầu. Irma Csakai đến nơi và giới thiệu người chị em song sinh của mình là Madeline đến từ bang California. Tôi bắt tay cô ấy rồi mời vào nhóm ở Hội thánh Calvary. Tiếp đến, tôi đứng lùi lại và nhận xét. Irma và Madeline xuất thân từ một gia đình song bạn sẽ không bao giờ đoán được họ là chị em song sinh đâu. Vì vậy, tôi hỏi họ: “Hai người giống nhau hay khác nhau?” Madeline đáp: “Ồ, chúng tôi rất khác nhau”. Cùng lúc đó, Irma đáp: “Không đâu, chúng tôi giống nhau mà!”
Những cặp song sinh có thể sống trong cùng một gia đình và được nuôi dạy cùng một gốc rễ, tuy nhiên họ có thể lớn lên và trở nên những con người rất khác biệt. Minh chứng cho sự thực ấy là câu chuyện nói tới Giacốp và Êsau. Hai người con trai, song sinh, được nuôi dạy trong một môi trường y như nhau, thế mà chúng lớn lên trở thành hai thái cực đối lập với nhau. Thoát ra từ một người mẹ — đứa nầy nắm chặt lấy đứa kia — chúng đi theo hai ngã khác nhau trong cuộc sống. Thật là khó tìm gặp những đứa trẻ song sinh nào khởi sự như nhau để rồi khác biệt rất lớn trên con đường sự sống.
Chúng ta bắt lấy câu chuyện ở Sáng thế ký 25:27. Tác giả sách Sáng thế ký trong nhiều năm trời đã nhắm vào một biến cố xảy ra khi hai đứa trẻ còn ở tuổi thanh thiếu niên hay trước khi được 20 tuổi. Mọi sự dị biệt đã được nhìn thấy lúc ra đời giờ đây đã rõ nét khi tuổi thanh thiếu niên qua đi và họ bước vào tuổi trưởng thành. Giacốp và Êsau là hai con người khác biệt, với những giá trị rất khác biệt, và những khác biệt ấy giờ đây đã rất rõ nét.
I. Hai anh em và bố mẹ của họ
Trước tiên, chúng ta được giới thiệu cho biết về Giacốp và Êsau. “Khi hai đứa trai nầy lớn lên, thì Ê-sau trở nên một thợ săn giỏi, thường giong ruổi nơi đồng ruộng; còn Gia-cốp là người hiền lành cứ ở lại trại”. Êsau là một người dong ruổi, giao du. Ông rất giỏi giang với hai bàn tay của mình — giỏi giang ở ngoài đồng áng hơn là ở nhà quanh các lều trại. Mượn lối nói hiện đại, ông đúng là một người đàn ông. Ông thì mạnh mẽ, có sức khỏe và nhanh nhẹn. Mặt khác, Giacốp là một con người thầm lặng. Từ ngữ Hybálai là tam, trong một số văn mạch thì có nghĩa là “hoàn hảo”. Ở đây, từ ngữ nầy có ý nói tới một việc đại loại như “hoàn toàn” hay “thành thạo” hoặc “tiết độ”. Ông là một nhà tư tưởng, sống nội tâm, một con người khôn ngoan và thông sáng. Giacốp là mọi sự, còn Êsau thì không; Êsau là mọi sự, còn Giacốp thì không. Hai anh em đối ngược nhau không thể tưởng tượng được.
Thế rồi, chẳng có gì phải ngạc nhiên, bố mẹ đã chọn cả hai phía. “Y-sác yêu Ê-sau, vì người có tánh ưa ăn thịt rừng; nhưng Rê-be-ca lại yêu Gia-cốp”. Đây là khởi đầu của sự rối rắm trong gia đình chắc chắn sẽ chuyển xuống cho các thế hệ thứ hai và thứ ba. Nhiều trước giả cảnh cáo về những nguy hiểm ưu ái của bậc làm cha mẹ. Thường thì sự việc diễn ra tinh tế đến nỗi bố mẹ không hề nhận biết họ đang ưa thích đứa nầy hơn đứa kia. Có khi sự việc nầy chẳng khác gì hơn là nhìn vào một hướng, ẩn hiện một nụ cười, một cái vỗ nhẹ lên đầu, một cái nhướng mày hoặc cái nhìn mang nét giận. Nhưng con cái theo bản năng chúng nhận ra nếu chúng được yêu hay được chấp nhận, và thật tự nhiên chúng chuyển về hướng bố hay mẹ nào cung ứng cho chúng những dấu hiệu yêu thương ở bề ngoài.
Khi Môise nói rằng Ysác có tánh ưa ăn thịt rừng, ông đang thuật cho chúng ta biết nhiều hơn thứ thịt rừng mà ông ưa thích nữa. Chúng ta cũng học biết rằng con đường đến với tấm lòng của Ysác là qua cái bao tử của ông. Ông là một người bị tánh thèm ăn khống chế. Ông thiên nhiều về nhục dục. Sự việc đem cha con lại gần với nhau là khả năng săn bắt của người con và tánh ưa ăn thịt rừng của người cha.
Mặt khác, Rêbeca yêu Giacốp. Và tại sao không chứ? Ông luôn luôn bám lấy quanh lều trại trong khi Êsau đang lo săn bắt thịt rừng. Bạn có thấy điều gì thực sự đang diễn ra ở đây không? Đây là một trong những nguyên tắc lâu đời nhất trên thế gian cuốn hút những sự đối ngược, và ở đây chúng ta có người cha tương đối thầm lặng (Ysác) thích hiệp với người con năng động của mình (Êsau) đang khi người mẹ có tánh quản trị (Rêbeca) lại yêu đứa con thầm lặng của mình (Giacốp).
II. Hai anh em và quyền con trưởng
Giờ đây, chúng ta đến với điểm xoay chiều quan trọng đầu tiên trong cuộc đời của Giacốp. Sự việc xảy ra thình lình đến nỗi không một ai dự tính đến nữa. “Một ngày kia, Gia-cốp đang nấu canh, Ê-sau ở ngoài đồng về lấy làm mệt mỏi lắm; liền nói cùng Gia-cốp rằng: Em hãy cho anh ăn canh gì đỏ đó với, vì anh mệt mỏi lắm. Bởi cớ ấy, người ta gọi Ê-sau là Ê-đôm. Gia-cốp đáp rằng: Nay anh hãy bán quyền trưởng nam cho tôi đi. Ê-sau đáp rằng: Nầy, anh gần thác, quyền trưởng nam để cho anh dùng làm chi? Gia-cốp đáp lại rằng: Anh hãy thề trước đi. Người bèn thề; vậy, người bán quyền trưởng nam cho Gia-cốp. Rồi, Gia-cốp cho Ê-sau ăn bánh và canh phạn đậu; ăn uống xong, người bèn đứng dậy đi. Vậy, Ê-sau khinh quyền trưởng nam là thế” (Sáng thế ký 25:29-34).
Chúng ta cần phải tìm hiểu một chút về nền tảng Kinh thánh để hiểu rõ câu chuyện nầy. Đối với một người con cả, quyền con trưởng là tài sản đắt giá nhất của mình. Trong thời buổi ấy, người con cả được chấp thuận cho hai danh hiệu bởi vì người là con trưởng nam: 1. Người được hưởng tài sản một phần bằng hai 2. Người được xem là đầu của gia đình sau khi bố mẹ qua đời. Quyền con trưởng có thể được chuyển đổi hay bán đi, song chỉ vì điều chi đó có giá trị lớn lao kìa. Thường thì người con đầu lòng sẽ không bao giờ nghĩ đến việc bán đi quyền trưởng nam vì quyền ấy bảo đảm hai phần: sự an ninh của mình trong tương lai và quyền lãnh đạo gia đình trong tương lai của mình.
Đây là một trong những thời điểm quan trọng trong cuộc đời, một phút thời gian ngưng đọng khi nó xảy ra dường như là tầm thường lắm, nhưng về sau hậu quả rất lớn. Cả Êsau và Giacốp đều bị thay đổi cho đến đời đời vì tô cạnh phạn đậu kia.
Tôi đã nói rồi, Êsau là thợ săn, song trong câu chuyện nầy thợ săn trở thành kẻ bị săn khi Giacốp gài bẫy người anh vô ý tứ của mình. Làm ơn hãy lưu ý một việc. Chẳng có một vị anh hùng nào trong câu chuyện nầy cả. Không một ai trông tốt lành hết. Có nhiều nan đề về đạo đức ở từng phía một. Kinh thánh nhấn mạnh vào quyết định quá thế tục của Êsau, nhưng điều đó không khiến cho Giacốp ra tốt hơn bao giờ.
Bước #1: Tánh thèm ăn không kiểm soát được (29-30).
Sự việc xảy ra nhanh đến nỗi Êsau chẳng suy nghĩ nhiều về điều ông đã làm. Một ngày kia, ông đi săn trở về, đói khát sau một ngày dài theo mồi trong đồng ruộng. Tánh đói khát của ông là rất thực và việc ông xin tô canh phạn đậu là rất thành thật. Nhưng phân đoạn Kinh thánh cũng khuyên chúng ta về tánh khí cơ bản của ông bởi lời lẽ mà Kinh thánh sử dụng. Sát nghĩa, thì câu nầy đọc là: “mau đi, hãy đưa cho ta tô canh đậu ấy!” Các động từ xếp hàng thi nhau bùng nổ, bùm, bùm, bùm. Ở các chỗ khác thì từ ngữ có nghĩa là “nuốt trọng”. Từ ngữ cũng được sử dụng nói tới thức ăn chạy xuống cổ họng của một con thú đang háu đói. Ở đây, Êsau đang tỏ ra sự thật về bản thân ông. Ông chẳng màng chi hết trừ ra việc làm no bụng, nhồi nhét thức ăn vào, nuốt chửng thức ăn ấy xuống mau như ông có thể nuốt. Đây là một hình ảnh nói tới bản tánh cơ bản của con thú hoang. Ở ngoài mặt, dường như ông là một gã rất tuyệt vời, nhưng khi bạn đến với người bề trong, chẳng có gì ở đó cả. Trông ông đẹp trai đấy, nhưng ông chỉ trống rỗng, nông cạn và hoàn toàn bị những ham muốn đời nầy khống chế mà thôi.
Bước #2: Bất cần anh em (31)
Tôi nghĩ, chúng ta phải giả định rằng ít nhất một sự kiện mà phân đoạn Kinh thánh đặc biệt không lý giải. Tôi nghĩ chúng ta phải cho rằng Giacốp đã dự tính ở trong trí, đang tìm kiếm một cơ hội để lừa anh mình bán đi quyền trưởng nam. Tôi không nghĩ tư tưởng ấy chỉ nảy ra trong lý trí ông khi ông nhìn thấy Êsau từ ngoài đồng trở về. Không, Giacốp còn tinh vi hơn thế nhiều. Đây là một ý tưởng có tính toán trước, chờ đợi đúng thời điểm để bật ra.
Tôi nghĩ trong suốt những năm tháng đó, khi Ysác ưu ái Êsau, Giacốp đang mơ về một phương thức làm sao để đoạt lấy quyền trưởng nam cho mình. Để công bằng, bạn phải dành công trạng cho Giacốp — ít nhất ở chỗ sự việc ông ao ước rất có giá trị. Nhưng cách ông nhận được nó đã nằm ở chỗ ông bất cần anh em. Ông nắm lấy lợi thế ở chỗ tình trạng yếu đuối của Êsau để lấy cho kỳ được cái điều mà ông không thể lãnh hội cho dù là bất cứ cách nào.
Thế nhưng, bạn nói, bộ Đức Chúa Trời không hứa chúc phước cho đứa nhỏ phải hơn đứa lớn sao? Phải, và Đức Chúa Trời đã nói cho Rêbeca biết sự ấy trước khi hai đứa trẻ chào đời. Nhưng sự việc đã làm vì lời hứa nầy ra đáng tởm. Nếu Đức Chúa Trời đã hứa như vậy, thì Giacốp không cần phải gài bẫy Êsau mà chi. Đức Chúa Trời không cần loại trợ giúp đó. Ngài có thể tìm một phương thức để ban quyền trưởng nam và ơn phước cho Giacốp theo thì thuận tiện của Ngài.
Mặc dù Giacốp đã lãnh lấy những gì Đức Chúa Trời muốn ông phải có, ông đã lãnh lấy theo một tư thế bất cần anh em. Vì việc ấy, ông khó mà được khen ngợi lắm.
Bước #3: Một quyết định nông cạn (32)
Đây là trọng tâm của vấn đề. “Nầy! Anh gần thác”. Ồ, cậu bé tội nghiệp kia, ông ta đói quá rồi. Ông ta đã đi săn suốt cả ngày và giờ đây ông ta muốn ăn cái gì đó. Hãy trao món ăn cho ông ta hoặc ông ta sẽ chết mất. Ông ta đã không ăn uống chi trong tám giờ đồng hồ liền.
Vì vậy Êsau đã nói: “Quyền trưởng nam để cho anh dùng làm chi?” Ở đây là một người có những thèm khát dục vọng đang khống chế ông ta khi ông ta nhìn thấy tô canh phạn đậu nọ, đấy là mọi sự ông ta có thể suy nghĩ đến. Không một điều chi khác là vấn đề nữa. Thậm chí quyền con trưởng thiêng liêng kia cũng không. Ông ta đã sẵn sàng đánh đổi phần tài sản quan trọng nhất trong đời mình để lấy tô canh phạn đậu.
Chúng ta có thể nói gì về Êsau?
1. Ông ta bốc đồng
2. Ông ta sống trong một lúc thôi
3. Ông ta đòi hỏi sự thỏa mãn ngay tức khắc
Khi thẻ tín dụng lên tiếng
“Ta nhìn thấy, Ta muốn, và Ta muốn tô canh ấy ngay bây giờ đây”. Chúng ta đang sống trong một thế giới khích lệ chúng ta phải suy nghĩ theo cách ấy. Về mặt cơ bản, đấy là những gì mà quảng cáo Mỹ đang xây dựng trên đó. “Bạn cần cái nầy và bạn đang cần nó ngay bây giờ. Bạn sẽ không thấy vui sướng cho tới chừng nào bạn có được nó, vì vậy bạn nên gạt mọi sự qua một bên đi”. “Không có tiền sao? Đừng lo. Cứ lấy nó xài đi, tiền trả sau”. “Bạn ơi, hãy nhận đi, vì nó sẽ làm cho bạn vui sướng”.
Hết thảy chúng ta dễ bị mắc vào lời nói dối đó, có phải không? Chúng ta mua sắm bất cứ thứ gì, và rồi chúng ta thấy vui vẻ trong một lúc. Nhưng sự vui vẻ ấy không bao lâu nó tan biến đi, hoặc (như trong trường hợp của Êsau) chúng ta lại khao khát nữa. Đối với tôi, điều kỳ lạ nhất trong câu chuyện nầy, ấy là sau khi Êsau bán đi quyền con trưởng để lấy tô canh phạn đậu, trong sáu giờ đồng hồ ông ta lại đói bụng nữa!
Đấy là cách thế giới đang tác động. “Hãy ăn cái nầy, hãy thử món nầy, hãy mua cái đó đi, và nó sẽ khiến cho bạn thấy vui sướng”. Vì thế, chúng ta ăn, thử, mua sắm và nó tác động … chỉ trong một lúc thôi. Thế rồi chúng ta phải mua cái khác để giữ cho mình được vui sướng.
Thường thì bạn sẽ xem một quảng cáo trên truyền hình khi thẻ tín dụng nằm trong túi quần của bạn lên tiếng nói với bạn: “Hãy sử dụng tôi đi. Hãy sử dụng tôi đi. Đừng bỏ tôi một mình ở đây. Hãy rút tôi ra mà sử dụng tôi đi”. Vì vậy, giống như mấy cái thây ma, chúng ta đi ra xe và thẻ tín dụng lên tiếng: “Rẽ trái ở đây. Bây giờ đi thẳng. Dừng lại ở đây. Vùng cao nguyên không nằm trong kinh doanh. Hãy lo một vụ khác tốt đẹp hơn. Hãy đi lo liệu việc ấy ngay bây giờ. Bạn đang đi quá đà rồi. Nó tạo ra sự khác biệt nào vậy?” Đấy chính xác là cách mà hầu hết chúng ta lâm vào cảnh rắc rối về tài chính.
Thì giờ ngắn ngủi – Cõi đời đời mới là miên viễn
Cũng một thể ấy trong lãnh vực tình dục. Nhiều người nam người nữ lâm vào những tình huống mà ở đó họ bắt đầu cảm thấy ham muốn mãnh liệt, vì vậy họ nói: “Tôi muốn (người hay vật) nầy ngay bây giờ”. Vì vậy họ bán đi phần đạo đức của họ để đổi lấy một vài phút thỏa mãn.
Khi có ai đó gây thương tổn chúng ta, một giọng nói nhỏ nhẹ lên tiếng: “Cứ tới đi. Đừng để họ hớt lấy. Đừng chỉ ngồi ở đó. Đừng để họ lấn lướt bạn. Hãy đứng dậy vì quyền lợi của bạn. Bạn đáng nhận được nhiều hơn, và bạn đáng phải có được nó ngay bây giờ”.
Thế gian nói với chúng ta: “Hãy sống cho hôm nay và quên ngày mai đi”. Đấy là nan đề của Êsau. Đức Chúa Trời phán: “Hãy dùng hôm nay hầu sẵn sàng cho ngày mai”. Khi chúng tôi đi dự kỳ nghỉ, tôi nghe một người nói như thế. Ông ta nói: “Chúng ta nhận lấy hỗn hợp không xác định đúng về thời gian và cõi đời đời. Hầu hết chúng ta đều sống giống như thể thời gian sẽ trôi mãi cho đến đời đời và cõi đời đời sẽ rất ngắn ngủi. Đấy là đi lùi rồi. Thời gian rất ngắn ngủi, còn cõi đời đời thì kéo dài mãi mãi. Mục đích duy nhứt của thời gian là chuẩn bị cho chỗ mà bạn sẽ đi đến và những gì bạn sẽ làm cho cõi đời đời”.
Nhưng thế gian nói: “Hãy tới đi. Bạn chỉ đi quanh đây có một lần thôi. Dù sao thì bạn sẽ chết thôi. Hãy ăn, hãy uống và vui vẻ đi. Hãy tới đi, hãy bán quyền trưởng nam đi, vì ngày mai bạn sẽ chết”. Đấy chính xác là những gì Êsau đã nói.
Bước #4: Lời thề thiêng liêng (33)
Trước khi Giacốp trao tô canh phạn đậu cho Êsau, Giacốp buộc Êsau phải đưa ra một lời thề chắc chắn bán cho mình quyền trưởng nam. Bạn có biết điều chi đang diễn ra ở đây không? Giacốp, giống như bất kỳ một nhà kinh doanh nào khác, đang kết thúc dịch vụ. Ông lấy chữ ký của Êsau trước khi ông giao hàng.
Mọi sự Êsau có thể nhìn thấy là tô canh phạn đậu, màu đỏ. Không một điều chi khác là vấn đề đối với ông. Vì vậy, ông đưa ra một lời thề, thế là đã bán đi quyền trưởng nam của mình.
Bước #5: Suồng sã bất cần (34)
“Anh nè, hãy ăn thứ gì anh muốn, hãy dành thì giờ, em có nhiều tô canh lắm”. Trong tiếng Hybálai, các động từ chồng chất với nhau giống như thể ám chỉ rằng sự việc xảy ra rất nhanh. Ông ta đã ăn … uống … đứng dậy … rồi rời đi.
Ăn
Uống
Đứng dậy
Đi
Bùm … Bùm … Bùm … Bùm. Và xong rồi. Mục đích của câu chuyện, ấy là Êsau ngu xuẫn đến nỗi ông ta rời đi, không nhìn biết mọi điều mình đã làm. Dịch vụ nầy quá ngọt ngào cho Giacốp. Ông đã tiếp lấy quyền con trưởng, ông đã hất cẳng anh trai mình, và Êsau thậm chí không biết cái gì đang va trúng mình.
Ông đã bị khánh kiệt, nhưng mọi sự ông có thể suy nghĩ là tô canh phạn đậu ấy quá ngon. Câu 34 cung ứng cho chúng ta lời nói sau cùng: “Vậy, Ê-sau khinh quyền trưởng nam là thế”. Khinh có nghĩa là “chẳng xem ra gì, đối xử với sự khinh thường”. Êsau đã đối xử với sự xem khinh phần tài sản quan trọng nhất của mình.
Giám mục Desmond Tutu
Khi câu chuyện bắt đầu, Giacốp có tô canh còn Êsau có quyền con trưởng; cuối cùng Êsau có tô canh, còn Giacốp có quyền trưởng nam. Ai nhận lấy phần tốt hơn của dịch vụ chứ?
Giám mục Desmond Tutu là một giáo sĩ người da đen nổi tiếng từ Nam Phi. Cách đây mấy năm, trong khi giảng dạy cho hội nghị nhân sự Cơ đốc, ông phát biểu như sau: “Khi người da trắng đến châu Phi, ông ta có quyển Kinh thánh và chúng tôi có đất đai. Giờ đây, người da trắng có đất đai, còn chúng tôi có quyển Kinh thánh. Chúng ta sẽ thấy ai được phần tốt hơn trong dịch vụ nầy”.
Có một số việc trong cuộc sống là quan trọng hơn nhiều việc khác. Vì vậy, nhiều người trong chúng ta sử dụng ngày giờ của mình để bán đi những thứ thực sự là vấn đề để lấy những thứ chẳng khác gì hơn một tô canh “đỏ” phạn đậu.
III. Phần đạo đức của câu chuyện (Hêbơrơ 12:16)
Chúng ta không bị bỏ lại để tự hỏi câu chuyện nầy có ý nghĩa như thế nào!?! Hêbơrơ 12 cho chúng ta biết với loại thuật ngữ nhất định. Ở đây là sự phán xét thiêng liêng của Đức Chúa Trời về mọi điều mà Êsau đã làm. “Hãy coi chừng, cho trong anh em chớ có ai gian dâm, cũng đừng có ai khinh lờn như Ê-sau, chỉ vì một món ăn mà bán quyền con trưởng”. Bản King James sử dụng từ “báng bổ” thay vì “khinh lờn”.
Hãy đọc Sáng thế ký 25. Hãy xem đi, nếu bạn có thể tìm thấy một chỗ nào cho thấy Êsau hành động giống như một người khinh lờn hay báng bổ. Ông không bao giờ rủa sả. Ông không phạm thượng đối với Đức Chúa Trời. Làm sao mà bạn có thể gọi Êsau là “khinh lờn" trong thế gian? Mọi sự ông đã làm là thương lượng để lấy tô canh phạn đậu. Ông đã ăn tô canh đó, rồi ông đi đường mình. Đúng là một dịch vụ to lớn, có phải không? Thế thì khinh lờn ở chỗ nào? Đâu là báng bổ về tô canh phạn đậu?
Trả lời: Trong Kinh thánh, báng bổ là một thái độ, chớ không chỉ là một hành động. Báng bổ là xem nhẹ những gì Đức Chúa Trời phán là quan trọng. Bạn sống bất kỉnh khi bạn xem nhẹ những việc quan trọng nhất của cuộc đời. Và khi bạn bán đi những thứ có giá trị để lấy những thứ không có giá trị, không những bạn là một kẻ dại, mà bạn còn là bất kỉnh và báng bổ nữa.
Bạn không cần phải thề thốt để rơi vào chỗ báng bổ. Bạn không phải là một người vô thần để trở thành bất kỉnh. Bạn có thể sống bất kỉnh và đi nhà thờ mỗi sáng Chúa nhựt.
Êsau đã bán quyền ấy để lấy một “bữa ăn đạm bạc”. Bản King James gọi bữa ăn ấy là “một miếng ăn thôi”. Matthew Henry gọi đây là “bữa ăn quan trọng nhất kể từ khi Êva ăn trái cấm”. Con người bất kỉnh và báng bổ nầy — hẳn thực sự giống như chúng ta — ném bỏ mọi sự đi để lấy giá của một tô canh phạn đậu.
Tại sao câu chuyện nầy lại có ở trong Kinh thánh chứ? Vì hết thảy chúng ta đều giống như Êsau. Phải chăng câu chuyện nầy không phải là mặt trái của lời lẽ Chúa Jêsus phán: “Người nào nếu được cả thiên hạ mà mất linh hồn mình, thì có ích gì?” (Mác 8:36) Hết thảy chúng ta đều đứng trong chỗ của Êsau từng ngày một. Chúng ta đối diện với những sự cám dỗ lặp đi lặp lại để bán đi những gì có ý nghĩa nhất đối với chúng ta để lấy những gì có ít giá trị hơn.
Mỗi ngày chúng ta phải đối mặt với những quyết định dường như là tầm thường đối với chúng ta. Phải mặc gì, phải gọi ai, phải ăn gì, phải chi xài bao nhiêu tiền bạc, phải đi đâu sau giờ làm việc, phải đọc sách nào, phải xem tuồng tích nào, phải kể lại chuyện hài nào. Mỗi ngày chúng ta phải đưa ra hàng trăm quyết định nho nhỏ. Mỗi một quyết định dẫn chúng ta đến một trong hai hướng — một hướng đến với Đức Chúa Trời và hướng kia xa cách Ngài.
Nếu bạn có mặt ở đó trong ngày ấy, bạn sẽ khó mà mơ việc gì trọng yếu sẽ xảy ra. Nhưng từ biến cố nho nhỏ nầy, dòng đời đà thay đổi. Sau ngày nầy, Êsau đi một đường và Giacốp đi một nẻo. Giống như một con lạch nhỏ trở thành một dòng sông chảy thật mạnh bạo, thậm chí từ những quyết định nhỏ nhất trong đời tuôn tràn ra nhiều hậu quả rất lớn. Êsau vốn chẳng biết sự thể nầy.
Hai câu hỏi thật thấm thía
Cho phép tôi kết thúc phần nghiên cứu nầy bằng cách đưa ra hai câu hỏi thấm thía:
1. Bạn có bằng lòng đánh đổi để lấy thứ mà bạn muốn trong cuộc sống không?
Loại thỏa thuận nào bạn bằng lòng thực hiện để nhận được chỗ bạn thực sự muốn đi đến trong cuộc sống? Bạn bằng lòng bỏ đi bao nhiêu thứ? Gia đình? Bạn hữu? Hôn nhân? Tính ngay thẳng? Tính thanh sạch? Sự làm chứng Cơ đốc của bạn?
2. Bạn có cảm thấy không cứ cách nào đó những việc tốt nhứt đã trượt khỏi bạn vì bạn quá bận rộn đang nắm bắt mấy thứ khác không?
Có thể bạn cảm nhận giống như thế trong lúc bây giờ. Có lẽ bạn đã chịu khó để lấy những thứ bạn muốn để rồi bạn mất đi những thứ có giá trị nhất đối với bạn. Và một ngày kia bạn ngước nhìn quanh, gia đình bạn đã mất đi, hôn nhân thì tan tành, sự nghiệp đổ vỡ, tính thẳng thắn của bạn bị hủy diệt, tánh thanh sạch của bạn vơi mất đi và bạn hữu của bạn chẳng còn tìm thấy đâu nữa.
Khi bạn lên tới đỉnh núi, bạn khám phá ra nổi khiếp sợ khi bạn thực hiện dịch vụ với ma quỉ để lên tới chỗ đó. Bạn bán đi điều chi là quan trọng nhất để lấy tô canh hay thứ chi có màu đỏ kia. Bạn kêu la với ma quỉ: “Phải chăng mọi sự đều có ở đó?” hắn bật cười rồi nói: “Cậu bé ơi. Đấy là mọi sự mà ngươi đã lãnh lấy đó”. Bạn nói: “Tôi có thể đổi lại được không?” “Xin lỗi à! Không có hồi lại đâu”.
Sẽ ra sao!?!
Câu chuyện nầy đứng như một lời cảnh cáo long trọng cho dân sự của Đức Chúa Trời. “Đừng sống giống như Êsau” là kẻ trong một phút yếu đuối đã bán đi những gì là vô giá để đổi lấy thứ làm thỏa mãn ông chỉ trong một phút thôi. Hết thảy chúng ta đều ở trong mối nguy hiểm làm như thế. Sự việc xảy ra thật nhanh chóng, trong các quyết định nhỏ nhoi, khi chúng ta sống cho hôm nay thay vì sống cho ngày mai.
Êsau đứng đời đời như một người đã ném bỏ đi hết thảy mà chẳng bao giờ nhận được một cơ hội khác. Đừng để cho việc ấy xảy ra với bạn.
Một câu hỏi sau cùng. Bạn có xem khinh ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời không? Có thể bạn nói: “Để sau đi, Chúa Jêsus ơi. Tôi có cuộc sống riêng của tôi để sống”. “Để sau đi, Chúa Jêsus ơi, để sau đi. Tôi đang bận leo cái thang nầy đây”. “Để sau đi, Chúa Jêsus ơi, để sau đi. Tôi thấy chưa tiện lúc bây giờ”. Bạn sẽ làm gì khi ngày đến và lời mời qua đi và thì giờ đã qua đi? Sẽ ra sao nếu “để sau đi” không bao giờ đến?
Cần: Một Hợp Đồng Mới
Cảm tạ Chúa, vì có những người trong chúng ta họ đã thực hiện những quyết định tồi trong quá khứ, thực hiện một khởi đầu mới là điều khả thi. Jesus Carrillo đã sống trong thành phố được sử dụng làm trang trại ở bang Florida. Cơn bão Andrew đã hủy diệt phần lớn thành phố vào tháng 8. Bạn đã nhìn thấy nhiều hình ảnh rồi đấy. Nơi từng có nhiều ngôi nhà đẹp trên các đường phố yên tỉnh, những trận gió giận dữ cùng những cơn mưa rào đã để lại các đống kim loại đổ nát. Khi Thống đốc Lawton Chiles đến Công Viên Nhà Di Động Aquarius ở Homestead, ông quan sát bối cảnh rồi nói: “Bạn không thể nói là ở đó từng có cái gì xinh đẹp”.
Đứng trong đống đổ nát những thứ từng là nhà cửa của mình, Jesus Carrillo nói: “Thực sự tôi mới có hai ngày tuổi. Hết thảy chúng ta đều mới có hai ngày tuổi. Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta một hợp đồng mới cách đây hai ngày, và chúng ta phải làm hết mình với hợp đồng đó” (USA Today, August 26, 1992, p. 5A)
Đấy là một ghi chú nói tới ân điển của Đức Chúa Trời ở phần cuối của câu chuyện nầy. Nếu bạn, giống như Êsau, đã bán đi linh hồn mình để lấy tô canh gì đo đỏ đó, hãy cầu xin Đức Chúa Trời ban cho bạn một hợp đồng mới. Hãy cầu xin Ngài để có một khởi đầu mới. Hãy cầu xin Ngài để có một khởi sự mới mẻ. Ngài sẽ vui vẻ ban nó cho bạn.
Một câu hỏi sau cùng để suy gẫm, và rồi chúng ta hãy nếm trải. Việc ấy tước đi điều gì … Đức Chúa Trời sẽ làm gì … để làm cho bạn thức tỉnh trước những vụ việc quan trọng nhất trong cuộc sống?
Lạy Cha, chúng con cần công tác của Đức Thánh Linh dầm thấm ở trong lòng của chúng con. Một số người trong chúng con đã làm chính xác những gì Êsau đã làm. Xin tỏ cho chúng con thấy chỗ chúng con đã bán linh hồn mình để lấy một tô cháo đậu. Xin ban cho chúng con một hợp đồng mới để rồi từ ngày nầy trở đi chúng con có thể sống cho Ngài, đặt việc trước hết lên trước hết. Chúng con cầu nguyện mọi sự nầy trong danh của Chúa Jêsus, Amen.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét