Thứ Bảy, 2 tháng 2, 2013

QUỐC GIA BỊ TRỤC XUẤT: SUY THOÁI TỪ TỪ (Chúc Mừng năm Mới)



QUỐC GIA BỊ TRỤC XUẤT: SUY THOÁI TỪ TỪ
Chúc Mừng Năm Mới!
            Thời điểm ấy là mấy tuần lễ sau cùng rất thú vị. Tôi vừa trở về hôm qua từ kỳ nghỉ gần cả hai tuần. Tôi sử dụng thì giờ với gia đình mình và thưởng thức việc sống trong tuyết phủ gần Hồ Tahoe. Giáng Sinh là thời điểm tuyệt vời ghi nhớ sự ra đời của Đấng Christ và hội thánh kỷ niệm như một gia đình. Rất là nhiều điều tốt lành.
            Nhưng đấy cũng là một thời điểm rất khó khăn. Chúng ta đã chứng kiến một trong những vụ bắn giết tệ hại nhất ở học đường trong lịch sử đất nước của chúng ta. Chúng ta đã chịu đựng (và vẫn còn chịu đựng) một trong những vấn đề chính trị lôi thôi nhất trong lịch sử mới đây. Chúng ta đã nói về thế giới có tận thế hay không vì cớ tấm lịch cổ xưa của người Nam Mỹ bản địa.
            Sau mọi sự nầy, có đôi chút khó khăn khi hình dung phải cảm nhận như thế nào về một năm mới. Chúng ta có nên lạc quan không? Hay chúng ta nên mong đợi bạo lực vô ý thức và thất vọng về chính trị? Khi mở đầu cho một năm mới, phần nhiều người trong chúng ta đưa ra một thắc mắc rất đơn giãn: mọi sự hướng về đâu chứ? Có nhiều đau buồn và có nhiều vui mừng. Có phải mọi việc đi đến chỗ tốt đẹp hơn hay tệ hại hơn? Điều thiện hay điều ác đang thắng thế trong xứ sở của chúng ta? Liệu thiện và ác có thắng thế trong nhiều đời sống không? Mọi việc đang hướng tới đâu chứ?
            Chúng ta đang ở giữa một loạt 9 tháng mà chúng ta gọi là EPIC: Câu Chuyện Đáng Kinh Ngạc Nói Tới Đức Chúa Trời Và Thế Giới. Mục tiêu của chúng ta là lần theo toàn bộ câu chuyện mà Kinh thánh thuật lại từ Sáng thế ký cho đến Khải huyền trên chuyến hành trình 9 tháng. Chúng ta đã khởi sự vào tháng 9 và chúng ta sẽ hoàn tất vào cuối tháng 5.
            Suốt chuyến hành trình, chúng ta đã tách câu chuyện ra thành nhiều mảng, làm như vậy giúp cho chúng ta nắm bắt được toàn bộ câu chuyện rồi xem xét các chi tiết của nó. Chúng ta đã khởi sự với kỷ nguyên sáng tạo và đã nhìn thấy Đức Chúa Trời hình thành một thế giới chắc chắn xoay lại chống đối Ngài trong sự loạn nghịch. Ngài bắt đầu tiến trình giải quyết vấn đề của sự loạn nghịch đó qua một người có tên là Ápraham. Đức Chúa Trời đã hứa chúc phước cho gia đình của Ápraham rồi qua họ chúc phước cho cả thế gian. Gia đình ấy lớn lên thành một quốc gia và Đức Chúa Trời đã ban cho họ một vùng đất để định cư rồi kêu gọi con cái của họ thuộc về Ngài. Theo dòng thời gian, họ quyết định rằng họ muốn giống như các dân tộc ở chung quanh và phải có một vua cai trị. Do vậy mới khởi sự một kỷ nguyên những ngày vinh hiển của Israel khi xứ sở được một vì vua cai trị, vì vua nầy nhìn biết Đức Chúa Trời. Saulơ là phần khởi động, David tiếp lấy quyền cai trị, và mọi việc khởi sự suy sụp với Solomon.
            Trong bài giảng sau cùng của chúng ta ở EPIC, chỉ mới cách đây mấy tuần thôi, chúng ta đã nhìn thấy điều mà tôi xem là việc tệ hại thứ nhì đã xảy ra trong Kinh thánh. Việc tệ hại, ấy là Êva đã bất tuân Đức Chúa Trời lúc khởi đầu của câu chuyện. Nhưng việc tệ hại kế tiếp, là khi dân sự củaVương quốc Đức Chúa Trời đã lao vào cuộc nội chiến và bị chia ra thành hai phe cho tới ngày nầy — ba ngàn năm sau — đã không sống hoà bình với nhau. Dân sự của Đức Chúa Trời chia đất nước ra làm hai; Israel ở phía Bắc và Giuđa ở phía Nam.
            Điều đó đưa chúng ta đến với kỷ nguyên mà chúng ta đang khởi sự hôm nay: Một Quốc Gia Bị Trục Xuất. Bối cảnh đã được bày ra cho những thời kỳ tăm tối. Trải qua bốn tuần lễ kế tiếp, chúng ta sẽ nhìn thấy xu hướng đi xuống của quốc gia Israel. Những ngày vinh hiển của Vua David đang ở sau lưng của chúng ta. Đất nước bị chia đôi, dân tộc sống xa cách Đức Chúa Trời, và hiển nhiên xứ sở bị xét đoán rồi phải bị lưu đày. Đề tựa của bài giảng tuần nầy là Suy Thoái Từ Từ. Trong thời điểm của các quan xét, thời kỳ nầy chứa một số chi tiết tối tăm nhất trong Kinh thánh. Một số việc tệ hại nhất xảy ra ở đây. Chính xác thì đây không phải là bộ bài giảng vui vẻ nhất cho năm mới đâu.
            Nhưng đấy chưa phải là mọi sự đâu. Cũng có một số thời điểm tuyệt vời — những khoảnh khắc mà Đức Chúa Trời tỏ ra và đánh dấu bóng tối tăm với các phép lạ đầy quyền năng. Những thời điểm hy vọng và đầy khích lệ. Ở giữa nhiều việc xấu xa, chúng ta sẽ nhìn thấy Đức Chúa Trời đang hành động. Có ý nghĩa ở đàng sau các biến có nầy. Có mục đích đấy.
            Và điều đó rất quan trọng cho chúng ta vì nó có ý nói rằng có ý nghĩa trong các sự cố của đời sống chúng ta. Có một việc khác đang xảy ra ở giữa thất vọng về chính trị, bạo lực, bất ổn về tài chánh, và lộn xộn trên trường quốc tế. Đức Chúa Trời đang hành động.
            Sáng nay, chúng ta sẽ nhìn thấy phần nầy được tố lộ ra khi chúng ta nhìn vào bốn cá nhân khác nhau. Hết thảy họ đều xuất thân từ Vương quốc phía Bắc Israel. Hai vị vua và hai vị tiên tri. Hai gã xấu xa và hai người nhơn đức. Tôi sẽ gọi họ là gã xuẩn ngốc, người cô đơn, kẻ giả mạo, và người sáng láng. Chúng ta sẽ nhìn thấy một số việc xấu xa, nhưng chúng ta cũng sẽ thấy Đức Chúa Trời đang hành động. Và trong niềm hy vọng, chúng ta sẽ nhận ra rằng Đức Chúa Trời đang hành động trong thế gian nữa.
Gã Xuẩn Ngốc
            Chúng ta hãy khởi sự với gã xuẩn ngốc. Đây là Vua Aháp. Muốn có cảm xúc về đời sống của ông ta, chúng ta sẽ đọc từ I Các Vua 16:29-33. Phân đoạn Kinh thánh nầy mô tả ông ta khi ông ta lên làm vua, và nó cung ứng phần tóm tắt rất hay về loại vua mà ông ta đã thể hiện.
            I Các Vua 16:29-33: Năm thứ ba mươi tám đời A-sa, vua Giu-đa, thì A-háp, con trai Ôm-ri, lên ngôi làm vua Y-sơ-ra-ên; người ở Sa-ma-ri, cai trị trên Y-sơ-ra-ên hai mươi hai năm. A-háp, con trai Ôm-ri, làm điều ác trước mặt Đức Giê-hô-va hơn hết thảy các người tiên bối mình. Vả, người lấy sự bắt chước theo tội lỗi của Giê-rô-bô-am, con trai Nê-bát, làm nhỏ mọn, nên người đi lấy Giê-sa-bên, con gái Ết-ba-anh, vua dân Si-đôn, mà làm vợ; người cũng đi hầu việc Ba-anh và thờ lạy nó. Người lập một bàn thờ cho Ba-anh tại trong miễu của Ba-anh mà người đã cất tại Sa-ma-ri. A-háp cũng dựng lên một hình tượng Át-tạt-tê. Vậy, A-háp làm nhiều điều ác, chọc giận Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên hơn các vua Y-sơ-ra-ên trước mình”.
            Aháp cũng lập một cây trụ Asêra rồi chọc giận Đức GIÊHÔVA, là Đức Chúa Trời của Israel, còn chọc giận nhiều hơn tất cả các vị vua của Israel trước ông ta nữa. Aháp thực sự là một gã rất tồi bại. Phân đoạn Kinh thánh của chúng ta chỉ ra rằng Aháp còn làm điều ác tệ hại hơn bất kỳ vua nào trước ông ta nữa. Ông ta còn chọc giận Đức Chúa Trời nhiều hơn các vua trước ông ta. Đấy là việc đáng nhớ cần phải nói ra. Có một loạt những vị vua thực sự gian ác trong Cựu Ước. Aháp có mặt giữa vòng những vua tệ hại nhất. Ông ta cưới Giêsabên làm vợ, có lẽ đây là người đàn bà hủ hoại nhất trong Kinh thánh. Bà ta còn xuất hiện trong sách Khải huyền như phần nhân cách hoá những người đàn bà gian ác.
            Đây là lý do tại sao tôi gán cái nhãn “gã xuẩn ngốc” cho Aháp. Ông ta về mặt cơ bản rất là gian ác. Vợ ông ta cũng rất là gian ác. Và khi một kẻ ác ngồi trên ngai vàng, cả nước phải chịu khổ. Có lần kia, Aháp tỏ vẻ buồn rầu, ông ta muốn miếng đất đã thuộc về người khác, nhưng người nầy không chịu bán miếng đất ấy cho ông ta. Vì vậy, vợ ông ta nói: “không thành vấn đề”. Bà ta giết người ấy đi rồi chiếm lấy miếng đất. Giải quyết quá dễ dàng. Ông ta là một vị vua gian ác và cuộc sống dưới quyền một vị vua gian ác thì quả là khủng khiếp lắm. Bạn không bao giờ biết mọi điều mà ông ta sẽ làm đâu. Chẳng có công bình, chẳng có thương xót, chẳng có hy vọng chi hết.
            Có nhiều người trong thế giới của chúng ta hay chần chừ không nói về điều ác. Chúng ta nói tới những việc xấu xa đang xảy ra. Chúng ta sẽ nói tới hạng người gian ác ở xa nhiều thế kỷ khác. Nhưng có một việc ngăn trở chúng ta không công nhận rằng điều ác là có thật. Chúng ta muốn nhìn thấy điều thiện trong mọi sự.
            Một vài tiếng đồng hồ sau vụ bắn giết ở bang Connecticut, tôi xem tin tức trên truyền hình nói tới sự cố nầy. Họ có một nhà tâm lý trên màn hình mau chóng cho biết rằng một thanh niên đã giết chết 27 người là “bịnh”. Bây giờ, tôi không có một lượng thông tin đặc biệt nào về cá nhân đặc biệt nầy.
            Tôi không biết một điều gì về hắn ta cả. Tôi dám chắc hắn ta mắc bịnh. Nhưng cái điều đánh mạnh vào tôi, ấy là xã hội của chúng ta dễ nói về tình trạng bịnh hoạn hơn là nói về điều ác. Bịnh hoạn có thể chữa lành. Song bạn sẽ làm gì với điều ác chứ?
            Aháp có thể mắc bịnh. Ông ta rõ ràng đang suy yếu và đã kết thúc ở chỗ bị vợ mình lôi kéo. Nhưng ông ta cũng là gian ác nữa. Và ông ta giúp chúng ta nhận ra rằng điều ác là có thật. Có điều ác trong thế giới nầy. Có những người hành động rất ích kỷ, không cần phải suy nghĩ tới người khác cùng hậu quả nào sẽ có. Có người rất tham lam, bon chen, sống theo tư dục và bạo lực.
            Thật là quan trọng khi nói rằng điều ác là có thật vì khi chúng ta tỏ ra thành thật, hầu hết chúng ta đều biết về điều ác. Có người trong chúng ta đã từng là nạn nhân của điều ác. Lạm dụng tình dục. Tà dâm. Lợi dụng thể xác. Phản bội. Nói vu. Ngồi lê đôi mách. Trộm cắp. Tấn công. Có người trong chúng ta đã chứng kiến điều ác hoặc đi bên cạnh ai đó là nạn nhân của điều ác.
            Và khi chúng ta thực thành thật, chúng ta công nhận rằng không những chúng ta là nạn nhân của điều ác, mà chúng ta còn phạm vào điều ác nữa kìa. Có người trong chúng ta đã lạm dụng người khác. Phản bội người chúng ta yêu thương. Trộm cắp. Tấn công tiếng tăm của người nào chúng ta không thích. Chúng ta không thể là người giống như Aháp. Nhưng chúng ta đã dự phần vào điều ác theo cùng một phương thức nào đó.
            Điều ác là có thật. Sự khải thị của Đức Chúa Trời rất là rõ ràng. Kinh nghiệm của chúng ta trong thế giới nầy thấy rõ nữa kìa. Và chính tấm lòng của chúng ta chỉ cho chúng ta thấy cùng một sự việc. Điều ác là có thật.
            Và đôi khi điều ác đang nắm quyền chủ động. Đấy là trường hợp với Vua Aháp. Thế là dấy lên một thắc mắc khó chịu: Đức Chúa Trời ở đâu khi quyền lực của thế gian nầy là ác chứ? Đức Chúa Trời đang ở đâu khi nhà vua lại là kẻ thù ghét Đức Chúa Trời? Đức Chúa Trời đang ở đâu khi điều ác đang ngự trên ngai vàng?
Người Cô Đơn
            Trong thực tế, điều nầy thường là trường hợp trong lịch sử. Các thế lực của trần gian nầy thường bị bẻ cong tùy theo các mục đích gian ác của họ. Một trong những phản ứng thông thường nhất của Đức Chúa Trời đối với điều nầy là hành động qua các cá nhân bộc lộ ra điều ác đó. Những con người thể ấy đều là các vị tiên tri. Trong sự trị vì của Vua Aháp, Đức Chúa Trời đã kêu gọi một người có tên là Êli nắm lấy chức vụ tiên tri.
            Thật là khó khi nói tới tầm quan trọng của tiên tri Êli. Môise là vị tiên tri lớn lao đầu tiên của Đức Chúa Trời. Êli  noi theo dấu chơn của Môise. Và Chúa Jêsus noi theo dấu chơn của ông. Khi Chúa Jêsus đi lên núi để gặp gỡ Đức Chúa Trời, thì có Môise và Êli hiệp với Ngài. Khi người Do thái kỷ niệm Lễ Vượt Qua, theo lệ thường thì phải để một cái ghế trống trong trường hợp Êli trở lại để hiệp với họ. Êli là một việc lớn đây.
            Êli thấy ray rứt bởi câu hỏi mà chúng ta mới vừa nêu lên: Đức Chúa Trời ở đâu khi ma quỉ lại là nhà vua? Êli  vốn biết rõ Đức Chúa Trời có nhiều quyền phép hơn, nhưng ông không hiểu lý do tại sao chẳng có ai khác hiểu điều đó.
            Trong một khoảnh khắc quyền lực nhất của Êli, ông thách các tiên tri Baanh bước vào cuộc thử nghiệm. Họ sẽ nhìn thấy một lần đủ cả Thần của ai có nhiều quyền phép hơn. Các tiên tri của Baanh dựng lên một bàn thờ rồi đặt của lễ trên đó. Êli làm y như thế. Các tiên tri Baanh đã cầu xin thần của họ giáng lửa xuống của lễ của họ. Không một điều gì xảy ra. Êli đã làm y như vậy. Nhưng trước tiên, ông nhúng con thú và củi trong nước sâu đến nỗi ông phải đào thêm cái mương ở quanh nó. Ông muốn làm nổi bật quyền phép của Đức Chúa Trời lên. Và Đức Chúa Trời đã bày tỏ. Lửa giáng xuống từ trời, thiêu đốt của lễ và bàn thờ. Đức Chúa Trời của Israel đã tự minh chứng về Ngài.
            Thế nhưng ngay sau bối cảnh đó, Êli đang bỏ chạy. Ông sợ rằng mặc dầu Đức Chúa Trời của ông đã tự minh chứng mình về Ngài, bản thân ông đang ở trong chỗ nguy hiểm. Giêsabên, vợ của Aháp, đặc biệt đã thề giết chết ông. Vì vậy, Êli  bỏ chạy và ông trốn tránh Đức Chúa Trời. Nhưng trốn tránh Đức Chúa Trời không bao giờ được suông sẻ đâu. Đức Chúa Trời tìm gặp ông và phán cùng ông. Sau đây là cách mà cuộc trao đổi đã diễn ra.
            I Các Vua 19:10: Người thưa rằng: Tôi đã rất nóng nảy sốt sắng vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời vạn quân; vì dân Y-sơ-ra-ên đã bội giao ước Ngài, phá hủy các bàn thờ Ngài, dùng gươm giết những tiên tri Ngài; chỉ một mình tôi còn lại, và họ cũng kiếm thế cất mạng sống tôi.
            Êli nói cho Đức Chúa Trời biết rằng chỉ còn có mỗi mình ông. Ông tưởng ông là người tín đồ duy nhứt còn sống. Không một ai khác sống chân thật với Đức Chúa Trời. Hãy chú ý, ông chưa thắc mắc với Đức Chúa Trời liền đâu. Đức Chúa Trời mới vừa minh chứng về Ngài đây. Ngài mới vừa sỉ nhục đám tiên tri Baanh đây. Nhưng Êli cảm thấy cô độc hoàn toàn. Đây là lý do tại sao tôi gọi Êli là “người cô đơn”. Ông rất trung thành với Đức Chúa Trời, nhưng ông thường xuyên đánh trận với cảm xúc nầy vì ông là người duy nhứt. Ông đã đánh trận với sự cô độc cả cuộc đời của ông.
            Câu trả lời của Đức Chúa Trời rất là hay. Hãy lắng nghe như sau:
            I Các Vua 19:11-13: Đức Chúa Trời phán với người rằng: Hãy đi ra, đứng tại trên núi trước mặt Đức Giê-hô-va. Nầy Đức Giê-hô-va đi ngang qua, có một ngọn gió mạnh thổi dữ tợn trước mặt Ngài, xé núi ra, và làm tan nát các hòn đá; nhưng không có Đức Giê-hô-va trong trận gió. Sau trận gió có cơn động đất; nhưng không có Đức Giê-hô-va trong cơn động đất. Sau cơn động đất có đám lửa; nhưng không có Đức Giê-hô-va trong đám lửa. Sau đám lửa, có một tiếng êm dịu nhỏ nhẹ.
            Đức Chúa Trời ban cho Êli một số huấn thị và rồi phán với ông như vầy ở câu 18:
            Nhưng ta đã để dành lại cho ta trong Y-sơ-ra-ên bảy ngàn người không có quì gối xuống trước mặt Ba-anh, và môi họ chưa hôn nó”.
            Êli đã cảm thấy ông là người duy nhứt. Hạng người quyền lực trong thế giới của ông là gian ác. Aháp, Giêsabên, các tiên tri Baanh. Thứ có nhiều quyền lực trong thế giới của Êli là điều ác, vì vậy Đức Chúa Trời phán qua kẻ yếu đuối. Tiếng phán của Đức Chúa Trời không ở trong gió lốc. Tiếng phán của Đức Chúa Trời không ở trong trận động đất. Tiếng phán của Đức Chúa Trời không ở trong ngọn lửa. Tiếng phán của Đức Chúa Trời đến trong tiếng êm dịu nhỏ nhẹ. Khi quyền lực là gian ác, Đức Chúa Trời phán qua sự yếu đuối.
            Và trong tiếng êm dịu nhỏ nhẹ đó, Đức Chúa Trời báo cho Êli biết rằng ông không phải một mình đâu. Bạn không phải là một mình đâu. Có thể cảm xúc như thế, nhưng không đúng như thế đâu. Có nhiều người khác đang trung thành với Ta. Thực vậy, có đến hàng ngàn người. Ngươi không cô độc đâu.
            Đôi khi chúng ta cũng cảm thấy như chúng ta đang ở một mình vậy. Sống làm một môn đồ của Đấng Christ là một việc hoàn toàn khác. Theo Đức Chúa Trời có nghĩa là chúng ta có những giá trị khác đối với nhiều người ở chung quanh chúng ta. Chúng ta nghĩ rằng có nhiều thứ cho cuộc sống hơn thế gian nầy. Điều đó làm cho mọi sự ra khác biệt đối với chúng ta. Cách thức chúng ta suy nghĩ về tiền bạc, cách thức chúng ta suy nghĩ về các mối quan hệ, cách thức chúng ta suy nghĩ về tình dục, cách thức chúng ta suy nghĩ về quyền lợi, kinh nghiệm, sự vui mừng và đau khổ. Và đôi lúc có thể là một nơi rất cô độc.
            Tôi nhớ mình có cảm xúc như vầy khi còn đi học về vấn đề lựa chọn tình dục. Tôi nhớ mình suy nghĩ rằng nếu tôi không muốn có tình dục trước khi tôi lập gia đình, rồi có tìm được ai đó có cùng suy nghĩ ấy không. Liệu tôi có là trinh nữ duy nhứt trong toàn trường không? Liệu tôi có là người duy nhứt trên thế gian không?
            Thật là quan trọng cho chúng ta khi nhìn biết rằng chúng ta không cô độc. Đó là một phần của lý do tại sao chúng ta cứ nhóm lại mỗi tuần đặng thờ phượng. Đây là một phần của lý do tại sao trong Cựu Ước Đức Chúa Trời yêu cầu dân sự Ngài hết thảy đều nhóm lại tại thành Jerusalem một năm mấy lần trong các kỳ lễ chính. Chúng ta cần phải biết rằng chúng ta không cô độc đâu. Chúng ta phải biết rằng có nhiều người khác nữa, họ đang trung thành với Đức Chúa Trời. Theo Đức Chúa Trời có thể là một con đường cô độc. Chúng ta phải cùng nhau bước đi trên con đường đó.
Kẻ Giả Mạo
            Vì vậyVua Aháp — kẻ xuẩn ngốc — đang nắm lấy quyền lực. Điều ác là có thật. Nhưng Đức Chúa Trời kêu gọi tiên tri Êli — người cô độc — làm rõ thực tại về Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời nhắc cho Êli nhớ rằng có nhiều người đang trung thành với Đức Chúa Trời dù ở trong các thời kỳ tăm tối. Giờ đây, chúng ta đến với Vua Giêhu. Khởi sự, ông ta cung ứng cho chúng ta một số hy vọng. Ông ta bắt đầu triều đại của mình bằng cách quyết định gạt bỏ khỏi Israel các thứ mà Aháp toan liệu. Ông muốn loại bỏ hoàn toàn sự thờ lạy hình tượng ra khỏi Israel.
            Vì thế, đây là những gì ông đã làm:
            II Các Vua 10:18-19: Giê-hu nhóm hết thảy dân sự, và nói cùng chúng rằng: A-háp ít hầu việc Ba-anh; Giê-hu sẽ hầu việc nhiều. Vậy bây giờ, hãy nhóm lại cho ta các tiên tri của Ba-anh, các đầy tớ người, và hết thảy thầy cả người. Chớ thiếu một ai, vì ta có ý dâng một của tế lễ lớn cho Ba-anh. Hễ ai không đến, ắt sẽ không sống. Vả, Giê-hu dùng mưu trí, toan diệt các kẻ hầu việc thần Ba-anh”.
            Thế là Giêhu cho nhóm lại các tiên tri Baanh ở một chỗ rồi khoá trái mấy cánh cửa lại.
            II Các Vua 10:25-28: Khi đã dâng của lễ thiêu xong, Giê-hu nói với quân hộ vệ và các quan tướng rằng: Hãy vào giết chúng nó, chớ để một ai được ra. vậy, chúng giết họ bằng lưỡi gươm. Đoạn, quân hộ vệ và các quan tướng ném thây họ ra ngoài, lật đật vào thành của miễu Ba-anh. Chúng cất những trụ thờ khỏi miễu và đốt đi, đập bể hình tượng Ba-anh, cùng phá dỡ đền nó, làm thành một lỗ xí hãy còn đến ngày nay. Như vậy, Giê-hu trừ diệt thần Ba-anh khỏi Y-sơ-ra-ên.
            Chúng ta có thể đồng cảm với mọi động lực của Giêhu. Ông muốn Israel thôi không thờ lạy các hình tượng giả dối nữa. Ông muốn loại bỏ hình tượng ra khỏi xứ sở. Nhưng đây là một cuộc thảm sát. Điều nầy rất khủng khiếp. Nó lôi cuốn và lừa lọc. Đức Chúa Trời không tán thành những gì Giêhu đã làm. Thực vậy, dòng dõi của Giêhu bị cắt bớt đi vì cớ điều mà ai cũng biết rõ là cuộc thảm sát tại Gítrêên. Ở đỉnh cao của việc ấy, ông không thiết tha với việc đưa dân sự trở lại với Đức Chúa Trời. Ông giết các tiên tri của Baanh, nhưng ông không trở về với Đức Chúa Trời.
            Giêhu sống tôn giáo ở bề ngoài, nhưng bề trong thì chẳng có chi hết. Ông nói mọi động cơ của ông là luyện lọc xứ sở cho khỏi điều ác, song ông làm thế bằng cách phạm vào một hành động gian ác của chính mình. Nếu Aháp là gian ác, thì Giêhu là kẻ giả mạo. Giêhu là “kẻ giả mạo”.
            Không may, chúng ta biết có nhiều người sống theo cách giả mạo. Chúng ta biết có nhiều người xưng mình sống tôn giáo ở bề ngoài, nhưng chẳng có gì dưới cái lốt ấy. Đây là một trong những lý do phổ thông nhất mà người ta đưa ra cho biết lý do tại sao họ không đến với hội thánh.
            Không may, tôn giáo không cứu được ai. Tôn giáo đôi khi có thể là cái màn khói che những mục đích và mục tiêu ích kỷ của bạn. Tôn giáo có thể là giả mạo. Chúng ta biết điều nầy vì chúng ta đã nhìn thấy nhiều người sống giả mạo. Và thường thì bản thân chúng ta là giả mạo.
            Đây là loại vua mà Giêhu đã thể hiện. Lúc đầu, dường như ông muốn mình sẽ làm nhiều việc tốt đẹp hơn, nhưng ông đã trở thành kẻ giả mạo. Đây là vấn đề khiến tiên tri Amốt thốt ra điều nầy trong lịch sử của Israel ở Amốt 5:21-24:
            “Ta ghét; ta khinh dể những kỳ lễ của các ngươi; ta không đẹp lòng về những hội trọng thể của các ngươi đâu. Dầu các ngươi dâng những của lễ thiêu và của lễ chay cho ta, ta sẽ không nhận lấy; ta chẳng đoái xem những con thú mập về của lễ thù ân các ngươi. Hãy làm cho tiếng của bài hát các ngươi xa khỏi ta! Ta không khứng nghe tiếng đàn cầm của các ngươi. Thà hãy làm cho sự chánh trực chảy xuống như nước, và sự công bình như sông lớn cuồn cuộn.
            Đức Chúa Trời lấy làm mệt mõi về dân sự giống như Giêhu, ông kêu gọi mọi người nhóm lại với nhau để dự lễ tưởng niệm về mặt tôn giáo, song không quan tâm đến việc nào liên quan đến Ngài hay người khác. Ngài ao ước dân sự sẽ thôi đừng tổ chức lễ lạc giả hình nữa mà hãy làm sự công bình. “Hãy làm cho sự công bình như sông lớn cuồn cuộn”. Đức Chúa Trời muốn thứ đức tin làm thay đổi đời sống của dân sự và yêu cầu họ phải hướng tới mọi nhu cần của người khác. Giêhu không làm được như thế.
            Và nếu rất khó nhìn thấy Đức Chúa Trời trong một thế giới mà nhà Vua là kẻ thù ghét Đức Chúa Trời, thì càng khó hơn nữa khi muốn nhìn thấy Đức Chúa Trời khi nhà vua là một kẻ giả mạo Đức Chúa Trời. Đây là một việc cho thấy có hạng người gian ác trong thế gian. Những kẻ độc tài, những kẻ giết người, những kẻ trộm cướp và những kẻ chẳng biết quan tâm đến người khác. Nhưng bạn sẽ làm gì khi hạng người xưng mình ở bên cạnh Đức Chúa Trời lại đổi thành hạng người xấu xa?
            Bạn sẽ làm gì khi linh mục lại đổi thành kẻ quấy rối trẻ em? Khi Mục sư có một cú áp phe? Khi cấp lãnh đạo nghiên cứu Kinh thánh ngồi lê đôi mách về người khác ở trong nhóm? Đức Chúa Trời ở đâu khi hạng người xưng mình nhận biết Ngài lại là kẻ nói dối và giả hình?
Người Sáng Láng
            Ở điểm nầy, có nhiều việc rất tăm tối. Thực sự, chúng ta không có câu trả lời cho thắc mắc mà chúng ta đã khởi sự với: mọi việc hướng tới đâu? Vua Aháp, gã xuẩn ngốc cho chúng ta thấy điều ác là có thật. Êli, người cô độc cho chúng ta thấy có nhiều người đang sống trung thành với Đức Chúa Trời. Nhưng rồi Vua Giêhu, kẻ giả mạo cho chúng ta thấy ngay cả tôn giáo cũng có thể là giả mạo. Vậy thì Đức Chúa Trời đang ở đâu trong mọi sự nầy?
            Người sau cùng chúng ta sẽ nhìn vào giúp chúng ta thấy Đức Chúa Trời đang ở giữa mọi sự lẫn lộn nầy. Ông là vị tiên tri đã đi theo Êli, môn đồ của Êli là Êlisê. Ai cũng biết nhiều về Êli, nhưng thực sự có nhiều điều được ghi lại về Êlisê. Ông làm ra nhiều phép lạ thật khó tin.
            Chúng ta gần như không có đủ thì giờ để nhìn vào mọi sự mà Êlisê đã làm, vì vậy chúng ta sẽ nhìn vào một bối cảnh nhỏ mà thôi. Bối cảnh nầy được ghi lại ở II Các Vua 4:1-7 và là một trong các phép lạ ai cũng biết do Đức Chúa Trời đã làm qua Êlisê. Đây là câu chuyện nói tới dầu của người đàn bà goá.
            II Các Vua 4:1-7: Vả, có vợ của một người môn đồ của các đấng tiên tri đến phàn nàn cùng Ê-li-sê, mà rằng: Kẻ tôi tớ ông, là chồng tôi, đã qua đời; và ông biết rằng kẻ tôi tớ ông kính sợ Đức Giê-hô-va. Vả, chủ nợ người đến toan bắt hai đứa con tôi làm tôi mọi. Ê-li-sê nói với nàng rằng: Ta phải làm gì cho ngươi? Hãy nói cho ta biết ngươi có vật gì ở nhà? Nàng thưa rằng: Con đòi ông chẳng có gì trong nhà hơn là một hũ dầu. Người bèn tiếp rằng: Hãy đi ra ngoài mượn những bình không của các kẻ láng giềng ngươi, chớ mượn ít. Khi ngươi trở về, hãy vào nhà với các con ngươi, đóng cửa lại, rồi hãy đổ dầu vào các bình đó; hễ bình nào đầy thì để nó riêng ra. Nàng liền đi khỏi người, vào nhà với các con trai mình, đóng cửa lại; các con trai nàng đem bình lại, và nàng đổ dầu vào. Khi các bình đã đầy, nàng nói với con trai mình rằng: Hãy đem cho ta một bình nữa. Nhưng nó thưa rằng: Hết trơn bình rồi. Dầu bèn ngừng lại. Bấy giờ, nàng đem việc ấy thuật cho người của Đức Chúa Trời, thì người nói rằng: Hãy đem bán dầu mà trả nợ của ngươi; đoạn, ngươi và các con trai ngươi sẽ lấy dầu còn lại mà nuôi mình.
            Có nhiều việc diễn ra trong câu chuyện ngắn gọn nầy. Ở một cấp độ, đây chỉ là một câu chuyện nói tới Đức Chúa Trời đang vùa giúp cho một người trong chỗ có cần qua một vị tiên tri của Ngài. Việc nầy xảy ra trọn thời điểm mà Đức Chúa Trời sử dụng hạng người như Êlisê hay bạn và tôi để vùa giúp cho những ai đang có cần. Đây là loại Đức Chúa Trời mà chúng ta đang tin theo: một Đức Chúa Trời quan tâm đến những ai đang có cần.
            Nhưng ở một cấp độ sâu sắc hơn, câu chuyện nầy và những câu chuyện giống như nó đang thốt ra một việc thực sự rất quan trọng. Khi các vua sống gian ác, thì dân tình phải chịu khổ. Kinh thánh đề cập đến họ là những kẻ goá bụa và trẻ mồ côi. Nhưng một trong các dấu hiệu rõ ràng nhất nói tới Vương quốc của Đức Chúa Trời, ấy là dân tình được bảo hộ và được chiếu cố đến.
            Về sau trong Tân Ước, sứ đồ Giacơ nói rằng tôn giáo thật hiện hữu khi bạn chiếu cố đến kẻ mồ côi và người goá bụa – hạng người khổ sở của thế gian. Đấy là cách mà bạn tìm thấy Vương quốc thật của Đức Chúa Trời. Không phải khi các tiên tri của Baanh bị giết hết, mà là khi những kẻ goá bụa được tiếp trợ cho.
            Đây là một phần chú thích bên lề, nhưng đó chính là việc đánh mạnh vào tôi khi tôi nghiên cứu đề tài nầy. Giêhu được xác định bằng cách chống nghịch các tiên tri của Baanh. Phần lớn các phép lạ của Êlisê được làm ra vì ích cho hạng người đau khổ trong thế giới của ông. Đôi khi người ta nghĩ đức tin của họ nơi Đức Chúa Trời nhắm vào kẻ mà họ đang nghịch với, nhưng đức tin thật thì nhắm vào bạn là ai kìa, chớ không phải những người mà bạn đang nghịch với đâu.
            Người đàn bà goá nầy được chiếu cố vì Vương quốc của Đức Chúa Trời đang vận hành. Ngay cả ở giữa một vì vua gian ác, điều thiện có thể phát triển mạnh thêm. Ngay cả khi hệ thống thất bại, Đức Chúa Trời đang vận hành. Vương quốc của Đức Chúa Trời tạo ra trái dù ở giữa cả cánh đồng gai góc. Đức Chúa Trời thắng hơn sự tối tăm.
            Câu chuyện nói tới Êlisê tỏ ra một việc mà chúng ta cần phải biết. Vương quốc của Đức Chúa Trời phát triển ngay cả trong những chỗ tối tăm nhất. Một vì vua gian ác không thể hủy diệt được Vương quốc ấy. Tình trạng cô độc không thể làm cho Nước ấy bị mù mờ đi. Cấp lãnh đạo giả hình không thể làm cho Nước ấy mất đi hiệu lực. Ngay cả trong những nơi tăm tối nhất, những người goá bụa được chăm sóc đến và Vương quốc của Đức Chúa Trời phát triển. Nước ấy không những đang đến gần. Nước ấy đang phát triển và thịnh vượng.
            Cái điều chúng ta cần lúc đó là hướng mắt nhìn xem Vương quốc của Đức Chúa Trời ở giữa các thứ đang thịnh hành chung quanh chúng ta. Chúng ta muốn nghe các câu chuyện nói tới nhiều phép lạ giống như Êlisê đang chăm sóc cho người đàn bà goá kia. Chúng ta muốn biết cách thức Đức Chúa Trời vận hành ở những chỗ như Ấn độ và Trung hoa mặc dầu sự chống đối của nhà cầm quyền đối với Tin Lành đang gia tăng. Chúng ta muốn nghe biết thể nào các cá nhân được chữa lành và biến đổi dầu cộng đồng của chúng ta dường như sắp tan tành từ áp lực của cuộc sống trong nền văn hoá nầy.
            Đây là lý do tại sao tôi gọi Êlisê là “người sáng láng”. Đây là những điều mà các vị tiên tri thường làm. Họ giúp cho dân sự của Đức Chúa Trời nhìn thấy Vương quốc của Đức Chúa Trời trong các hoàn cảnh mỗi ngày. Họ làm chứng cho thực tại Đức Chúa Trời trong một thế giới dường như vắng mặt Đức Chúa Trời ở đó.
            Ở điểm nầy, Êlisê giúp cho đối mắt của tôi tớ Ngài nhìn thấy loại sự việc nầy. Họ đã ở chịu sự tấn công từ Vua xứ Syria và tôi tớ của Êlisê thực sự rất sợ hãi.
            II Các Vua 6:15-17: Tôi tớ của người Đức Chúa Trời chổi dậy sáng sớm đi ra, thấy một đạo binh cùng ngựa và xe đang vây thành. Người nói với Ê-li-sê rằng: Hỡi ôi! chúa, chúng ta sẽ làm sao? Ê-li-sê đáp rằng: Chớ sợ, những người ở với chúng ta đông hơn những người ở với chúng nó. Đoạn, Ê-li-sê cầu nguyện mà rằng: Đức Giê-hô-va ôi, xin mở mắt kẻ tôi tớ tôi, để nó thấy được. Đức Giê-hô-va mở mắt người ra, thì người thấy núi đầy những ngựa và xe bằng lửa ở chung quanh Ê-li-sê.
            Êlisê có thể nhìn thấy một việc mà tôi tớ của ông không thể nhìn thấy. Ông có thể nhìn thấy mặc dầu mọi sự dường như sắp đi đến chỗ mất mát hết, Vương quốc của Đức Chúa Trời vẫn còn ở nguyên đấy. Vì vậy, ông đã cầu xin Đức Chúa Trời mở mắt tôi tớ của ông. Và khi mắt hắn được mở ra, hắn đã nhìn thấy núi đồi đầy những ngựa và xe ngựa lửa. Tôi tớ của ông có thể nhìn thấy những điều mà bình thường không sao trông thấy được: Vương quốc của Đức Chúa Trời đang phát triển, ngay cả trong chỗ mọi điều kiện tệ hại nhất.
            Có những con mắt mà chúng ta rất cần. Chúng ta cần nhìn thấy Đức Chúa Trời trong một thế giới tối tăm. Và đây là vai trò mà chúng ta có thể đóng trong thế gian. Chúng ta có thể giúp cho bao người khác nhìn thấy Đức Chúa Trời ở những địa điểm mà dường như Đức Chúa Trời không có mặt. Chúng ta tin rằng Vương quốc của Đức Chúa Trời đang phát triển ngay cả trong những chỗ tối tăm. Và chúng ta có thể minh chứng thực tại của Nước ấy cho một thế giới đang chối bỏ lẽ thật đó.
Phần kết luận:
            Khi chúng ta bước vào kỷ nguyên mới nầy của EPIC, chúng ta nhìn thấy một số khó khăn đang diễn ra. Chúng ta nhìn thấy xứ sở Israel ngày càng tệ hại hơn. Chúng ta nhìn thấy điều ác rất thực. Khi chúng ta nhìn vào chính thế giới của chúng ta, chúng ta sẽ đi đến cùng một kết luận. 2013 sẽ chẳng tốt đẹp gì hơn 2012. Có thể nó sẽ càng tệ hại hơn. Có nhiều việc sẽ tệ hại hơn trong thế giới của chúng ta. Có nhiều việc sẽ càng tệ hại hơn trong xứ sở của chúng ta. Có nhiều việc sẽ tệ hại hơn trong đời sống  của chúng ta.
            Nhưng sáng nay, khi chúng ta đã nhìn thấy điều ác và sự giả hình, chúng ta cũng đã nhìn thấy một việc khác nữa. Đức Chúa Trời nhắc cho Êli nhớ rằng ông không phải cô độc trong sự trung thành của ông và chúng ta được nhắc nhớ về cùng một việc. Êlisê cầu thay cho đôi mắt của tôi tớ mình được mở ra để nhìn thấy quyền phép của Nước Đức Chúa Trời ngay ở giữa thế lực gian ác của Vương quốc trần gian nầy. Và chúng ta được ban cho chính đôi mắt đó để nhìn thấy Vương quốc của Đức Chúa Trời.
            Đây là điều mà chúng ta cần phải biết rõ. Chúng ta cần phải biết rõ, bất cứ điều chi xảy ra trong thế giới của chúng ta, có một mục đích. Có ý nghĩa đấy. Có mục đích và ý nghĩa vì có một Đức Chúa Trời là Đấng ở đàng sau mọi sự ấy và tay Ngài đang ở trên loài thọ tạo của Ngài. Điều ác, sự giả hình, tình trạng cô độc, sự bất công không thể đứng trên đường lối của Đức Chúa Trời nầy và chương trình của Ngài.
            Và khi chúng ta tiếp thu qua chương trình Epic, chương trình của Ngài khởi sự ở chỗ nầy và nó sẽ kết thúc ở chỗ kia. Mọi sự đang hướng tới phía trước đến một ngày mà Đức Chúa Trời sẽ xưng nhận Ngài hoàn toàn đắc thắng. Điều ác và sự giả hình sẽ không được phép tồn tại cho đến đời đời được. Trong khi mọi sự nầy đang diễn ra tại xứ Israel, tiên tri Ôsê phán ra mấy lời nầy:
            Ôsê 2:21-23: “Đức Giê-hô-va phán: Trong ngày đó, ta sẽ trả lời, ta sẽ trả lời cho các từng trời, các từng trời sẽ trả lời cho đất. Đất sẽ trả lời cho lúa mì, cho rượu mới, cho dầu, và ba thứ nầy sẽ trả lời cho Gít-rê-ên. Đoạn ta sẽ gieo nó cho ta trong đất, và sẽ làm sự thương xót cho kẻ chưa được thương xót. Ta sẽ nói cùng những kẻ chưa làm dân ta rằng: Ngươi là dân ta, và nó sẽ trả lời rằng: Ngài là Đức Chúa Trời tôi”
            Ngày hầu đến khi Đức Chúa Trời sẽ trả lời. Ngày hầu đến khi Đức Chúa Trời sẽ hành động. Ngày hầu đến khi Đức Chúa Trời sẽ phán cùng chúng ta “ngươi là dân ta” và chúng ta sẽ thưa cùng Ngài: “Ngài là Đức Chúa Trời tôi”. Nguyện chúng ta có đôi mắt nhìn xem Vương quốc trên đất ngay bây giờ khi chúng ta chờ đợi ngày hầu đến đó.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét