Chủ Nhật, 10 tháng 2, 2013

Luca 15:21: "BA TỪ KHÓ, CÓ THỂ LÀM THAY ĐỔI ĐỜI SỐNG CỦA BẠN"



Ba Từ Khó, Có Thể Làm Thay Đổi Đời Sống Của Bạn

Luca 15:21

            “Bạn không thể giúp cho kẻ nói dối”.
            Đấy là phần kết luận của người dựa theo nhiều năm kinh nghiệm với sinh viên đại học. Thỉnh thoảng ông đối diện với các quyết định kỷ luật khó khăn khi lớp người trẻ phạm luật của nhóm. Ông nói: “Tôi xử lý với mọi sự mà bạn có thể tưởng tượng ra. Từng loại tội lỗi về tình dục. Lừa đảo. Phạm luật. Bạn hãy đặt tên cho nó đi, tôi đã nhìn thấy nó”. Có một loạt thủ tục đã được thiết lập tại chỗ để đối xử với những kẻ đang lâm vào rắc rối. Thường thì chúng có khả năng giúp cho lớp người trẻ sửa đổi rồi đặt đời sống của họ trên một con đường mới.
            Trong suốt cuộc bàn bạc của chúng tôi, người kia đưa ra hai lời bình hãy còn đọng lại trong tôi. Thứ nhứt, ông ấy học biết rằng nói dối gần như chẳng phải là nan đề ở ngày hôm nay. Ai nấy đều nói dối, và họ nói dối suốt thôi. Gần như nói dối chẳng phải là tội lỗi chi hết. Có lẽ đây là một dấu hiệu của thuyết tương đối hậu hiện đại, ở đây chúng ta đã đạt tới chỗ chấp nhận rằng nói dối không phải là sai. Hay có lẽ đấy chỉ là một sự ứng nghiệm của Rôma 3:13: Họng chúng nó như huyệt mả mở ra; Dùng lưỡi mình để phỉnh gạt”. Sau khi bàn bạc thể nào người ta nói dối để che đậy tội lỗi của họ, ông đưa ra phần kết luận nầy:
            Bạn không thể giúp cho kẻ nói dối. Bạn có thể giúp ai đó đang phấn đấu với bất kỳ tội lỗi nào bao lâu họ nói ra lẽ chơn thật. Nhưng bạn không thể giúp cho kẻ nói dối vì bạn không thể tin tưởng điều chi người ấy nói.
            Tình hình càng phức tạp bởi sự thực cho thấy rằng khi hầu hết chúng ta bị bắt, chúng ta xưng tội càng ít càng tốt. Đấy chẳng phải là nan đề của sinh viên; đấy là nan đề của con người. Và điều đó dẫn tới điểm thứ hai. Dấu hiệu của sự ăn năn thật là khi “họ nói cho bạn nghe một việc mà bạn chưa biết”. Nếu bạn biết A + B + C, nhưng rồi người ấy thêm vào D + E + F, bạn biết rõ sự ăn năn của họ còn sâu sắc hơn là chỉ có: “Tôi lấy làm tiếc vì tôi đã bị bắt”. Sự ăn năn thật luôn luôn bao gồm việc đạt tới chỗ thanh sạch, và đạt tới chỗ thanh sạch có ý nói tới việc sở hữu toàn bộ khuôn mẫu của việc làm sai trái, chớ không phải chỉ có việc bạn vi phạm để rồi bị bắt. Đức Chúa Trời muốn “chơn thật nơi bề trong” (Thi thiên 51:6) hay như Eugene Peterson nói: “chơn thật từ trong ra ngoài". Thật là khó cho chúng ta đạt tới mức thành thực toàn phần như thế nầy với Đức Chúa Trời và với tha nhân. Đối với hầu hết chúng ta, đây là một trận chiến liên tục cần phải bộc bạch ra trong mọi cách ứng xử của chúng ta, đặc biệt khi chúng ta phạm tội vì che đậy là việc quá dễ. 
            Tôi không thể có được câu nói toát ra từ lý trí của mình vì nó chứa nhiều sự thực: “Bạn không thể giúp cho kẻ nói dối". Bao lâu kẻ nói dối cứ nói dối, bạn không thể tin bất cứ điều chi người ấy nói. Giống như một câu nói xưa: “Nếu kẻ nói dối nói hắn đang nói sự thật, bạn có thể tin hắn không?" Thật là khó cho bất kỳ ai trong chúng ta gánh lấy trách nhiệm cá nhân. Chúng ta đang sống trong xã hội bịp, một xã hội ban thưởng cho chúng ta vì đã đổ thừa cho người khác. Bạn có thể nhớ tới việc bắn giết diễn ra ở Virginia Tech cách đây mấy năm. Tay súng kia đã để lại một lời chú thích ghi rằng: “Các người khiến tôi làm việc nầy”. Đấy là lối thoát thật dễ dàng, có phải không? 
            Thật là dễ dàng khi chúng ta làm sai rồi nói: “Mọi người đều làm việc đó". 
            Ai nấy đều lừa đảo bạn đời của mình.
            Ai nấy đều hét lên với con cái của họ.
            Ai nấy đều phá vỡ lời hứa bây giờ và sau đó.
            Ai nấy đều nói dối đôi chút.
            Ai nấy đều sử dụng thứ ngôn ngữ xấu.
            Ai nấy đều che đậy tội lỗi của họ.
            Mặc dù chúng ta đang sống trong một xã hội khuyến khích chúng ta đưa ra lời cáo lỗi, hầu hết chúng ta đều không cần sự khích lệ. Chúng ta chào đời với sự nhìn biết làm thế nào để tránh lối nói khoác.

Trở lại với Vườn Êđen

            Mọi sự đi ngược về với Vườn Êđen trong Sáng thế ký 3. Con rắn đến gặp Êva rồi gài bẫy nàng hái trái cấm mà ăn. Nàng trao cho Ađam và ông cũng ăn nữa, với sự nhìn biết đầy đủ mọi hậu quả của hành động nầy. Thình lình thế gian trở thành một nơi không còn thân thiện nữa. Sợ hãi đã bước vào tấm lòng của con người trong lần đầu tiên. Khi Ađam và Êva nghe thấy Đức Chúa Trời đang bước đi trong vườn lúc chiều tà, họ đã đi ẩn mình. Tội lỗi đã làm thay đổi mọi sự. Họ từng đồng đi với Đức Chúa Trời một cách thoải mái, song giờ đây họ ẩn trốn trong rừng e tội lỗi của họ bị khám phá ra.
            Thế rồi Đức Chúa Trời gọi Ađam: “Ngươi ở đâu?” Ađam trả lời: “Tôi ẩn mình vì tôi trần truồng”. Đức Chúa Trời phán: “Ai nói cho ngươi biết rằng ngươi trần truồng?” Thế rồi thắc mắc dấy lên: “Ngươi có ăn trái của cây mà ta đã dặn đừng nên ăn đó chăng?” 
            Ađam bị dồn vào trong góc, bị bắt quả tang, bị gạt bỏ hết mọi lời bào chữa của mình. Đức Chúa Trời biết rõ! Ađam đang làm những gì con người thường hay làm. Ông đưa ra lời nói khoác. Câu trả lời của ông thuộc loại tránh né rất cổ điển: Người nữ mà Chúa đã để gần bên tôi cho tôi trái cây đó và tôi đã ăn rồi (Sáng thế ký 3:12). 
            Bạn có nhận ra như thế chưa? “Người nữ mà Chúa đã để gần bên tôi". Ađam nói khoác những hai lần. Thứ nhứt, đó là người nữ. Kế đó, người nữ mà Chúa để gần bên tôi. “Lạy Chúa, ấy là lỗi của nàng. Nàng đã trao cho tôi trái cây đó và tôi đã ăn rồi. Tôi biết làm chi khác đây? Nói “không” rồi sẽ nhìn thấy nàng bỉu môi suốt cả đêm ư? Và rồi, ai đã đặt nàng ở trong vườn chứ? Ngài chứ ai! Nàng không phải là ý tưởng của tôi đâu. Tôi không than van đâu, lạy Chúa, vì nàng xinh đẹp, dễ thương và đủ thứ hết, nhưng tôi không gặp phải vấn đề nầy khi chỉ có tôi và bầy súc vật kia”.
            Và còn nữa. Người đầu tiên, tổ phụ của dòng giống con người, cũng là người thứ nhứt hay nói khoác. Đừng phạm một sai lầm nào cả. Kinh thánh đang nói cho chúng ta biết một việc rất quan trọng. Chối bai bãi lầm lỗi của mình và tìm cách đổ thừa cho người khác, điều nầy nằm trong bản chất của chúng ta. Đấy là những gì Sáng thế ký 3:7-12 đang nói tới. Tội lỗi đầu tiên dẫn tới việc che đậy lần đầu tiên không phải là việc tình cờ đâu. Sự bất tuân thứ nhứt dẫn tới sự chối bỏ đầu tiên. Phạm tội lần đầu tiên dẫn tới chỗ nói khoác lần thứ nhứt.  
            Trong hàng ngàn năm kể từ dạo ấy, thực sự không có gì thay đổi cả. Bản chất của con người cũng y nguyên như thế. Nói khoác ở trong dòng máu thuộc linh của chúng ta. Chúng ta nói khoác ngay bây giờ vì Ađam đã nói khoác như thế. Ông ấy đã thiết lập khuôn mẫu:
                        Bất tuân dẫn tới
                                    Tội lỗi dẫn tới 
                                                Xấu hổ dẫn tới
                                                            Sợ hãi dẫn tới
                                                                        Trốn tránh dẫn tới
                                                                                    Đổ thừa cho người khác.

Solomon nói

            Cho phép tôi đến với phần luận đề của mình: “Dấu hiệu lành mạnh cơ bản về mặt thuộc linh là dám nói: tôi đã sai trật"Phước cho người nào có thể thốt ra mấy lời nầy vì người ấy đang trên đường đến với sự lành mạnh về mặt thuộc linh. Nếu bạn muốn một câu song hành với luận đề của tôi, hãy mở Châm ngôn 28:13 ra: Người nào giấu tội lỗi mình sẽ không được may mắn; Nhưng ai xưng nó ra và lìa bỏ nó sẽ được thương xót”. 
            Khi chúng ta phạm tội, chúng ta có hai sự lựa chọn. Lựa chọn 1 là che giấu nó. Nói như thế có nghĩa là che đậy nó, đưa ra những lời cáo lỗi, hợp lý hoá, nói khoác đi. Khi điều đó xảy ra, chúng ta không thịnh vượng. Chúng ta nếm trải địa ngục từ trong lòng khi sống với một lương tâm phạm tội. Trong lời lẽ của Thi thiên 32:3, các xương cốt của chúng ta tiêu tàn và sức lực của chúng ta như không còn có nữa. Chúng ta đau khổ về phần xác thể và lý trí khi chúng ta che giấu tội lỗi của mình. Không một điều gì còn hoạt động đúng đắn nữa rồi.  
            Hay chúng ta có thể xưng tội mình rồi đoạn tuyệt với chúng. Cả hai từ nầy đều rất quan trọng. Xưng ra có nghĩa là chủ động việc mình đã làm. Khi bạn xưng ra mọi tội lỗi của mình, bạn đang nói: “Phải, tôi đã phạm tội đó và tôi biết làm thế là sai”. Đoạn tuyệt với tội lỗi của bạn có nghĩa là thực hiện các bước hầu phá vỡ loại khuôn mẫu có tính hủy diệt trong chính đời sống của bạn. Khi bạn đoạn tuyệt với tội lỗi của mình, bạn đang nói: “Tôi đã bước đi trên con đường sai trái và bây giờ, với sự trợ giúp của Đức Chúa Trời, tôi sẽ không bước đi trên con đường ấy nữa. Tôi sẽ thay đổi phương hướng của đời sống tôi". 

“Tôi đã s-s-s-s-s-s-s-s-”

            Mới đây tôi giảng cả tuần lễ cho một hội nghị về Kinh thánh tại Word of Life ở bang Florida. Vào buổi sáng thứ tư tôi đã ban ra sứ điệp nầy. Trước buổi thờ phượng, tôi nói với anh thanh niên lo về âm thanh là tôi sẽ nói luôn ba từ nầy: “Tôi đã sai”. Anh ta ghi ra rồi đáp: “Đấy là những từ khó”.
            Anh ấy nói đúng. 
            Thật là không dễ khi nói: “Tôi đã sai”. Hầu hết chúng ta thay vì nhìn nhận chúng ta sai thì lại lo làm một việc gì đó khác đi. Có phải bạn nhớ Fonzie đã gặp rắc rối với vấn đề nầy trên loạt Happy Days trên truyền hình không? Fonzie quá nguội lạnh không dám nhận mình là sai trái. Richie Cunningham đã nói về anh ta: “Cứ tới đi, hãy nhìn nhận việc ấy, anh đã sai trật rồi”. Vì vậy Fonzie nói: “Tôi đã s-s-s-s-s-s-s”. Anh ta không thể thốt ra được đủ từ sau cùng. Vì vậy anh ta kết thúc bằng cách nói: “Tôi đã s-s-s-s-s-s- không đúng!” 
            Nhưng “không đúng” không phải là cùng một việc như “sai”. Nếu bạn sai, thì bạn đang sai trật. Nhưng nếu bạn “không đúng”, thực sự chẳng có ai biết bạn đã làm gì.  
            Đôi khi chúng ta đưa ra lời cáo lỗi rất tinh tế đến nỗi chúng ta không nhìn biết mình làm điều gì. Trong quyển sách của ông, Bruce Larson sử dụng thí dụ sau đây. Chúng ta hãy nói rằng bạn đang mô tả cuộc tranh cãi bạn có với vợ mình. Bạn nói: “Mọi sự anh nói là: ‘có phải mẹ em sẽ đến nữa à?’” Giờ đây, bạn không phải là Einstein mới hình dung ra bạn lâm cảnh rối rắm ngay thời điểm bạn thốt ra lời lẽ ấy qua môi miệng của mình.  
            Bất cứ khi nào chúng ta mở lời với câu nầy: “Mọi sự tôi nói là”, chúng ta đã phạm vào một sai lầm rất lớn. Đấy là năm từ có tính hủy diệt nhất trong Anh ngữ. Chúng ám chỉ rằng bạn sống rất tình cảm, có lý và yêu thương và người kia là thứ gàn dỡ. Khi bạn sử dụng năm từ đó, thực sự bạn đang nói: “Ấy chẳng phải là lỗi của tôi. Tôi có vấn đề gì đâu. Ai đó mới có vấn đề đấy”.
            Bao lâu bạn tiếp tục nói như thế, bạn không đáng được tha thứ.
            Bao lâu bạn còn nói như thế, các mối quan hệ của bạn sẽ luôn tan vỡ thôi.
            Bao lâu bạn còn nói như thế, bạn sẽ vật vã với cay đắng và tức tối.
            Bao lâu bạn còn nói như thế, bạn sẽ xa vời đối với sự sống dư dật mà Chúa Jêsus ngự đến để ban ra.
            Bao lâu bạn còn đổ thừa cho người khác, đời sống của bạn sẽ luôn tan vỡ và tan tác. Bạn sẽ không bao giờ biết đến sự thánh khiết hay trọn lành hoặc lành mạnh trong lý trí và về mặt thuộc linh.

“Tôi đã phạm tội”

            Trong Luca 15:11-32, Chúa Jêsus thuật lại một câu chuyện nói tới chàng thanh niên kia cảm thấy một sự giục giã phải rời khỏi nhà cha của mình. Đây là một câu chuyện rất quen thuộc, một câu chuyện đã xảy ra trong hầu hết từng gia đình. Chàng trai nầy đã xin phần tài sản của mình trong gia đình rồi đi đến một xứ xa. Ở đó, anh ta tiêu xài tiền bạc mình có vào chỗ ăn chơi hoang đàng. Nhiều ngày trôi qua, rồi nhiều tuần, và nhiều tháng. Sau cùng, ngày đến khi chàng trai ấy đã xài hết tiền bạc của mình. Giờ đây, tan vỡ và túng thiếu, anh ta thấy mình đang sống trong một nơi thất vọng, xa cách gia đình và bạn hữu. Mặc dầu anh ta thấy xấu hổ, anh ta đã được nhà nông kia thuê chăn bầy heo. Anh ta đói đến nỗi anh ta thấy mình sẵn sàng ăn chung với bầy heo.  
            Vào thời điểm quí giá ấy, ánh sáng được bật lên trong não bộ của anh ta. Với tia chớp sáng loè, anh ta nhìn thấy bản thân mình và anh ta nhìn thấy những gì anh ta đã trở thành. Trong mọi sự, anh ta đã nhìn thấy chính sự ngu dại của mình đã đưa anh ta đến chỗ lộn xộn như thế đó. Anh ta không còn đổ thừa cho cha mình hay chỉ trích người anh của mình nữa. Anh ta không còn giả vờ là thứ mà anh ta không phải như vậy. Trong khoảnh khắc tự thị ấy, anh ta đã nhìn thấy những gì anh ta đã trở thành. Anh ta biết rõ chỉ có một con đường quay trở về mà thôi.  
            Tình huống mỉa mai lạ lùng kia đã chạm đến anh ta giống như cả tấn đá vậy. Các tôi tớ của cha anh ta đang ăn uống no nê ở nhà, trong khi anh ta, là còn trai của chủ, lại đang sống với cả bầy heo. Khi ấy anh ta suy nghĩ trong lòng: “Ta sẽ chổi dậy rồi trở về nhà. Khi ta đến đó, ta sẽ nói: ‘Cha ôi, con đã phạm tội với trời và với cha. Con không còn xứng đáng được gọi là con của cha nữa. Xin kể con là một đứa đầy tớ của cha thôi’”. 
            Với suy nghĩ ấy, chàng trai kia đứng dậy, phủi bụi dính trên mình, thu gom hết mọi thứ rồi bắt đầu thực hiện chuyến hành trình dài trở lại quê hương. Anh ta vẫn ở trên con đường dài khi cha anh ta phát hiện anh ta đang lê bước trên con đường đầy bụi bặm. Trước khi chàng trai nhìn biết điều chi sẽ xảy ra, cha anh ta đã chạy ra đón, hôn anh ta rồi nói: “Mừng con về đến nhà”.
            Người con đã nói những gì mình đã học thuộc lòng trong cái chuồng heo kia. “Cha ơi, con đã phạm tội với trời và với cha. Con không còn xứng đáng để được gọi là con của cha nữa”. 
            Nhưng người cha ngắt ngang anh ta. Ông không muốn nghe nói như thế nữa. Tiếng kêu cứ tiếp tục: “Mau mau! Đem áo tốt nhứt mặc lấy cho nó. Hãy đeo nhẫn vào tay nó và xỏ giày vào chơn nó. Hãy kiếm con bò mập béo mà giết đi. Hãy gọi những người láng giềng đến và rao báo tin tức tốt lành. Hãy nói cho mọi người biết những gì các ngươi nom thấy. Đứa con trai của ta đã chết mà nay còn sống. Nó bị mất mà nay đã tìm được”. 

Không còn ngủ chung với bầy heo nữa

            Tôi đưa ra phần lưu ý và chỉ một phần mà thôi. Chàng thanh niên nầy, là kẻ mà chúng ta gọi là Người Con Trai Hoang Đàng, đã xoay quanh cuộc đời mình bằng câu nói có ba từ: “I have sinned” [“Con đã phạm tội”, theo bảng Anh ngữ].
            Anh ta thốt ra câu nói đó đang khi anh ta hãy còn sống chung với bầy heo.
            Anh ta thốt ra câu nói ấy đang khi anh ta hãy còn ở cách xa nhà lắm.
            Anh ta thốt ra câu nói ấy đang khi anh ta hãy còn tan vỡ và đói khát.  
            Nhưng ba từ ấy cứ xoay quanh đời sống của anh ta.  
            Đây là một thí dụ nói tới đời sống của bạn và đời sống của tôi. Khi chúng ta phạm tội, chúng ta cảm thấy xấu hổ khi nhận ra mình sống trong cái chuồng heo không dám nói cho ai biết nơi mình sinh sống. Vì vậy, chúng ta tìm cách làm sạch mình, chúng ta tìm cách sống đoan trang, chúng ta đánh răng chải tóc mình, nhưng móng tay chúng ta hãy còn dính thứ cháo heo kia.
            Mọi người đều biết chúng ta đã sống chung với bầy heo.  
            Câu chuyện nầy dành cho mọi người nào đang mệt mõi ăn chung với bầy heo. Nếu bạn đang sẵn sàng về quê nhà, tôi có những tin tức tốt lành dành cho bạn đây. Đứa Chúa Cha đang đứng trên đường chờ đợi bạn đấy. Hai cánh tay Ngài đang rộng mở. Ngài biết rõ nơi bạn đã sinh sống, và Ngài hãy còn đứng đợi bạn đấy. Việc duy nhứt là vấn đề cho bạn là hãy trở về nhà.  
            Đấy là những gì ân điển của Đức Chúa Trời đang nói tới. Bạn có thể trở về nhà kia mà. Bạn có thể khởi sự mà. Bạn có thể được tha thứ mà. Phiến đá có thể được xoá sạch. Bạn không phải sống phần đời còn lại của mình trong chỗ trốn tránh mà chi. Bạn không phải sống trong sợ hãi ai đó sẽ tìm ra bạn. Bạn không phải ăn chung với bầy heo nữa.  
            Điều đó là khả thi, và nó nương vào một việc. Bạn phải làm theo những gì Người Con Trai Hoang Đàng đã làm. Bạn phải ngộ ra rồi nói: “Cha ơi, con đã phạm tội”. Khi bạn làm theo, bạn sẽ thấy ơn thương xót mà Châm ngôn 28:13 nhắc tới. Khi bạn làm theo, bạn sẽ khám phá ra I Giăng 1:9 là đích thực. Ngài là thành tín. Ngài là công bình. Ngài sẽ tha thứ cho tội lỗi của bạn và sẽ thanh tẩy bạn hết mọi sự gian ác.

Đồn lũy tự xưng công bình

            Vấn đề nầy đưa tôi trở lại với vấn đề cơ bản. Kể từ thời Ađam, chúng ta có khuynh hướng làm nhiều việc khi chúng ta phạm tội.  
1. Chúng ta ẩn trốn. 
2. Chúng ta đổ thừa cho người khác.
            Hầu hết chúng ta đều rất giỏi ở khuynh hướng đó. Chúng ta biết hết những chỗ ẩn náu tốt và chúng ta thuộc lòng cả ngàn lời cáo lỗi.  
            Hãy nghe cho kỹ đây. Bao lâu bạn sống theo cách ấy, bạn sẽ không bao giờ được tha thứ đâu. Không bao giờ. Bạn chối không công nhận tội lỗi có nghĩa là bạn sẽ sống với gánh nặng ngàn cân trong quá khứ treo quanh cổ của bạn.  
            Nhờ Đức Chúa Jêsus Christ được buông tha là điều vốn khả thi. Đấy là những tin tức tốt lành. Bây giờ, đây là những tin xấu. Bao lâu bạn chối không công nhận mình đã làm những việc sai trái, bạn sẽ không bao giờ được tha thứ đâu. Vì lẽ đó, bạn sẽ trụ lại y như bạn vốn có trong lúc bây giờ: không được tha thứ, tiều tụy, tan tác, đổ vỡ, nhầm lẫn, chia cách, bị nhốt bên trong đồn lũy của việc bạn tự xưng công bình.
            Còn nếu bạn công nhận những sai lầm mình, thế thì bạn sẽ được tha thứ.  
            Đây là ba từ có thể làm thay đổi đời sống  của bạn: “I was wrong” [Tôi đã sai]. 
            Cho phép tôi hỏi một câu rất cơ bản theo cách nầy: Có phải bạn sẵn sàng nói: “Tôi đã sai" không? Tôi hy vọng câu trả lời là “yes” [Phải]. Đây là chỗ mà chuyến hành trình thuộc linh bạn bắt đầu. 
            Bạn có muốn được tha thứ không?
            Bạn có muốn nhìn thấy quyền phép của Đức Thánh Linh lan toả ra trong đời sống của bạn không?
            Bạn có muốn nhìn thấy Đức Chúa Trời làm một việc lạ lùng trong các mối quan hệ nào là vấn đề nhất đối với bạn không?
            Có phải bạn bằng lòng thốt ra những từ khó dẫn tới sự tự do không? Nếu vậy, sự chữa lành có thể khởi sự ngay từ bây giờ.  
            Cảm tạ Ngài, lạy Chúa Jêsus, vì chúng con không phải là trọn vẹn khi đến với Ngài. Nếu chúng con cần trọn vẹn, thì ai giữa vòng chúng con đủ tư cách đây? Họ gọi Ngài là Thiết Hữu của hạng tội nhân. Cảm tạ Chúa vì điều đó là rất thực. Ngài là Thiết Hữu và chúng con là hạng tội nhân. Cảm tạ Ngài vì đã tiếp nhận chúng con.
            Giờ đây, con cầu thay cho những ai thực sự lấy làm sợ sệt bởi lời lẽ của con. Nguyện họ có lòng dạn dĩ để nói: “I was wrong” [Tôi đã sai]. Xin giúp cho những ai cảm thấy bất an biết phục theo sự thuyết phục nhẹ nhàng của Đức Thánh Linh. Xin phán với mỗi một người chúng con và xin tỏ ra cho chúng con biết lẽ thật hầu cho chúng con sẽ được buông tha. Trong danh Chúa Jêsus, Amen.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét